Làm việc ở đây, tôi cũng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân đủ thành phần nghề nghiệp và nhiều nghề cũng buồn cười tôi cũng không nghĩ ra. Trong số đó có một bệnh nhân bị bệnh thiếu máu lưỡi liềm (Sickle cell anemia) tôi phải gặp hàng tháng để kiểm tra và đưa thuốc giảm đau. Với loại bệnh nhân này nếu khi họ bị đau nhức không có thuốc giảm đau thì sẽ nguy hiểm và chỉ có vào phòng cấp cứu mà thôi.

Cậu bệnh nhân này chuyên làm nghề bắt gà và vẫn thường hay kể cho tôi nghe rất nhiều về công việc của cậu cũng như hiện thực nuôi gia súc gia cầm hiện nay. Thường mỗi tháng cậu phải đến gặp tôi vậy mà đã hai tháng tôi không thấy cậu ta đến gặp tôi. Cũng có đôi khi cậu phải bị luân chuyển đến tiểu bang khác bắt gà nên có xin tôi cho thêm thuốc hoặc cho tôi biết cậu không thể gặp tôi trong một tháng.

Theo lời cậu kể, cậu làm nghề bắt gà cho một trang trại gà rất lớn và bắt gà để chuẩn bị đưa đi lò mổ. Ở đây có khoảng ba đội bắt gà, mỗi đội khoảng 10 người. Vì gà ban đêm không thấy đường mới dễ bắt được nên cậu làm việc từ khoảng 7h chiều đến 5-6h sáng. Trước khi bắt đầu ca làm thì phải mặt đồ bảo hộ, thoa rất nhiều dầu thuốc để tránh bị dị ứng.

Gà ở đây là nuôi theo gà công nghiệp và bắt theo lồng. Theo lời cậu kể rằng chỗ đó họ chỉ nuôi gà trong hai tuần đã có thể làm con gà tăng lên khoảng 10 ký là chuyện thường ngày. Đó là vì họ nuôi gà theo thức ăn tăng trọng có bỏ cả steroid. Cậu bảo có nhiều con gà đến hai ba chục ký đứng không nổi, nằm luôn. Tuy nhiên, những loại gà nếu vượt quá mức trọng lượng hoặc quá to sẽ bị giết chết rồi đi tiêu hủy vì xem đó như là thành phần đột biến. Mỗi đêm như vậy cậu bắt khoảng 2 ngàn đến 3 ngàn con gà. Các con gà sẽ được đưa đến lò mổ với tốc độ khoảng 20- 30 ngàn con bị giết mổ một giờ, một con số quá khủng khiếp.

Tội thật sự không tài nào hiểu nổi làm thế nào có thể nuôi gà trong hai tuần lên một số cân khủng khiếp như vậy làm tôi phát hoảng và nghĩ đến việc tại sao nhiều khi ngoài chợ họ bán thịt gà rẻ vô cùng. Tôi cũng có một bệnh nhân khác chuyên nuôi gà, làm chủ các trang trại gà khá lớn bán cho những siêu thị, chợ nổi tiếng ở Mỹ như cung cấp cho Publix, Walmart, các cửa hàng bán thức ăn nhanh như KFC. Ông cho tôi biết ở trang trại của ông gà để xuất chuồng nuôi khoảng 6 tuần nên ông cũng ngạc nhiên khi tôi bảo có bệnh nhân bảo nuôi gà xuất chuồng chỉ trong hai tuần. Đau buồn hơn, ông bệnh nhân này cũng đang bị bệnh ung thư vô phương cứu chữa, chỉ làm cầm chừng đến đâu hay đến đấy.

Tôi hỏi cậu vậy họ nuôi gà như thế nào. Cậu kể gà con được đưa từ nơi khác đến, cứ bỏ vào chuồng, mọi việc chăm sóc cho ăn có cả một hệ thống tự động cho ăn cả ngày và đêm nên gà nhanh tăng cân là vậy. Ông bệnh nhân cũng bảo cho tôi biết hệ thống nuôi gà của ông cũng thế, chỉ toàn tự động, và cả một trang trại nuôi gà lớn như thế chỉ vài nhân viên mà thôi. Có lần tôi đã hỏi ông vậy thức ăn nuôi gà là gì, ông bảo chính ông cũng không biết vì thức ăn đã được pha chế sẵn cứ thế mang đến, bấm máy tính, cả hệ thống luân chuyển.

