Quan Âm Tu Viện ở Đồng Nai

Thầy bạn từ bi, rất đa tài

Đơn sơ thanh tịnh bình yên lạ

Tâm khai đạo hạnh rạng Như Lai

Thêm một mùa Phật Đản nữa nơi xứ người đang về gợi trong con bao niềm khắc khoải bồi hồi xao xuyến đầy cảm động không thốt nên lời khi nhớ nghĩ về ngôi chùa nuôi dưỡng tâm linh của mình suốt bao năm qua. Thời gian thấm thoát thoi đưa phủ lớp bụi rêu phong năm tháng theo dòng đời vô thường đưa bước chân con trở về Quan Âm Tu Viện cũng đã được ba lần sau gần bảy năm đến với cửa Phật. Mỗi lần nhớ nghĩ là bấy nhiêu lần con thản thốt giật mình với biết bao điều nhiệm màu cùng tình cảm trìu mến thân thương mà thầy tổ, bạn đạo đã dành tặng mà con chưa thấy ở bất cứ ngôi chùa nào mình được có duyên tìm về.

Xem thêm:

Quan Âm Tu Viện Đồng Nai - Quê Hương Tâm Linh Lần Thứ Ba Trở Lại

Quan Âm Tu Viện: Nơi Sưởi Ấm Những Tâm Hồn Xa Quê

Một Vòng Quanh Quan Âm Tu Viện

Hiếu Ân Sâu Dày Dâng Cúng Trai Tăng Tại Quan Âm Tu Viện Đồng Nai

Lần đầu tiên bước chân về tu viện sáu năm về trước, con ngạc nhiên vô cùng vì không ngờ giữa chốn thành thị ồn ào tấp nập, Quan Âm Tu Viện lại bình yên, giản dị, có lẽ còn đơ sơ thanh bần hơn những ngôi chùa ở quê. Quan Âm Tu Viện nép mình lẫn khuất giữa phố thị ồn ào ở Biên Hòa, trung tâm của tỉnh Đồng Nai giữa muôn trùng những công trình, danh tự vĩ đại. Trong tâm con đầy thắc mắc, sức cuốn hút gì để biết bao Phật tử tìm về vì đây là chùa chính của Tông Phong lãnh đạo trên 160 ngôi chùa khác trên đất nước.

Đi khắp bắc nam kể cả ở nước ngoài, ghé viếng bao nhiêu ngôi chùa cùng những ngôi chùa khác của tông phong, con không thấy chùa nào "kỳ lạ" như chùa của thầy tổ mình. Kỳ lạ vì ở chùa vẫn mang đầy dáng vẻ cổ kính, bình yên với những con đường đất, những hàng cây đưa bước hành giả vào chùa thay cho những con đường xi măng, những cổng trụ uy nghi bề thế đầy tôn tượng cao sang. Có lẽ những gì giản dị mộc mạc, đúng nghĩa thanh bần con đều có thể tìm thấy ở đây.

Thông thường ở các chùa khác, vừa bước vào cổng là sân chùa, chánh điện và những khu nhà tăng chúng ở phía sau. Tuy nhiên, ở chùa thầy tổ, lối đi dẫn vào cả hai, bên phải là chánh điện và bên trái là nơi lưu trú của những vị thầy đầy đạo cao đức trọng giúp Phật tử như con tìm về không cảm thấy lạc lõng, bơ vơ. Rất nhiều ngôi chùa, kể cả những ngôi chùa lớn con từng thăm viếng nhiều giờ liền vẫn không hề thấy bóng dáng tăng ni. Thậm chí những ngôi chùa ở quê con, các thầy còn tội nghiệp hơn vì suốt ngày phải đi cúng đám nên chùa gần như đóng cửa, muốn vào chánh điện lạy Phật cũng phải lạy tâm từ bên ngoài.

