VẤN: Thưa Sư, con và bạn trai con đang chuẩn bị kết hôn vào tháng sau thì cha bạn trai con vừa qua đời. Thật sự chúng con đã ăn hỏi và đã sống chung trước khi kết hôn. Hiện nay con đã mang thai được hai tháng. Vì nghĩ rằng chúng con đã là vợ chồng nên không có sự kiêng dè. Giờ tang sự đến trong khi lễ cưới chúng con sắp xảy ra. Người nhà bảo nếu lo tang sự thì không thể kết hôn trong ba năm vì phải lo tang cho cha mẹ, ít nhất phải một năm mới xin xả tang làm đám cưới . Có người bảo hoặc là lo cho đám cưới chúng con ngay trước khi an táng thì như vậy cưới trước tang sau, khỏi phải để tang không ảnh hưởng gì. Tuy vậy chúng con thật lòng giữa tang gia bối rối không thể nào có tâm trí lo chuyện cưới xin dù chỉ là vấn đề thủ tục hai họ gặp nhau. Con muốn hỏi có bắt buộc phải để tang cả năm mới cưới không? Nếu chúng con vừa để tang vừa cưới thì có sau không, hoặc sau 49 ngày cưới vậy có làm sao không? Con nghe nói làm vậy thì con sắp sinh ra sẽ không tốt mà người vừa mất cũng khó siêu như vậy có đúng không? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

Trong đời không vì bằng hiếu với mẹ cha, thảo với ông bà, trong các đại ân, thì ân cha mẹ là lớn và trên hết, không công nào khó bằng công nuôi con khôn lớn, không sức nào tải như sức che chở của cha lo cho đời sống của con, nhờ đó mà trí tuệ hơn người. Cho nên khi cha mẹ sanh tiền có mắc bệnh thì con lo bảo dưỡng, cha mẹ qua đời thì con lo lắng tang chay thật chu đáo, ông bà cha mẹ là phương tiện làm việc ơn đền nghĩa trả của thế nhân. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm, Phật dạy:

“Này các tỳ kheo! Có hai người mà các thầy không thể nào đền ơn cho hết được, đó là cha và mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các thầy phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:

Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng tam bảo. Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyết khích cha mẹ phát tâm bố thí.

Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyết khích cha mẹ hướng về đường thiện.
Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyết khích cha mẹ trở về với chánh kiến.

Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai”.

Thử hòa điệu sống bằng chất liệu từ con người, một con người thật, sống hòa trên thuận dưới, trước lo cho ông bà, cha mẹ rồi sau mới lo cho bản thân. Dù cho có công việc trọng đại nhất trong đời ta đem đến lợi lộc cho gia đình, nhưng không bằng lo phụng dưỡng ông bà cha mẹ lúc sanh tiền và thờ phượng ông bà cha mẹ lúc lìa đời và không còn trong thế gian .

I .Thật vậy, làm con khi cha mẹ còn tại thế ta không chỉ lo dâng cơm dời nước, mà còn lo giác linh cha mẹ mở thông trí tuệ tìm cầu đạo lý giải thoát. Nếu chỉ lo cho mình thì con “bất hiếu”, mà bất hiếu thì không làm gì “nên thân” nên vóc nên hình. Cho nên khi cha mẹ tại tiền đều phải lo việc sanh; cha mẹ qua đời thì lo việc tử cho chu đáo mới hả dạ lòng con.

Sự sanh họat của con người trên hành tinh lúc nào cũng thay đổi theo từng thời điểm, thời của cuộc sống theo phong kiến, thời điểm của nền nếp gia đình, thời điểm giao thoa giữa cũ và mới, thời kỳ đổi mới, dù giàu hay nghèo, quý phái hay khổ cực làm con phải phung dưỡng mẹ cha lúc sanh tiền, thờ phượng mẹ cha lúc qua đời, đừng nên nghĩ đến đời sống cá nhân riêng tư của mình, chỉ có mình là trên hết. Nghĩ như thế thật lạc lõng vô cùng.

