VẤN: Con có điều này thắc mắc không dám hỏi ai vì sợ tội do liên quan đến việc xuất gia của các nhà sư. Con thấy có một số thầy ngày xưa tu theo một vị thầy nào đó, có pháp hiệu, y áo theo truyền thống ấy. Một thời gian sau con lại thấy vị ấy đổi chùa, đổi thầy, lại nhận một vị thầy khác làm thầy, pháp môn tu lại đổi. Rồi con lại thấy có thầy ngày xưa khi thuyết giảng ca ngợi, tán thán việc tụng kinh, niệm Phật, xác nhận cảnh giới luân hồi cận tử nghiệp là có thật. Một thời gian sau lại chống báng tất cả, cho rằng đó là sự mê tín dị đoan, ngược với Phật pháp, không có thật, phản biện lại tất cả những gì thầy ấy nói trước đây. Theo con được biết Phật tử khi đã quy y có pháp danh thì không nên quy y lại. Vậy một vị thầy khi đã xuất gia thì theo một vị thầy khác có được xuất gia lại không? Có phải đó là lý do mà các thầy nói ngược giáo lý vì các pháp môn khác nhau có sự nhìn nhận về Phật giáo là khác nhau? Con thật sự không biết nên tin vào đâu? Xin Sư hoan hỷ giải đáp.

ĐÁP:

Trong câu hỏi nầy Sư thấy Phật tử hỏi việc đổi Thầy đổi chùa, đổi pháp môn tu, chứ không nói đến đổi pháp danh hay không đổi? Trước nhất Sư nói đến pháp danh của quý Thầy Sư, có liên quan mật thiết thật nhiều với Thầy thế độ, Thầy thế phác

I .

Dòng họ Thích

Theo thời Phật sanh tiền, thì bất cứ vị nào theo Phật, mới vào tinh xá, gieo năm vóc sụp lạy Bổn sư, cầu xin học đạo, Phật liền thọ ký “Thiện lai Tỳ kheo”, tức thì râu tóc trên đầu vị tôn giả đó liền rụng, trở thành Tỳ kheo đệ tử Đức Phật, ai cũng có một Thầy là Phật. Về sau đệ tử theo Phật tu mỗi ngày càng đông, trong đó có các vị còn trẻ tuổi như La Hầu La mới 7 tuổi, chỉ làm Ô Sa di đuổi quạ, lý do đuổi quạ, chim đến mổ cơm của Thầy Tỳ kheo đang ăn, nên trong khi Thầy Tỳ kheo độ cơm, phải có các vị thị già Ô Sa di đứng hầu và đuổi quạ là vậy (Sa di luật giải, trang 19-HT Hành Trụ soạn dịch). Ngoài giờ đó Đức Phật giao mấy Thầy Tỳ kheo trẻ, các vị Ô Sa di cho Xá Lợi Phật làm Hòa Thượng dạy oai nghi luật giới cho các vị giữ giới, còn Mục Kiền Liên làm Giáo Thọ dạy Phật pháp cho các vị mới vào tu hành (Sự tích Thập Đại ĐệTtử Phật)

Khi phát tâm làm mộn đệ của Phật, dù xuất gia hay tại gia Ngài cũng không có đặt pháp danh riêng cho đệ tử, như Xá Lợi Phật, Mục Kiền Liên, 3 anh em ngài Đại Ca Diếp, Phú Lâu Na, A Nan.v.v..chư tôn giả thập đại đệ tử, 1250 vị Tỳ kheo, tên tuổi của chư tôn giả vẫn giữ nguyên như lúc cha sanh mẹ đẻ tại quê nhà, chưa có danh hiệu họ “Thích”. Hoặc sau khi Phật nhập diệt các đại sư truyền giáo, chỉ sử dụng địa danh nơi mình sanh ra mà làm danh xưng cho bản thân để làm phương tiện truyền đạo, như: đại sư An thế cao, người vương quốc An Tức, Khương Tăng Hội, người vương quốc Khương Cư, Trúc Pháp Lan, người nước Thiên Trúc..

