Thứ sáu ngày 13, ngày mọi người thường có mê tín cho rằng đó là ngày không may mắn. Bao nhiêu tháng năm những ngày gọi là đại kỵ, ngày xấu, những ngày 13 thứ sáu trôi qua bình thường và những chuyện kinh thiêng động địa vẫn xảy ra ở các ngày khác thôi nên không có gì vướng mắc quan tâm. Tuy nhiên, một cuộc khủng bố tan thương vừa xảy ra ở thành phố lệ hoa Paris của nước Pháp lại diễn ra vào ngày thứ sáu 13 kéo theo những niềm tin tâm linh mê tín ngày giờ lại có dịp bùng thổi lấn lướt đi hết những trí tuệ còn lại của con người.

Xem thêm:

Bao Giờ Thiên Tai, Chiến Tranh, Bệnh Tật Và Đói Nghèo Mới Chấm Dứt?

Đức Phật Sẽ Làm Gì Với Vụ Khủng Bố Vừa Xảy Ra Ở Paris?

Có lẽ mạng xã hội là nơi đưa thông tin nhanh nhất kế đến là các hãng thông tấn báo chí hàng đầu thế giới đồng loạt đưa tin kéo cả thế giới đổ dồn về pháp. Xem qua những video và thông tin về cuộc khủng bố với số lượng người chết gần 150 người và 200 người bị thương cùng cảnh hỗn loạn xảy ra làm tôi xúc động thương người dân và khánh du lịch ở Pháp vô cùng.

Ngay lập tức, hàng loạt thông tin về các bài pháp biểu từ những nhà lãnh đạo, tổng thống từ các nước lớn nhất trên thế giới cùng đưa ra thông điệp chống khủng bố, trấn an tinh thần người dân đồng thời tăng cường an ninh khắp nơi. Số lượng cảnh sát, lực lượng chống khủng bố cùng đội ngũ y bác sĩ được điều động để ổn định tinh thần giúp đỡ những người cần giúp. Quả thật đáng khâm phục các vị lãnh đạo của các nước phải luôn làm việc điên cuồng để phản ứng cùng điều hành mọi hoạt động ở quốc gia mình cùng các quốc gia trên thế giới.

Có lẽ hiện nay, giữa hàng triệu hàng triệu thông tin xuất hiện trên báo chí và các mạng xã hội mỗi ngày chỉ toàn là tin xấu, chiến tranh, thảm sát, bạo loạn, tham đắm, cưỡng bức gây bất an, khổ đau về một tương lai vô định. Lát đát giữa rừng thông tin đen tối ấy, một vài tia sáng lé loi từ những điều tốt lành như tiếng kêu xé lòng giữa rừng rậm âm u không ai nghe thấy rồi lại tắt nhẹm như ánh nắng cuối ngày tàn. Cuộc sống vội vàng chạy đi không ngừng và niềm tin giữa con người với con người rất mỏng manh nên sợi dây thân ái tình người luôn trong trạng thái thẳng căng đứt cháy bất cứ lúc nào.

Chiến tranh, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật mãi luôn là nổi khổ đau đeo đẳng khắp toàn cầu. Tuy nhiên, trong hơn một thập niên qua, khủng bố và các vụ thảm sát vì bạo lực, bom nổ, đạn rơi do khủng hoảng niềm tin tâm linh, kỳ thị lẫn nhau luôn bùng nổ và âm ỉ trong cuộc sống đầy tan thương của con người.

Theo thống kê của viện kinh tế và hòa bình (Institute of Economics and Peace), số người chết vì khủng bố tăng gấp 5 lần kể từ năm 2000 (3361 người chết) đến năm 2013 (17,958 người chết) . 66% số lượng các cuộc tấn công do bốn tổ chức chính gây ra là ISIL, Boko Haram, Taliban và al-Qua'ida, chủ yếu gây nên do niềm tin tôn giáo cực đoan từ việc suy diễn sùng tín thánh kinh Hồi Giáo một các lầm lạc. Hơn 80% các cuộc tấn công khủng bố xảy ra ở 5 quốc gia chính là Iraq, Afghanistan, Pakistan, Nigeria và Syria. Tuy nhiên, số lượng người chết do các cuộc giết người cao gấp 40 lần so với tỷ lệ người chết vì khủng bố với khoảng 437,000 người chết vào năm 2012.