Con người đến đây lúc ra khỏi lòng mẹ không hẹn ngày giờ với ai, cũng không báo tin trước cho cha mẹ rằng: “..cha mẹ ơi con sắp ra đời, hoặc 7 giờ nầy con ra đời, hoặc giờ nầy thuận lợi nên con ra đời. Lúc chết, do tấm thân tứ đại oằn oại mỏi mòn, khi có một cơ duyên họai hẳn nên không còn sống trong thế gian. Sự ra đi cũng không hẹn được ngày giờ cho thật tốt để ngươi thân khỏi phải lo âu ngày giờ tốt xấu, trùng tang liên táng hay không! Việc Bạn lập gia đình cũng như thế đấy, chẳng ai mà hẹn trước ngày giờ sanh con đẻ cái trong thế giới quan tự do tự tại của Bạn, nên chúng ta cũng không phải ái ngại trước những sự kiện, sự cố trong đời sống chúng ta.

Tâm niệm Bạn không quan trọng việc sanh việc tử thì những việc khác sắp sanh ra không phải bị vướng mắc bận rộn vì sự sanh sự tử của con người.

Khi sanh ra không hẹn ngày tới trước

Khi sống còn chẳng nói đến tử đi

Lúc bệnh đau không hẹn giờ quy định

Vô thường ơi biết giờ nào gọi tên ai.

Việc các Bạn tạo nên con cái là việc của các Bạn, chẳng có sự việc nào ở thế gian ảnh hưởng gì đến gia đình Bạn. Việc cha hay mẹ qua đời cũng không cản trở việc khôn lớn của thai nhi trong lòng mẹ, vì tâm niệm của ông bà cha mẹ rất tốt bao giờ cũng muốn cho con cháu bình an, không có sự khó khăn nào áp đặt lên con cháu mình, nhất là khi các Bạn sắp kết thành gia thất. Do đó, khi cha hay mẹ qua đời việc làm lễ tang là bổn phận, làm con phải làm tròn trách nhiệm với lễ tang, tang chế thì cứ thọ tang theo thứ lớp, trừ phụ nữ đang mang thai thì giảm chế, bà mẹ không phải gần gũi lễ tang, không mang tang vẫn không có lỗi.

Cũng xin xác định, sự việc nầy không sách vở văn bản giấy tờ nào quy định chế tác các điều cấm kỵ hay quy lỗi cho ai, mọi việc sẽ do Ban tang lễ, quý Sư trong nhà chùa, trách nhiệm chủ tang hoan hỷ hay không đối với bà mẹ đang mang thai.

II .Việc thọ tang khi người thân (cha mẹ) qua đời,

Nói đến việc tang làm con, khi cha hay mẹ qua đời thì để tang, để tang cũng gọi là thọ tang, thọ tang là báo hiếu, thọ tang có nhiều cách thức theo người xưa quy định trong sách Phong Tục Việt Nam, phong tục thọ tang người qua đời, có “năm hạng tang phục”. Theo sách "Thọ mai gia lễ", có năm hạng mục tang phục tùy theo quan hệ huyết thống và nghĩa tình phân biệt thân sơ mà người dưới thọ tang:

Một là Đại tang trảm thôi và tề thôi, con để tang cha mẹ, vợ để tang chồng, con trai, con gái, con dâu đều để tang cha mẹ. (Kể cả đích mẫu, kế mẫu, dưỡng mẫu, từ mẫu và dưỡng phụ). thời gian 3 năm, hiện nay còn hai năm 3 tháng (có thể là 24 tháng, lời tác giả)

Hai là Cơ niên để tang một năm. Cháu con để tang ông bà nội, chồng để tang vợ, cháu để tang bác, chú, cô, anh chị em ruột để tang cho nhau, con rễ để tang cha mẹ vợ...Từ niên cơ trở xuống dùng khăn tròn, vải trắng, không gậy.,

Ba là Đại công để tang 9 tháng., anh chị em chú bác ruột, cháu dâu để tang ông bà của chồng, con gái xuất giá, để tang chú, bác, cô dì ruột thịt.

Bốn là Tiểu công để tang 5 tháng., chắt để tang ông, cháu để tang anh chị em ruột của ông nội, cháu dâu để tang cho cô ruột của chồng, chị dâu em dâu để tang cho chị em ruột của chồng..

Năm là Ty ma phục tang 3 tháng. Chít để tang ông Kỵ (nội), chắt để tang nhà bác, nhà chú, cháu để tang bà cô, cháu để tang bá thúc phụ mẫu, anh chi em họ nội 5 đời để tang cho nhau

Ngoài ra còn có các lễ tang mà con cháu còn phải thọ là tang bên cha mẹ nuôi, tang bên họ nhà mình, có nghĩa là để tang bên cha mẹ nuôi , nhưng vẫn phải để tang bên họ nhà mình.