Như vậy họ Thích xuất phát từ đâu, chúng ta cần phải tìm hiểu cho tường tận, để xác định dòng giống Phật.

Thời Phật, do còn Phật nên mọi người ít quan tâm đến việc mang danh dòng dõi họ Thích ca, dòng dõi Thích Ca, Gotama, hay Cồ Đàm lúc bấy giờ chưa sử dụng nhiều, nhưng chúng ta có thể khẳng định “họ Thích” xuất phát từ thời Phật sanh tiền. Cụ thể trong các Kinh Nam truyền, hoặc trong tạng Luật có dùng từ “Sa môn Thích tử”. Phật giáo đến Việt Nam năm 193, có đại sư Trúc Đạo Thanh (220-300), hiệu là Thích Đạo Thanh (theo tư liệu Quảng Tánh - họ Thích những vấn đề lịch sử), hai trường hợp nầy vì không được phổ biến nhiều, chưa có tổ chức chặt chẽ, chưa có ý thức tuân thủ vào một viềng mối nên chưa có người sử dụng. Cho đến năm 312 Ngài Đạo An ra đời vào thời Đông Tấn bên Trung Hoa, xuất gia năm 12 tuổi, rất thông minh, kinh luật lão thông, nối thạnh dòng pháp của Phật Đồ Trừng. Chúa Phù Kiên nghe danh đem quân đánh Tương Dương bảo vệ và thỉnh Ngài về Trụ trì chùa Ngũ Trùng, Trường An để truyền đạo và dịch kinh, nhà chúa tôn làm Thầy. Ngài Đạo An đặt ra việc đệ tử Phật mang họ “Thích” là họ của Phật, có thể từ đây mới phổ biến và ảnh hưởng nhiều đến Tăng Ni ngày nay trên khắp nhân gian (Phật Quang đại từ điển, trang 1397, HT Thích Huệ Cảnh chủ biên)

Thầy thế độ

Làm con Phật, đầu tiên chỉ có một Thầy, tức là Thầy Bổn sư thế độ, người ban cho chúng ta pháp danh......tiếp quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm, trở thành Phật tử bổn đạo của chùa. Bổn đạo là Phật tử của chùa và gắn bó với một chùa, một Thầy mà mình đã quy y. Việc quy y không phân định tuổi tác, phân phái nam nữ, nhưng khi truyền ngũ giới thì có phân định từ 11 tuổi trở lên mới truyền ngũ giới (Giới đàn Tăng-HT Thích Thiện Hòa biên sọan, chương truyền Tam quy, Ngụ giới)

Thầy thế phác

Trường hợp thuận duyên, Thầy Bổn sư vừa thế độ, thế phác, tức là xuất gia nơi chùa mình đã quy y.

Trường hợp nghịch duyên, nam hay nữ không thể xin xuất gia tại chùa mình đã quy y, hoặc cũng có thể xin xuất gia với Thầy Y chỉ, có hai trường họp: một là Thầy thế độ viên tịch, phải cầu y chỉ xuất gia; hai là Nam không thể xuất gia với Thầy Ni, Nữ không thể xuất gia với Thầy Tăng. Do đó người xuất gia phải cầu Thầy y chỉ, gọi là Y chỉ sư (không dùng từ Thầy thứ hai hay Thầy khác)

Trong hạ thiên môn oai nghi, Sa di Luật giả, trang 201 nói:” phàm làm đệ tử phải chôn Minh Sư theo thật lâu, chớ nên lìa Thầy sớm. Bằng Thầy thiệt không hiểu Phật Pháp, phải riêng cầu ông “lương đạo”. Nhưng dù có lìa Thầy nhưng cũng vẫn nhớ lời Thầy dạy, chẳng nên lung tình tự ý theo người thế tục, làm việc “bất chánh” (hạ thiên môn oai nghi, Sa di Luật giải, Thờ Thầy, trang 202)

Người xuất gia theo Giới đàn Tăng quy định, phải có thời gian công quả 2 năm, mới cho thọ Sa di, Sa di 2 năm sau đủ 20 tuổi mới học thuộc 4 quyển luật Trường hàng mới cho thọ Tỳ kheo.

