VẤN: Con nghe nói người tu niêm mật, người tu hành giỏi thì sẽ có hảo tướng rất đẹp. Bạn con thắc mắc vì sao nhìn các thầy ai cũng thường có hảo tướng, khuôn mặt như nhau và nói rằng có thể sau khi thọ giới, các vị thầy đã được Phật chứng nên hảo tướng hiện ra. Con cũng nghe giảng rằng“tướng tự tâm sanh, tướng tùng tâm diệt.” Thầy giảng rằng chỉ cần nhìn vào khuôn mặt của một người là biết người đó có tu hay không. Tuy vậy, con thấy có nhiều vị thầy tướng rất đẹp nhưng vẫn bị mắc nạn, bị phạm giới vậy là vì sao? Nhiều Phật tử tu nhìn tướng rất đẹp nhưng họ cũng làm việc ác. Ngược lại, con thấy nhiều vị tổ sư, nhiều vị thầy hình tướng rất khắc khổ, không hề đẹp nhưng nghe nói là các bậc tu giỏi đắc pháp. Phật giáo có dựa vào hình tướng để phán đoán người tu tốt hay không? Phật tử như chúng con tu hành có giúp thay đổi tướng trạng, thay đổi số kiếp nhân quả không? Con xin cảm ơn Sư

ĐÁP:

Đẹp xấu là lẽ thường tình của thế gian, không nhất thiết phải niệm Phật để được tướng hảo. Nhà tu có ý thức tu luyện cho mặt mày đẹp đẽ là những nhà tu Mật ở vùng Tây Á, phương đây không dùng thủ thuật đó trong đời sống Tăng già. Nếu nói là tu để được tướng hảo thì người tu các pháp môn khác như thiền, luật, mật vẫn xuất hiện những tướng tu hành, tướng Sa môn, tướng tôn giả, chứ không phải tướng đẹp như thế gian. Thường thấy trong nhân gian những nhà tu Phật “độ mặn ăn thịt chúng sanh, thêm một ít rượu”, tướng pháp mặt đỏ gay, trắng trẻo, hồng hào, chẳng lẽ những người nầy đúng hay sao.

Có người mặt đẹp nhưng lòng dạ xấu ác chẳng tu hành gì, hay tu giả tu dối mặt vẫn đẹp, nhưng không có tướng Sa môn, tướng Tôn giả. Có người mặt mày xấu xí nhưng tâm hiền như “Bụt”, xuất hiện tướng đại Sa môn. Thường người thế gian không thâm thấu được nội tâm của người khác, thấy nhà tu tướng hảo cho là tu nhiều, tu giỏi, thì thật bất công với các bậc “thiền gia chân chánh” xưa nay. Bạn ơi, nếu chỉ nhìn bên ngoài mà đánh giá “hiền dữ, đẹp xấu”, tu nhiều tu ít thì chẳng ra sao cả.

I. “Tướng xuất hiện theo tâm”

Trước nhất xin nói về sự liên quan giữa tâm và tướng với câu:

“Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh.

Hữu tướng vô tâm, tức tùng tâm diệt

Câu nói bao hàm ý nghĩa rất sâu xa và sâu sắc. Tuy nhiên, câu nầy phải nói như vầy mới đúng:

“Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh.

Hữu tướng vô tâm, tức tùy tâm diệt

Nghĩa là

Có tâm không tướng

Tướng tự tâm mà sanh

Có tướng nhưng không có tâm

Tướng sẽ theo tâm mà diệt độ

(Thư viện Hoa Sen - Tâm và Tướng - Thành Văn)

Nhứt thiết duy tâm tạo

Tâm tốt sanh tướng tốt, tâm thiện sanh tướng thiện. Tương thiện là tướng không làm ác, mọi người thấy đều sanh cảm tình. Tâm tốt hiện tướng tốt cũng do quá trình tu hành, không sát sanh hại vật, không lường cân tráo đấu, không trốn thuế dối đó, không tham lam của người khác. Không đem của người khác về làm của mình, một đời giữ trung trinh tiết liệt, sống một vợ một chồng, không thâm lam vợ đẹp con xinh của người, không cướp vợ người, làm gia đình người tan nát, tán gia bại sản.

