Ðáng dùng thân trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, nhân và phi nhân v.v... để được độ thoát thì hiện ra các thứ thân ấy nói pháp độ họ.

"Rồng" có rất nhiều loại: có loại rồng ở trên trời, có loại rồng ở dưới biển, có loại rồng giữ kho tàng. Rồng ở trên trời thì làm hộ pháp ở trên trời; rồng dưới biển thì ở trong Long cung, làm thủ lãnh bọn tôm cá trạnh. Rồng giữ kho tàng là loại rồng do tâm tham dẫn dắt mà tìm đến canh giữ kho châu báu người ta chôn dưới đất. Lại còn có loại rồng chuyên làm mưa. Ngày xưa có rất nhiều rồng, bây giờ thông thường người ta ít thấy rồng rồi bảo là không có thứ động vật này; kỳ thật, loài rồng có rất nhiều. Vào thời Lục Tổ Ðại-sư có một con rồng chuyên phun hơi độc, khói mù. Nếu người nào trúng phải độc của khói mù này sẽ sanh bịnh nặng, thậm chí bất trị rồi chết. Nền Thiền đường của chùa Nam Hoa hiện nay nguyên là đầm của con rồng độc. Ðầm này diện tích khoảng một mẫu; không ai biết được đầm sâu bao nhiêu. Thuở ấy, trong đầm lại có một con rồng đang ở. Rồng này không phải là rồng hiền mà là con rồng dữ chuyên hại người. Nó thường làm cho chúng ở chùa Nam Hoa sanh bịnh, không tu hành được. Một hôm Lục Tổ Ðại-sư đến bên đầm, con rồng này hiện thân hình đầy chật cả cái đầm ấy. Lục Tổ Ðại-sư thấy thế cười nói:

- Nè, mi có tài hiện ra thân lớn chứ không có thể hiện được thân nhỏ. Nếu chỉ hiện thân lớn thôi thì đâu có tài cán bao nhiêu!

Con rồng nghe Lục Tổ Ðại-sư nói thế liền ẩn mất thân to lớn ấy đi, hiện lại thân nhỏ xíu độ một tấc dài bơi lội trong nước. Lục Tổ Ðại-sư nói:

- À, mi cũng có đôi chút bản lãnh mới biến lớn biến nhỏ được đấy, nhưng mi có lẽ không dám chui vào bát của lão tăng!

Con rồng ở dưới nước nghe nói thế, bèn "tót một cái" nhảy ngay vào trong bát của Lục Tổ. Ðại-sư nói:

-A, đây là ngươi tự ý đến, nhưng không ra được đâu!

Con rồng ấy sử dụng hết cả thành công lực để nhảy ra ngoài, nhưng không cách nào nhảy ra được. Lúc đó Ðại-sư mới nói:

-Ngươi đừng vùng vẫy làm chi! Ngươi có biết tại sao đời này ngươi phải mang rồng không? Ðời trước ngươi đã là người tu hành, cũng có căn lành, từng học Phật-pháp, nhưng vì ngươi quá nặng tâm sân hận, giận dỗi quá lắm, như thế nên đời này mới đọa lạc làm thân rồng. Ngươi đừng cho mình có bản lãnh biến lớn biến nhỏ, biến có biến không là to lớn. Ơ này! Ngươi bây giờ ở trong bát của ta rồi, có ra được không nào?

Rồng nghe Lục Tổ nói mấy lời ấy, tỏ ý hàng phục, không còn ý nhảy ra ngoài nữa; bấy giờ Lục Tổ mới thuyết pháp cho nó nghe. Nghe pháp rõ ràng xong, rồng tỉnh ngộ và thoát khỏi kiếp làm rồng. Thi thể của con rồng ấy được cất giữ rất lâu ở chùa Nam Hoa, về sau vì binh lửa chiến tranh nên đã bị mất. Ðó là một đoạn nhân duyên Lục Tổ Ðại-sư hàng phục rồng độc ở chùa Nam Hoa.