Người xuất gia tại Quan Âm Tu Viện, bắt đầu từ khi xuất gia 2 năm công quả vẫn còn tóc, làm Tịnh nhơn 2 năm cạo tóc, thọ Sa di 2 năm sau mới thọ Tỳ kheo (đạo luật Quan Âm Tu Viện-Đức Tôn sư biên sọan năm 1974). Như vậy từ khi xuất gia đến thọ Tỳ kheo là 6 năm, đó là tiêu chuẩn người tu sĩ tại Quan Âm Tu Viện từ năm 1960 đến nay.

Thầy truyền giới

Người thọ giới có hai lãnh vực, một là Tăng thì thọ giới Sa di, giới Tỳ kheo, Ni thọ giới Sa di ni, Thức xoa ma na ni, Tỳ kheo Ni. Mỗi lần thọ giới chư Tăng Ni được gọi là giới tử. Hiện nay phải có trình độ thế học là Tú tài, trình độ Phật học tốt nghiệp Trung cấp Phật học mới được thọ giới. Trong thời gian thọ giới, giới tử Tăng hay Ni có tất cả 10 vị giới sư, tức là 10 Thầy đó.

Một là Hòa Thượng Đàn đầu, người truyền giới - Hai là Yết ma Xa xà lê, người chịu trách nhiệm về giới luật - Ba là Giáo thọ A xà lê, người chịu trách nhiệm dạy về giáo lý - Thất vị tôn chứng, hay gọi là tôn chứng Tăng già, tức là 7 vị Thầy chứng kiến cho giới tử thọ giới pháp được đắc giới, trở thành đệ tử chính thức của Phật. Như vậy lúc thọ giới vị giới tử có tới 10 vị Thầy giáo hóa trong đời làm tu sĩ xuất gia, nhưng không bỏ Thầy Bổn sư. Tuy nhiên do Bổn sư viên tịch, vị giới tử phát tâm thọ giới phải cầu y chỉ, vị y chỉ gọi là Y chỉ sư, chứ không gọi là Bổn sư.

Theo luật Phật phân định, thì sau khi thọ Tỳ kheo giới đến 6 năm sau tức là 12 năm, vị tu sĩ đó mới được phép “rời gối Thầy” đi hành đạo, tiếp tăng độ đệ tử, xây nền Phật pháp.

Việc đổi Thầy, đổi chùa, đổi pháp danh, đổi pháp tu

Sư xuất thân ba đời theo Phật, từ 7 tuổi đến 13 tuổi làm Phật tử đi lễ Phật ba chùa: một chùa ở quê nhà, xã Hòa Định, một chùa Long Hòa của HT Thích Nhật Long, một chùa của Bổn sư HT Thích Quảng Đức, khi còn làm Phật tử tại chùa Long Khánh , xã Thuộc Nhiêu, Cai Lậy, Tiền Giang với pháp danh là Nhuận Đức. Đến ngày 30 tháng 7 năm 1960, lúc đó 14 tuổi xuất gia đầu Phật với Đức Tôn sư Hòa Thương Thiện Phước-Nhựt Ý, biệt hiệu Đức Mẫu Trầu Bồng Lai tại Tổ Đình Linh Sơn với pháp danh là Giác Quang. Ngôi Tổ đình trên 200 năm, mang nhiều dấu ấn lịch sử Phật giáo miền Nam. Trường hợp của Sư cũng gọi là đổi Thầy, nhưng không đổi chùa, đổi pháp danh, đổi pháp tu, vì Sư chưa ở chùa, chưa xuất gia, vẫn tu Phật. Sự chuyển đổi Thầy hợp lẽ phải, không bỏ Thầy thế độ, mà chỉ theo thứ lớp tiến hóa theo phẩm hạnh tu hành.