Trong năm quy cách con cháu để tang người thân qua đời, thật là sách Gia công Thọ Mai hướng dẫn quá kỹ, kỹ đền độ, người sau phải giảm bớt sự rườm ra, mà giảm bớt thì thành ra phai nhòa trong ký ức của bà con dòng họ “cửu huyền thất tổ”.

Đứng về gốc độ đạo đức, nhiều khi Sư cũng cảm thấy xót lòng cho người quá cố, cô độc nhưng nói sao được khi người sau không phát tâm thọ tang, khi người sau không nhìn ra người quá cố là người thân, hoặc sợ thọ tang cha mẹ không cho, hoặc thọ tang sợ người đời bảo là con cháu trù rủa cha mẹ “chết sớm” để hưởng tài sản.

Đang mang thai có dự lễ tang và thọ tang không?

Bạn và Bạn trai tuy mới làm “lễ hỏi”, nhưng đã có con (thai 2 tháng) theo đạo đức nhân bản thì Bạn vẫn là con dâu trong gia đình, cha mẹ hai bên, họ hàng ưng thuận chấp nhận. Tuy chưa chính thức nhưng vẫn là “dâu”, theo 5 hạng mục thọ tang trong Thọ Mai Gia Lễ thì Bạn đứng vào hạng mục thứ nhất “Đại tang trảm thôi và tê thôi”, mục 6 thì Bạn vẫn để tang cha chồng của Bạn trong thời gian 3 năm như chồng và gia quyền nhà chồng. Phong tục nầy hiện nay thì chỉ còn 24 tháng, hoặc 27 tháng.

Trường hợp Bạn “mang thai”, như đã nói trên, Ban tổ chức tang lễ, quý Sư thuộc Ban Kinh Sư sẽ cho phép Bạn tránh lễ tang, tức là tránh “hơi hám” của xác chết trong lễ tang, nếu không dự lễ tang thì cũng không thọ tang đối với người phụ nữ đang mang thai.

Ngày 20 tháng 4 năm Đinh Dậu, Sư đi dự lễ tang tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Gia đình Phật tử quy y tại Quan Âm tu viện, khi Bà mẹ vợ qua đời, đứa con rể có đến thăm nom, phụ lực mọi việc nặng nhọc cho mẹ vợ, gia đình bên vợ, lo lễ tang mẹ vợ, nhưng không để tang mẹ vợ, anh chi em họ hàng bên nhà vợ vẫn hoan hỷ. Điều nầy căn cứ hạng mục2, mục 12 con rể phải để tang cha hay mẹ vợ, nhưng chỉ để tang có một năm, chú rể nhận thấy điều nầy không quan trọng với mình, có lẽ do không quan trọng (thời gian thọ tang có khác) nên chú rể không thọ tang mẹ vợ, gia đình vợ vẫn hoan hỷ không rấy rà chi cả.

Tang là khó, khó vẫn tang

Không nên xem nhẹ thân bằng đôi bên

Bên nào thì cũng mẹ cha

Làm con trung hiếu mới là đạo con.

III .Ảnh hưởng việc tang chế đến lễ cưới

Cưới chạy tang

Cưới chạy tang là từ ngữ trong dân gian Việt Nam, xuất xứ từ sự đột xuất của lễ tang trong thời gian hai bên đàng trai đàng gái sắp làm lễ cưới. Cưới chạy tang là lễ cưới trước lễ tang, do đang chuẩn bị cho lễ cưới thì ông hay bà qua đời. Gia đình vẫn tổ chức đám cưới, hoàn thành việc, rồi đến làm lễ tang, lễ tang và lễ cười gần như diễn ra một lúc nhưng đám cưới trước lễ tang sau, gọi là cưới chạy tang. Tuy Bạn có thắc mắc, là do hoàn cảnh gia đình Bạn, chứ thật ra chuyện ít lắm, chỉ có 0,01% xảy ra ngoài ý muốn mà thôi.

