Khi một người Tây Phương trở thành Phật tử, chắc chắn người ta sẽ hỏi kẻ đó hàng trăm lần tại sao anh ta quyết định theo Phật và hàng ngàn lần nếu họ muốn làm một nhà sư Phật Giáo. Cho nên thật là một đề tài lý thú cho buổi giảng hôm nay và tôi sẽ cố gắng trình bày sơ lược những lý do vì sao tôi đã quy y Phật để rồi lại xuất gia làm Tỳ Kheo luôn.

Ða số dân tộc ngoài thế giới Tây Phương đều nghĩ rằng Châu Á và Châu Mỹ là đất của Thiên Chúa Giáo. Có thể xưa kia là vậy, nhưng bây giờ tình trạng đã đổi khác. Hiện nay tại Hoa Kỳ có đến bốn mươi phần trăm tổng số dân chúng không theo đạo nào. Tại nhiều nước Châu Âu tỷ số người không vào tôn giáo có thể còn lớn hơn. Tại Anh quốc chỉ có khoảng ba phần trăm dân số là thường đi nhà thờ. Ở Na Uy (Norway), Thụy điển (Sweden) và Ðan Mạch (Denmark) tỷ số ấy còn ít hơn nữa. Và bất cứ nơi nào dân chúng có một trình độ học vấn cao thì ở đó niềm tin Thiên Chúa hầu như cũng mất hiệu lực.

Tại những nước Tây Phương khoảng một thế kỷ trước, nền giáo dục phổ thông ít được phổ cập trong quần chúng. Chỉ có hạng người thuộc những giai cấp thượng lưu mới đủ điều kiện học đến trình độ tiểu học, còn đa số dân chúng đều không biết đọc, biết viết. Chính trong thời gian đó, tôn giáo ở Châu Âu và Châu Mỹ mới được phát triển. Hiện giờ nền giáo dục phổ thông và miễn phí cho mọi người đã bành trướng khắp nơi, và chúng ta thấy số người biếtđọc, biết suy luận càng ngày càng tăng thì những người theo Thiên Chúa Giáo lại càng ngày càng giảm. Tại các trường Đại Học trong hàng sinh viên và giáo sư tìm ra được những người theo Thiên Chúa Giáo cũng rất hiếm.

Tại sao thành phần trí thức các nước Tây Phương từ chối Thiên Chúa Giáo? Lý do này rất dể tìm thấy. Bởi lẽ Thiên Chúa Giáo xây dựng trên đức tin không phán đoán và dạy con người chấp nhận một cách vô điều kiện vào những giáo lý đó. Con người bị bắt buộc tin vào đức Chúa, đấng đã lập thế giới trong sáu ngày và tạo ra con người rồi lại nỗi cơn thịnh nộ đánh đắm (drowned) họ tất cả. Những lời phán dạy này đối với hạng người hiểu biết trở thành quá vô lý và đó là lý do khiến đa số hàng trí thức không muốn lui tới giáo đường. Họ không những không theo Giáo Hội mà còn không ham thích trong sự tìm hiểu giáo lý Thiên Chúa nữa. Vì giáo lý đó phủ nhận lý trí sáng suốt của con người.

Tôi là người con độc nhất của một gia đình theo Thiên Chúa. Tôi thường đến học và giúp lễ nhà thờ trong ngày chủ nhật. Thầy mẹ tôi rất ngoan đạo và hay tham gia các hoạt động tại nhà thờ. Nhưng càng đến tuổi già, ông bà bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn và tự thấy mình đã phí mất phần lớn cuộc đời cho sinh hoạt nhà thờ. Từ đó ông bà cụ tôi đâm ra ít hoặc không chú ý đến đạo Thiên Chúa nữa. Cả hai thân sinh tôi đều thấy rõ là Thiên Chúa Giáo không giải đáp được vấn đề sâu xa của cuộc sống.