Sư quản chúng Quan Âm Tu Viện từ ngày 19/giêng/Bính Dần (1986), nhận thấy chúng lý không có hung, ai tu nổi thì ở lại, ai kém tinh tấn thì tự lui, tự biết không nên đạo thì nên đời, chỉ có thế thôi chứ không chuyển đổi pháp tu nào cả. Các vị khi hoàn tục cũng làm Phật tử ngoan đạo, cũng giữ trọn tình nghĩa Thầy Trò, không lệch lạc hướng tu...Chúng lý của Sư tại Quan Âm Tu Viện như thế, thì các chúng lý nơi khác cũng thế thôi.

Chỉ trừ một vài người không thật, hay “nhảy”: lúc nhảy qua tu thiền, lúc nhảy qua tu tịnh, lúc nhảy qua tu mật, học đòi như các Thiền sư xưa đi tham cầu học đạo, bỏ cũ theo mới, bỏ nhỏ theo lớn, bỏ Thầy gieo tiếng ân oán, vì lợi lộc mà bỏ Thầy Bổn sư.

Nhưng vị có thể bỏ Thầy Tổ có mấy việc:

- Một là vào rừng sâu núi thẳm, tu độc cư độc thiện, xa lánh trần gian cho đến khi viên tịch, tham cầu học đạo,. tha phương cầu thực, hành cước du tăng.

- Hai là vì hoàn cảnh chiến tranh, xuất ngọai, hoàn tục.

- Ba là lập vị, hám lợi mà bỏ Thầy Bổn sư. Vì ngã mạn chê Thầy dỡ, dốt nát phản Thấy đổi pháp danh theo Thầy mới.

II .

Thuyết giảng

Tôn giáo ngày nay xuất hiện quá nhiều, có lúc cũng làm lợi ích cho con người trên hành tinh, nhưng cũng có lúc làm cho con người điên đảo, không biết đường hướng nào để đi cho đúng. Ngọai trừ những tôn giáo chính thức trên hoàn cầu, tổ chức có nên nếp có kỷ cương, giữ vững được tín đồ, giữ vững viềng mối giúp cho niền tin lâu bền hằng thế kỷ.

Buổi ban đầu Tôn giáo là sự đột biến của tâm linh, qua giai đọan 2 có tính bắt buộc con người phải lập đi lập lại đến hằng bao thề kỷ, rồi từ đồi nầy sang đời khác lập thành những cơ sở cơ sở tín ngưỡng đồ sộ và giữ gìn những hiệu quả đó một cách tích cực. Vấn đề tự do tín ngưỡng là cơ sở tâm linh, chứ không phải tự do là ai muốn làm gì thì làm, ai hiểu như thế nào cũng được?

Đạo Phật là đạo giác ngộ, ai tỉnh thức theo Phật thì cùng đi, ai không theo cũng không sao. Đứng về gốc độ tổ chức thì Đạo Phật không phải là một tôn giáo, có tín ngưỡng phải lập đi lập lại nhiều hằng thề kỷ, lập đi lập lại bằng những câu kinh tiếng kệ, lập đi lập lại những tín điều cũ rích mà buộc mọi người phải theo. Phật giáo luôn luôn nâng cao phần trí tuệ con người nhiều hơn là bắt buộc mọi người phải đi theo. Tiêu chuẩn cứu canh rốt ráo là Niết bàn, đại niết bàn, tức là giúp cho người giải thoát ta mới giải thoát, giúp cho người an vui, ta mới an vui. Sự giải thoát đó là giải thoát trọn vẹn, sự an vui đó là trọn vẹn, sự trọn vẹn tức là đại niết bàn. Niết bàn là sự giải thoát bình đẳng giữa ta và tha nhân, mọi người đều có sự tận thiện trong thế giới Niết bàn, sự tận thiện trong cảnh giới Niết bàn chính là nguồn động lực vô biên trong mỗi người con Phật.

