Cứ mỗi khi một năm mới vừa sang trong niềm hân hoan của bao người thì cũng biết bao nhiêu chuyện thị phi ở cửa đền chùa lại nổi lên tồn tại từ năm này sang năm khác và có xu hướng tăng lên. Có lẽ, dịp đầu xuân trong khi các Phật tử thành tâm đến chùa lễ Phật, vãng cảnh, làm việc thiện lành thì cũng có vô vàn những người ngộ nhận đầy mê tín đến chùa chỉ để xin xăm, gieo quẻ, cúng sao, xem bói, tử vi. Các hoạt động này nở rộ hơn bao giờ hết và cuộc sống càng hiện đại bao nhiêu, con người càng mê tín bấy nhiêu vì không cảm nhận được sự lạc an cùng lòng tham nổi lên không điểm dừng.
Xem thêm:
Là Phật Tử, Chúng Con Cần Gì Khi Đến Chùa?
Xin Hãy Là Một Phật Tử Hộ Pháp Thuần Tâm
Cứ nhìn khắp bắc trung nam ở trước cổng chùa, nhất là các chùa miền Bắc, những hàng quán sách vở về bói toán, chỉ tay, tướng số cùng rất nhiều “thầy” từ đâu xuất hiện giải quẻ liên hồi. Người người nườm nượp đến hết chỗ này đến chỗ khác, mất tiền để mang đến sự lo lắng không thôi rồi lại nườm nượp kéo đến đình chùa, phủ miếu khác được cho là linh thiêng, đoán trúng.
Nhìn các chùa ở miền Bắc như chùa Hà, chùa Phúc Khánh bị biến tướng chỉ còn tên là chùa nhưng bên trong không khác một trung tâm hành đạo mê tín. Đơn giản trong chùa không có người tu, vì tiền cúng dường là lẽ sống nên những người trong ban hộ tự hoặc xưng danh canh chùa không thể để cho các vị tăng ni tài đức vào trụ trì thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Thay vào đó, họ tạo ra biết bao nhiêu điều mê tín dị đoan, xuyên tạc, lòng người hoang mang chỉ để việc làm như đạo Bà La Môn suốt ngày mang lễ vật đến cúng bái, mong giải nghiệp, cầu vận may tất cả đều từ cúng bái.
Trong hàng vạn hàng chục vạn người nô nức đến chùa làm những điều trái đạo như vậy, có mấy người thật sự hiểu một chút giáo lý về chánh pháp. Gần như các ngôi chùa được cho là nổi tiếng linh thiêng như vậy chỉ toàn như một cơ sở nhận “hối lộ thánh thần” đầu năm thông qua những con người tự cho mình là người cõi trên “thay trời hành đạo.” Rất nhiều hình ảnh phản cảm những kẻ đầu còn đầy tóc thế mà khoác áo cà sa, “mượn áo Phật đi lừa đảo bà con” cúng bái khấn nguyện đọc đủ thứ văn sớ không biết mình đọc gì còn hàng vạn con nhang ở dưới sì sụp khấn bái rất thành tâm.
Chưa bao giờ, một màu không khí mê tín dị đoạn bao phủ nặng nề đến như vậy. Nếu các hoạt động đốt vàng mã, nhà lầu xe hơi, lấy tiền thiệt mua tiền âm phủ để đốt chưa làm thỏa dạ thì các lễ cúng linh đình để giải vận hạn, tam tai, giải sao dưới tay các thầy cúng và nghĩ suy bất thiện của con người theo thói đời vẽ ra đến phát hoảng. Con người ngày ngày có thể ác độc với nhau, ích kỷ lẫn nhau, không thương nhau, không bao giờ làm từ thiện giúp người nhưng với thánh thần thì không thể keo kiệt được vì lễ càng lớn tài lộc và phước báu sẽ càng nhiều. Đó là chưa kể đến cửa chùa nhưng toàn những mâm cổ rượu thịt dâng cúng phản cảm khi đến giới đầu tiên của nhà Phật là cấm sát sanh nhưng chẳng ai hiểu đọc. Đơn giản bởi vì thánh thần trời Phật cũng là tham ăn tham uống như thứ dân, những người quyền cao chức trọng học cao hiểu rộng theo kiến thức thế tục còn làm thế thì ta là phó thường dân sao lại không tuân. Có chăng chỉ còn mỗi việc giống đạo Bà La Môn dân tình thì ăn chay nhưng lại giết hại hàng chục triệu gia súc và gia cầm lấy máu cúng tế thần. Cũng may lễ hội sát sinh lớn nhất thế giới ấy dưới sức ép của cộng đồng thế giới và các bậc thiện tri thức đã sớm bị xóa bỏ vào năm trước.
