Một mùa hoa bằng lăng nữa lại trở về làm rực sáng cả thành phố bé nhỏ nơi tôi đang ở Hoa Kỳ. Trước nhà tôi, hoa bằng lăng đủ sắc màu đang khoe sắc giữa trời làm hồng thêm mái ngói, dịu nhẹ bớt đi cái nắng hè gay gắt đang muốn thiêu đốt tất cả muôn loài. Mới ngày nào cây còn thấp bé gần tầm tôi sau hơn 10 năm đã vươn lên cao ngút ngàn. Cánh hoa bé nhỏ li ti, mong manh rực đẹp trong ánh nắng và đong đưa trong gió chiều. Tôi yêu hoa bằng lăng và cũng thích cầm trong tay những cánh hoa bé nhỏ ấy vì gợi trong tôi biết bao nhiêu kỷ niệm thân thương.

Cũng như sự mỏng mảnh của hoa bằng lăng, những gì đọng lại trong tôi làm tôi bồi hồi xúc động và cũng là động lực tinh thần giúp tôi trụ vững bao nhiêu năm qua từ khi ở trong nước cho đến khi sang nước ngoài đều là những kỷ niệm bình dị, đơn sơ. Biết bao nhiêu con người theo duyên đến đi và biết bao nhiêu hạng người tôi đã tiếp xúc nhưng những nét đẹp giản đơn từ tâm đầy tình cảm dành cho tôi mãi không bao giờ tôi quên được.

Người đầu tiên không ai khác chính là má tôi. Tình cảm kỷ niệm về má không thể nào tôi có thể kể hết được. Má giờ theo nghiệp bệnh không biết gì nhưng ngày xưa má vĩ đại vô cùng vì đã nuôi năm chị em tôi ăn học nên người. Cả cuộc đời má rất khổ nhưng sự hy sinh của má không gì sánh bằng. Má rất tiết kiệm nhưng với con cái má rất rộng tâm. Khi tôi đậu lớp 10 ở trường học lớn của tỉnh, phải bắt đầu sống xa nhà, má mua cho tôi những thứ đồ dùng học tập và máy tính tốt nhất thời bấy giờ.

Tôi không bao giờ quên được kỷ niệm ngày tôi đậu các trường đại học, má cầm báo có tên tôi chạy thật vội về nhà và chạy xuống chỗ làm gạch cho ba tôi biết dù má quanh năm không hề đọc báo. Sau đó, má bắt tôi mang gạo lên chùa gần đó cúng dường dù lúc đó tôi ghét chùa chiền vô cùng.Những năm đại học, khi tôi nhận học bổng, thi SV hay có mặt trong danh sách 300 học sinh, sinh viên học trò giỏi hiếu thảo của cả nước, má vui như hội.

Đáng lẽ mùa hè rãnh về nhà phụ má làm việc nhưng biết tôi thích đi mùa hè xanh, má vẫn cho tôi đi làm tất cả những gì tôi thích. Khi tôi kể cho má nghe tôi cũng là lãnh đạo ở lớp, ở trường Bách Khoa, quản lý đội mùa hè xanh của khoa, má cũng chỉ cười vui vì đã quen với việc từ nhỏ đến lớn tôi toàn làm lãnh đạo ở trường. Để rồi mỗi năm hai lần má đứng đợi ở sân ga từ sáng sớm dù mưa hay lạnh để đợi tôi về thăm nhà được vài ngày. Mỗi khi tôi trở về thành phố là biết bao nhiêu đồ ăn, bánh trái má đã chuẩn bị sẵn cho tôi. Những khi ba tôi hay có ai vào thành phố có việc luôn được má bắt mang vào cả một xách đồ rất lớn chứa đựng biết bao tình cảm của má.

