Tôi là một Phật tử. Từ nhỏ, chị em tôi đã được mẹ đưa về chùa làm lễ quy y. Nhưng tôi đã trót làm lu mờ, hoen ố, mất đi ý nghĩa cao đẹp của người con Phật. Bởi hơn nửa đời người, tôi không biết, không hiểu gì về Phật pháp. Tôi đã say sưa ngụp lặn trong bể khổ vô minh , tôi chỉ là một …. tục tử.

Quê hương tôi nằm trên miền biển xanh cát trắng Nha Trang. Trước giải phóng, ba tôi là nhân viên ty nông nghiệp, mẹ là y tá điều dưỡng bệnh viện tỉnh. Tôi là chị cả của 3 đứa em. Cuộc sống gia đình viên chức dù chẳng giàu sang nhưng không đến nỗi đói rách.

Chị em tôi thường được mẹ dẫn đi chùa lễ Phật. Mẹ khuyến khích mấy chị em học thuộc kinh Bát Nhã, chú Đại Bi, đứa nào thuộc sẽ có thưởng. Thằng em thứ ba của tôi là đứa thông minh, học giỏi nên chỉ trong ba ngày, nó đã thuộc và “ trả bài’’ vanh vách. Còn tôi thì ì ạch lắm mới thuộc được kinh Bát Nhã. Với chú Đại Bi thì ôi thôi, chữ nào vô được trong đầu thì ngày sau nó cũng tìm đường chui ra. Tôi chẳng có hứng thú gì với những dòng chữ Phạn khô khan, khó hiểu ấy cả. Xin cho tôi được xá tội trước rồi mới nói , mặc dù hiền lành nhưng tôi cũng rất tinh quái, tôi chỉ thuộc được vài từ, rồi ráp lại “ y mông bà già’’ . Thế thôi, rồi bỏ luôn không học nữa.

Ba tôi thường dạy cho chúng tôi hát những ca khúc Phật giáo. Bài hát “ Mẹ Từ Bi’’ thời đó : “ Cầu xin từ bi đức cao của Ngài. Tình thương Ngài gieo đến cho muôn loài…’’ mấy cha con hát thật say sưa. Có lẽ đây là quãng thời gian êm đềm, hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi.

Sau giải phóng, ba thất nghiệp, ở nhà làm rẫy, dệt chiếu. Tôi chỉ là một cô bé học sinh lớp 6, em gái kế tôi lớp 4. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên một buổi đi học, một buổi hai đứa phụ ba dệt chiếu. Tối ngồi vào bàn, vừa học bài vừa đánh vật với cơn buồn ngủ và sự mệt mỏi. Nồi cơm bữa nào cũng một hạt gạo cõng mấy lát khoai. Ăn nóng quá, chị em tôi bị ghẻ lác đầy thân. Rồi ba bị động viên đi kinh tế mới. Vì mẹ còn công tác ở thành phố nên xin được ở lại, trong đó có chị em tôi. Một mình ba khăn gói lên đường. Thấm thía lẽ vô thường, sự thăng trầm của cuộc đời, cùng với những hiểu biết giáo pháp của Đức Phật, ba phát tâm ăn chay trường, sống thiểu dục tri túc, thực hành hạnh từ bi nhẫn nhục… cho đến tận bây giờ.

Ở nhà, giữa cái thời bao cấp đầy khốn khó, tiền lương không đủ sống, hoa màu ba thu được không bao nhiêu nên một mình mẹ xoay xở đủ cách để nuôi bốn đứa con. Mỗi chiều sau giờ tan ca, trên chiếc xe đạp mini cà tàng, nhỏ xíu, mẹ tôi đạp xe lên nhà ngoại cách 11-12 km để sàng sẩy tấm, cám mà cậu mợ làm nghề xay xát gạo để lại, ra nhà ga mua gạo của con buôn rồi chở đi bỏ cho bạn hàng. Tôi cũng tìm cách đi bỏ kẹo, thắt lá buôn phụ giúp gia đình. Nhưng đi được vài hôm thì bị bệnh một trận nên thôi . Nhiều đêm, mẹ về khi chúng tôi đã ngon giấc, bụng chưa có hạt cơm, thân thể thì đeo mang bao nhiêu là bệnh: hen suyễn, đau khớp, tim mạch… Mẹ bươn chãi, nhọc nhằn và cô đơn như “ cái cò đi ăn đêm’’. Thật may cho chúng tôi, mẹ chưa lần nào “ đậu phải cành mềm’’ . Hồi tưởng lại , tim tôi như rỉ máu . Mẹ ơi ….

