VẤN: Gia đình chúng con là nông, trồng hoa màu, cây trái khá nhiều, do đó thường xuyên sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Thật sự chúng con cũng biết tác hại của thuốc trừ sâu không tốt cho sức khoẻ nên gia đình cũng rất hạn chế. Tuy vậy, điều chúng con lo lắng là nếu dùng thuốc trừ sâu là sát sanh, đi ngược lại với giới luật nhà Phật. Nhưng nếu chúng con không sử dụng thuốc trừ sâu thì bị sâu bọ phá hoại mùa màng, cây trái không thể ra quả. Hoặc nếu gia đình không sử dụng thuốc trừ sâu thì các loại côn trùng từ những nhà vườn khác tràn sang nhà chúng con phá huỷ tất cả. Thêm vào đó, trong nhà ở quê lại khá nhiều muỗi, gián, kiến do ngoài vườn ngoài đồng bay vào. Nếu chúng con không dùng nhang trừ muỗi, thuốc xịt kiến, diệt gián thì không thể nào sống nổi. Xin Sư chỉ cho chúng con biết là chúng con nên làm như thế nào để không phải bị mang nghiệp sát sinh và vẫn được chánh nghiệp. Chúng con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:


Làm rẫy trồng hoa mầu như bầu, bí, mướp, khoai, sắn... trồng các loại hoa như hoa lan, hoa huệ, hoa lay ơn... những lọai hoa đều có sanh ra sâu. Có hoa là có sâu gậm nhấm lá hoa làm cho hoa ùn héo, hư hại, cho đến kỳ thu họach thì hoa đã tàn lụi, làm kinh tế như thế thì không phát triển. Làm rẫy trồng hoa mầu đều phải cần đến thuốc trừ sâu, dùng bình xịt làm cho sâu bọ chết, còn tồn lại những hoa tốt, hoa mầu tốt thì mới có lợi lạc về kinh tế, phục vụ cho kinh tế ở tầm cao. Tuy nhiên, do nhu cầu làm kinh tế nên chủ nhân có dùng thuốc trừ sâu giết các loài sâu, rầy, bọ, nên phải mang tội sát sanh
Bạn ơi, làm Phật tử chúng ta có duyên lành được làm học trò của Đức Giáo chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Trong suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh, Đức Phật để lại tam tàng thánh điển, chứa đựng biết bao lời dạy quý báu. Tam tạng thánh điển là Kinh Luật Luận, trong đó ngài dạy việc nào cho làm, việc nào không cho làm, việc nào làm có tội việc nào làm không tội...Tất cả đều có trong bộ đại luật mà Đức Phật đã ban hành.
Sư có nhơn duyên lúc làm “tập sự Tỳ kheo” được học bộ luật tứ phần “bát thập tụng luật” từ những năm 1966 để thọ Tỳ kheo giới tại Lớp giáo lý Phật học thuộc Phật học đường Tây phương Bồng đảo. Sư tự học thuộc làu bộ luật tứ phần trong quyển Chơn Lý Đại Đồng của Tổ sư Minh Đăng Quang biên soạn, bộ luật Sa Di Luật Giải của Hòa Thượng Thích Hành Trụ dịch giải, học Luật Tông trong Phật học Phổ Thông của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Do đó Sư có biết phân tích các việc nào Phật cho phép Nhà Sư nên làm mà không phạm, luật giới nào không cho phép Nhà Sư làm, vì làm là phạm. Giới là việc hệ trọng trong giới Phật học, giới của người xuất gia, cũng như giới dành cho người tu tại gia, đối với các gia đình Phật tử có truyền thống tu hành, để hướng dẫn Phật tử làm kinh tế không vi phạm giới sát sanh sâu bọ!
Trước nhất sẽ giảng về giới luật, nguyên nhân có giới, giới nào quy định cho Phật tử, giới nào quy định cho người xuất gia, để biết rõ mà phòng tránh trong sinh họat hàng ngày.