Thời gian đầu định cư sang Mỹ, gia đình tôi khổ vô cùng và đau đớn hơn má lại phải xa tôi hai năm đầu tiên cứ như việc sống xa nhà gần 10 năm ở quê nhà. Khi trở về,má đã bắt đầu bị bệnh vô phương. Dù vậy, biết tôi phát tâm ăn chay, cứ đến ngày má lại nấu đồ chay cho tôi và sẽ rất giận nếu ai cản không cho tôi ăn chay. Để rồi khi tôi thành danh như nguyện ước, má không còn biết gì nữa cả. Có lẽ chư Phật gieo duyên để tôi biết tu hành và đến với tam bảo từ má.

Tôi thương ba tôi đã thay đổi hoàn toàn khi sang xứ người và từ khi má bị bệnh. Ngày còn ở Việt Nam, chúng tôi rất sợ ba tôi vì ba rất gia trưởng, nóng tính vô cùng. Dù vậy ba thích giúp người, làm việc thiện, hay nghĩ về những người nghèo ở xóm làng. Mỗi lần ba về Việt Nam, hành lý chúng tôi chuẩn bị cho ba toàn đồ dùng thuốc men để ba tặng cho người nghèo.

Từ ngày má bệnh, ba bắt đầu trầm ngâm và âm thầm đóng cả hai vai mẹ cha để chúng tôi yên tâm học hành, làm việc. Người chăm sóc má, cho má ăn hàng ngày, tắm rửa dọn dẹp cho má cũng chính là ba. Mỗi lần nhìn hình ảnh ba cầm tay má, cười nhìn má kể chuyện ngày xưa mà tôi chỉ muốn khóc. Mỗi chiều chúng tôi đi học về, ba thường cố gắng dọn cơm sẵn chờ đợi nhưng dần dần mỗi người phải ăn riêng theo thời khóa làm việc, học hành. Ngày Tết, cha con thường quây quần gói bánh tét, bánh chưng làm ba vui lắm để có dịp kể kỷ niệm xưa dù ở xứ người bận rộn vô cùng còn ở Việt Nam chúng tôi chưa bao giờ biết gói bánh.

Tôi nhớ hai người bà rất nhân từ của mình, một là bà ngoại, hai là bà Năm, em của ông ngoại. Ở Việt Nam, tôi nhìn khắp họ hàng không thấy hai hiền đức như hai người bà này. Tôi chưa bao giờ thấy bà ngoại giận, nói lời không phải, chửi mắng ai mà toàn bị người khác nói nặng, làm khổ. Bà ngoại làm dâu thật không hề sung sướng gì khi sống với bà cố dù là gia đình giàu có còn bà ngoại hầu hạ bà cố đúng nghĩa con dâu thảo hiền.

Còn bà Năm lại khổ vô cùng lại không được bà Cố tôi thương. Vậy mà bà không bao giờ trách hờn, một lòng với bà cố, gia đình nhà ngoại, nhẫn nhịn không dành dựt đòi hỏi bất cứ điều gì cho mình. Tronng khi cả bà Cố và ông ngoại đều giàu có, đất vườn không thiếu thì bà chỉ có thể được một chút cám, một chút gạo mỗi khi bà ngoại lén gởi cho. Những ngày tôi ở bệnh viện, lúc nào cũng nghe tiếng nói hiền ngọt bà đến vì bà là y tá rất được lòng bệnh nhân. Đặc biệt, chỉ có gia đình bà con cháu biết tu hành nhưng nghiệp duyên quá nặng bệnh tật triền miên nên cả đời bà chỉ có biết gánh khổ. Má tôi thương bà vô cùng và có dặn dò tôi khi thành danh phải nhớ giúp bà.

Bà Tư ở mùa hè xanh lần thứ hai tại Bến Tre với trường đại học Bách Khoa gợi cho tôi hình ảnh bà ngoại đã quá vãng. Bà sống một mình, đã quá già, trên 80 tuổi, nghèo khổ vô cùng nhưng mọi thứ đều tự sống, tự làm và không muốn chúng tôi lo lắng cho bà. Ngược lại, bà con lo cho chúng tôi, làm bánh nấu đồ ăn thêm tặng chúng tôi. Trước khi về thành phố, chúng tôi có tặng bà một đàn vịt làm bạn thì mỗi lần có ai lên thành phố, bà đều làm rất nhiều kẹo bánh cũng như gởi trứng vịt lên cho chúng tôi. Tôi có viết thư hỏi thăm bà, khuyên bà giữ gìn sức khỏe, đừng gởi đồ cho chúng tôi nhưng bà nhờ người viết thư cho tôi bảo hãy để bà làm được vui vì “người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết.”Đến khi tu hành biết chút về Phật pháp, tôi mới nhớ câu nói này không khác câu nói duyên của một người hành thân Bồ Tát Đạo.

