VẤN: Con có đọc nhiều câu chuyện Phật điển và cũng có nghe nhiều giảng sư kể rằng người càng biết nhiều, trí tuệ càng thông thái thì lại chưa chắc tu hành niệm Phật đạt được quả vị cao hơn một người già chẳng biết gì, chỉ biết niệm Phật. Có câu chuyện về Ngài trưởng lão Chu-lợi-bàn-đặc không thể học được gì nên Đức Phật dạy Ngài quét nhà với câu “Quét bụi –trừ bẩn” và Ngài cũng chứng đắc. Nếu theo nhân quả thì người không có trí tuệ, không thông hiểu, không học hành được cũng là do làm điều không tốt thì đáng lẽ sẽ bị chướng duyên khó tu hơn người hiểu biết, biết nhiều kinh điển. Vậy tại sao những người mà kinh pháp gì cũng biết, tất cả đều có thể giảng nói vô tận lại tu hành đôi khi thua những người không biết gì? Nếu vậy người tu hành có cần phải biết nhiều thứ không và nên biết những gì để tu tập cho tốt? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.
ĐÁP:
I. Người tu xưa và nay
Trong thế giới tu hành theo Đức Phật, chúng ta chỉ có thể nhận định khách quan, không nên ôm đồm mà phán xét. Chúng ta cần có sự nhận định một nửa, còn một nửa thì có khác đó các Bạn. Các đệ tử Phật, có người tu hạnh “đa văn”, có người tu hạnh “độn căn”, không ai giống ai, nhưng chung quy là học đạo giải thoát và giải thoát, đó là tiêu chí của người xuất gia.
Về không gian thì sự đắc đạo xưa và nay không khác, nhưng về thời gian sự đắc đạo của người đệ tử Phật từng thời điểm không giống nhau. Xưa thì các tôn giả gặp Phật, các vị được Phật xoa đầu thọ ký, râu tóc liền rụng sạch và chứng tứ quả ngay trong giây phút hiện tại. Nay thì thuộc thời mạt pháp, pháp nhược ma cường, giáo pháp Phật chỉ được tôn thờ, không được sử dụng một cách triệt để nên việc tu chứng càng khó khăn hơn.
Đệ tử Phật có những nhà trí thức lỗi lạc, như Xá Lợi Phật, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na... gặp Phật liền giác ngộ đắc đạo, được Phật phó thác việc Phật sự quản chúng, quản lý tinh xá Kỳ Viện và Tăng Đoàn. Cũng có những vị trong dòng dõi thấp hèn, độn căn mà tu chứng quả A la hán như tôn giả Ưu Ba ly, Châu Lợi Bàn Đặc...
Nhà học Phật hiện nay cách Phật đã trên 2.500 năm rồi, hạnh tu đắc đạo phải nương vào tha lực Phật. Sự đắc đạo theo lịch trình tu chứng phù hợp với thời đại, thời điểm dân trí cao viễn . Các vị nương vào giáo điển mà giác ngộ tu hành, nương vào giáo điển mà hành trình đến quả vị, nương vào tam tạng thánh điển mà học làm Phật. Từ đó cũng có người học giỏi Phật pháp, không ngã mạn cống cao, xóa bỏ những cố chấp lỗi thời lạc hậu, những giới cấm thủ, xứng đáng là bậc thiền gia chân chánh, làm mô phạm trong giới tòng lâm, nhiếp chúng tu hành, giữ gìn giới hạnh trang nghiêm. Sự đắc đạo được thể hiện qua hạnh lành của các bậc Tổ đức, Tôn sư, Thiền sư mà chúng ta quy y hoặc thường nghe thấy, hằng ngày tiếp cận học Phật pháp.
Có những quốc gia, nhà Sư thuộc tri thức thượng thừa đạt đến vị trí Phật sống, Pháp vương, Pháp sư. Đó là cách tu của các nhà Sư theo môi trường văn hóa, dân trí, quan niệm tín ngưỡng, tổ chức của quốc gia đó mà tôn xưng. Như ở Việt Nam chúng ta có Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Phật Thầy Tây An, Phật Trùm, Phật Mẫu, hoặc với danh nghĩa khác là Thầy, Pháp chủ, Tông chủ, Tăng chủ là do các vị tu hành có trí năng tuyệt vời, siêu việt lập nền thánh dạo xuất thế cứu khổ lê dân nên người dân tại địa phương trọng thị kính tôn (thế tôn).
Như trên cho ta thấy các nhà thông thái cũng tu đắc đạo, nên không phải đốt nát độn căn mới tu đắc đạo Bạn ạ! Tuy nhiên, bên cạnh cũng có những nhà học Phật cao kiến nhưng nghiệp chướng dẫy đầy rồi phải hướng theo nghiệp, không có chất xúc tác, đề kháng nghiệp lực, làm tiêu biểu gương mẫu trong môi trường xã hội Phật giáo. Rồi cũng có những người độn căn không hiểu Phật pháp, cũng không tu hành chi cả, chỉ mang hình thức tu sĩ có hình tướng Tăng già khác tục vậy thôi, nhưng tâm thí không khác tục, ý hướng không siêu việt, chạy theo đường công danh, lạc nẻo lợi lộc với hình thức tu hành.