Ước tính, có khoảng 808 cuộc tấn công với 1,490 người chết và 2,700 người bị thương mỗi tháng vào năm 2013. Ở Hoa Kỳ, có khoảng 3,380 người chết vì khủng bố trong khi có đến 406,496 người chết do súng gây ra từ năm 2001 đến 2013. Cuộc khủng bố kinh hoàng cả thế giới là vào ngày 11/9/2001 với gần 3000 người chết đã xảy ra ở Hoa Kỳ vẫn còn mang dư âm chấn động khắp toàn cầu.

Sự thiệt hại về kinh tế do khủng bố gây ra là một con số kinh hoàng. Sự thiệt hại do cuộc khủng bố 911 ở Mỹ là khoảng 3,3 ngàn tỷ USD. Mỗi năm, Mỹ chi tiêu khoảng 500 tỷ USD, chiếm 20% ngân sách cho an ninh và chống khủng bố. Thiệt hại về việc giảm sút kinh tế, thị trường chứng khoáng, việc làm, đồng tiền quốc gia và niềm tin do đầu tư từ nước ngoài không sao kể siết được.

Thiệt hại về kinh tế, tài sản có thể khắc phục vượt qua nhưng thiệt hại về sức khỏe, tinh thần cùng những hệ quả đằng sau làm thế nào có thể đền bù, tính toán được. Mỗi một mạng người mất đi hay bị chấn thương sẽ gây ra cả một gánh nặng cho chính bản thân họ, gia đình cũng những người xung quanh. Những người bị thương tật nặng vĩnh viễn sẽ luôn sống trong khủng hoảng kéo theo các bệnh về trầm cảm, khổ đau, lo lắng, tủi hờn dẫn đến tự tử, trả thù vẫn mãi là một vết thương không có ngày lành lặn nếu không có sự chữa trị đúng đắn, kịp thời.

Hình như chưa bao giờ khắp thế giới bao phủ một màu u ám, biến loạn như những đợt sóng thần vượt cả đại dương bao phủ khắp năm châu. Cứ sau mỗi lần khủng bố hay tội ác gây nên, luôn có hai luồng tư tưởng xuất hiện. Một là bằng mọi cách phải trả thù lấy hận thù trả lại hận thù, dùng bom đạn đè bẹp trở lại bom đạn để cho những thế lực mà chúng ta cho là "tội ác, kẻ thù" phải khuất phục, đầu hàng. Hình như, số này chiếm khá nhiều. Luồng tư tưởng thứ hai mong thế giới bình tâm cùng nghĩ suy hành động trong hòa bình, yêu thương sớm hàn gắn lại nổi đau, dùng tình thương xoa dịu hận thù kéo thế giới trở lại. Tỷ lệ này luôn được rất nhiều người ủng hộ nhưng cuối cùng cứ như "Phật cao một thước, ma cao một trượng" nên thế giới lại đi xa tai ương tội ác, bom đạn lại tiếp tục dội bùng khắp mọi ngõ ngách của thế giới.

Thảm họa xảy ra, mọi người cực lực lên án, chỉ trích những kẻ khủng bố và chúng ta hả hê khi chính những kẻ ấy bị chết, bị bắt, bị xử tử vì nghĩ rằng đó chính là hành động duy nhất để tiêu diệt bạo loạn. Bình tĩnh trở lại, chúng ta có thể thấy hành động sâu xa bạo loạn xảy ra liên tục không ngừng cũng vì chúng ta không thấy sự liên hệ ràng buộc với nhau. Chúng ta tin rằng cuộc sống, hành động của mình không liên hệ gì đến những người khác. Chúng ta có quyền được sống độc lập, được làm những gì mình thích và có thể làm cả những điều bất thiện miễn không bị phát hiện thì thôi.

Tuy nhiên, chúng ta đều sống chung một bầu trời, chia sẻ cùng một nguồn nước, cùng chia nhau mọi thức ăn, tiện nghi trên cuộc đời và đều phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta cùng sống trong chuỗi thức ăn và lưới kinh tế theo những mắc xích kéo nhau đi nên nếu một mắc xích bị cắt đứt, bị hủy hoại, cả mạng nhệnh sẽ bị suy yếu, ảnh hưởng. Hành động vẫy vùng chống trả chỉ làm hại chính chúng ta và giết chết ngôi nhà cùng những gì mình đang sống và đang có.

