NẾU SO SÁNH VỚI ÐỀN THỜ BÀ-LA-MÔN NGUY NGA, MANG NẶNG TÍNH PHÔ DIỄN VỚI TRANG TRÍ SẶC SỠ HÌNH TƯỢNG ÐỦ LOẠI THẦN THÁNH VÀ KHÉP KÍN, CHỈ ÐÓN NHẬN CÁC NHÀ TƯ TẾ ÐẲNG CẤP CAO, THÌ KHÔNG GIAN TAÂM LINH PHẬT GIÁO MỘC MẠC, THUẦN KHIẾT, KHIÊM TỐN VÀ DUNG DỊ, MỞ RỘNG CỬA ÐÓN NHẬN MỌI NGƯỜI, KHÔNG PHAÂN BIỆT ÐẲNG CẤP, NGUỒN GỐC. VÀO THỜI KỲ THẦN QUYỀN CÒN NGỰ TRỊ ÐÓ, ÐẠO PHẬT VÀ KHÔNG GIAN TAÂM LINH PHẬT GIÁO KIỂU NÀY THỰC SỰ LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG CÁCH MẠNG ÍT THẤY TRONG LỊCH SỬ TÔN GIÁO LOÀI NGƯỜI TỪ CỔ CHÍ KIM...

Nhớ lần đến dự hội nghị tại một đại học Bắc Mỹ, nhìn thấy một khối nhà lớn nằm tại vị trí trung tâm, bên trong chỉ vỏn vẹn một không gian lớn rổng không với một khối đá hoa cương vuông vức nằm chính giữa, tôi không thể đoán ra được ngôi nhà sử dụng vào việc gì. Hỏi ra mới biết đó là ngôi thánh đường sử dụng chung cho các tôn giáo: nào Tin lành, Công giáo lẫn Do Thái giáo (bấy giờ tại đây chưa có sự hiện diện của Phật giáo).

Nay tôi nghĩ rằng tòa nhà đó có lẽ cũng được sử dụng cho người theo đạo Bà-la-môn, đạo Phật hành lễ, vì trường đó ngày càng có đông sinh viên từ châu Á đến học.

Có dịp quan sát lễ lạc nhiều tôn giáo khác nhau, tôi thấy tựu trung các tín đồ đều cần một không gian tâm linh, miễn sao tạo được khung cảnh để sinh hoạt tinh thần mà không nhất thiết phải sử dụng hình tượng hoặc trang trí riêng biệt của tôn giáo mình.

Tôi thường suy nghĩ về một không gian tâm linh tương tự ngôi nhà cầu nguyện nói trên cho mọi người trong đời sống thế kỷ XXI. Phải chăng hành tinh chúng ta ngày càng bé nhỏ lại, cả loài người rồi sẽ chỉ là một ngôi làng, xung đột-hận thù-chiến tranh sẽ thuộc về qúa khứ, tất cả mọi dân tộc đều bình đẳng và là anh em cùng sinh sống trên trái đất.

Trong lịch sử loài người, các nơi thờ tự đầu tiên là không gian bao la, trên đỉnh núi cao vút, chỏm đồi vùng trung du hoặc đài đất đắp cao giữa thảo nguyên, những nơi con người có thể giao hòa với trời đất.

Trong lịch sử kiến trúc cổ đại đã thấy xuất hiện các công trình đền đài lớn, như các Ziggurat nhiều tầng bậc vùng Lưỡng Hà (Mesapotomi) hoặc đền thần Ai Cập đồ sộ trong các chế độ mà thần quyền và vương quyền tập trung về một mối. Các ziggurat vùng Lưỡng Hà, kim tự tháp cụt đầu của các nền văn minh Maya, Inca ở châu Mỹ cổ, đàn tế trời đất ở Trung Quốc, khu đền đá tròn lộ thiên Stonehenge ở Anh... đều mở toang không gian cho con người giao hòa với trời đất. Trái lại, các đền thờ Bà-la-môn ở Ấn Ðộ, đền thần Ai Cập với không gian tế lễ khép kín chỉ dành cho chức sắc tôn giáo và tín đồ thuộc đẳng cấp chọn lọc. Từ đó đã xuất hiện sự phân biệt trong hàng ngũ tôn giáo, phân biệt đối sử mang tính giai cấp do con người tự đặt ra để thống trị lẫn nhau. 