Tiêu chuẩn tối hậu của vị giảng sư là tự thân tâm an lạc, mới có thể đem lại sự an lạc đến cho mọi người. Có bảy tiêu chuẩn dành cho vị giảng sư khi lên diễn đàn:

1/. Một là: Đạo đức của vị giảng sư như sự trũng thấp của biển cả. Biển cả thì có trũng thấp, rộng mênh mông, dung chứa, hài hòa, hóa giải thuần vị, nhu nhuyến, hùng mạnh, điều độ, tinh khiết, tự tại. Bài giảng của vị giảng sư phải sâu sắc, Phật lý vô biên như trũng của biển cả.

2/. Hai là: Tài trí của vị giảng sư như sự hùng vĩ của núi rừng. Núi rừng thì có đỉnh cao, bí ẩn, màu xanh, tích tụ gổ quý, kỳ hoa dị thảo, kho tàng vàng nọc, bình phong chắn bão, ngân hàng nước mạch, tụ hội phong thủy (long mạch). Bài giảng của vị giảng sư phải có trọng lượng, cao viễn, bí ẩn như hùng vĩ của núi rừng.

3/. Ba là: Đức tính thản nhiên của vị Giảng sư, như sự bình lặng của đồng bằng. Đồng bằng thì có bao la, thanh thản, an nhiên, như vầng mây lành trước cơn nắng hạn, sự công bằng, bình dân, không văn từ mỹ ngữ nhiều, công bình, bằng phẳng, an ổn về mặt tâm linh.

4/. Bốn là: Đức tính minh triết của vị giảng sư như ánh sáng mặt trời, dẹp bỏ tạp niệm, tập trung chánh niệm, trải rộng vạn niệm, gom về tam niệm, xóa tam niệm, nhập nhị niệm, quán (xem xét), chiếu (chánh niệm), chỉ (ngưng vọng niệm), nhập nhất niệm, nhập vô niệm, quán sâu năm pháp quán, tu bốn thanh âm. Vị giảng sư phải có tu hành thâm niên, tâm kiên cố, lúc nào cũng giữ chánh niệm, đem lại màu hồng cho mọi người thính pháp.

5/. Năm là: Đức tính phương tiện của vị giảng sư như sự hòa nhập của không khí, không khí với đất, không khí với nước, không khí với lữa, không khí với gió, không khi với con người, hòa nhập với không gian, với mọi người, thực tập hơi thở sâu lắng, thật dài, giúp thân không lãnh cảm.

6/. Sáu là: Đức tính hòa hợp của vị giảng sư như vạn vật hòa hợp trong vũ trụ, hiểu thật rõ ràng về nhân sanh, các pháp thuộc về sắc uẩn, tâm uẩn, hiểu rõ ràng về tam thiên đại thiên thế giới, các cõi trời dục, sắc và vô sắc giới, biết rõ ràng về tứ diệu đế, thập nhi nhơn duyên, sanh trụ dị diệt, lục độ vạn hạnh, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, kinh bộ đại thừa diệu pháp liên hoa.

7/. Bảy là: Đức tính bao dung của vị giảng sư như bao la của vũ trụ, phải có 10 biệt tài như Phú Lâu Na, thuyết pháp giỏi đệ nhất, viên chứng nhị không, biện tài vô ngại, thanh tịnh thuyết pháp, đầy đủ thần thông, hằng tu tịnh giới, ẩn tịch nơi thanh văn, hành Bồ Tát đạo, làm công đức tạo thành cõi tịnh, hạnh vô úy đứng vào hạnh nhất (bảy đức tính siêu việt của vị giảng sư - tác giả HT Thích Thông Bửu, NXB Tôn giáo năm 2004). Lấy tâm thiên hạ làm nhà - Nụ cười thiên hạ bài ca của mình

