Vu Lan với lễ siêu độ cô hồn thể hiện được lý tưởng vô ngã, vị tha của người thực hành lý tưởng Bồ-tát đạo, phát triển lòng từ bi không những giữa con người với con người, con người với vạn loại chúng sanh, mà đến cả những loài ngạ quỷ, cô hồn khổ đau nhất trong những cảnh giới u ám, đọa đày.
Hằng năm mỗi độ thu về với những chiếc lá vàng nhẹ rơi, với cơn gió heo may bồi hồi se lạnh, hay những cơn mưa ngâu ầm thầm chợt đến… báo hiệu một mùa Vu Lan về, lòng người cũng chợt dạ thoáng buồn khi nghĩ về công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ, cha. Vu Lan bao giờ cũng mang thông điệp về Rằm tháng Bảy: “Tháng Bảy ngày Rằm, xá tội vong nhân.” Tháng bảy mùa thu, mùa được xem là đượm buồn và sâu lắng nhất trong năm, mùa gợi nguồn cảm hứng trùng trùng cho những thi nhân nghệ sĩ, cho những dòng thơ, những áng văn chương bất hủ ra đời, hay những dòng cảm xúc của những chuyện tình buồn từ ngàn thu lưu lại:[1] “Tháng bảy, mưa ngâu, nhịp cầu ô thước bắc qua giải Ngân-hà; hai tâm hồn lẻ loi cô độc, hằng đêm tư lự trong nỗi sầu ly biệt thiên thu giữa bầu trời cao rộng, chọn mùa mưa sụt sùi để gặp nhau, chỉ trong một thoáng chốc, rồi đời cũng như con nước trôi xuôi… Đây đó, giữa những cụm rừng khuya u tịch, vẫn còn có những oan hồn cô độc, lần mò tìm lại nẻo sống của một thời xa xưa. Kẻ chết và người sống, khéo hẹn nhau để chu tất những món nợ ân tình đã từng chôn sâu dưới lòng đất…” Hơn thế nữa, tháng bảy Vu lan còn là mùa hiếu tâm hiếu hạnh, mùa dành riêng tôn vinh mẹ, mùa mà những đoá hoa hồng nở ngay trên ngực áo, cạnh con tim của những người con hiếu thảo, và còn là mùa để siêu độ vong linh, hay những vong hồn phiêu bạt.
Lễ Vu lan xuất phát từ tấm lòng đại hiếu của tôn giả Mục Kiền Liên, qua một bản kinh rất nổi tiếng trong Phật giáo: Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn. Bản kinh này do ngài Dharmariksa (Trúc-pháp-hộ: 竺 法 護) dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán, vào thời Tây Tấn (265-317). Ngày nay bản kinh này được dịch ra nhiều thứ tiếng và lưu truyền khắp nơi trên thế giới.
Bản kinh này cho biết rằng: Sau khi xuất gia nỗ lực tu tập, tôn giả Mục Kiền Liên đã chứng đắc lục thần thông[2]. Với tấm lòng hiếu hạnh cao cả, ngài nghĩ về thân mẫu của mình, bèn dùng Huệ nhãn để tìm xem thân mẫu mình thác sanh về chốn nào. Nhưng than ôi, bà Thanh Đề (mẹ ngài) lúc sanh tiền tạo quá nhiều ác nghiệp, khi chết đọa trong loài ngạ quỉ khổ đau, đói khác vô cùng… lại bị đọa vào trong địa ngục Vô gián, chịu muôn ngàn khổ cực. Thấy cảnh mẹ mình như vậy, với hai hàng lệ rơi, tôn giả liền dâng bát cơm lên mẹ dùng, nhưng tội nghiệp bà quá nặng, bát