I. Nguyên nhân có giới

Kinh tức là khế kinh, khế cơ và khế lý phù hợp với mọi tầng lớp, những lời dạy của Đức Phật, bao hàm sự giáo hóa lâu dài: ngắn hạn như Phật giáo hóa độ năm anh em ông Kiều Trần Như, Phú Lâu Na, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ưu Ba Ly, Phật độ Ông Thuần Đà người đệ tử cuối cùng 120 tuổi được Phật độ cho xuất gia. Dài hạn như Phật độ ba anh em ông Ca Diêp, ông A Nan, là những vị Tổ sư thừa kế ánh đạo vàng của Đức Phật và sau đó có tất cả 28 vị Tổ sư Tây Thiên nối truyền nhau truyền thừa ánh đạo của Phật. Rồi từ Tây Thiên truyền sang Đông Độ bởi ngài Bồ Đề Đạt Ma, truyền thừa cho đến lục tổ Huệ Năng. Suốt mấy nghìn năm nối tiếp 33 vị Tổ sư làm sáng tỏ ánh đạo của Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Trong sự truyền bá có khi truyền đăng những lời kinh, kinh tiểu bộ, đến kinh phương đẳng, kinh đại phương quảng, kinh tiểu thừa đến kinh đại thừa, nhằm hóa hợp những lời dạy hội nhập vào môi trường xã hội, con người ở địa phương làm cho thấm nhuần giáo lý. Có nơi Đức Phật hoằng khai chuyển hóa bằng những bài luận đại thừa thắng pháp, những bài luận đại thừa tối thắng, giúp các bậc thiện tri thức, học giả thuận lợi trong nghiên cứu tu học. Ngoài ra còn có giới luật Phật cũng ban hành từ lúc ngài sanh tiền, trong đó quan trọng là bộ luật Bát Thập Tụng Luật, tức là sau khi Phật nhập diệt, ngài Ca Diếp triệu tập Đại hội tại hang Thất La Phiệt, kinh đô Ma Kiệt Đà. Tại Đại hội ngài A Nan đọc lại tạng kinh, ngài Ưu Ba Ly đọc lại tạng Luật, nhưng đọc đi đọc lại 80 lần nên gọi là bộ luật “Bát Thập Tụng Luật”. Bộ luật nầy được chư tôn giả A la hán, chư Tăng sử dụng từ khi ngài Ưu Ba Ly trùng tuyên cho đến ngày nay. Đấy là một nguyên nhân bộ luật Phật “Bát Thập Tụng Luật” có trong thế gian.

Lúc Đức Phật về đến thành Câu Thi Na, thân ngài đã 80 tuổi. Ngài có bệnh duyên và rất mệt mỏi, do đi đường xa, uống nước dẫn đục, ăn uống thất thường...ngài biết ngài sắp nhập diệt nên nhập thiền bất động. Ngài A Nan lúc bấy giờ thấy thế liền lăn ra khóc vật vã, than rằng: “Chúng con tu hành xưa nay có Phật chỉ đường đi nước bước, theo Phật đã lậu, nay bỗng nhiên ngài thị hiện nhập diệt, chúng con sầu khổ biết bao, trong lúc tu hành còn có nhiều sơ sót sẽ biết hỏi ai bây giờ”. Đức Phật lúc đó tuy mệt, nhưng ngài cũng cố gắng trả lời, sau khi Ta tịch rồi các ông tu hành nương vào giới luật mà tu, giới luật là Thầy của các ông, giới luật còn là ta còn, giới luật mất là ta mất. Đó là nguyên nhân thứ hai, đệ tử Phật y cứ vào luật Phật để tu hành.

