VẤN: Mỗi khi vào chùa con đều thấy có hòm công đức. Tuy nhiên đến một số chùa còn có cả dịch vụ bàn tiếp lễ, viết phiếu công đức khi cúng dường giống một kiểu bằng khen thu nhỏ. Nhiều Phật tử được khuyến khích nhận phiếu công đức về nhà để dán lên hoặc giữ làm kỷ niệm. Thật sự con cảm thấy không bình thường nên con không bao giờ nhận phiếu công đức. Con thấy việc này có vẽ rầm rộ vì giờ nơi đâu không chỉ chùa chiền mà các đền thờ cũng có dịch vụ công đức ghi phiếu. Nhiều người còn nhận phiếu công đức dùm. Rồi ở những chùa tổ chức quyên góp từ thiện, quyên góp xây chùa cũng lại ghi tên họ danh sách của tất cả những ai cúng dường theo thứ tự người nhiều tiền đến ít tiền, có chùa đăng công khai cả trên mạng. Cũng vì việc này con thấy xảy ra nhiều việc như Phật tử nghèo khó thấy hỗ thẹn không muốn đến chùa, người có tiền lại tăng bản ngã, sinh ra rất nhiều sự ganh ghét đố kỵ với Phật tử. Xin Sư cho con biết việc phát phiếu công đức, đăng công khai danh sách số tiền công đức của những Phật tử cúng dường cho chùa như vậy có nên không? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

ĐÁP:

I .

Ý nghĩa thùng công đức

Hòm công đức, là danh từ chung còn gọi là thùng tùy hỷ công đức, thùng công đức phước điền, thùng cúng dường Tam Bảo, thùng tùy hỷ, hay gọi là thùng công đức. Nơi Thầy Trụ trì hay Ban Quản trị một ngôi chùa, thiền viện, tu viện, tịnh xá đặt để một cái thùng có chiều cao 1,2 mét, ngang 0,8 mét, bề dày 0,35 mét, trước ngôi Tam Bảo, phía phải hoặc phía trái ngôi Tam Bảo, hoặc ở giữa ngôi Tam Bảo, giữa thùng có một vạch nhỏ khoảng một phân nhằm giúp cho Phật tử có nơi cúng dường Tam Bảo mà không bị mất. Thường thì người tín đồ Phật tử, Phật tử Bổn đạo đến cúng dường Tam Bảo trực tiếp với Thầy Trụ trì, không gặp Trụ trì thì cúng dường vào thùng công đức. Trường hợp Phật tử đi chùa không gặp Trụ trì để cúng dường thì tặng vật cúng dường trái cây, hương đăng, trà quả được dâng lên Phật, còn phong bì thì gởi vào thùng công đức, chớ tuyệt đối không đưa phong bì cho vị Thượng Tọa, Đại Đức khác hoặc đại chúng Tăng Ni .

Định nghĩa: công đức là chữ nôm, công là công việc, công sức, công phu công quả. Đức là bao gồm những công việc hoàn thành tốt, hoan hỷ làm việc thiện. Công đức là làm việc giúp người, khiến cho người được an vui, đem công sức của mình làm cho thành tựu. Thùng công đức là thùng chứa những tiền bạc của người hỷ cúng, các tịnh tài đó sẽ được đem thực hiện các việc lợi ích cho đạo, cho đời, nuôi Tăng Ni, trùng tu ngôi Tam Bảo.