Điều làm con xúc động nhất là bất cứ Phật tử nào đến chùa đều có thể được các bậc chân tu đầy tôn kính tiếp đón nồng hậu ngay tại nơi cốc các thầy. Đó, khu "nhà nghĩ dưỡng 5 sao" của các thầy từ ngoài nhìn vào làm con chỉ muốn khóc vì sao quá giản đơn, nghèo nàn chưa bằng một phần phòng ngủ hiện có của con ở ngoài. Tất cả mọi thứ bên trong đều gần như không có gì, vật dụng đều cũ kỹ, xung quanh chỉ vài mét vuông, giường ngủ là một cái đơn gỗ trong khi tuổi các thầy đều đã khá cao còn chúng con bên ngoài chăn ấm nệm êm, máy lạnh điều hòa vẫn cảm thấy chưa đủ đầy. Dù phải tiếp xúc Phật tử đủ mọi lứa tuổi, thành phần tốt xấu nhưng chưa bao giờ con thấy sự buồn giận "bồ đề gai" nổi lên từ các thầy. Tâm bình đẳng thương chúng sanh như con bài học Phật giáo đầu đời con đã được thấm trải ở đây.

Thật sự lần đầu tiên về trực diện chùa, con cứ ngỡ chắc chùa khá khó khăn nên mới bình dị, không lầu chuông mái ngói cao to kỳ vĩ, đâu đâu cũng đầy sự cổ kính rêu phong không thấy một công trình nào hiện đại cho xứng tầm như tất cả những ngôi chùa từ nhỏ đến lớn khác con thăm viếng. Như đọc được suy nghĩ của con, thầy cười vui nói con chùa mình là “giàu” đó con. Phải sau một thời gian gần gũi các thầy, tìm hiểu hơn về chùa, con mới hiểu chữ “giàu” thầy nói nghĩa là gì. Thì ra chùa mình giàu thật vì đây là ngôi chùa làm từ thiện số một ở Đồng Nai và Ni Trưởng đứng đầu ban từ thiện xã hội của tỉnh nhà. Theo lời thầy tổ, tu hành như thế nào để phải thật sự xả phú phụ bần, tiền của Phật tử đóng góp cúng dường đều dùng để làm từ thiện vì biết bao nhiêu người trên đất nước Việt Nam quá nghèo khó còn người tu sao lại không hành hạnh Quán Âm cứu người lại đi lo xây dựng chùa chiền to rộng, tốn hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng chỉ dùng đúc tượng, tô chuông thì ý nghĩa tu hành ở đâu.

Ngạc nhiên hơn, chùa có rất nhiều ruộng rẫy tự cung tự cấp. Bao năm qua từ ngày đất nước kinh tế khó khăn cho đến bây giờ, hướng tự cung tự cấp, tự trồng lấy hoa màu để sinh sống và làm từ thiện không phụ thuộc vào sự cúng dường của Phật tử luôn được thầy tổ đặt lên hàng đầu. Quả thật đúng như vậy, tất cả các hệ thống chùa của Tông Phong con thăm viếng không thấy bóng dáng của hòm công đức, ngược với các nơi con đến không phải chỉ một mà là ngập hòm công đức. Theo lời thầy tổ, Phật tử đến chùa là để tu học, để gần gũi chánh pháp nên không tạo cảm giác Phật tử đến chùa phải lo cúng dường, đến lạy Phật “trả tiền” như vậy mất đi ý nghĩa. Nếu Phật tử nào có tâm họ tự gặp quý thầy để đưa hoặc có chùa khác của tông phong để vào chuông, có hay không cũng đều không sao cả. Tông chỉ của các bậc tôn Sư là “nhà Phật dụng tâm không dụng nhiều mâm nhiều quả” vẫn được truyền thừa.

Chùa mình giàu thật vì rất giàu nhân nghĩa tình thương, rộng tâm vô cùng. Bất cứ Phật tử khách hành hương nào đến chùa hoặc các chùa khác của tông phong, đúng giờ cơm đều được mời xuống nhà bếp ăn cơm với đại chúng và có người mang cơm đến mời. Nếu quá giờ vào chùa vẫn được mời cơm, tuy thanh bần giản dị, chẳng là gì nhưng đầy nghĩa tình. Ở nhà bếp, các cô làm việc cật lực lo cơm cho đại chúng, cho tất cả khách thăm viếng nhưng lúc nào cũng vui cười. Vật phẩm cúng Phật đều được phân chia đồng đều, hoa quả trái cây cúng Phật đến thăm viếng các bậc tôn Sư đều được gởi tặng mang về. Cơm của tình thương, của tâm từ mong gieo pháp duyên giúp hành giả tu hành về bên tam bảo trọn vẹn.

