Chùa Bàng Long ở Thủ đô Viêng Chăn (Lào) là một trong những ngôi chùa lớn nhất của người Việt Nam tại Lào. Từ hàng chục năm nay, chùa luôn tổ chức các hoạt động lễ giáo nhằm quy tụ bà con, tăng ni, phật tử có các hoạt động hướng về đất nước cũng như tăng cường tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Ngày 26-3, tại chùa Bàng Long (Lào) đã trọng thể tổ chức Lễ tưởng niệm 14 năm ngày mất cố Hòa thượng Thích Trung Quán, nguyên Trụ Trì chùa Bàng Long tại Lào đời thứ tư (ngày 1-4-2003, tức ngày 30-2 âm lịch) với sự tham dự của đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Lào, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Viêng Chăn, cùng hàng trăm tăng ni, phật tử là bà con Việt kiều và người dân Lào ở thủ đô Viêng Chăn. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại CHDCND Lào Nguyễn Bá Hùng tham dự buổi Lễ tưởng niệm.
Hòa thượng Thích Trung Quán đạo hiệu Thanh Quất, thế danh Vũ Thanh Quất sinh ngày 9-6-1918, tại làng Hạ Kỳ, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Ðịnh; xuất gia tại Tổ Đình Kim Liên (chùa Đồng Đắc) thuộc xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Năm 1959, Hòa thượng Thích Trung Quán sang Lào để hoằng dương phật pháp và là chủ trì chùa Bàng Long tại thủ đô Viêng Chăn từ năm 1969. Hòa Thượng Thích Trung Quán được rất nhiều bà con người Việt, người Lào mến mộ và tôn xưng là bậc Thượng thủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào; đồng thời, là một trong số những người đầu tiên truyền bá tư tưởng Phật giáo Đại thừa Phật giáo tại Lào. Trên cương vị trụ chủ trì chùa Bàng Long, Hòa thượng Thích Trung Quán đã chuyên tâm công việc nghiên cứu dịch thuật và hoằng hóa, nhằm nâng cao nhận thức về Phật học cho các tăng ni và phật tử; đã mở nhiều khóa tu học tại chùa Bàng Long, xây dựng và là lãnh đạo tinh thần nhiều ngôi chùa tại Lào.
Cũng tại buổi lễ, chùa Bàng Long đã trao tặng 50 phần quà khuyến học cho 25 con em Việt Kiều và 25 cháu nhỏ người Lào nghèo vượt khó tại thủ đô Viêng Chăn. Đây cũng là một trong những hoạt động thường xuyên của nhà chùa nhằm kết nối tình cảm cộng đồng, góp phần xây đắp mối quan hệ tốt đẹp của cộng đồng Việt Kiều tại Lào cũng như giữa những tăng ni phật tử Việt Nam và Lào tại Thủ đô Viêng Chăn.
Chùa Bàng Long được hình thành từ năm1942, trên lô đất thuộc xóm Sỉ-hỏm (nay là xóm Hải-Xộc), quận Chăn-thạ-bu-ly, thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, do một số Việt Kiều kính ngưỡng Phật giáo, đứng đầu là hai ông Trịnh Văn Phú và Đỗ Đình Tảo đã mua đất, quy hoạch và xin phép kiến lập chùa, dưới sự chứng minh chỉ đạo của Hòa Thượng Tố Liên ở Chùa Quán Sứ (Hà Nội), với mục đích làm nơi tín ngưỡng tâm linh, chỗ dựa tinh thần cho kiều bào Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn nói riêng và nước Lào nói chung; đồng thời, với tự danh là “Bàng Long” có ý nghĩa là Hồng Bàng và Lạc Long Quân, để nhắc nhở cho các kiều bào Việt Nam hiện đang sinh sống ở Lào phải biết thương yêu đùm bọc nhau hơn, để thực sự xứng đáng là con cháu Lạc Hồng.
Hiện nay, chùa Bàng Long vẫn là một trong những ngôi nhà tâm linh, là nơi quy tụ cộng đồng người Việt đang làm ăn sinh sống tại Lào, cùng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống và hướng về quê hương đất nước.
(Theo Nhân Dân)