Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Lời dạy ấy đã cho chúng ta thấy mọi việc làm của con người xuất phát từ tâm hiếu kính chân thật đối với cha mẹ thì đó là tâm Phật và đồng thời cũng là hạnh Phật. Ngoài ra, đức Phật còn nhấn mạnh giá trị, thành quả tốt đẹp của những người biết sống hiếu dưỡng mẹ cha và Ngài luôn đề cao sự hiếu kính trong đời sống nhân sinh.

Nói về tinh thần hiếu kính ấy, trong suốt cuộc đời hoằng hóa lợi sanh, đức Phật đã giảng dạy và đề cập rất nhiều, thể hiện qua những hoàn cảnh, con người khác nhau.

Trong Tương Ưng Bộ kinh, Đức Phật đã ví công ơn cha mẹ như biển cả mênh mông vô tận, không thể nào đo lường được. Ngài cho chúng ta thấy biết sữa mẹ nuôi con trải qua nhiều đời nhiều kiếp, nó rộng sâu, bao la và nhiều hơn cả nước trong biển nghìn trùng:

“... Nầy các Tỳ kheo, sữa mẹ mà các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, thì nhiều hơn nước trong bốn biển. Vì sao thế? Vì luân hồi là vô thỉ, không sao đếm được. Lưu chuyển luân hồi của chúng sanh trùng điệp nên không thể nêu rõ khởi điểm. Vì vô minh che đậy, vì tham ái trói buộc tất cả các nghiệp hành của chúng sanh.”

Với cuộc sống hằng ngày của con người, nước và sữa là nhu cầu không thể thiếu. Bởi công ơn cha mẹ sâu nặng khó sánh lường, như nước, sữa rất cần cho sự sống thì cha mẹ cũng rất cần cho cuộc sống của người con. Loài người nhờ có nước mà duy trì được sự sống thì người con nhờ có cha mẹ mới hiện hữu và trưởng thành. Đức Phật đã dùng hình ảnh biển nước mênh mông và dòng sữa mẹ ngọt ngào để so sánh với công ơn cha mẹ thì quả là tuyệt vời, bởi hình tượng này gần gũi với đời sống nên rất dễ giáo hóa con người.

Song song đó, đức Phật đã ví cha mẹ như những ngọn lửa đáng cung kính, vì cha mẹ là người đã đem lại sự sống và tương lai tốt đẹp lâu dài cho con cái, cũng như ngọn lửa đem lại nguồn sống, sưởi ấm con người và tạo nguồn năng lượng cho loài người, thể hiện qua lời dạy trong Tăng Chi Bộ kinh: “...Nầy các Bà-la-môn, cha mẹ của các người là các ngọn lửa đáng cung kính. Vì sao thế? Vì từ đó mà tạo ra sự sống, sự hiện hữu. Do đó cha mẹ như là các ngọn lửa thiêng đáng cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường và sẽ đem lại chánh lạc”.

Nước, sữa cần thiết cho cuộc sống con người như thế nào thì lữa cũng cần thiết như thế đó. Cuộc sống nhờ có lữa mà được ấm áp và có thể tạo ra ánh sáng soi đường, tạo ra những nguồn thức ăn nuôi sống con người. Và ở đây, đức Phật đã ví cha mẹ như ngọn lữa thiêng đáng cung kính thì quả là cha mẹ còn cao quý và cần thiết hơn cả lửa. Thế thì bổn phận làm con, chúng ta làm sao có thể làm ngơ, không nhớ nghĩ về ơn sâu nghĩa nặng của mẹ cha mà lo đền đáp.

Vì công ơn cha mẹ to lớn như vậy, nên đức Phật đã dạy trên thế gian có hai hạng người mà chúng ta không bao giờ trả hết ơn được, đó là mẹ và cha: “...Có hai hạng người, nầy các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả hết ơn được. Đó là Cha và Mẹ. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi cũng chưa trả ơn đủ cho cha mẹ. Nếu có phụng dưỡng cha mẹ với mọi báu vật trên trái đất nầy cũng chưa trả ơn đủ. Vì sao thế? Vì rằng cha mẹ đã bỏ nhiều công sức cho con cái, nuôi dưỡng chúng cho đến lúc lớn khôn và dẫn dắt chúng vào trong đời nầy.” (Tăng Chi Bộ)

Như lời Phật dạy thì làm sao chúng ta có thể đền trả trọn vẹn công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nhưng nói như thế không có nghĩa không lo đáp đền. Đức Phật so sánh và nói đến điều đó nhằm nhắc nhở cho chúng ta thấy thâm ân sâu nặng của cha mẹ, bổn phận làm con phải khắc sâu trong lòng mà lo đền trả. Chúng ta không thể viện lý do gì khác để quên đi thâm ân song đường.

Với cuộc sống hiện thực ngày nay, dù ở lứa tuổi nào, chúng ta cũng có thể báo hiếu được cho cha mẹ. Tùy theo hoàn cảnh, thời cơ và khả năng của mình mà thể hiện tâm báo hiếu cho trọn đạo làm con.