Không chỉ có vậy, ở chùa còn có viện dưỡng lão nuôi người già nghèo khó, không nơi nương tựa. Ngày xưa chùa còn có truyền thống nuôi cô nhi nhưng sau hòa bình chỉ còn một số chùa của Tông Phong, như Tịnh Thất Long Phước Điền nuôi trẻ em bị bại não, tâm thần và chùa chỉ còn giới hạn nuôi giúp người già khó khăn miễn phí. Vì vậy, ở chùa còn có phòng thuốc từ thiện Hội Chữ Thập Đỏ chuyên khám bệnh và phát thuốc miễn phí, cả thuốc đông y và tây y cho khắp Phật tử mọi nơi tìm về nên đến chùa luôn được chăm sóc đầy đủ về thân mạng, huệ mạng và tâm mạng dù giản đơn nhưng thắm đượm đạo vị, nghĩa tình.

Việc xưng hô, gọi tên ở chùa mới càng ngạc nhiên hơn rất nhiều. Ở chùa không gọi các bậc tôn Sư bằng danh xưng trịnh trọng ở ngoài mà đều gọi như người thân trong nhà.Phật tử của tông phong không gọi HT Thượng Thiện Hạ Phước, người khai sinh ra Liên Tông Non Bồng là hòa thượng hay thầy mà gọi bằng danh xưng ông Cố; gọi ni trưởng Thích Nữ Hạ Huệ Giác, viện chủ tu viện là Ông Già và HT Thích Giác Quang, viện phó tu viện là Ông Sư. Lần đầu tiên tiếp cận, con ngạc nhiên và cảm thấy không bình thường, cứ sợ gọi như vậy là không tôn kính. Mãi một thời gian con mới quen và hiểu rằng các bậc tôn Sư xem Phật tử như con cháu trong nhà, thương và lo lắng như con nên các Ngài muốn Phật tử đến đây như về chính ngôi nhà của mình, về gặp cha gặp mẹ, gặp ông bà thương yêu với tâm từ bi đầy vô ngã. Và đúng như vậy, cứ mỗi lần về Việt Nam, trước khi đâu hay làm gì, con đều về nhà của mình đãnh lễ ông bà mẹ cha nghe chỉ dạy rồi mới tiếp tục lên đường.

Thời khóa tu tập ở Quan Âm Tu Viện vô cùng niêm mật và dày đặc. Mỗi ngày đều có ít nhất bốn thời công phu tụng kinh niệm Phật. 4h sáng là thời công phu Lăng Nghiêm, 6h tụng kinh Pháp Hoa hay lạy kinh Vạn Phật, 10:30 cúng cơm Phật và cúng quá đường, 13:30 tụng chú Đại Bi và kinh Phổ Môn, 16h công phu chiều, 19h là khóa Tịnh Độ tối và trước giờ chỉ tịnh là thiền và niệm Phật. Hiện nay, ở chùa từ ngày mùng 7 đến 14 hàng tháng đều tổ chức tụng Chú Đại Bi ngày đêm không ngưng nghỉ. Vì thế lúc nào đến chùa cũng nghe tiếng chuông mõ tụng kinh không ngừng.

Nhiều nơi con thăm viếng, cả ngày đôi khi chỉ thấy mỗi một thời tụng kinh buổi trưa cúng quá đường và có chùa đóng cửa hoàn toàn nên muốn tụng kinh với đại chúng cũng không biết làm sao. Quả thật với một thời khóa tu tập nhiều như vậy cùng rất nhiều các việc Phật sự khác không ngừng, con không hiểu làm thế nào quý sư thầy, sư cô có thể lo trọn vẹn trong khi ở ngoài mỗi ngày con lạy Phật, tụng niệm được khoảng nửa giờ tự cho mình là giỏi lắm rồi.

Niềm xúc động lưu giữ chân hành giả có duyên tìm về tu viện chính là tình thương quý của cả tăng ni Phật tử và các bậc tôn sư trao truyền. Vào đến chùa, khách đến thăm viếng dù thân sơ không bao giờ cảm thấy lạc lõng vì luôn có người xung quanh chỉ dẫn tận tình khi cần. Gần như chỗ nào cũng thấy bóng dáng quý tăng Ni. Ở các chùa khác, việc gặp được một quý thầy để hỏi Phật pháp hay đãnh lễ đã khó nói chi là gặp được cả những vị thầy lớn trụ trì ở chùa. Ngược lại ở Quan Âm Tu Viện, ngôi chùa lãnh đạo của cả liên tông, cửa tâm các bậc chân tu tịnh hạnh rất hiếm gặp trong xã hội hiện nay luôn rộng cửa chào đón khách thập phương tìm về với một tâm không phân biệt sang hèn.

