Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân kể, Đại tướng luôn là người giản dị và gần gũi, tôi không thấy có khoảng cách giữa một vị tướng với một nhà sư.

Vào 13h30 ngày 10/10, các cán bộ của Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã tổ chức lễ rước di ảnh cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp an vị cửa Phật tại chùa Pháp Vân. Tại đây cũng diễn ra đại lễ cầu siêu cho cố Đại tướng do Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân làm chủ lễ cùng với sự có mặt đông đảo của các tăng ni, phật tử và người dân.

Tại Hà Nội, chùa Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) là chùa duy nhất vinh dự được Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Phú Xuyên, Hà Nội) rước di ảnh và linh vị cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an vị nơi cửa Phật.

Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày là nơi lưu giữ hơn 3.000 hiện vật của các chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm tại các nhà tù trong cả nước do người cựu chiến binh, cựu tù nhân Côn Đảo – Lâm Văn Bảng xây dựng nên. Trước khi lưu giữ di ảnh cùng hiện vật về cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại bảo tàng, ông Lâm Văn Bảng ngỏ ý muốn rước di ảnh Đại tướng an vị, nương tựa nơi chùa Pháp Vân cho vong linh Đại tướng được siêu thoát.

Cán bộ Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, cùng tăng ni, phật tử, người dân chùa Pháp Vân rước di ảnh cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân cho biết: Nhà chùa với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình Đại tướng, mối lương duyên này đến rất tự nhiên….

Thượng tọa tâm sự: “Sinh thời, Đại tướng là người được toàn dân kính trọng. Những người con trong gia đình Đại tướng cũng là những người hướng thiện và rất gần gũi với nhà chùa. Những dịp tôi đến thăm Đại tướng và gia đình, Đại tướng luôn là người giản dị và gần gũi, tôi không thấy có khoảng cách giữa một vị tướng với một nhà sư. Đại tướng luôn dành sự quan tâm cho nhà chùa và động viên các thầy trụ trì. Những lời nói của người thể hiện tình cảm sâu sắc, chân tình cùng sức mạnh nội lực và kiến thức uyên bác. Tôi rất cảm phục và quý mến đức tính cao cả của Đại tướng, ở người luôn hội tụ cả đức, trí và dũng.

Và khi ông Lâm Văn Bảng, giám đốc Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, ngỏ ý muốn rước di ảnh Đại tướng để vong linh Đại tướng siêu thoát tại chùa, tôi rất xúc động và tự hào. Di ảnh của người sẽ được an vị nơi của Phật và thờ tại chùa, sau đó vào ngày 17/10 sẽ rước về lại Bảo tàng các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và làm lễ linh vị cho Đại tướng ở đây. Mọi người dân có thể về nhà Tổ chùa Pháp Vân thắp hương, viếng tưởng niệm cho Đại tướng".

Với Phật tử Diệu Lộc, ký ức của cô với Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại là kỷ niệm về mối lương duyên sau 29 năm.

Lễ cầu siêu cho Đại tướng diễn ra cung kính, mọi tấm lòng đều thành kính sâu sắc hướng về Đại tướng.
Lễ cầu siêu cho Đại tướng diễn ra cung kính, mọi tấm lòng đều thành kính sâu sắc hướng về Đại tướng.

Khi mới nhắc tới tên Đại tướng, mắt cô đã rưng rưng: “Vào năm 1984, trong hội thi Thợ trẻ giỏi ngành thủ công nghiệp quận Đống Đa của hợp tác xã Toàn Lợi, tôi đã vinh dự được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng bằng khen giải nhất. Ngày ấy, trong nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi luôn cảm thấy niềm vinh dự tự hào và tự hứa nỗ lực hơn nữa trong thi đua sản xuất. Sau 29 năm, duyên với người lại chính tại ngôi chùa Pháp Vân này, nhận được tin chùa sẽ được đón di ảnh Đại tướng về siêu thoát nơi của Phật, tôi không khỏi nghẹn ngào xúc động. Với tôi Đại tướng mãi là tấm gương đức độ, thanh liêm, dũng cảm, là tấm gương cho biết bao thế hệ học tập và tiếp bước”.

(Theo Sohanews)



Có phản hồi đến “Chùa Pháp Vân Rước Di Ảnh Đại Tướng Về An Vị Nơi Cửa Phật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com