Nam mô A Di Đà Phật

Năm trước giảng về Đạo đế đã nói có 37 phép trợ bồ đề phần là:

  • Tứ niệm xứ
  • Tứ chánh cần
  • Tứ như ý túc
  • Ngũ căn
  • Ngũ lực
  • Thất giác chi
  • Bát chánh đạo

  • Trong kỳ ấy giảng về Bát chánh đạo mà thôi. Song, bát chánh đạo là lối tu hành của những bậc đã kiến đạo, cốt yếu nơi chữ “chánh”. Đối với người sơ cơ, nếu không biết chỗ chơn chánh là gì thì sao cho khỏi cái hại lấy giả làm chơn, lấy tà làm chánh. Vì vậy nên cần phải giảng về những phương tiện ban đầu để cho những ai muốn tu theo Thanh văn thừa, theo từng bực mà tu lần lên, tu cho đặng “Thất giác chi” rồi thì mới có thể tu hành “Bát chánh đạo”.

    37 phép trợ bồ đề phần không thể giảng đủ trong một kỳ, vậy kỳ hôm nay tôi xin giảng riêng về “Tứ niệm xứ”.

    Toàn thể pháp giới vẫn là như như bình đẳng, không tự, không tha, không năng, không sở. Lẽ ra không có chi đáng gọi là tâm niệm, chỉ vì chúng ta mê lầm không rõ bản tánh mà lại phân biệt nào tâm nào cảnh, nào ngã nào nhơn. Nên chi thường thường khi niệm chấp có ngã, chấp có pháp, chấp cái thân này là mình, nhận hoàn cảnh là khác với mình, rồi nương theo thân mà có già đau sống chết, nương theo cảnh mà có ưa ghét buồn sợ, luân hồi đời đời kiếp kiếp trong ba cõi.

    Tâm niệm lầm lạc đã làm cho chúng ta mê, chúng ta muốn hết mê phải làm thế nào?

    Thưa các ngài, người đạp gai thường thấy gai mà lể, vậy chúng ta nên lấy cái tâm niệm không lầm lạc để dứt trừ cái tâm niệm lầm lạc, đến khi tâm niệm không lầm lạc nữa là ngộ.

    Tâm niệm không lầm lạc là chi? Tức là “Tứ niệm xứ”.

    Tứ niệm xứ là phép tối tiên của người tu hành, là bước ban đầu trên đường giải thoát, dù Tiểu thừa hay Đại thừa cũng đều phải trải qua bước đường này cả.

    Thân bất tịnh

    Thọ thị khổ

    Tâm vô thường

    Pháp vô ngã

    I. Thân bất tịnh là gì?

    Bất tịnh nghĩa là không sạch, là dơ nhớp. Thân bất tịnh nghĩa là cái thân này không chút gì tinh sạch cả.

    Người thế gian ai cũng giữ gìn cái thân, quý báu cái thân, dầu làm việc gì cũng là vì cái thân mà làm, cho đến vì cái thân mà hao tiền tốn của, mang tiếng chịu lời cũng không kể, miễn cho cái thân đặng sống.

    Thế gian quý hóa cái thân như vậy, nay nghe Phật nói “thân bất tịnh” thì sao cho khỏi nghi hoặc mà cho là quá đáng.

    Song, xét cho cùng thì cái thân này nhờ phụ tinh mẫu huyết mà thành, phụ tinh mẫu huyết là vật dơ nhớp, vậy cái thân này đã do những vật dơ nhớp tạo thành, thì làm sao mà tinh sạch cho được. Lúc mới đầu thai, trạng thái nhỏ nhen như bộ trùng, lần lần sinh năm sinh bảy, lớn bằng hột đậu cho đến lớn bằng miếng thịt, đầy những máu me rất dơ nhớp.

