"Bồ Tát không có trong lòng một chút dấu vết nào của sự ích kỷ, tự lợi hay ham muốn được danh tiếng. Cho nên Bồ Tát mới có thể đắc được thần thông."

Phẩm này là Phẩm thứ hai mươi tám trong Kinh Hoa Nghiêm. Kinh này bản Hán ngữ thì có tám mươi mốt phẩm. Phẩm này thảo luận về mười thứ thần thông của bậc Bồ Tát. Nếu Bồ Tát có những khả năng thần kỳ này thì cố nhiên chư Phật cũng có đầy đủ những khả năng đó. Bồ Tát có được mười thứ thần thông là do sự tu tập tâm linh. Nếu Bồ Tát có thể đạt được những thành quả như vậy thì tất cả chúng hữu tình phát Bồ Đề Tâm, tu Bồ Tát Đạo, thực hành các hạnh của chư Bồ Tát thì sẽ có được mười thứ thần thông này. Khi nào quý vị còn tu Bồ Tát Đạo, quý vị sẽ có được mười thứ thần thông mà không cần phải tìm kiếm (1).  Khi nào quý vị còn tu hành, quý vị sẽ thành tựu được kỳ công như thế.

Trong thời Mạt-Pháp này có nhiều Đại Thánh Nhân và Bồ Tát hiện thân ở đời để giúp chúng ta có được chánh tri chánh kiến mà không bị rơi vào tà kiến. Bồ Tát tu tập các hạnh Bồ Tát và có được mười thứ thần thông này.

Bồ Tát có nên tránh hiển lộ thần thông không? Không! Nếu Bồ Tát có thần thông mà từ chối không dùng đến, vậy thì mục đích có những thần thông như thế để làm gì? Đây cũng giống như chuyện của một người không hề hay biết là mình đang có một viên ngọc giấu trong áo (2). Cho nên người này thường đi lang thang vừa đói, vừa không áo mặc, không nhà ở. Người ấy không phải là kẻ bần cùng à? Ông ta có khác gì với kẻ bần cùng nếu không biết xử dụng viên ngọc quý? Bồ Tát có thần thông thì tương tợ như người có viên ngọc. Nếu người ta không có những khả năng thần thông đó thì họ cũng không thể dùng đến được cho dù có muốn. Nếu họ có những khả năng đó thì họ có thể sẳn sàng dùng đến. Có nhiều người bình thường còn vô minh, không hiểu biết, đặc biệt là những người giả mạo như là Phật tử, hay Phật tử mà chỉ biết một phần nhỏ Phật Pháp, những người chưa hề muốn nghiên cứu chân lý .. những người này chỉ biết nói hùa theo những gì người khác nói thay vì tìm tòi đạo lý đằng sau những lời nói đó. Cho nên họ lấy chuyện nhỏ và phóng đại quá mức. Họ tuyên bố rằng người ta không nên có thần thông trong thời Mạt Pháp. Những lời này chính là nhân gieo trồng để vào địa ngục.

Nếu như họ chỉ biết một phần nhỏ như nguyên tử về Phật Pháp, một chút xíu về đạo Phật, họ đã tránh phê bình và chỉ trích một cách cẩu thả về Phật Pháp. Đạo Phật giảng về sự thật, về chân lý chứ không phải nói về các nguyên tắc mơ hồ, lừa dối, đạo đức giả, những nguyên tắc lường gạt, gạt người và gạt cả chính mình. Phật giáo thâm cứu chiều sâu chân lý. Người tu tham cứu cho đến khi Chân lý (Sự Thật) hiển bày. Nơi nào có Chân lý nơi đó sẽ có Thiên Long Bát Bộ (tám bộ chúng trời rồng) đến bảo vệ và ủng hộ. Nơi nào có Chân lý thì chắc chắn mười phương chư Phật đều đến bảo vệ và hộ trì. Vì thế, khi nào quý vị hiểu được Chân lý, quý vị mới thật là người Phật tử. Nếu quý vị không hiểu được sự thật, còn mơ hồ và lập lại những lời người khác nói như con két thì rất có thể quý vị tự lừa mình và lừa người.

Các vị Bồ Tát chứng được mười thứ thần thông để làm gì?

 Các Ngài đắc thần thông để khéo léo thiện xảo dùng thần thông để dạy và chuyển hóa các chúng hữu tình, giúp cho tất cả chúng hữu tình phát Đại Bồ Đề Tâm thay vì đi theo các con đường của thế gian pháp. Ngược lại, người bình thường thì hay lăn lộn trong bùn lầy và đeo đuổi theo các con đường không lành mạnh của thế gian. “Tại vì ai cũng đều như vậy cả nên tôi cũng như thế” đó là người phật tử mê muội. Làm một người phật tử mê muội thì có lợi ích gì chứ? Càng tu học nhiều thì càng mê muội. Càng mê muội thì càng trở nên ngu si, quý vị không biết tìm chân lý (sự thật), quý vị không nhận ra được Chánh Pháp chân thật. Vì không nhận ra Chánh Pháp nên quý vị học theo các ngoại đạo. Không những quý vị chỉ học giáo lý ngoại đạo mà lại còn phỉ báng Chánh Pháp nữa. Thật đáng thương tiếc!