Sau Phật nhập diệt khoảng 100 năm có ngài Giác Thiên ra đời quy y Đạo Phật. Ngài tu hành chủ trương đổi mới cải sửa một số luật Phật đã ban hành. Việc sửa đổi nầy cũng rất thuận lợi trong hành trình hoằng đạo, nhưng cũng bất lợi đối với những người tu Phật phóng túng, ham thích vật chất, như: “nếu đồ ăn có ướp muối thì được để dành cách đêm”, thời Đức Phật sanh tiền “không cho để đồ ăn cách đêm”. Thứ hai là tu sĩ có trách nhiệm lãnh đạo Tăng đoàn được chừa vàng tiền. Thứ ba Y chưa hư được nhận thêm y mới, cho phép xây dựng nhà trù chứa đồ ăn, vật dụng khi được cúng nhưng sử dụng không hết. Các Trưởng lão như ngài Da Xá không đồng ý với ý kiến mới mẽ của ngày Giác Thiên, bèn triệu tập đại hội kết tập kinh điển lần thứ hai tại thành Tỳ Xá Ly để xác định việc giữ gìn Luật Phật thật nghiêm túc như thời Phật còn. Đây là nguyên nhân Tăng đoàn Phật duy trì giới luật có mặt trong thế gian (tư liệu Lịch sử Phật giáo Ấn Độ)

II . Giới luật
Giới là hàng rào ngăn cách không cho đệ tử Phật vi phạm, ví dụ như giới không sát sanh, không trộm cắp. Luật là những điều khoản quy định xử lý người vi phạm giới. Giới gọi là Ba La Đề Mộc Xoa, có nghĩa là biệt biệt giải thoát, là diệu dược phương thang, có công năng chữa trị lành các bệnh của chúng sanh khiến cho tâm thanh tịnh không vi phạm giới luật.

Giới luật của Phật ban hành, xưa là do chư Tăng vi phạm, từ nguyên nhân chư Tăng vi phạm, Phật lấy đó chế giới. Như vậy giới không phải do Phật quy định rồi áp đặt chư Tăng phải noi theo. Giới có khai, gia trì, phạm - khai là khai mở cho làm, ví dụ như giới không nói dối, nhưng có lúc nói dối vì cứu người cứu vật nên nói dối. Như một thợ săn đang rượt bắt con thỏ vừa chạy ngang qua Nhà Sư, thợ săn hỏi Nhà Sư có thấy thỏ chay ngang không? Nhà Sư trả lời là “không” cho thỏ chạy xa để cứu thỏ, lời nói dối đó không có vi phạm, mà còn gọi là giữ giới, giới nói dối đó gọi là khai - Giá là ngăn cấm không cho làm, làm là phạm giới, như giới không sát sanh, sát sanh là phạm giới - Trì là giữ, phải giữ giới tà dâm, không giữ là vi phạm - Phạm như giới nói dối để cứu chúng sanh, mà không cứu chúng sanh là vi phạm

Giới có nhiều lọai, như

* Thập giới (xuất gia là Sa Di),
* Thức xoa ma na ni (248 giới),
* Tỳ kheo 250 giới (Tỳ kheo),
* Tỳ Kheo ni 348 giới.
* Bồ tát 10 giới trọng, 48 giới khinh.
* Bồ tát cư sĩ 28 giới

Ngoài ra còn có các kinh, như Kinh Bốn Mươi Hai chương, kinh Di Giáo, Tỳ Ni, Sa di, Oai Nghi, Cảnh Sách... kinh Ưu bà tắc giới, Kinh Thập Thiện giới những kinh luật như thế sẽ có những chương quy định về thể chế u hành dành cho Phật tử.


Giới sát
Trong các giới của người tu xuất gia hay tại gia, Đức Phật đều cân nhắc giới sát là trước nhứt. Kinh Thập Thiện giới, tức là nói về 10 điều lành mà Đức Phật khuyên Phật tử các vị Ưu bà tắc, Ưu ba di nên làm các việc lành, lánh xa các điều ác, giữ giới hạnh cho sạch trong, những giới mà mình đã phát nguyện thọ lãnh, khiến cho giới luật tồn tại trong thế gian. Giới tồn tại trong thế gian là chánh pháp Phật Thích Ca tồn tại trong thế gian.
Kinh Thập Thiện giới gồm có các giới như sau:
Thứ nhứt không sát sanh
Thứ hai không trộm cắp
Thứ ba không tà dâm
Thứ tư không nói dối
Thứ năm không khoe khoang
Thứ sáu không đâm thọc
Thứ bảy không rủa sả
Thứ tám không tham lam
Thứ chín không sân hận
Thứ mười không si mê