    Về sau, nhờ sức duy trì của nghiệp thức, lần tượng ra hình người nằm trong bọc nước, cái bọc nước đầy những mồ hôi nước tiểu. Cái thân nằm trong đó đủ chín tháng mười ngày rồi mới ra khỏi bụng mẹ theo con đường rất dơ nhớp, đầy những máu me, rồi nằm trên vũng máu hả miệng oe oe ba tiếng chào đời, thật không chút gì là tinh sạch cả. Đã sanh ra rồi, khi nhỏ nhờ bú sữa, lúc lớn nhờ ăn uống mà càng ngày càng lớn. Nhưng lạ thiệt, như trong Trí độ luận đã nói: “Bản thị mỹ vị, nhơn chi sở thị, túc tích chi gian, biến thành bất tịnh”. Nghĩa là “Ban đầu là của ngon vật lạ, ai nấy đều thích, mà ăn vào cách chừng một đêm đã biến thành đồ dơ nhớp”. Cái thân này rõ là một bộ máy để làm ra đồ dơ nhớp. Mà dơ nhớp thiệt. Sớm mai ngủ dậy chưa súc miệng thì trong miệng đã hôi thúi, bốn năm ngày không tắm rửa thì áo quần đã tẩm mồ hôi, đen điu rít rắm. Lại còn nước mũi, ráy tai, lắm chuyện dơ nhớp nữa. Đó là nói về bề ngoài. Về bề trong lại còn dễ sợ hơn. Chẳng nói chi máu me xương thịt, chỉ trong một bộ lòng đã đầy những đồ hôi thúi, chẳng khác gì một thùng phẩn vậy.

    Đó là nói khi lành mạnh. Chớ khi đau ốm lại dễ sợ hơn nữa: nào đờm, nào mũi, thúi tha tanh hôi, xiết bao là dơ nhớp. Dơ nhớp như vậy năm sáu chục năm đã đầu bạc mặt nhăn, lưng còm răng rụng, không còn sức sửa soạn bề ngoài, nên càng dơ nhớp hơn nữa. Đến khi chết, nghiệp thức không còn duy trì để thay lớp mới đổi lớp cũ, thì da thịt rã rời đụng đâu rệu đấy, nếu không chôn cất thì không ai chịu nổi cái mùi hôi thúi ấy được.

    Vậy thì biết cái thân này rõ là bất tịnh.

    Người đời không biết cái thân bất tịnh mà yêu quý cái thân, cưng dưỡng cái thân. Nếu cái thân ưa gì thì ưa, cái thân ghét gì thì ghét, đến nỗi làm nô lệ cho cái thân, gây nghiệp chịu báo đời đời kiếp kiếp mà không tự hối. Vì cái thân mà tham, sân, si. Vì cái thân mà sát, đạo, dâm. Vì cái thân mà vọng ngôn ỷ ngữ, ác khẩu lưỡng thiệt. Trăm ngàn vạn điều dữ cũng đều do cưng dưỡng cái thân này mà tạo thành cả.

    Vậy người tu hành cần phải quán sát cho rõ cái thân là bất tịnh, thì mới tránh được những nghiệp dữ và tâm mình mới được vài phần tự chủ.

    II. Thọ thị khổ là gì?

    Thọ là lãnh thọ. Thọ thị khổ nghĩa là có lãnh thọ thì có khổ. Người ta sanh ra ở đời, từ nhỏ đến lớn không lãnh thọ điều này thì lãnh thọ điều khác. Vậy nói “Thọ thị khổ” cũng không khác chi nói rằng “đời người là khổ”.

