VẤN: Con có đọc một số sách và những mẫu chuyện về sự tu hành niêm mật của các vị thiền sư ngày xưa. Có nhiều vị đắc đạo, nhập định, có cả thần thông. Con không hiểu nhập định nghĩa là gì? Nhập định có phải là xuất hồn không? Nhưng sinh ra thần thông là như thế nào khi nhập định vì thân vẫn còn đó? Con đọc có truyện Hòa thượng Tuyên Hóa giảng nói một vị thầy vì thương các hành giả tu thiền bị đói vì buổi tối không được ăn nên vị ấy nhập định vào nhà bếp mang cơm cháy cho các vị ấy ăn, rồi lại bị thầy trụ trì phát hiện vị thầy ấy nhâp định lấy đồ ăn trong nhà bếp khi không cho phép, như một kiểu ăn cắp, là bị phạm giới, phải bị trừng trị. Vậy nhập định rồi dùng thần thông mang đồ ăn là như thế nào, có phải như kiểu trong phim Tây Du Ký không? Nếu một vị có khả năng nhập định tạo thần thông như vậy có phải là đã đắc đạo không? Nếu đã đắc đạo thì làm sao còn bị vi phạm lỗi? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

I .

Nhập định

Nhập định, nhập là vào, định tức là thiền định, nhập định tức là vào định, thiền định là chú tâm, chuyên chú vào một chỗ nhất định, giúp cho người tu thoát khỏi những bóng ma vọng tưởng điên đảo, không vọng tưởng điên đảo thì không còn mê lầm, không chìm đắm trong sóng ngầm tham sân si, cái bệnh mà muôn đời chúng sanh khó thoát. Thiền cũng tức là yên lặng, mà định là an trú trong yên lặng, an trú một cách tĩnh thức, giác ngộ thuần thục, lần lượt dẫn đến chứng tam muội. Người an trú trong yên lặng nhiều giờ gọi là thiền định. Thiền định thì tâm không còn lưu xuất những khí độc tham sân si, hỷ nộ, ái, ố...những phiền não gốc thì yên lặng, làm cho thiền giả tỉnh thức, những tùy phiền não thì không sanh khởi, không có chỗ đeo bám. Người thực tập thiền định thì thân ngồi ngay thẳng, khẩu không nói lời bất thiện, tâm không ý nghĩ quàng xiêng, lục căn thống nhất một lòng với ý niệm, tạo thành một thế ngồi vững vàng như đảnh ba chân; đôi mắt nhìn ngay chớp mũi, xủ mày một phần ba, không hôn trầm không tán loạn. 

Thiền tông xem mọi vật thể mọi pháp trên thế gian là giả, là huyễn là không tự tánh dễ dàng xả bỏ, để lại một vùng tâm thức trống vắng với thời gian nhất định. Người nhập định như thế có hiệu quả, trí tuệ phát sanh, lần lượt giải thoát khổ đau phiền não, chấm dứt sanh tử luân hồi. Theo Nam tông Phật giáo thì tứ thiền là những vị trí mà người tu sĩ phải siêng năng công phu và chuẩn mực duyệt qua. Người tu thiền theo Nam tông thì phải thực tập nhập từ sơ thiền, đến nhị thiền, đến tam thiền, đến tứ thiền và tịnh phạm địa sau khi ruộng tâm của thiền sư như mảnh đất trống, không còn các lọai cỏ mọc hoang phế như xưa, con đường chứng đạo gần nhất với Thiền sư. Vị thiền sư tâm như chúa tể rừng xanh, không khoan nhượng bất cứ các loài mãnh thú, không dung chứa các phiền não tham sân si, không cho phép nóng giận dấy sanh, dục ái mọc mầm cắm rễ sâu vào vùng tâm thức. Thiền sư nhập định đến giai đoạn vong bặt các vọng thức, điều phục các chướng duyên, tự tại vô ngại trước các sở hữu pháp đeo bám từ vô thỉ, thuyên chuyển đến giai đoạn đắc đạo, giải thoát luân hồi sanh tử ngay trong hiện thế.