Sự từ bi của quý tôn sư ở chùa cùng tâm tu hành niêm mật của quý tôn sư ở chùa sẽ rất khó gặp trong thời đại hôm nay. Sự từ bi của các thầy không biết bao lần đã làm con chấn động tâm can thật sự. Bất cứ ai có khó khăn khổ đau tìm về đều cảm thấy mình được an ủi, động viên. Ở chùa, gần như mọi thứ đều được giản đơn hóa một cách thanh cao và bất cứ ai đến đây cũng đều cảm nhận được mang một chút ít hành trang làm quà trở về.

Bất cứ lời nói hay hành động gì của quý thầy đều vì đánh thức thiện tâm của phật tử mà không một lời than trách, giận hờn. Bất cứ thứ gì có thể giúp được, quý thầy tổ đều sẵn sàng giúp đỡ nhiệt tâm và ban tặng mọi pháp bảo miễn phí trong khả năng từ kinh sách đến chuỗi đeo, tràng hạt. Tuy vậy, nhiều kẻ xấu biết thầy tổ từ bi đã đến và cố tình xuyên tạc, lừa đảo quý thầy, quý sư cô. Dù biết rằng đó là kẻ lừa đảo, quý tôn túc vẫn bình tâm giúp đỡ chuyển hướng và chú nguyện mong họ thay đổi ác tâm làm người thiện lương.

Dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy của thầy tổ trong tâm yêu thương mọi người không phân biệt, không chỉ trích chùa chiền hay pháp môn gì, tất cả đều do duyên tu nên Phật tử của chùa, của Tông Phong luôn xem nhau như huynh đệ trong một nhà. Dù đi đến đâu, kể cả ở hải ngoại, khi biết được phật tử đều cùng tông môn, tất cả đều tự nhiên xem như là anh em một nhà nên sẵn sàng giúp đỡ, thương kính, quý trọng nhau. Đến hẹn lại lên dù xa xôi ở đâu cũng cố công tìm về đãnh lễ thầy tổ, gặp gỡ bạn đạo, tự cùng nhau phân chia công việc phụng đạo giúp đời xem như đó là một ân phước được làm giúp tăng trưởng thiện nghiệp không toan tính hơn thua.

Con phương xa chưa bao giờ có duyên được thật sự gặp gỡ nhiều huynh đệ của chùa và tông phong trong những buổi lễ trọng đại hay trong những thời khóa tu tập bình thường. Tuy nhiên, bao nhiêu năm qua, dù ở hải ngoại, ngoài thầy tổ lúc nào cũng bên con, lo lắng cho con thì huynh đệ của chùa đều âm thầm trợ duyên giúp con ân triêm rất nhiều công việc. Người gieo duyên đưa con về chùa, làm mọi việc giúp con và gia đình con cũng là phật tử của tông phong vì tấm lòng yêu thương con thật sự, mong muốn con được tu hành. Những khi con làm việc trên website luôn có huynh đệ ủng hộ tâm và trợ duyên gởi bài vở, hình ảnh khi con cần.

Con thích nhất là được chăm sóc cứu người vì đó là ngành nghề y khoa của con. Tuy nhiên ở phương xa, con không biết làm gì khác để ân triêm trong công việc này ngoài gởi thuốc về chùa. Việc làm này của con sẽ khó được chu toàn nếu không có một chú Phật tử nghèo vật chất nhưng rất giàu tâm đạo giúp đỡ. Đối với chú, được làm gì có lợi cho người khác tu, được gieo duyên pháp cho người khác chú rất mừng và tự nghĩ mình cũng được phước nên không bao giờ quản ngại giúp con dù con chưa biết chú bao giờ. Biết con không có phương tiện và không thể đến các chùa của tông phong, chú dẫn con đi khắp nơi bất kể ngày đêm đến những nơi con cần đến. Không chỉ có con, những người thân của con về Việt Nam có duyên cần đến chùa chú đều hoan hỷ giúp đỡ đầy nhiệt tâm và chân thành làm con vô cùng kính ngưỡng.