Nhìn chung, người phải tu thập thiện cho trọn, giữ giới cho tinh nghiệp, giữ gìn chánh pháp cho trọn vẹn... Từ đó tâm tốt xuất hiện làm lợi lạc chúng sanh, khiến cho chúng sanh gần gũi mình cảm thấy an lạc. Tâm tốt xuất hiện thì tướng tốt xuất hiện. Tướng tốt xuất hiện thì làm lợi lạc mọi người. Dù ở tình huống nào người đó cũng đủ năng lực giúp cho người an lạc. Vì tâm là năng lượng tối hậu, tâm vận chuyển càn khôn, xây trở vũ trụ, hóan đổi môi trường làm cho môi trường trong lành. Môi trường trong lành thì vũ trụ hiền hòa, đưa ngươi đến cuộc sống an lạc, không có mưa gió bão bùng, không có lụt lội nước dâng cao, không có lũ quét bởi con người không có trí tuệ làm cho nước không có chỗ vận chuyển điều hòa. Như vậy tất cả đều do tâm. Trong duy thức học cũng nói “Nhứt thiết duy tâm tạo”, “tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.

Bạn ơi, những điều tôi vừa nói là do con người viết tu hành, còn lại những người không biết tu, không có sửa mình thì tâm không biết đâu mà lường trước được.

Câu chuyện chàng thư sinh

Sau đây là câu chuyện ngụ ngôn khuyên làm người phải có đạo đức, trước sau như một, không nên thay đổi tâm tánh chạy theo hoàn cảnh. Chuyện như sau: “Ở thôn nọ có chàng thư sinh nghèo siêng năng cần mẫn, ngày nào đi học cũng ghé qua miễu Thổ Địa nghỉ ngơi và học bài tại đó. Ông Thổ Địa nhìn thấy thư sinh liền đứng dậy vái chào, vì biết rằng trong tương lai sẽ làm quan tại địa phương và Thổ Địa sẽ dưới quyền cai quản của quan. Tuy nhiên, ít lâu sau thư sinh vào miếu Thổ Địa không đứng dậy chào nữa. Thư sinh hỏi sao lúc trước thần chào tôi, lúc nầy không chào nữa - Thổ Địa trả lời lúc trước dáng vẽ thư sinh tốt, chăm học, khiêm tốn, sau nầy sẽ làm quan cai quản luôn cả tôi nên tôi chào, do thư sinh có tâm tốt nên tướng tốt hiện - Còn hiện nay thư sinh ngã mạn, chưa thi đỗ tới đâu mà lo củng cố tước quyền, lo việc vợ đẹp con xinh, không có ý lo cho thiên hạ, trời không cho thư sinh làm quan nên tôi không đứng dậy chào nữa. Thư sinh nghe nói hối hận, nhưng đã lỡ rồi, hối tâm không kịp, tướng làm quan theo tâm mà mất, năm đó thư sinh thi hỏng...”

Ở một số địa phương của nước Mỹ, nơi có Thư Viện, Trường Học, Hội Quán... thường có ghi câu:

Hãy canh chừng những tư tưởng của bạn

Nó sẽ trở thành lời nói.

Hãy canh chừng lời nói

Chúng sẽ phát ra thành hành động.

Hãy canh chừng hành động

Chúng sẽ thành thói quen.

Hãy canh chừng thói quen của bạn

Chúng sẽ tạo nên nhân cách.

Hãy coi chừng nhân cách bạn

Nó sẽ trở thành số mệnh của bạn đấy”.

Bên dưới ghi tên tác giả là Frank Outlaw. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nguồn gốc câu ấy không rõ ràng. Có người bảo câu ấy là của Thánh Gandhi (Thư viện Hoa Sen - Tâm và Tướng - Thanh Văn)

Tướng không theo tâm

Đường đời cũng có những người “vô tích sự” hễ thích ai thì cho người đó “tốt đẹp”, không thích ai thì người đó “xấu xí”. Do đó, đứng về gốc độ thế gian thì dễ nhận định, đứng về gốc độ đạo đức thì rất khó nhận định. Năm 1964, khi còn tu học ở Tổ Đình Linh Sơn (Bà Rịa) nhân một lúc tôi đang chiêm ngưỡng Đức Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, có râu ria xồm xàm, nhìn vào ngài A Nan thì đẹp đẽ vô cùng. Tôi tự nghĩ hai vị nầy chắc chắn ai cũng tâm tợ hữu thánh đức, đắc đạo. Trường hợp gặp người phân biệt đẹp xấu thì chắc cho rằng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma hung ác, còn Đức A Nan, hiền hậu dễ thương nhưng thật ra hai vị nầy đều hiền hậu dễ thương.

