Ngạ quỷ, cũng là do nghiệp lực của chúng chiêu cảm nên mới mắc phải quả báo làm ngạ quỷ như thế. Về ngạ quỷ tôi đã giải thích rất nhiều lần - bụng chúng lớn như trống, cổ lại nhỏ như kim. Những đồ ăn của chúng ta một khi đến miệng của ngạ quỷ thì biến thành lửa ngay. Tại sao lại biến thành lửa? Vì nghiệp chướng của chúng quá nặng cho nên hễ thức ăn gì tới miệng đều biến thành lửa cả.

Nói đến vấn đề nghiệp chướng, thì chúng sanh ở cõi trời thấy nước là pha lê; loài người thấy nước là nước; cá thấy nước là nhà, lấy nước làm cung điện của chúng; quỷ thấy nước là lửa. Mỗi loài đều có cảnh giới không giống nhau. Ðó đều là do nghiệp lực chiêu cảm nên, cho nên cái thấy cũng không giống nhau.

Vừa rồi tôi có nói đến vị sư đầu thai làm heo. Lại cũng có người đầu thai làm gà, làm bò, làm ngựa v.vẨ Những người lúc sống không hiếu thảo cha mẹ, không cung kính sư trưởng thì tương lai sẽ có quan hệ liên đới với loài súc sanh. Còn những người thích ăn thịt, tức là đang có sự dây dưa với "súc sanh," thì tương lai cũng rất là nguy hiểm. "Các loài trong đường dữ" là bao gồm cả bốn ác đạo nói trên.

Ngoài cái khổ của sanh, lão, bịnh, tử, con người còn có ba thứ khổ nữa là:

-Khổ khổ,

-hành khổ và

-hoại khổ.

Khổ khổ chính là khổ trong khổ, giống như người nghèo nàn khốn khó đã không có tiền, không có cơm ăn, lại không có nhà ở, kiếm việc làm không được, thật là khổ càng thêm khổ. Nỗi khổ trong khổ ấy người ta không thể chịu nổi. Thế thì người giàu có không khổ sao? Người có tiền càng khổ sở hơn! Có người nói: "Thầy nói đạo lý ấy tôi không tin đâu." Quý vị không tin tôi cũng nói như thế, mà tin tôi cũng nói như thế. Tại sao? Quý vị thấy có tiền nhiều, từ sáng đến tối cứ nghĩ: "Ta có nên đem cọc tiền này gởi ngân hàng không? Ðem số tiền này đi buôn bán. Ðem số tiền này làm..." Tóm lại, khi có tiền đếm không hết thì phiền phức như thế đấy! Ðếm tới đếm lui, đếm đến tóc bạc, răng long, mắt mờ, tai điếc, cũng chưa rồi! Ðếm mãi không rồi, quý vị nói thế nào đây? Sẽ có vấn đề đấy. Nhân vì có quá nhiều tiền, suốt ngày cứ đếm tiền mãi, đếm tới đếm lui, rủi ro bị bọn thổ phỉ biết được, tối lại chúng phá cửa xông vào, bao nhiêu của cải để dành bấy lâu bị cướp sạch sành sanh. Ðó gọi là Hoại khổ đấy. Thứ hoại khổ này so với khổ nghèo túng lại càng tệ hại hơn. Bởi vì người nghèo túng khổ quen rồi, không cảm thấy khổ bao nhiêu. Nhưng giàu sang mà bỗng nhiên bị tiêu tan hết thì cái khổ ấy thật là quá mức. Nhất là với người già, tiền bạc không có, tất cả đều không như ý. Ðó cũng gọi là Hoại khổ.

Thế thì, người không giàu cũng không nghèo, chắc là không có khổ gì? Cũng vẫn khổ. Còn khổ gì nữa? Ðó là Hành khổ: Người ta từ nhỏ rồi lớn, lớn rồi già, già rồi chết, niệm niệm đổi dời không dừng nghỉ. Cho dù không có nghèo cùng khốn khổ, không có hoại khổ của giàu sang thì cũng có hành khổ. Ba thứ khổ này không một ai tránh khỏi được.