Sang xứ người những năm đầu, khổ đau nước mắt tôi phải đối diện không thể nào kể siết được. Sống giữa họ hàng giàu có, giữa ngôi nhà như cung điện nguy nga trên đồi nên tôi càng biết mình phải tự trọng, tự vươn lên lo cho mình, học sự tự lập tự cường không trông mong ai giúp đỡ mình. Người giúp tôi có được một chút bình an, hạnh phúc trong hai năm đầy kinh hoàng ở Cali là một người ông và một người bà.

Ông Seyama là một người Nhật và là chồng của bà tôi.Ông chính là Bồ Tát thương yêu giúp đỡ tôi hết lòng. Lúc nào ông cũng lo lắng cho tôi, sợ bất an cho tôi, xem tôi thích gì ông chuẩn bị sẵn. Mỗi cuối tuần ông lại lên đón tôi xuống nhà bà để đi làm, chở tôi đi khám bệnh miễn phí. Chỉ có bên ông tôi mới cảm thấy bình an và có thể nói bất cứ điều gì tôi thích. Tôi nói chuyện với ông dễ dàng hơn với bà của mình. Ông không bao giờ chỉ trích, la mắng hay gieo vào tôi sự thù hận, ích kỷ, tư tưởng chính trị.

Mỗi khi buồn buồn ông lại ngồi nghe tôi kể chuyện. Tôi hỏi ông tại sao ông lại thương yêu, lo lắng cho tôi nhiều như vậy vì họ hàng tôi có ai giúp tôi đâu. Ông bảo vì tôi ở xa, không gần gia đình nên ông thay cha mẹ lo lắng cho tôi, muốn tôi được thành công và hạnh phúc. Ông hứa dù tôi có làm gì, nói gì, ông sẽ luôn vui cười không bao giờ trách giận tôi.Ông là một võ sĩ đạo Samurai rất có đẳng cấp nhưng khiêm cung và hiền vô cùng. Ông dạy cho tôi nhiều bài học và mỗi khi nhớ về ông là tôi không bao giờ cầm được nước mắt. Ông đại diện cho nhân cách vĩ đại của người Nhật Bản và tôi đã tận mắt cảm nhân, chứng kiến trong chuyến viếng thăm Nhật Bản vào tháng ba vừa qua.

Bà Năm là em họ của ông ngoại. Bà hiền lành, thật thà, nhân hậu như bà ngoại vậy. Chồng mất nên bà tự nuôi con nuôi cháu không khác một người mẹ, lo lắng cho chị em chu toàn. Không may khi tôi sang, bà đã ngã bệnh nên phải ở nhà nhưng bà thương tôi vô cùng. Mỗi khi tôi xuống thăm ở lại, bà vui lắm vì thích nghe tôi nói và kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa. Biết tôi thích ăn rau trái và đồ cuốn, sáng tinh mơ bà đã dậy từ sớm chuẩn bị. Đi chợ hay ai mang gì đến tặng, bà đều để dành hoặc gởi rau quả về cho tôi. Bà bảo chỉ cần nhìn tôi ăn là bà vui.