Chúng ta thử nhìn một vài vị Tôn giả đắc đạo như Tôn giả A Na Luật bị mù, các bậc Tổ sư là bậc đại long tượng, Tam Tổ Tăng Xán bị phong cùi, Lục Tổ Huệ Năng hình dáng gả tiều phu, chẳng lẽ tâm các vị xấu xí không tu hành gì hết hay sao?

Ở một nghĩa bóng khác, có người xuất hiện những tướng xấu xí, ăn nói thô lỗ như người thất học, mặt mày giống như người bất hảo, nhưng trong tâm thì tốt vô cùng, tốt với mọi người, người thế gian gọi là “khẩu xà tâm Phật”. Ngược lại cũng đồng hành trong thế gian, người nói năng ra vẽ nhu hòa nhã nhặn, nhiều từ hoa mỹ, điệu nghệ vô song, vừa nói...nói..., vừa cười...cười... làm ra vẻ hiền từ. Tuy nhiên trong tâm hung tợn ác độc, hễ giận ai thì muốn người chết trước mặt mình mới hả dạ. Người như vậy, thế gian gọi là “khẩu Phật tâm xà” dáng vẻ bên ngoài xem ra hiền từ, nhưng trong tâm ác độc. Bạn nghĩ sao về câu “hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh hay “tướng tự tâm sanh, tướng tùy tâm diệt”.

Tâm không theo tướng

Trong giới thiền lâm người xưa nói: “Cổ nhân hình tợ thú, tâm tự hữu thánh đức”. Tôi nghe rất thích, thấu cảm và hiểu ngay câu: “cổ nhơn hình tợ thú” có nghĩa bóng là hình dáng người xưa tuy ở vào thời thượng không có phương tiện chưn diện, nên tướng không hảo nhưng tâm địa rất tốt, hiền. Đối với người thời nay mặt mày sáng sủa, tướng hảo quang minh, nhưng tâm không tốt, không hiền. Với câu nói nầy cảnh tỉnh được thế gian rất nhiều, vì không nhất thiết con người phải do tâm tốt mới xuất hiện tướng tốt, có khi tướng mạo xấu xí nhưng tâm vẫn tốt như “thánh nhân”, có khi xuất hiện tướng tốt nhưng tâm ý hoàn toàn tâm đao búa không tốt chút nào. Đây là chuyện thường tình thế gian.

II. Trưởng lão Thích Từ Quang (Chùa Thiên Phước, Gò Đen)

Trong Tổ đình tôi có vị Trưởng lão pháp danh Thích Từ Quang, có thân tướng không đẹp lắm, chân bẹt, mắt lộ, thuộc giống người Giao Chỉ (chân bẹt như chân khỉ, không như chân người thời nay). Tuy nhiên, Cụ có tâm tốt của người xưa thời thánh đức không hung hăng như người của thời đại mới, rất khó tính với con cháu cũng như người ngoài gia tộc. Vào năm 1959 Cụ phát tâm về núi tu hành, nương về với Đức Tôn sư và hộ trì cho Ni Trưởng tu hành, làm đạo. Gặp lúc Đức Tôn sư có khó khăn trong việc nhà cầm quyền Ngô Đình Diệm cho anh em lính đạo Kitô đàn áp Phật giáo, hằng ngày chúng bắt Tăng Ni (trong đó có tác giả sách nầy) cột trói giữa rừng, phơi nắng bỏ đói đến chiều mới thả về chùa. Chúng không đánh nhưng chúng hành hạ như thế, tất cả những gạo thóc, dầu lửa, nhang đèn, lương thực, thực phẩm Phật tử đem cúng chùa chúng lấy hết đem về giáo xứ Chu Hải, Kim Hải cho gia đình sử dụng.