Lại còn có Tám khổ. Ba khổ đã không ít rồi lại còn chồng chất thêm tám khổ nữa! Sự thật thì "khổ" không chỉ có tám mà thôi, thực ra có đến hàng ngàn, hàng vạn, ngàn ngàn vạn vạn khổ, đếm không hết.

Khổ nhất chính là làm người; làm súc sanh sung sướng hơn làm người nhiều. Vậy chớ làm gì mới không khổ? Chỉ có làm Phật mới không khổ thôi!

Tại sao làm súc sanh sướng hơn làm người? Loài súc sanh chẳng phải lo cái ăn, cũng chẳng phải lo cái mặc, lo chỗ ở. Chúng có điều kiện sinh hoạt thiên nhiên, không phải lo lắng gì, quý vị thấy có phải không? Chỉ có loài người là khổ đủ thứ, chẳng phải chỉ tám mươi bốn ngàn mà cả ngàn ngàn vạn vạn khổ nữa. Bây giờ chúng chỉ nói về tám khổ là: Sanh, lão, bịnh, tử, ân ái xa lìa, oán thù gặp gỡ, cầu mà không được, năm ấm xí thạnh. Trong tám khổ này, quý vị xem thứ nào khổ nhất? Ðó là sanh khổ đấy! Nếu không có sanh thì các thứ khổ kia làm gì có.

Hỏi: Sanh khổ là khổ như thế nào?

- À, tôi biết là quý vị đã quên thứ khổ ấy rồi. Bây giờ tôi xin nói cho quý vị rõ: Sanh này là do tinh cha huyết mẹ kết thành, lại do thân trung ấm đến đầu thai mà có. Khi còn ở trong bụng mẹ, 4 tuần lễ đầu chưa có cảm giác chi, đến tuần lễ thứ 7 mới có hiểu biết. Lúc đó nếu mẹ ăn cái gì lạnh, quý vị như ở giữa núi băng, khó chịu vô vàn; nếu mẹ ăn thức gì nóng, quý vị như trong vạc lửa, nóng bức không chịu nổi. Ðó là những nỗi bức bách vì lạnh nóng trong thai mẹ. Lại có lúc mẹ vặn lưng khom mình, quý vị cảm thấy như bị Thái sơn đè xuống, còn mẹ thẳng lưng lên thì cảm thấy rất là thoải mái. Ðến chừng sanh ra thì còn khổ hơn nữa. Ngay lúc ấy, quý vị khổ sở như bị ép giữa hai trái núi chẳng khác nào cái khổ bị núi ép ở địa ngục, nên quý vị mỗi khi chào đời đều khóc ré lên: "Khổ a! Khổ a! Khổ a!"

Lúc sanh ra thì đau đớn như con rùa sống bị lột mai, nhưng khi lớn lên lại quên hết nỗi thống khổ ấy đi. Rồi tuổi già lật bật đến, cái khổ của già nua cũng không kém phần tệ hại. Lúc tuổi già, tai điếc đặc, người ta mắng cũng không hay; mắt bị mờ đi, nhìn vật gì cũng không rõ. Ðó là tai và mắt bắt đầu "đình công" rồi đó. Lưỡi tuy còn đó mà răng đã rụng rồi. Trước đây tôi có gặp mấy cụ tám, chín mươi tuổi và hỏi:

- Cụ có thấy ai rụng lưỡi chưa? Tại sao răng của cụ rụng hết vậy?

Ông ta nói: "Chưa! Ông có thấy chưa?"

- Tôi lại càng không thấy. Cụ từng ấy tuổi mà chưa thấy ai rụng lưỡi thì nhỏ tuổi như tôi đây làm sao thấy việc lạ ấy được!

Tôi lại hỏi ông ta: "Cụ có biết tại sao lưỡi cụ không rụng không? Tại sao trên đời này không có lưỡi rụng mà chỉ có răng rụng? "

- "Tại sao thế? " Ông ta hỏi.

- Vì răng quá cứng nên phải gãy rụng. Lưỡi sở dĩ không rụng là nhờ lưỡi mềm. Cụ tuổi tác đã cao cũng không nên cứng rắn quá. Nếu cứng rắn quá thì sẽ giống như răng có thể rụng đấy, nên học mềm một tí.

