Dạo này phòng khám thay người dọn vệ sinh, dọn các thùng rác cuối ngày. Đó là một người đàn ông trung niên, không giống Mỹ trắng cũng chẳng giống Mễ, hiền lành, vui vẻ. Phòng khám thì quá lớn, còn bệnh viện lớn biết bao nên chuyện người lau dọn thay đổi cũng là bình thường và các ca làm việc khác nhau cũng không thể biết ai cả.

Từ ngày ông vào làm, chiều chiều ông hay vào chỗ office của tôi để dọn thùng rác xung quanh, mỗi người một chỗ ngồi là một thùng rác. Tôi thì đâu có ăn uống gì, chỉ đa phần trái cây nên thành ra rác thì cũng chẳng có là bao. Tôi luôn cố gắng xem coi để bớt đi cho người ta đỡ dọn. Mỗi khi gặp ông tôi hay cười chào hỏi, cảm ơn, dần dần ông cũng gần với tôi, cũng chào hỏi tôi trở lại.

Chiều hơi mệt, thấy tôi ủ rủ ông đến hỏi tôi mệt hả. Tôi nói ừa, rồi ổng khuyên là nên cần thêm cà phê để tỉnh. Thật buồn cười, cái xứ sở thiên đường công nghiệp người ta phải dùng đủ thứ thuốc, cà phê, cái gì có thể dựng dậy tỉnh mà làm. Tôi chỉ cười trừ cảm ơn, lo làm cho xong thu dọn chiến trường rồi về. Ông đi ra ngoài tôi còn ngoái nhìn theo.

Thật sự ở Mỹ này, ai cũng như ai và nghề nào cũng là nghề. Do đó trong tâm trí tôi chẳng hề có một khái niệm hơn thua người này nghề này người nọ nghề kia hay có ý khinh biệt. Chỉ có người không chịu làm việc, lười nhát, làm chuyện xấu mới đáng bị xã hội lên án. Còn lại, bất cứ nghề nghiệp gì lương thiện kiếm ra tiền đều đáng trân trọng.

Nhìn ông tôi lại nghĩ đến ba tôi. Ba tôi cũng làm nghề nhặt rác như ông tại trường đại học bao nhiêu năm từ ngày sang Mỹ. Ở Mỹ dù mang tiếng làm nghề nhặt rác nhưng cũng là một người làm công, mọi bảo hiểm, quyền lợi đều như nhau, chỉ có khác là tiền lương bỗng. Do đó, ba tôi và tôi cùng làm việc ở trường đại học thì quyền lợi của ba và tôi về bảo hiểm, sức khỏe, hưu trí, giờ bệnh giờ phép đều là như nhau, thậm chí giờ nghỉ phép ba tôi còn nhiều hơn tôi. Xã hội ở đây tạo cho con người sự bình đẳng trước pháp luật là như vậy.

Ở Mỹ này gần 15 năm, tôi cảm thấy nghề gì tôi cũng đã làm đủ và chẳng còn nghề gì tôi có thể sợ hãi. Tôi từng làm nhà hàng lau dọn chạy bàn phụ nấu ăn lau nhà rửa bát cùng với má tôi quần quật, bị đối xử không ra gì. Gia đình tôi cũng làm việc trên sân tennis, lau dọn sân, lau chùi nhà vệ sinh của sân bóng. Sau khi làm xong, chúng tôi thích vẫn có thể mượn bóng mượn vợt ra đánh hoặc chờ khách. Mỗi khi có tiệc hay lễ, chủ sân bóng vẫn thường mang đồ ăn cho chúng tôi còn cô chủ sân tennis vẫn thường hay thưởng lộc cho ba tôi mỗi khi tết về. Cuộc sống chúng tôi vẫn bình yên như vậy miễn làm gì có tiền thiện nghiệp thì thôi.

Tôi từng làm y tá ở bệnh viện bốn năm trước khi học lên cao để làm bác sĩ. Hiển nhiên nghe đến nghề y tá thì phải là tốt hơn nghề nhặt bóng ở sân tennis hay lau dọn sân tennis. Đúng là như vậy vì tôi phải học hành vất vả, phải thi cử đủ kiểu, học trường tốt và lương bỗng thì là một trời một vực. Tuy nhiên, có biết đâu nghề y tá là nghề cực nhất trong các nghề và cũng có khi là nguy hiểm. Đó là bởi vì tôi phải làm tất cả mọi điều để chăm sóc bệnh nhân. Chuyện tôi phải lau dọn, tắm rửa cho bệnh nhân mỗi khi họ đi tiêu đi tiểu đầy ra cả giường hay đầy cả mình nhiều lần, vết thương lở đầy người, bệnh nhiễm trùng, nâng đỡ họ dậy là chuyện thường xuyên. Nếu họ không thể ăn được tôi phải ngồi cạnh giường để đút cho họ ăn còn chuyện bị người nhà hay cả khi bệnh nhân phàn nàn, la mắng là như cơm bữa nhưng vẫn phải ngon ngọt xin lỗi để họ vui lòng. Dù vậy, đến giờ đó là nghề mà tôi cảm thấy rất vui.