Đang lúc gặp khó khăn như thế, Cụ Trưởng lão Từ Quang quyết tâm vượt mọi trở ngại, nhà cầm quyền không cho Cụ mặc áo tu Phật đi ngang qua Saigon, Cụ mặc áo đời để được qua khỏi Đô thành, lên xe đi về hướng Vũng Tàu và về núi, bảo hộ tinh thần Đức Tôn Sư, Ni Trưởng và chư Tăng Ni, Phật tử tu tại non. Năm 1958 nhắc lại lúc Ni Trưởng Huệ Giác bị gia đình làm khó dễ không cho xuất gia, Cụ Trưởng lão Từ Quang đứng ra bảo lãnh giới thiệu với Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam Trung Uơng cấp giấy hành đạo cho Ni Trưởng, cấp giấy chứng minh thư hành đạo cho Đức Tôn Sư. Lúc bấy giờ Đức Tôn Sư và Ni Trưởng được Trung Ương Hội bảo hộ cư trú tu hành tại non núi và thành lập môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Cụ Trưởng lão Thích Từ Quang với thân tướng cho thấy người xưa (người Giao chỉ) tướng đi tướng đứng không đẹp, nhưng tấm lòng người xưa rất tốt.

Ở đây chỉ đứng về gốc độ con người đẹp xấu mà nói thôi, chứ thật ra dù người thời xưa hay người thời nay thảy đều có tướng hảo, nhất là người Việt giống da vàng là giống đẹp nhất trong vùng Á Châu, giống dân Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Trong cái đẹp đó có người tốt người xấu, chứ không phải người xấu do tâm xấu, người tốt do tâm tốt. Cũng không phải người xấu tâm tốt, người tốt tâm xấu. Tùy theo từng chủng lọai, tùy theo môi trường sống của gia đình, xã hội và con người mà có người tốt người xấu.

Sự tốt xấu do con người tạo nên, có bài pháp như sau:

1. Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư ô nhiễm

Khổ não sẽ theo ta

Như xe theo vật kéo.

2. Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư thanh tịnh

Hạnh phúc sẽ theo ta

Như bóng không rời hình

(Kinh Pháp Cú - phẩm Song Ngữ - PL 2549 DL 2005)

Tâm theo nghĩa đen là trái tim, nghĩa bóng tâm là tấm lòng của người tốt. Nói đến tâm là nói đến tánh tốt của một người đứng giữa đất trời bao la, tâm cũng bao la vô tận, tâm có khi bị thu hẹp như đường tơ kẻ tóc, tâm như là thành niết bàn. Trong kinh Kim Cang Bát Nhã nhà Phật dạy “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, nghĩa là tâm không có trụ ở một chỗ nào mới gọi là tâm. Tâm còn trụ là còn trụ tướng, còn trụ tướng tức không thấy tâm là tâm sanh diệt, thọat có thoạt không. Người tu không vướng mắc vào pháp nào thì mới thấy được tâm không. Tâm không là tâm thực hữu, tâm không trụ tướng thì không mê lầm, tức giải thoát.

Đạo Khổng nói về tâm: Tam điểm hư tinh tương, hoành câu tợ nguyệt tà, phi mao tùng thử đắc tố Phật đã do tha. Đây là diễn tả chữ tâm và cũng để nói về hình dáng chữ Tâm, nhưng cũng có nghĩa: ba dấu phẩy như tinh tú trên trời cao, một nét cầu vòng như ánh trăng tà treo lơ lửng giữa đêm khuya. Muốn mang lông đội sừng, hay muốn làm Phật cũng đều do ta không ai khác. Đó chính là tâm.

Tâm có nghĩa là tư duy, cũng có nghĩa là tích tập, ghi nhận và quán sát, ghi nhận thật kỹ lưỡng một điều gì từ bên ngoài đưa vào hay từ bên trong tâm tưởng gây một ấn tượng nào đó mà bắt mọi người Phật chạy theo một cách tích cực. Tâm nầy có sự diễn biết rất cân đối, hay sanh các pháp thiện, khả năng diệt trừ các pháp bất thiện, thường xuyên đem lại lợi ích cho muôn người, nhất là trong nhà đạo. Tâm nầy sẽ đưa con người đến chân thiện mỹ, có cơ sở sanh các pháp lành và làm chủ được môi trường một cách tốt đẹp nhất.