Chúng tôi cũng dần dần lớn lên dưới đôi tay yếu ớt nhưng tràn đầy tình yêu thương, nghị lực của mẹ .

Ngờ đâu, chính những vất vả nhọc nhằn của cuộc sống, song hành cùng với “ chủ nghĩa duy vật biện chứng’’ mà tôi được tiếp thu trong suốt quãng đời đi học đã làm chai sạn, héo hắt, khô cằn cái mầm Phật pháp đã được ươm trồng từ bé ở tôi.

Học xong 12, tôi thi vào sư phạm. Ra trường, đi dạy xa nhà rồi lập gia đình. Chồng tôi cũng là giáo viên. Hai đứa con lần lượt ra đời. Vâng lời mẹ, tôi có thỉnh tượng Đức Quan Âm về thờ và thắp hương hằng đêm. Nhưng thực ra, trong tôi chỉ có một niềm tin mù mờ, xa vời. Làm giấy tờ hoặc kê khai lý lịch viên chức ở mục tôn giáo, tôi luôn luôn ghi chữ “ không ’’. Tôi luôn cảm thấy bất an, lo sợ rằng người ta biết tôi theo đạo Phật, đạo của sự “ tiêu cực và mê tín dị đoan ”. Đồng lương khiêm tốn của gia đình giáo chức không đủ trang trải cho cuộc sống , vợ chồng tôi cũng phải bôn ba mọi cách , làm đủ mọi nghề tay trái để kiếm tiền. Những vất vả thiếu thốn không thể nói hết, và chính những việc hơn thua, giành giựt với đời như vậy làm cho tôi càng ngày càng xa rời mái nhà tâm linh Phật giáo .

Đến nay, đã hơn nửa đời người trôi qua . Ngoảnh nhìn lại cuộc đời : một chuỗi dài những nhọc nhằn, khắc khoải, toan tính, lo âu. Lắm lúc tôi tự hỏi : Con người sinh ra để làm gì ? Tôi sinh ra để làm gì ? Phải chăng là để cùng nhau trải nghiệm, thi thố, biểu diễn năng lực đấu tranh sinh tồn ? Để rồi mai này, khi sức tàn lực kiệt , con người lại trở về hư vô hay sẽ trôi lăn về đâu ? Cuộc đời sao thật là vô nghĩa.

Trong vòng xoáy hơn thua của cuộc đời, đôi khi tôi cảm thấy nghẹt thở, mỏi mệt và kiệt sức

Nhiều lần, nhìn tôi vô minh khổ đau tranh chấp với đời , ba tôi đem giáo pháp của Đức Phật ra giáo hóa, mong tôi sớm cảnh tỉnh để tu hành và cân bằng thân tâm của mình. Nhưng vì lưới vô minh và lòng tham lam đố kỵ bao phủ nên những gì ba nói đều làm tôi khó chịu. Khi ba tôi giảng : “ Mọi khổ đau hay hạnh phúc trên thế gian này đều là giả ’’ , tôi phản ứng liền: “ Rõ ràng, con của ba đang khổ, khổ về thân lẫn khổ về tâm. Nếu sống như ba thì làm sao gia đình, con cái con tồn tại được giữa thế gian này ? ’’ Tôi cho ba sống không thực tế, những điều ba nói là viễn vông, không thực trong xã hội đầy bon chen hiện nay.