Gần bảy năm đến với cửa đạo tuy không quá ngắn cũng không quá dài nhưng trong con luôn cảm ơn duyên trời đã đưa con về bên tam bảo, bên thầy tổ ở tu viện Quan Âm Đồng Nai. Tình cảm trân quý mà thầy tổ đã dành tặng cho con cùng bao nhiêu hành giả khác trong bình đẳng cùng thân giáo, khẩu giáo của một sứ giả Như Lai thật thụ đã làm chấn động tâm con muôn đời sẽ không từ ngữ nào con có thể diễn tả đúng nghĩa và hết được. Về tu viện, con cảm nhận đó chính là ngôi nhà thật sự đầy yêu thương và được đối xử, chở che như trong một đại gia đình. Ở nơi ấy, thầy tổ là mẹ từ bi, là cha tôn kính cùng huynh đệ là anh chị em cùng chí cùng tâm hỗ tương nhau tu hành.

Bóng Quan Âm Tu Viện thanh bần bé nhỏ nhưng bóng của những hàng bồ đề bên tháp Ông Cố theo dấu thời gian cổ xưa vẫn tỏa vươn lên cao lên xa che mát đong đưa ru điệu à ơi dịu tâm khách hành hương có duyên tìm về. Ở nơi ấy dù tất cả đều bình dị, giản đơn nhưng tình thương quý cùng tấm lòng của những bậc thạch trụ tòng lâm mãi luôn là những bóng mây xanh dịu mát chở che cho cùng khắp chúng sanh tìm về tắm mát tâm mình. Vật chất, tiện nghi, công danh sự nghiệp ở xứ người vẫn không bao giờ làm con được lạc an như khi được về bên Quan Âm Tu Viện. Con xin gởi trao danh vọng ở ngoài để được về về đây nương nhờ tâm linh tăng trưởng tình thương thiện nghiệp bên bóng các thầy.

“Kính lạy đấng nhân thiên Điều Ngự

Mừng cha lành bất tử trong đời

Phật xót thương muôn đời chìm nổi

Đản sanh tìm ra lối thoát trần”

Mùa Phật Đản lần thứ bảy trong cuộc đời của con nơi hải ngoại lẻ bóng một mình làm con càng nhớ chùa, nhớ thầy tổ bạn đạo da diết, ước ao được sớm trở về. Nguyện mong quý thầy, quý đệ huynh nhận ở con tấm chân tình của một Phật tử phương xa kém duyên kém phước nhưng tấm lòng quý kính mãi không đổi thay. Nguyện mong mái nhà đạo pháp của Quan Âm Tu Viện và Tông Phong vẫn luôn trường tồn để hàng hậu học như chúng con còn được duyên phước có nơi tâm linh trở về. Dù có đi đâu về đâu, con vẫn luôn biết rằng mình thật may mắn, hạnh phúc và sung sướng khi được là một Phật tử thuần tâm của thầy tổ kính quý tại Quan Âm Tu Viện Đồng Nai.

Ngọc Hằng







Có 2 phản hồi đến “Nghĩa Đệ Huynh - Tình Thầy Trò Tại Quan Âm Tu Viện Đồng Nai”

  1. hoang thi mai đã nói

    em muốn học phật trong chùa thì phải làm thế nào ạ

    • Mô Phật! Bạn muốn học Phật hãy đến chùa nào bạn có duyên, quý thầy nào bạn thích và có duyên, nơi có đạo tràng tu tập xin quy y và sau đó nhờ quý thầy, quý sư cô hoặc bạn đạo cùng giúp tu hành, khuyến tấn, chỉ dẫn. Còn nếu bạn muốn tu học ở Quan Âm Tu Viện Đồng Nai thì bạn có thể đến gặp trực tiếp HT Thích Giác Quang vào cuối tuần hoặc thượng tọa Thích Vạn Hùng bạn nhé. Xin cảm ơn bạn rất nhiều. Chúc bạn tinh tấn tu tập. BBT Linh Sơn Phật Giáo

  2. Huyen Minh đã nói

    Đọc bài viết của em làm chị cảm động thật sự. Chị cũng là một Phật tử của Tông phong và tu viện hai mươi năm qua. Đúng như em nói, chị cũng đi khắp các chùa không đâu bằng về chùa mình, đơn sơ giản dị nhưng đầy tâm tu lực tu và tình cảm. Dạo này chị cũng hay dẫn con chị về chùa tụng Chú Đại Bi. Mong em vui khỏe. Mong có duyên được gặp em.

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com