Phải chăng các chế độ nô lệ cổ đại không muốn duy trì không gian tâm linh mở của con người thời bộ tộc nguyên thủy mà đã tạo ra những rào cản giai cấp, phân biệt đối sử, mầm móng của những xung đột, hận thù, chiến tranh. Một khi con người vẫn còn cho rằng chỉ có tôn giáo của mình là tuyệt đối đúng, cao cả để khinh miệt các tôn giáo-tín ngưỡng khác thì xung đột tôn giáo sẽ chưa bao giờ dứt, dẫn đến xung đột về nền văn minh, văn hóa, chủng tộc. Các thảm cảnh đẫm máu người da trắng Kitô giáo đến châu Mỹ tàn sát người dân Maya, Inca ngoại đạo, xung đột Tin lành-Công giáo ở Bắc Ailen, Hồi giáo-Bàlamôn giáo ở Ấn Ðộ-Pakistan, tấn công kiểu thánh chiến Jihad Hồi giáo 11/9/2001 ở New York, và mới rồi ở Bali chắc sẽ còn tiếp diễn trong một thế giới không khoan dung!

Loại hình đền thánh xuất hiện rõ nét nhất từ nền kiến trúc cổ đại Hy Lạp - La Mã, theo mẫu hình đền Ai Cập. Ðền các vị thần bảo hộ các thành bang vùng Ðịa Trung Hải đều xây dựng tập trung ở khu đất thánh Acropole, luôn chiếm vị trí trang trọng nhất ở trung tâm các đô thị cổ đại phương Tây. Bố cục ngôi đền tuân thủ các quy định khắc khe về cung thánh, nơi tế tự, hậu cung tàng trữ đồ tư tế. Nhưng rõ ràng đây vẫn là các không gian khép kín, ngăn cách, phân biệt đối xử giữa công dân thành bang và nô lệ ngoài tín ngưỡng chính thống được công nhận. Truyền thống tôn giáo tín ngưỡng kiểu đó thật thiếu khoan dung, không thể là hình mẫu tự do dân chủ, tình huynh đệ mà phương Tây lâu nay vẫn ca ngợi!

Ngôi nhà thờ Kitô giáo xây dựng theo hình mẫu Hy-La đó và luôn chiếm giữ vị trí trung tâm đô thị phương Tây kể từ thời Trung cổ khi tín đồ tôn giáo này thay thế quyền hành đế quốc La Mã. Giáo hoàng ở Vatican (Rôma) được suy tôn đứng trên các vua chúa ở châu AÂu.

Phải đợi đến thời kỳ Phục hưng, những đợt phản kháng nổi lên giữa lòng giáo hội Kitô giáo La Mã thì mới xuất hiện các xu thế Thệ phản, Tin lành đem lại luồng gió mới cách tân Kitô giáo, một tôn giáo đã kinh qua “đêm đen Trung cầu”.

Ngôi nhà thờ cơ bản đã sử dụng lại công trình Basilica (pháp đình, biểu tượng cho quyền uy thượng tôn pháp luật của đế quốc La Mã) làm thánh đường, vì đơn giản đây là công trình kiến trúc trung tâm có quy mô lớn nhất thời đế quốc La Mã cũ. Vậy mà , thời đó không thấy ai phê phán việc sử dụng lại chủng loại công trình ngoại đạo này.

Ðánh chiếm được nhiều vùng đất châu Âu và Ðịa Trung Hải, tín đồ Hồi giáo chiến thắng vào các thế kỷ XIV, XV đến lượt mình cũng cải tạo sử dụng lại các nhà thờ Kitô giáo quy mô lớn, biến chúng thành đền thờ Hồi giáo, không thấy phân biệt. Có lẽ người Hồi giáo thực dụng cần cơ sở có sẵn, sử dụng được ngay cho không gian tâm linh của họ. Ðó là trường hợp sử dụng các ngôi nhà thờ Kitô giáo quy mô lớn ở thành Constantinople (Istambul ngày nay), thủ phủ phía Ðông của đế quốc La Mã bị đế quốc Hồi giáo Ottoman triệt hạ vào giữa thế kỷ XV.

Các tôn giáo đều cần một không gian tâm linh rộng lớn, đủ chỗ chứa số tín đồ ngày càng đông đảo. Các công trình kiến trúc đồ sộ có sẵn dễ bị kẻ chiến thắng lần lượt chiếm dụng.

