VẤN: Con đến một số chùa trong nước thấy đa phần đều để hòm công đức cho phật tử bỏ vào. Tuy nhiên một số chùa con lại không thấy có hòm công đức và được hướng dẫn bỏ vào chuông. Mỗi khi cần chú nguyện hay cầu an cầu siêu con cũng được hướng dẫn bỏ danh sách vào chuông đến giờ tụng niệm sẽ có người lấy ra đọc. Con không biết bỏ tất cả vào chuông như vậy có đúng không? Có một số nơi khi nguyện cầu còn khuyên dán giấy cầu an cầu siêu, ghi tên những người cần chú nguyện trên tờ giấy do chùa phát rồi dán lên đại hồng chung. Con nghe giảng như thế sẽ được chú nguyện đi khắp tam giới nhưng giấy dán lên chằn chịt vậy có tác dụng không? Tại sao phải dán lên đại hồng chung mà không phải ở nơi khác? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP

1/. Ý nghĩa chữ “cúng dường”

Nói đến “cúng dường” trước nhất xin nói về ý nghĩa của hai từ Phật học “cúng dường”. Từ ngữ “cúng dường” xuất phát trong chốn thiền lâm xưa nay, “cúng dường” là chữ đọc “trại” từ chữ “cung dưỡng” cung cấp dưỡng nuôi. Hiến tặng, dâng hiến, cung cấp vật thực tứ sự: ăn (vật thực), mặc (vải vóc), ở (xây tịnh thất, xây chùa), bệnh (thuốc men); dưỡng nuôi các bậc tu hành, đạo cao đức cả, chư Tăng Ni, những bậc xuất gia trong chốn thiền lâm.

Những ví phát tâm cúng dường gọi là “hộ pháp”, tức là hộ trì chánh pháp, cúng dường chư tôn đức Tăng Ni là những người góp phần giữ gìn giáo pháp Phật, truyền thừa giáo pháp Phật, thay Phật giáo hóa chúng sanh, cúng dường Phật Pháp Tăng tức là hộ trì chánh pháp.

Việc sắm sanh tịnh tài tịnh vật cung cấp dưỡng nuôi các bậc xuất gia đáng tôn đáng kính là một công đức lớn lao, trở thành truyền thống đối với Phật tử Việt Nam và thế giới khi đi chùa lễ Phật. Chữ “cung cấp dưỡng nuôi” trờ thành chữ “cúng dường”, cúng dường Tam Bảo hay cúng dường chư Tăng Ni là như vậy.

Theo từ điển Phật học thì chữ cúng dường là cung cấp, đài thọ vật dụng để nuôi dưỡng. Là lời nói cung kính khi tặng cho các bậc tu hành đồ ăn, đồ mặc và những vật dụng khác. Như nói: cúng dường Phật, chư Tăng, cúng dường Tam Bảo.

Bốn món cúng dường phổ thông đối với tăng chúng Phật giáo là thức ăn, quần áo, giường nằm, thuốc men. Gọi là Tứ sự cúng dường.

Từ ngữ cúng dường theo tiếng Pali là Argpya, tiếng Pháp Nourrir, nghĩa là “cung cấp” vật thực, đồ quý báu hoặc hương đăng trà quả để tỏ lòng quý kính sùng mộ.

Cúng dường có hai thể: Một là cúng dường trước tượng Phật, tháp Phật bằng hương hoa nhang đèn đốt lên. Hai là cúng dường tịnh tài tịnh vật Sư Tăng để các ngài tiện bề tu học và chú nguyện cho mình.

Những nhà tín thí cúng dường phân làm ba hạng: Một là vì cung kính sùng mộ mà cúng dưòng - Hai là vì hạnh nguyện mà cúng dường - Ba là vì thấy lợi ích cho ông bà cha mẹ quá vãng, cho gia đình và cho mình trong đời nầy và đời sau mà cúng dường

Trong Bồ Tát Giới Kinh, điều giới khinh thứ 44, Phật dạy:”cúng dường kinh điển như vầy: Phật tử thường nên thọ trì đọc tụng kinh luật đại thừa, lột da mình làm giấy, chích máu làm mực, xẻ xương làm bút đặng viết chép Phật giới. Cũng dùng luôn vỏ cây, giấy lụa, the trắng, tre lụa mà chép viết thọ trì hết cả...”