Cậu bệnh nhân bảo trong thức ăn ở trại gà cậu làm toàn steroid. Gà càng lớn đứng đầy chen chút rất tội nghiệp và chỉ chờ có ngày để bắt đi. Còn nhũng con gà gọi là thương tật, đứng không nổi, đánh nhau gây thương tích là vô số kể. Nếu con nào có vấn đề sẽ bị giết đi quăng. Vì gà quá nhiều như thế, cậu chỉ mỗi việc lùa gà vào những lồng nhỏ, mỗi lồng độ khoảng 10-20 con rồi cứ thế quăng lên xe. Một đêm bắt khoảng 2-3 ngàn con gà là mới biết tốc độ phải nhanh thế nào. Cậu bảo trong một giờ cậu bắt vài trăm con là chuyện thường.

Cậu bảo làm công việc đó cực kỳ dơ bẩn hôi tanh nhưng cũng phải làm vì được trả công cũng tương đối. Tuy nhiên, vì làm việc với gà, ngày nào cũng thấy gà nên cậu rất sợ gà. Đơn giản bao mùi hôi, từ chuồng trại, từ gà cứ ám ảnh và cậu hay bệnh về hô hấp cũng từ đó mà ra. Tôi hỏi cậu vậy cậu có ăn thịt gà không? Cậu bảo không vì nó ám ảnh cậu và đã biết rất rõ họ nuôi gà bằng gì. TUy nhiên, thịt các loại động vật khác thì cậu vẫn ăn nhưng không nhiều.

Hôm nay cậu xuất hiện trở lại và tôi tưởng chắc cậu lâu nay bị luân chuyển đi bắt gà nơi khác như thông lệ. Cậu bảo không phải vì mấy tuần nay cậu đã nghỉ việc bắt gà, chuyển sang học lái xe tải. Tôi hỏi vì sao? Cậu bảo cậu đã ngán nghề nghiệp đó, ngán thấy gà, cảm thấy đó không phải là một nghề tốt và muốn chuyển đổi. Nghề học lái xe tải cũng cần phải có bằng cấp và thi cử, sau khi học xong khóa học sẽ được đưa đến nơi khác thực hành không thể đến gặp tôi thường xuyên. Vì không thể gặp tôi sớm hơn lấy thuốc nên cậu đã phải vào phòng cấp cứu hai lần. Cậu muốn xin tôi giúp cậu cho đến khi cậu ổn định xong lớp học.

Nghe cậu nói vậy, quả thật tôi mừng cho cậu vì cuối cùng cậu đã chấm dứt nghề bắt gà. Tôi hoàn toàn đồng ý với cậu đó không phải là một nghề nghiệp tốt. Cậu còn trẻ, còn tương lai và lái xe tải cũng là một nghề nghiệp tốt. Tuy nhiên, tôi dành khá nhiều thời gian để giảng dạy cho cậu về những nguy hiểm trong vấn đề dùng bia rượu thuốc lá hay thuốc giảm đau khi làm tài xế và với bệnh trạng của cậu. Hiện nay cậu không có dính vào những vấn đề này chỉ thỉnh thoảng hút vài điếu thuốc nhưng hứa với tôi cậu sẽ bỏ hẳn.

Tôi bảo cậu cứ an tâm tôi sẽ giúp cậu. Thông thường các bệnh nhân bị bệnh thiếu máu lưỡi liềm như cậu đều thuộc về gia đình những người Mỹ Da Đen, nhà nghèo, không mấy người được học tử tế, có nghề nghiệp ổn định, chưa nói gây ra nhiều chuyện xấu khác và có người phải vào tù ra khám vì lạm dụng thuốc hay làm nghề bán thuốc giảm đau.. Rất nhiều bệnh nhân này cứ ra vào bệnh viện liên tục, sống bằng trợ cấp và chẳng làm việc gì. Do đó mỗi khi gặp những bệnh nhân này, tôi đều khuyến khích họ cố gắng làm việc, học tập. Cứ nghe có bệnh nhân muốn quay lại trường học lên cao, học gì đó thì tôi đều giúp làm giấy tờ hết mình. Nếu họ hay con cháu của họ muốn làm gì đó liên quan đến ngành y, làm trong bệnh viện, làm tình nguyện viên, làm nhân viên bệnh viện thông thường, tôi cũng rất vui sẵn sàng hỏi quản lý phòng khám hay liên hệ nếu có thể và tôi luôn cầu chúc họ làm việc được tốt.

Với cậu bệnh nhân này, trong thời gian hiện tại đang học tập, tôi đã sẵn sàng cho cậu thuốc giảm đau trong hai tháng, sẵn sàng nói chuyện với công ty của cậu về tình hình bệnh của cậu cũng như bao lâu cậu phải đến gặp tôi. Tuy nhiên, tôi bảo cậu tôi sẽ cho họ biết không làm ảnh hưởng đến công việc của cậu và việc gặp tôi có thể uyển chuyển để cậu hoàn thành công việc của mình. Trước khi ra về, tôi viết thư cho cậu để cậu mang về công ty cùng với số điện thoại liên lạc nếu sếp của cậu cần liên hệ với tôi. Cậu vui lắm và hứa với tôi sẽ luôn thực hiện những gì tôi chỉ dạy.

