Vì phần kinh văn trước là thể trường hàng (văn xuôi), có chỗ nói rất rõ ràng, lại có chỗ nói không được rõ, nên dùng kệ để nhắc lại một lần nữa. Kệ giống như các loại thi từ ca phú của Trung Quốc, đều phải có thể cách nhất định, hoặc là một câu sáu chữ, một câu bảy chữ, hoặc một câu năm chữ, một câu bốn chữ... không bắt buộc, nhưng cần phải có số chữ nhất định. Trước kia, Phẩm Phổ Môn do Ngài Cưu-ma-la-thập dịch không có đoạn văn kệ này. Về sau có vị Pháp sư khác xem thấy những câu kệ ấy ý nghĩa giống như đoạn văn trước, nên mới thêm vào sau Phẩm Phổ Môn thứ hai mươi năm của Kinh Pháp Hoa.
Thế Tôn đủ tướng tốt
Con xin nay lại hỏi
Phật tử nhân duyên gì
Tên là Quán Thế Âm?
Bồ Tát Vô Tận Ý nói: "Ðức Thế Tôn đầy đủ tướng tốt! Bây giờ con lại hỏi về Bồ Tát Quán Thế Âm kia, vị Phật tử ấy do nhân duyên gì mà có tên là Quán Thế Âm?" Vì tướng mạo của Phật rất viên mãn, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, cho nên gọi là Ðức Thế Tôn đầy đủ tướng tốt, tức là hoàn toàn, không thiếu cũng không dư. Lại cũng có thể hiểu là phước đủ, huệ đủ, là Lưỡng túc tôn. Song, ở đây là nói về ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp của Phật là những tướng hảo vi diệu không thể nghĩ bàn.
Bậc đầy đủ tướng tốt
Kệ đáp Vô Tận Ý:
Ông nghe hạnh Quán Âm
Khéo ứng các nơi chốn.
Do Bồ Tát Vô Tận Ý dùng kệ hỏi Phật, nên Phật cũng dùng kệ để đáp câu hỏi của Bồ Tát Vô Tận Ý: "Này Vô Tận Ý! Ông có biết những sự việc và nhân duyên mà Bồ Tát Quán Thế Âm đã làm chưa? Ông phải nên chú ý nghe, ta sẽ giảng nói cho ông. Vị Bồ-tát ấy dùng phương tiện khéo léo, quán cơ đậu giáo, tùy duyên nói pháp, ứng bịnh cho thuốc."
Quán cơ đậu giáo chính là quán sát căn cơ của chúng sanh ra làm sao, thích những gì, đáng nói những pháp gì; cũng giống như trước đã nói: "Ðáng dùng thân Phật để được độ thoát liền hiện thân Phật nói pháp để độ họ. Ðáng dùng thân Ðế Thích để được độ thoát liền hiện thân Ðế Thích đến nói pháp để độ họ...." Ðó gọi là khéo ứng các nơi chốn. Bất luận là căn tánh nào, Ngài cũng dùng các phương pháp thiện xảo phương tiện này để độ họ. Phương pháp ấy có nhất định không? Không có nhất định! Kinh Kim Cang có nói: "Pháp này bình đẳng, không có cao thấp, không có nhất định." Vì thế, là một vị Pháp sư muốn giáo hóa chúng sanh, cũng phải biết rất nhiều đạo lý cùng pháp thế gian để hễ gặp hạng người nào thì nói thứ pháp đó cho thích hợp. Ví dụ gặp một người buôn bán, thì có thể nói: "À này! Bây giờ anh buôn bán có khá không? Gần đây mãi lực của thị trường rất mạnh đấy!" Hoặc gặp một người công nhân thì nói: "Anh vất vả dữ đa! Hôm nay chắc được rảnh nhỉ?" Phải dùng đạo lý của người công nhân mà nói với anh ta. Anh ta nghe nói liền vui vẻ nghĩ: "À, thì ra cũng có người biết là mình rất cực khổ, rất bận rộn đấy!" Sau đó mới nói Phật-pháp cho họ nghe, họ mới cảm nhận được: "À phải đó! Thì ra Phật-pháp là như thế." Gặp người đi học, thì hỏi: "Anh theo học ban nào? Khoa học? Hóa học hay Văn học...?" Hôm nay có một nhóm sinh viên đến chùa và được nghe giảng Phật-pháp, nghe rồi họ đều rất thích thú, đối với Phật-pháp bắt đầu có ấn tượng. Trong đầu óc các em đã có một chữ "Phật." Chữ "Phật" này sẽ in vào tâm trí các em mỗi ngày một sâu đậm thêm, tương lai các em cũng sẽ thành Phật. Ðó chính là khéo ứng các nơi chốn, ứng bịnh cho thuốc, tùy duyên nói pháp. Ấy cũng gọi là:
Thiện xảo phương tiện độ chúng sanh,
Khéo lấy trần lao làm Phật sự."