Nghe tôi nói , ba buồn vì biết tôi còn quá vô mình và ngộ nhận . Ba dỗ dành : “ Nếu con quá bận rộn thì hãy chọn một pháp môn phù hợp với hoàn cảnh bận rộn, đó là pháp môn Tịnh Độ. Đây là con đường hay nhất để giúp con giải thoát .” Sau đó, ba đưa cho tôi quyển kinh Vô Lượng Thọ và quyển sách Tây Phương Du Ký . Tôi về xem qua rồi…cất luôn vào tủ, chẳng mảy may ngoái nhìn. Tôi thấy những điều này sao quá hoang đường, vu vơ, không thật và giống như truyện cổ tích. Và tôi vẫn tiếp tục lao theo dòng xoáy vô minh tham đắm với đời .

Thỉnh thoảng, tôi cũng có đi chùa cầu nguyện gia đình bình an, con cái học giỏi, phát lộc phát tài. Dù chưa thật sự có niềm tin vào Phật pháp nhưng vì lòng tham, lo sợ mất phước nên tôi cứ làm cho chắc, biết đâu được Phật linh thiêng độ trì cho gia đình. Ở nhà, tôi cũng nuôi gà nên việc sát sanh làm gà khi nhà có giỗ, tiệc tùng, sinh nhật là những điều bình thường. Những lúc rảnh rỗi, tôi cùng bạn bè tụ tập, ăn nhậu, hát hò. Những con tôm đang nhảy lách chách trong rổ mới vớt lên từ đìa, tôi đổ ào vào nồi lẫu đang sôi sùng sục mà không hề mảy may cảm xúc . Tôi phung phí hơn nửa đời người vào những cuộc ăn chơi, giành giật, bon chen, ích kỷ, thị phi triền miên. Để rồi, hằng đêm, tôi luôn luôn phải thao thức, trăn trở , vật vã vì những cái hơn thua, được mất đầy phù du, ảo vọng .

Một “ Phật tử ’’ như tôi đã “sống” như vậy đó.

Nhưng rồi, có lẽ do còn được chút phước duyên nên những sự việc diễn ra sau đó đã dần dần đưa tôi đến ngã rẽ cuộc đời .

Một lần, tình cờ tôi đọc được những bài viết trên chuyên mục “ Những chuyện kì bí của thế giới tâm linh ’’ của tác giả Hoàng Anh Sướng trên báo Thế giới mới kể những cuộc tìm mộ liệt sĩ, tìm mộ người thân của các nhà ngoại cảm. À, thì ra đâu phải chỉ có thế giới duy vật là duy nhất hiện hữu quanh ta.

Tôi bắt đầu chịu khó “ gồng mình’’ đọc quyển sách “ Sống chết bình an ’’ của soạn giả Sogyal Tây Tạng Đại Sư do mẹ tôi đưa . Càng đọc tôi càng ngạc nhiên . Tôi đọc lại lần thứ hai rồi lần thứ ba. Tôi tò mò vào mạng kiếm tìm và bắt gặp được trang “ Chết và tái sinh ’’. Tôi bắt đầu cảm nhận một điều gì đó khác lạ và sự đấu tranh tư tưởng về một thế giới sau cái chết là có thật.

Một lần đi chùa, một cô Phật tử đưa tôi xem tờ báo Tiền Phong nói về trái tim xá lợi của Bồ Tát Thích Quảng Đức. Tôi thấy là lạ và ngạc nhiên. Về nhà mở mạng tìm hiểu thêm, tôi khám phá ra những trang web có liên quan, thấy có nhiều điều mà từ trước đến nay tôi chưa biết đến. Thế là từ đó, rảnh rỗi giờ nào là tôi lao vào mạng. Tôi say sưa tìm, nghe, đọc trong niềm thích thú đam mê cứ như thể mình tìm được một báu vật linh thiêng giải đáp mọi thắc mắc và hồ nghi trong tâm của mình.

