Cuối tháng anh bạn đạo về Việt Nam nên nhờ anh mang giúp thuốc về cho mọi người, về chùa, thêm những thứ khác. Gởi đi quá chừng rồi nghĩ cái nọ cái kia, lại sợ thiếu, cứ lắt nhắt hết giờ. Nhà bà và dì đông đúc, thấy cảnh cầm thuốc chia nhau đã tức cười, nhưng giữ nhiều sợ thời tiết Việt Nam ẩm hư thuốc. Nhà bà và dì đúng là nghiệp chướng trần ai, khổ quá chừng khổ, cái chết đôi khi là sự giải thoát nhưng nghiệp duyên nặng nề phải sống để trả nợ. Từng người đủ duyên cũng tu dần dần, nghèo khó nhưng rồi cơm chay đạm bạc, ngày ngày niệm Phật tụng kinh ai cũng vui, hàng tháng cả nhà góp nhau để đi phóng sanh, từ thiện, của ít lòng nhiều. Còn chút an ủi người thân cửu huyền thất tổ được nhờ.

Ngẫm cả bên ngoại và bên nội, đông quá chừng đông, cũng có tiếng tăm lẫy lừng, cháu con sau này giàu có cũng nhiều mà quậy nát trời cũng không ít. Thế thường càng nhiều tiền, vật chất càng đầy thì cái chuyện tu chỉ là tạm bợ, là cần Phật cúng chùa khi có thế sự, khi cần đổi đời, khi có phi vụ khẩn cầu là chính, biến Phật biến chùa biến thánh biến thần thành những “quan tham” . Cũng may nhà bà và dì, xa cũng xa mà gần cũng gần, nhờ tu mà ai cũng an ủi, gần gũi nhau hơn, biết đủ thì đủ nên cũng mừng, tu cho mình, độ cho mình, người xung quanh cũng vui, cửu huyền thất tổ cũng có chút lợi lạc.

Sáng dì lên nhà mang dừa xiêm khô cho chị, mang trước một ít, còn lại mang sau để chị làm giống sang tết trồng. Chị đưa thuốc, cắt măng cho dì. Chị nói giờ bớt bận nên tranh thủ thời gian đi chùa làm công quả vào mùng 1 và 14 hàng tháng phát cơm chay. Chưa bao giờ chị cảm thấy đi chùa vui như vậy vì ai cũng có tâm tu hành, lo làm việc thiện, không thích nói chuyện đời nên chị cũng tranh thủ niệm Phật. Cuộc sống giờ quá bấp bênh, chẳng có gì cố định, mạng người nhất là ở Việt Nam mong manh vô thường và quá rẻ. Chỉ còn bám vào tu hành, theo Phật thì thoát được đến đâu hay đến đó. Dì nói lúc ra sau vườn nhà mình, nhớ ngày xưa còn nhỏ theo bà lên chơi giờ trên đầu đã hai thứ tóc, ai cũng đã già. Có tranh dành hơn thua cho nhiều, cũng đâu có ăn được gì. Ăn nhiều sinh béo phì bệnh tật. Ở nhà chị hai đứa cháu đã đi ở bán trú, chồng đi làm, chị cả ngày chỉ còn lo bữa cơm chiều, không ăn gì vì sợ béo phì. Nhà trồng rau trái nhiều, có hai bụi măng ra quá chừng không ai ăn hết nên tặng cho cả xóm cùng ăn lấy phước.

Chị cứ làn nhàn, không đòi hỏi gì nhiều, không thích đi đâu, chỉ quanh ở nhà, có gì chút cũng vui thành ra sao cũng được. Chị nói nhiều khi chị ngưỡng mộ sao nhiều người thấy họ chẳng có tiền, có khi là nợ nần mà xài sang quá chừng, ăn uống áo quần lả lướt, quán xá, điện thoại, du lịch vi vu đủ nơi. Chị không làm vậy được vì thấy phung phí, tiếc tiền. Cười nói tại chị có chút tu, nghiệp duyên tu hành nhiều kiếp, người tu thì thanh bần giản dị nên chị không thể sống như vậy là đúng rồi, nếu không sẽ thêm một mớ nghiệp đi sau, đổ nợ nần càng chết. Ngẫm xung quanh, chị không thấy chị nợ quá chừng nợ đó sao. Người thân toàn bên này chứ chị chưa bao giờ mộng mơ xuất ngoại đổi đời, lúc nào cũng sợ sẽ bệnh như má mà tức cười.