Ðem tất cả những việc trần lao ở thế gian chuyển biến thành Phật sự cả.
Nguyện rộng sâu như biển
Nhiều kiếp không nghĩ bàn
Hầu nhiều ngàn ức Phật
Phát nguyện lớn thanh tịnh.
Ðức Bồ Tát Quán Thế Âm, khi chưa thành Phật đã phát nguyện đại từ đại bi rộng lớn. Lời nguyện này rộng lớn như thế nào? Sâu như biển cả vậy. Ngài đã trải qua bất tư nghì đại kiếp, tạo ra bất tư nghì công đức, phát ra bất tư nghì nguyện lực như vậy, vì thế Bồ Tát Quán Thế Âm mọi mặt đều là vi diệu không thể nghĩ bàn. Ngài đã từng thờ phụng rất nhiều ngàn ức đức Phật, chẳng những ngàn ức mà còn hơn vạn ức nữa, dù trên văn kinh chỉ nói có ngàn ức thôi. Vì lập những nguyện đại từ đại bi ấy, nên cảnh giới của Bồ Tát Quán Thế Âm cao sâu khó lường. Bồ Tát Quán Thế Âm đã phát những lời nguyện rất thanh tịnh. Nguyện thanh tịnh là thế nào? Thanh tịnh là không có ý tưởng ích kỷù, riêng tư cho chính mình mà là đại công vô tư. Ngài vì chúng sanh phát nguyện, hoàn toàn phát xuất từ tâm từ bi chân chánh, từ tâm từ ái chúng sanh chân chánh.
Ta vì ông lược nói
Nghe tên và thấy thân
Tâm niệm chẳng luống quên
Năng diệt khổ các Hữu.
Ðức Phật nói: "Bây giờ ta nói sơ lược về công đức của Bồ Tát Quán Thế Âm này cho ông nghe." Phải là người có căn lành mới có thể nghe được danh hiệu của Bồ-tát này. Nếu người không có căn lành thì cả danh tự của Bồ Tát Quán Thế Âm cũng không thể nào nghe thấy, huống chi là gặp được thân Ngài. Nói về "thấy thân" thì không nhất định là thấy được nhục thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, mà là có thể thấy được hình vẽ của Bồ-tát này. Hình vẽ ấy hoặc dùng đất đắp lên, hoặc chạm khắc bằng gỗ hoặc bằng sành sứ, cho đến bằng vàng, bạc, đồng, sắt đúc nên; thấy những hình tượng này cũng giống như thấy nhục thân của Ngài vậy. Chúng ta chỉ cần để tâm nơi đó, niệm niệm không quên danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, không cho xen tạp vọng tưởng để thời gian quý báu đó trôi qua uổng phí đi. Niệm Bồ Tát Quán Thế Âm có được công dụng gì? Có thể diệt tất cả khổ của các hữu. "Các hữu" là gọi chung cho Dục-giới-hữu, Sắc-giới-hữu và Vô-sắc-giới-hữu, tất cả gồm hai mươi năm hữu. Hữu (realms of existence) ở đây nói chính là hai mươi năm cõi trong Tam giới. Có bài kệ về hai mươi năm hữu ấy như sau:
"Bốn châu (4), bốn nẻo ác (4)
Phạm vương (1), Lục dục thiên (6)
Vô tưởng (1), năm Na-hàm (5)
Bốn Thiền, bốn Không thiên (4)"
Giả sử sanh lòng hại
Xô rớt hầm lửa lớn
Nhờ sức niệm Quán Âm
Hầm lửa biến thành ao.