Tâm luôn linh động trong từng niệm, từng gang tấc. Nếu tâm nầy ô nhiễm thì sẽ làm tổn hại cho cuộc đời, cho con người, làm cho đất bằng sống dậy, con người điên đảo mê lầm đi trong nẻo tối tăm, đưa con người đến nơi địa ngục. Nếu không có sự tĩnh thức ở tâm, con người không khác gì những vật dục bùng nổ giữa cuộc đời, không thể kềm chế và đưa con người đến những chết chóc thê thảm. Do đó, sự khổ xuất phát từ tâm luôn đeo bám con người và chúng sanh như con vật trôi lăn theo bánh xe cuộc đời.

III . Bài kinh sau đậy của Đức Tôn sư giảng dạy “Về Tâm” vào năm 1972 dành cho đại chúng Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng tại Cù Lao phố, xã Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa.

Với nhan đề “cái đẹp của người tu”, lời tuy tô kệch nhưng dường như ý nghĩ của người giảng rất sâu sắc. Bài giảng giảng giữa đại chúng tại tịnh xá Thắng Liên Hoa, sau buổi đi trì bình khất thực và chư Tăng ghé sang tịnh xá viếng Đức Tôn sư. Lúc bấy giờ Tôn sư rất hoan hỷ mà xuất ngôn, khuyên đại chúng giữ tâm cho thanh tịnh, một lòng tu hành cho đắc đạo, sau cứu khổ muôn loài. Tâm của nhà sư phải quang minh chánh đại, tâm của nhà sư đi trong đêm tối mà lòng vẫn sáng, tâm sáng tuệ sanh mới đủ năng lực chiếu đến các nơi tối tăm, những nơi tối tăm là nơi nào: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý còn vọng tưởng miên man, không chỗ trú ngụ dừng chân. Tâm là chỗ trú của lục căn giúp cho thức căn tỉnh thức gội sạch những trần cấu, tông pháp tu thiền hay, tịnh, mà nhất là ở đây chư Tăng là những hành giả tu tịnh.

Tâm có ý nghĩa tâm mà không sáng thì khó điều phục lục căn. Tâm sáng là tâm trí tuệ, trí tuệ là những suối nguồn trong mát gội sạch những ý niệm, những sự tưởng tượng của lục căn cùng với lục thức. Những sự tưởng tượng ra gọi là tâm vọng, tâm vọng thì không còn tròn sáng, không thẩm thấu chiếu soi, vạn ngã biết ngã nào mà đi. Từ đó các pháp bất thiện sanh khởi, pháp bất thiện sanh khởi thì tâm con không còn trong sạch như ánh nguyệt tròn, như ánh trăng chơn lý sáng soi cho hành giả nguyện đi trong đêm đen mà lòng vẫn sáng, dưới ánh trăng tròn, không gợn bóng mây.

Tâm con yên lặng như gương tròn sáng Tâm con trong sạch như ánh nguyệt tròn
Tâm con từ bi như tuyết phủ núi sông
Tâm con quãng đại như cam lồ pháp vũ
Tâm là Phật như đóa hoa sen vàng
Tâm là đức hạnh như ngàn hoa đua nở
Tâm con chẳng yêu mùi tục lụy
Nào khác chi sương rơi đỉnh núi
Tâm con chẳng tham sân si
Nào khác chi gió mùa xuân thổi nhẹ
Tâm con thiện lành là mỹ sắc thanh lương
Tâm con nhẫn nhục hiếu đạo
Cũng như ngày xuân vô tận
Tâm bình đẳng là tình cao thượng
Tâm bác ái ấy nụ cười chư Phật
Tâm hỷ xã là ánh sáng Như Lai
Tâm giác ngộ là rừng bửu báu
Tâm ly trần là thắng cảnh Tây Phương
Tâm vô ngại là Nhựt Quang Bồ Tát
Tâm vô chấp là đoạn diệt não sầu
Tâm như lưu ly bích ngọc
Tâm như Nguyệt Quang Bồ Tát
Tâm tự hối là mùi trầm thượng hảo
Tâm cầu tu là cái đẹp thiên hương
(Cù Lao phố ngày 1 tháng 10 năm 1972)