    Hiện trong thế giới này, người người đương đua nhau về vật chất văn minh, nào quyền lợi, nào danh vọng, nào lầu đài kiểu mới, nào xe điện tàu bay, bàng the lụa là, đàn ca xướng hát v.v..., những phô diễn hằng ngày biết bao là êm tai vui mắt, thế mà tôi lại nói “đời người là khổ” chẳng là quá đáng lắm sao? Thưa không, xin các ngài hãy bình tâm mà suy nghiệm từ khi đầu thai cho đến khi chết trải biết bao là sự cay đắng khổ não. Khi ở trong thai khác gì ở trong ngục, có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe. Bà mẹ đã có ốm có nhọc thì đã đau đớn khó chịu, tay chọi chân đạp, muốn ra cho khỏi, nhưng chết thì chịu chết, làm sao mà ra đặng. Đến khi mới đẻ, ở trong thai đã quen, bỗng chốc ra ngoài, cảm xúc với cái hoàn cảnh chưa từng quen chịu nên sanh ra đau khổ. Mấy tiếng u oa khi mới lọt lòng là tiêu biểu của sự đau đớn khi mới đẻ. Từ đấy dần đi, kể biết bao những cảnh bất bình như muốn tắm mà mẹ cứ cho bú, muốn bú mà mẹ cứ bắt tắm; khi muốn ngủ mà mẹ cứ bắt chơi, khi muốn chơi mẹ lại cứ bắt ngủ; muốn nói thì chưa biết nói, mà lắm lúc khóc đã hết hơi cũng chẳng ai biết làm cho vừa ý muốn.

    Thế rồi lần lần khôn lớn, biết đi học lại phải lo làm, làm để nuôi sống.

    Lại khi lạnh khi nóng, khi đói khi khát là khổ. Cái gì ưa hết sức cầu mà không được là khổ, ân tình cách biệt là khổ, oán cừu gặp gỡ là khổ, những thói quen mê lầm muốn bỏ mà bỏ không nổi là khổ. Nhưng đó chỉ là cái khổ vừa vừa, đến như mấy cái khổ sau này mới thiệt là khổ: Những cái khổ khi đau, khi già, khi chết.

    Ở đời không chi khổ bằng đau ốm. Cái khổ trong khi đau. Tôi tưởng ai cũng đã kinh nghiệm đến. Mà đau nào phải một chứng đâu, nào là thương hàn, sốt rét, nào là thổ tả, ho lao v.v... Già đau trẻ cũng đau, lớn đau nhỏ cũng đau, trăm ngàn vạn chứng đau kể sao cho xiết. Cái đau trùm khắp cả bầu trời mấy ai tránh khỏi.

    Người mạnh khỏe gặp phải cơn đau mà trở thành yếu ớt, nhà đương giàu gặp phải cơn đau mà trở thành cực khổ. Vì đau mà học hành thua kém. Vì đau mà công danh lỡ làng. Chưa nói đến khi bị tật nguyền, nào đui nào điếc, nào què nào bại, nó đã làm cho lắm người hữu dụng trở thành vô dụng. Kịp đến khi già lại càng dễ đau hơn nữa. Tóc bạc răng rụng, lưng mỏi gối dùn, tai lẫn mắt lòa, tinh thần lẫn lộn, ăn không ngon, nằm không ngủ, trời trở thì trở theo trời, khổ sở kể sao cho xiết.

    Nhưng khổ như vậy nào phải sống đời được đâu, chừng trong khoảng 100 năm là phải chết. Người đời ai chẳng muốn sống, khi thấy cái chết đến nơi không có sức chống lại thì khổ sở biết là ngần nào.

    Cái khổ trong khi chết còn nhiều, khó bề kể xiết. Mà cái khổ sau khi chết cũng không phải là hết đâu. Chúng ta hãy còn muốn sống, thì chết rồi lại sanh ra thân khác, rồi lại phải chịu đủ các sự khổ như khi trước.

    Tôi nói như vậy chắc các ngài cho là bi quan và nghĩ rằng trong đời cũng lắm trò vui, chưa chắc toàn là khổ hết. Tôi cũng tạm nhận có cái vui như vậy, nhưng tôi thiết tưởng cái vui ấy chỉ làm nhân cho cái khổ, chỉ là cái vui trong cảnh khổ đó thôi. Xét những cái vui của phần đông người ở đời thì không ngoài danh lợi và ngũ dục. Song danh lợi thì tôi thấy lắm người vì muốn có lợi có danh mà lo ngày lo đêm, ăn không ngon, nằm không ngủ. Rủi không được thăng thưởng hoặc bị lỗ lả thì rực đầu rực óc, khổ sở không phải là ít.