Giả sử có người muốn hãm hại, ví như buôn bán chung với quý vị, cùng lên núi với quý vị. Khi đi qua vực sâu muôn trượng, người ấy vì muốn giựt tiền vốn của quý vị bèn sanh tâm mưu hại, xô quý vị rơi xuống vực sâu. Ngay lúc đó, quý vị chỉ cần chí thành xưng niệm: "Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát" thì sẽ được bình an vô sự. Người kia dù có xô quý vị rớt trong hầm lửa đi nữa, thì hầm lửa ấy cũng biến thành ao nước. Quý vị không cần phải dùng phương pháp nào khác, cũng không cần phải niệm bất cứ chú gì, chỉ cần nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì sẽ có cảm ứng, sẽ được một sức mạnh vô hình đến cứu hộ, cảm ứng này thật bất khả tư nghì. Vì thế chúng ta ở chỗ nào nơi nào cũng đều niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì tương lai sẽ được Bồ-tát bảo hộ cho. Cảnh giới cảm ứng đó thật là nói không thể hết được.
Hoặc trôi dạt biển khơi
Các nạn quỷ, rồng, cá
Nhờ sức niệm Quán Âm
Sóng mòi không chìm được.
Trôi là trôi nổi lênh đênh theo giòng nước. Nếu như ở chỗ cạn hoặc nước đứng thì không có vấn đề gì, người ta sẽ dễ dàng lên bờ. Nhưng nếu trôi ở giữa biển khơi, nhìn ra mù mịt không biết đâu là bến bờ thì rất nguy hiểm. Trong biển cả thường có rồng độc, cũng có quỷ La-sát, và cá mập ăn thịt người nữa nên rất nguy hiểm. Lúc quý vị gặp những tai nạn này, nếu có thể niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì dù sóng to cách mấy cũng không thể nào bị dìm chết được, mà bỗng nhiên quý vị sẽ được đưa vào bờ, hoặc tự nhiên trôi tấp vào chỗ nước cạn, hoặc gặp được thuyền khác đến cứu. Những việc này là do Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện để cứu thủy nạn. Cũng giống như hỏa nạn ở trước, nếu quý vị không biết niệm Bồ-tát Quán Thế Âm thì sẽ rất nguy hiểm.
Nói đến đây, nhớ lại lúc ở Hồng Kông tôi có một đệ tử quy y xấu tánh. Xấu tánh như thế nào? Anh ta tên là Trương Ngọc Giai, đã làm hại người. Nhà anh ta mở tiệm thuốc tây, lời không biết bao nhiêu mà kể. Song, số tiền kiếm được là từ việc hại người. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, vì đất nước vừa trải qua khói lửa chiến tranh nên bịnh truyền nhiễm lan tràn, lúc ấy ở đại lục Trung Quốc chỗ nào cũng có bịnh ôn dịch hoành hành. Bấy giờ Trương Ngọc Giai cùng với một người rất giàu có hùn vốn đi buôn. Hai người cùng ngồi thuyền ra ngoại quốc để mua thuốc tây mang về Hồng Kông bán lại. Trên đường về, thuyền ra tới biển khơi, anh ta liền xô người bạn xuống biển. Người bạn ấy vì không biết niệm Bồ-tát Quán Thế Âm nên bị chết đuối. Thế là Trương Ngọc Giai một mình chiếm trọn cả số vốn thuốc tây ấy. Khi trở về Hồng Kông, anh ta bán lại được rất nhiều tiền. Anh ta lại còn ngụy tạo thuốc giả để bán, vì thế càng phát tài thêm. Sau khi phát tài rồi thế nào? Ðại khái là bị oan oan tương báo, anh ta mắc phải ung thư.