Việc thuyết giảng của chư vị giảng sư mỗi người có ý tưởng riêng của mình, nhưng trọng tâm là phải có quan điểm, có chính kiến và lập trường vững vàng như kim cang bát nhã, mới thuyết phục thính chúng. Dù vị giảng sư giảng rất bình thường nhưng làm cho Phật tử không nghi ngờ thì cuộc giảng thành tựu, giảng xong còn có ý kiến phản biện, hay phỏng vấn thêm, tạo nên sự nghị ngờ của thính giả thì cuộc giảng không thành tựu, thậm chí nạn tai đến với giảng sư và cho cả một thế hệ. Giảng sư giảng Thiền thì giảng Thiền, giảng giảng Tịnh Độ thì giảng tịnh độ, không nên nay giảng đề tài Thiền, mai giảng đề tài Tịnh độ, bữa khác giảng mật tông...làm lọan lên trong thời khóa giảng làm cho Phật tử chán bỏ, dù thời pháp rất hay. Và cũng xin nói trong thời pháp giảng sư giảng thật “cao siêu”, mà Phật tử thì chưa hiểu sự “cao siêu” đó, thì sự “cao siêu” là liều độc dược cho Phật tử. Chi bằng chỉ giảng bình thường, bình dân, có ý tứ mà thính chúng đồng nghe thoải mái, vui tươi, tiếp nhận thời pháp, pháp đó là đại thừa.

Biển pháp của Phật thì mênh mông, thật là quý báu, quý báu hơn vàng bạc, không bờ mé, bất khả thuyết, bất khả tư nghì công đức. Có khi pháp đúng với thời xưa, nhưng hôm nay thì pháp không phù hợp, có khi pháp thời xưa không phù hợp bị phản bác, nhưng hôm nay lại phù hợp. Pháp Phật nhiều diệu dụng cho tha nhân, mà người thế gian không theo kịp ý tứ của Phật. Theo trình bày của Phật tử, Sư chưa biết vị giảng sư giảng pháp nào, có chê Thầy Tổ, chê Phật, phản bác lại giáo lý mình đã học không? Giảng sư đó giảng pháp gì, “tiệm” hay “đốn”, “mật giáo” hay “thông giáo” nên chúng ta không dự bàn đến việc giảng sư thuyết giảng. Có một câu chuyện “thuyết giảng” cách đây mấy nghìn năm, mà mãi cho đến thời Tổ Bách Trượng Hoài Hải (720-814) mới giải quyết xong. Sư sẽ kể lại câu chuyện thât logic như vầy:

Một hôm Tổ Bách Trượng thượng đường thuyết giảng, có một cụ già đứng trước sân chùa. Tổ hỏi: - Người nào đứng đó! - Cụ già đáp:

Vào thời Phật Ca Diếp, tôi đã từng ở núi nầy, có vị Học Tăng hỏi:”Kẻ đại tu hành còn rơi vào nhân quả không?.Tôi đáp:”không rơi vào nhân quả”. Bèn bị đọa vào thân chồn hoang. Nay xin Hòa Thượng cho tôi một lời chuyển ngữ.

Tổ bảo:”Ông cứ nói! Cụ già hỏi:” Kẻ đại tu hành còn rơi vào nhân quả không? - Tổ đáp:”Chẳng mờ nhân quả” - Cụ già nghe Tổ nói xong, đại ngộ, cáo từ Tổ mà nói rằng: "Tôi đã thoát thân chồn hoang, hiện ở sau núi, xin Tổ thiêu cho theo lệ của Tăng già tịch”. Tổ sai Thầy Duy na ra phía sau rừng, đem xác chồn an táng theo nghi thức người xuất gia (trích Thiền sư Trung Hoa - Thiền sư Thích Thanh Từ)

Bạn ơi! Chỉ giảng lầm “không có nhân quả” mà trải suốt mấy nghìn năm, từ thời Phật Ca Diếp (trước Phật Thích Ca ra đời) mà bị đọa làm chồn hoang cho đến Tổ Bách Trượng Hoài Hải thế kỷ thứ tám (sau công nguyên) mới hóa giải xong. Cụ già đó, thời Phật Ca Diếp cũng là giảng sư, chỉ giảng lầm một câu, lấy lại không kịp mà bị đọa. Cho nên Phật tử chúng ta không nên chê bai, cũng không để ý, nếu thấy không hợp thì về nhà tụng kinh, không phê phán, không luận bàn, luận bàn cũng rơi vào nhân quả đó các Bạn!.