Bà bệnh càng ngày càng yếu dần. Lần cuối cùng sang Cali thăm và ở lại với bà, tôi xót xa nhưng vẫn định tâm bà ráng niệm Phật. Dù biết tôi không hề mang nữ trang nhưng bà vẫn bắt tôi nhận chiếc vòng cẩm thạch quý của bà. Bà bảo không biết sẽ đi lúc nào, những gì quý giá nhất bà đã tặng hết, chỉ còn mỗi chiếc vòng cẩm thạch này bà muốn tôi giữ làm kỷ niệm về bà.Bà ra đi vào ngày vía Quán Thế Âm Bồ Tát 19/6 năm vừa rồi. Bà đúng là một vị Bồ Tát Quán Thế Âm từ bi hiếm gặp nên mạng chung bà về với Ngài. Chiếc vòng cẩm thạch tôi vẫn cất giữ ở nơi trang trọng để mãi nhớ về người bà đầy vĩ đại kính yêu.

Duyên trời cho tôi được đến với Phật pháp dù tôi không được gần tam bảo, không thầy tổ chùa chiền bạn đạo bên cạnh, tất cả đều phải tự thân vận động một mình. Nhiều lúc tôi cũng thầm cười không biết nghiệp duyên gì lại tréo nghoe đến vậy.Nhờ đó tôi mới giải thích được tất cả những gì xảy ra với mình và có động lực tinh thần để sống tốt, sống đẹp hơn.

Nhớ lần đầu tiên về Việt Nam đặt chân đến Quan Âm Tu Viện Đồng Nai, tôi đã bậc khóc khi nhìn thấy sự lo lắng, yêu thương mà thầy tổ, đặc biệt là ông Sư, Hòa Thượng Thích Giác Quang đến tôi. Trước đó, tôi đã có dịp trò chuyện qua điện thoại ở hải ngoại và cảm thấy ấm áp vô cùng khi nghe giọng nói của ông Sư. Cả ngày đi Phật sự, vừa về tu viện, ông Sư chẳng kịp nghỉ ngơi lại lo tiếp tôi, rót nước cho tôi uống, lo từng cái bánh, trái cam, tặng chuỗi, tặng sách vở và cho tôi được chụp ảnh khắp tu viện. Nhìn ông Sư, lòng thương mến dâng trào như đối diện với một vị Bồ Tát thực thụ.

Khi tôi trở về Mỹ, đôi khi không biết tại sao ông Sư cảm nhận được lại nhắn người bảo tôi gọi điện về cũng là lúc tôi có khổ đau và ông Sư đã định tâm giúp tôi. Tôi thường nói ông Sư là một vị Bồ Tát trong tôi. Ông Sư cười bảo ông Sư chỉ là một người cha với con mình vì Bồ Tát đã vượt ra khỏi tình thương bình thường. Chỉ có cha lo lắng cho con mới đúng theo tình người làm tôi cảm động vô cùng.

Bao nhiêu năm làm báo mạng, nếu không có sự trợ giúp của ông Sư tôi không thể nào hoàn thành được. Dù ông Sư rất bận rộn ngày đêm cả chuyện giáo hội và chuyện tông phong nhưng vẫn dành thời gian đêm ngày trả lời các câu hỏi Phật giáo, tiếp Phật tử có duyên từ trang nhà đến vấn đáp, gởi bài vở khi tôi cần. Ông Sư từ bi vô cùng vì chưa bao giờ từ chối tôi bất cứ điều gì và để tôi được tự do làm những gì tôi thích, kể cả biên tập sách cho ông Sư.

Một người vĩ đại nhất trong những người vĩ đại là thầy của tôi, Thượng Tọa Thích Vạn Hùng. Bảy năm qua không biết thầy đã khổ, đã mệt vì tôi cũng như tính bao đồng của tôi biết nhường nào. Ở đời thường, dù tôi không phải là người nhút nhát, không biết giao tiếp nhưng tôi rất ít khi trò chuyện cá nhân hay thích nói chuyện phím với ai. Tôi chỉ thích yên lặng một mình, đến người thân, gia đình hay đồng nghiệp cũng hiếm khi thấy tôi trò chuyện. Vậy mà bên thầy tôi nói huyên thuyên không ngừng đủ thứ chuyện cả đạo và đời. Chiếc điện thoại tôi dùng để gọi điện cho thầy cũng là phần nhiều hơn cho người khác.

