Tôi lớn lên ở một miền quê thuộc ngoại thành Nha Trang, bên những con sông, cánh đồng cùng cuộc sống nhà nông chân lấm tay bùn. Làng quê bình lặng thoải mình theo dấu chân ra đồng trên những con đường đất quanh co bụi bay mùa hè và lầy lội trong mưa bão mùa đông. Ngoài những giờ đi học trường xa phải men đường lội ruộng,cuộc sống còn lại của tôi đầy êm đềm, bình dị bao bọc bên trong lũy tre làng nuôi dưỡng tuổi thơ qua những trò chơi dân gian của con trẻ thưở bấy giờ.

Xem thêm:

Là Phật Tử, Chúng Con Cần Gì Khi Đến Chùa?

Làng quê bé nhỏ ấy cũng có đình làng và một vài ngôi chùa nhỏ. Đây là những trung tâm văn hóa và tâm linh của cả làng với những lễ hội cúng đình lớn nhất hàng năm dù tôi chưa bao giờ được tham dự. Chùa kế bên đình với giếng nước, cây đa. Do thiếu duyên cùng tập quán của ông bà, chùa hay những giá trị văn hóa tâm linh của Phật giáo là một điều gì đó ngoài tầm với. Tôi chỉ nhìn chùa, nghe tiếng chuông chùa văng vẳng mỗi ngày nhưng đó chỉ là âm thanh dành cho một ai đó, có lẽ cho đám tang, cho những người lớn hay cho người thất tình.

Chùa ở quê cũng rất vắng và chỉ là nơi mọi người đến cầu xin, thưa gởi cúng cầu an, cầu siêu hoặc tang lễ. Lẽ dĩ nhiên, chuyện có các khóa tu, giảng dạy giáo lý, hướng dẫn về Phật pháp là không hiện hữu. Chùa sừng sững như một biểu tượng chỉ để phụng thờ, tôn kính, nguyện mong những gì tốt lành ban ơn giáng họa từ bề trên mà thôi.

Sau bao nhiêu năm tha hương ở Hoa Kỳ và biết về Phật pháp, lòng hối hận không dừng hiện hữu trong tôi khi nhớ về những tháng năm vô minh một thời. Ba lần được về Việt Nam là ba lần tôi đều đến chùa nhiều hơn bất cứ nơi nào. Thương những ngôi chùa quê bao năm không đổi thay và cũng không hề có nét chuyển mình, chỉ thăng trầm in dấu vết cổ xưa rêu phong phủ lên nên mỗi khi có dịp, tôi đều đến đây.

Lần thứ nhất tôi đến chùa , một ngôi cổ tự đầy cây xanh và cũng có duyên gặp được vị Sư già nhưng đạo hạnh khá cao. Ngài đã bị bệnh và về với Phật vài tháng sau đó. Tôi xin vào chùa lễ Phật và cũng có duyên gặp được hai vị thầy còn khá trẻ, vừa tốt nghiệp học viện Phật Giáo ở Huế được điều về chùa, lòng khấp khởi mừng thầm hương sắc chùa quê sẽ được đổi khác.

Tuy nhiên, thật là đáng buồn khi thầy cho biết vẫn không thể tổ chức được những buổi tu tập. Nếu không thường xuyên đi cúng cầu an, cầu siêu, cúng đám, Phật tử sẽ không về chùa. Đó lại trở thành một cái nghề để phụng thờ tam bảo. Thầy cũng ngạc nhiên vì có lẽ chưa một Phật tử nào lại còn khá trẻ như tôi đến chùa thỉnh nguyện yêu cầu này.

Lần thứ hai trở về đây, tôi xin được ngồi ở chánh điện tĩnh tâm lạy Phật. Đến thời khóa công phu, tôi cũng ngồi nghe chuông mõ từ hai vị thầy ấy. Tâm khấp khởi mừng thầm các thời khóa công phu vẫn được diễn ra. Lần này tôi không đến thưa trình và có lẽ hai thầy cũng không còn để ý quan tâm đó là ai và tôi thường dấu tông tích ở nước ngoài khi đến chùa.

Tôi biết được ngôi chùa thứ hai, nơi chị tôi từng đến xin quy y dù sau đó đều chuyển hết về quy ngưỡng thầy tổ ở Quan Âm Tu Viện Đồng Nai. Thông thường, tôi đến chùa chỉ xin được vào chánh điện lễ Phật, ngồi ở ngoài sân xem cảnh quan, xem hoa sứ ngắm nhìn ruộng đồng vì ngôi chùa cũng khá nhỏ. Thật là không may, bà quản tự chùa tỏ ý không hài lòng khi tôi chỉ xin vào chánh điện lạy Phật. Bà muốn tôi phải vào xin thầy trụ trì trước thể như mọi người đến chùa đều cần một điều gì đó. Vì biết khá rõ lý lịch về ngôi chùa và thấy tâm bà không được vui, tôi xin phép đạp xe ra về.