Kết quả của người tu thiền định không có đáp số là thần thông. Nếu đáp số là thần thông thì không ai tu thiền đâu? Tu thiền định là để giúp cho tam nghiệp thanh tịnh, thân tâm giải thoát những uế trược phàm phu, tiến đến thành Phật. Cuộc đời làm Thiền sư của Lô Sơn Huệ Viễn vào thế kỷ thứ VI, giáo hóa đại chúng chuyên niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc, thệ nguyện không đến vùng thành đô. Ngài Vân Thê Châu Hoằng dạy chúng lo niệm Phật giữ giới khiên cho chánh pháp thường còn, dùng pháp niệm Phật “đão võ” cho trời đổ mưa cứu dân lành. Ngài Trí Húc Linh Phong, giáo chúng niệm Phật niệm chú để thoát nạn tai bà tánh. ngài Ấn Quang đại sư, Hoằng Nhứt đại sư thì giáo chúng niệm Phật, giúp đời cứu đời thóat cảnh lầm than tai biến. Ngọc Lâm Quốc sư khuyến giáo chúng tụng kinh niệm Phật, làm đúng nghĩa người đệ tử Phật mà xiển dương chánh pháp...có vị nào cầu tu chứng thần thông, để “diệu võ dương oai” với thế cuộc?

Đức Phật ra đời là để cứu dân độ thế thoát vô minh, giải thoát sanh tử luân hồi, chứ không để dạy đệ tử tu chứng thần thông làm gì? Có ích lợi gì mà truyền bá, trong khi loài người trên hành tinh không thoát được nạn tai, đói rách, tam đồ bát nạn lẫy lừng làm cho thiên hạ phải điêu đứng. Cho nên khắp khuyên những ai là đệ tử Phật Thích Ca hãy quay đầu trở lại với bản tánh chơn như của mình, tìm về bến giác như trong mơ, không phải bận rộn những vọng chấp, chấp ngã và chấp pháp.

II .

Ý nghĩa thần thông

Đệ tử Phật tu hành đắc đạo, nhập định đắc tam muội ba la mật thì “có”, “diệu võ dương oai” biểu diễn thần thông thì “không”. Không “diệu võ dương oai” sử dụng thần thông mới là đệ tử Phật. Người đệ tử Phật thì tu chơn, không sử dụng thần thông, lo sử dụng thần thông thì đường luân hồi sẽ khai thông làm dẫn lộ rước chúng sanh vào ngõ tối triền miên.

Theo tự điển Việt Nam của Thanh Nghị, trang 1.302 thì thần thông là phép tắc mầu nhiệm của thần tiên, của những bậc tu hành đắc đạo. Xưa thường hiểu các bậc tu hành ở non núi luôn có phép tắc thần thông siêu đẳng hơn người thế gian, nghe nói người tu vừa mới xuống núi thì mạnh dạn nghĩ người tu đó có thần thông quảng đại. Mỗi khi thấy người tu núi thì khiếp sợ, dù giỏi giáo lý bao nhiêu cũng khiếp sợ, sợ người tu núi. Thường thì các bậc thần tiên ít xuống núi, nếu có là do đàn na tín thí cung thỉnh, hoặc nhu cầu cần thiết xua ma đuổi quỷ thì người trần tục đi núi thỉnh các đạo sĩ hạ sơn cứu bệnh, đuổi ma, trừ quỷ. Đó là suy nghĩ có truyền thống: “chỉ có người tu núi mới có thần thông đủ lực thâu hết tà ma quỷ quái nhốt trong hồ lô đem về núi dạy cho tu hành, trở lại hiền lành, không phá tán bàn dân thiên hạ nữa.

