"Khẩn-na-la" (Kinnaras), là một trong tám bộ quỷ thần, vị này cũng là nhạc thần của Ngọc Ðế. Trên đầu Khẩn-na-la có mọc một chiếc sừng, nên còn gọi là Nghi thần.
"Ma-hầu-la-gia"ụụ (Mahogaras) là con mãng xà lớn, còn gọi là Ðịa long, cũng là một loại rất hung ác. Ở Quảng Ðông Trung Quốc, người ta rất thích ăn thịt mãng xà. Mãng xà này mập giống như heo nuôi vậy, nhưng có lúc nó cũng ăn thịt người; vì người ăn nó nên nó cũng ăn người.
Vua Lương Võ Ðế có vợ là Hy thị. Nhà vua là một tín đồ Phật-giáo, kính thờ Tam Bảo, nhưng vợ ông ngược lại, không kính trọng Phật Pháp Tăng. Do bà ta không kính tin Tam Bảo, nên sau khi chết bị đọa làm con mãng xà lớn có thể nói được tiếng người. Bấy giờ bà ta trở về yêu cầu Lương Võ Ðế siêu độ cho. Bà nói:
- Ông có biết tôi là ai không? Tôi chính là Hy thị, vợ của ông đây. Vì không kính tin Tam Bảo, nên chết rồi phải bị đọa làm thân rắn.
Lương Võ Ðế nghe nói thế mới thỉnh Chí Công Thiền sư làm lễ siêu độ cho bà. Nguyên Chí Công Thiền sư là người thuở sinh tiền bà Hy thị phản đối nhất, sau khi bị đọa làm thân mãng xà bà lại đến trước ngài Chí Công đảnh lễ sám hối. Lúc đó ngài Chí Công có soạn bộ Lương Hoàng Sám. "Lương Hoàng" là Lương Võ Ðế, "Sám" là sám hối, có nghĩa là vì Lương Võ Ðế mà lạy sám này để siêu độ bà Hy thị, vợ của vua. Nhờ công đức lạy Lương Hoàng Sám này, vợ của Lương Võ Ðế được thoát khỏi thân rắn lớn, sanh lên cõi trời.
Khi Phật còn tại thế, Ma-hầu-la-già quy y Tam Bảo, nên cũng được coi là một Hộ pháp của Phật giáo.
"Nhân và phi nhân." Nhân là nhân loại chúng ta, phi nhân là chỉ cho tất cả súc sanh. Bồ Tát Quán Thế Âm nếu thấy có chúng sanh nào đáng dùng thân Thiên long bát bộ để độ thoát, liền hiện ra thân rồng, hoặc thân Dạ-xoa, La-sát... và tất cả những súc sanh phi nhân để thuyết pháp độ họ.
Ðáng dùng thân thần Chấp Kim Cang để được độ thoát, liền hiện thân thần Chấp Kim Cang nói pháp độ họ.
Thần Chấp Kim Cang này là vị thần hộ pháp của Phật-giáo. Lai lịch thần Kim Cang như thế này: Từ rất lâu xa về trước có một vị Chuyển Luân Thánh Vương. Ông ta có một ngàn người con. Tại sao một bà vợ lại có thể sanh đến một ngàn đứa con như thế? Vì bà ta sống rất lâu, sanh ra một ngàn đứa con là chuyện đâu có gì nhiều!
Nhưng ông ta lại cảm thấy chưa đủ, bèn cưới thêm một bà vợ, bà vợ thứ hai này lại sanh ra hai đứa con, tổng cộng ông ta có 1002 đứa con. Tất cả đều đồng lòng phát nguyện. Một ngàn đứa con của người vợ trước phát nguyện:
- Anh em chúng tôi tu hành, trong tương lai nếu được thành tựu, nguyện sẽ tuần tự thành Phật chớ không làm Chuyển Luân Thánh Vương. Chúng tôi cùng nhau đồng lòng rút thăm.
Ðức Phật Thích-ca là người rút số 4 nên là vị Phật thứ tư, tương lai các vị Phật thứ năm, thứ sáu cho đến thứ một ngàn sẽ lần lượt ra đời trong Hiền kiếp này. Một ngàn anh em đều phát nguyện thành Phật, còn con của bà vợ kế cũng phát nguyện. Nguyện như thế nào? Một người phát nguyện:
- Một ngàn người anh của tôi bất luận khi ai thành Phật, tôi xin làm người đầu tiên thỉnh vị ấy thuyết pháp và cung kính cúng dường Tam Bảo.