Ở Trung Quốc vào đời Ðường có Ngụy Trưng tuy làm Thừa tướng ở nhân gian mà cũng lên làm quan ở cõi trời. Bấy giờ có chú rồng Tiểu Bạch Long làm mưa sai lệnh trời. Ngọc Hoàng bảo mưa một tấc ba thôi mà nó làm mưa đến một thước ba tấc, nên bao nhiêu ruộng lúa đều ngập lụt cả. Như thế là đã phạm pháp, Ngọc Hoàng bèn sai Ngụy Trưng đi giết chú rồng nhỏ đó. Biết được tin này, chú rồng nhỏ chạy đến báo mộng vua Ðường Thái Tông, nói: "Ngày mai xin Bệ hạ cứu mạng tôi. Bệ hạ là rồng, tôi cũng là rồng, cho nên xin Bệ hạ cứu cho mạng rồng nhỏ xíu này."

Vua nói: "Chúng ta đều là giống rồng cả, vậy thì chúng ta là anh em với nhau, khi ngươi có việc ta phải giúp ngươi mới phải. Vậy ta co thể làm gì để giúp đỡ ngươi đây?"

-Tôi phạm luật trời, vì làm mưa sai lệnh nên ngày mai tôi bị xử tội chém, mà người chém tôi chính là Thừa tướng Ngụy Trưng. Ngày mai nếu Bệ hạ lưu ông ta lại không cho ông ta làm gì thì ông ta không thể giết tôi được.

-Cái đó dễ thôi! Ta là vua, ông ấy là quan của ta, ông ấy nhất định phải nghe theo lời sai bảo của ta. Ngươi cứ yên tâm!

Hôm sau, Ðường Thái Tông kêu Ngụy Trưng đến đánh cờ. Nhà vua nghĩ: "Ông ta đánh cờ với ta, không rời được ta, nhất định không thể đi chém con rồng nhỏ kia được."

Hai người ngồi đánh cờ, đánh cho tới giữa trưa, Ngụy Trưng bỗng nhiên thiu thiu ngủ. Ðường Thái Tông rất mừng, nghĩ: "Ông ta đã ngủ rồi thì nhất định không thể đi chém con rồng nhỏ kia được, ta không phải lo nữa." Nào ngờ lúc Ngụy Trưng ngủ chính là lúc thần thức ông ta đã ra đi cầm kiếm Thượng phương chém chết con rồng nhỏ. Giây lát sau Ngụy Trưng lại cùng Ðường Thái Tông tiếp tục cuộc cờ. Ðến quá giờ, cuộc cờ mới kết thúc. Ðường Thái Tông tự nghĩ: "Chú rồng nhỏ đã năn nỉ ta, chỉ cần quá giờ Ngọ thì Ngụy Trưng không thể giết nó được. Như vậy là ta đã cứu được người anh em của mình, ta đã làm được công đức thật không phải nhỏ."

Nào ngờ tối đến, con rồng nhỏ lại tới đòi mạng:

-Bệ hạ bảo chúng ta là anh em, muốn cứu tôi mà sao Bệ hạ lại để cho bầy tôi của Bệ hạ giết tôi? Như thế không khác nào Bệ hạ giết tôi. Vậy thì Bệ hạ phải đền mạng cho tôi mới được.

Ðường Thái Tông tỉnh dậy, biết con rồng nhỏ đến đòi mạng, sợ đến toát mồ hôi. Hôm sau đem việc này bàn với quân sư Từ Mậu Công. Từ Mậu Công nói:

-Không hề chi! Ở đây chúng ta có hai người có thể ngăn cản việc ấy, đó là Tần Quỳnh và Kính Ðức. Bệ hạ sai bọn họ trấn giữ cửa sau thì con rồng nhỏ đó không dám đến nữa.

Tần Quỳnh là thần tướng mặt vàng, còn Kính Ðức là thần tướng mặt đen. Màu đen của ông ta đen còn hơn dầu hắc, đen đến nỗi phát sáng. Dùng hai người này giữ cửa, quả nhiên con rồng nhỏ tối đó không dám tới nữa. Nhưng nếu mỗi tối đều bắt hai người này canh cửa mà họ là đại tướng của quốc gia, cực khổ quá thì cũng không được. Bấy giờ mới vẽ hình hai người này dán ở cửa để canh cửa cho Ðường Thái Tông, con rồng nhỏ đó mãi mãi không dám tới. Vì thế người Trung Quốc, mỗi khi Tết đến, cũng đem hình Tần Quỳnh và Kính Ðức dán ở trước cửa để yêu ma quỷ quái không dám đến quấy rối.