Thường đem thất bảo hương hoa vô giá, hết thảy của báu xen lộn mà làm rương, túi đựng những kinh luật. Cúng dường cũng là cung cấp dưỡng nuôi thuốc men, vật thực những người tật bệnh, goi là cúng dường người tật bệnh. (từ điển Phật học - Đoàn Trung Còn)

2/. Sự cúng dường xuất phát từ thời Phật sinh tiền:

Thời Phật sinh tiền, sự cúng dường rất thanh tịnh, trong đó người cúng và người nhận đều rất thanh tinh, cụ thể một mẫu chuyện của Di Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề

Vì để lập công đức được Đức Phật cho phép xuất gia làm Tỳ kheo ni, Di Mầu đến xứ Parsi mua loai giống bông vải quý đem về tự tay Di Mẫu trồng, đến mùa trổ bông Di Mẫu lầy hạt giống của cây bông đầu tiên gieo lại một lần nữa trên đất Cà Tỳ La Vệ và như thế làm đi làm lại ba lần, lần cuối cùng Di Mẫu lấy bông vải tự tay dệt thành tấm chăn quý đem cúng dường Phật, Phật liền nhận và chứng minh công đức cho Di Mẫu. Tuy nhiên thời gian sau đó Phật đem tấm chăn ban cho vị Sa di trẻ tuổi sử dụng. Việc làm của Di Mẫu là sự cúng dường thanh tịnh nhất trong các pháp cúng dường, về sau Di Mẫu theo Phật xuất gia và chứng A La Hán quả.

Trong Tăng đoàn của Phật, mỗi buổi sáng vào lúc 8 giờ Đức Phật hướng dẫn chư tôn giả đi khất thực, những vị tín tâm đàn việt chờ Phật đến trước cửa nhà gieo năm vóc lạy xin Phật dừng chân để được cúng dường vật thực, thức ăn tinh khiết. Phật và chư tôn giả nhận và dùng các thức ăn nầy vào buổi trưa, đó là buổi ăn chính trong ngày của Phật và đệ tử Phật

Ngoài ra còn có sự cúng dường thanh tịnh bằng một hạnh lành khác nữa, như: thỉnh thoảng những ngày lành tháng tốt, các nhà Vua, hoàng tộc, chư vị trưởng giả thường thỉnh Phật đến hoàng cung, tư gia để cúng dường trai viên cầu phước báo và sau đó nghe Phật thuyết pháp độ cho tu hành.

Hạnh cúng Dường của Phổ Hiền Bồ Tát:

Là dâng cúng lên ngôi Tam Bảo. Cúng dường phải hội đủ ngũ phần hương:

1/ Hương của giới (kỷ luật),

2/ Định (an trụ),

3/ Huệ (trí tuệ giác ngộ),

4/ Giải thoát (vượt qua mọi chướng ngại),

5/ Giải thoát tri kiến (cái nhìn thoáng rộng, không phân biệt ta và người, không chấp trước).

Lời Phật dạy, phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật; vì lẽ đó, chúng ta tu học theo Ngài Phổ Hiền là phụng sự chúng sanh theo tinh thần ngũ phần hương (làm việc trong tinh thần kỹ luật, tương kính, làm việc với tâm an trụ và vui vẻ, làm việc có tổ chức và khoa học, làm việc với tinh thần phục khó, và cuối cùng, làm việc với tinh thần không suy tính vụ lợi, không khởi tâm cao ngạo. Cúng dường bằng cách chia sẻ và phung sự tha nhân.

Hạnh cúng dường của Mục Kiền Liên

Theo kinh Vu Lan Bồn, Đức Phật dạy tôn giả Mục Kiền Liên cách thức cúng dường trai tăng ngày rằm tháng bảy (15/07 al) như sau:

Rằm tháng bảy là ngày Tự tứ,

Mười phương Tăng đều dự lễ này,

Phải toan sắm sửa chớ chầy,

Ðồ ăn trăm món trái cây năm màu.

Lại phải sắm giường nằm nệm lót,

Cùng thau, bồn, đèn đuốc, nhang dầu,

Món ăn tinh-sạch báu mầu,

Ðựng trong bình bát vọng-cầu kính dâng,

Chư Ðại đức mười phương thọ thực,

Trong bảy đời sẽ đặng siêu thăng.