Bao nhiêu năm, thầy phải lo chuyện tu học, giúp đỡ cho tôi cũng như biết bao nhiêu con người dù quen hay không tôi gởi về chùa. Ơn thầy trong tôi rất lớn vì nếu không có thầy thì tôi cũng chẳng biết đến giờ tôi đã đi về đâu. Mỗi tuần và có khi là mỗi ngày thầy phải tiếp chuyện tôi, trả lời những thắc mắc và đôi khi chỉ là ngồi nghe tôi kể chuyện cho tôi vui. Có khi là cả sự tranh luận hơn thua với tính háo thắng của tôi dù Phật pháp tôi chẳng biết gì. Đôi khi tôi nghĩ đổi lại là tôi thì chắc là sẽ có chiến tranh giữa các vì sao xảy ra.

Bất cứ pháp bảo gì tôi xin thầy cũng cho. Dù chưa bao giờ dẫn người đi các chùa tông phong tu hành nhưng thầy cũng đã phá lệ dẫn tôi đi. Lâu lâu thầy phải khổ vì chuyện làm thơ, làm câu đối tôi yêu cầu cho các bài báo Phật giáo. Mỗi khi tôi khổ, mỗi khi có khó khăn hay khi buồn, người đầu tiên tôi nhớ gọi vẫn là thầy. Dù biết tôi hay lo chuyện bao đồng, một mặt la tôi nhưng một mặt thầy cũng phải giúp những người tôi gởi đến.Thầy vừa là thầy mà cũng không khác một người cha, người bạn thân thiết của tôi.

Những lần về chùa, tôi luôn được cô Hoa lo lắng, tặng nước, tặng đồ ăn hay những vật phẩm dâng cúng phật với cả một cái tâm chân thành thương yêu làm tôi vô cùng xúc động. Tôi rất kính quý cô vì tâm tu lo lắng chuyện ăn uống cho biết bao nhiêu con người. Cô quên thân mình để lo lắng cho các thầy và đại chúng ở chùa. Chỉ cần người khác vui là cô vui. Bao nhiêu năm vào cửa Phật , cô nào biết ngày sinh nhật của mình nhưng luôn lo nhớ đến ngày khánh tuế , sức khỏe, cơm nước hàng ngày của các vị thầy trong chùa, lo hết người nọ đến người kia quên thân mình làm tôi ngưỡng mộ và kính quý cô rất nhiều.

Cửa Phật cho tôi một người anh tuyệt vời ở hải ngoại do thầy giới thiệu. Ở nước ngoài, tôi không có bạn bè gì nhiều, chỉ toàn để xả giao, làm việc ngoài anh. Tôi thương anh nhất vì cung cách đối nhân xử thế, quan tâm đến người khác và kính tin tam bảo, hộ pháp trọn vẹn. Chưa bao giờ anh buồn giận tôi, luôn hoan hỷ vui cười, lo cho tôi hơn những gì tôi cần. Bất cứ chuyện gì có thể giúp để tôi hoàn thành trong việc hộ pháp, anh đều thương giúp trong sự khiêm cung cứ ngỡ như tôi giúp anh vậy. Mỗi khi rãnh rỗi anh đều gọi điện khuyến tu nhắc tôi niệm Phật, buông xả vạn duyên để có đường về. Tôi hay chọc nói chắc anh nợ tôi nên kiếp này phải trả cho tôi.

Tôi thương kính chú, một vị bác sĩ tận tâm người Việt, học hành đổ đạt từ trường lớn nhất của Mỹ và cũng có vị trí rất cao ở bệnh viện tôi đang làm nhưng chú khiêm cung vô cùng. Sự thông minh, tài trí tuyệt đỉnh của chú rất hiếm gặp nhưng chú luôn nâng cao người khác, hạ thấp mình, kính trọng tất cả mọi người. Chính chú đã giúp đỡ cho các em tôi, lo lắng cho gia đình của tôi, làm bạn với ba tôi, không ngại ngần hạ thấp mình đi quét dọn lau chùi sân tennis với ba tôi, mang má tôi vào bệnh viện tắm rửa, thương em trai tôi để ở nhà chú chuyên tâm học hành. Chú cho tôi thấy tất cả những hình ảnh đẹp nhất của một vì Bồ Tát đầy nhân hậu đi vào đời.