Chùa Hương, một địa điểm có lẽ là không bao giờ vắng mặt trên các trang báo chí quanh năm, đặc biệt là trong những ngày lễ đầu năm bắt đầu hội chùa Hương khi con người ùn ùn kéo đến làm bẩn đi một danh thắng quốc gia. Đường vào chùa Hương động Tích là các quán mặn, treo đầy thịt thú rừng. Biết bao nhiêu miếu động chùa con chùa giả dạng được dựng lên để thu hút thêm sự mê tín dị đoan của con người như một dạng lừa đảo. Chỉ cần xin một chút lộc Phật, chỉ cần được đặt chân đến chùa Hương là xem như họ đã thỏa nguyện. Ước vọng tâm linh bùng cháy cùng với sự thiếu kiến thức Phật pháp căn bản cộng với việc hùa theo những điều mê tín của một số người tự nhận là người tu hay có tu nhưng vì lợi trước mắt tạo bao điều mê tín hòng lấy tiền cúng dường. Những hình ảnh phản cảm như một vị sư không biết là thật hay giả đứng trên phát lộc Phật là hình ảnh Phật cho hàng vạn người chen đến nhận và người ấy còn ném cả ảnh Phật xuống đất trong khi mọi người dâm đạp nhau để lấy cho bằng được thật quá phản cảm và đau buồn.
Người miền Bắc niềm tin tâm linh quá lớn theo biết bao nhiêu tín ngưỡng tôn giáo cổ xưa như Hầu đồng, đạo Tứ Phủ rồi họ lại thiếu sự hướng dẫn, thiếu được giáo dục về giáo lý đạo Phật, số lượng chư tăng ni thật tu hành đạo quá ít nên họ lại mang những tư tưởng từ đạo truyền thống đi vào cửa chùa. Nơi cửa chùa, không gian thờ tự đa phần toàn đủ các ban thánh tượng thần của cả Phật giáo cùng các vị thần Phật trong dân gian Việt Nam chiếm đa phần rất ít nơi có không gian tổ chức các khóa tu hay thuyết giảng giáo pháp thật sự nên vật chất tuy nhiều nhưng trí tuệ tâm linh càng sa sút. Ở những nơi này, nhang đèn vàng mã hương khói rợp trời bước vào trong những ngày lễ đông rất ngộp thở khó chịu.
Theo các thống kê trên các phương tiện truyền thông, người Việt Nam mỗi năm tiêu tốn khoảng 400 tỷ chỉ để đốt vàng mã. Trong khi đó, lương tối thiểu được khoảng hơn 3 triệu một tháng, bảo hiểm y tế cho mỗi học sinh khoảng 400 ngàn, một suất cơm bán trú cho học sinh khoảng 15 ngàn và một thùng sách tặng cho các em học sinh trong các trường nông thôn khoảng 1.5 triệu. Số tiền đốt vàng mã có thể cung cấp 27 triệu suất ăn miễn phí cho học sinh, 2.7 triệu thùng sách mở mang trí tuệ cho học sinh, đóng bảo hiểm y tế cho 1 triệu học sinh và trả lương cho khoảng 130 ngàn người lao động cơ bản trong một tháng. Số tiền ấy có thể giúp làm bao nhiêu việc thiện giúp người thiết thực nhưng do vô mình hão huyền con người lại dùng để đốt cầu mơ mộng đâu đâu.
Nếu là những người ngoại đạo, những người không hiểu đạo bình thường làm những điều không đúng chánh pháp có thể còn thông cảm. Tuy nhiên, rất nhiều Phật tử và kể cả nhiều bậc xuất gia vô hình chung đóng góp vào tệ nạn làm những chuyện phi pháp, tốn tiền, vẽ vời đủ kiểu gây lãng phí vô cùng. Những chuyện thế này như một sự nhức nhối có nói bao nhiêu thì vẫn như cóc bỏ dĩa đâu lại vào đấy, sóng to lặng chìm sóng khác lại nổi lên.