Thần là tinh thần, nội lực mạnh mẽ, tâm không chút sợ hãi ma quân, tức là không còn ưu ái thế gian. Thông là trí tuệ thông suốt biết quá khứ hiện tại vị lai gần hay xa của mình và chúng sanh. Người tu phép tắc thần thông là bậc có nội lực mạnh, trí tuệ siêu xuất lay chuyển thiên địa, con người, khiến cho con người phải tin. Thần thông thường xuất phát từ trong các tôn giáo, tôn giáo cổ đại hòa nhịp với thiên nhiên, tiếp nhận những ân điển tha lực vô hình rồi đem ban bố lại cho tín đồ, lẽ dĩ nhiên người tín đồ phải tin tưởng thôi. Không tin tưởng thì coi như bị bế tắc phần tín ngưỡng, không hưởng được sự hỗ trợ của các tu sĩ, lần lượt sẽ bị lọai trừ ra khỏi cộng đồng. Ngày xưa khi con người không có tín ngưỡng thần linh thì chắc chắn bị lọai trừ ra khỏi đời sống cộng đồng và chết mòn bởi một khối đá mê tín dị đoan: “thần thánh là trên hết”.

Câu chuyện một tu sĩ trẻ và vị đạo sĩ sau đây nói lên việc Đức Phật không cho phép đệ tử sử dụng thần thông, mà chỉ dạy đệ tử lo tu hành giải thoát: “buồi sáng, vị tu sĩ trẻ mới theo Phật, đi du hành khất thực, bách bộ đến bờ sông và muốn qua sông. Vị tu sĩ liền kêu đò, sau khi qua được sông, trả tiền cho bác lái đò một bối xĩ (một tiền bằng trà). Lúc đó có gặp một đạo sĩ dùng nón lá qua sông. Khi qua đến nơi, gặp đạo sĩ, vị tu sĩ hỏi: “đạo sĩ tu bao nhiêu năm mà qua sông chỉ bằng đi trên nón lá?” - tôi tu 40 năm, còn tu sĩ tu bao nhiêu năm rồi? Tôi mới tu vài tháng đạo sĩ ạ...!” Câu chuyện cho thấy Đức Phật không chủ trương dạy đệ tử tu thần thông phép tắc, mà dạy tu giải thoát, không tranh đua với đời, nên mới tu vài tháng cũng qua sông được, còn đạo sĩ phải tu đến 40 năm mới được qua sông!

Phép tắc thần thông theo Đức Phật là để diệt trừ những ma chướng, giải trừ tam độc do tâm vọng niệm, do lục căn phát sanh, diệt trừ những nghiệp lực do tâm tạo tác, làm cho thân khẩu ý đều thanh tịnh, các chướng ma, nội ma ngọai ma đều tiêu trừ. Thần thông cũng là kết quả quá trình tu hành khổ luyện mới thành tựu. Tuy nhiên, thần thông là một trong những phương tiện giúp cho người tu hàng phục những ma oán, nghiệp lực của thân khẩu ý. Mặc dù vậy, Đức Phật không cho phép đệ tử sử dụng thần thông, vì làm tăng bản ngã người tu, làm cho người tu dễ bị lợi dụng xuôi theo dòng đời, làm cho người tu dễ bị nhiễm ô thế tục, chạy theo tiền tài vật chất. Người sử dụng thần thông hay “diệu võ dương oai” trước bàn dân thiên hạ, hay khoe khoan mình tài giỏi hơn người, nhưng rốt rồi vẫn còn đắm chìm trong dục lạc, nữa Phật nữa ma, dễ làm mất niềm tin tha nhân.

Về việc người tu đắc thiền, có thần thông ban đêm xuất hồn đến nhà trù của chùa ăn cắp cơm cháy đem lên cho đại chúng thiền sinh đang đói bụng cùng ăn, thầy Trụ trì dùng thần thông bắt lấy lại của thường trụ, do đó các Sư bị kiết giới “ăn cắp”. Đây là chuyện “tỷ dụ” của Hòa Thượng Tuyên Hóa nói chuyện “hoằng giới hộ giới” trong “Bộ Luật Trừng Trị Tỳ Ni” vậy thôi. Chứ tu thiền có thần thông thì khí thông thần sáng, uế trược không còn, thân tâm trong sạch làm gì có chuyện “đói meo” giữa đêm và ăn cắp cơm cháy? Hơn nữa cũng không có việc Trụ trì dùng thần thông chận kẻ lấy cắp cơm cháy vào giữa đêm trừ tịch. Trụ trì thì lo gìn giữ Phật pháp, lo việc đại sự quan trọng hơn, làm gì có việc làm Trụ trì đi canh giữ mấy miếng cơm cháy? Đâu có hay ho gì mà gọi là thần thông biến hóa!