    Về ngũ dục thì không ngoài sắc đẹp tiếng hay, mùi ngon vị lạ, cờ bạc rượu chè mà thôi. Nhưng rượu trà thì khổ về say sưa, cờ bạc thì khổ về mất ăn mất ngủ, thiếu trước thiếu sau, vị lạ tiếng hay phải mất công tìm kiếm. Còn vui về tình ái là khi gặp gỡ thì vui, khi xa nhau lại nhớ thương buồn rầu. Lại còn lắm đôi trai gái vì sự trắc trở, muốn trọn chữ tình mà đành phải ném mình vào hang sâu vực thẳm, khổ sở kể sao cho xiết.

    Cái vui ở đời không được mấy mà cái khổ đã đeo theo một bên, thiệt chẳng khác chi một bọn tù tội, khi ra đường cũng đùa cũng bỡn, khi rảnh việc cũng rủ nhau đánh lú đánh bài. Tuy trong khi ấy cũng vui cũng sướng, cũng reo cũng cười, nhưng rốt cuộc cái thân tù tội vẫn khổ lại hoàn khổ.

    Xét kỹ thì những sự vui ở đời thường sanh ra ba điều khổ là khổ khổ, hành khổ và hoại khổ.

    Khổ khổ là vì khổ mà khổ, như vì nhàm chán mà khổ, vì sanh say sưa, nghèo cực, đau ốm mà khổ.

    Hoại khổ là vì hết đi mà khổ, ví như đương ưa xem hát bỗng hết giờ phải về là khổ.

    Hành khổ là vì vô thường thay đổi mà khổ, ví như một đồ xưa quý báu bị bể đi mà sanh ra khổ.

    Cuộc đời khổ như vậy nên trong kinh Niết bàn Phật có dạy: “Tam giới giai vô thường, chư hữu vô hữu lạc”. Nghĩa là tam giới đều vô thường, trong các cõi không có cõi nào là vui cả. Phật thấy chúng sanh chìm đắm trong bể khổ rất đáng thương xót nên chỉ dạy cho chúng sanh biết cái nguyên nhân của sự khổ.

    Nguyên nhân của sự khổ là chi? Chính là cái lãnh thọ vậy. Vì chúng ta lãnh thọ cái thân này là thân của chúng ta, lãnh thọ cái này là đáng ưa là thuận cảnh, cái kia là đáng ghét là nghịch cảnh, nên mới hóa ra có khổ.

    Ngày xưa có một thầy Bà la môn thấy học trò mình theo Phật, sanh lòng tức giận, muốn đem lý luận mà biện bác thì biện bác không nổi nên trổ ngọn thô bỉ đến mắng nhiếc Phật giữa chúng hội. Thầy Bà la môn mắng nhiếc đã lâu, thấy Phật vẫn vui vẻ yên lành không đáp lại một tiếng, thì càng tức giận hỏi Phật rằng: “Tôi mắng nhiếc ông đã lâu sao ông không nói lại?”.

    Phật lại hỏi: “Khi ông tặng người ta một vật gì, người ta không nhận lãnh thì vật ấy về ai?”.

    Thầy Bà la môn đáp: “Về tôi chớ về ai”.

    Phật liền bảo rằng: “Hèn lâu ông mắng nhiếc, nhưng tôi không lãnh thọ thì cái mắng nhiếc đó trở về phần ông, can chi tôi mà phải đáp lại”.

    Thầy Bà la môn nghe nói liền giác ngộ, cúi đầu kính lạy và xin quy y theo Phật.

