VẤN: Con đang ở nước ngoài và cũng là một Phật tử. Ngày xưa ở Việt Nam con đã từng quy y với thầy của con ở quê và đã có pháp danh theo sự hướng dẫn của cha mẹ. Thầy bổn sư sau đó đã mất và thú thật con cũng không có cơ hội học hỏi nhiều với thầy. Khi sang nước ngoài, con thường hay đến chùa tu hành, làm công quả với đại chúng, chùa cũng chỉ là một nhà dân cải trang thành chùa. Có một lần con đăng ký đi khóa tu thiền bảy ngày với một vị thầy rất nổi tiếng. Ngày đầu tiên ở khóa tu, chúng con được biết là sẽ có lễ quy y dành cho những ai muốn quy y hoặc chưa quy y. Vì con đã quy y nên con không đăng ký. Tuy nhiên, có một sư cô ở đó khuyên là con nên quy y lại bởi vì như là khi còn nhỏ mình quy y với thầy đó, khi lớn hơn có trình độ hơn thì quy y với người khác giỏi hơn để tu hành. Con cảm thấy không bình thường nên đã từ chối. Tuy vậy, con cũng thắc mắc không hiểu điều sư cô nói là đúng hay sai? Nếu vậy có phải khi tu học với một vị thầy mới con đều phải quy y trở lại? Xin Sư hoan hỷ giải bày cho con được rõ.

ĐÁP:

I .Người Việt Nam thời niên thiếu dù nam hay nữ, theo truyền thống văn hóa Đạo Phật ai cũng được ông bà, cha mẹ hướng dẫn đến chùa xin quy y. Dù “con mình” còn đi lẫm đẫm nhưng cha mẹ vẫn cho vào chùa quy y Phật để được Phật che chở cho con mạnh khỏe an vui, không bị ma níu, quỷ trì, chóng lớn,.

Dù là ngôi chùa làng bên đường cái quan, hay ngôi chùa làng nằm ở giữa cánh đồng ruộng lúa mênh mông, với những con đê thẳng tắp đưa đường dẫn lối cho ta đi vào chùa, những hình ảnh ngôi chùa lụp xụp có từ xưa, đều là những kỷ niệm thân thương. Chùa quê với những cung đường mái ngói âm dương, có khi cũng phải xiêu vẹo theo thời gian, ảnh hiện lên những mãng rêu phong tăng phần cổ kính, nhưng ít ai buồn nghĩ đến sự sửa chữa trùng tu mái chùa mình quy y cho nghiêm tịnh.

Ngôi chùa làng tôi

Bên đường cái quan

Qua khỏi cổng làng

Đôi hàng cổ thụ

Dáng vẽ âm u

Nghe trống công phu

Âm vang đầu ngỏ

Tiếng chuông ngân vang

Giữ ánh đạo vàng.

Theo truyền thống thì cha hay mẹ dắt con đi chùa xin Thầy thọ pháp quy y. Việc đi chùa cũng là niềm vui chung cho người dân Nam Bộ. Lúc bấy giờ trong thời buổi chiến tranh Việt Pháp, nên Thầy có tác pháp lễ quy y hay không thì cũng không sao, nhưng có điều chắc chắn là Thầy sẽ bảo ban cho pháp danh, thường là Phật tử miền Nam được đặt pháp danh theo dòng Lâm Tế. Sao gọi là dòng Lâm Tế? Vì dòng thiền Lâm Tế của Ngài Nguyên Thiều Siêu Bạch từ thế kỷ XVIII được truyền bá và phổ cập khắp Trung Nam, từ thuở các chúa Nguyễn di dân đi khai hoang lập ấp cách đây trên 300 năm. Bài kệ sau đây, nếu ai có quy y thì sẽ được Thầy dạy học thuộc:

Đạo bổn nguơn thành Phật tổ tiên

Minh như hồng nhựt lệ trung thiên

Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ

Chiếu thế chơn đăng vạn cổ huyền

Với bài kệ trên được Thầy Bổn sư cho in bằng chữ nho, bên cạnh là tên tuổi của người quy y, địa chỉ, ngày quy y, cuối cùng là giáo phẩm pháp danh Thầy Bổn sư, in trên tờ giấy vàng kích thước 0,35 x 0,35 xếp lại làm thành 16 (miếng) để vào một túi nhỏ có neo sợi dây, gọi là “lòng phái” được cất giữ trên bàn thờ Phật, trang thờ ông bà. Đến ngày 14, 30 âl đi lễ chùa, người Phật tử thường đeo mang ở cổ. Đấy là kỷ niệm thời thơ ấu của người làng quê Việt Nam.

II .Tín đồ Phật tử xưa

Người Phật tử xưa ngoài việc thờ Phật, Phật Bà Quan Âm, còn tự đi xin Thầy coi bói, xem trong sách “Tam Thế Diễn Cầm” của chiêm tinh gia Huỳnh Liên, mách bảo về nhà phải sắm “trang thờ” ông Quan Công vì tuổi của người nam có ông Quan Công độ mạng. Tuy nhien, hễ thờ ông Quan Công thì phải thờ luôn ông Châu Xương, Quan Bình. Thờ Cậu Tài Cậu Quý độ mang, cánh nữ thì thờ Bà chúa Tiên, chúa Ngọc, bà Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẹ Sanh Mẹ Độ độ mạng. Tất cả những hình ảnh nầy được vẽ thật đẹp trên tấm kính thủy dùng để thờ thật lâu bền, ít thay đổi.