Vậy Chánh Pháp là gì? Các giáo lý ngoại đạo là gì? Chánh Pháp hiển bày khi người ta tu hành đúng theo giáo lý của Đức Phật, đúng theo Pháp và Giới luật, đó là khi người ta tránh không phạm giới. Ta phải tuân chỉ, kính trọng và giữ gìn các giới trong mọi lúc. Phải tránh làm tất cả những gì ngược lại với giới luật mà chỉ làm những gì thuận hợp với giới luật. Đó là con đường mà Bồ Tát đi. Mọi người nên học Phật Pháp với cái tâm ý thanh tịnh này và tránh phí thời gian bằng các chuyện nhảm nhí. Nếu làm khác thì không những không xứng đáng với danh hiệu “Phật tử” mà sẽ là kẻ không làm được điều gì có giá trị.

Khi học Phật Pháp, chúng ta phải nhận ra Đạo Phật chân chính, khác với Đạo Phật giả mạo.

 Chúng ta phải ủng hộ đạo Phật chân thật. Chúng ta nên sửa đổi Phật Pháp giả tạo để những người theo đó trong tương lai sẽ hiểu được Chánh Pháp. Tâm ý của Bồ Tát là không thể can tâm nhìn chúng sanh đọa vào địa ngục. Bồ Tát không đành lòng nhìn chúng sanh đầu thai làm súc sanh hay ngạ quỷ hay trôi nổi trong ba đường ác. Dụng ý của Bồ Tát là cho dù chúng hữu tình muốn hay không, Bồ Tát dạy họ Chánh Pháp. Đối với chúng sanh Bồ Tát không dựa vào tình cảm để hành xử, do đó các ngài mới đắc thần thông.

Nếu Bồ Tát có thần thông và có thể áp dụng chúng, tại sao những người bình thường đắc được thần thông và dùng nó thì bị bôi nhọ? Thật là buồn cười, hoàn toàn vô lý. Sự cấm đoán như vậy trên thực tế chắc chắn sẽ khiến cho Chánh Pháp và các tài năng xuất chúng bị hủy diệt. Kẻ học Phật cần phải giữ vững chánh tri chánh kiến cho dù hiểu hay không hiểu Phật Pháp. Ta không nên ôm giữ tà tri tà kiến. Vì khi có chánh tri chánh kiến (sự hiểu biết đúng đắn) quý vị sẽ chấp nhận Phật Pháp chân thật. Không có chánh tri chánh kiến, quý vị sẽ chối bỏ Chánh pháp. Vì thế, với lòng từ bi chân thành, Bồ Tát nhẫn nại và hoan hỷ chỉ dạy chúng hửu tình đến khi họ thay đổi. Như thế họ mới thật sự thấu hiểu, thức tỉnh và thực hành Phật Pháp. Đây chính là dụng ý của Bồ Tát. Bồ Tát không có trong lòng một chút dấu vết nào của sự ích kỷ, tự lợi hay ham muốn được danh tiếng (3). Cho nên Bồ Tát mới có thể đắc được thần thông. 

Trong thời mạt pháp có những Phật tử vô minh tuyên bố là không có ai có thể có thần thông trong thời này cả. Bởi vì sự ngu si của họ, họ không nhận ra người có thần thông. Họ không nhận ra những vị Bồ Tát có thần thông cho dù có gặp mặt. Như người Trung Hoa có câu “Không nhận ra những gì trước mặt, quý vị bỏ lỡ cơ hội”. Ngoài ra, những vị Bồ Tát có thần thông hiểu rằng những kẻ đó có những tà tri tà kiến cho nên Bồ Tát sẽ không chỉ dạy họ. Chúng ta hãy tự hồi quang phản chiếu, quán sát những lỗi lầm của mình. Một khi có được ý thức này, chúng ta sẽ nhanh chóng và nghiêm túc phát Bồ Đề Tâm. Đây là đạo lý đằng sau mười thứ thần thông.

Tất cả các vị thiện tri thức, nếu có ai trong quý vị có thần thông, tôi rất hoan hỷ nếu quý vị có thể dùng thần thông. Nếu như quý vị có tạo nên nghiệp tội nào khi sử dụng thần thông, tôi sẽ gánh lấy nghiệp tội của quý vị. Vì quý vị cho là sẽ đọa địa ngục khi dùng đến thần thông, tôi sẽ vui lòng vào địa ngục thay cho quý vị. Đừng nên sợ hãi, chỉ nên sợ là quý vị không có thần thông. Ngược lại, quý vị đừng giả bộ là có khả năng phi thường trong khi quý vị không có. Đừng giả bộ như mình là Bồ Tát đang hành Bồ Tát Đạo. Quý vị phải tu hành chân thật, không nên dựng lập bình phong bề ngoài.

Tất cả quý vị phải mau chóng bắt đầu tu hành, nghiêm túc dụng công, bước từng bước một vững chắc. Không nên làm người Phật tử bất cẩn và cẩu thả sống cho qua ngày. Quý vị phải tu hành nghiêm túc để trở thành một nhân vật xuất chúng. Làm như vậy cho dù bên ngoài quý vị xem ra cũng đang tu như đa số các Phật tử khác, nhưng quý vị sẽ chứng đạo quả trước tiên. Một khi chứng đạo quả, quý vị sẽ quay trở lại để dìu dắt các thân hữu có duyên với mình. Tôi thành thật nói cho quý vị biết: Trong thời mạt pháp này, chúng ta cần những người thành thật tu hành, được giác ngộ và chứng quả vị Thánh, những người thực hành những gì họ nói, và đắc được đại trí tuệ.

HT Tuyên Hoá



Có phản hồi đến “Không Nên Tuỳ Tiện Sử Dụng Thần Thông - HT Tuyên Hoá”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com