Tu pháp tắc thần thông là để sống hòa nhịp với môi trường khắc nghiệt, những nơi nóng thật nóng, lạnh thật lạnh như môi trường xứ Tibet, Bhutan, Sikkim. Tu pháp tắc thần thông như các Lạt Ma ở vùng cao nguyên, cũng đồng các tu sĩ ở đồng bằng tu học đạo giải thoát. Tuy nhiên tu ở vùng cao nguyên cần có lực dụng nội tại để điều phục muôn thú, điều hòa nóng lạnh, vượt đá băng rừng nên các Lạt Ma tu luyện pháp tắc thần thông và Phật giáo các vùng cao nguyên nầy thuộc Mật giáo.

III .

Lợi ích, tổn hại của pháp tắc thần thông

Như hai chương trên đã nói, Phật vẫn có thần thông, nhưng Ngài không truyền dạy thần thông, không cho phép đệ tử sử dụng thần thông. Thần thông của Phật là Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thần túc thông và Lậu tận thông. Chỉ có Phật mới có Lậu tận thông, hoặc tu chứng tam minh: thiên nhãn minh, túc mạng minh, lậu tận minh. Điều này cho thấy Đức Phật chỉ dùng thần thông để hoằng hóa pháp tu và giúp chư đệ tử tu đắc đạo chấm dứt những phiền não tham sân si, làm cho các lậu hoặc không phát sanh, kiểm soát được vùng ý thức vọng tưởng điên đảo, các lậu bị tận diệt, như cỏ được làm sạch tận gốc rễ, không phát sanh lên được. Cuộc đời hành đạo của Phật một đôi khi có thị hiện dùng thần thông làm phương tiện để cứu vớt chúng sanh.

Đức Phật dùng thần thông thuyết pháp

Trong kinh Địa Tạng, quyển thứ nhứt chương I, “Phật hiện thần thông”, có nói việc Đức Phật nhập định lên cung trời Đạo Lợi, thăm mẹ và thuyết pháp độ Thánh Mẫu cùng chư Thiên tu hành. Ý nghĩa nầy do kinh nói lại có dùng hai chữ thần thông, thích hợp với người ham thích tu có thần thông. Thật ra thì Phật nhập định, nhập từ bi quán tưởng niệm đến Thánh Mẫu Ma Gia, đang an trú ở thế giới chư Thiên, nguyện cho Thánh Mẫu được hướng về đường Phật đạo.

Vì để hàng phục ngọai đạo

Trong kinh Đại bát Niết Bàn, khi tranh luận với ngoại đạo Đức Phật không bao giờ khiếp sợ, như câu chuyện: “Người phụ nữ đang mang thai, một số ngọai đạo Ni Kiền tử làm phép tắc thần thông biến hóa thai nhi trở thành hoặc là nam hoặc là nữ và hiện tại ngọai đạo biến thai nhi trong lòng bà mẹ kia là nữ, rồi hướng dẫn Bà mẹ đến với Phật để tranh luận. Phật nhờ Thầy Thuốc Kỳ Bà xem thai nhi là nam hay nữ. Kỳ Bà dùng kỹ thuật riêng của Thầy Thuốc xem thai nhi là nam. Đến giờ tranh luận, Phật bảo thai nhi là “nam|, ngoại đạo bảo là “nữ”. Đến kỳ nở nhụy khai hoa, Bà mẹ sanh một cháu trai, ngọai đạo thất bại, vỡ mặt việc sử dụng pháp tắc thần thông. Từ đó ngọai đạo không đụng chạm với Giáo đòan của Phật nữa”