Nhơn quả tái sinh làm rồng là do"thừa cấp giới hoãn." Tu hành Ðại thừa giáo rất dụng công, học Phật pháp rất giỏi nhưng không nghiêm giữ giới luật. Nhơn vì "thừa cấp," cho nên được thần thông biến hóa; lại nhân vì "giới hoãn" nên phải đọa lạc làm súc sanh.

"Dạ-xoa" còn gọi là Dược-xoa, đều là tiếng Phạn (Yakshas), có nghĩa là "Tiệp tật" vì chúng di chuyển rất nhanh, thậm chí hỏa tiễn do khoa học hiện đại chế tạo cũng đuổi không kịp. Thứ quỷ này trong một niệm có thể đến bất cứ nơi nào chúng muốn đến.

"Càn-thát-bà"ụ (Gandharvas) dịch là Hương thần, vì họ lấy hương làm thức ăn và thân toát ra mùi hương. Lại dịch là Nhạc thần, là vị thần tấu nhạc cho Ngọc đế, đầu đội mũ bát giác, tay cầm ống địch, thân màu đỏ, tóc phát ra ánh sáng. Tây Vực gọi người xướng ca là Càn-thát-bà.

"A-tu-la" là tiếng Phạn (Asura), dịch là "Phi thiên," vì họ có phước trời nhưng không có đức của trời, giống như trời mà chẳng phải trời. A-tu-la còn dịch là "Vô đoan chính," vì dung nhan họ rất xấu xí, chẳng phải chúng sanh sanh ở cõi giới A-tu-la mới gọi là A-tu-la, mà súc sanh giới trong lục đạo cũng có rất nhiều loài súc sanh vốn là A-tu-la chuyển sanh, như chó, ngựa, bò..., nhất là ngựa, tánh A-tu-la rất nặng.

Trung Quốc có câu: "Con ngựa hại bầy," ám chỉ con ngựa ở trong bầy nếu cứ không đá con này thì cũng cắn con kia, khiến cho cả bầy ngựa không được bình an. Ðối với đồng loại thì con ngựa đó có hại, nên gọi nó là "con ngựa hại bầy." Ðó cũng là một loại A-tu-la. Dễ thấy hơn hết là loài bò, chúng đích thực là A-tu-la. Trên đầu bò có hai cái sừng, quý vị có biết nó định làm gì không? Nó dự định đánh nhau đấy. Vì khi xưa lúc làm A-tu-la, trên đầu thường đội mũ trụ, trên mình mặc áo giáp, cho nên khi chuyển sanh làm bò cũng không quên được tánh A-tu-la, trên đầu dự bị sẵn hai chiếc sừng để đánh nhau với người. Chẳng những loài bò là A-tu-la, gà chọi cũng là A-tu-la biến thành. Gà chọi hễ gặp nhau thì đá ngay. Chẳng những gà chọi là A-tu-la mà có một thứ dế màu đen rất thích đấu đá, hai con gặp nhau thì nhất định chọi nhau cho đến khi có một con chết mới thôi.

Ở Trung Quốc vào đời Tống, trò đá dế ăn tiền rất thịnh hành. Hễ dế của ai bị đá chết thì người ấy bị thua tiền. Ngoài ra, những loại như rắn, chuột, mèo..., các động vật thích đấu đá, có tánh hiếu sát đều thuộc loại A-tu-la cả. Chúng sanh chuyển sanh làm A-tu-la thì tướng mạo rất xấu xí, không đoan chánh chút nào! Có thể là mõm dài như heo, mũi dài như voi, mỏ nhọn, răng vểnh, miệng heo, mũi voi, mắt bò, tai chuột; hoặc là thân người lại có đầu heo, hoặc thân người mà đầu bò, hoặc thân người mà đầu ngựa hay đầu hổ, rất là hung ác.