Thứ hai, sở dĩ có chuyện cưới chạy tang là do có phong tuc tập quán để tang 3 năm khi người mất là ông, bà, cha, mẹ hoặc một khoảng thời gian nhất định đối với những người thân trong gia đình. Trong suốt thời gian này, gia đình không được tổ chức lễ cưới, ít hội họp, tiệc tùng để tỏ lòng thương tiếc đối với người đã khuất. Vì vậy, để tránh lỡ làng hôn sự đã được chuẩn bị, đám cưới được tiến hành. Lúc này gia đình hai bên sẽ phải cử hành hôn lễ cho chú rể cô dâu trước lễ tang để tránh hiện tượng “ưu hỷ trùng phùng” và lễ cưới từ khi chuẩn bị, phải kéo dài đến 3 năm mới tiến hành

Xả tang rồi làm lễ cưới

Trường hợp của Bạn, như Sư đã nói, thời gian các Bạn chuẩn bị cho lễ cưới vì Bạn có con (thai nhi 2 tháng) nhưng do có người thân của Bạn trai qua đời, gia đình bạn trai tiến hành lễ tang không chậm trễ, phải làm cho xong việc là điều hiển nhiên. Đồng thời lúc nầy Bạn nên tránh lễ tang không thọ tang vì Bạn chưa phải là người của gia đình có ông, bà qua đời, Bạn không có danh sách trong lễ thọ tang, xem như không thọ tang chung với Bạn trai vẫn không có lỗi (theo sách Thọ Mai Gia Lễ của Hồ Sỹ Tấn hiệu Thọ Mai (1690-1790), sách nầy không có quy định Bạn phải thọ tang. Sau lễ tang theo thời điểm do Bạn có thai, hoặc các Bạn đi định cư nước ngoài, hoặc có nhiều nguyên nhân phải xả tang sớm, các Bạn thông báo xin Ban Kinh Sư và xin gia đình đôi bên, thì Ban Kinh Sư sẽ làm lễ xả tang cho Bạn trai vào các ngày khai mộ, cúng thất thứ nhất, thất 21 ngày hoặc chung thất...sau đó cử hành lễ cưới. Nên nhớ đây chỉ là phương tiện tạm thời chứ không có quy định nào bắt buộc “không cưới” hay bắt buộc phải “cưới” như vậy.

3 năm sau làm lễ cưới

Trường hợp, các Ban quen nhau đã lâu, “chưa mang thai nhi” và có xin cha mẹ đôi bên làm lễ cưới, cha mẹ ưng thuận, nhưng đột ngột do nhà của Ban trai hay Bạn gái có người thân lớn qua đời, vì sự đau buồn vì sự hiếu đạo, vì trong nhà có tang chế, hoặc đối với những bậc cha mẹ khó tính và những gia đình còn muốn giữ cho đúng phong tục tập quán ông bà xưa...có thể khuyến khích các Bạn chờ đợi 3 năm (24 tháng). Sau khi bạn của Bạn mãn tang hoặc sau lễ tang đến tuần chung thất (49 ngày) xin xả tang để cử hành lễ cưới cũng không muộn, ngày nay trường hợp nầy có xảy ra nhưng hiếm hoi

Dự tổ chức tang lễ, không thọ tang

Việc lập gia đình là việc trọng đại, nhưng đối với người thân qua đời còn trọng dại hơn vì người đó là ông, bà, hay cha, mẹ không tổ chức tang lễ, thọ tang mà cứ lo việc cưới xin là có lỗi với ông bà. Trong thế giới tiến bộ dù Bạn ở bất cứ nơi đâu, làm Vua, làm Chủ tịch nước, làm Tổng thống, ở nước ngoài khi nghe ông, bà hay cha, mẹ qua đời thì Bạn và tất cả mọi thành viên, ruột thịt, gần gũi đều nghĩ tưởng đến việc tức tốc lo làm lễ tang và thọ tang, đó là một bổn phận tối hậu của người con hiếu đạo. Người thân qua đời dù nghèo hay giàu, dù tổ chức lớn hay nhỏ không thể không tổ chức lễ tang, trừ trường hợp đôi bạn mới quen nhau, người bạn đời của Bạn có dự lễ tang nhưng chưa đúng lúc phải thọ tang (theo sách Thọ Mai Gia Lễ - năm hạng tang phục của Hồ Sỹ Tấn hiệu Thọ Mai (1690-1790)