Tiễn cậu ra về tôi bần thần trong giây lát, vui buồn lẫn lộn. Vui cho cậu đã chọn được một việc làm tốt hơn. Nghĩ đến ông bệnh nhân già đang bị ung thư giai đoạn cuối vẫn tiếp tục làm nghề nuôi gà, tôi buồn rười rượi, biết nghiệp của ông cũng từ đây mà ra. Dù tôi đã nghe đã xem khá nhiều băng đĩa thấy cảnh nuôi gia súc gia cầm hiện tại như một kiểu hành hạ trả quả nghiệp nhưng những bệnh nhân thế này cho tôi hiểu hơn vì đâu con người ta càng ngày càng đủ thứ bệnh vì cũng từ cửa miệng mà ra. Tội nghiệp những con vật đáng thương cũng như con người vô minh hành hạ chúng không thương tiếc với lý lẽ “vật dưỡng nhân.” Tôi cũng đã vô minh cả mấy chục năm trời nhờ đến với cửa Phật mới nhận ra được vài điều.

Từ bản thân, tôi đã dạy cho cháu tôi việc thương yêu con vật, yêu sự sống, không sát sanh, tu hành từ nhỏ và cháu thực hiện rất tốt, đúng bản chất của một đứa trẻ đầy tình thương yêu. Ba tôi về Việt Nam mới sang kể cho tôi nghe chuyện các cháu khóc thương con gà. Số là từ đâu không biết có con gà tre đi vào nhà tôi và ở đó. Thế là xem như duyên nên cả nhà nuôi gà và tự nhận đó là gà của mình vì làng trên xóm dưới chẳng ai đi tìm con gà đó và nhà tôi ở mặt đường của làng. Thế là hai cháu nhỏ có một người bạn gà.

Ngày ngày, công việc của hai cháu nhỏ là đi xem gà, tìm gà ở đâu, ngủ thế nào, mưa có bị ướt không, có ăn không, cứ gọi là lo cho chú gà tre bé nhỏ như một người bạn. Cứ buổi sáng dậy việc đầu tiên cũng là đi xem gà nên con gà và người cũng có sợi dây tình thương với nhau. Đồ vật vô tình dùng lâu còn có cảm tình nói chi con vật hữu tình ngày đêm gần gũi.

Thế mà một buổi chiều buồn, cháu đi học về mở cửa vào nhà tìm gà. Gà vô tình nghe tiếng mở cửa hoảng chạy ra ngoài và bị xe chạy ngang tông chết. Người lớn là ba với mẹ các cháu còn mủi lòng nói chi hai cháu bé. Cháu lớn thương gà ngồi khóc như mưa, cháu nhỏ về nhà thấy gà chết mất gà thì càng thảm thiết hơn khóc cả ngày. Bạn nhỏ gà của hai cháu đã ra đi để lại trong hai cháu cả một sự luyến lưu nuối tiếc. Cháu xin mẹ đừng làm thịt gà mà hãy chôn gà vì cảm giác quá tội nghiệp. Nghe đến đó, người lớn như tôi cũng mủi lòng thương cho người bạn của hai cháu. Ngày ngày tôi thường dạy cháu tụng Chú Đại Bi, niệm Phật và chú vãng sanh nếu gặp đám tang, lỡ làm con vật gì chết hay gặp con gì chết để chúng cũng có phước.

Con người hay sự vật đều có tình cảm ít nhiều và cũng do nhân duyên nhiều đời gặp nhau. Nhân quả là không hề sai chạy, chỉ có đến sớm hay muộn thôi. Nghiệp sát là nghiệp cao nhất nên cầu mong con người đừng vì bản thân, đừng vì lợi dưỡng trước mắt mà sát hại chúng sinh muôn loài gây khổ cho mình và cho người. Chỉ cần nghĩ suy, chỉ cần có thêm tình thương cùng lòng từ bi chúng ta sẽ không thể nào can tâm đi ăn thịt những con vật mình cho là bạn là người thân của mình. Mong đến một ngày cả thế giới được đại đồng bình an khi ai ai cũng đều ăn chay.

“Ngàn năm qua một bát canh

Oán sâu như bể ngập thành non cao

Muốn hay nguồn gốc binh đao

Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh”

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Kinh Hoàng Nghề Nuôi Bắt Gà Công Nghiệp Ở Mỹ Theo Lời Kể Từ Bệnh Nhân”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com