Kinh Thập Thiện là kinh nói về lời dạy của Phật đối với Long Vương, do ngài Pháp sư Thái Hư giảng yếu vào năm Kỷ Sửu, vào năm 1949 tại Phật học đường Báo Quốc, Hội Phật giáo Chánh Tín ở Hán Khẩu, Trung Quốc phát hành. Năm 1989 tại Quan Âm tu viện, Đồng Nai Việt Nam, Ni Trưởng Thích nữ Huệ Giác, Viện chủ trích giảng thật sâu sát, giúp cho Phật từ miền Nam, Phật từ Đạo tràng Bát Quan Trai chúng Đại Trí, chúng Đại Hạnh tu học sáng tỏ .Giới Cư sĩ còn có các giới quan trọng:

* Ngũ giới
- Không sát sanh
- Không trộm cắp
- Không tà dâm (hay tà bất tịnh hạnh)
- Không nói dối
- Không uống rượu

* Bát giới (Cư sĩ tập xuất gia 24 giờ),
- Không sát sanh
- Không trộm cắp
- Không tà dâm (hay tà bất tịnh hạnh)
- Không nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa sả
- Không uống rượu, tham lam sân hận si mê
- Không nghe xem múa hát đờn kèn chỗ yến tiệc vui đông
- Không trang điểm phấn son dầu hoa và áo quần hàng lụa
tươi tốt
- Không ăn sái giờ từ quá ngọ đến ngọ mai, phải ăn chay

Ngoài ra còn có bài kinh nói về tam tụ tịnh giới, là giới mà Đức Phật ban hành ngày từ đầu ngài đi hành đạo như:
Nguyện đoạn nhứt thiết ác
Nguyện tu nhứt thiết thiện
Nguyện độ nhứt thiết chúng sanh
Nghĩa là
Nguyện dứt các điều ác
Nguyện tu các việc lành
Nguyện độ hết thảy chúng sanh
Ở một môi trường khác, lời Phật dạy đầu tiên sau khi ngài đắc đạo dưới cội bồ đề Gaya, là:
Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo
Nghĩa là:
Dứt các điều ác
Làm các điều lành
Giữ tâm trong sạch
Là lời Phật dạy

Đức Phật Thích Ca khi còn ở triều đình Ca tỳ la vệ, chưa đi tu đắc đạo, đã từng chứng kiến về luật sanh tồn của vạn vật, người nông dân cày sâu cuốc bẫm làm chết côn trùng, các loài chim quạ đến mổ ăn. Người đi bẫy chim bắt chim ăn thịt, ngài đã nhìn thấy những cuộc giết hại lẫn nhau để sống còn. Việc đáng trách lắm nhưng làm sao để cứu vớt các loài yếu hèn thoát khỏi bàn tay của con người, của loài mạnh hiếp yếu gây đau thương, chia lìa, cha mẹ con cái chết chóc không hề được thương tiếc.
Trong Kinh Ưu bà tắc Phật dạy ở điều khoản thứ nhứt là khuyên các Cư sĩ Phật tử không làm việc sát sanh, không làm tổn hại chúng sanh. Kinh Bồ tát giới tại gia, giới đầu tiên trong 6 giới trọng, Phật dạy Cư sĩ không được làm việc sát sanh. Trong Kinh Phạm võng Bồ tát giới dành cho giới xuất gia trong đó có giới tại gia đồng thọ, đồng giữ. Ở phần giới khinh giới thứ 32 Phật ban hành, người Phật tử không làm tổn hại chúng sanh.
Trong đời thuyết giáo của Phật, ngài du hành đến đâu cũng đều khuyên các Nhà Vua không nên giết thú. Nhà Vua không giết thú thì thần dân phải làm theo, không bao giờ dám trái lệnh Vua mà giết thú. Một lọat các pháp Phật được đưa ra cho chúng ta thấy nhà Phật chủ trương không sát hại sanh linh, từ con người đến thượng cầm hạ thú, các loài bò bay mái cựa thảo mộc côn trùng, các loài hóa sanh, thấp sanh, noãn sanh, thảy thảy đều không giết. Con người là loài thai sanh có trí khôn hơn các loài, cần có sự phát tâm ăn chay, giảm lần giết thú, không dùng sức mạnh hiếp kẻ yếu hèn. Đức Phật luôn khuyên tu xả bỏ những ác tâm, cho đến khi không còn giết sát nữa.