Bấy giờ ở Hồng Kông có sáu vị thầy thuốc rất giỏi, đều đoan chắc anh ta nội trong một trăm ngày là chết. Thế là anh ta lật đật đăng báo tìm người cứu mạng, hứa hẹn nếu ai có thể trừ tuyệt được chứng bịnh ung thư thì anh ta tình nguyện tặng hai trăm ngàn Mỹ kim để đền ơn. Hồi ấy, hai trăm ngàn Mỹ kim ở Hồng Kông rất có giá trị, nhưng cũng không có người nào đến bày cách cứu mạng cho anh ta. Bấy giờ anh ta mới đến chùa lạy Phật.
Có một hôm, anh đến Tây Lạc Viên hỏi tôi làm sao có thể trừ được bịnh? Tôi nói với anh: "Muốn trừ được bịnh này, anh phải làm nhiều việc tốt, cúng dường Tam Bảo, gieo trồng công đức. Trước tiên anh phải quy y Tam Bảo, có như thế họa may bịnh anh mới đỡ được!"
Vì thế anh ta mới quy y với tôi vào ngày 18 tháng 9 âm lịch năm đó. Sau khi anh quy y rồi, tôi khuyên anh ta nên phát tâm làm việc tốt. Bấy giờ nhằm lúc người xuất gia từ Trung Quốc tỵ nạn đến Hồng Kông có đến hơn hai, ba ngàn người, nhưng đa số các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni ấy y phục chẳng đủ dùng, cũng không có nơi chốn để nương náu. Vì thế tôi mới bảo anh ta cúng dường cho mỗi vị Tăng hoặc Ni một xấp vải (may được hai bộ đồ tu) và hai mươi đồng tiền Hồng Kông, anh ta bằng lòng với lời yêu cầu đó. Nhưng bấy giờ ở Hồng Kông có nhiều vị Thầy, nhất là lão Pháp sư, nghe tin Trương Ngọc Giai quy y với tôi, bèn trổ hết thần thông ra. Trổ thần thông như thế nào? Vị này tìm bạn hữu, vị kia nhờ thân thích, lân la phan duyên với Trương Ngọc Giai, bảo anh ta đến chùa họ làm việc công đức. Những vị lão Pháp sư này đều là người rất có danh vọng, lại là người có uy quyền trong Phật giáo, nên kết thân được ngay với Trương Ngọc Giai. Vì thế, Trương Ngọc Giai lúc thì đi làm công đức ở chùa này, lúc lại làm công đức ở chùa nọ, thế rồi hai mươi đồng mà tôi kêu gọi cúng dường cho mỗi Pháp sư ở Ðại Lục sang anh ta không cúng đủ. Anh ta chỉ cúng dường năm đồng và một xấp vải hạng trung mà thôi. Vì tôi đã nói với quý Thầy quý Sư cô là sẽ cúng dường mỗi vị hai mươi đồng mà bây giờ chỉ có năm đồng thôi thì làm sao đây? Rốt cuộc chính tôi phải lén đi mượn tiền, không để cho người khác biết. Tiền mượn được cộng thêm năm đồng của Trương Ngọc Giai cho đủ hai mươi.
Trương Ngọc Giai không giữ lời hứa là vì bị các vị lão Pháp sư ấy dụ dỗ phan duyên thôi. Số tiền đó trước kia dự tính cúng dường cho chư Tăng Ni, nhưng lại dùng vào việc khác; vì thế tôi cũng không có trách anh ta, việc đó coi như đã qua đi. Lúc trước các thầy thuốc đều đoán anh ta sống không quá một trăm ngày, bây giờ quá một trăm ngày anh ta vẫn còn sống, đến lúc đó các vị Hòa thượng dụ dỗ phan duyên mới nói:
-A! Ðó là kết quả do chúng tôi bái sám cho anh đó!