Thế thì răng rụng có khổ gì? Ðương nhiên là ăn mất ngon, nhai thức ăn không có thấy mùi vị. Thức ăn đó vào miệng người khác nhai rau ráu bắt thèm, còn vào miệng mình nhai không nổi, muốn cắn thì cắn không đứt, trệu trạo nuốt vào bụng lại trở thành khó tiêu. Quý vị nghĩ có khổ không chứ?

Còn trên mặt thì da nhăn hết, ấy là "tóc bạc da mồi," da thịt trên mặt giống như da gà, sần sùi nhăn nhúm khó coi. Còn tóc thì bạc trắng. "Tóc bạc" đối với người Mỹ thì không phải ngụ ý tuổi già. Vì người Âu Tây, trẻ con mới sanh tóc đã có màu trắng rồi. Ðó không phải là tóc bạc của tuổi già mà là tóc trắng của thời son trẻ. Tuy nhiên, đó chỉ là trường hợp đặc biệt thôi. Tóc trắng của người già là từ tóc đen đổi màu. Tóc đen có thể đổi thành trắng, mà tóc trắng không thể đổi thành đen, nhưng có lúc cũng có thể đổi được.

Hồi ở Hồng Kông, tóc của tôi đều bạc cả. Tại sao thế? Vì tôi cất chùa, sửa ba ngôi chùa. Ôi, sửa đến hao tổn biết bao tâm thần, làm cho tóc đổi thành bạc cả. Về sau tôi tự mình xét lại: "A! Thế là đủ rồi! Không cần phải hao phí tâm lực nữa!" Từ đó cái gì cũng buông bỏ hết. Sau đó, từ từ tóc trở lại màu đen. Cho nên bất cứ việc gì cũng không cố định. Bây giờ quý vị nhìn lên đầu tôi xem, chỉ có một ít tóc bạc, không nhiều lắm!

Khổ về sự già không dễ gì chịu được. Quý vị nếu không tin thì cứ thử xem. Ðợi đến lúc quý vị già mới biết mùi vị của nó. Quý vị không ngại sống đến bảy, tám mươi tuổi, hoặc tám, chín mươi tuổi, thậm chí đến một trăm tuổi; bấy giờ, quý vị ăn thứ gì cũng không biết mùi. Chừng đó quý vị mới biết: "À, hồi trước có vị Thầy nói già rất khổ, mình không tin, bây giờ mình mới biết, quả đúng không sai."

Lúc đó quý vị lại muốn tu hành, thì quá muộn không kịp nữa.

Sự bình đẳng nhất chính là bịnh khổ. Bất cứ ai cũng đều có bịnh khổ cả, không bịnh nhiều thì cũng bịnh ít. Nhức đầu thì đầu khó chịu, đau chân thì chân bứt rứt, thân đau thì thân không an. Bịnh lại có quá nhiều thứ, như có bịnh đau bao tử thì ăn vào khó chịu, nếu có bịnh phổi thì ho hen không ngớt. Tóm lại, ngũ tạng: tim, gan, tỳ, phổi, thận, hễ có bịnh thì đều khổ cả.

Cái khổ nhất chính là khổ "chết." Có người nói: "Chết khổ à? Tôi không biết mùi vị nó như thế nào? Tôi muốn biết trước." Vậy thì quý vị cứ thử chết trước một lần xem, nhưng không có ai dám bảo đảm là quý vị sống lại được, cho nên một lần thử đó cũng không thử được. Chết thì dễ, nhưng chết rồi đi về đâu? Ðó là một vấn đề trọng đại. Sau khi chết rồi đọa địa ngục ư? Hay làm súc sanh? Hay làm người? Ðâu có ai dám bảo đảm điều đó!

Sanh, già, bịnh, chết đều là khổ. Vì sao Ðức Phật Thích-ca Mâu-ni muốn xuất gia? Cũng chính vì Ngài biết được sanh, già, bịnh, chết là những mối khổ không dễ gì chịu đựng. Lúc Ngài mười chín tuổi, có một hôm đi du ngoạn đến cửa thành phía Ðông, nhìn thấy một người phụ nữ đang chuyển bụng, bèn hỏi người tùy tùng: "Ðó là cái gì vậy?"