Tuy nhiên, nghề mà tôi cùng gia đình vẫn nhớ mãi dù chỉ “hành nghề” trong một ngày đó là lượm vẻ chai. Số là hồi ở Cali, cứ mỗi vỏ chai nhựa hay lon nước ngọt nếu mang đến trung tâm vẻ chai sẽ được 5 cents. Bởi vì để bảo vệ môi trường và giúp cho việc tái sử dụng rác thải được hiệu quả, chính quyền tiểu bang Cali cùng một số tiểu bang đã yêu cầu trên mỗi chai nước lọc, lon nước ngọt khi mua đều phải trả thêm 5 cents. Nếu sau đó mang lon hay chai trở lại trung tâm tái chế thì sẽ lấy lại được 5 cents. Do đó rất nhiều người cũng hành nghề lượm vỏ chai, vỏ lon để kiếm thêm thu nhập hay cũng có một số tiền nhất định. Đối với tôi, ngày ấy số tiền hai ba chục đô la là một số tiền cũng lớn cần thiết vì mức thu nhập lương tối thiểu ngày xưa tôi làm ở nhà hàng tàu chỉ có 5 đô 25 cents nhưng phải làm việc cực vô cùng. Do đó tôi nghĩ nếu mỗi ngày lượm chừng một trăm lon hay chai nhựa thế là cũng có được 50 USD, không quá khó khăn.

Khi về Florida, tôi cũng trở lại trường học, đi làm ở nhà hàng cuối tuần với em tôi và má tôi, trong tuần làm thêm lau dọn phòng lab ở trường và buổi tối đi lau dọn sân tennis với ba má tôi. Đời sống thoi đưa hết học rồi làm và với chúng tôi như thế cũng là vui lắm. Vì thứ năm là ngày đổ rác nên thứ tư là các nhà đều mang rác, mang chai lọ tái sử dụng ra ngoài phân loại. Nhiều lúc tôi ngẫm nghĩ tại sao họ lại không mang đến trung tâm để đổi lấy tiền hay dồn nhiều sẽ đổi được tiền vì ở Mỹ họ uống nước ngọt hay nước lọc trong chai khá nhiều.

Tôi kể cho ba đứa em của tôi rằng ở Cali đổi chai lon được tiền như vậy và tối thứ tư tôi sẽ đi các nhà xung quanh hàng xóm để lượm lon họ để sẵn bỏ vào bao mang đi đổi. Vì mới sang nên các em tôi cũng không biết có luật đó nhưng thú thật luật đó không áp dụng ở Florida. Các em bán tín bán nghi nhưng thấy tôi hăng hái, vả lại nghĩ cũng không khó khăn, lon họ đã bỏ ra các thùng rồi, chỉ còn mỗi việc tới thùng rác lượm bỏ vào bao thôi. Lúc đó trong tâm tôi hay nói với các em tôi, làm gì miễn có tiền mà không phạm tội thì thôi. Chúng tôi đi lau chùi sân tennis, đi lau chùi nhà vệ sinh còn được huống hồ chi đi lượm vỏ chai. Thấy tôi hăng hái nên các em cũng đồng lòng nghe theo đi lượm.

Đêm thứ tư hôm đó, bốn chị em chúng tôi chia làm hai tốp để lượm. Tôi đi bộ còn có em đi một chiếc xe đạp. Cứ lượm đầy được bao thì em tôi mang xe đạp chở về rồi lại mang bao trở lại. Thật tức cười, nhiều khi thấy chúng tôi vào lục thùng rác họ để sẵn, hàng xóm hay người trong nhà nghe tiếng động nhìn ra còn chúng tôi cứ hăm hở lượm. Có khi đang lượm tiếng động tiếng chó sủa inh ỏi chúng tôi phải cuốn gói chạy. Cả đêm vài tiếng chúng tôi lượm được rất nhiều. Lòng khấp khởi nghĩ chắc đó cũng sẽ là một số tiền lớn, ít nhất cũng phải 100 USD hay 200 USD vì lon và chai nhiều vô cùng. Mang về nhà em tôi còn phải đập dẹp trở lại để có chỗ chứa. Bốn chị em hăm hở kể từ nay mỗi tuần sẽ có thêm một đêm làm việc kiếm tiền.