Có một dạo và cả hiện nay, thông qua một số bài giảng cũng như chấp lầm hiểu sai, phong trào in kinh tặng tượng rầm rộ tặng nhau. Đến hôm nay cũng vậy, dù việc thờ tượng thỉnh tượng quá dễ dàng, sản xuất tượng cũng quá dễ với chi phí cũng rất thấp, nhiều Phật tử vẫn cố gắng kêu gọi nhau hùm phước để sản xuất tạc tượng tặng nhau và tượng trở nên quá thừa. Nhiều gia đình ngập tượng, nhiều chùa không khác một bảo tàng tất cả các loại tượng Phật đủ kích cỡ nhưng việc bảo quản lưu giữ chẳng mấy ai quan tâm. Số lượng tượng, băng đĩa, pháp khí Phật giáo, chuỗi đeo, ban thờ, ảnh thờ quá nhiều gây đủ thứ phiền não làm các Phật tử loạn động trong tu hành và trang nhà Linh Sơn Phật Giáo đã nhận rất nhiều câu hỏi cũng như trả lời rất nhiều lần về vấn đề này nhưng thắc mắc vẫn tiếp tục chưa có điểm dừng.
Theo các Phật tử, trong kinh điển Phật dạy vì cúng dường pháp bảo, in kinh, tạc tượng là công đức bậc nhất nên cứ thế mà làm. Nhưng đó là của thời xưa, thời Đức Phật không có máy vi tính, không có máy photocopy, không có internet, thế giới mạng, các phương tiện nghe nhìn, không có công nghệ sản xuất tạc tượng hàng loạt với đủ thứ vật liệu. Do đó để giáo pháp Phật đến với mọi người cực kỳ khó khăn. Hiện nay, những điều này quá dễ dàng vậy tại sao không nghĩ rằng thay vì tô tượng đúc chùa bên ngoài không dùng để tô tượng, đúc chùa trong tâm. Vào những nhà hay các chùa có quá nhiều tượng thờ nhưng không gian quá chật hẹp, việc bảo quản lưu giữ không ai quan tâm, dưới chân tượng đầy rác sau mỗi buổi lễ thì việc dùng để giáo dục ý thức, trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, dùng tiền bạc giúp người nghèo, các em học sinh đến trường đi học, góp vào các quỹ cứu trợ thiên tai liệu không phải là “cúng dường pháp bảo hay sao?”
Có rất nhiều chùa, kể cả chùa ở hải ngoại, các khóa tu, các chương trình thuyết giảng Phật pháp, hướng dẫn Phật tử tu hành thì không thấy đâu chỉ toàn thấy kêu gọi đóng góp xây chùa đúc tượng. Có nhiều chùa ở hải ngoại, chùa xây lên nợ chi phí rất nhiều, phải trả lãi ngân hàng nhưng lại kêu gọi Phật tử đóng hàng trăm ngàn để đúc những tượng Phật làm vườn chùa ghi sách kỷ lục mong sớm là một nơi du lịch tâm linh. Những pho tượng hàng chục tấn được đưa đến sân chùa chật hẹp nhìn vô cùng phản cảm trong khi ngôi chùa quá bé nhỏ nợ nần chồng chất. Để giải quyết vấn đề về tiền bạc này, các chương trình kêu gọi quyên góp, ca nhạc, cầu cúng linh đình, kể cả bán vé số, cầu may, một hình thức bài bạc của thế gian được đưa vào cửa chùa với danh nghĩa “cúng dường tam bảo phước đức vô lượng.” Tuy nhiên, có biết đâu, ở các ngôi chùa ấy chỉ có một vài vị tăng quán xuyến hay dọn dẹp chùa còn không nổi huống chi nghĩ đến những việc hoằng pháp lợi sinh khác.
Cũng có nhiều chùa gần như đã không chịu nhận thêm tượng Phật nhưng Phật tử vẫn mê muội chỉ xin cúng tượng Phật để mọi người chiêm bái và vì cả nể, vì sợ Phật tử mất phước nên chùa phải nhận sinh ra thêm nhiều phiền não về sau. Nhiều Phật tử còn yêu cầu phải khắc tên vào những tượng Phật cúng dường, các kinh tụng họ phát tâm ấn cúng mà có biết đâu đó là làm cho phước đức mất đi khi bị bao nhiêu người quỳ lạy. Cứ nghe ở đâu có tượng quý, làm từ những loại vật liệu quý, tượng vàng tượng ngọc, xá lợi linh thiêng khắp nơi lại cố gắng thỉnh về, hoặc dùng đúc tượng, xây tháp thờ biến chùa thành một viên bảo tàng, một nơi chỉ đến để chiêm bái, quỳ lạy, cầu khẩn, ngắm nhìn chứ nào phải đến để học và tu.