Ngày nay khi lớn tuổi những Bạn đã lập gia đình nhưng hình ảnh quy y Phật xưa kia tuy đơn sơ mộc mạc, dù thời gian có mài mòn tuổi tác, cuộc sống nhưng tâm chí người Phật tử không bao giờ thay đổi.

Phật tử đã quy y

Từ năm 1950 trở về trước, người phát tâm quy y là do ông bà cha mẹ giới thiệu với Thầy Trụ trì một ngôi chùa nào đó ở địa phương. Khi đến gặp Thầy, Thầy dạy đi lên chùa (chánh điện) lễ Phật, Thầy đặt pháp danh, làm phép truyền tam quy, có nơi cũng làm phép tắc nhưng thật đơn giản. Thầy Trụ trì đặt pháp danh cho người xin quy y, sau đó đem bút mực tàu viết một ít chữ nho vào bản giấy mà ta thường gọi là “lòng phái”, xong giao cho người quy y, gia đình cúng một ít tiền cho Thầy và từ đó Thầy Trụ trì là Bổn sư của người xin quy y

Năm 1955, người muốn trở thành tín đồ của Hội Phật giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam, thì có 2 người giới thiệu, người thứ ba được quy y Tam Bảo và trở thành tín đồ của Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam. Khi muốn không làm tín đồ của Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông thì chỉ đến trước bàn thờ Tây Phương Tam Thánh xin nguyện ra khỏi Hội và không làm tín đồ Phật tử Tịnh Độ Tông nữa.

Năm 1956, Sư được 9 tuổi, Bà và thân phụ hướng dẫn quy y với Hòa Thượng Thích Quảng Đức tại Tổ Đình Long Khánh, xã Thuộc Nhiêu, huyện Cai Lậy. Sư được Hòa Thượng Thầy ban cho pháp danh là Nhuận Đức, truyền tam quy và cấp cho một thể tín đồ, có chữ ký và con dấu của Thượng Tọa Thích Thiện Hòa thuộc Giáo hội Tăng già Nam Việt, có Trụ sở tại chứa Ấn Quang để làm bằng. Năm 1959, Sư đi núi Bồng Lai đến Tổ Đình Linh Sơn, cầu tu pháp niệm Phật. Đến ngày 30 tháng 7 năm Canh Tý, cầu xuất gia với Hòa Thượng Tôn Sư Thiện Phước-Nhựt Ý, Tổ sư khai sơn môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.

Việc Bạn đã có quy y Phật, được Thầy Bổn sư đặt pháp danh rồi, thì dù Thấy Bạn đã thị tịch (qua đời), hay Thầy của Bạn đã già cỗi hay ít ỏi chữ nghĩa Bạn cũng không hề thay đổi đổi thay Thầy mới. Bởi vì hình ảnh đáng trân quý của người Thầy tác pháp làm lễ truyền tam quy y, ngũ giới cho đệ tử, giờ phút thiêng liêng nhất Giới sư đọc, giới tử đọc theo: con nguyện xin Quy y Phật - con nguyện xin Quy y Pháp - con nguyện Quy y Tăng - và thọ trì ngũ giới cấm: Giới thứ nhất Không sát sanh - Giới thứ hai không trộm đạo - Giới thứ ba không bất tịnh hạnh - Giới thứ tư không nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rủa sả - Giới thứ năm không uống rượu, tham lam, sân giận, si mê. Cho nên hôm nay dù Thầy mới có giỏi dang bao nhiêu đi nữa, Bạn vẫn giữ một lòng son sắc với người Thầy đầu tiên, đừng để hình ảnh Thầy bị xóa nhòa theo năm tháng, ta trở thành người “phản Sư” đó Bạn

Có không ít Phật tử ngày nay, dù đã quy y, nhưng vì có sự giao lưu rộng nên gặp Thầy nào cũng quy y, mỗi Thầy ban cho một pháp danh, ôi thôi sao mà nặng nề tâm trí! Thầy xưa dốt nát, chỉ biết năm ba chữ nho, chữ Việt không rành, chữ Tây không biết, có vị bỏ “Thầy dỡ”, tìm “Thầy hay” quy y lấy tiếng tăm, ta đây tu học với Thầy sang giàu, học cao, có tiền bạc bao nhiêu đem trút hết cho “Thầy mới” cho đến khi xơ xác mới thôi.

Theo Sa Di luật giải (của Ngài Vân Thê Châu Hoằng) cho phép người đệ tử xuất gia cầu ông Thầy để học giáo lý, gọi là ông “lương đạo”, “Thầy y chỉ” cũng là Thầy Giáo thọ dạy giáo lý cho người xuất gia tu hành. Những người tu học Phật pháp đó lẽ đương nhiên tự biết bổn phận thờ Thầy Tổ của mình.