Vì vậy, khi tôi đến tuổi vừa quá hai mươi, tôi tự cảm thấy Thiên Chúa Giáo không còn chiếm một phần trong nếp sống gia đình tôi nữa. Phần đông mọi người vốn sẵn có đức tín tôn giáo. Họ tin rằng có một đời sống sau khi chết và kẻ nào hiện tại biết làm lành thì sau sẽ được thưởng và làm ác sẽ bị trừng phạt. Khi tôi quá hai mươi tuổi, tôi tin như thế và tôi thiết tha đi tìm một tôn giáo để tôi có thể chân thành đặt hết niềm tin vào đó. Tôi đã tìm gặp được nhiều người trong Giáo Hội Thiên Chúa rất tốt bụng và thành thật, nhưng với cái lý thuyết về địa ngục đời đời và sự tàn ác của đức Chúa không làm sao cảm hóa được tôi.

Tôi thường chú ý đến một vài tôn giáo dạy con người sử dụng khả năng lý trí của họ hoặc không nên tin bất cứ điều gì mà họ thấy sai với sự thật. May mắn là tôi không tìm thấy sự phủ nhận lý trí trong Phật Giáo. Thật vậy không phải tôi mới nghiên cứu Phật Giáo ba năm trước đây mà chính ngay lúc bắt đầu tìm hiểu giáo lý đức Phật tôi đã bắt gặp những điều tôi hằng ước mong tìm kiếm.

Lời dạy đã hấp dẫn tôi nhất khiến tôi trở thành tu sĩ Phật Giáo là đoạn kinh Kalama đức Phật bảo con người không nên tin tưởng một cách mù quáng. Chắc đa số quý đạo hữu đều nhớ đoạn kinh ý nghĩa này: "Không nên tin những điều gì dù đó là điều được mọi người xung quanh các con tin tưởng, do các vị Thánh nhân nói ra, hoặc đã chép ở kinh sách, nhưng với bất cứ điểu gì sau khi lý trí các con nhận xét thấu đáo là tốt đẹp và chân chính thì hãy tin tưởng và thực hành theo". Những lời dạy trên đây của đức Phật đã kích động sâu xa tâm hồn tôi, nên khoảng ba năm trước đây tôi đã có ý định muốn trở thành một Phật tử tại gia.

Sau khi quy y Phật, tôi đã tiếp xúc với nhiều chùa Phật Giáo Nhật Bản tại Los Angeles (Hoa Kỳ) và một số Phật tử Trung Hoa. Điều may mắn cho tôi là lúc bấy giờ tại Los Angeles có đến gần hai mươi ngôi chùa Nhật Bản và phần lớn là những ngôi chùa này đều có tổ chức các lớp học giáo lý chủ nhật và nhiều đoàn thể thanh niên Phật tử. Tôi đã tham gia hoạt động cho các đoàn thanh niên đó và sau tôi trở thành giáo sư của lớp học chủ nhật này.

Tôi cũng đã dự một lớp tu học về Thiền do một đại thiền sư hướng dẫn. Tôi rất buồn phải kể với quý đạo hữu hay là vị thiền sư của tôi đã mất đúng một tháng trước khi tôi rời California để sang Châu Á. Nhưng biến cố này không làm tôi bỏ dở công việc tu tập thiền định. Tháng 3 năm 1959, Ðại Ðức Sumangalo trở thành quý khách ở suốt mấy tuần trong nhà tôi. Tôi đãđàm luận rất nhiều với Ðại Ðức về cuộc đời của tôi cùng những điều tôi thấy cần phải làm để có thể lợi ích cho cuộc sống bản thân và mọi kẻ khác. Ðến tháng năm, tôi có ý định hiến dâng đời mình cho Phật Giáo nên Ðại Ðức Sumangalo đã thọ ký nhận tôi làm Sa Di và sau đó ngài sắp đặt cho tôi thọ Tỳ Kheo với một vị Ðại Thiền Sư tại Nhật vào ngày 9 tháng 9 năm 1959. Tôi liền sang Penang (Mã Lai) để mong giúp ích nhiều hơn cho tổ chức thanh niên Phật tửđang phát triển tại đây và tôi nghĩ nếu thuận tiện tôi sẽ ở lại dạy giúp cho lớp học giáo lý chủ nhật và cũng để nghiên cứu thêm về Phật Giáo luôn.