- Ðó là sanh đứa bé! Người tùy tùng đáp.

Thấy đứa bé lọt lòng khóc thét lên mà thiếu phụ cũng đau đớn quá mức, Thái tử thấy lòng không vui, bèn trở về hoàng cung.

Ngày thứ hai Thái tử đến cửa Nam, thấy một cụ già, tóc đều bạc trắng, mắt mờ đi, lưng còng xuống không thể đứng thẳng được, chân run lẩy bẩy, không thể bước vững, khổ sở trăm bề, bèn hỏi người tùy tùng:

-"Người bị gì vậy? Tại sao lại như thế?"

Người tùy tùng thưa: "Người ấy đã già rồi, tuổi tác quá cao nên mới ra nông nỗi."

Thái tử cảm thấy không vui, lập tức trở về cung.

Ngày thứ ba, Thái tử lại đến cửa Tây, gặp người đang quằn quại vì cơn bịnh, bèn không vui trở về.

Ngày thứ tư, Thái tử lại đi tham quan ở cửa Bắc. Gặp một người chết, Ngài hỏi kẻ tùy tùng: "Người ấy làm sao thế?"

- Người ấy chết rồi!

Ngài lại cảm thấy buồn bã phi thường, mắt thấy sanh, già, bịnh, chết là con đường mà nhân loại phải đi qua, rất là khổ sở, thật không có ý nghĩa gì cả. Nghĩ thế Thái tử định quay trở về cung. Ngay lúc đó bỗng xuất hiện một vị Sa-môn, tức là người xuất gia. Thái tử lại hỏi: "Người ấy là ai thế?"

Kẻ tùy tùng đến hỏi vị Sa-môn ấy: "Ông là ai thế?"

Vị Sa-môn đáp: Tôi là người xuất gia, tu học theo Phật đạo để có thể lìa cái khổ của sanh, già, bịnh, chết.

Thái tử nghe nói tu hành có thể liễu sanh thoát tử thì rất vui vẻ, lại hỏi vị Sa-môn: "Tôi cũng có thể tu hành giống như Ngài được không?"

- Ai cũng có thể tu được. Vị Sa môn đáp: Bất cứ ai cũng đều có thể xa lìa khổ sanh, già, bịnh, chết cả.

Sau khi trở về cung, tối lại Thái tử cùng với người giữ ngựa là Xa-nặc lén vượt thành ra khỏi cung điện, để xuất gia tu hành. Ðức Phật Thích-ca Mâu-ni nhân vì biết được sanh, già, bịnh, chết không có ý nghĩa gì. Cũng không biết sanh từ đâu đến? Chết rồi lại đi về đâu? Cho nên Ngài phát tâm xuất gia, đến Tuyết sơn ngồi tu sáu năm, nhân đó mà tránh được khổ sanh già bịnh chết.

Còn con người ư? Ai cũng có thể sanh ra nhưng không ai tránh khỏi cái chết. Mọi người tương lai đều phải chết, có người chết lành có người chết dữ, mỗi người đều có một cách chết, không ai giống ai. Có người chết vì bịnh, có người chết vì đói, có người làm công việc quá sức mà chết, có người bị xe cán chết, có người bị đá núi lăn đè chết, hoặc theo người đi đánh lộn bị người đánh chết, hoặc đi tác chiến bị chết ở mặt trận, hoặc ngộ độc mà chết, hoặc là tự sát mà chết. Có người không muốn chết mà chết, có khi muốn chết lại không chết. Cho nên, đồng là một tiếng "chết" mà cách chết không giống nhau. Tuy cách chết không đồng mà quả báo trong tương lai sau khi chết thì sao? Cũng không giống nhau! Ví như có người chết đột ngột, như bị xe tông, bị nước cuốn, bị lửa thiêu - tức là bất đắc kỳ tử - thì hồn phách của họ Diêm Vương không biết đến, quỷ cũng không biết đến, vậy họ được tự do sao? Nói là tự do nhưng là tự do của quỷ chớ không phải là tự do của người. Người được tự do có lúc còn không theo quy củ huống là quỷ? Quỷ được tự do cũng có thể không theo quy củ; người chết đột ngột (bất đắc kỳ tử) lại bắt kẻ khác thế chỗ cho mình.