Thùng công đức (ngôn ngữ miền Nam), hòm công đức (ngôn ngữ miền Bắc) còn có nhiều tên gọi khác nhau, mỗi tên gọi là một công dụng, nhưng chung quy cũng là thùng công đức, như: Thùng tùy hỷ công đức, là nơi tín đồ cúng một ít tịnh tài gởi vào đó bao nhiêu cũng được - Thùng công đức phước điền, là nơi người tín đồ cúng dường tịnh tài như gieo giống vào ruộng phước, mai sau hưởng được nhiều lúa - Thùng cúng dường Tam Bảo, là nơi tín đồ cúng dường để trùng tu Tam Bảo, nuôi học Tăng - Tại cùa Tỉnh Hội Phật giáo Đồng Nai, xã Hiệp Hòa có thùng công đức đề là Tam Bảo Phước Điền là ba ngôi báu Phật pháp tăng là ruộng phước, người cúng dường Tam Bảo như người gieo giống vào ruộng phước thu họach đạt những giống lúa tốt, người cúng dường Tam Bảo sẽ thu họach được phước đức và trí tuệ viên dung trong tương lai. Nhìn chung các lọai thùng công đức có tên gọi khác nhau, nhưng cũng là đem lại công đức tròn đầy cho chúng sanh những ai biết gieo ruộng phước. Ngoài ra còn có “thúng phước sương” là lời kêu gọi bạn hãy cho một ít tiền vào đây, để làm lợi ích chung.

Bàn tiếp lễ cúng dường

Ngày nay tại các trung tâm tự viện lớn và những ngôi cổ tự danh lam, Thầy Trụ trì có tổ chức lâp bàn tiếp lễ thường trực, có vị Sư tri sự là người được tín nhiệm thay mặt Trụ trì tiếp nhận tặng phẩm cúng dường, ghi vào sổ, làm phiếu công đức để ghi nhận công đức người cúng dường và kiểm soát người thu nhận. Mặc khác khi người cư sĩ cúng dường Tặng phẩm chư Tăng Ni, nếu là quà hiện vật thì trao trực tiếp còn cúng tiền để vào phong bì dán kín, sau đó dâng cúng dường chư Tăng Ni tại quả đường.

Thùng gởi tiền hầu hết các vùng miền từ thành thị đến nông thôn hiện nay khi có đám cười, đám tang chay, cũng có sử dụng thùng kiến, có chừa khe hở để bà con hàng xóm láng giềng đến đi lễ và cúng, phúng điếu vào thùng. Thùng ủng hộ cứu trợ đến mùa mưa bão, bà con ở các vùng bị nạn, được các thanh niên nam nữ, các hội đoàn thiết kế nhiều thùng nhỏ ôm trước ngực, những người đi tuyên truyền vận động quyên góp ủng hộ bà con bị thiên tai lũ lụt

Có điều không hợp lý, ngày nay thùng công đức của chùa biến thành thùng tùy hỷ ở nhiều nơi trong chùa, như Phật, Bồ Tát lộ thiên, các bậc Bồ Tát, thành hiền, nói chúng là các bàn thờ trong chùa, thậm chí đến bàn thờ vong linh, bàn ghi cúng sao hội, cúng cầu an cũng có đặt thùng công đức. Hiện nay thùng công đức ảnh hưởng đến các nhà hàng ăn uống chay, mặn. Nơi đây làm thùng từ thiện xin tiền cứu trợ, cho người nghèo, thùng từ thiện đặt tại các bàn ăn, thùng từ thiện đặt tại toilet của nhà hàng.

II .

Xuất xứ thùng công đức

(trích) Pháp vật “thùng công đức” là do các Tăng sĩ phát minh ra sau khi Phật giáo truyền sang phương Bắc. Hình dáng của nó giống như thùng bỏ phiếu ngày nay vậy. Thường được đặt phía trước hoặc kế bên bàn thờ của chánh điện, cũng có khi đặt ở các điện thờ hoặc vị trí khác, tùy theo sự sắp xếp của vị Trụ trì.

Thùng công đức, nó là một cái tủ nhỏ để đựng tiền của thí chủ cúng dường, phía trên có viết: “Quảng chúng phước điền” tức là phát tâm rộng rãi gieo trồng vào ruộng phước, phước điền tam bảo, công đức sương, thùng công đức, thùng tam bảo, thùng phước điền,… Và cũng có khi không để chữ, chỉ cần để ngay trước bàn thờ thì người hộ trì tam bảo biết. Với ý nghĩa nhằm khuyên mọi người nên kết duyên, xả bỏ ái tài, gieo trồng nhân lành vào thửa ruộng công đức ngôi tam bảo, thì sẽ được phước quả.

Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài và Tăng đoàn sống một cuộc đời thanh khiết, biết đủ, giản dị, hằng ngày đi khất thực để nuôi sắc thân, ăn một bữa giữa trưa, không nấu chứa để thức ăn. Ngoài y bát và một vài vật dụng phải có để duy trì cuộc sống ra, không cất giữ đồ vật gì khác. Ngài là đấng sáng lập ra đạo Phật và cũng là bậc thầy tiêu biểu cho chư thiên và loài người. Phương thức sống của Đức Phật Thích Ca không chỉ thể hiện qua tinh thần Phật giáo, mà còn phản ánh về phong tục tập quán của nhân dân Ấn Độ thời xưa.

Ở Ấn Độ xưa, người dân cho rằng người xuất gia tu hành là thay mình chịu khổ. Vì thế cúng dường người xuất gia là bổn phận mà mình phải hết lòng. Bất kỳ người xuất gia là ai, quen biết hay không quen biết, nhưng khi đến trước cửa nhà mình khất thực thì liền đem những thức ăn ngon nhất ra để cúng dường, nhằm kết duyên với đạo giải thoát...(hết trích Web Thùng công đức - Thích Thiện Phước).

Sau khi Đức Phật Bổn sư Niết bàn bảy ngày, Trưởng lão Ca Diếp triệu tập chư Trưởng lão tổ chức kết tập tam tạng thánh điển lần thứ nhất tại hang Thất La Phiệt. Lần nầy chư Trưởng lão đều thống nhất ý tưởng không lập thành nhiều bộ phái, gọi là kết tập Thanh Văn tạng, nhưng chỉ có hai tạng là Kinh tạng và Luật tạng. Tuy nhiên, trong khi đó ngoài hang Thất La Phiệt, có các vị Bồ tát ngọai hộ tổ chức kết tập Bồ Tát tạng. Một trăm năm sau do có sự bất ổn nội bộ về việc phân phái, nên Trưởng lão Da Xá triệu tập chư Trưởng lão tiến hành kết tập lần thứ hai (tức năm 443 trước Công Nguyên), các Tăng sĩ Ấn Độ vẫn không chịu nhận cúng dường bằng tiền. Tuy nhiên, sau lần tập kết này, đã phân thành hai bộ phái: Thượng tọa và Đại chúng (Lịch sử Phật giáo Ấn Độ - HT Thíc Thanh Kiểm).

Đại chúng bộ do Ngài Giác Thiên bắt đầu khẳng định có thể nhận cúng dường bằng tiền và thừa nhận việc cất giữ tiền, chứa đồ ăn cách đêm là hợp pháp. Thế nhưng, Thượng tọa bộ đứng đầu là Trưởng lão Da Xá vẫn giữ thái độ không giữ tiền bạc, tài sản như thời Đức Phật sanh tiền.

Theo thời gian phong tục ấy cũng thay đổi dần cho đến khi Phật giáo truyền sang phương Bắc vào thế kỷ thứ VI, đời nhà Lương, vua Lương Võ Đế trị vì và hộ Phật. Lúc bấy giờ chư Tăng được sự hộ trì của đàn na tín thí, bởi các vị: quốc vương, vương tử, đại thần, các hoàng hậu, vương phi, hoàng thân quốc thích … phụng thờ ngôi tam bảo, xây dựng chùa chiền (Lịch sử Phật giáo Trung Quốc - HT Thích Thanh Kiểm). Do phong tục quốc độ khác nhau nên chư Tăng không còn đi trì bình khất thực bên ngoài như thời Đức Phật sanh tiền, mà chỉ ở tại tự viện tiếp nhận các vật phẩm đàn na cúng dường. Phật sự cúng dường công đức, cúng dường Tam bảo, cúng dường tùy hỷ, công đức phước điền, tùy hỷ công đức có từ đây.