Còn vị kia phát nguyện:
- Tôi phát nguyện làm vị Hộ pháp, khi mỗi anh tôi thành Phật tôi sẽ bảo hộ vị ấy, Hộ pháp cho vị ấy.
Vì vậy vị ấy trở thành một vị Kim Cang Hộ pháp, trong tay thường cầm chày báu để bảo hộ Phật-giáo. Mỗi khi có Ðức Phật ra đời, vị ấy liền đến ủng hộ Phật-pháp. Còn vị kia là Ðại Phạm thiên Vương, mỗi khi có Phật ra đời, vị ấy đều là người thứ nhất thỉnh Phật thuyết pháp.
Này Vô Tận Ý! Vị Bồ Tát Quán Thế Âm này thành tựu những công đức như thế, dùng các thân hình, dạo khắp các cõi nước để độ thoát chúng sanh. Vì thế các ông phải nên nhất tâm cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm này hay ban bố sự vô úy trong mọi trường hợp hãi sợ, nạn gấp. Cho nên ở thế giới Ta-bà này đều gọi Ngài là vị Thí Vô Úy.
Sau khi Ðức Phật giảng nói các thứ hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài lại bảo: "Này Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm đã thành tựu những công đức như vừa kể trên. Ngài dùng các thứ thân hình đến mỗi quốc gia để độ thoát tất cả chúng sanh. Do những nhân duyên như thế, chúng sanh các ông phải nên nhất tâm cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm," chẳng nên có nhị tâm. Nếu có hai lòng là có tâm hoài nghi rồi. "Nhất tâm" là chỉ có một lòng tin thôi. Nếu quý vị có hai tâm thì không có cảm ứng, không có công đức. Vì thế mới nói: "Phải nên nhất tâm cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm." Quán Thế Âm Bồ Tát Ma-ha-tát là vị đại Bồ-tát sẽ ban bố niềm vô úy nếu quý vị ở trong hoàn cảnh hãi sợ nạn gấp, khiến cho quý vị không còn sợ hãi nữa. Vì lẽ đó mà ở thế giới Ta Bà đều gọi Ngài là "Bồ Tát Thí Vô Úy."
Vô Tận Ý Bồ Tát bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, con nay nên cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm." Nói rồi liền cởi xâu chuỗi anh lạc châu báu trên cổ, giá trị trăm ngàn lượng vàng để cúng dường và nói: "Thưa nhân giả, xin nhận pháp thí trân bảo anh lạc này."
Nghe qua lời Phật dạy: "Tất cả chúng sanh đều phải nên nhất tâm thành ý trì niệm, nhất tâm cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm," nên Bồ Tát Vô Tận Ý cũng muốn cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, mới bạch với Phật: "Bạch Thế Tôn! Bây giờ con muốn cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Quán Thế Âm có công đức lớn như thế, sức oai thần không thể nghĩ bàn, vì thế con dù đã thành Bồ-tát, con cũng muốn đến Bồ Tát Quán Thế Âm gieo trồng phước báo, con phải nên cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm."
Nói lời ấy rồi, Bồ Tát Vô Tận Ý tháo xâu chuỗi anh lạc quý báu đang đeo trên cổ xuống, cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm không chút nghĩ ngợi. Anh lạc là thứ trân quý rất có giá trị. Thứ trân bảo này bên trong rỗng ruột có thể nhét vật vào được, người xưa thường dùng làm đồ trang sức, xỏ thành một xâu. Xâu chuỗi ngọc này giá trị liên thành. Giá trị bao nhiêu tiền? Giá trị trăm ngàn lượng vàng, bây giờ cởi ra cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát Vô Tận Ý lại nói:
- Thưa nhân giả, xin Ngài hãy tiếp nhận xâu chuỗi anh lạc pháp thí quý báu này.
"Nhân giả" tức chỉ người nhân từ có đức độ, Bồ-tát với Bồ-tát xưng hô với nhau là Nhân giả.