cơm liền hoá thành than lửa, không thể nào dùng được: “Cơm chưa đưa đến miệng đà – Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu.” Với năng lực thần thông siêu việt của mình, tôn giả cũng không sao cứu được tội nghiệp sâu nặng của mẹ. Ngài liền trở về lại Dương thế, cầu xin đức Phật chỉ dạy phương pháp cứu mẹ. Đức Phật dạy: “Đến Rằm tháng bảy mỗi năm – Sau khi kiết hạ chư tăng tựu về…” Vào ngày Rằm tháng bảy, sau ba tháng tu tập, thúc liễm thân tâm An cư Kiết hạ, chư tăng đều tựu về để dự lễ Tự tứ[3]. Nhân dịp này ông nên sắm sửa trai duyên dâng cúng mười phương chư Phật, cùng hiện tiền Thánh chúng, đặng nhờ sức chú nguyện của quí ngài thì mẹ ông sẽ được cứu thoát… Vâng theo lời dạy của Phật, tôn giả Mục Kiền Liên đã thiết lễ trai duyên… làm đúng như lời Phật dạy, và mẹ ngài cũng như vô số ngạ quỷ, cô hồn được nhờ oai lực chú nguyện của đức Phật và chư Thánh tăng, lìa các cảnh khổ sanh về cõi trời Đao lợi[4] hưởng phước báu an vui, cao đẹp. Và lễ hội Vu Lan được hàng con Phật noi theo hiếu tâm, hiếu hạnh của tôn giả Mục Kiền Liên thực hiện vào dịp Rằm tháng bảy, từ khi ấy đến tận bây giờ. Ngày nay mỗi độ Rằm tháng bảy về, lễ Vu Lan được tổ chức khắp mọi nơi trên thế giới, nhất là các nước Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…
Sau lễ Vu Lan, tại các chùa, bao giờ cũng có lễ siêu độ cô hồn, còn gọi là lễ Thí thực, lễ cúng chẩn, lễ cúng cô hồn, lễ kỳ siêu bạt độ cô hồn… nếu tổ chức lớn có thiết đàn tràng, có ban kinh sư, ngài sám chủ, ngài gia trì… thì gọi là lễ Trai đàn Chẩn tế kì siêu bạt độ chư âm linh cô hồn…. Nguồn gốc của lễ siêu độ cô hồn cũng có từ thời đức Phật, nghĩa là bắt nguồn từ Ấn Độ. Điều ấy được thể hiện rõ qua các kinh: Phật thuyết cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Đà-la-ni kinh[5], Thí ngạ quỷ ẩm thực thuỷ pháp[6], Du-già tập yếu cứu Anan Đà-la-ni diệm khẩu quỷ nghi kinh[7], và Du-già tập yếu diệm khẩu thí thực nghi[8].
Trong những bản kinh ấy, nguồn gốc lễ cúng cô hồn có duyên khởi như sau: Vào một đêm tối trời, tôn giả Anan đang ngồi thiền tịnh tại một nơi vắng, bổng thấy một con quỷ gọi là Diệm khẩu, miệng đỏ rực như lửa than, hình dáng dị kì ghê gớm, xuất hiện trước mặt và nói với tôn giả Anan rằng: Trong ba ngày nữa ngài sẽ chết, nếu muốn vượt qua khổ nạn này thì nên đem thức ăn và nước uống nhiều như số cát sông Hằng để bố thí cho các loài ngạ quỷ đang đói khổ… Xuất thiền, toát cả mồ hôi vì sợ, Anan tự nghĩ rằng mình đã xuất gia, mỗi ngày khất thực chỉ một bình bát, lấy đâu ra thức ăn và thức uống nhiều như số cát sông Hằng để bố thí cho các loài ngạ quỷ… Tôn giả liền cầu xin đức Phật chỉ dạy phương pháp.