Ví dụ, tại một đoạn nào đó trên xa lộ từng xảy ra tai nạn đụng xe chết người thì trong vòng ba năm thế nào cũng có người bị tông chết ở đó. Tại sao thế? Tại vì hồn quỷ chết bất đắc kỳ tử kia đang chực sẵn ở đó, nó nhất định phải làm cho người khác bị tông chết để nó được đi đầu thai, nếu không như thế nó phải ở mãi chỗ đó, không được thác sanh. Nếu là người tự sát hay uống thuốc độc mà chết thì phải vào địa ngục chịu những hình phạt cực kỳ đau đớn. Chịu những hình phạt nào? Khi còn sống nếu uống thuốc độc mà chết, thì xuống địa ngục phải uống thứ nước sắt nấu chảy. Thứ nước đó rót vào bụng, tới đâu ruột gan cháy tới đó. Sau khi bị cháy chết rồi, gặp luồng gió mát thổi qua lại được hồi sinh. Sống lại rồi lại phải uống thứ nước sắt ấy cháy ruột gan chết đi, rồi gặp gió sống lại. Cứ thế, chết đi sống lại để tiếp tục thọ khổ, lại chết đi, liên miên không ngớt. Nếu quý vị có thể niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì các khổ não về sanh, già, bịnh, chết sẽ dần dần tiêu tan.

Ngoài bốn khổ trên, lại còn có khổ vì "ân ái xa lìa." Thứ "ái" này mọi người đều biết. Có người yêu sắc đẹp, có người yêu tiếng tăm. Người yêu tiền cũng chính là yêu lợi. Ví như có người rất giàu, dự tính buôn bán lớn để kiếm lời, nhưng buôn bán thất bại cụt cả vốn, tiền cũng hết sạch. Người ấy chia lìa với lợi, y đâu muốn lìa tiền, nhưng tiền đã không còn nữa, cũng là một loại khổ thương mến phải xa lìa. "Sắc" là vấn đề của trai gái, trai yêu sắc đẹp của gái, gái yêu sắc đẹp của trai, hai đàng yêu mến nhau nhưng vì đời trước gieo trồng nhân quả không tốt nên tình yêu này không thể kéo dài lâu được. Trong tình trạng đó, nửa chừng phải gãy đổ thôi. Trong thời gian xa nhau ấy, nếu không có tình yêu chân chính thì chia tay cũng không sao; nếu có một thứ tình yêu chân chính mà chấp trước thì sẽ đau khổ vô cùng. Ðó là thứ ái biệt ly khổ của yêu sắc đẹp.

Lại còn có ái biệt ly khổ của yêu tiếng tăm. Thứ tiếng tăm này tại sao lại có biệt ly được? Có người nói như thế này: "Danh là sinh mạng thứ hai của con người." Họ cho rằng danh tiếng là sinh mạng thứ hai của mình, nếu sinh mạng thứ hai ấy một mai bị phá vỡ thì trở thành danh tiếng bị mất hết. Xưa nay không muốn bị mất danh, nhưng vì nhất thời làm bậy, danh dự bị tiêu tan. Ðó cũng là một thứ ái biệt ly khổ vì danh.

Thứ ái biệt ly khổ này rất nhiều. Ví dụ vợ chồng dù không có chia cách, nhưng đứa con sinh ra tướng mạo đẹp đẽ lại thông minh, nên họ yêu quý cưng chiều coi như báu vật. Bỗng nhiên báu vật ấy chết đi, bấy giờ mới khóc lóc vật vã đau đớn vô cùng. Ðây cũng là một thứ ái biệt ly khổ. Hoặc có người rất có hiếu với cha mẹ, rất cung kính mến yêu, không bao giờ muốn rời xa cha mẹ, nhưng rồi cha mẹ lại qua đời. Ðó cũng là ái biệt ly khổ.