Trông tướng mạo nam A-tu-la rất là xấu xí, nhưng nữ A-tu-la dung mạo rất mỹ miều. Nữ A-tu-la có thể nói là ai thấy thì thương ngay. Vì thế Thiên chúa Ðế Thích ở cõi trời Lục Dục có một lần thấy nữ A-tu-la đẹp đẽ quá nên phải lòng và cầu hôn. Tu-la vương cũng bằng lòng và đem con gái mình gả cho Ngọc đế. Một hôm Ðế Thích rất vui vì mời được nhạc phụ đến dùng cơm với các món ăn ngon nhất trên trời. Lúc ăn cơm xong, khi Tu-la vương sắp trở về, Ngọc đế muốn biểu lộ sự cung kính của mình bằng cách dàn thành hai hàng đội ngũ tất cả thiên binh, thiên tướng để đưa tiễn. Nhưng Tu-la vương nhìn thấy, trong lòng phát giận không vui, tự nghĩ: "A, ngươi dùng thiên binh thiên tướng để dọa ta à? Cái thằng này!"

Tu-la vương giận dữ trong lòng, nhưng Ngọc đế vẫn dửng dưng không biết.

Trên cung trời có một vị tiên nhân thường hay thuyết pháp, vì Ngọc đế thích nghiên cứu đạo lý nên mỗi ngày đến nơi vị tiên nhân ấy nghe pháp. Khi Ngọc đế đi nghe pháp như thế, Tu-la nữ ở nhà nảy sanh ra một mối nghi ngờ, nghĩ thầm: "Ông ta mỗi ngày đều vắng nhà, vậy chớ đi đâu? Ðại khái chắc là đi làm việc bậy bạ đây! Chắc là đi tìm cô nào đây!"

Chờ khi Ngọc đế trở về, Tu-la nữ mới dò hỏi:

- Ông thường ngày vắng nhà là đi làm gì thế? Có phải là đi tìm một hình bóng khác, ý trung nhân khác hay không? Vì thế mà không ở nhà bồi tiếp tôi chớ gì?

- Không phải đâu! Ta đi đến chỗ vị Tiên nhân để nghe pháp mà.

Nhưng Tu-la nữ đời nào chịu tin, bèn vận dụng thần thông ngầm dò xét chỗ của Ðế Thích đến. Ðợi Ðế thích lên xe báu xong, nàng dùng pháp thuật ẩn thân cũng lên xe theo. Khi đến chỗ thuyết pháp Ðế Thích xuống xe, nàng ta cũng xuống xe theo. Ðế Thích thấy thế liền hỏi:

- Sao nàng cũng đến đây?

-Tôi đến để điều tra xem ông có nói thật hay không. Bất luận là ông nói thế nào, tôi cũng không hề tin đâu!

Ðế Thích nghe nói tức giận, nổi máu trượng phu ra, lấy gậy đánh cô vợ mình. Nàng Tu-la nữ liền òa khóc lớn. Nào ngờ tiếng kêu khóc đó làm cho đạo hạnh vị tiên nhân tiêu mất đi, không thể nói pháp được nữa. Từ trước đến nay vị tiên nhân này chưa nghe tiếng nói phụ nữ bao giờ, nay nghe tiếng kêu của Tu-la nữ quá ngọt ngào bèn động mối tâm dâm dục, mất hết đạo nghiệp đi, nên không thể tiếp tục thuyết pháp được nữa. Việc đó xảy ra càng làm cho Ngọc đế giận thêm, lại càng trách móc vợ. Tu-la nữ cũng lại tức giận, trở về mách lại với cha: "Ông Ðế Thích này thật không giữ quy củ chút nào, hiện tại đang theo một cô gái khác, bỏ bê con!" Cô ta còn bịa thêm rất nhiều chuyện, cha cô nghe qua càng thêm nổi trận lôi đình, nói:

- Chà, có như thế à! Hèn nào lần trước nó thị oai với ta, té ra là nó khi dễ ông gia nó mà, không coi nhà vợ nó ra gì hết.

Tức thời kéo binh tướng A-tu-la đi đánh nhau với Ðế Thích. Ðế Thích tuy có thiên binh, thiên tướng, nhưng càng đánh càng thua, bèn chạy đến chỗ Phật Thích-ca cầu xin giúp đỡ. Ðức Phật nói:

- A, bây giờ ông bị khổ nạn à! Không hề gì, để ta giúp cho.

Phật mới dạy trời Ðế Thích niệm câu "Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa," và lại bảo:

- Ông niệm câu chú này rồi, cũng nên đem dạy cho binh tướng ông đều niệm câu ấy, thì tất cả khổ nạn đều được giải trừ.