    Vậy là biết cái không lãnh thọ là quý hóa dường nào. Nếu chúng ta tập cái tánh không lãnh thọ, thì sắc đẹp tiếng hay, mùi ngon vị ngọt, danh vọng quyền lợi không thể lay động chúng ta được. Đối với cảnh, tâm vẫn bình thường không thấy cái đáng ưa cũng không thấy cái đáng ghét, không thấy cái đáng mừng cũng không thấy cái đáng buồn, không có cái gì đáng gọi là vui, không có cái gì đáng gọi là khổ, thì mới chắc vui riêng theo đạo lý ra ngoài tất cả các món cảm xúc.

    III. Tâm vô thường

    Tâm vô thường nghĩa là cái tướng của tự tâm chúng ta là vô thường thay đổi. Tướng của tự tâm là chi? Chính là cái phân biệt rõ biết vậy. Người đời không biết thể chơn như, nhận cái phân biệt rõ biết là cái ta, rồi lầm nhận cái ta đó là thường còn không thay không đổi, như những ngoại đạo chấp có thần ngã hay có linh hồn thường trụ.

    Thần ngã là lối chấp của Sổ Luận Sư. Họ chấp rằng cái thần ngã của chúng ta tự tại trong sạch vì phân biệt hiện ra cả vũ trụ, rồi nương theo vũ trụ sanh lòng ưa muốn nên bỏ mất tánh tự tại trong sạch. Vậy muốn cho thần ngã được giải thoát thì phải dứt cả các món phân biệt, dứt cho hết sạch không thấy không nghe, không hay không biết nữa thì thần ngã mới được tự tại trong sạch như trước và mới nhận biết rằng vì mình mới sanh ra có vũ trụ.

    Họ cho như vậy là rốt ráo mà không biết đó chỉ là ma cảnh trong hành ấm.

    Còn linh hồn là lối chấp của phần nhiều Thần giáo hiện thời, họ cho rằng duy cái xác thịt chết, chớ cái linh hồn không chết. Cái linh hồn kia cũng biết mình là ai, cũng thấy cũng nghe như xác thịt, duy có một điều là cái hình chất của linh hồn con mắt thịt không thấy được mà thôi.

    Vì muốn đối trị những vọng chấp như kia, nên Phật phải dạy lý tâm vô thường, để cho chúng sanh chứng biết cái tâm không phải là một vật chết đứng, vô dụng. Nó là pháp vô thường có thể thay đổi đủ vành đủ cách, tùy chỗ tu tập của mình mà tấn hóa.

    Kinh Niết bàn có câu: “Tâm nhược thường giả tắc bất ưng ngôn; ngã vật tha vật nhược sanh nhược tử. Tâm nhược thường giả, tuy hữu sở tác bất ưng tăng trưởng. Thiện nam tử, dĩ thị nghĩa cố, đương tri tâm tánh các các sai biệt, hữu biệt dị cố, đương tri vô thường”. Nghĩa là nếu tâm là thường thì không thể nói vật của mình hay vật của người là sống hay là chết. Nếu tâm là thường thì tuy có tu hành cũng không tăng trưởng được. Thiện nam tử, vì những nghĩa ấy nên biết, tâm tánh mỗi mỗi đều sai khác; đã có sai khác thì biết vô thường. Mà thật vậy, nếu cái tâm là thường thì không thể nói có chết có sống. Nếu tâm là thường, thì người dốt cứ dốt, người vụng cứ vụng, người dữ cứ dữ, lúc sinh ra thế nào về sau cũng thế ấy, không thay đổi được. Nếu tâm là thường thì không có nhân quả, tu cũng chừng ấy, không tu cũng chừng ấy, dữ cũng chừng ấy mà lành cũng chừng ấy, cho đến người có học, người không học cũng như nhau, người có kinh nghiệm, người không kinh nghiệm cũng như nhau, thiệt không nghĩa lý gì cả.