Chúng sanh chung lộn thánh phàm
Đừng gây nhiệp sát mà lầm hại nhau
Ngàn nay cho đến ngàn sau
Không giết đồng lọai máu thành lệ tuôn

III. Luân hồi trong loài sâu

Sâu thuộc về côn trùng thảo mộc, hóa sanh từ cây bông, trái kết hợp thiên nhiên, những chất bụi của đất, nước... cho nên chúng ta có những suy nghĩ làm chết sâu cũng không sao, như nuôi tơ tằm làm chết tằm cũng không sao. Nhưng chúng ta không ngờ mang tội sát sanh thật ghê gớm. Các lòai muỗi, rận, chí, rầy, ruồi cũng có sự sống, cũng biết tìm cách sống, dù cuộc sống đó ngắn ngày so với loài người chúng ta, nếu ta giết hại thì phạm giới sát, có khi còn luân hồi vào những loài sâu bọ đó.
Ví dụ, Bạn trồng cây bắp nếu không xịt thuốc trừ sâu thì bắp không cho chúng ta trái tốt, thu họach kinh tế thấp, sự đói nghèo xuất hiện. Nhưng nếu bắp có sâu, Bạn dùng thuốc trừ sâu xịt cho sâu chết thì Bạn bị luân hồi trong thế giới sâu đó Bạn ạ! Vì sao, vì Bạn giết “sâu” thì bắp ra trái nhiều, bán có giá, “sâu” chết biến thành tiền, dùng tiền mua lương thực, thực phẩm để ăn, ăn cơm gạo tức là ăn “sâu”, ăn “sâu” thì hành “sâu” mà không hề hay biết. Lúc bấy giờ “sâu” biến thành “người”, “người” biến thành “sâu”, “người” bị luân hồi trong thế giới loài “sâu”, bị “sâu” ăn lại “người”, và cứ luân hồi như thế không bao giờ ra khỏi kiếp “chúng sanh” dưới mọi hình thức.

Làm nông phải trừ sâu?

Làm nông có sâu thì trừ sâu, người Phật tử làm nông cũng cần nên trừ sâu. Nên nhớ trừ sâu chớ không giết hại sâu, người Phật tử nên tránh việc phạm giới sát giết loài sâu bọ. Nếu không tránh thì người đời sẽ mỉa mai đánh giá người con Phật và phải bị luân hồi trong loài dâu bọ. Vả lại, có nhiều phương tiện mà các Bạn phải dùng thuốc trừ sâu, dùng thuốc trừ sâu, chứ không phải dùng thuốc giết sâu. Các Bạn sẽ thầy những tình huống sau đây mà yên tâm sản xuất hoa mầu. 

Trong tứ sanh, loài sâu là loài hóa sanh, hóa sanh thì tự sanh tự diệt. Hóa sanh gồm có những loài sâu bọ, rầy, côn trùng, sự sống của chúng có những loài đôi khi tự hủy diệt và biến tướng như sâu hóa bướm. Loài ve kể từ khi sanh ra và cất tiếng kêu cho đến khi tự chết chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ tự biến thành rác thải.