Có nhiều Phật tử sơ cơ nhưng vì tâm đạo cao, một lòng vì Phật pháp nhưng chưa hiểu thấu cũng dồn tiền bạc để in kinh, in sách in băng đĩa đủ kiểu để tặng. Tội nghiệp hơn họ mang đến nhiều chùa hay các đạo tràng tặng nhưng không được nhận. Lý do vì chùa không có nhu cầu, chuyện đọc kinh sách quá dễ dàng chỉ cần một máy tính, một điện thoại cũng có thể đọc được, hoặc việc thỉnh kinh sách rất dễ nên đâu phải như ngày xưa. Nhiều băng đĩa đủ các vị thầy giảng, các bài pháp được tặng nhưng chẳng ai quan tâm, cầm vứt khắp nơi, người được nhận đến bội thực vì băng đĩa nhưng vẫn được khuyến khích nhận để cho người tặng có phước, người nghe cũng được phước. Tuy nhiên, nếu ít nghe để tu còn có phước đằng này mất quá nhiều thời gian nghe băng đĩa, các lời giảng chống chỏi nhau để rồi đau khổ loạn tâm không biết phải làm như thế nào. Do đó, càng nghe càng tu càng loạn càng phiền não, nghi ngờ khắp nơi. Đó là chưa kể, hiện nay tất cả các băng đĩa đều được đưa lên mạng, các tivi thông minh đều có thể lên mạng mở xem nên chẳng mấy ai còn xem băng đĩa nhưng Phật tử vẫn tốn kém tiền in sao làm băng đĩa để biếu tặng khắp nơi, vô hình chung làm cho pháp Phật trở nên quá rẻ trong khi người tu thật tâm chẳng có là bao.
Có lẽ, những điều phản cảm nơi chốn cửa chùa cùng rất nhiều hành động vô minh của cả Phật tử hay không Phật tử ai cũng thấy cũng biết, các bậc tôn túc vì sự nghiệp Phật giáo đã nói đã giảng miệt mài nhưng chẳng thuyên chuyển là bao. Cuối cùng mọi người chỉ còn than ngắn thở dài đổ lỗi và bảo theo lời Phật dạy về thời kỳ mạc pháp, thời kỳ đấu tranh kiên cố người ta chỉ lo tranh luận pháp nọ pháp kia, xem cái nào là đúng, cái nào là sai, cái nào Phật nói, cái nào không có trong kinh điển, đưa ra rất nhiều những tranh luận muôn hình vạn trạng càng nói càng sai. Trong thời kỳ đấu tranh kiên cố và mạc pháp, người ta chỉ lo xây chùa đúc tượng cho thật lớn, làm đủ thứ việc tốn kém tiền của không khác nào xả ra đầy rác cả bên trong và bên ngoài nhưng chẳng mấy ai rãnh rỗi để dừng lại nhặt bỏ rác đi lại tiếp tục nghĩ cách tạo thêm rác khổ đời.
Nếu là Phật tử hoặc những ai đã từng có tình cảm với Phật giáo, từng đọc về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca đều biết đều nhớ rằng Ngài từng là một thái tử, từng sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, có tất cả mọi vật chất tiện nghi tối thượng trên thế gian nhưng Ngài đã bỏ lại tất để tìm ra chân lý giải thoát. Cuộc đời 80 năm của Ngài cùng tất cả các bài giảng, chân lý, bài kinh Ngài đã nói và hành đều toát lên một đạo vị giải thoát giản đơn, thanh bần, thiểu dục tri túc đầy lạc an mà bất cứ thành phần thấp cao, dù là kẻ hạ đẳng hay đến giới thương gia, vua quan đều cảm thấy cần phải học buông bỏ tu hành. Thế mà chúng ta là đệ tử của Ngài lại không học theo hạnh thanh bần của Ngài, biến chùa chiền đâu khác gì các cung điện nguy nga, khác chi mang tượng Phật vào giam cầm giữa những tiện nghi sa hoa đắc tiền trong khi thế gian xung quanh biết bao nhiêu con người khổ đau đến một bữa cơm qua ngày còn không có để ăn.