Như giáo sư Thu Giang Nguyễn Duy Cần, trong sách Lão tử Tinh hoa từng nói: “trong rừng kỳ hoa dị thảo, hoa nào cũng đẹp. Cành hoa lan có sự tận thiện của cành hoa lan, cành hoa hồng có sự tận thiện của cành hoa hồng, hoa nào cũng có sự tận thiện về sắc hoa mùi thơm của cành hoa đó. Giảng sư nào cũng có cái hay của mình, nhưng bên cạnh cũng có cái dỡ, hay nhiều dỡ ít, nhưng lầm lỡ thì không ít không nhiều, khi nói ra rồi “ngàn cân” cũng không kéo lại được, kéo lời nói ngược lại không kịp là phải chịu thôi!

Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu, Phật dạy: - Ý dẫn đầu các pháp, - Ý làm chủ, ý tạo - Nếu với ý ô nhiễm, - Nói lên hay hành động -Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo.

Ý dẫn đầu các pháp - Ý làm chủ, ý tạo - Nếu với ý thanh tịnh - Nói lên hay hành động - An lạc bước theo sau - Như bóng, không rời hình.

Trong đời, những người hay thuyết pháp, theo Chánh pháp tu hành, thì được đạt tới bờ kia, thoát khỏi cảnh giới tà ma khó thoát (Kinh Pháp Cú - phẩm Hiền Trí, 54). Tu sĩ dù giỏi đến đâu, học vị cao siêu bao nhiêu, mà nói năng hoặc hành động “trả treo” Thầy Tổ, phản bác lời Phật, lời Thấy Tổ dạy trước kia, nói ngược lại tông chỉ mình tu, vì lợi dưỡng, vì ngã mạn, hoặc chuyên bài xích nói xấu bạn bè...Sư nghĩ vị đó không phải giảng sư, vì không có giảng sư nào giảng trái đạo như thế!

III .

Lẽ dĩ nhiên các Phật tử đã có Thầy rồi, thì không phải quy y lại, chỉ có điều nay Thầy đã viên tịch, hay Thầy đi xứ khác vĩnh viễn không còn gặp lại nữa thì Phật tử có thể cầu pháp vị Thầy Y chỉ, nhưng Thầy y chỉ dạy tu hành, chứ không truyền giới nữa, vì Phật tử đã có quy y, lòng phái không thể cấp lần thứ hai. Pháp danh của Phật tử vẫn giữ nguyên, tuyệt đối không giận hờn, nói xấu Thầy Bổn sư. Nói xấu Thầy đây là một điều tai hại vô cùng trong cộng đồng Phật tử Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài. Có nơi còn kêu gọi nói xấu Thầy cũ của Phật tử ”Thầy cũ của anh chị “quê mùa, dốt nát cổ lỗ sĩ chỉ biết năm ba chữ nho, tu không đúng pháp”, “ở đây mới tu đúng pháp”, phải quy y lại. Theo giáo pháp và luật Phật vị Thầy nào, môn phong nào kêu gọi Phật tử bỏ Bổn sư của mình để theo Thầy mới và đặt pháp danh lại, Thầy đó môn phong đó cũng chẳng xứng đáng làm Thầy của Phật tử! Ngọai trừ những Phật tử đó phạm giới, bỏ giới, theo đạo khác, nay trở lại theo Thầy mới thì không bàn.

Những Cư sĩ giữ ngũ giới tiến lên hàng xuất gia, gặp Thấy Thế phác đặt cho pháp danh thì cho phép còn đối với người xuất gia đã có Thầy thế phác rồi, Thầy thế phác là Bổn sư đó. Khi Thầy Bổn sư viên tịch vị tu sĩ đó có thể cầu Y chỉ, gọi là Thầy Y chỉ thì không tác pháp xuất gia lại. Thầy mới cũng không phải đặt pháp danh lại, Thầy y chỉ có trách nhiệm “truyền pháp”, chứ không “truyền đạo”, đó là đạo đức của người xuất gia.