Lại thêm cha mẹ hiện tiền,

Ðặng nhờ phước lực tiêu khiên ách nàn.

(trích Kinh Vu Lan Bồn)

Lễ Vu Lan ngày rằm tháng bảy âm lịch là lễ quan trọng của chư Tăng Ni và Phật tử, ngày đó là ngày thể hiện đạo đức của người con Phật có cơ hội báo ân báo hiếu cửu huyền thất tổ ông bà cha mẹ quá thế nhiều đời và song dường hiện tiền. Việc sắm sanh lễ vật cúng dường chư Tăng Ni, tức là cung cấp hiến dâng những phần quà tứ sự cho chư Tăng Ni, nhất thiết phải là cúng tập thể, thỉnh mười phương Tăng Ni, không cúng riêng cho bất cứ ai khác (biệt thỉnh), vì làm như vậy sẽ mất thanh tịnh trong việc cúng dường. Ngược lại trách nhiệm của chư Tăng Ni là lo việc truyền trì chánh pháp, giữ gìn truyền thống đạo đức của Đức Phật, hướng dẫn Phật tử tu học. Lễ cúng dường phải được tổ chức quy mô và trọng thị như vậy mới gọi là cúng dường.

3/. Lễ nghi cúng dường hôm nay:

Đến chùa mà cúng dường chung hết vừa Phật Pháp Tăng, kêu là cúng dường Tam Bảo. Xuất phát từ sự tín tâm của nam nữ Phật tử, trong những ngày lành tháng tốt, ngày vọng, ngày sóc, tam nguơn tứ quý, các lễ nghi có tính cách thành sự kiện lớn. Người Phật tử Việt Nam trong nước cũng như nước ngoài phát tâm thanh tịnh đến chùa gặp Thầy để xin cúng dường, có khi là mâm quả, hoặc phong bì cúng dường tịnh tài tịnh vật, dâng lên Phật, dâng lên Thầy Tổ, dâng cúng dường chư Tăng Ni bằng hiện vật hay hiện kim, tùy hoàn cảnh tùy phát tâm của các gia đình Phật tử mà cúng dường, chư không bắt buộc Phật tử phải cúng bao nhiêu hay bao nhiêu! Cúng dường như thế gọi cúng dường Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng)

Cúng dường cầu an, cầu siêu 

Người Phật tử đến chùa dâng lễ cầu an hay cầu siêu hay tất cả các lễ cúng khác có tính cách lành mạnh. Thường thì gia đình Phật tử đặt tịnh tài vào phong bì, đặc biệt người cúng dường và người nhận cúng dường đồng thanh tịnh không tính toán nhiều hay ít, chỉ tín nhiệm vào lòng thành tín dâng lễ Thầy Tổ, Thầy trụ trì, nguyện xin chứng minh và thọ nhận cho gia dình được ân triêm phước lạc

Cúng dường hộ trì cho các lễ nghi

Khi nhà chùa hữu sự, tổ chức những sự kiện lớn, lễ cúng lớn, như lễ kỵ tổ sư khai sơn, đại lễ Phật đản, lễ Vu Lan, lễ vía Đức Bồ Tát Quan Âm...lúc bấy giờ Thầy trụ trì mời các Phật tử bổn đạo hội họp bàn việc cúng kiến tổ chức quy mô. Trong chùa có một ban vận động kinh phí trong nhiều gia đình Phật tử, các vị phát tâm ứng tiền ủng hộ vào kinh phí tổ chức cuộc lễ, cho đến khi nào đủ để tổ chức cuộc lễ. Sau cuộc lễ có chiết tính công khai trong đạo tràng Phật tử.

Cúng dường vào thùng (hòm) công đức

80% trong các tự viện, tịnh xá có đặt thùng công đức, có khi bằng két sắt, có khi bằng gỗ và đề chữ “tùy hỷ công đức”, “công đức phước điền”, “cúng dường Tam Bảo”, dù là câu chữ nào cũng là để cân nhắc cho Phật tử khi phát tâm cúng dường thì để vào đây, cúng như thế cũng có đầy đủ phước đức, vì số tiền đó khi vị trụ trì và chỉ có vị trụ trì mới có quyền mở “tủ công đức” để đếm tiền. Khi đếm, dù đạt bao nhiêu cũng tốt số tiền đó để dành trùng tu ngôi chùa, nuôi Tăng Ni chúng tu học, làm việc từ thiện giúp đỡ người nghèo khó, tổ chức các cuộc cúng lễ trong năm v.v...