Chỉ vì cho rằng chúng ta là các cá thể độc lập không phụ thuộc, sự phân biệt kỳ thị rẫy đầy nên niềm tin tâm linh tôn giáo cực đoan trong suy nghĩ diễn ra rằng chỉ có những gì chúng ta hành động, suy nghĩ mới là đúng và với người khác là sai, là đi ngược lại với quy luật cuộc sống. Chúng ta chỉ trích và thường gán ghép những người Hồi Giáo là nguyên nhân gây ra khủng bố. Tuy nhiên, Đạo Hồi cũng như các tôn giáo khác đều có những giáo lý chân chánh, thánh thiện, dạy con người ta làm việc thiện, yêu thương nhau. Chỉ vì một số những phần tử cực đoan tự cho mình quyền suy diễn giáo lý theo một chiều hướng tiêu cực và tự nhân danh thánh thần thay chúa trời tàn sát những con người đi ngược lại với niềm tin của họ.

Xuyên suốt lịch sử, biết bao nhiêu người từ các tôn giáo khác cũng tự cho mình quyền suy diễn thánh kinh của tôn giáo mình tàn hại người khác, gây ra biết bao nhiêu cuộc thảm sát, giết chóc. Phật giáo xuyên suốt chiều dài lịch sử thành đạo hơn 2500 năm chưa bao giờ gây tổn thương,khổ đau cho bất cứ quốc gia nào theo dấu chân các nhà sư truyền đạo.Nét đẹp của Phật Giáo ở lòng từ bi, khoan dung và tha thứ nên đi đến đâu đều dung hòa với văn hóa và bám rễ đâm chồi nở hoa tại nơi hoa đạo bừng khai.

Tuy nhiên, những cuộc bạo loạn lại diễn ra ở những quốc gia xem Phật Giáo là quốc giáo như Thái Lan và Miến Điện. Chiến tranh bạo lực liên tục diễn ra đã làm cho một số nhà sư mất bình tĩnh gây nên sự chống trả, tạo nên một nhóm các nhà sư được cho là hành động vì đất nước đứng lên kêu gọi mọi người đánh lại người Hồi Giáo, mang bạo lực đối xử với bạo lực đi ngược lại với giáo lý nhà Phật. Đây chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ nhưng với thế giới truyền thông thổi bùng và với những người không hiểu đạo, họ xem rằng Phật giáo cũng bạo loạn giết hại người khác như thường nếu xung đột tôn giáo xảy ra.

Trong tất cả các cuộc chiến tranh hay khủng bố, không có cuộc chiến tranh nào gây nên tan tóc, làm cho con người phải luôn khổ đau dai dẵn bằng cuộc chiến vì niềm tin tôn giáo, vì sự xúc phạm đến tâm linh lẫn nhau. Giữa thế giới hơn 6 tỷ người với biết bao nhiêu dân tộc, màu da, tôn giáo, người ta có thể chịu đói chịu khát nhưng lại không thể chịu nhục, chịu để người khác chà đạp lên niềm tin của mình, dù đôi khi có phần rất bảo thủ, cực đoan. Đó chính là nhà tù kìm hãm làm khổ chúng ta, biến chúng ta trở thành những kẻ tội đồ cho niềm tin cực đoan của mình để rồi lại gây họa cho bao nhiêu người dẫn đến những cuộc thánh chiến, tiêu diệt lẫn nhau.

Thế giới hiện nay trở nên phẳng hơn nhờ mạng internet cùng các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại nên bất cứ một động tĩnh ở nơi này thì khắp nơi sẽ được biết đến ngay lập tức Cuộc sống của con người hiện đại vật chất càng nhiều nhưng khổ ải không thể nào đo lường. Ngày xưa, con người có thể khổ về vật chất nhưng cuộc sống an ổn, bình lặng, thanh nhàn hơn, đạo đức được xem trọng, người với người đối xử cùng nhau vì đạo lý của tình người, đạo tình người vượt qua cả luật lệ khắc khe. Tuy nhiên giờ đây, dù có bao nhiêu luật lệ chi tiết đi nữa, tâm tham sân si phủ lên vẫn luôn tìm kẻ hở vượt thoát không từ nan.

Con người ngày nay như sống trong thế giới bạo loạn và mất phương hướng hơn bao giờ hết. Đó chính là do mất niềm tin tâm linh, mất sự quán xét, mất chánh kiến tư duy suy thấu mình nên sống vì điều gì, tại sao mình sống, mình sẽ tồn tại giữa thế giới và đi lên như thế nào. Vì " Ý dẫn đầu các pháp. Ý làm chủ ý tạo" nên một niệm sân si khởi lên sẽ điều khiển cả mọi giác quan tay chân hành động trở thành nô lệ cho chính tâm ý của mình. Thêm vào đó, thiếu sự hướng dẫn, mất sự nhẫn nại chịu thương chịu khó, hy sinh vì nhau, chỉ vì lợi mình, vì sự cố chấp bảo thủ tất cả chỉ có mình là đúng, người khác là sai, là kẻ thù nên ác tà ngày lộng hành, cộng nghiệp chất chồng khổ ải trùng khơi.