Hai chữ “công đức” này, theo kinh “Thắng Man” quyển thượng có ghi: “Dứt sạch hết các điều ác gọi là công, tích đầy những điều thiện gọi là đức. Đức tức là được vậy. Bỏ ác sẽ được quả thiện cho nên gọi là công đức.”

Trong “Nhân Vương Kinh Sớ” quyển thượng của ngài Trí Giả đại sư ghi: “Ban tặng vật cho người gọi là công, quay về với chính mình gọi là đức”.

Do vậy, “Thùng công đức” là nơi mà các người tín chủ phát tâm hộ trì, gieo trồng hạt giống phước lành vào ngôi Tam bảo, đó là sự góp phần công đức của đàn việt trợ duyên, đúng với lời huyền ký của Phật dành cho giới xuất gia và tại gia làm cho ba ngôi quý báu của Phật tồn tại mãi trong đời.

III .

Các hình thức cúng dường

Xưa nay tín đồ Phật tử miền Bắc thì cúng dường tiền ngay chỗ tượng Phật ngồi, bàn tay Phật, đầu gối Phật, nách Phật, đôi khi thảy tiền xuống hồ nước để cúng thần linh. Phật tử miền Trung cúng dường Tam Bảo, cúng tiền trong rổ.. Phật giáo Nam tông Khmer, Campuchia thì cúng tiền bằng cách cột dây vào các cây kiểng trước sân chùa, sau khi mãn cuộc lễ hội, mọi người ra về, thì Trụ trì và chư Tăng mới ra gở tiền đem vào, ghi vào sổ và chi xuất.

“Cúng dường” là tiếng đọc trại từ chữ “cung dưỡng”, nghĩa là “cung cấp dưỡng nuôi”, trợ duyên cho chư Tăng Ni ở chốn thiền lâm, tịnh xá tu viện, hành trì giữ gìn giới pháp, những lời dạy của Phật, khiến cho chánh pháp thường còn, không họai diệt. Là phép tắc của người cư sĩ kính dâng, hiến tặng cho người xuất gia, cung cấp dưỡng nuôi bằng vật chất, tiền bạc. Phép cúng dường bên Đạo Phật Khất sĩ xưa thật nghiêm túc, quý Sư không nhận giữ tiền, chư Sư đi trì bình khất thực, thuyết pháp, đi đến đâu có tín chủ đi theo chi trả tiền xe, trên đầu quý Sư không đội nón không che dù, không mang giày dép, không giữ tiền bạc vàng và đi hoài đi mãi như một vị du tăng đầu đà khổ hạnh. Khi Đạo Phật truyền vào Trung Hoa, đến thế kỷ thứ X (?-916), sự khổ hạnh của quý Sư vẫn tăng trưởng và đẹp đẽ vô cùng, từ đó nên chốn thiền, nhất là bên Đạo Phật Khất Sĩ quý Sư thường giảng câu kệ:

“Nhất bát thiên gia phạn,

Cô thân vạn lý du,

Thanh mục đổ nhân thiểu,

Vấn lộ bạch vân đầu .

Nghĩa:

Bình bát cơm ngàn nhà,

Thân chơi muôn dặm xa,

Mắt xanh xem người thế,

Mây trắng hỏi đường qua.

(Bố Đại Hòa Thượng - Tự điển Phật học Tịnh Tuyển)

Nay vì phương tiện đi lại quý Sư cần phải có tiền để chi trả cước phí xe cộ, một số chi tiêu khác... nên thỉnh thoảng có nhận ít kim ngân. Những vị còn giữ hạnh không giữ tiền bạc vàng và đi đâu vẫn còn dắt theo bà hay ông tín chủ để hộ trì như xưa. Người cư sĩ khởi tâm cúng dường, vị ấy quỳ trước quý Sư và nguyện “mô Phật bạch Sư con xin cúng dường, hay mô Phật bạch quý Sư con xin được “sớt bát”, xin quý Sư chứng minh thọ nhận..”