Việc đa văn tu khó kinh Phật đã từng dạy:
Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, phẩm Vấn Minh: “Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cũng rất quan tâm đến việc tu hành của chư Thanh Văn và chúng sanh, có hỏi Pháp Thủ Bồ Tát như vầy: Như lời Đức Phật dạy: Nếu có chúng sanh thọ trì Chánh pháp thời đều có thể dứt trừ tất cả phiền não ? Nhưng cớ sao có người thọ trì chánh pháp lại tùy thế lực của tham, sân, si, mạn, tùy thế lực của phú, phẩn, hận, tật, xan, cuống, siểm... xoay chuyển không rời nơi tâm. Người hay thọ trì pháp, sao lại ở trong tâm khởi các phiền não, xin Ngài cho biết nguyên do?
Pháp Thủ Bồ Tát nói: Thật nghĩa Ngài đã hỏi, Vì chẳng phải đa văn, Mà vào được Phật pháp, Như người trôi giữa dòng, Sợ chìm mà chết khát, Nơi pháp chẳng tu hành, Đa văn cũng như vậy. Như trần thiết vật thực, Chẳng ăn phải đói, Nơi pháp chẳng tu hành, Đa văn cũng như vậy, Như người giỏi dược phương, Chẳng cứu được bịnh mình, Nơi pháp chẳng tu hành, Đa văn cũng như vậy, Như người đếm châu báu, Tự mình vẫn nghèo nàn, Nơi pháp chẳng tu hành, Đa văn cũng như vậy, Như người ở vương cung, Mà tự chịu đói rét, Nơi pháp chẳng tu hành, Đa văn cũng như vậy...” (Hán dịch: Đại sư Thật xoa Nan đà, Việt dịch HT Thích Trí Tịnh, Phật Học viện Quốc tế Xuất bản PL 2527 – 1983)
Nói nhiều mà tu chẳng bao nhiêu, nên không đắc đạo. Xưa kia Phật cũng đã từng cân nhắc chư đệ tử bậc trung căn, hạ căn cố gắng hành pháp thật tinh tấn, mới vượt qua những nghiệp lực đeo bám từng sát na hành trình tu chứng, sau cùng mới chứng quả A la hán. Trong kinh Pháp Cú, Phật cũng từng dạy chư đệ tử xuất gia không nên nói nhiều giáo lý mà không hành trì, hằng ngày tâm phóng dật tà tâm tà ý dấy sanh, như người chăn bò, chủ được bò và được sữa
Đối với người xuất gia cũng vậy, thuyết pháp suông không đủ: "Nếu người nói nhiều kinh, Không hành trì, phóng dật, Như kẻ chăn bò người, Không phần Sa môn hạnh.”(Pháp Cú 19)

II .Sự chứng ngộ ngoài kinh điển:
“Thiền sư Tanzan và Thiền sư Ekido, 2 người cùng đi hóa duyên và hành trình về Kyoto, Ekido rất kính Tanzan, làm việc gì cũng hỏi han Tanzan. Khi tới bờ sông, có một cô gái muốn qua sông nhưng gặp khó khăn, Tanzan đã cõng cô gái qua sông. Cô gái sau khi cảm ơn thì đi mất. Ekido trong lòng cứ thắc mắc: “Tanzan sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?” Nhưng Ekido không thể hỏi vì sợ mất lịch sự. Cứ thế đi mãi được 20 dặm, Ekido thực sự không kìm được đành hỏi Tanzan: “Chúng ta là người xuất gia, sao Tanzan có thể cõng một cô gái qua sông?” - Tanzan điềm đạm nói: “Tôi cõng cô gái qua sông thì đã bỏ cô ấy xuống, còn Ekido thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống.” (sưu tầm theo Góp Nhặt Cát Đá, Thiền sư Muju, Lá Bối xuất bản tại Saigon năm 1971)
Một đôi khi thuộc về quả báo:
Theo giáo lý hạnh quả, đối với các bậc có trí tuệ siêu xuất thì các pháp trên đây thuộc hạnh đốn ngộ yếu môn. Tuy nhiên, đứng về mặt giáo lý tiệm tiến thì đây là quả báo cần có sự tiệm tu có quá trình tu học, sám hối nghiệp chướng, trải qua nhiều kiếp lập công bồi đức mới chấm dứt nhân quả, tiến đến quả vị tu chứng cao.