Chẳng biết duyên đưa đẩy thế nào, tôi đạp ngược đường định lên ngôi cổ tự tôi thích đến nhưng lại lạc vào một ngôi chùa khác, lần đầu tiên tôi được biết. Lòng reo lên vì không ngờ có duyên biết ngôi chùa thứ ba ở quê mình. Phía trước chùa, thầy trụ trì còn khá trẻ đang cùng với một chú Phật tử giăng băng rôn thông báo tổ chức lễ tiểu tường của vị thầy trụ trì đã mất cách đây một năm. Tôi vui lắm.

Dừng xe tôi xá chào thầy. Thấy tôi mặc áo lam, lại còn khá trẻ, thầy cũng hoan hỷ. Thầy hỏi tôi từ đâu đến. Khi tôi nói từ làng dưới lên, thầy lại tưởng tôi là Phật tử từ chùa gần đó. Tôi lắc đầu dù thầy nói thêm vài ngôi chùa nữa. Cuối cùng khi nghe tôi nói tôi là Phật tử ở Quan Âm Tu Viện Đồng Nai, thầy tròn mắt hỏi tại sao ở Nha Trang nhưng quy y tận nơi xa vậy. Tôi mỉm cười nói với thầy đó là do duyên nên thầy cũng trầm ngâm rồi cười, lại do duyên.

Thầy mở cửa cho tôi vào chánh điện lạy Phật cũng như không quên dặn dò từ tối hôm sau cố gắng về chùa để cùng đại chúng khai khóa tụng kinh Địa Tạng trong 10 ngày. Trong tâm tôi rất vui vì chùa tuy bé nhỏ nhưng nhìn thầy khá an lạc, trong chùa treo nhiều kinh kệ câu đối tu tập cũng như có một ít sách vở dành tặng Phật tử. Tuy nhiên, tôi xin phép từ chối bảo phải vào Sài Gòn. Thầy cứ động viên khuyến khích rất lâu mới có khóa tụng kinh, cố gắng dời việc đi xa để mãn khóa hãy đi. Không muốn làm thầy buồn và không muốn phải giải thích thêm để rắc rối nên tôi chỉ cười im lặng. Thầy đâu biết rằng sau khi lạy Phật xong, tôi phải trở về nhà thu xếp lên xe vào Sài Gòn chuẩn bị sang Mỹ nên mới phải lỗi hẹn.

Sau tết vừa qua, tôi được trở về Việt Nam lần thứ ba. Nhờ thầy tổ chỉ dạy nên tôi đã có chút ít hiểu biết về Phật pháp. Do đó, tôi rất thương những ngôi chùa ở quê thiếu quá nhiều duyên phước, cả cho người tu và cả cho người dân quê mình. Biết bao giáo lý nhiệm màu, bao điều hay bổ ích của Phật pháp nhưng không một ai biết đến và chẳng ai chỉ dạy cho Phật tử. Khi quyển sách "Phật Pháp Vấn Đáp" tập 1 của HT Thích Giác Quang được xuất bản, trong tâm tôi đã nghĩ ngay đến việc tặng các ngôi chùa ở quê sách này.

Đa phần các thầy, các sư cô ở quê không biết về internet, suốt ngày chỉ cúng đám tụng kinh nên cũng không hề có thời gian tìm hiểu, biết gì về Phật pháp. Trong tâm tôi nghĩ và cũng cầu xin chư Phật giúp đỡ quyển sách với những câu hỏi và trả lời rất công phu, gần gũi với cuộc sống sẽ được quý thầy, quý sư cô ở các chùa quê chịu đọc, chịu tiếp nhận để trước giúp mình, sau giúp cho những Phật tử có duyên tìm về chùa. Vì thế, năm quyển sách cuối cùng còn lại tôi xin, kể cả ở chùa chỉ còn một quyển hòa thượng đã hoan hỷ dành hết cho tôi trong khi chờ đợi tái bản.