Vì để cứu Bạn

Trong sách Niệm Phật Thập Yếu của Hòa Thượng Thích Thiền Tâm có biên câu chuyện:” Thời nhà Tống (960-1279) Thiền sư Giới Diễn đang ngồi thiền móng tâm đến dục ái sau đó liền tự diệt. Thiền sư Quang Huệ ngồi kế bên dùng huệ tâm biết như thế, sau khi xả thiền Thiền sư Quang Huệ làm bài kệ cười chê Thiền sư Giới Diễn. Thiền sư tự ái và nhập định viên tịch, tái sanh kiếp sau thành đại thi hào Tô Đông Pha (1037-1101), tín ngưỡng cả Phật Khổng, Lão, cống cao ngã mạn, xem thường Tăng. Thiền sư Quang Huệ biết và liền nhập định viên tịch theo tái sanh làm Thiền sư Phật Ấn để giúp Tô Đông Pha trở lại với Phật pháp, sau cùng cứu được Tô Đông Pha theo Phật tu hành.

Có thần thông vẫn sa vào hố thẳm

Thời Phật sanh tiền, đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất tu tiên đắc Phi Phi Tưởng Xứ định, có ngũ thông. Mỗi ngày ông dùng thần thông bay tới cung vua nhận cúng dường. Hôm đó vua đi vắng, dặn Công chúa khi đạo sĩ tới phải tiếp đãi, cúng dường cho chu đáo. Theo lệ mỗi lần ông Uất Đầu Lam Phất tới, vua thường dìu ông lên đài ngồi và cúng dường. Bấy giờ, Công chúa cũng đỡ ông lên đài ngồi, nhưng do xúc chạm với thân nữ nên tâm dục của đạo sĩ khởi lên, liền bị mất thần thông. Thọ trai xong, đạo sĩ không biết làm thế nào để bay về, đành nói với Công chúa: - Bấy lâu, ta thường dùng thần thông bay đến rồi về, không có dịp cho dân chúng chiêm bái, nay ta sẽ đi bộ về cho họ chiêm bái. Nghe vậy Công chúa cũng đưa đạo sĩ đi bộ về. Ở non núi, ông ngồi thiền bên bờ suối, có tiếng nước suối chảy róc rách, tiếng cá lội chim kêu làm tâm rối loạn, đạo sĩ nổi sân thệ nguyện: “Sau này sẽ làm con chồn bay để ăn hết tụi bay”. Về sau, đạo sĩ cố gắng tu và đắc định sanh lên cõi trời Phi Phi Tưởng Xứ. Đức Phật dùng thiên nhãn thấy đạo sĩ sống đến hàng tỷ năm, nhưng khi hết kiếp sống trên cõi trời sẽ bị đọa làm con chồn bay.

Vô ngã mới đắc đạo

Tứ Tổ Đạo Tín (580-651) hoằng đạo thiền, khi tuổi già tìm người kế thế mà không có. Ngày nọ có vị đạo sĩ cũng tuổi già đến xin Tổ sư truyền đạo thiền. Tổ nói: Ông đã già, tôi vừa truyền cho ông thì ông tịch, làm sau tiếp tục hoằng truyền, nếu ông tái sanh được, ta sẽ truyền cho ông. Đạo sĩ ra về di ngang dòng suối, gặp cô con gái nhà họ Châu đang giặt lụa, Đạo sĩ nói: “xin cho tôi ở nhờ một đêm”. Nói xong rồi đi. Thời gian sau cô gái không chồng mà mang thai, bị cha me đuổi ra khỏi nhà. Cô gái rày đây mai đó ăn xin, đến ngày nở nhụy khai hoa, sanh cháu trai kháu khỉnh, được mẹ ẵm bồng chăm sóc nuôi dưỡng bằng những bát sữa ăn xin. Năm lên sáu tuổi, đang đi ăn xin cùng vời mẹ thì gặp Tứ Tổ. Tứ Tổ biết đây là đạo sĩ tái sanh, liền đón mẹ con về chùa và độ cho mẹ con tu hành. Tổ hỏi: bé không họ? Bé trả lời: có chứ! Tổ hỏi: họ gì?. Bé trả lời: con họ Phật. Tổ biết đạo sĩ tái sanh bèn rước mẹ con về nuôi dưỡng dạy dỗ và đặt tên là Hoằng Nhẫn. Khi lớn lên Tổ Đạo Tín truyền đạo cho Hoằng Nhẫn làm Ngũ Tổ nối thừa đạo thiền của Tứ Tổ (Qui Nguyên Trực chỉ, quyển Thượng - Đoàn Trung Còn dịch và chú giải).