Tang chế là việc hiếu trung

Làm con giữ hiếu sống đời mẹ cha

Mả mồ thờ phụng ông bà

Phải thật chu đáo mới ra con người

Phần kết

Như đã nói ở phần trên, đang khi có thọ tang nam nữ muốn lập gia đình, có thể xả tang bất cứ lúc nào và do Ban Kinh Sư hay ông bà cha mẹ quy định những ngày phù hợp nhứt cho các Bạn. Việc cưới xin là việc của người sanh tiền (người sống), người qua đời (chết) không dự vào việc “cưới hỏi” của người sống, nên thời gian nào cưới cũng được tùy theo hoàn cảnh phong hóa của gia đình. Gia đình theo nếp sống mới thí xin xả tang sớm để làm đám cưới, hoặc làm các công việc quan trọng khác như đi định cư nước ngoài, xây nhà, di dời chỗ ở.

Theo môi trường cá biệt của gia đình và thời phong kiến thì để tang một năm, hoặc ba năm (3 năm tức là 24 tháng xả tang) mới tổ chức đám cưới. Thời nay sống thực dụng theo thời cuộc, tinh thần con người đổi mới một cách đột ngột, trường hợp Bạn đã “mang thai nhi xin cưới gấp” thì sau lễ tang, các lễ khai mộ, lễ cúng thất 7 ngày, lễ cúng thất 21 ngày, lễ chung thất, hay lễ cúng 100 ngày thì bên nam (bạn trai) xin xả tang để tiến hành lễ cưới. Không nên cử hành lễ cưới hoặc tiến hành một số lễ mua vui khác, khi các Bạn đang thọ tang người thân thuộc lớn trong nhà. Trong khi còn thọ tang các Bạn gấp gáp cử hành các lễ mua vui, lễ cưới, sẽ gặp ý kiến phản hồi của bà con dòng họ, nhất là bên nhà họ nội, bác, chú, cô sẽ không đến dự và cũng không đồng thuận, huống chi là các việc quan trọng khác ảnh hưởng đến môi trường đời sống gia đình.

Cưới xin việc lớn của ta

Nhưng việc tang lớn gấp ba bốn lần

Đừng để thân thuộc thế nhân

Ấn tượng các Bạn trăm phần khó khăn.

HT Thích Giác Quang



Có 3 phản hồi đến “Nên Làm Như Thế Nào Để Tổ Chức Hôn Lễ Khi Mang Thai Nhưng Gia Đình Có Tang Sự?”

  1. xin chao ban bien tap phat giao , cho em xin hoi mot van de , em co mot em trai co nguoi yeu ,ko may me of nguoi yeu qua doi ,nen em gai ay tho tang ,dc 2 nam ,thang 11al nay nua la xa tang . Nhung trong thoi gian nay em gai ay co thai voi em trai of em, thi gd cung buoc den nhin nhan nhung ko ruoc dau , ve nha ,thi 2 dua van o nha tro , van de em hoi o day la em be sinh ra roi nhung gd muon ruoc ve nha , vay xin hoi co dc ko hay doi xa tang xong moi ruoc ve ,

    • Để tang chỉ là nhớ tưởng đến công ơn sinh thành cha mẹ, gắng làm việc lành. Thời gian cũng chỉ là vấn đề hình thức tùy theo phong tục tập quán. Cha mẹ có đi xa cũng mong con cái sống tốt đẹp hạnh phúc bình an. Dù sao cũng đã có con thì là người trong gia đình. Bạn muốn xả tang để rước con cháu về cũng không vấn đề gì? Điều quan trọng không phải ở chiếc khăn tang mà bạn nên sống và làm thế nào cho đúng đạo làm con, làm người dù có mang khăn tang hay thọ tang hay không thì đó mới là điều quan trọng nhất.

  2. Phúc Thịnh đã nói

    thưa Sư mãng tang mà con không về được có xả tang được không ạ

    • Vậy bạn có hiểu ý nghĩa việc để tang không? Xả tang chỉ là vấn đề hình thức. Để tang là để giữ đạo hiếu với người thân, ông bà cha mẹ còn khăn tang chỉ là biểu hiện ở hình tướng. Nếu bạn không thể về để xả tang nhưng muốn xả tang cũng không sao hoặc sau này về thình xin xả tang cũng không vấn đề gì. Điều quan trọng là ở sự đối đãi, hành vi, lỗi sống có đủ hiếu đạo với nhau hay không mới là điều nên làm

  3. Thanh Hằng đã nói

    Con cảm ơn Sư đã trả lời câu hỏi của con.

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com