Gần như ngày nào rãnh tôi đều mặc áo lam đi xe đạp dạo quanh các ngôi chùa. Về Việt Nam tôi chỉ mặc đồ lam suốt ngày ở nhà nên hàng xóm cũng dị nghị khá nhiều, nhất là khi biết tôi vẫn độc thân làm tôi hơi mệt khi nghe đủ thứ lời khuyên bảo riết cũng chỉ biết cười. Chuyện hiểu lầm về vẻ bề ngoài của tôi xảy ra thường xuyên nên không còn làm tôi bận tâm nữa. Tôi nghĩ đến chùa nên tôi không phải lo lắng gì, cứ thong dong mà đi.

Ngôi cổ tự bao lần tôi đến đều được vào chánh điện giờ cửa đã khóa, không thấy bóng dáng quý thầy đâu. Bà quản tự già vừa thấy tôi đã hỏi tôi đến chùa làm gì rồi khá thất vọng khi biết tôi chỉ có nhu cầu đến lạy Phật. Bà chỉ tôi những pho tượng ngoài sân ra lạy chứ không phải vào chánh điện nên tôi ở ngoài sân trước bàn thờ Tiêu Diện Đại Sĩ ngắm chùa, ngắm cỏ cây. Dù sao đây cũng là ngôi chùa ở quê tôi thích nhất vì rất yên tĩnh và có phong cảnh đẹp nên tôi ở đây hàng giờ.

Có lẽ số tôi không có duyên hay thầy tôi hay trêu đùa con bao kiếp quậy quá giờ vào chùa cũng không xong, bốn lần tôi đến đây thì cả bốn lần đều phải ở ngoài sân. Sách tôi muốn tặng cũng không duyên và cũng chẳng có cơ hội để gặp quý thầy thưa chuyện, cúng dường. Tôi dành lủi thủi ra về dù trong tâm hơi buồn, chùa quê mình giờ hoang vắng điêu tàn vậy sao?

Tôi trông chờ đến ngôi chùa thứ hai có vị thầy vui vẻ, có thiện tâm mời tôi ở lại tụng kinh Địa Tạng ngày nào thưa chuyện và cúng dường sách. Đau buồn hơn, chùa lúc nào cũng khóa từ cổng ngoài dù bao lần tôi bước qua. Chị tôi bảo chùa lúc nào cũng đóng cửa cả rất hiếm khi thấy thầy. Lần cuối cùng khi tôi thấy có một chị đang quét sân, lòng mừng thầm sẽ được vào chùa nhưng chị bảo thầy đi vắng và kiếm cách chối từ bảo tôi đến dịp khác chứ không buồn quan tâm nhu cầu được vào chùa lạy Phật của tôi.

Quay về với ngôi chùa nhỏ ngày nào bị bà quản tự già giận dữ, lòng hơi lo không biết lần này sẽ thế nào. May mắn thay, chùa mở cửa và đây là lần thứ hai tôi được vào. Lạy Phật xong, tôi quay ra gặp lại bà quản tự, cũng từng là vợ của thầy trụ trì trước khi xuất gia, như chùa gia đình. Lần này bà đang quét sân, nụ cười hiền hỏi thăm tôi. Tôi trả lời ở làng dưới và khi biết tôi làm bác sĩ, bà ngạc nhiên lắm, càng vui hơn cũng như bất ngờ vì nhìn tôi quá nghèo và quê mùa với chiếc xe đạp cà tàng. Bà hỏi tôi làm khoa nào, bệnh viện nào thì lúc này tôi đành thoái thát nên bà tự chỉ định bệnh viện ở Nha Trang, tôi chỉ cười trừ không nói gì.

Vừa lúc đó, tôi thấy một vị thầy trẻ xuất hiện, có lẽ là con của thầy trụ trì, nghe nói thầy cũng đã tốt nghiệp ở Huế. Tôi tiến đến chào thầy và xin cúng dường sách. Thầy cầm lên xem và tôi xin phép được về vì đã khá tối. Cả thầy và bà quản tự lúc ấy mới với theo cảm ơn mời tôi lần tới nhớ đến chùa. Tôi cười đáp lễ rồi dắt xe ra ngoài .

Nghĩ rằng không có duyên tặng sách cho chùa, tôi tặng cho người thân và chỉ còn một quyển duy nhất. Chợt nhớ đến ngôi chùa ni còn lại ở quê tôi khá nhỏ, chưa lần nào đến đây nên ngày cuối cùng tôi mạnh dạn đạp xe đến chùa.Chùa nhỏ nhưng có nhiều sư cô hơn, khoảng bốn năm vị nên tôi thấy vui. Lúc ấy buổi chiều các cô đang lau dọn. Cũng như các ngôi chùa khác, vừa thấy tôi, một sư cô còn khá trẻ đã hỏi ngay tôi cần gì? Tôi rất hiểu và đã quá quen việc người ta chỉ đến chùa khi có tang gia hữu sự, chẳng mấy ai lại đến chùa không cần gì như tôi ngoài lạy Phật cúng dường. Do đó, khi nghe câu trả lời của tôi, cô ngạc nhiên lắm rồi chỉ lối tôi vào.