Đức Phật đã vì tôn giả Anan và thương các chúng sanh khổ nghiệp liền chỉ dạy nghi thức bố thí cho các loài ngạ quỷ, trong ấy có thần chú tên là “Biến thực biến thuỷ chơn ngôn”. Dùng một ít thức ăn và nước uống, với thân, miệng, ý thanh tịnh trì tụng chú ấy, thì một có thể biến ra mười, mười biến ra trăm, ngàn, vạn, ức… nhiều như số cát sông Hằng để bố thí cho các loại ngạ quỉ, cô hồn… Tôn giả Anan đã thực hành y theo lời Phật dạy, và các loài ngạ quỷ, cô hồn được thọ hưởng no đầy, sung mãn. Từ đó về sau, trước khi thọ trai, trong các buổi Quá đường, đặc biệt là các mùa An cư Kiết hạ, chư tăng thường trì chú này, ngài Thiền chủ thường lấy khoảng 7 hạt cơm, bỏ vào chén nước nhỏ, thành tâm chú nguyện, rồi sai vị thị giả mang ra ngoài bàn Xuất sanh (Đại bàng kim xí điểu…) Và trong các chùa, chiều nào cũng có lễ cúng thí thực cô hồn, thực phẩm cúng chỉ cần có một ít muối, gạo và nước trong là đủ. Đôi khi có thêm là cháo trắng nấu thật loãng, nếu thêm nữa thì có chè xôi, hoa quả, cơm canh, bánh kẹo… đặc biệt đến lễ Vu lan, Rằm tháng bảy là tổ chức lớn nhất.
Lễ siêu độ ngạ quỷ, cô hồn có nguồn gốc từ Ấn Độ, nghi thức ấy được truyền sang và thịnh hành ở Trung Hoa vào đời Đường do ngài Bất Không Kim Cang (Amoghavajra), còn gọi là Bất Không Tam Tạng, người Bắc Ấn Độ, một truyền nhân nổi tiếng của Mật giáo (Kim Cang Thừa - Vajrayāna) hoằng hoá. Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ những thế kỉ đầu tiên Tây lịch. Chúng ta chưa thấy tài liệu nào cho biết chính xác niên đại của nghi thức lễ siêu độ ngạ quỷ cô hồn có ở Việt Nam từ khi nào. Căn cứ theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang thì lễ siêu độ cô hồn đã được phổ biến rộng rãi ở đời Trần. Câu chuyện về việc Trúc Lâm Tam Tổ đăng đàn Chẩn tế với sự linh ứng nhiệm màu trước sự chứng kiến của vua Trần và bá quan văn võ với đông đảo quần chúng tham gia.[9]
Một nghi thức cúng chẩn thí, hay lễ siêu độ cô hồn dù được tổ chức qua đại lễ Trai đàn Chẩn tế bạt độ cô hồn, có ban kinh sư, ngài gia trì, sám chủ… cho đến nghi thức đơn giản của một chú tiểu cúng trước Bàn cô hồn trong chùa cũng phải có những ý nghĩa cơ bản sau:[10]
1. Trình bày tất cả do tâm tạo qua bài kệ của kinh Hoa Nghiêm: Nhược nhơn dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo.
2. Nguyện xa lìa cảnh ác thú bằng cách tập trung tư tưởng phá tan mọi phiền não, sám hối tội lỗi, giải sạch oan khiên qua thần chú: Phá địa ngục chân ngôn, phổ triệu thỉnh chơn ngôn, giải oan kết chân ngôn….
3. Cung thỉnh mười phương Tam bảo, đức Phật Thích Ca, đức Quán Âm, đức Địa Tạng, và ngài A Nan giáng lâm đàn tràng chứng minh.
4. Hướng dẫn chúng sanh quy y Tam bảo.
5. Sám hối nghiệp chướng: Tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình, bao gồm cả người cúng và người được cúng phải thành tâm sám hối mới có lợi lạc.
6. Phát đại nguyện: thề cứu độ hết chúng sanh, thề phá hết phiền não, nguyện học các pháp môn tu tập, thề nguyện thành Phật đạo.
7. Diệt tội: Thành tâm sám hối, phát đại nguyện và hành giả tụng các thần chú mới có linh cảm như chú Diệt định nghiệp chơn ngôn của ngài Địa Tạng, Diệt bất định nghiệp chơn ngôn của ngài Quán Âm.
8. Tuyên thuyết định giới: Thần chú khai yết hầu chơn ngôn và Tam muội gia giới chơn ngôn để chúng sanh diệt trừ chướng ngại, mở rộng yết hầu thọ hưởng pháp thực, thọ xong giữ giới để thoát phiền não nghiệp chướng.