Một hôm, vừa làm việc, vừa mở trang “ THƯ VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM ” và nghe cuốn băng “ Khuyên người niệm Phật ’’ của cư sĩ Diệu Âm. Nghe tới đâu tôi sửng sốt, bàng hoàng tới đó. Tôi bỏ dở mọi công việc, tìm lại cuốn kinh Vô Lượng Thọ và Tây Phương Du Ký đang bị ngủ quên. Tôi nghẹn ngào : “ Con ngu quá ba ơi ’’. Nước mắt tôi chan hòa, ân hận. Hơn nữa đời người thấm đau với đời, giờ tôi mới hiểu ngộ.

Từ đó, tôi tranh thủ từng giây từng phút nghỉ ngơi hiếm hoi để đắm mình say sưa vào các trang web của chùa Hoằng Pháp, A Di Đà thôn, Pháp âm đạo Phật ngày nay, pháp sư Tịnh Không, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, bác sĩ Quách Huệ Trân, các gương vãng sanh… Tôi đọc nghiến ngấu những cuốn sách Tịnh Độ mua từ chùa Long Sơn, các hiệu sách lớn ở Nha Trang như kẻ khát gặp được cơn mưa. Giáo pháp của Đức Phật từ bi, trong sáng, trí tuệ, tích cực, màu nhiệm biết bao. Bốn mươi tám lời thệ nguyện của Từ Phụ A Di Đà đầy yêu thương, bao la và vĩ đại biết nhường nào. Lòng tôi nở bừng, lan tỏa một niềm phúc lạc vô bờ. Cái mầm Phật Pháp héo hắt trong tôi bắt đầu chuyển mình. Kẻ lạc đường đã tìm được địa chỉ cố hương.Cánh cửa giác ngộ đã hé mở.

Mấy tháng liền, cầm những hóa đơn thanh toán phí Internet, chồng tôi sừng sốt, còn tôi…mỉm cười. Cái “ mất “ ấy chẳng nghĩa lý gì so với hạt châu vô giá của chính mình mà tôi đã tìm được.

Tôi bắt đầu “ tập’’niệm Phật, sám hối và cầu nguyện vãng sanh khi bỏ báo thân. Nhưng sao tôi cứ thấy lóng ngóng. Lý thuyết tôi nắm đã thông, nhưng thực hành lại thiếu tự tin, không biết mình hành có đúng không? Hồi giờ đi chùa tôi đâu hề biết đến pháp tu này. Tôi phải tìm Thầy thôi .Tôi cố tâm tìm hiểu những ngôi chùa Tịnh Độ ở Khánh Hòa và phát hiện được chùa Linh Sơn Pháp Ấn cách nhà tôi 20km. Một buổi chiều vần vũ cơn mưa nhưng không có giờ lên lớp, tôi độc hành tìm đến chùa. Mình mẩy ướt nhèm. Tim tôi đập rộn rã khi lần theo dốc đá vào chánh điện. Thật phước duyên và diễm phúc, tôi gặp được Thầy trụ trì. Ánh mắt từ ái, nụ cười cởi mở của Thầy làm tôi hết sức tự tin. Tôi kể lễ, tôi dốc hết nỗi lòng mà tâm sự, mà thắc mắc với Thầy. Thầy từ bi điềm đạm khai tâm mở trí , hướng dẫn tôi phương pháp hành trì. Trước khi ra về,Thầy tặng cho tôi một số sách và băng đĩa Phật Pháp. Tôi run run đón nhận “ báu vật ’’ Thầy ban mà lòng vô cùng sung sướng .

Vài ngày sau, khi tôi đang đứng lớp, Thầy gọi điện đến. Thầy nói : “ Ngày nay là ngày tu, nếu sáng nay bận thì chiều hãy đến chùa tu nửa ngày nghe con”. Buổi chiều, tôi hồi hộp đến giảng đường, phật tử về tu đông quá. Mọi người đang tụng kinh Vô Lượng Thọ. Tôi rón rén tìm chỗ ngồi và cảm xúc lắng nghe . Khi đi kinh hành, trong tiếng “ A Di Đà Phật ’’ trầm hùng của đại chúng, bước những bước chân đầu tiên, tôi đã bật khóc vì sung sướng. Nước mắt tôi rơi lã chã theo từng bước chân. Sau bao năm dãi dầu dấu chân trên những con đường vô minh tội lỗi, giờ tôi đã tìm được lối đi đầy ánh sáng. Hai dòng chữ hai bên tôn tượng Phật A Di Đà : “ NHÌN THẤU, BUÔNG XUỐNG, TỰ TẠI, TÙY DUYÊN , NIỆM PHÂT- CHÂN THÀNH, THANH TỊNH, BÌNH ĐẴNG, CHÁNH GIÁC, TỪ BI ” như tiếng chuông cảnh tỉnh dội vào tâm can. Dẫu biết niệm Phật là phải nhất tâm, nhưng tôi không làm chủ được cảm xúc. Từ Phụ ơi, đứa con lầm đường lạc lối của Người nay đã quay về.