Chắc phần đông quý đạo hữu muốn biết tại sao tôi đã từ bỏ cuộc sống đầy thú vui dục lạc ở kinh đô điện ảnh thế giới Hồ Ly Vọng (Hollywood) để xuống tóc sống đời sống thanh bần của một nhà sư. Lý do rất dể trả lời. Thường mọi người ai cũng muốn có hạnh phúc. Tôi không tìm thấy hạnh phúc trong việc làm của tôi tại Hồ Ly Vọng, mặc dù tôi được sống trong một gian nhà xinh xắn, với một chiếc xe hơi rất đẹp, lương tiền nhiều cùng mọi tiện nghi khác. Nhưng tôi thấy rằng cuộc sống đầy thú vui tạm bợ ở Hollywood không đem lại cho tôi hạnh phúc chân thật. Tôi không thích những dục lạc nhất thời đó. Tôi nghĩ mình có những ước vọng gì cao cả hơn cuộc sống tầm thường từ trước đến nay. Tôi nghĩ phải làm một việc gì cho có lợi ích và ý nghĩ để có thể đem lại hạnh phúc cho nhiều kẻ khác. Do đó, tôi đã quyết định xuất gia làm nhà sư và thường đặc biệt lưu tâm đến những sinh hoạt thanh niên cùng dạy những lớp giáo lý chủ nhật.

Như tôi đã trình bày trên là tôi đã từng hoạt động, sống nhiều với thanh niên Phật tử Nhật và Mỹ tại Hoa Kỳ. Giờ đây tôi sung sướng được phục vụ cho đoàn thể Phật tử Trung Hoa. Bảy mươi năm về trước, Nhật Bản nhận thấy rằng Phật Giáo sẽ bị tiêu diệt nếu không có những lớp giáo lý chủ nhật và những đoàn thể thanh niên Phật tử. Nên ngay từ đó, họ đã nỗ lực thành lập những tổ chức này và kết quả đạt được rất khả quan. Hiện nay Thiên Chúa Giáo khó lòng lôi cuốn được những thanh niên Phật tử Nhật Bản tại Hoa Kỳ. Ở Cựu Kim Sơn (San Francisco) nơi những chùa Phật Giáo Trung Hoa đã tổ chức hoàn hảo các đoàn thể thanh niên Phật tử với các lớp giáo lý chủ nhật và phần đông những hạng người trẻ đều ham chuộng Phật Giáo.

Khắp nơi trên thế giới, chúng ta nghe những phần tử có tín ngưỡng đều than phiền là con người ngày nay không mấy thích tôn giáo. Nhận xét này chỉ đúng phần nào. Thật ra thì con người bao giờ cũng nghĩ đến tôn giáo, nhưng tất cả đều không thỏa mãn bởi những lời dạy của tôn giáo và chúng ta thấy phần đông hàng trí thức thường không chấp nhận bất cứ tôn giáo nào bao hàm những giáo lý trái với khoa học. Tánh chất phản khoa học (anti- scientific) này làđặc điểm của giáo lý Thiên Chúa.

Những câu chuyện về sự tạo lập thế giới và loài người của Thiên Chúa Giáo đã trở thành hoang đường, khó tin đối với hạng người hiểu biết. Bất cứ kẻ nào đọc Thánh Kinh Thiên Chúa mà tin được những lời dạy trong ấy thì chắc chắn đó là người đã thiếu hẵn lý trí. Nhan đề cuốn sách này ghi là "Lời dạy của đức Chúa” (The word of God), trong ấy đầy dẫy những ý tưởng mâu thuẫn hoang đường và nhiều lời phán truyền mà chúng tôi biết rằng trái với sự thật, phản lại những lý thuyết khoa học, khiến nhân loại ngày nay không thể nào tin kính được.