Chỉ có tâm trong sáng, tâm chơn thật mới đẹp như mơ. Tâm nầy không còn là tâm vọng tưởng điên đảo, tâm đó mới là tâm tu. Đức Tôn sư thường giảng đến tâm chơn thật nầy. Tâm chơn thật là tâm nguyên vẹn như thuở ban đầu, trước sau như một, không thay đổi tâm, cũng không thối chuyển.

Tâm khởi chánh niệm cầu học tu giải thoát, hiện tại nguyện cũng giải thoát, mai sau cũng nguyện tu giải thoát. Giải thoát thì lúc nào tâm cũng hoan hỷ đón nhận những lời vàng ngọc của ân sư giáo hóa, người có tâm cầu tu giải thoát lúc nào cũng giữ chánh niệm. Đức Tôn sư thường đem tâm chơn thật gieo vào lòng người đệ tử như bản hoài Phật xưa. Nhờ đó giúp cho đệ tử chuyển hóa túc căn nhớ lại những gì các Sa môn đã từng làm trong quá khứ, đã từng tu như trong thời kỳ đệ tử còn gần bên gối Phật.

Các loại tâm vừa kể luôn xuất hiện lên trên nếp sống đạo hạnh, qua những hành tường đi, đứng, nằm ngồi, ngủ nghỉ, những lời ăn tiếng nói đều là chơn thật ngữ, chơn thật tâm của Sa môn. Tâm của các bậc Sa môn nầy sẽ được lộ diện lên trên gương mặt hiền từ của kẻ sĩ. Theo Đức Tôn sư dạy người có tâm vô chấp thì không mê lầm. Không mê lầm thì được rảnh tâm rảnh trí, tuệ lực sáng ngời, không mê muội thì lúc nào cũng sống trong không gian trầm lắng, đôi mắt xủ mày vì nhơn lọai thân yêu. Một đôi khi đôi môi khẽ động vì những tiếng kêu trầm thống của con người, của chúng sanh vạn loại. Người có tâm tốt như thế sẽ xuất hình lộ diện mặt mày tốt đẹp đoan chánh. Vả lại người có tâm tốt không làm việc gì che mắt thế gian, luôn sống chơn thật, không bóng sắc màu mè, “xấu thì nói xấu, tốt thì nói tốt, chứ không nói ngược xuôi để mờ mắt thế gian”.

Nhìn mặt mà bắt hình dong

Nhìn mặt mà đoán những việc tốt, xấu, phải, quấy của con người. Đây là một hiện tượng tâm lý xã hội, có tên "hiệu ứng halo". Khi chúng ta bị thu hút bởi những người có vẻ ngoài sáng sủa, ưa nhìn, ngay lập tức trong đầu hình thành những suy nghĩ tích cực khác về đối tượng đó, như về sự nghiệp, học hành, hay cả về tính cách.

Daniel Hamermesh, một nhà tâm lý học người Mỹ còn chỉ ra rằng, những người có ngoại hình đẹp thường được "ưu ái" hơn ở công sở, thậm chí là nhận được lương cao hơn những người khác.

Nhìn vẻ mặt, nhìn bề ngoài mà đoán biết tính nết, ý nghĩ, tình cảm thật của con người, nhà Phật nói: “Tướng tự tâm sanh”, trong Duy tức học nói: “Vạn pháp duy thức”. Có câu khác là “hữu tướng tâm sanh”, nghĩa là tất cả các pháp đều do thức hiến hiện, trong đó đối với gương mặt chúng ta đều do suy tư của tâm thức mà biến hiện. Tâm nghĩ tròn thì mặt tròn, tâm nghĩ đến ái dục thì sắc mặt bơ phờ, tâm nghĩ đến tiền của thì sắc mặt hưng khởi, tâm nghĩ đến danh lợi thì mặt mày xanh xao vàng vỏ, tâm bỏn sẻn thì mặt mày hay ngó dáo dác lung tung v.v...