    Hiện nay chúng ta thì không phải thế. Cái tâm của chúng ta khi nhỏ khác, khi lớn khác, khi có học khác, khi chưa học khác, khi vui khi buồn , khi thương khi ghét, khi chuyên niệm về một chỗ, khi tán loạn bởi trần duyên, không có chi đáng gọi là thường cả.

    Chúng sanh không biết cái tâm là vô thường nên lầm nhận thiệt có cái ta, rồi nương theo đó mà sanh ra biết bao nhiêu là vọng tưởng. Tất cả phiền não từ tham, sân, si cho đến hãm, cuốn, kiêu, hại, cũng đều do ngã chấp tạo thành cả. Lại cũng vì chấp tâm là thường nên chi chi cũng cho là bản tánh của mình. Tánh tôi hay nóng giận, tánh tôi hay tham lam, tánh tôi ưa đờn ca xướng hát, tánh tôi ưa cờ bạc rượu chè mà không chịu nâng cao tâm trí theo con đường chân chánh.

    Vậy chúng ta hằng ngày thường phải quán xét xái tâm là vô thường, đổi cái tâm mê lầm ra cái tâm giác ngộ đặng phá trừ ngã chấp và ra khỏi luân hồi sanh tử.

    IV. Pháp vô ngã

    Pháp theo tiếng Phạn là Dharma, nghĩa là Quỷ trì, tức là nhiệm trì tự tánh, quỷ sanh vật giải. Ví như cây mai, nó nắm giữ tự tánh cây mai, không phải cây đào cây lý, nên gọi là Nhiệm trì tự tánh. Nó lại có tánh cách của nó, cây thế nào, lá thế nào, bông thế nào, đủ làm khuôn phép để cho ai thấy có thể nhận biết là cây mai, thì gọi là Quỷ sanh vật giải. Cái gì có Nhiệm trì tự tánh, Quỷ sanh vật giải thì gọi là pháp. Nghĩa chữ pháp rộng lớn mênh mông, chẳng những các vật hữu hình, cho đến các vật vô hình, các tâm vương, tâm sở, các pháp thế gian, các pháp xuất thế gian cũng đều gọi là pháp cả.

    Cu xá luận chia các pháp ra 75 món là:

    Sắc pháp 11

    Tâm pháp 1

    Tâm sở pháp 46

    Bất tương ưng hạnh pháp14

    Vô vi pháp 3

    Sắc pháp, Tâm pháp, Tâm sở pháp có chỗ đã nói rõ rồi, tuy Đại thừa với Tiểu thừa có khác nhau một ít, nhưng cũng có nhiều chỗ đồng nhau lắm.

    Bất tương ưng hạnh pháp là những hạnh không tương ưng với tâm do phận vị đối đãi của Tâm pháp và Sắc pháp giả dối thi thiết, tuy không thể nói là Tâm pháp, Sắc pháp, nhưng cũng không ngoài Tâm pháp và Sắc pháp được.

    Bất tương ưng hạnh pháp nói lược thì có 14 món, nói rộng ra thì có 24 món, là:

    Đắc

    Vô tưởng định

    Diệt tưởng định

    Vô tưởng thiên

    Mạng căn

    Chúng đồng phận

    Sanh

    Lão

    Trụ

    Vô thường

    Danh thân

    Cú luận

    Văn thân

    Dị sanh tánh

    Lưu chuyển

    Định dị

    Tương ưng

    Thứ đệ

    Thế tộc

    Thời

    Phương

    Số

    Hòa hiệp

    Bất hòa hiệp

    Các pháp khác về loài ấy cũng đều thuộc về Bất tương ưng hạnh pháp cả.

    Nói về Vô vi pháp thì đối với Tiểu thừa duy có ba món, là

    1. Hư không vô vi

    2. Phi trạch diệt vô vi

    3. Trạch diệt vô vi

    Do đối trị cái chấp có ngoại sắc mà lập Hư không vô vi. Do đối trị cái chấp thật có sanh diệt mà lập Phi trạch diệt vô vi. Do đối trị các pháp hữu lậu mà lập Trạch diệt vô vi. Trong 75 pháp ấy đã gồm đủ tất cả các pháp.