Bên Nam tông Phật giáo cũng thế, năm 1965 khi quý Sư từ trên núi Bồng Lai về tại Saigon đăng ký dự khóa học tiếng pali tại chùa Thiền Quang I, Phú Nhuận, tham dự nhiều buổi lễ cúng dường rất trân trọng. Vị bạch y rất quý chư Tăng, khi cúng dường vật chất, tiền bạc hay “để bát”, quý vị bạch y nguyện như vầy: “mô Phật bạch Sư chúng con xin “để bát” cúng dường quý Sư, xin quý Sư hoan hỷ chứng minh thọ nhận. Khi cư sĩ cúng vật chất hay tiền bạc, vị Sư đưa tay phải úp lên đĩa hay bát để thọ nhận. Xem ra thì quý Sư, quý Thầy tu xưa rất đơn giản nghiêm túc về giới luật, việc cúng bái ít, không làm phiền lòng quý Sư nhiều. Vả lại, quý Sư đi trì bình khất thực chỉ đủ ăn không tham lam cất giữ, không bỏn sẻn tiền bạc vật chất, chứa cất đây kho, chùa chiền như kho lẫm, chứa cất vật dụng đàn na.

Cúng dường tiền trong chuông

Hiện nay có nhiều chùa thu nhận tiền của tín đồ bằng cách gởi số tiền vào chuông gia trì, có những tu sĩ được sự tín nhiệm của Trụ trì giao cho quản lý số tiền của bá tánh cúng dường. Thiết nghĩ, đàn na tín thí là người tốt biết trích số tiền của gia đình để đến chùa cúng dường, thì vị tu sĩ sá gì mớ vật chất kia mà thâm lạm của Tam Bảo, chẳng lẽ thua người tín đồ hay sao? Nên ở Việt Nam có một vài chùa lớn, có tổ chức Tăng đoàn, Ban Quản trị mỗi người đều có trách nhiệm, có Phật sự riêng rất kỷ cương, không có việc tu sĩ tham lạm tiền Tam Bảo.

Cúng dường tiền trao tay

Chùa không làm thùng công đức, thường là tu viện có chư Tăng hoặc chư Ni tu hành tập thể, tinh thần cộng đồng lên rất cao, mọi người tu đều có trách nhiệm, giữ gìn tài sản của người tu lẫn nhau, ít có khi nào làm mất mát tiền Tam Bảo hay làm mất lòng lẫn nhau. Người tín đồ muốn cúng dường Tam Bảo thì gởi ngay Thầy Trụ trì hay một vị Phó Trụ trì, Trợ lý Trụ trì, hoặc một tu sĩ mà Trụ trì tín nhiệm.

Cúng tại bàn tiếp lễ

Bàn tiếp lễ, viết phiếu công đức, ghi nhận công đức của người cúng, dù là cúng bao nhiêu người có trách nhiệm cũng phải ghi, không ghi xem như người nhận thiếu nợ đàn na tín thí. Ghi vào sổ, Ghi nhận công đức, Phiếu ghi công đức có nhiều lọai: lọai nhỏ, loại vừa và lọai lớn.

Ghi vào sổ vàng, bảng vàng: các chùa lớn có thiết bàn tiếp lễ, vi Trị sự tiếp lễ có trách nhiệm ghi tên tuổi, pháp danh, địa chỉ người cúng và cúng bao nhiêu, ngày nào? vào sổ vàng công đức, ghi vào bảng vàng công đức. Việc làm nầy nếu không làm thì cũng không ai nói năng, chỉ trích gì cả! Nhưng nếu không làm thì cũng không nên.