Chỉ có một ngoại lệ về đền thờ Bà-la-môn, bề ngoài tuy đồ sộ, nguy nga nhưng không gian nội thất vốn khép kín và chật hẹp, không phù hợp với yêu cầu một không gian lớn cho đông đảo tín đồ của đền Hồi giáo. Cho nên nhiều đền Bà-la-môn, hoặc đã bị kẻ xâm lăng triệt hạ để lấy vật liệu xây dựng đền Hồi giáo mới, hoặc do phân biệt đối sử đối với người theo tôn giáo cũ. Từ đó đã nảy sinh biết bao cảnh tranh chấp đền thờ đẫm máu không dứt giữa hai tôn giáo lớn này ở lục địa Ấn Ðộ!

Tại phương Ðông, Phật giáo xuất hiện cùng thời với nền văn minh Hy-La, thời Xuân thu-Chiến quốc ở Trung Quốc, nhưng lại không đặt nặng yêu cầu không gian thờ tự, tế lễ. Không gian tu tập của người Phật tử có thể là một khu vườn hoặc hang động rộng lớn, chủ yếu đủ chỗ đón nhận được đông đảo thành viên tham dự.

Như vậy, các cơ sở sinh hoạt Phật giáo đầu tiên chỉ đơn giản là các không gian mở ra giữa thiên nhiên hoặc phòng hội lớn, trần trụi, không trang trí hình tượng, màu sắc gì. Hàng nghìn Phật tử cùng lúc có thể đến tham dự, nghe thuyết giảng, tham thiền tu tập, ăn nghỉ. Về sau thì các nơi này biến thành điện thờ (Chaitya), chỉ trang hoàng duy nhất một hình tượng Ðức Phật, nhưng đó cũng phát xuất từ yêu cầu đông đảo Phật tử từng quen thuộc với nghệ thuật trang trí hình tượng kiểu Ấn Ðộ.

Các tinh xá (Vihara) của giới xuất gia cũng giản đơn không kém, chỉ gồm các dãy phòng nhỏ bố trí quây quần chung quanh một không gian rộng dạng “đền hang” khoét vào núi đá theo truyền thống xây dựng đền đài Ấn Ðộ.

Tháp tròn (Stupa) không vút cao nhiều tầng như những gì ta nhìn thấy ngày nay, mà đơn giản là các ụ đất hình bán cầu, trên đỉnh có chóp 3 tầng dạng tán lọng đặt xá lợi. Công trình này mang tính tưởng niệm hơn là nơi tế lễ. Nếu so sánh với đền thờ Bà-la-môn nguy nga, mang nặng tính phô diễn với trang trí sặc sỡ hình tượng đủ loại thần thánh và khép kín, chỉ đón nhận các nhà tư tế đẳng cấp cao, thì không gian tâm linh Phật giáo mộc mạc, thuần khiết, khiêm tốn và dung dị, mở rộng cửa đón nhận mọi người, không phân biệt đẳng cấp, nguồn gốc. Vào thời kỳ thần quyền còn ngự trị đó, đạo Phật và không gian tâm linh Phật giáo kiểu này thực sự là một hiện tượng cách mạng ít thấy trong lịch sử tôn giáo loài người từ cổ chí kim.

Những chùa Phật ban đầu không trang trí một hình tượng nào, kể cả hình tượng Ðức Phật. Con người quy tụ về đây là cốt để tu tập, tìm con đường giải thoát cho mình và mọi người, chứ không phải đến để cầu xin thần thánh gia phúc cho bản thân, gia đình mình như cách hiểu sai lầm về sau.

Ðạo Phật chỉ biến dạng khi truyền ra các nước khắp châu Á, hội nhập vào khung cảnh đa tín ngưỡng, đa thần giáo tại chỗ. Hình tượng Ðức Phật có khi bị lẫn lộn vào hổn mang thần thánh tôn giáo-tín ngưỡng địa phương.

Vào những thập niên giữa thế kỷ XX vừa qua, phong trào chấn hưng Phật giáo đã khuyến khích việc trang trí nội thất chùa mới, chỉ nên tập trung vào một hình tượng Ðức Phật. Phải chăng các Thiền viện mới xây dựng ở nước ta đang đi theo đường hướng đúng đắn này.

Riêng bản thân tôi vẫn mong muốn được nhìn thấy một không gian tâm linh Phật giáo chỉ còn là một không gian trống, không hình tượng như các Chaitya ban đầu nơi đất Phật.

Ðó là một nơi mà con người có thể phá chấp, không phân biệt tín ngưỡng khác biệt nhau, chỉ tập trung vào việc tu tập nâng cao đời sống tâm linh, không cần biết đến nguồn gốc, đẳng cấp, dân tộc hoặc tôn giáo nào.

KTS Nguyễn Hữu Thái




Có phản hồi đến “Về Một Không Gian Tâm Linh Trong Đời Sống Hiện Đại”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com