Tôi đã phát hiện chân lý và bước chân vào cửa Đạo như vậy đó.

Bây giờ, tôi đã khác trước rất nhiều. Tín – Nguyện – Hạnh tôi gắng giữ và thực hành. Làm theo lời Phật dạy, giữ ngũ giới, hành thập thiện, buông xả những gì cần buông xả, sám hối các lỗi lầm đã mắc phải. Tôi cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng vô cùng. Tôi cố gắng từ bỏ ngũ dục đã từng hành hạ, làm khổ tôi và tập sống cuộc sống thiểu dục tri túc, tự giác và giác tha như ba tôi đã dùng cả cuộc đời của mình mà thực hành. Tôi đã có một đạo tràng ấm cúng để sinh hoạt và cùng vô chúng trong 3 tháng an cư kiết hạ. Tôi tự hào khi có một chúng trưởng xuất chúng: chị Nguyên Ngộ, người đã lên chương trình Phật Pháp nhiệm mầu kì 22. Tôi được thân cận với các bạn đồng tu khả kính, những người đã cho tôi những tấm gương tu hành sáng chói.

Ngoài việc đến chùa tu tập, tôi cũng tham gia vào các hoạt động từ thiện ở một ngôi chùa gần nhà . Tôi đã biết cảm thông, xót xa khi đối diện với các bệnh nhân phong cùi với hình hài không lành lặn, những con người nghèo khổ còi xương suy dinh dưỡng, thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất. Tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi so sánh với họ. Tôi yêu thương ba mẹ , anh chị em, học sinh nhiều hơn. Giờ này tôi đã biết “ cho’’ mà không phải đắn đo cân nhắc như trước . Tôi đã biết quý từng giây từng phút “ sống’’ trong hiện tại. Tôi cố gắng “ mài giũa’’ lại chính mình, sửa đổi Thân – Khẩu – Ý tịnh thanh, tâm luôn hướng về đức Từ Phụ A Di Đà, mong mỏi một ngày nào đó được trở về cố hương.

Nhưng thật ra, hiện giờ, cái tâm của tôi vẫn cứ như con ngựa bất kham, trị mãi vẫn chưa thuần, Thân – Khẩu – Ý vẫn còn đen thui đầy ngũ dục vô minh, Tham – Sân – Si vẫn còn đầy dẫy. Niệm Phật thì vọng tưởng ào ào, nhiều khi giãi đãi, thiếu tinh tấn. Thế mới biết rằng cái khó nhất là đối trị với cái TÂM của chính mình.Tôi còn phải cố gắng nhiều, tu tập và hành trì thật nhiều hơn nữa

Giờ đây, mỗi khi làm giấy tờ, kê khai ký lịch, tôi có thể tự hào và hãnh diện viết : Tôn giáo : PHẬT GIÁO. Mỗi khi mặc bộ đồ lam đi chùa , tôi vô cùng sung sướng, hạnh phúc . Cầm lá cờ Phật giáo ngũ sắc, lá cờ của tâm bi, trí, dũng, trong mỗi dịp lễ Phật Đản , lòng tôi lâng lâng nhẹ nhàng , vì một lẽ hết sức giản đơn : TÔI LÀ PHẬT TỬ.

Diệu Túy

(Theo GNO)



Có phản hồi đến “Tôi Là Phật Tử”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com