Giữa bao lửa đạn binh đao do tham đắm gây ra, khi lòng tin con người trở nên quá mong manh vô phương định, khi khói đen si ám nặng nề phủ đầy vẫn có những hoa sen giản đơn của lòng từ bi vẫn tỏa hương bình dị không khoe khoang tranh dành. Tình con người khi bạo loạn xảy ra mới được nâng lên, lòng tham ngày thường lùi lại nhường chỗ cho những việc làm thánh thiện. Các nhà nơi xảy ra thiên tai chiến tranh khủng bố vẫn cố gắng mở cửa, treo bảng, đăng tin mời những người xa cơ lỡ vận vào an trú qua đêm uống chén nước ấm lòng. Từng đoàn người vẫn xếp hàng để hiến máu cứu người hay cùng quyên góp phân phát cơm nước cùng các nhu yếu phẩm cho con người. Chuyện tham đắm ngày thường vì lợi của mình bỗng tan biến khi đối diện với sinh tử khốn cùng. Âu cũng là một bài học về sự vô thường mong manh.

Quán nhân duyên, lý nhân quả, quán vô ngã, vô thường cùng lòng từ bi của nhà Phật vẫn tồn tại xuyên suốt khắp bao ngàn năm và càng có giá trị hơn trong thời đại biến loạn ngày nay.Những đạo lý đầy tình người, tình yêu thương muôn loài, sống vì người khác và cố gắng hành xử để giúp mình, giúp người, cởi trói cho chính mình luôn được đề cao trong Phật Giáo. Nhiều đạo lý cao đẹp vẫn tồn tại trong các kho tàng đạo đức của các tôn giáo khác. Do đó, không vì những cá nhân làm sai, một vài tổ chức làm sai, một vài người được cho là có tiếng tăm đại diện cho tôn giáo làm sai rồi chúng ta quy chụp chỉ trích cả hệ thống đạo lý của tôn giáo ấy. Đó chính là mầm họa sát thân khổ ải muôn trùng không một ngày dừng nếu trong tâm không biết đổi thay theo chiều hướng tích cực.

Tha thứ cho những hành động sai trái của người khác và biết sám hối tội lỗi của mình chính là những nét đẹp cao thượng nhất. Đó cũng chính là sự "trả thù" cao cả nhất giúp tăng thêm sức mạnh, gầy dựng lòng tin và xây dựng nên cuộc sống bình an trước cho mình, sau cho mọi người. Chúng ta tha thứ cho người khác cũng chính là tha thứ cho mình để bắt đầu một tương lại tươi sáng hơn. Ngược lại, nếu chúng ta vẫn chấp chứa hận thù trong người, cả ngày lẫn đêm không một phút bình an báo thù chỉ gây thêm nghiệp nợ chất chồng, oan oan tương báo mà thôi. Những bài học về các cuộc chiến trả thù, dù với bất cứ danh nghĩa chống khủng bố, chống những kẻ gây hại, chống vũ khí hạt nhân chỉ tạo thêm những hệ quả đau thương lan tràn cuộc chiến sau luôn có tầm sát thương, thiệt hại nặng nề nhiều hơn những cuộc chiến trước.

Mong hương linh của những người vô tội dù với bất cứ lý do gì sẽ sớm được siêu sinh về cảnh giới an lành. Mong nghiệp chướng của các oan gia trái chủ bao đời sớm tháo được sợi dây kết oán đeo đẳng qua bao nhiêu kiếp luân hồi. Chỉ có tâm bình an "tâm bình thế giới bình" mới mong chuyển biến cuộc sống theo hướng tích cực vì "tâm an vạn vật an."

Cầu mong những người còn may mắn có thân người, còn được sống bình an sẽ biết thay đổi tâm mình, chuyển ý niệm tham sân si thành đại bi trí dũng cứu mình giúp người, xây dựng nên một thế giới đại đồng. Cuộc sống rất vô thường mong manh như cánh hoa sớm nở tối tàn nên nếu tha thứ được cho nhau để sống nhẹ nhàng hãy cùng nhau hành động trước khi quá muộn.

Nguyện lạy trong hư không tam giới mong Bồ Tát Quán Thế Âm Tâm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn giúp thế giới ta bà giảm đi bớt những chướng nghiệp khổ đau đang bủa vây khắp muôn nơi..

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Khủng Bố Ở Pháp - Tan Thương Trong Niềm Tin Tâm Linh Bất An Còn Vang Vọng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com