Chuỗi anh lạc quý báu nguyên thuộc về tài thí, tại sao trong kinh Bồ Tát Vô Tận Ý lại gọi là pháp thí? Bố thí có ba loại: Tài thí, pháp thí và vô úy thí. Ðương khi Bồ Tát Vô Tận Ý cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, trong tâm không cho chuỗi anh lạc này là một thứ rất có giá trị, mà chính là muốn đem đồ vật mình ưa thích thành tâm thành ý cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm. Nhưng tại sao văn kinh lại nói "giá trị trăm ngàn lượng vàng?" Câu này là Tôn giả A-nan khi kiết tập kinh tạng thêm vào. Lúc đó Bồ Tát Vô Tận Ý không hề nói về trị giá nhiều hay ít. Bồ-tát chỉ dùng tâm chân thật của mình để cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm thôi. Hai bên đều không có quan niệm "của cải," nên nó thuộc về pháp thí. Dù là tài thí nhưng cũng biến thành pháp thí. Ðây là "dùng tâm ấn tâm" chớ không phải để ý đến đồ vật đánh giá bằng tiền. Vì thế Ngài yêu cầu Bồ Tát Quán Thế Âm tiếp nhận thứ pháp cúng dường này là xâu chuỗi báu anh lạc.
Lúc ấy Bồ Tát Quán Thế Âm không chịu nhận lấy. Bồ Tát Vô Tận Ý lại bạch với Bồ Tát Quán Thế Âm: "Nhân giả, xin Ngài thương xót chúng tôi mà nhận lấy chuỗi anh lạc này."
Bồ Tát Vô Tận Ý đem chuỗi anh lạc quý báu cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, song Bồ Tát Quán Thế Âm không chịu nhận. Tại sao Bồ Tát Quán Thế Âm không chịu tiếp nhận? Vì Bồ Tát Quán Thế Âm ở dưới tòa của Phật Thích Ca, đến nghe pháp ở hội Pháp Hoa này. Bồ Tát Quán Thế Âm chưa được sự hứa khả của Phật, nên không chịu tiếp nhận sự cúng dường. Hơn nữa, Bồ-tát không có tâm tham, không giống như phàm phu lại nghĩ:
-"À, xâu chuỗi anh lạc quý giá nổi tiếng này, có người tặng ta, không nhanh tay e chậm mất! Nếu người ta đổi ý, không cúng dường nữa thì biết làm sao?" Vì các ngài không có tâm lý đó nên không sợ người ta không cúng dường. Trong tâm các ngài thật ra không có người thí, vật được thí; cũng không có người nhận, cái được nhận. Do đó, cóù cúng dường hay không cúng dường đối với các ngài đều như nhau. Mặc nhiên Bồ Tát Vô Tận Ý cũng đã có công đức rồi. Nhưng bản thân Bồ Tát Quán Thế Âm không chịu tiếp nhận phần cúng dường đó, lúc ấy Bồ Tát Vô Tận Ý cũng hơi lo! Ngài không phải như một số người không thật sự muốn cúng dường: "Ngài không muốn nhận thì thôi, tôi cũng không cúng dường nữa. Ðể tôi mang về vậy."
Cho nên Bồ Tát Vô Tận Ý lại một lần nữa thỉnh cầu Bồ Tát Quán Thế Âm: "Thưa nhân giả! Xin thương xót giùm chúng tôi mà nhận lấy chuỗi anh lạc này." Câu này có nghĩa là: "Thưa nhân giả! Bồ-tát đại từ bi! Ngài nên thương xót giùm tôi! Thương xót Vô Tận Ý tôi và hàng tứ chúng này. Tôi cúng dường Ngài xâu chuỗi anh lạc quý báu này không phải là vì cầu phước cho chính mình, mà là vì bốn chúng đệ tử đây và hết thảy pháp giới chúng sanh. Tôi thay mặt cho chúng sanh để cúng dường Ngài, cho nên xin Ngài hãy thương xót chúng tôi mà nhận lấy xâu chuỗi anh lạc này." "Bốn chúng" tức là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. "Chúng tôi" là chỉ cho tất cả chúng sanh.
Lúc bấy giờ Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: "Ông nên thương xót Bồ Tát Vô Tận Ý này và bốn chúng trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, nhân và phi nhân... mà nhận lấy chuỗi anh lạc này."