Ðế Thích trở về bèn đem câu chú ấy dạy cho các binh tướng của mình. Trước khi cùng A-tu-la đánh nhau mỗi người đều niệm "Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa." Một khi niệm câu chú trên thì không biết tại sao mà tất cả binh tướng của Tu-la đều bị đánh bại. Nhờ đó, Ðế Thích mới khôi phục lại được oai thế của mình.

Tóm lại, A-tu-la chính là chúng sanh hay sân hận và ưa đấu tranh. Thời kỳ này chính là thời đại của Tu-la, vì thế mới xảy ra thế giới đại chiến. Hiện tại chính là thời đại mà A-tu-la có quyền lực rất lớn. Người nào thường hay nổi nóng, giận hờn thì tương lai có thể sanh làm A-tu-la, cũng có thể hiện tại là A-tu-la rồi. Nếu có thể sửa đổi tánh hờn giận, tu hạnh nhẫn nhục thì có thể thoát được chuyển sanh vào loài A-tu-la.

"Ca-lầu-la" (Garudas) tức là chim đại bàng cánh vàng, chuyên ăn thịt rồng. Thứ chim này rất to lớn, cánh nó vươn ra có thể lớn đến ba trăm do-tuần. Do-tuần là đơn vị đo lộ trình của Ấn Ðộ, có ba thứ đại, trung và tiểu do-tuần. Tiểu do-tuần là bốn mươi dặm, trung do-tuần là sáu mươi dặm, đại do-tuần là tám mươi dặm. Ba trăm do-tuần ở đây là ba trăm đại do-tuần, tính ra là 24.000 (hai mươi bốn ngàn dặm.) Cánh nó trương ra quạt lên thì nước biển rẽ làm hai, làm lộ ra con rồng nào nó bèn bắt con rồng đó ăn thịt. Cứ thế ăn mãi, con cháu loài rồng bị bắt ăn gần hết. Long vương không còn cách nào hơn, đành cầu cứu với Phật. Phật đem ca-sa của mình đắp cho Long vương và bảo: "Làm như vầy, như vầy...." Long vương sau khi trở về Long cung, xé y ra làm nhiều mảnh, buộc cho mỗi con rồng một miếng. Làm như thế, chim đại bàng cánh vàng không thể ăn thịt rồng được. Vì ca-sa của Phật diệu dụng vô cùng, có thể giúp rồng thoát khỏi hiểm nạn.

Bấy giờ đến phiên chim đại bàng cánh vàng đi tìm Ðức Phật nói: "Ngài cứu loài rồng dĩ nhiên là tốt rồi, nhưng lại làm cho họ chim của con chết đói mất! Chúng con chỉ có ăn thịt rồng, mà bây giờ không được ăn thịt rồng nữa thì phải làm sao đây?"

Bấy giờ Phật thuyết pháp và truyền Ngũ giới cho chim đại bàng.

Chim nói: "Con không sát sanh cũng được, nhưng không có gì ăn chắc chết đói mất!"

Phật nói: "Con sẽ không chết đói đâu. Từ nay trở đi mỗi ngày vào giờ Ngọ, lúc đệ tử ta ăn cơm, sẽ cho các con ăn."

Vì thế sau này hễ ăn trưa, các Phật tử xuất gia trước niệm chú cúng dường rồi mới đưa ra một ít cơm làm phép cho chim đại bàng ăn. Từ đó về sau, chim đại bàng thọ trì năm giới không còn sát sanh nữa, và lại còn làm một vị Hộ pháp của Phật-giáo, tức là một trong tám bộ chúng quỷ thần hay Thiên long bát bộ.

Trong Phật-giáo, giờ khắc dùng cơm khác nhau: Chư thiên ăn cơm sáng sớm, Phật ăn giữa ngọ, súc sanh ăn sau giờ ngọ, ngạ quỷ ăn vào chiều tối. Từ trước đến nay ngạ quỷ kiếm không ra thức gì để ăên. Khi nó nhìn thấy chúng ta ăn, nó cũng muốn ăn. Một khi thấy chúng ta ăn, khua chén đũa lách cách thì nó đổ xô tới. Nhưng đồ ăn đưa đến cửa miệng thì biến thành lửa nên nó ăn không được. Ðó là do nghiệp báo của chúng quá nặng. Nhưng quỷ lại cho rằng đó là do người ta dùng pháp thuật làm cho thức ăn đó biến thành lửa chẳng cho nó ăn, bèn sanh ra giận dữ đánh người, hoặc làm cho người sanh bịnh. Vì thế người xuất gia không nên ăn chiều nhằm giờ ăn của quỷ. Buổi sáng là giờ của chư thiên ăn, nếu người xuất gia sáng sớm có ăn chút cháo, hoặc bánh nướng thì để ra một ít thức ăn cho chư thiên hoặc cho quỷ Tử-mẫu.