Ghi nhận công đức: là loại phiếu nhỏ, ghi họ tên, pháp danh người cúng, cúng bao nhiêu, ngày nào, mục đích gì, phiếu nầy do Trụ trì ký tên đóng dấu. Vi Thư ký viết phiếu ký tên, vị thủ quỹ giữ tiền.

Đăng tên tuổi người cúng lên trang website: là việc làm của các tự viện hiện nay, không thể thiếu sót và không quan tâm đến việc ngươi tín đồ phát tâm cúng dường Tam Bảo

Tóm lại, Chùa, Tinh xá (Tịnh xá), Tu viện, Thiền viện theo nghĩa đen là nơi lưu trử những lời thuyết giáo của Đức Phật (Tự điển Phật Quang), tạo thành những kinh sách quý báu được giữ gìn và phổ biến dấu chân người xưa giúp chúng sanh tu giải thoát. Nơi đó còn có chư Tăng, chư Ni (xuất gia), giữ gìn chánh pháp của Phật. Có chư vị cư sĩ, đàn việt (tại gia) tín thí hộ trì Tam Bảo cúng dường theo lời huyền ký của Phật, có sự kết hợp của người xuất gia và cư sĩ giữ gìn giáo pháp Phật, làm cho giáo pháp được tuyên lưu trong đời lâu bền...” Những người cúng dường đầu tiên cho Phật là cư sĩ Su Ja Ta cúng dường bát cháo sữa, cư sĩ Cấp Cô Độc, Thái tử Kỳ Đà cúng dường vàng, đất xây dựng Tịnh xá Kỳ Viên...cư sĩ Thuần Đà cúng dường bữa cơm cuối cùng. Tuy nhiên, việc cúng dường thời Phật sanh tiền không có chứa cất giữ, để lại ban đêm nên không có ghi phiếu công đức. Bắt đầu từ 100 năm sau Phật nhập diệt, ngài Đại Thiên chế tác cho chư Tăng cất giữ vật chất lương thực, việc có thu, có chi và có chứa cất giữ gìn nên nhất thiết phải có sổ sách.

Năm việc ghi vào bảng vàng công đức treo trên tường những nơi dễ thấy; cúng dường tại bàn tiếp lễ; ghi vào sổ vàng; ghi nhận công đức; đăng tên tuổi người cúng lên trang website...Đứng về gốc độ người tu vô ngã lợi tha thì người cúng dường không cần ghi tên tuổi, người cúng không cần mọi người biết mình cúng bao nhiêu, không cần tôn vinh danh tánh, nhưng đối với tự viện là cần thiết và là trách nhiệm của Ban Trị trì, Trụ trì, việc làm của vị Sư Trị sự, người nhận tiền công đức không thể thiếu. Việc cúng dường ghi vào bảng vàng công đức, ghi phiếu công đức tạo cho việc hành đạo của quý Sư sáng tỏ, mọi người có niềm tin Tam Bảo hơn, người cúng không phải nghi ngờ người nhận

Tuyên dương công đức, Bằng công đức, cấp Trung Ương, tuyên dương công đức cấp tỉnh, tuyên dương công đức cấp Quận, huyện, thị, thành thuộc tỉnh...theo hiến chương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam do Giáo Hội các cấp xét cấp bằng, các tự viện không có chức năng cấp bằng tuyên dương công đức.

Bảng vàng công đức xây chùa

Cúng dường Tam Bảo là vua pháp lành

Người cúng không muốn mang danh

Nhưng không ghi kỹ sao đành yên tâm.

HT Thích Giác Quang



Có 1 phản hồi đến “Có Nên Phát Phiếu Công Đức, Đăng Công Khai Danh Sách Phật Tử Cúng Dường Tam Bảo Không?”

  1. Thanh Quy đã nói

    Con xin cảm ơn Sư đã trả lời thắc mắc của con . Giờ con đã rõ rồi ạ

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com