Người tu Thiền, bước sang cầu tu Tịnh độ, thì sẽ được dạy niệm Phật. Người tu Tịnh Độ xin cầu tu Thiền hay các pháp môn khác...thì chỉ đươc dạy tu Thiền hay tu pháp khác. Hoàn cảnh nầy hiện nay thì không ít, bạn bè rủ nhau đấy mà. Các Bạn có óc cầu tiến, học pháp mới thì cứ phát tâm học Phật pháp, Sư khuyên là học Phật pháp, chứ không phải học các pháp môn ngoài pháp Phật nhé. Và đừng chê bai nói xấu lại pháp môn của mình tu trước đó và tình Thầy Trò xưa vẫn giữ, là đủ rồi. Niềm tin của các Bạn vẫn còn vững vàng trọn một niềm tin Tam Bảo hay không là do các Bạn đó!

Xuất gia trọng đại một đời

Phải tu cho chính mới ngỒi tòa sen

Sáu năm ròng rả sách đèn

Nghiệp vươn phải quấy trắng đen không còn

Thanh văn tứ quả cung son

Tứ thiền bát định chẳng còn nghiệp dư

Nói năng phải đủ chất từ

Mới vào tự tánh chơn như tỏ tường

Xuất gia đừng mãi vấn vương

Xả bỏ đạo lý tam cương ngũ thường

Người tu như vào đại dương

Tìm châu ngọc quý kim cương tịnh thiền

Đừng tu như thể du miên

Nay Thầy mai vải nghiệp duyên thói đời

Tu thì phải thật tuyệt vời

Phải tu cho đúng khắp nơi được nhờ

Tu sao cho đúng huyền cơ

Đừng đề nghiệp lực kéo cờ bủa vây

Người tu muốn thành giảng sư

Phải học cho đúng Phật thừa bộ kinh

Lấy Kinh bài giải giáo trình

Giảng đúng giảng đủ không nhìn tứ phương

Không giảng khác pháp tu Thiền

Giảng sư Thiền phái đừng tìm kiếm xa

Giảng Tịnh Độ thì đừng lo ra

Cứ giảng Tịnh Độ mới là giảng sư

Giảng sư giảng pháp lung tung

Làm cho tứ chúng hãi hùng gớm ghê

Làm sao biết được đường về

Đường xưa lối cũ si mê mất rồi

Giảng sư giảng đúng cao ngôi

Giảng chẳng đúng phép còn tôi sửng sờ

Ngã chấp pháp chấp lên ngôi

Thì công giảng pháp ôi thôi bẽ bàng

Giảng sư hiện khắp thế gian

Giảng nào cũng giỏi cũng ngàn cỏ thơm

Giảng cho thật đúng pháp vương

Đừng đem ngã ái vào đường nhân sanh

Đổi pháp thì phải ngọn ngành

Đốn, tiệm nói rõ cho rành bá gia

Đừng như soi bóng trăng tà

Tạo nghi ngờ cảnh người ta ngỡ ngàng

Người tu phải khác thế gian

Nay đây mai đó không đàng nào lên

Thầy đã ban cho cái tên

Đó là Thầy thế độ lên thiên đường

Thầy thế phác phải còn nương

Đủ ngày đủ tuổi chay trường xuất gia

Cạo tóc xong “chùa” là “nhà”

Không nên tu dối tu qua chặng đường

Làm tướng bên ngoài khó thương

Vừa thấy tu tướng khó nương quy về

Giảng sư đừng giảng như nghề

Qua loa ba chữ nói về Tây phương

Nói giảng thì ngọt như đường

Đừng để quả báo vấn vương nhiều đời

Giảng sư bảy đức tính thôi

Nhưng trong bài giảng một đời không xong

Tướng tâm muôn vạn lý đồng

Giảng sư thì phải tâm không mới thành

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “ Người Xuất Gia Và Tại Gia Thay Đổi Pháp Môn Tu, Từ Bỏ Pháp Danh Khi Quy Ngưỡng Một Vị Thầy Mới Có Được Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com