Ong tò vò! chúng ta thử tìm hiểu trích đọan sau đây trong Bách khoa từ điển mở Wikipedia nói về “ong tò vò” cho chúng ta thấy chúng có lợi ích rất lớn đối với nhà nông, như sau: Ong tò vò là nhóm côn trùng thuộc bộ không phải là “ong” hay “kiến.” Có thể nói mỗi loài côn trùng gây hại cho hoa màu đều có ít nhất một loài tò vò ăn chúng hoặc hay sống ký sanh vào loài đó. Ở chức năng săn giết các loài côn trùng khác, loài tò vò rất quan trọng trong việc kiểm soát tự nhiên trong môi trường sanh sống. Tò vò ký sanh được sử dụng ngày càng nhiều trong việc kiểm soát các loài sâu bọ gây thiệt hại cho nhà nông vì chúng săn giết các loài côn trùng có hại mà không ảnh hưởng đến hoa màu. Ong tò vò sau khi kết tổ ong bằng đất xong, chúng tự bắt sâu ở vườn ruộng đưa vào ổ rồi đóng kín trong thời gian nhất định, sâu biến thành ong không còn phá phách nữa.

Cào cào, châu chấu thuộc noãn sanh. Cào cào đầu nhọn, châu chấu đầu bằng rất tổn hại cho mùa màng nhất là mùa lúa chín, lúa trổ đồng đồng, tuy nhiên sẽ có đối tượng trừ khử chúng. Mùa lúa chín cũng là mùa ếch, nhái, ểnh ương sanh trưởng, cào cào châu chấu là món ăn của các loài ếch nhái, nên nhà nông cũng gặp thuận lợi chứ không có gì phải lo âu. Thêm vào đó, hiện nay thì cào cào châu chấu được nuôi bằng khoa học kỹ thuật, tạo kinh tế cao. Cào cào châu chấu là thức ăn thú vị nhất của con người. Trường hợp con người sử dụng cào cào châu chấu làm thức ăn, thì chắc một ngày không xa nạn cào cào châu chấu sẽ không còn là hiểm họa của nông dân, như những cánh đồng bạt ngàn ở Châu Phi, hay các đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng miền Tây Việt Nam bị nạn cào cào châu chấu
Qua những hình ảnh điển hình trên, chúng ta thấy loài sâu bọ tự sanh tự diệt và hủy diệt với nhau để sanh tồn. Do đó việc trừ sâu bọ của các nhà Phật tử làm nông ít phạm giới sát và tiến lần đến không còn phạm giới sát, mà hoa mầu vẫn tốt tươi thu họach khả quan.
Luân hồi muôn kiếp khó phân
Trả vay vay trả vạn lần chúng sanh
Mạng sống giết hại không đành
Sâu cũng có mẹ sanh thành như ta

Cách trừ sâu của nhà nông, nhà vườn
Nhà nông đến vụ mùa, các gia đình làm cỏ rất kỹ, cày sớm, phơi cho cháy đất, tiếp đến là trục, bừa cho đất xốp, cỏ sạch... Việc làm nầy tránh được những loài sâu bọ sanh sôi nẩy nở và phát triển nhanh, trước khi cấy.. Từ đó ít hoặc không có các loài sâu có mặt trên đồng ruộng, nên không phải xịt thuốc làm cho sâu chết.

Nhà vườn, tại Quan Âm tu viện khi mới thành lập (1966) có trồng xoài, thường là xoài rép dễ sanh “sâu bọng”. Sâu ăn ruột cây xoài, nên thường là xoài bị bọng, xoài chưa có trái mà cây đã bị gãy đôi.

Theo kinh nghiệm của nhà vườn khi trồng xoài, hiện nay không còn trồng lọai xoài rép nữa, vì xoài rép tuy trái lớn, nhưng không có mùi vị thơm, ăn không ngon, không có vị ngọt như trái xoài nguyên thủy. Trước khi trồng xoài, nhà vườn đào hố sâu, mỗi cạnh 1,2 mét, sâu 1,0 mét, đem lửa đốt các loại rác, cỏ cho cháy hết, đốt cho cháy đất. Sau đó tưới, hoặc để thuốc trừ sâu vào hố, trước khi trồng xoài, tưới tiêu cho điều hòa, chắc chắn khi xoài lớn lên có bông trái, sẽ không có sâu đeo bám.Vì thuốc trừ sâu đã ngấm trong đất, trong thân xây xoài, tuyệt đối không có sâu nào sanh sôi nẩy nở trong phần đất trồng xoài