9. Biến thức ăn thành pháp vị: Biến thực chơn ngôn, biến thủy chơn ngôn, nhất tự thủy chơn ngôn, nhũ hải chơn ngôn khiến cho chúng sanh ngạ quỷ thọ hưởng được sung mãn.
10. Kết nguyện: Thần chú gia trì tịnh pháp thực, tất cả chúng sanh cô hồn đã no đủ, xả hết tâm tham lam mau thoát cảnh địa ngục u đồ, trì chú: “Vô giá thực chơn ngôn” phá tan sự ngăn ngại thánh phàm, tăng tục, bình đẳng thọ hưởng cam lồ pháp vị.
11. Hồi hướng: Cầu cho tất cả chúng sanh an lành, vãng sanh cực lạc.
Thông thường, cô hồn được phân làm mười loại:[11] 1. Thủ hộ quốc giới: những oan hồn “vị quốc vong thân.” 2. Phụ tài khiếm mạng: chết vì oan gia trái chủ, nợ nần, trụy thai. 3. Khinh bạc Tam bảo: bất hiếu, bội nghịch vô đạo. 4. Giang hà thủy nịch: thương khách chết sông chết biển. 5. Biên địa tà kiến: những người sống tại biên ải hẻo lánh. 6. Ly hương khách địa: cô khổ phiêu bạt, chết đường chết xá. 7. Phó hỏa đầu nhai: tự tử, nhảy sông, nhảy núi, chết đâm, chết cháy. 8. Ngục tù trí mạng: chết trong ngục tù. 9. Nô tì kết sứ: nô lệ cùng khổ, chết vì đày đọa lao dịch. 10. Manh lung ám á: đui, què, câm, điếc, không người chiếu cố.
Tuy nhiên theo nghi thức chẩn tế cô hồn đại khoa (nghi thức cúng cô hồn có ba khoa: đại khoa, trung khoa và tiểu khoa), Diệm khẩu Du-già tập yếu thí thực khoa nghi[12] thì cô hồn có 13 loại: 1. Hoàng vương đế bá, 2. Anh hùng tướng soái, 3. Quan văn, 4. Văn nhân, 5. Người xuất gia, 6. Đạo sĩ, 7. Thương nhân, 8. Chiến sĩ, 9. Sản phụ, 10. Di địch, 11. Cung phi, 12. Cái bang, 13. Thập loại cô hồn.
Nguyễn Du trong bài Văn tế của mình cũng chia làm 13 loại:[13] 1. Vương giả, 2. Công nương, 3. Quan văn, 4. Quan võ, 5. Thương nhân, 6. Trí thức, 7. Ngư phủ, 8. Nông dân, 9. Chiến sĩ, 10. Kỷ nữ, 11. Hành khất, 12. Tù nhân, 13. Tiểu nhi.
Theo quan niệm của người xưa, chết có hai loại: chết bình thường và chết không bình thường. Chết bình thường là chết vì tuổi già, vì bệnh. Chết không bình thường là chết vì tai nạn (xe, tàu, tên bay, bom đạn… sẩy thai…), hay vì tức tối, giận hờn, ghen tuông, tự tử… và những người chết theo loại này phần lớn trở thành những dạng cô hồn, oan hồn uổng tử; nhất là những người lúc chết không có thân nhân nhìn nhận, không mồ mả, không cúng kiến, thờ tự… và trong 13 loại cô hồn trên đã tóm thâu toàn bộ những dạng ấy. Theo lời Phật dạy, người con Phật nói riêng hay tất cả mọi người nói chung cần nên mở rộng lòng mình, nếu có cơ hội nên bố thí, thương tưởng đến các loại ngạ quỷ, cô hồn, dù là một nắm gạo, vài hạt muối hay một ly nước lã… thực phẩm chỉ là phần nhỏ, quan trọng nhất là tấm lòng của mình, nghĩa là sự dụng tâm; đồng thời thành tâm cầu mong họ sớm được lìa khỏi những thảm cảnh đói khát, khổ đau… sớm sanh về những cảnh giới an lành.
Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều nghi cúng chẩn cô hồn, nhưng nghi thức được xem là ý nghĩa, văn chương và rất phổ biến, đó là khoa nghi cúng cô hồn diễn Nôm của HT. Bích Liên (Trí Hải, 1876-1950)[14]. Ai đã từng lắng nghe một buổi lễ Siêu độ cô hồn trong một chiều thu của ngày Vu lan Báo hiếu qua nghi thức của ngài sẽ cảm nhận được điều đó, nhất là giọng thỉnh của các thầy miền Trung (Huế, Bình Định, Nha Trang). Chỉ ngay câu thỉnh loại cô đầu tiên (Hoàng vương đế bá), chúng ta cũng cảm nhận được nghĩa lý thâm sâu, cũng như chất văn chương cổ điển, cung đình: “Trước thỉnh kẻ hoàng vương đế bá, triều đại xưa trải quá biết bao; đền đài chín lớp ở cao, non sông muôn dặm chén vào một tay…” Đặc biệt là lời cảm thán, vừa bi đát, vừa toát lên được vẻ ngậm ngùi tang thương của một kiếp người. Phải chăng đó cũng là lời cảnh tỉnh cho bất cứ những ai còn tham đua danh lợi trong giả trường danh mộng, để rồi cuối cùng chịu những kết thục bi thương: “Ôi thôi ! Đỗ quyên kêu trót tàn canh, máu hồng nhuộm mãi trên cành đào hoa. Trước sau vương bá những là, hồn hương xin chứng tiệc hoa sẵn sàng”. (Mộng tranh hùng tranh bá, làm chúa làm vua, nay chinh Nam, mai tảo Bắc. Nhưng rồi từng đêm suốt những canh dài, từng tiếng quốc kêu rủ rỉ, màu sương trăng lạnh phủ trên cánh hoa đào, giòng máu oan thiên hận sự bất thành nhuộm đỏ đầu cây ngọn cỏ. Vậy thì, giang sơn như họa còn đó, mà anh hùng hào kiệt một thời ở đâu, và đâu là ảo vọng của đời người?)[15]
Với những kinh văn như vậy được tụng đọc, diễn ngâm tại những đàn tràng trang nghiêm thanh tịnh… dù là một người với tâm địa xấu xa, hung hãn… chỉ cần lắng nghe vài câu cũng phải chùn lòng, hướng thiện. Đó là chưa nói đến sự cảm ứng đạo giao, bất khả tư nghì của pháp Phật cho các âm linh cô hồn phiêu bạt. Đó chính là: Âm siêu dương thái, hải yên hà thanh, pháp giới chúng sanh, đồng thành Phật đạo.
Vu lan với những truyền thống cao đẹp của con người, đó là truyền thống đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, biết đền ơn đáp nghĩa công đức sinh thành của mẹ cha, ông bà và đó cũng là truyền thống cao đẹp của người Đông phương. Hơn thế nữa Vu Lan bắt nguồn từ tấm lòng đại hiếu của tôn giả Mục Kiền Liên, thể hiện hiếu tâm, hiếu hạnh của con người, đó cũng chính là tấm lòng của đức Phật: Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.
Lễ siêu độ cô hồn bắt nguồn từ tấm lòng vị tha của đức Phật qua lời thỉnh cầu của tôn giả Anan. Với những mật chú hướng về loài ngạ quỷ, hướng về những oan hồn uổng tử đang chịu khổ đau đói khát, lạc lõng, bơ vơ trong những cảnh khổ đọa đày… người con Phật dùng pháp Phật để cúng thí, dùng pháp Phật để siêu độ các loại cô hồn ấy thoát khỏi mọi cảnh giới khổ đau để thác sanh về miền lạc cảnh thanh nhàn.
Vu Lan với lễ siêu độ cô hồn thể hiện được lý tưởng vô ngã, vị tha của người thực hành lý tưởng Bồ-tát đạo, phát triển lòng từ bi không những giữa con người với con người, con người với vạn loại chúng sanh, mà đến cả những loài ngạ quỷ, cô hồn khổ đau nhất trong những cảnh giới u ám, đọa đày. Người viết xin mượn những dòng thơ, dòng văn tế đầy vị tha của nhà Đại thi hào, Phật tử Nguyễn Du để cùng ông thành tâm đảnh lễ Tam bảo và cầu nguyện hết thảy chúng sanh nhân lễ Vu lan về:[16]
"Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng,
Nam mô nhứt thiết siêu thăng thượng đài".