Phần đông tại các trường Ðại Học ở Tây Phương đều có những vị cố vấn giáo lý Thiên Chúa hoạt động để nắm giữ cho các sinh viên luôn luôn trung thành với Thiên Chúa Giáo. Công việc này của họ rất khó khăn, bởi lẽ rất ít sinh viên ham thích một tôn giáo hoàn toàn xây dựng trên đức tin mù quáng (blind believing). Họ chuộng những giáo lý nào thật sự tôn trọng lý trí con người và không gây nên những ảnh hưởng hoang đường, mê tín đối với tinh thần nhân loại.

Lý do chính tại sao Thiên Chúa Giáo đã thất bại ở thế giới Tây Phương là bởi tôn giáo này không cống hiến được gì cho hạng người trí thức bên đó. Chúng ta thấy rằng nhiều đoàn truyền giáo Thiên Chúa đã hoạt động mạnh mẽ ở Á Châu và Phi Châu. Vì tại Âu Châu, Mỹ Châu và Úc Châu, dân chúng đang bắt đầu từ bỏ Thiên Chúa Giáo, nên Giáo hội Thiên Chúađang cố gắng bành trướng đạo của họ tại Á Châu và các nơi khác. Những ai biết tin tưởng vào khả năng sáng suốt của chính mình, họ không bao giờ có thể nhắm mắt tin theo Thiên Chúa Giáo được. Chỉ những nguời muốn để kẻ khác suy nghĩ thế cho mình mới thường bị giáo lý Thiên Chúa mê hoặc. Nhiều bạn trẻ ở Á Châu và các quốc gia khác ngoài Châu Âu đã sai lầm nghĩ rằng theo Thiên Chúa Giáo là một hành động tiến bộ, thích hợp với tân thời đại.

Cách đây vài hôm, tôi có nhận được thư của một nam Phật tử ở Penang, hiện là sinh viên đang học tại Úc Châu. Phật tử này bảo rằng phần đông sinh viên ở đại học đường anh đang học không bao giờ đi nhà thờ và tất cả đều không thích Thiên Chúa Giáo. Họ cho rằng Thiên Chúa Giáo là một tôn giáo lỗi thời (out of day) không còn thích hợp với thế giới tân tiến hiện đại. Nhiều thanh niên Á Châu theo Thiên Chúa, khi sang học tại Âu Châu, và Mỹ Châu, tất cả đều rất đổi ngạc nhiên thấy rằng các nước Âu Châu, Mỹ Châu và Úc Châu thật ra không phải là những quốc gia hoàn toàn theo Thiên Chúa Giáo và tại đó số người theo đạo Thiên Chúa càng ngày càng giảm bớt đi. Ðã đến lúc nhân loại hầu như không muốn chấp nhận cái tôn giáo hoàn toàn xây dựng trên đức tin mù quáng nữa.

Bây giờ tôi xin đề cập đến một vài khuyết điểm trong đoàn thể Phật Giáo. Thật là điều quá sai lầm đối với bất cứ diễn giả Phật tử nào cho rằng tất cả mọi sự đều hoàn hảo trong tổ chức Phật Giáo chúng ta. Thật đáng tiếc là có nhiều hình thức mê tín của Lão Giáo đã xen lẫn vào Phật Giáo cũng như hiện còn những lễ nghi tập tục được duy trì không ngoài mục đích để làm tiền cho các nhà đầu cơ Phật Giáo. Những hành động này đã không thể hiện đúng với lời dạy của đức Phật. Chúng ta cần phải có mỗi ngày mỗi tăng thêm những vị Tăng có thể và sẽ giảng dạy những giáo lý chân chính cho đại đa số quần chúng Phật tử già trẻ, giàu nghèo, thông minh lẫn ngu dốt. Thật là điều đáng buồn khi thấy rằng phần lớn dân chúng Phật tử Á Châu đều không hiểu rõ những lời dạy đúng đắn của đức Phật. Nếu Phật Giáo không cải đổi được tình trạng này, chúng ta sẽ phải khổ đau cùng chịu chung số phận với các tôn giáo khác là sẽ lần lần đi đến tiêu diệt.