Đây chỉ là kinh nghiệm của nhà nông nhà vườn từng thí nghiệm dùng “thuốc trừ sâu”, chứ không dùng “thuốc diệt sâu” và người Phật tử làm vườn có thu họach kinh tế cao, mà cũng không phải sợ phạm giới sát!. Nhà vườn ở quê Sư , xã Long Trung, Thị xã Cai Lậy trồng xoài thả kiến hôi làm cho cây trái có mùi hôi của kiến sâu không sanh, tiếp đến nuôi “kiến vàng” để khử ”kiến hôi” từ đó sâu không thể ở và cũng không sanh sôi được. Ba lọai nầy kỵ với nhau mà không sanh, chớ nhà vườn không làm chết sâu, kiến. Khi đến mùa, muốn hái xoài, trên cây có “kiến vàng” nhiều, không dùng lửa đốt tổ kiến, cũng không bẻ tổ kiến làm cho tổ tan rã, mà dùng “tro bếp” rải trên cây xoài, rải trên các nhánh xoài cho kiến đi, sau đó sẽ leo lên cây dùng “lồng tre” hái trái. Cách hái xoài nầy còn lắm thủ công, nhưng cũng tránh được việc giết đàn “kiến vàng”. Đây chỉ nói đến việc không phạm giới sát sâu, còn chuyện của nhà vườn ngày nay phải nhờ đến sự tư vấn kỹ thuật của các Kỷ Sư nông nghiệp, làm kinh tế mới có hiệu quả cao.

Làm vườn trong nhà vòm, lưới
Ở các nước Âu Mỹ, nhất là ở Hoa Kỳ trên đà tiên tiền, các nhà làm vườn đều trồng hoa mầu chính trên các cánh đồng năm trong nhà vòm để bảo đảm sương giá, sâu bọ, kết quả cho kinh tế đạt hiệu quả cao. Ở Việt Nam hiện nay có các nhà làm vườn chuyên nghiệp, trồng hoa mầu chính, gây tạo giống tốt, chăm sóc cho đến khi trổ hoa kết trái, kinh tế rất cao, như ở vùng cao nguyên Langbiang Đà Lạt, ở những vùng cao, vùng sâu vùng xa. Ở những vùng thời tiết khí hậu nóng như ở miền Nam, miền Đông Nam bộ, Thủ Đức, Quận 12, Tp.Hồ Chí Minh, Nha Mân, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Bến Tre trồng hoa mầu trong nhà vòm, có lưới bao phủ, có ni-lông trùm che, có khi phủ cả 1.000 mét vuông để bảo đảm cho sự phát triển của các loài hoa. Ở một số vùng thuộc tỉnh Tiền Giang trồng các loại hoa của xứ lạnh, nhà vườn đi học kỹ thuật trồng hoa trong nhà vòm, nhờ vậy mà trong nhà vòm 1.000 mét vuông đó không có sâu bọ sanh sản, nhà vườn không phải trừ diệt, vì sâu không sanh sản trước khi hoa trổ cho đến khi thu họach.

Câu chuyện sát chim sẻ

Người dân ở Trung Quốc, chịu một quá báo hậu quả của việc sát hại loài chim sẻ cho đến khi chim sẻ chết không kịp sanh nở, không còn chim sẻ cào cào châu chấu bắt đầu hoành hành phá hoại mùa màng của giới nông dân. 

Số là năm 1958, do thu họach vụ mùa kém, mọi người đổ lỗi cho chim chuột, ruồi muỗi, trong đó có loài chim sẻ. Giới nông dân Trung Quốc liệt kê chim sẻ vào trong danh sách phá hại mùa màng, gây thiệt hại cho phát triển nông nghiệp. Người nông dân Trung Quốc phát động chiến dịch đập gõ nồi, niêu và rượt đuổi chim sẻ khiến chúng sợ sệt bay đi. Ổ chim sẻ bị triệt phá, trứng bị đập vỡ, các chim con trong tổ bị giết hại.

