VẤN: Con nghe quá nhiều pháp môn và những cách giảng dạy về Phật giáo của đủ thứ kể cả các vị xuất gia và Phật tử tại gia. Giữa rừng pháp môn và những lời giảng pháp như vậy, con không biết đâu là đúng, đâu là sai mà thực hành. Xin Sư cho con biết mình lấy gì để có thể so sánh và đối chiếu là những lời giảng ấy đúng với chánh pháp của Đức Phật? Con nên dựa vào đâu để phân biệt tạo chánh kiến cho chính mình giữa rừng pháp môn mà không bị cuốn theo và đi sai con đường tu hành? Con xin cảm ơn Sư.
ĐÁP:
Sau Phật nhập diệt 1000 năm, mỗi môn phái được sáng lập để truyền bá giáo lý Phật đi khắp trong nhân gian, mỗi môn phái được sáng lập đều có chánh kiến, tư duy riêng, tôn chỉ riêng dành cho môn đệ tu tập. Các bạn nên dựa vào kinh Phật để nghe thuyết giảng tu hành, làm sao cho tâm các bạn an lạc, dứt ngã mạn, tham sân si phiền não, giải thoát mọi phiền trược.
Thường bạn nghe pháp, mà trong đó người giảng thường hay chê khen pháp nầy pháp kia, ông nầy chánh, ông kia tà… là không phải pháp Phật rồi đấy.
Người xưa có câu: “Y kinh diễn nghĩa tam thế Phật oan - Ly kinh thuyết tự tức thành ma thuyết”, nghĩa là:
Người thuyết giảng đem kinh ra dẫn chứng thì oan cho ba đời chư Phật, vì trong đời thuyết giáo của các đức Thế Tôn, các Ngài không có nói lời nào cả - người giảng kinh thuyết pháp mà không y cứ vào kinh Phật để giảng giải thì dễ bị sai lầm, đồng với ma thuyết.
Giáo pháp “tứ y” rất quan trọng với sứ giả Như Lai, thuyết pháp gặp thời điểm nào y cứ vào kinh nào, thời điểm nào không y cứ vào kinh nào, hoặc cả hai…
Các bậc đạo sư xưa từng giáo hóa đồ chúng, có khi các ngài dạy chúng không bằng một lời nào cả mà chúng vẫn học được, như Bồ Đề Đạt Ma thì khuyến giáo “y giáo biệt truyền bất lập văn tự”
Tổ sư Đạt Ma từ xa quán đất này có căn khí Đại Thừa, bèn vượt biển đến Trung Quốc, chuyên truyền Tâm ấn, khai thị cho kẻ mê, chẳng lập văn tự, trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật” (Bích nham lục)
Nói “Chẳng lập văn tự”, vì văn tự phải nương bộ não suy nghĩ, suy nghĩ thì nương nơi nhất niệm vô minh; nhất niệm vô minh hư huyễn chẳng thật, nên suy nghĩ văn tự cũng hư huyễn chẳng thật. Do hư huyễn chẳng thật gọi là tương đối, tương đối thì có sanh có diệt, chẳng thể hiển bày tuyệt đối chẳng sanh diệt của bản thể, vì văn tự chẳng thể hiển thị Phật tánh, nên nói chẳng lập văn tự.
Phật Thích Ca dùng lời nói văn tự để hoằng giáo pháp là do sự bất đắc dĩ, nên thí dụ như ngón tay chỉ mặt trăng, vừa thuyết liền phá, Kinh Niết Bàn nói: “Bắt đầu từ Lộc Uyển, cuối đến sông Bạt Đề, khoảng giữa 50 năm, chưa từng thuyết một chữ” là vậy.
Đấy là việc của chư Phật, Bồ tát, hàng Thanh văn, phàm phu không thể sánh kịp. Trong đời làm con Phật của Bạn, khi đi nghe thuyết pháp bất cứ nơi nào, dù đó là Mỹ châu hay Á châu, Âu châu, bạn tu học bốn pháp như dưới đây:
Y pháp bất y nhân, nghĩa đen là y theo giáo pháp, chẳng y theo theo người. Theo cách giải thích thông thường, Phật pháp là chân lý, quý giá và khó gặp, vì thế không nên đối chiếu, tỵ hiềm nơi tư cách người nói pháp để rồi bỏ lỡ cơ hội nghe pháp, tự thân mất sự lợi lạc. Cứ y theo giáo pháp của Phật mà tu hành, người nói ra giáo pháp ấy tốt hay xấu không quan trọng. Tuy nhiên, kinh Đại Bát Niết Bàn nói cụ thể hơn về vấn đề này, y pháp bất y nhân có nghĩa là y chỉ vào Pháp tánh tức Phật tánh, Như Lai vì pháp tánh thường trụ, không y chỉ vào người (nhân) vì là hữu vi tức vô thường, sanh diệt.
Y nghĩa bất y ngữ, tạm dịch là y theo nghĩa lý, không y theo ngôn ngữ văn tự. Phật thuyết pháp với ý nghĩa sâu xa nhằm biểu đạt và thể nhập chân lý. Ngôn ngữ, văn tự chỉ là công cụ diễn đạt Trung đạo đệ nhất nghĩa, giúp người tu nhận ra chân lý để hành trì và thân chứng, bởi thế không nên bám víu và quá cố chấp vào văn tự.
Y trí bất y thức, nghĩa là y theo trí tuệ, không y theo vọng thức phân biệt. Chỉ có trí tuệ mới nhận chân được chân lý, thực tại còn vọng thức là thấy biết theo nghiệp, có tính tương đối và đa phần sai lầm. Chỉ có trí tuệ mới đầy đủ công năng quét sạch phiền não, thanh tịnh ba nghiệp. Còn thức dẫu thông minh, nhạy bén và lanh lợi đến đâu đi nữa cũng là sanh diệt, hư vọng và không đủ sức giác quán để chuyển hóa, diệt trừ phiền não. Vì vậy, “duy tuệ thị nghiệp” chính là phương châm tu học của hàng đệ tử Phật.
Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh, có nghĩa là y theo các kinh điển liễu nghĩa, chẳng y theo các kinh điển không liễu nghĩa. Kinh điển được Phật tuyên thuyết tùy căn cơ chúng sanh nên có cao thấp, khác biệt. Dù mục tiêu cứu cánh vẫn là giải thoát sanh tử, song trên tinh thần phương tiện thì những kinh điển thuyết minh về con đường thể nhập Nhân thừa, Thiên thừa v.v… được gọi là kinh bất liễu nghĩa (chưa nói hết ý nghĩa thâm diệu, toàn triệt của giáo pháp). Những kinh điển chỉ thẳng đến quả vị giải thoát viên mãn (Phật quả) là kinh liễu nghĩa. Người tu hướng về Vô thượng Bồ đề, tất nhiên phải y cứ vào kinh liễu nghĩa để hành trì nhằm thành tựu giác ngộ rốt ráo, thành Phật.
Khi nghe pháp, Bạn đã hiểu và thực hành về “tứ y pháp” chắc chắn các bạn không còn nghi ngờ chánh tà nữa đó các Bạn.
HT Thích Giác Quang