Ngày hôm sau, em tôi hăm hở chở hết đống chai lọ phế liệu ra ngoài trung tâm. Đau buồn khi em tôi về nhà báo rằng ở Florida không áp dụng chính sách một chai hay lon 5 cents như ở Cali hoặc các tiểu bang khác mà là bán theo cân. Tổng số chai lọ chúng tôi lượm cả đêm chỉ có vài chục đồng. Cả bốn chị em đều tiu nghỉu buồn và lỗi cũng ở tại tôi quá nhiệt tình không biết. Vì thế, sự nghiệp lượm vẻ chai của chúng tôi chấm dứt. Tuy nhiên, đó mãi là một kỷ niệm đáng nhớ hoài trong cuộc đời sống xa xứ của chúng tôi. Để rồi năm sau đó, em tôi đã nhắc về việc chúng tôi đi lượm vẻ chai kiếm tiền trong các bài luận nộp giành học bổng của Bill Gates. Chúng tôi cũng lớn dần lên từ đó.

Giờ chúng tôi đã ra trường có những công việc làm ổn định. Em gái tôi giờ là bác sĩ nội trú năm cuối, em gái khác là dược sĩ còn em trai đang là sinh viên năm cuối. Chúng tôi đều có thể tự nuôi sống cho mình, có thể kiếm được tiền gấp nhiều lần với ngày xưa. Tiền bạc đã dễ thở hơn nhưng tôi không thấy có quá nhiều sự thay đổi trong gia đình, trong việc ăn uống. Em tôi có chăng mua sắm được ít đồ đạt áo quần nhưng cũng chẳng có gì là hàng hiệu hàng sang đắt tiền cho lắm. Chúng tôi vẫn bình dân, ngày ngày vẫn là cơm tôi nấu các món Việt Nam. Ngày xưa nghèo khó tôi còn ăn uống nhiều hơn bây giờ. Cả nhà lâu lâu gặp nhau tụ về cũng toàn kể chuyện ngày xưa. Thế mới nói hạnh phúc giản đơn là do mình chọn lựa, là do mình hài lòng với cuộc sống của mình, chẳng liên hệ gì đến địa vị vật chất tiền bạc cả.

Ra đời hai tay trắng

Lìa đời trắng hai tay

Sao mãi nhặt cho đầy

Túi đời như mây bay

Mỗi người sinh ra trên cuộc đời ai cũng có một nghề nghiệp và đều là đáng quý. Với tôi chẳng có nghề gì cao hơn hay thấp hơn. Nếu như có sa cơ lỡ vận thì tôi cũng chẳng bao giờ từ nan lo sợ vì nghề gì tôi cũng dám làm và có thể làm miễn lương thiện là được rồi. Tôi trân quý những người lượm rác dù nghề lượm rác ở Mỹ cũng đầy đủ quyền lợi, bảo hộ chứ không phải bị đối xử tồi tệ như ở Việt Nam. Do đó gặp họ tôi đều chào hỏi vui vẻ cảm ơn. Tôi nghĩ đó là cách sống hành xử tôn trọng mọi người chính là tôn trọng mình. Bệnh nhân tôi làm nghề lượm rác ở chỗ tôi làm và nếu còn trẻ, muốn trở lại trường học hay kiếm việc làm khác, tôi đều hoan hỷ nhiệt tình giúp đỡ. Ba tôi cũng là nghề lượm rác và mọi người đều gặp ba tôi vui vẻ đón chào, tặng đồ ăn hay chia nhau đồ dùng.

Chúng tôi đã lớn lên ở đây từ sự bảo bọc giúp đỡ của nhiều người. Tất cả giường nệm trong nhà đến giờ chúng tôi đang nằm ngủ cũng là từ người khác cho chúng tôi. Tôi chẳng thấy có điều gì gọi là thua thiệt hay phải lo nghĩ quá nhiều. Có chăng tôi chỉ cầu mong gia đình tôi vẫn đầm ấm vui vẻ mãi mãi, chị em quây quần thương yêu nhau, nương tựa vào ba tôi và làm chỗ dựa cho ba tôi để cùng chăm sóc má tôi trong những ngày còn lại của cuộc đời. Chúng tôi đã có nhà ở để ở, xe để đi, cơm để ăn và đủ để trang trải cho một cuộc sống bình thường, ai cũng đều khỏe mạnh như thế là phước báo đâu dễ gì có được hiện giờ. Điều cuối cùng tôi chỉ nguyện mong gia đình tôi sẽ thêm nhiều duyên lành tu hành để cuối con đường của cuộc đời biết chốn về nương náu bình yên.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Kỷ Niệm Nghề Lượm Vẻ Chai Của Tôi Và Gia Đình”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com