Việc đặt thùng tùy hỷ công đức chỉ đặt một nơi tại phía trước chánh điện mới đúng nghĩa cúng dường Tam Bảo, đặt thùng công đức nơi khác thì không gọi là cúng dường Tam Bảo. Đặt thùng tùy hỷ nơi bàn vong thì cúng vong, đặt thùng tùy hỷ nơi thờ Ngũ Hành thì cúng Ngũ Hành, không phải cúng Tam Bảo... Trường hợp vị trụ trì sử dụng tiền ấy đúng mục đích thì phước đức vô lượng cho cả hai: “của pháp đôi thí đều không sai khác, pháp đến bờ kia khẩm đủ trọn rồi” (Chơn lý Đại đồng - tác giả Minh Đăng Quang)

Ngày nay có một số ít chùa không lập thùng tùy hỷ công đức phước điền, khi tín đồ Phật tử cúng dường thì để vào chuông gia trì, có vị Sư do trụ trì tin tưởng phân công trông nom, hoặc cúng ngay cho vị trụ trì; nếu không có mặt trụ trì thì gởi cho vị Sư trị sự được trụ trì tín nhiệm; hoặc lập bàn tiếp lễ viết sớ cầu an cầu siêu, cúng trai tăng, cúng trai phạn, tiếp nhận tịnh tài tịnh vật, ghi vào sổ để trình trụ trì. Cả ba cách cúng dường nầy tuy không như đa số các chùa, nhưng công đức cúng dường vẫn trọn vẹn, đúng nghĩa cúng dường Tam Bảo

4/. Việc dán sớ cầu an cầu siêu vào đại hồng chung:

Thường thì Phật tử đến các chùa lớn, trụ trì có sắm bàn tiếp lễ, nơi đây ghi sớ cầu an, cầu siêu, tiếp nhận tịnh tài tịnh vật, ghi vào sổ để trình trụ trì. Sớ có nơi in chữ nho, có nơi in chữ việt, có nơi viết tay... tất cả sớ văn nầy được chư Tăng Ni cầu nguyện hồi hướng cho gia đình Phật tử vào những thời khóa lễ tụng niệm sáng, trưa, chiều, tối. Sau khi cầu nguyện xong thường là đem thiêu hóa.

Vấn đề dán sớ văn tên tuổi của người xin cầu phước, cầu siêu đã có tại các chùa người Hoa, chùa Việt xưa vào những thời điểm Phật pháp bị lu mờ bởi người Tây dương chiếm đóng, niềm tin Phật của Phật tử không được hướng dẫn, các vị quan niệm Phật như một đấng thần linh lúc nào cũng phò hộ cho con người nếu người đó biết tin tưởng cúng bái; vì tin như thế nên khi găp việc xấu ghi tên tuổi dán vào đại hồng chung nhờ cầu nguyện. Có những Phật tử giàu cúng đại hồng chung, cúng dường Phật, cúng pháp khí phụng thờ bên trong ngôi Tam Bảo có điền tên tuổi người cúng để cầu nguyện cho mọi việc được như ý. Hoặc do nhu cầu Phật tử coi xăm quẻ, gặp quẻ xấu, bàn đoán gia đình sẽ gặp nạn, ghi tên xin dán vào đại hồng chung để người đóng đại hồng chung cầu nguyện giúp cho gia đình Phật tử tai qua nạn khỏi. Những việc làm nầy ngày nay đã không còn, vì không phù hợp với sự tín ngưỡng của Phật tử, đa số Phật tử đến chùa hôm nay là cầu tu học.

Phước cúng dường nầy của tín chủ

Tam nghiệp thanh tịnh định huệ tu

Tánh cũ tự mình gồm chứa đủ

Tây phương an dưỡng hưởng thiên thu

 HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Nên Dán Sớ Cầu An Cầu Siêu Lên Đại Hồng Chung Không? Tiền Cúng Dường Nên Đặt Ở Đâu?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com