Chỉ có thế mà tâm là đầu tàu, là hoa tiêu, là “chủ nhơn ông” lèo lái con thuyền cuộc đời đưa ta đi về trong vạn nẻo. Tất cả đều xuất hiện trên nét mặt hào hoa phong nhã của người đời, chứ nhà đạo thì không, sắc mặt của nhà Đạo, nhất là Đạo Phật không bàn đến tướng hảo quang minh. Nếu có bàn thì nói đến tướng Sa môn, tướng thiền vị, tướng sắc mặt chịu nhiều mưa nắng, luôn đang thép với cuộc đời, nhưng dịu dàng đến những khó khổ của cuộc đời. Đó là sự không khoan nhượng với sắc dục, với tham sân si, với hỷ nộ, với tước quyền và những xa hoa vật chất, những phù phiếm bạc tiền, những ngọc ngà châu báu, những tự ngã cống cao, những cống hiến vô bổ, dễ làm lờn mắt xanh, dễ làm lờn mắt xanh trong làn Phật học.

IV. Lời bạt

Tâm tốt hiện tướng tốt, tâm xấu hiện tướng xấu, tâm lặng trong hiện lên sắc mặt hồng hào, tâm mát mẽ hiện lên sắc mặt tươi nhuận... Đó là chơn lý ngàn đời không thay đổi. Nhà Phật nói: “tam giới duy tâm”, tâm dẫn đầu, tâm là chủ, đem tâm ô nhiễm nói năng hoặc hành động, sự khô sẽ theo ta như con vật kéo xe. Tâm dẫn đầu, tâm là chủ, nếu đem tâm thanh tịnh nói năng hoặc hành động, sự vui sẽ theo ta như bóng theo hình”.

Tâm thanh thản thì sự thanh thản sẽ hiện lên sắc mặt tự nhiên, tâm nặng nề thì hiện lên sắc mặt cố chấp, cố chấp thì mê lầm không lối thoát.

Bạn ơi, nói vây thôi chớ tâm tốt sắc mặt tốt, nhà Phật suy nghĩ tốt, thêm việc làm tốt, cũng chỉ là tương đối, là sự sống cân đối. Con người còn phải chịu chi phối bởi ngọai cảnh làm cho phải lo âu phiền muộn khiến cho thân xác thêm tiều tụy. Những hành động không tốt có khi cũng dậy sóng trước những phù phiếm xa hoa, cũng có khi vì sự tĩnh thức của con người mà thân xác vượt qua mọi trở ngại vô cùng khắc nghiệt, kể cà nhãn, nhĩ, tỷ, thiện, thân, ý chạy theo một chủ sở hữu là tâm. Do đó chúng ta cần tu tâm dưỡng tánh, cho tâm ý không loạn động, tâm giữ chánh niệm cho sắc mặt tươi vui, chúng sanh đang chờ các Ban!

Tâm theo Đức Tôn sư chỉ dạy: “Tâm lành là tâm đẹp, tâm như nước mùa thu gợn nhẹ, tâm như ao thu, nước trong veo, tắm mát lòng người lữ thứ”. Người tu thường mở tâm trong sáng, tâm thiện, tâm bác ái nhằm giúp cho thiên hạ thanh tâm mát dạ như giữa trưa hè oi bức nơi vùng sông nước miền Tây. Từ đó tâm đem lại môi trường an ổn tạo điều kiện cho vũ trụ và nhân sinh hòa nhịp thành một cuộc sống an bình. Tâm người quân tử là tâm trong mát, làm cho lòng dạ mọi người an ổn, tâm tánh người quân tử như thủy. Muốn làm nên đạo Bồ tát tâm phải như nước mát cành dương, như ngọn đèn lưu ly quang soi sáng giữa ngàn sao lập lánh trong đêm dài vô tận.

Tâm an mọi việc an vui

Tâm xả vượt cảnh ngậm ngùi tấm thân

Tâm minh cảnh trí sáng ngần

Tâm về diệu vợi mấy lần thu qua

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Phải Người Tu Hành Giỏi Sẽ Có Tướng Mạo Quang Minh, Thay Đổi Nhân Quả?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com