Tôi nhớ biết bao những người thầy ở Mỹ đã âm thầm trợ duyên giúp tôi thành danh nên người. Nếu không có các vị thầy người Mỹ thương yêu, giúp đỡ, tôi khó có thể học thành tài. Tôi đã nhận được rất nhiều học bỗng giúp tôi yên tâm học hành cũng từ các vị thầy thương yêu mong tôi thật sự thành công có một chỗ đứng nhất định trong xã hội Hoa Kỳ.

Tôi thương bệnh nhân của mình theo đúng ngành nghề và họ cũng chính là động lực tinh thần giúp tôi làm việc hằng ngày. Mỗi khi họ khỏe hơn, họ hết bệnh, bớt khổ hoặc bớt buồn, họ đều tìm đến tôi cảm ơn. Nếu ngày ngày thầy tôi phải nghe tôi nói, định tâm cho tôi thì mang thân bác sĩ, tôi phải làm việc này với bệnh nhân của mình. Họ tìm đến tôi đơn giản không phải chỉ để khám chữa bệnh mà được trò chuyện, được cảm nhận sự cảm thông và quan tâm đến họ thật sự. Bất cứ chuyện gì xảy ra, họ đều muốn nghe ý kiến của tôi đầu tiên. Chỉ cần nghe tôi nói không có vấn đề gì, tất cả đều tốt, các xét nghiệm chẩn đoán không sao là họ thấy cuộc đời tươi đẹp. Tôi hay đùa vui với đồng nghiệp rằng bệnh nhân không phải đến để khám bệnh mà đến gặp tôi cười rồi về khi họ thắc mắc tại sao bước ra khỏi phòng khám, bệnh nhân tôi ai cũng vui cả.

Không biết tương lai theo bụi vô thường sẽ như thế nào nhưng mỗi khi nghĩ đến những con người vĩ đại đã âm thầm giúp tôi cả đạo và đời, trong tôi dâng lên một cảm giác bình an, hạnh phúc. Còn rất nhiều, rất nhiều những con người với những cử chỉ giản đơn, những câu nói thấm đạo vị giúp tôi tháo gỡ tâm mình thanh thản đi vào đời.

Hoa sen lòng tinh khiết tôi xin dâng lên tất cả những vị Bồ Tát đi vào đời đã giúp đỡ tôi trong bao nhiêu năm qua. Lời cảm ơn sẽ không bao giờ đủ vì đó là những điều bình thường mọi người vẫn sống và hành trì. Xin tri ân cha mẹ, thầy tổ và tam bảo đã giúp tôi biết mình là ai và mình nên làm gì để sống có ích cho chính bản thân và xã hội. Những điều mộc mạc bình dị ấy sẽ mãi theo tôi đến suốt cuộc đời, nhắc nhở tôi biết sống có ý nghĩa để xứng đáng là một người con Phật thật thụ như bài kệ thầy tặng tôi . Nguyện mong hết báo thân này tôi sẽ được về với Phật để tôi không hối hận vì đã phung phí một kiếp người giữa hồng trần đầy tham ái diệt sinh.

Ngọc Hằng



Có 1 phản hồi đến “Thân Thương Hạnh Phúc Bình Dị Giữa Đời Thường”

  1. Thanh Tâm đã nói

    Anh thường theo dõi các bài viết của em và vô cùng ngưỡng mộ, khâm phục em. Rất thông cảm và xin chia sẻ cùng em. Em đúng là con của Bồ Tát, khó khăn đã qua, hạnh phúc lại đến. Em đẹp lắm vì đạo đời đều vuông tròn. Cố lên em nhé. Mong có dịp được gặp em. A Di Đà Phật!

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com