Chúng ta phải tích cực sớm cải đổi vì chúng ta không có nhiều thời gian để chờ đợi. Nếu chúng ta bỏ qua không lưu ý đến thế hệ thanh niên Phật tử hiện tại thì tương lai Phật Giáo sẽ không tránh khỏi bị mai một. Ða số quý đạo hữu là những Phật tử nhiệt tình, đã ham chuộng Phật Giáo và muốn thấy nó được phát triển, duy trì để thế hệ con cháu quý vị có thể thừa hưởng những điều lợi ích của giáo lý đức Phật. Phương pháp chắc chắn và hữu hiệu nhất trong sự bảo tồn chánh pháp Như Lai là cần phải có những Hội Phật Giáo trong mỗi địa phương. Nếu không có tổ chức, Phật Giáo sẽ bị suy yếu. Khi mà ở các đô thị đã có những đoàn thể Phật Giáo mạnh mẽ thì lúc đó chắc chắn Phật Giáo sẽ được phát triển nhanh chóng và vĩnh cửu duy trì. Dù ở đô thị đã thiết lập nhiều chùa, nhưng tốt hơn là cũng nên có nhiều đoàn thể Phật Giáo để cùng chung lo các Phật sự và những ngày đại lễ của đức Phật như giáng sinh, thành đạo v...v….

Từ ngày tôi xuất gia theo Phật, tôi nhận thấy có sự thay đổi lớn trong đời sống của tôi. Trước khi tôi gặp Phật Giáo, tôi không nhận chân được ý nghĩa của kiếp người. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu rõ là sự đau khổ hay hạnh phúc của mỗi cá nhân là do ở chính ý nghĩ và hành động của họ. Thời gian tôi còn là một đứa trẻ, thường đến dự những buổi học chủ nhật Thiên Chúa Giáo, tôi đưọc nghe người ta bảo rằng mọi việc xảy đến với tôi đều do “Ý muốn của Chúa”. Giờ đây tôi đã thấu rõ thuyết Nghiệp Báo, tôi hiểu rằng ở vũ trụ thế giới này vốn sẵn có mộtđịnh luật thưởng phạt công minh mà nó không tùy thuộc gì đến ý muốn của Thượng Ðế.

Tôi có thể thực tình nói rằng mọi quan niệm của tôi về cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi nhờ ở nhận thức mà tôi đã lãnh hội được nơi giáo lý của đức Phật. Tôi tha thiết mong tất cả quý đạo hữu nên cố gắng hết sức để mỗi ngày mỗi tìm hiểu sâu xa lời dạy của đức Phật cùng nỗ lực áp dụng chúng trong đời sống hằng ngày của qúy đạo hữu. Mong rằng chúng ta nên chú tâm nghiên cứu Phật Giáo, một tôn giáo đầy những đức tính tinh tấn và giác ngộ. Ðức Phật khuyên chúng ta hãy thực hành thấu đáo giáo lý của Ngài để tự mình nhận thức được rằng chúng là lẽ thật và sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng ta, những người hằng ngày biết sống theo giáo lý đó.

HT Thích Trí Chơn Chuyển Ngữ

Theo The Golden Light



Có 1 phản hồi đến “Tại Sao Tôi Trở Thành Một Tu Sĩ Phật Giáo?”

  1. Xin hãy dịch bài trích dẫn nguồn nên để rõ ràng trang liên kết tiếng anh nhằm thuyết phục đọc giả , quí ban biên tập lưu ý để nhằm đối chiếu nguồn tư liệu xác thực khi dẫn chứng làm tư liệu xin cảm ơn .

    • Mô Phật! Dạ thưa bài viết chúng tôi trích tư liệu của HT Thích Trí Chơn và HT đã ghi nguồn nơi dịch. Trên các tờ báo khác khi dịch bài cũng ghi nguồn từ đâu, ngắn gọn và trên trang nhà Linh Sơn Phật Giáo cũng hoạt động như vậy thôi thưa bạn, đây là phương cách hoạt động của trang nhà cũng theo tiêu chí chung. Điều quan trọng là nội dung cần truyền tải mang lại lợi ích gì đó mới là thiết yếu. Xin tri ân bạn đã góp ý. BBT Linh Sơn Phật Giáo

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com