    Còn ngã nghĩa là chủ tể, là riêng có tự tướng của mình ra ngoài tất cả các pháp khác. Trong thế gian thường chấp tất cả các pháp đều có tự tướng. Đối với thân tâm mình, chấp có tự tướng đã đành, mà đối với người khác, vật khác cũng đều chấp rằng thiệt có tự tướng. Thế giới có tự tướng của thế giới, quốc gia có tự tướng của quốc gia, xã hội có tự tướng của xã hội, đoàn thể có tự tướng của đoàn thể, nên đeo đuổi theo hoàn cảnh, buộc chặt theo hoàn cảnh mà không khi nào giải thoát ra được.

    Đã chấp có tự tướng của mình, tất nhiên có tự tướng của người khác. Đối với tự tướng của một vật, hễ về mình thì không về kẻ khác, mà về kẻ khác thì không về mình, nên hai bên thường xông xé nhau, xung đột nhau, bên nào cũng muốn cho cái tự tướng của mình được phần hơn cả.

    Thế rồi bên nào được thì sanh ra kiêu căng e sợ, bên nào mất thì sanh ra oán hận lo buồn, lửa phiền não càng thêm, nghiệp oan gia càng nặng, lần lần bành trướng ra cả đoàn thể, cả quốc gia, cả xã hội, mặc dầu xương chất như núi, máu chảy thành sông mà nào có biết cái nguyên nhân của những điều kia là vì chấp có tự tướng.

    Song, xét cho kỹ thì các pháp nào phải thiệt có tự tướng đâu, nói về lục trần thì sắc đối với không, động đối với tịnh, hữu vị, hữu xúc, hữu hương đối với vô vị, vô xúc, vô huơng, sanh đối với diệt, nào có cái gì riêng một mình thiệt có tự tướng.

    Trần đối với căn mà có hình tướng, căn đối với trần mà có tác dụng, ngoài trần thì không có căn, ngoài căn thì không có trần, vậy thì biết tất cả sắc pháp dầu căn dầu trần đều không có tự tướng cả. Còn nói về tâm pháp, tâm sở pháp, thì tâm là năng tri, ngoài sở tri ra, năng tri lấy gì làm tự tướng. Lại vui đối với buồn, lành đối với dữ, giận đối với thương, ưa đối với ghét v.v..., các tâm sở riêng một mình cũng không lấy gì làm tự tướng.

    Còn nói về Bất tương ưng hạnh pháp thì xét cho kỹ ngoài sắc pháp, tâm pháp ra, còn cái gì đáng gọi là Bất tương ưng hạnh pháp. Do trong chỗ nối nhau không xen hở, thấy có nơi sai khác mà gọi là đắc, do ly các tưởng tượng mà gọi là vô tưởng, do diệt các tâm pháp có gián đoạn và một phần tâm pháp tương tục mà gọi là diệt tận định, do sanh vào một cõi đã diệt hiện hạnh của các tâm sở cố gián đoạn mà gọi là Vô tưởng thiên, do nghiệp trước thành thục mà dẫn đến thọ sanh ở một chỗ nào gọi là mạng căn, do các loài hữu tình có tánh giống nhau mà gọi là chúng đồng phận, do cái mê lầm vô thỉ làm cho luân hồi kiếp này kiếp khác mà gọi là dị sanh tánh, do nhân duyên hòa hiệp pháp khởi mà gọi là sanh, do trước sau thay đổi khác nhau mà gọi là lão, do tiếp tục không gián đoạn mà gọi là trụ, do gián đoạn hư nát mà gọi là vô thường, do giả dối kiến lập những tên để kêu gọi các pháp mà gọi là danh thân, do nhóm góp các danh, phô bày ý nghĩa mà gọi là cú thân, do muốn phát hiện danh thân, cú thân nơi sắc trần, phải giả dối đặt ra chữ gọi là văn thân, do nhân quả nối nhau không dứt mà gọi là lưu chuyển, do cái này đối với cái khác không đồng nhau mà gọi là định dị, do cân xứng với nhau mà gọi là tương ưng, do các món lưu chuyển có kíp có chầy mà gọi là thế tốc, do tương đối lưu chuyển lớp này đến lớp khác mà gọi là thứ đệ, trong các thứ đệ lập ra có trước có sau mà có thời, do các sắc pháp đối đãi với nhau chia ra từng ngằn mà có phương, do đối với một pháp, nói tóm các pháp đồng loại mà lập ra có số, do nhân duyên tụ hội mà lập ra hòa hiệp, do nhân duyên chia rẽ mà lập ra bất hòa hiệp.