Người Phật tử cũng vậy, khi đã có Thầy rồi, nếu muốn học đạo, giáo lý thì cầu Thầy học đạo, giáo lý, chứ không phải học đạo với “Thầy mới” phải làm lễ quy y với vị “Thầy mới” nữa.

Trách nhiệm Thầy giảng sư

Thầy giảng sư dạy giáo lý có trách nhiệm với Phật tử, dạy Phật tử thảo ngay trung thành với Thấy Tổ, không phản sư bội đạo, dạy Phật tử phải có đạo đức cơ bản ngay từ đầu học làm Phật, nhất là những ai có quy y rồi thì không nên kêu gọi, vận động quy y một lần nữa. Làm như thế xem như Thầy giảng sư đó “thiếu kiến thức dạy đạo”, cần phải đi học bồi dưỡng rồi trở lại thuyết giảng. Thầy giảng sư giảng đạo, dùng tài năng của mình lôi cuốn Phật tử đã quy y, tức là xúi giục Phật tử “phản Thầy”, các vị không có năng lực giáo hóa cộng đồng Phật tử.

Trường hợp Phật tử cần học đạo với Thầy mới, thì không phải xin quy y một lần nữa, không thay đổi pháp danh. Vị Thầy mới chỉ có trách nhiệm dạy giáo lý, giảng Phật pháp khuyến tấn Phật tử tu học mà thôi

Ở Quan Âm Tu Viện (Biên Hòa) từ 25 năm qua, mỗi năm có 4 lễ truyền tam quy ngũ giới vào các ngày 15/Giêng, mùng 8/4, 15/7 và 15/10 âm lịch, dành cho nam nữ Phật tử đệ tử của Sư Bà Thích nữ Huệ Giác. Sư đã truyền giới cho hàng ngàn Phật tử, nhưng đối với các vị đã quy y, có Bổn sư rồi thì không phải làm lễ quy y nữa, cũng như không ban pháp danh mới. Sư chỉ khuyến tấn đến tu tập, niệm Phật, thọ Bát Quan trai giới, nghe thuyết pháp để tu, học giáo lý Phật học để biết lời Phật dạy mở mang trí tuệ. Chỉ trừ những Phật tử có quy y Tam bảo có giấy tờ, lòng phái, nhưng chưa thọ trì ngũ giới cấm, những vị có quy y nhưng chưa làm phép quy y lần nào Sư mới giúp đỡ truyền giới, nhưng vẫn giữ nguyên pháp danh mà Thầy Bổn sư của các vị đã đặt cho.

III .Người Phật tử quy y lại (lần thứ hai)?

Người Phật tử có thể quy y lần thứ hai, là do:

- Người vi phạm pháp luật, phạm hình sự, dân sự bị cưỡng chế trong trại cải tạo, mất quyền công dân, sau khi mãn hạn cưỡng chế, được phục hồi quyền công dân.

- Người bỏ Thầy, theo Thầy khác, theo sự hiển linh, theo tín ngưỡng khác, tín ngưỡng dân gian, đồng bóng, tứ phủ, ngọai cảm, thờ phượng ngũ hành, phụng thờ lý tưởng khác như: Pháp Luân Công, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Thấy Tám Thấy Tư, đạo thờ thánh mẫu Thiên Y Ana

Bỏ đạo Phật theo đạo khác, như theo: đạo Cao Đài, Tin Lành, Kitô giáo, Hồi giáo, Bái hỏa giáo, Khổng giáo, Lão giáo

Tất cả những người đi theo đạo khác thì không còn gọi là Phật tử nữa, dù người đó còn giữ lòng phái quy y, còn đeo chuổi, đeo tượng Phật, nhà còn thờ Phật

Nay trở lại xin quy y Phật thì được phép cầu Thầy quy y, không nhất thiết phải trở lại Thầy cũ, nhưng phải quy y lại từ đầu, được Thầy đặt pháp danh, tuổi quy y được tính từ ngày quy y lại, không tính tuổi quy y từ trước đó.

Làm Phật tử phải quy y

Nhưng phải có cội không gì quý hơn

Tổ Thầy ngày ấy vẫn hơn

Từ thuở niên thiếu công ơn cao dày

Thầy cho ta biết Phật trời

Độ trong sanh chúng khắp nơi an lành

Từ con trẻ đến đầu xanh

Ai ai cũng có ngọn ngành năm xưa

Thầy dạy ta biết Phật thừa

Quy y Phật đạo sớm trưa tu hành

Thầy đã giúp ta nên danh

Thầy đầu tiên đó sau đành bỏ qua

Dù Bạn ở cõi trời xa

Lối xưa quê Mẹ chùa nhà vẫn hơn

Thầy Tổ chỉ một không hơn

Đa sư hư bệnh như sơn bên ngoài

Không dạy đấu trí đua tài

Phật tử ơi phải thảo ngay một Thầy. 

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Phật Tử Từng Quy Y Có Nên Quy Y Trở Lại Khi Tu Học Với Một Vị Thầy Mới Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com