Năm 1976, sau ngày hòa bình, kinh tế đất nước gặp khó khăn, lương thực, thực phẩm không đủ cung cấp cho nhân dân, chư Tăng Ni Quan Âm Tu Viện phát tâm đi tăng gia sản xuất tự túc kinh tế nhà chùa. Đến giờ thọ thực, các tu sĩ chỉ ăn khoai mì, mì ăn liền (mì vụn). Có một số đạo sĩ tu mật tông, luyện chú, trong đó có ông H....B.....tu luyện cao kiến, nói chuyện nghe hùng hồn về pháp tắc thần thông, nào là sái đậu thành binh, nào là đi trên mây, lụt bão làm cho hết lụt bão...Lúc bấy giờ đạo sĩ có tiên đoán người bệnh “bị thư cái kéo” trong bụng, trong khi đem bệnh nhân đến Tôn sư thì Tôn sư chỉ phương pháp ăn “cháu nếp hòa với sữa” trị bệnh loét bao tử, hoặc đi bác sĩ chữa bệnh. Tuy nhiên, đạo sĩ xin Tôn sư cho chữa bệnh bị “thư ếm” lấy “kéo” ra khỏi bụng bệnh nhân. Lúc đó, Sư xen vào nói với cư sĩ trị bệnh như vậy là là mê tín, không thực tế, dù cư sĩ có tu luyện bao nhiêu cũng không chữa lành bệnh đau bao tử, rất phản khoa học! Do đó, người bệnh nên nghe lời Tôn sư đi Bác sĩ trị bệnh. Nếu đạo sĩ có tài thì nên biến hóa nhiều lúa gạo cho dân đỡ đói ngay lúc nầy hơn là trị bệnh bị “thư ếm” mới tuyệt vời!...cười!. Cuối cùng người nhà đem bệnh nhân đến Bác sị trị bệnh...vị đạo sĩ đó ngày nay vẫn còn tu tại vùng núi Bà Rịa, gia đình bệnh nhân vẫn còn tu hành cư trú tại Long An (Quan Âm Tu Viện - tự truyện)

Tóm lại

Qua các truyện có liên quan đến pháp tắc thần thông cho chúng ta thấy pháp tắc thần thông là công đức của quá trình tu hành. Xưa nay không ít người tu luyện và thường xuyên sử dụng, nhưng trí tuệ kém, như các Gian Đạo sĩ tu luyện ở Chọt xim núi Tà Lơn, Thất Sơn, các thầy pháp, thầy cúng nửa vời... hiệu quả không đi đến đâu, nên không gọi là chứng đắc, bậc đắc đạo.. Chỉ có các bậc Phật thánh, hiền triết của Phật giáo khi cần thiết lắm mới sử dụng đạo lực thần thông để làm lợi lạc chúng sanh một cách tích cực. Người có đạo lực thần thông là phải triệt để chấm dứt lậu tận (lậu tận minh, lậu tận thông), mới cứu rỗi được chúng sanh thoát hóa luân hồi, đó mới là bậc tu hành đắc đạo. Ngược lại những pháp tắc thần thông dùng để đi du hí, buôn thần bán thánh, giao hoan với nữ giới, phô diễn với người nhẹ dạ dễ tin, tâm vọng tưởng điên đảo thì sa hầm sụp hố như đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất, hoặc không ích lợi gì trong đời Bạn!

Thần thông diệu dụng cứu dân

Đạo lực rốt ráo tinh thần lặng yên

Ngày ngày chuyên nhứt tâm thiền

Mới mong đạo lý tam minh xuất thần

HT Thích Giác Quang




Có phản hồi đến “Nhập Định Có Phải Là Xuất Hồn? Thần Thông Có Phải Là Đắc Đạo Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com