Thích Quảng Phước
[1] Thích Tuệ Sỹ - Lễ Tháng Bảy Cho Những Oan Hồn Phiêu Bạt
[2] Theo Phật giáo, Lục thông là sáu phép Thần thông của bực tu chứng quả A-La-Hán: 1. Thiên nhãn thông, 2. Thiên nhĩ thông, 3. Túc mạng thông, 4. Tha tâm thông, 5. Thần túc thông và 6. Lậu tận thông.
[3] Tự Tứ là chữ phiên âm từ tiếng Phạn Pravārana. dịch nghĩa theo chữ Hán gọi là hỷ duyệt, nghĩa là sau ba tháng An cư tu tập, vào ngày mười bốn tháng bảy, chư Tăng cùng nhau tập trung tại một giới trường, đối chiếu với giới luật mà mình đã thọ trì, mỗi một người tự xét bản thân qua: thấy, nghe và nghi và nếu thấy việc gì đó không đúng, tự mình nói lên hoặc nhờ một vị Tỳ-kheo khác nói lên, sau đó nếu thấy rằng, mình có sai phạm thì phải sám hối đúng như pháp. Sau khi sám hối liền được thanh tịnh, trong tâm cảm thấy vui vẻ và an lạc.
[4] Trời Đao-lợi (S. Trayastrimsa, P. Tavatimsa, Hán. Đao-lợi thiên, Tam thập tam thiên), là tầng trời thứ 2 trong 6 tầng trời ở cõi Dục. Theo vũ trụ quan Phật giáo, trời Đao-lợi nằm trên đỉnh núi Tu-di, bốn phía đỉnh núi, mỗi phía đều có 8 thiên thành, thành Thiện kiến hay Hỷ kiến (Sudassana) ở giữa là cung điện của vua trời Đế-thích (Sakka), tất cả gồm 33 nơi nên gọi Tam thập tam thiên.
[5] Đại XXI. No. 1313. Tham chiếu, Phật thuyết cứu Diện nhiên ngạ quỷ đà-la-ni thần chú kinh, Đường Thật-xoa-nan-đà dịch; Đại XXI, No. 1314.
[6] Đại XXI, No. 1315. Tham chiếu, Phật thuyết cam lộ kinh đà-la-ni chú, vô danh dịch, Đại XXI, No.1316; Cam lộ đà-la-ni chú, Đường Thật-xoa-nan-đà dịch, Đại XXI, No. 1317.
[7] Đại XXI, No.1318. Tham chiếu, Du-già tập yếu Diệm khẩu thí thực khởi giáo A-nan-đà tự do, Đường Bất Không dịch, Đại XXI, No.1319.
[8] Vô danh dịch, Đại XXI, No.1320. Tham chiếu, Phật thuyết thí ngạ quỷ cam lộ vị đại đà-la-ni kinh, Đường Bạt-đà-mộc-a dịch, Đại XXI, No.1321.
[9] Xem, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tác giả Nguyễn Lang, NXB Lá Bối.
[10] Ý nghĩa lễ Chẩn tế Âm linh Cô hồn, Tỳ kheo Thích Ngộ Định
[11] Theo liệt kê của Du-già tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi, Đại XXI, tr. 483b
[12] Còn gọi là “Thiên Hòa Tự Tàng Bản” do Tỳ-kheo Tánh Tình phụng khắc vào mùa Phật đản năm Minh Mạng thứ 2 (tức năm Tân Tỵ, 1821)
[13] Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh của Nguyễn Du
[14] Nghi thức cúng cô hồn bằng nôm, HT. Bích Liên, bản chép tay của Thích Nguyên Trạch, Bình định.
[15] Xem, Thích Tuệ Sỹ, Lễ Tháng Bảy Cho Những Oan Hồn Phiêu Bạt
[16] Nguyễn Du, Sđd.