Thế là vụ mùa năm sau được khá hơn năm trước vì không còn chim sẻ phá hại mùa màng, nhưng họ đã quên đi một sự thật là chim sẻ là khắc tinh của cào cào châu chấu. Chim sẻ sẽ ăn cào cào châu chấu, chim sẻ mất, cào cào châu chấu sanh. Các năm sau nạn cào cào châu chấu bắt đầu tràn ngập vùng miền quê sau đó phá nát mùa màng và kéo theo sau là một nạn đói xảy ra tại Trung Quốc.
Năm 1960 người nông dân nhận thấy chim sẻ ăn côn trùng nhiều hơn là ăn hạt thóc, thế là người nông dân ngưng diệt chim sẻ. Vào lúc đó thì quá trễ vì số lượng cào cào châu chấu đã bùng nổ ngoài tầm kiểm soát. Từ năm 1959 đến 1961, ước lượng có đến 30 triệu người chết đói trong nạn đói lớn ở Trung Quốc (chiến dịch diệt chim sẻ - Bách khoa toàn thư mở - Wikipedia). Người ta bắt đầu làm lại, nuôi chim sẻ để diệt cào cào châu chấu, nhưng không còn ai nghe những sự phát động nào nữa. Than ôi quả báo vì giết hại chim sẻ!

Diệt mối, kiến, gián

Gián, kiến, mối là những sanh linh hóa sanh tự sanh tự diệt, khi phát hiện là phải di dời chúng ngay. Gián đóng ở quần áo gậm nhấm quần áo, nhưng nếu dọn dẹp tủ sạch sẽ thì “gián” không có cở sở sống còn. Nhà cửa trống trải, không có gỗ mục thì không có “mối” sanh. Nền nhà làm theo kỹ thuật cao thì không có “kiến”, mối. Kiến là sanh vật làm tổ có tập đoàn tập thể. Đứng về mặt thô thì đây là những côn trùng chúng ta thấy không có ích lợi, thậm chí các loài nầy còn phá họai làm hư rách quần áo, sập nhà cửa, sập nền nhà dù đó là nhà bê tông, nhà tô. Tuy nhiên, đứng về mặt chuyển động của thiên nhiên thì chúng báo cho chúng ta biết có động đất, có nước dâng, có bão bùng, cũng có những ích lợi cơ bản trong đời sống chúng ta và xã hội. Là Phật tử đã quy y, có những lúc chúng ta thấy chúng có ích lợi thì để, không có ích lợi và làm tổn hại thì nên dời tổ mối và mối chúa, tổ kiến và kiến chúa, đem gián ra khỏi nhà trả chúng về với thiên nhiên... Các Bạn nên nhớ, chúng ta dời tổ kiến, tổ mối chứ không hủy diệt chúng nó. 

Việc làm trước nhất là chúng ta vái nguyện “...các loài côn trùng xưa nay sống chung, nhưng không phù hợp, nay xin chư thần chư vị thuyên chuyển nơi khác (vái nguyện 3 lần)...”, làm nghi lễ trịnh trọng như vậy 3 ngày, đến ngày thứ tư thắp nhang cúng vái xong thì mới tìm phương tiện thuyên chuyển tổ mối, tổ kiến. Tuyệt đối không nên nấu nước sôi đổ vào tổ kiến, không nên chế dầu mối thẳng vào tổ mối...Phật tử sẽ phạm giới sát, giảm thọ và giảm lòng từ.

Mất còn là việc chúng sanh
Làm việc phải biết ngọn ngành tương quan
Cái sanh cái diệt cõi phàm
Đừng để nhân quả xoáy mòn nhân thân

HT Thích Giác Quang



Có 1 phản hồi đến “Làm Thế Nào Để Không Mang Nghiệp Sát Sanh Khi Sử Dụng Phân Bón, Thuốc Trừ Sâu Trồng Trọt?”

  1. Nam mô a di đà phật

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com