Trường hợp như Tôn giả Bàn Đặc là do sơ xuất trong tu hành nên có quả báo:” Vào thời Phật Ca Diếp, Bàn Đặc rất thông minh, nhưng khi nhập chúng, ông đã chế nhạo và đùa cợt một Tỳ kheo kém trí. Vị này vì bị làm trò cười nên không học thuộc, thậm chí không lặp lại được lời kinh. Do quả báo này ông tái sanh thành người đần độn. Vừa học xong một câu “Quét bụi trừ bẩn”, khi lập lại thì nhớ “quét bụi” quên “trừ bẩn”, nhớ chữ “trừ bẩn”, thì quên chữ “quét bụi” đọc sau thì câu sau thì trước đã quên mất. Năm tháng trôi qua, ông vẫn không thuộc nổi bài kệ “chổi quét”. Trường hợp nầy chẳng qua là do quả báo “chúng sanh chê chúng sanh, làm cho người khác quê kệch, nên trí não cùn cụt”. Tuy nhiên, do trải nhiều kiếp khéo tu, khéo sửa nên kiếp cuối cùng Bàn Đặc gặp Phật cứu cho chứng quả A la hán
Câu chuyện Bàn Đặc là chuyện ngụ ngôn, khuyến thiện, người tu không nên chê bai người khác mà mắc quả báo muôn kiếp khó đáp đền.
Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư là Thầy của Vua Đường Ý Tông, 15 tuổi giảng kinh Niết Bàn các Hòa Thượng đều ngồi nghe. Nhà Vua quý trọng Quốc sư cúng dường một tòa ngồi bằng trầm hương. Ngài ngồi lên tòa thuyết giảng một thời gian, có “mụt ghẻ biết nói” nổi lên ở bắp đùi, “mụt ghẻ” nói: ”tôi đã theo báo ông 500 năm rồi nhưng không thành hiện thực, nay do ngồi lên tòa trầm hương giảng pháp, quả phước bị giảm, tôi báo được ông, nhơn duyên hội đến đây cũng chấm dứt đường ai nấy đi”.
“Mụt ghẻ biết nói” tức là vụ án Triệu Thố, thời Tây Hán bị xử án oan mà chết, trong đó do quan Viên Án (Ngộ Đạt) xử lầm, cái chết của Vương Ưởng trở thành quả báo theo Ngài 500 năm. Nay sau khi ngộ ra rồi Ngộ Đạt Quốc Sư làm văn Thủy Sám tu hành cẩn thận hơn
Bậc trí thức thạc học như Ngộ Đạt quốc sư nếu tu hành không khéo cũng phải chịu quả báo làm cho đau đớn hoặc vong mạng mới thôi. Huống chi người tu ngày nay không thận trọng quả báo sẽ không có ngày đắc đạo, còn phải trở lại thế gian vào nẻo sanh tử luân hồi mà trả quả (Lời dạy Đức Tôn Sư Thiện Phước Nhựt Ý - Tông Chỉ Tu Tịnh Độ)
III .Lời kết
Không phải biết ít, ít nói là tu đắc đạo. Xưa nay người tu ở vùng non núi có câu nói mà ai cũng phải học để tự sửa đổi cho tâm ý mình “gần Phật trợt chân”. Gần Phật mà ỷ lại ngã mạn, cống cao, chê người khen mình, việc ác nào cũng dám làm, làm ác thì chư thiên không lai trợ hộ nữa. Đến giai đoạn cô độc thì sa chân mang quả báo vào thân, từ đời nầy sang đời khác, nếu không giác ngộ tu hành như Tôn giả Bàn Đặc thì không lúc nào ra khỏi
Không phải hiểu nhiều đa văn quảng trí là tu không đắc đạo. Ttrong giới thiền lâm, người học Phật hiện nay rất cần đến sự thông thái trong ngành Phật học. Nngười có sự thấy xa học rộng, tính họat bác mới giúp cho Phật giáo tỏa sáng trong thời hội nhập. Đối với đạo giải thoát “thông thái biết nhiều” hay “ngu muội ít học” không phải là chướng duyên mà là phương tiện tu hành hạnh lành của các chân sư đó. Tuy nhiên, người xuất gia còn phải có tu hành, thật tu, thật chứng, thật học, mới làm được Phật pháp. Nếu chỉ vịn vào học giỏi, học vị thông minh sẽ bị vướng vào bệnh: “đa thông minh đa ám muội”. Người thông minh mà ngã mạn, không chịu học hỏi nhiều điều hay của người khác thì thành ám muội, sự hiểu biết bị hạn chế, nên gọi đa ám muội. Người hay chê người khác, khen mình, khinh thường đối phương, xem mọi người dưới tầm mắt...người đó từ thông minh trở thành ám muội.
Người tu trí hóa phải thông
Giúp cho Phật pháp xuôi dòng thời gian
Có thông minh khỏi lạc đàng
Nhưng đừng ngã mạn như tàng cây khô
Người tu hiện tại hôm nay
Phải có thật giỏi đa tài mới nên
Tâm chí cũng phải tu bền
Không nên ngã mạn mông mênh biển đời
Đừng chê trách mới tuyệt vời
Chê thì quả báo nơi nơi kéo về
Làm cho tâm chí đê mê
Thông minh ám muội gần kề với nhau
Noi gương Bàn Đặc tu mau
Bước lên bờ giác mà trau tâm mình.
HT Thích Giác Quang