Vị lão Pháp sư kia lại nói: "Ðó là do chúng tôi chí thành tụng kinh cho anh đấy!"
Một vị Pháp sư nọ lại nói: "À! Chúng tôi mỗi ngày cầu nguyện cho anh trước Ðức Phật đấy!"
Mỗi một vị Pháp sư đều có công hết! Lúc đó tôi không có chút công lao gì cả, tôi cũng không nói với anh ta vấn đề gì hết.
Qua sáu năm, Trương Ngọc Trai vẫn chưa chết, bấy giờ tôi đương cất chùa Từ Hưng ở núi Ðại Dự, Hồng Kông. Ngôi chùa này đại khái có thể chứa được trên hai trăm người. Nghe tôi cất chùa, với bổn phận là đệ tử, anh ta sai người đem một số tiền đưa cho tôi làm chùa. Tôi không thèm để mắt đến, cũng chẳng mở ra xem, cầm liệng ra ngoài cửa, nói với người ấy:
-"Số tiền này có được không chính đáng, không trong sạch, tôi không cần những thứ tiền này, anh hãy cầm về trả lại cho ông ấy!"
Người gia nhân đem tiền về lại, việc đó làm Trương Ngọc Giai sợ quá! Anh ta lại nhờ một vị lão Pháp sư dụ dỗ phan duyên lúc trước tên là Ðịnh Tây đến năn nỉ tôi và đưa tiền.
Tôi nói: "Bây giờ công trình làm chùa đã xong, tôi không cần tiền nữa. Anh ta có tiền, có thể làm những công đức phụ khác. Có biết bao nhiêu là chùa, bao nhiêu vị Pháp sư, anh ta thích làm gì thì cứ làm."
Vị lão Pháp sư ấy không tiện nói tiếp bèn trở về. Hai năm sau, vào tháng Giêng, tôi tuyên cáo với mọi người: "Trương Ngọc Giai quy y với tôi đã tám năm rồi, tôi vốn đợi anh ta thực hiện lời hứa, nhơn vì anh ta phát tâm cúng hai trăm ngàn Mỹ kim để làm chùa mà cho đến bây giờ vẫn chưa thực hiện. Tôi không đợi được nữa, về sau Trương Ngọc Giai có xảy ra bất cứ vấn đề gì, tôi cũng không biết đến."
Sau khi nói mấy câu đó, chưa đầy nửa năm, bịnh ung thư của anh ta tái phát. Khi sắp chết, anh ta lại sai người đến cầu xin tôi. Vì anh ta đến chùa khác lễ bái, làm các Phật sự đều không linh nghiệm, không có cảm ứng, nên mới lại tìm đến tôi. Nhưng tôi cũng không biết đến, tôi nói là tôi đã phát biểu không còn biết đến bất cứ việc gì của anh ta kia mà. Thế rồi mấy ngày sau anh ta chết. Kỳ lạ thay, Pháp sư Ðịnh Tây, người dụ dỗ phan duyên anh ta lúc trước, cũng mắc chứng ung thư, bịnh khoảng hơn một năm cũng chết. Lại còn có một vị cư sĩ theo lão Pháp sư móc nối Trương Ngọc Giai với Pháp sư Ðịnh Tây, cũng mắc bịnh ung thư mà chết. Vì thế có thể nói bọn họ ba người là nhất thể, sống thì cùng sống, và chết vì một chứng bịnh như nhau. Tại sao Trương Ngọc Giai lại bị chết như thế? Vì anh ta xô người bạn rớt xuống biển chết chìm. Người ấy lúc sống không biết niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, chắc chắn là sau khi chết làm oan hồn đến báo ứng khiến cho Trương Ngọc Giai sanh bịnh ung thư. Lẽ ra, Trương Ngọc Giai đã quy y Tam Bảo, nếu anh ta có lòng tin chân chánh thì cũng không phải chết. Nhơn vì lòng tin không vững chắc, dù cho không chết sau khi quy y một trăm ngày, nhưng tám năm sau cũng phải chết.
HT Tuyên Hóa