Bồ Tát Vô Tận Ý nhất định muốn cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm mà Bồ Tát Quán Thế Âm lại quyết ý không chịu nhận, nói: "A! Lễ vật của Ngài quá quý báu tôi không dám nhận đâu. Tôi không có đạo đức gì để xứng đáng với lòng tin của Ngài. Xin Ngài cứ giữ lấy là hơn!" Bồ Tát Vô Tận Ý nghe Bồ Tát Quán Thế Âm nói thế càng thêm lo lắng, thậm chí cúi đầu đảnh lễ, năn nỉ Bồ Tát Quán Thế Âm. Cứ như thế, một người không nhận cúng dường, một người lại nhất định muốn cúng dường, hai bên đều kiên trì ý mình. Ðến lúc đó Ðức Phật Thích Ca bèn hòa giải. Phật mới nhìn Bồ Tát Quán Thế Âm, mỉm cười nói: "Này, ông nên thương xót Bồ Tát Vô Tận Ý và bốn chúng đệ tử, chẳng riêng gì bốn chúng đệ tử này, mà còn có trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, nhân và phi nhân... nữa. Ông nên thương xót tất cả chúng sanh ấy mà tiếp nhận sự cúng dường này đi! Ðó là thứ pháp bố thí phát xuất từ lòng thành khẩn rất chân thật, ông không nên cự tuyệt hảo ý này!"
Tức thời Bồ Tát Quán Thế Âm thương xót bốn chúng cùng hàng trời, rồng, nhân và phi nhân... nhận lấy chuỗi anh lạc ấy rồi chia làm hai phần: Một phần dâng lên Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, một phần dâng lên tháp Phật Ða Bảo.
Này Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm có sức thần tự tại dạo đi khắp cõi Ta Bà như thế!
Lúc bấy giờ Bồ Tát Vô Tận Ý dùng bài kệ hỏi Phật.
Ngay lúc đó, Bồ Tát Quán Thế Âm thấy Ðức Phật Thích-ca đứng ra hòa giải, Ngài liền nghe lời Phật, thương xót bốn chúng đệ tử và bát bộ trời, rồng..., tiếp nhận chuỗi báu anh lạc. Nhưng nói tiếp nhận là tiếp nhận vậy thôi, chứ sau đó Ngài lại chuyển qua cúng dường Phật, đem chuỗi anh lạc ấy chia làm hai phần. Hãy xem Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài đúng là vị Bồ-tát, những đồ vật giá trị lớn như thế mà Ngài cũng không muốn giữ, lại đem một phần cúng dường Phật Thích Ca Mâu Mi, một phần dâng lên Phật Tháp Ða Bảo. Sự có mặt của Phật Tháp Ða Bảo này là do Phật Ða Bảo trong vô lượng vô lượng kiếp về quá khứ, Ngài đã thành Phật rồi, lại từng phát nguyện rằng: "Bất luận là người nào thành Phật, sau cùng nhất định phải giảng Kinh Pháp Hoa. Ðợi đến lúc giảng Kinh Pháp Hoa, tôi phát nguyện từ dưới đất vọt lên một tòa tháp Phật Ða Bảo hiện ra trong hư không để chứng minh cho chúng sanh thấy Kinh Pháp Hoa này là rất vi diệu, rất viên mãn và rất tốt đẹp." Cho nên khi Ðức Thích Ca thành Phật, trước hết diễn nói Tam-tạng giáo, Phương-đẳng, Ðại Bát-nhã, Phật Ða Bảo cũng chưa từng hiện thân. Ðến hội Pháp Hoa, đang lúc giảng Kinh này, thì Phật Ða Bảo liền từ dưới đất vọt lên tháp Phật Ða Bảo để chứng minh Ðức Thích Ca đang nói Kinh Pháp Hoa. Bấy giờ Bồ Tát Quán Thế Âm bèn đem một phần chuỗi báu anh lạc dâng cúng tháp Phật Ða Bảo.
Sau đó Ðức Phật Thích Ca lại bảo: "Này Vô Tận Ý! Vị Bồ Tát Quán Thế Âm này có thần thông diệu dụng, thần lực tự tại như ta đã nói ở trước, vậy tất cả chúng sanh đều nên cúng dường, cung kính và xưng niệm danh hiệu Ngài. Vị Bồ Tát Quán Thế Âm này dạo đi khắp thế giới Ta Bà để cứu độ tất cả chúng sanh." Sau khi Ðức Phật Thích Ca nói lời ấy rồi, Bồ Tát Vô Tận Ý lại dùng kệ để hỏi Phật.
HT Tuyên Hóa