    Các Bất tương ưng hạnh pháp như vậy đều là giả pháp nên không có tự tướng.

    Còn các pháp vô vi là đối với các pháp hữu vi mà có, ngoài các pháp hữu vi ra, không còn gì đáng gọi là vô vi, nên các pháp vô vi riêng một mình cũng không có tự tướng.

    Trong kinh Lăng nghiêm Phật có dạy: “Nhân duyên hòa hiệp, hư vọng hữu sanh, nhơn duyên biệt ly, hư vọng danh diệt”. Nghĩa là nhân duyên nhóm hiệp thì giả dối có sanh ra, các nhân duyên chia rẽ thì giả dối gọi rằng chết. Vậy thì biết tất cả các pháp đều nhân duyên với nhau mà in tuồng là có chứ không có tự tướng. Không có tự tướng tức vô ngã.

    Ví như trong giấc chiêm bao, vì nhân duyên chiêm bao hiện ra thân này cảnh khác, đương khi ấy người chiêm bao cũng lầm nhận là thiệt có; đến khi tỉnh dậy mới biết nó chỉ là cảnh giới giả dối trong chiêm bao. Chúng ta cũng vậy, vì mê lầm không nhận được chỗ chân thật, nên trong khi tâm duyên với cảnh, cảnh duyên với tâm, hiện ra vạn pháp giữa vũ trụ, chúng ta cũng tưởng là thiệt có đó thôi; Thiệt ra, các pháp đều không có tự tướng, đều là vô ngã.

    Chúng sanh không biết lý pháp vô ngã nên ngoài bị hoàn cảnh kích thích, trong bị phiền não lay động, tuy muốn tự tại mà chưa hề lúc nào được tự tại, muốn an vui mà chưa hề lúc nào được an vui, muốn thanh tịnh mà thường chan chứa những phiền não, muốn thường trụ mà vẫn phải trôi lăn trong vòng sanh tử.

    Nếu chúng sanh chứng được pháp vô ngã rồi thì một thể vô ngã trùm khắp cả pháp giới, cảnh cũng vô ngã, phiền não cũng vô ngã, tâm thức cũng vô ngã, còn cái chi đâu nữa mà làm cho ưa ghét vui buồn, còn ai đâu nữa mà chịu luân hồi sanh tử.

    Pháp vô ngã là lối tu giải thoát rất rốt ráo. Nếu ai ai cũng biết tu hạnh vô ngã một đôi phần, thì đâu còn những lối ích kỷ hại nhân, mà cảnh tượng thế giới hòa bình, về sau mới có ngày thực hiện.

    Trong ngày hôm nay tôi đã giảng rõ vì sao mà biết rằng thân bất tịnh, thọ thì khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã. Sau này tôi xin giảng riêng về lối tu tập đặng chứng bốn pháp ấy.

    Phật học cao đẳng học sanh

    Thích Chánh Thống



    Có phản hồi đến “Tứ Niệm Xứ ”

    Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

    Tags

    Những bài viết nên xem:

     
     
     

    Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

    Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com