Chuyện kể một lần nọ, có 500 vị trưởng giả thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà đến cúng dường Phật và đại chúng. Với mục đích tán thán 500 vị trưởng giả đó, đức Phật đã giảng cho họ nghe về công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha như sau: “…Mẹ hiền thương con, thật không lấy vật gì để so sánh cho cân xứng. Từ khi vào thai trải qua 10 tháng, những lúc mẹ đi, đứng ngồi nằm chịu trăm điều khổ não mà miệng mẹ không thể nói ra. Muốn những đồ uống ăn hay áo mặc, dù có được cũng chẳng mừng, vì lòng lo lắng không hề dứt, chỉ lo nghĩ đứa con sắp sanh sao cho hoàn hảo là hơn thôi. Nếu khi đẻ khó thì như trăm ngàn mũi dao đồng thời đâm cắt toàn thân. Nếu khi sanh đẻ được an lành, ba mẹ cùng các người thân thuộc cùng chung vui sướng y như kẻ nghèo được châu báu. Sự đau khổ của mẹ trong mười tháng do một tiếng khóc đầu tiên của con khi mới lọt lòng mà nỗi khổ ấy mẹ liền quên mất và vui sướng như nghe âm nhạc. Con lấy nơi bụng ngực của mẹ làm chỗ ngủ, lấy hai cổ vế làm chỗ dạo chơi và do nước giếng cam lồ nơi ngực mẹ chảy ra mà nuôi lớn. Ôi ơn đức của mẹ, núi cao, biển sâu cũng chẳng sánh kịp. Nếu đứa con nào biết tùy thuận nghe theo những lời dạy bảo của từ mẫu mà không trái nghịch thì được chư thiên hộ niệm, phước đức vô cùng…” (Kinh Tâm Địa Quán, phẩm Báo ân, HT. T. Tâm Châu dịch)

Quả thật, ân đức cha mẹ là vô bờ bến, không thể nào nói cho cùng tận. Nếu bổn phận làm con biết nhớ nghĩ và đáp đền thì phước đức vô cùng, kết quả thiện lành sẽ đến với những ai sống biết hiếu kính với ông bà, cha mẹ.

Gần nhất và có lẽ là ai cũng biết là trong kinh Báo hiếu Phụ mẫu Trọng Ân mà mỗi khi tháng bảy trở về, người con Phật chúng ta đều trì tụng và suy gẫm. Những lời dạy của đức Phật về công ơn cha mẹ trong kinh Báo hiếu đã tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm những người học Phật, giúp muôn người biết hồi tâm chuyển ý, biết hiếu kính mẹ cha nhiều hơn. Bài kinh ấy được bắt nguồn khi đức Phật dẫn đại chúng đi hành đạo hướng về phương Nam. Giữa đường, đức Phật thấy đống xương khô chất lâu đời và Ngài đến lạy. Đại chúng thấy vậy không rõ nguyên do, A Nan liền bạch Phật cầu xin Ngài dạy cho đại chúng biết tại sao đức Thế Tôn lại làm như thế. Phật chỉ rõ rằng đống xương đã chồng chất lâu đời, nên biết đâu trong đó có xương của cha, mẹ ta nhiều đời trước. Vì lòng hiếu kính, nên Ngài đã lạy đống xương như vậy. Qua đó, đức Phật còn giảng dạy cho đại chúng rất nhiều về công ơn sinh thành của cha mẹ:

…Ơn cha nghĩa mẹ mười phần phải tin

Điều thứ nhất giữ gìn thai giáo

Mười tháng trường châu đáo mọi bề

Thứ hai sinh đẻ gớm ghê

Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần

Điều thứ ba thâm ân nuôi dưỡng

Cực đến đâu bền vững chẳng lay

Thứ tư ăn đắng nuốt cay

Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con

Điều thứ năm lại còn khi ngủ

Ướt mẹ nằm khô ráo phần con

Thứ sáu sú nước nhai cơm

Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê

Điều thứ bảy không chê ô uế

Giặt đồ dơ của trẻ không phiền

Thứ tám chẳng nỡ chia riêng

Nếu con đi vắng cha phiền mẹ lo…

Phải nói, tìm hiểu lời Phật dạy về tinh thần báo hiếu được ghi lại rất nhiều trong kinh tạng Phật giáo, chúng ta thấy từng lời dạy của Ngài đều chứa đựng thâm ý sâu sắc về ơn cha nghĩa mẹ và tinh thần báo hiếu của người con đối với hai đấng sanh thành dưỡng dục. Là đệ tử Phật, chúng ta có duyên lành đọc được những lời Phật dạy đó thì hãy nên khắc ghi vào lòng và trân trọng thực hành. Chắc chắn những điều lợi ích thiết thực sẽ đến với ta.

Nếu ai một lần được thọ học lời dạy của đức Phật về tinh thần hiếu đạo thì chắc rằng họ sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về trách nhiệm, bổn phận và hạnh phúc họ đang có được khi còn cha mẹ trong đời. Thiết nghĩ, trong xã hội, nếu người người đều biết nhớ nghĩ đến ân đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và y theo lời Phật dạy mà thể hiện tinh thần hiếu kính mẹ cha thì xã hội này sẽ trở thành thế giới an vui, hạnh phúc dù cho thế sự vô thường đổi thay.

HT. Thích Như Niệm



Có phản hồi đến “ Suy Gẫm Về Sự Báo Hiếu Qua Lời Phật Dạy ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com