Như để khỏa lấp sự trống vắng vì tôi không biết phải bước lối nào khi cô đang lau dọn, chùa lại quá nhỏ như một cái nhà chỉnh trang, cô cười hỏi tôi có phải mới tan ca ra không? Tôi sững lại vài giây và sau đó định thần hiểu ngay ý sư cô muốn nói gì. Có lẽ sư cô tưởng tôi là công nhân xí nghiệp tan tầm đến chùa mới đi xe đạp, nhìn quá quê mùa lạc hậu chứ người thường không ai lại ăn mặc đi đứng như tôi, nói chi làm bác sĩ ở Mỹ chắc người ta sẽ nói tôi nói xạo hoặc có ý đồ bất chính đến lừa đảo.

Tôi lại tự cười trong tâm mình nhớ thầy tôi. Ba năm trước khi thầy phải đích thân dẫn tôi lên Tổ Đình Linh Sơn núi Dinh để tu, một điều vô cùng hiếm có xảy ra trong 40 năm tu tập, thầy có dặn ai hỏi tôi phải nói với mọi người rằng tôi ở Nha Trang vào chứ nói ở nước ngoài, làm bác sĩ không ai tin đâu với bộ dạng của tôi, thêm phiền phức. Thầy còn đùa vui thầy mắc cỡ khi phải đi với tôi. Ở ngoài tôi đã bị hiểu lầm liên tục, họ hàng tưởng tôi đói kém sống ở Mỹ làm không đủ ăn, bạn bè nhìn tôi ngỡ như là thiếu tiền. Đến ngay cả ở sân bay Tân Sơn Nhất trước giờ cất cánh, người trực điện thoại hỏi chuyện còn tưởng tôi nào là công nhân xuất khẩu lao động, là đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan hoặc làm người giúp việc, làm móng tay ở Mỹ. Tôi cười thầm người làm nail không ai lúa và quê mùa như tôi cả, không một vết son phấn áo quần trên người. Khi biết thân thế thật của tôi, cô tròn mắt kinh ngạc bảo tôi đơn sơ quá mà trong tâm phì cười tôi đã quen người ta nhìn mình chất lúa cả kho.

Giờ ở chùa, đến chùa, ngay cả chùa quê, sự phân biệt dẫy đầy càng làm tôi nhớ những lời dạy của Phật "cái gì có hình tướng đều là không thật." Thôi thì sư cô nghĩ tôi là gì tôi cứ là như vậy để cô yên tâm khỏi giải thích. Tôi lạy Phật xong bước ra ngoài chụp ảnh chùa, các cô cứ nhìn theo rồi đi vào. Lúc đó tôi vẫn cứ nấn ná vì chờ người ra để cúng dường sách. Cuối cùng như duyên, sư bà bước ra và tôi mừng vô cùng cầm sách đến cúng dường Sư bà rồi về.

Ở quê, chuyện cúng dường tiền, gạo, vật chất là bình thường như các ngôi chùa khác nhưng cúng dường sách có lẽ là không có nên mọi người đều rất ngạc nhiên. Dù không trọn vẹn với tâm nguyện nhưng tôi chỉ cầu mong sẽ có duyên tặng thêm những sách vở, những tập sách Phật Pháp Vấn Đáp hữu ích trong tương lai cho các chùa ở quê của mình. Tôi nghĩ không gì quý bằng tặng Pháp bảo để quý thầy, quý sư cô có duyên được tìm hiểu Phật pháp đúng nghĩa, không mê tín dị đoạn giáo điều và biết hướng Phật tử tu hành chân chính, đàng hoàng. Mầm bồ đề dù rất nhỏ, rất nhỏ nhưng có ngày tôi tin sẽ lên cao, vươn rộng để quê tôi thật sự có những ngôi chùa được hướng dẫn tu hành đúng nghĩa trong sự bình lặng, mộc mạc của chùa quê.

Ngọc Hằng



Có 1 phản hồi đến “Chùa Quê”

  1. Hồng Ân đã nói

    Mình cùng tâm trạng với bạn, xa quê, nhớ chùa. Ngày xưa mình ở quê sống ở chùa phần nhiều. Lớn đi làm lấy chồng nổi trôi theo phận đời. "Biết đến bao giờ trở lại quê Phân vân lòng gởi nhớ nhung về Tan thương dù có bao nhiêu nữa Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê"

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com