Hiện nay, môi trường đang bị phá hoại nghiêm trọng và rừng bị tàn phá từ cây nhỏ đến đại thụ để làm nhà, trang trí nội thất với đủ kiểu đắc tiền. Thế nhưng chạnh lòng khi các Phật tử thường bảo rằng những loại cây gỗ quý gỗ cấm để bảo tồn thì đều hiển hiện đầy đủ trong các công trình xây dựng ở chùa, những kèo cột, ghế bàn. Có công trình chỉ toàn gỗ là gỗ với những loại gỗ trăm năm ngàn năm nguy nga tráng lệ chẳng khác các phủ đền cung điện vua chúa chưa kể những nội thất trang trí đắc tiền hiện đại ngày nay. Thế thì làm sao chúng ta có thể thuyết giảng hay nói với Phật tử rằng phải học hạnh sống thanh bần giản dị bảo vệ môi trường? Nếu chúng ta muốn tụng chú đại bi, nhớ chú đại bi hãy học hạnh đại bi, làm chuyện đại bi sao tốn chi bao nhiêu tiền của điêu khắc tạc chú in kinh vào những loại cây gỗ đã quý, cúng kiếng bày vẽ linh đình. Chú Đại Bi của Bồ Tát Quán Thế Âm tỏa vạn khắp nơi nào đâu có mong được tạc khắc đủ muôn vẽ muôn hình tốn thời gian công sức của cả người tại gia và xuất gia, tạo cho chùa toàn đầy đủ thứ lễ nghi cúng bái hình thức thay cho sự thực tu.
Đức Phật luôn khuyến khích và kêu gọi các tín đồ của Ngài hãy thực hành theo lời của Ngài dạy để mang lại niềm an lạc cho mình và mọi người chứ Ngài đâu có mong Phật tử suốt ngày cứ in kinh, tạc tượng Ngài trao tặng khắp nơi. Nếu kính quý Ngài sao không sống theo hạnh từ bi thanh bần, giúp người , tạc những pho tượng sống chính là pho tượng của yêu thương, giúp đỡ gia đình, hiếu kính cha mẹ, giúp người xung quanh, giúp các em nhỏ có cơm gạo sách vở đến trường, giúp người bệnh có thuốc men tiền bạc chữa trị, giúp trồng cây gây rừng, giữ gìn về sinh môi trường, sống tuân thủ pháp luật, không làm điều xấu ác, không sát sanh, tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh giới đức hành xử khi đến chùa, khuyên dạy điều hay lẽ phải, sống thiện nghĩ thiện làm thiện, tin sâu nhân quả tội phước liệu không phải chính là tạc những pho tượng Phật sống động hơn sao. Nếu chạm trỗ được pho tượng cho chính mình, chỉnh sửa tượng bằng cách thay đổi tâm tư của người khác thì những pho tượng này có giá trị gấp nhiều lần, quý hơn cả xá lợi thật vì sẽ sản sinh rất nhanh, làm nhiều việc lợi ích hơn cho xã hội. Như thế chính là phương cách tu hành lợi lạc, đúng nghĩa nhất, ít ra cũng chỉ cần tu theo nhân quả thì dù là có thờ Phật hay không thờ Phật các Ngài vẫn luôn bên ta, hoan hỷ và tán thán với ta.
Một năm mới vừa sang trang với bao nhiêu điều tốt đẹp chờ mong. Nguyện cho những hành giả của Phật môn sẽ là những Bồ tát thật sự đi vào đời mang niềm an lạc khắp cùng. Những tượng Phật gạch đá vô tri, những quyển kinh sách băng đĩa trở nên dư thừa, các điều bất thiện về mê tín dị đoan, gây ra những tệ nạn tranh giành pháp môn tu hành, phân chia pháp thấp pháp cao tất cả chỉ là huyễn mộng vô giá trị. Nguyện mong những hành giả chân chính dù tu theo Pháp môn kinh điển nào trước cũng nên hiểu cho rõ Tứ Diệu Đế, thực hành đúng theo Bát Chánh Đạo, tin sâu nhân quả tội phước để góp phần xây dựng thật nhiều đạo tràng tâm linh, nhiều hóa tượng Phật linh thiên trong tâm của mình và bao người xung quanh.
Ngọc Hằng