Quỷ Tử-mẫu La-sát (rakshasa) này trước nay chuyên môn ăn thịt trẻ sơ sinh. Tại sao gọi là quỷ Tử-mẫu? Vì nó có một ngàn đứa con. Nó dẫn một ngàn đứa con đó đi các nơi ăn trộm con nít của người ta để ăn thịt. Nhà ai có con nít mới sanh liền bị bọn chúng bắt ăn thịt. Làm như thế nên có nhiều gia đình không có trẻ nít. Bấy giờ có người đến cầu Phật, hỏi tại sao phần lớn con nít đều bị mất tích cả. Vậy phải làm sao? Phật biết bọn trẻ ấy đều bị bọn quỷ Tử-mẫu bắt trộm ăn thịt. Một hôm Ðức Phật bắt con quỷ nhỏ nhất trong bọn một ngàn quỷ nhỏ ấy nhốt vào trong bát. Quỷ Tử-mẫu về nhà thấy mất đứa con út của mình bèn chạy khắp nơi tìm kiếm, cuối cùng tìm đến chỗ Phật. Nghe tiếng con mình khóc trong bát, quỷ Tử-mẫu vội chạy đến bên bát tìm cách dở nắp cứu con mình. Nhưng nắp bát nặng quá dở không nổi, nó bèn chạy về dẫn 999 con quỷ nhỏ còn lại, ráp nhau cùng dở nắp bát lên mà dở cũng không nổi, không nhúc nhích chút nào. Bấy giờ quỷ Tử Mẫu mới phân trần với Phật:

- Sao Ngài lại bắt con tôi, nhốt nó vào trong bát mà không chịu trả cho tôi?

Phật hỏi: Ngươi có bao nhiêu đứa con?

- Có một ngàn đứa.

- A! Ngươi có một ngàn đứa con, nay chỉ mất một đứa thôi mà tại sao lại liùnh quýnh như thế?

- Dù chỉ mất một đứa, nhưng đối với tôi thiếu một cũng không được.

- Vậy ngươi bắt con người ta ăn thịt, thì thế nào?

- Không phải tôi muốn ăn thịt con nít đâu! Nhưng không có gì ăn, nếu tôi không bắt trộm con nít để ăn thì cả một ngàn đứa con tôi đều chết đói hết.

- Từ nay về sau, ngươi đừng bắt trộm con nít người ta để ăn thịt nữa. Ngươi nên quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới, không nên sát sanh! Ngươi nghĩ xem, ngươi có đông con như thế, mà thiếu một đứa còn không chịu được. Ta chỉ bỏ nó trong bát thôi, mà ngươi còn khổ sở như thế! Thế mà bao nhiêu con nít trong thiên hạ ngươi đều bắt lấy ăn thịt thì cha mẹ chúng không khổ sở sao? Ngươi không nên ích kỷ như thế!

Bấy giờ quỷ Tử-mẫu mới nghe lời Phật, chịu quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới. Ðức Phật liền bảo các đệ tử khi ăn cơm thì để ra bảy hạt cơm hoặc một ít thức ăn gì đó cho quỷ Tử-mẫu ăn. Vì thế lúc để cơm ra mới đọc bài kệ:

Ðại bàng kim sí điểu,

Khoáng dã quỷ thần chúng,

La-sát quỷ tử mẫu,

Cam-lồ đều no đủ.

Cam-lồ, là ví thức ăn ngon ngọt như nước cam-lồ, dù chúng quỷ thần đông bao nhiêu cũng đều được no đủ.

 HT Tuyên Hóa



Có phản hồi đến “Bồ Tát Quán Thế Âm Và Phẩm Phổ Môn - Có Phải Đây Là Thời Đại Hưng Thịnh Của A Tu La?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com