Mỗi lần nói chuyện xuất ngoại với chị mà cứ ngỡ như chuẩn bị xuất ngoại sang Châu Phi, đi kinh tế mới. Nói chị có biết bao nhiêu người mong muốn, bỏ biết bao nhiêu tiền bạc phương cách để sang đây mà không được Có lẽ với chị là đủ rồi, cho chị chút tiền, ở nhà xem tivi, ăn trái cây là vui. Nhưng rồi người mẹ nào tất cả cũng sẽ vì con, sẽ phải ôm hai đứa nhỏ sang đây ăn học. Nói chị sẽ có nghề nghiệp này kia, không thì cũng sẽ được nuôi, không cứ để đó dì nuôi hết. Vậy mà vẫn sợ lo. Không lo sao được, con cháu dù dì có thương bao nhiêu, dù cha mẹ có hay la mắng thế nào thì bên cha mẹ vẫn là bình an hạnh phúc nhất.

Con cháu lớn dần, thiện duyên cũng rõ hơn,tình thương rộng mở vì được gieo duyên tu hành từ nhỏ, dù chẳng bao nhiêu, ít ra còn biết mình là Phật tử, biết rằng không được sát sinh, làm điều ác độc. Ai cũng lo con cháu hiền quá sẽ không thành công nhưng dì là người dạy cháu nên dì biết cháu rất rõ. Dì thật tâm mong cháu mình thà có chịu thiệt, hiền lành một chút buông bỏ dễ dàng để dễ sống, không bị khổ đau. Thông minh lanh lợi với đời quá nhiều mà chữ thiện buông trôi chỉ mang vào người ác nghiệp tội lỗi vô cùng. Ngoài tình thương là dì cháu còn là tình thương trong đạo, mong trồng đạo tâm, sen búp nẩy mầm hoa khai kiến Phật.

Đúng là gieo duyên Phật pháp đến với gia đình cùng người thân không hề dễ dàng gì. Ngẫm đúng chữ duyên, đủ duyên sẽ đến không thể làm khác hơn được, muốn nhanh cũng không được mà châm cũng không xong. Nhớ lời các bậc chư tôn đức từng dạy đừng nên phan duyên, làm việc theo duyên quả không sai chút nào. Ngày xưa mới biết một chút Phật pháp, lòng mong cầu cả nhà cùng biết Phật pháp nên cố gắng thúc ép truyền pháp trong mọi hoàn cảnh không khác nào khủng bố. Kết quả chỉ làm mọi người ngột ngạt, mệt mỏi phiền não thêm. Rồi dần dần, mình chẳng còn nói gì cả, để mỗi người tự làm bất cứ điều gì mình thích, tự do tự tại, mình im lặng tu hành hồi hướng phước lành. Dần dần, nước như tưới thêm từng chút từng chút một, mọi người dần dần cũng ít nhiều nhận ra chỉ có tu hành theo Phật pháp mới có hạnh phúc, đạo đức và bình yên. Con đường vẫn còn dài nhưng đến đâu hay đến đó vậy.

Một giấc điệp mộng là 10 năm qua. Bao biến cố thăng trầm, tâm mình cũng lên bờ xuống ruộng bởi rất nhiều chướng duyên thử thách. Ngẫm xung quanh, nhìn thấy mọi người, nhớ một câu thầy hay dạy “ngựa chạy đường dài mới biết ngựa hay” quả không sai vì những ai ngày xưa một thời hô hào, hùng hổ, tranh luận thì nghiệp duyên từ thân kéo đến, trôi theo vòng xoáy của lợi danh. Những người còn lại, nghèo hay giàu, sang hay hèn gì, nếu ai tu đúng tu giỏi, buông xả tu hành, tu càng đơn giản thánh thiện, không mê tín dị đoan thì đều an lạc, hạnh phúc, thiện nghiệp đang mở rộng ra. Tự nhiên nhớ câu giảng nói xưa của Lục Tổ Huệ Năng “khi mê Pháp Hoa chuyển, khi ngộ chuyển Pháp Hoa.” Đường thanh tịnh tu hành chính là hạnh lành tốt nhất để chuyển nghiệp hóa duyên sớm về Tây Phương Lạc Cảnh

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Tu Hành Chuyển Hóa Nghiệp Duyên”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com