Hoặc có người gặp hoàn cảnh thuận lợi vô cùng, cha mẹ vợ con tất cả đều tốt đẹp, nhưng chính bản thân mình lại phải chết. Ngay cả giữa anh em bè bạn cũng có sự việc bất như ý này, xưa nay không muốn rời xa mà rồi phải chia lìa; đó cũng là ái biệt ly khổ.

Ðã biết rằng ái biệt ly là khổ thì không nên chấp trước vào thứ ái đó nữa, chẳng nên đem thứ ái đó nhắm vào một người nào, mà nên nhắm vào toàn thể chúng sanh, thực hành Bồ-tát đạo để cứu độ tất cả chúng sanh, chẳng nên cho riêng mình mà hãy nghĩ tưởng đến tất cả mọi người, thì sẽ không có ái biệt ly khổ nữa.

Còn có thứ ái biệt ly này nữa: Có người chấp trước tình ái, không có khổ lại tự tìm cái khổ để khổ. Như có những cặp vợ chồng, suốt ngày cứ lo rầu không thôi. Lo rầu những gì? Lo sợ bà xã họ có bạn trai khác. Thế chẳng phải là không có cái khổ lại đi tìm khổ sao? Cũng có nhiều cô sau khi có chồng rồi, có lẽ là anh chồng quá đẹp trai, nên suốt ngày chẳng lo nghĩ gì khác hơn là chỉ đau đáu lo rầu chồng mình có thêm người đẹp mới, thậm chí lo đến cơm chẳng buồn ăn. Quý vị nghĩ xem như vậy có quá ngu si không? Lại còn có người không yêu thương ai cả, lại yêu chó như mạng sống của mình; có người lại yêu mèo, coi mèo như mạng sống của mình; cho đến đối với tất cả súc sanh hoặc vật chất gì đều nảy sanh lòng yêu thích. Lòng yêu này khi đã phát sanh thì thế nào? Cũng rất là ngộ nghĩnh. Người yêu chó khi chó ấy chết, người yêu mèo đến khi mèo ấy chết, thì lúc đó giống như mạng mình cũng chết theo vậy. Họ khóc con chó con mèo từng cơn. Ðó cũng là một thứ ái biệt ly khổ.

Tóm lại, quý vị đối với bất cứ sự vật gì, nhìn không thấu, bỏ không được, cho đến có cái gì đó đặc biệt mà phải chia cách khiến cho quý vị cảm thấy đau khổ vô cùng, đó gọi là "Ái biệt ly khổ."

Có người nói: "Chỉ yêu thôi mà khổ đến thế ư? À, thế thì tôi không yêu nữa, tôi sẽ ghét tất cả!"

"Ghét" tức là không yêu. Có một thứ tâm chán ghét, oán hận, căm thù; đối với bất cứ sự vật gì cũng đều không yêu cả. Ðiều đó lại càng sai lầm. Vậy thì, nói yêu là có khổ, còn không yêu thì sao? Cũng khổ như thường! Ðó gọi là "Oán tắng hội khổ." Trong trường hợp này, quý vị cảm thấy chán ghét, ghét cay ghét đắng người khác, không có duyên với ai cả, cảm thấy ai cũng không tốt với mình, cho nên quý vị không thích ai cả. Quý vị không yêu người, cũng không yêu chó, mèo lại càng không ưa nữa. Cái gì cũng không vừa mắt, thấy cái gì cũng dễ giận. Thế rồi dời nhà đến một nơi khác, nào ngờ sau khi dời đi, lại gặp người, vật còn đáng ghét, tệ hại hơn trước! Những việc quý vị không muốn thấy, thấy nó càng ghét thêm mà quý vị lại hay gặp. A, kỳ lạ, thật kỳ lạ! Quý vị sợ mèo thì suốt ngày mèo cứ chạy đến với quý vị, đuổi nó vẫn không đi. Còn ghét chó à! Quý vị càng ghét nó lại càng quấn quýt quý vị. Quý vị ghét phái nữ ư? Phái nữ suốt ngày đến gõ cửa tìm quý vị. Quý vị không thích lại phải dời nhà, nhưng đến chỗ nào rồi cũng gặp cùng hoàn cảnh như thế, so với lúc trước càng tệ hại hơn! Nói chung không có ngày nào được an ổn, vui vẻ cả. Quý vị nói có khổ không?

Khổ này từ đâu mà có?

Thực sự là do tự tánh quý vị chiêu cảm nên, vì bởi tự tánh quý vị thiếu định lực. Quý vị ở tại chỗ này thấy mình với hàng xóm không hòa thuậĩn nhau, song dời đến một nơi khác cũng lại không hòa thuận nốt. Ðây không phải là người ta không tốt với quý vị mà là quý vị không tốt với người ta đấy. Bởi tự mình cảm thấy không có duyên với người ta nên người ta cũng thấy không có duyên với mình. Thế thì cảm thấy tốt cũng là khổ mà cảm thấy không tốt cũng là khổ. Vậy thì phải làm sao đây? Phải hợp với Trung đạo. Tóm lại, bất cứ việc gì cũng không nên thái quá, vì thái quá thì cũng như bất cập. Oán tắng hội khổ này thì rất lạ kỳĩ! Việc gì quý vị càng không muốn thì càng đối đầu với nó. Người không muốn uống rượu, con quỷ rượu lại suốt ngày kề cận bên mình. Người không muốn hút thuốc, con quỷ hút xách lại chạy đến nhà. Người không thích đánh bạc, con quỷ cờ bạc ngày ngày đến rủ rê. Tại sao thế? Chính vì quý vị có oán tắng (ganh ghét), cho nên chúng mới cùng kéo tới làm khổ đấy. Có oán tắng hội khổ cùng ái biệt ly khổ đều bởi không rõ thấu Trung đạo chân chính, vì nghiêng ngả về một bên, rớt ở một bên nên mới khổ. Nếu có thể giữ được Trung đạo thì sẽ không bao giờ có khổ.

Tôi tin rằng không có ai chán ghét "tiền" cả, nhưng mà "tiền" này, quý vị càng không ghét, càng yêu thích nó càng không đến. Việc lạ được yêu mà không đến chính là "Cầu bất đắc khổ."

Yêu cũng khổ, ghét cũng khổ. Hễ yêu thì có mong cầu, song thường là cầu không được. Có người cả đời mong muốn được phát tài, nên cần cù làm lụng, chịu đủ điều cay đắng. Từ khi lọt lòng đã mong được phát tài, nhưng mãi cho đến lúc chết mà tài vẫn chưa phát, lại làm con ma nghèo. Ðó là cầu bất đắc khổ đấy! Có người cảm thấy làm quan rất thú, bèn tìm đủ mọi cách để được làm quan, nhưng tìm đến hết đời rốt cuộc cũng không làm được, đó cũng lại là cầu bất đắc khổ.

Có người suốt đời cầu danh mà cả đời cầu không được. Có người không có con cái muốn sanh một bé trai thông minh, một bé gái kháu khỉnh, nhưng cầu mãi cầu hoài vẫn không được toại ý, đó cũng là cầu bất đắc khổ. Nhiều người suốt đời, nếu không cầu cái này thì cầu cái kia, mà cái nào cũng cầu không được cả. Có người đi học thì muốn làm Bác sĩ, nhưng vì đời trước không vun trồng căn lành học hành, nên học đến già mắt mờ, tai điếc, đọc hàng tá sách mà học vị Bác sĩ cũng không rớ tới được. Ở Trung Quốc xưa có một vị tên là Lương Hạo, đi học đến 82 tuổi mới đỗ Trạng nguyên, nhưng đỗ Trạng không bao lâu thì chết. Dù cho cầu được, nhưng chưa hưởng thụ được đã chết rồi. Ðó cũng là khổ. Cầu Ðông không được Ðông, cầu Tây không được Tây; nói tóm lại, quý vị mong cầu mà không được toại nguyện. Ðó là khổ!

HT Tuyên Hóa



Có phản hồi đến “Bồ Tát Quán Thế Âm Và Phẩm Phổ Môn - Niệm Danh Hiệu Ngài Giải Trừ Nghiệp Tham Ái”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com