Nếu họ trù ếm, hay dùng thuốc độc hại người mà kết cuộc họ không bị hề hấn chi, há không phải là khuyến khích cho họ sao? Họ không hại được người, nhưng trước sau vẫn có ý muốn hại người. Họ hại không được người này thì lại có ý muốn hại người khác, mà người khác ấy nếu không biết niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì có thể bị chết vì họ! Nếu biết niệm, dĩ nhiên họ hại không được rồi; nhưng người không biết niệm Bồ Tát Quán Thế Âm lại rất nhiều, nên nói "Hai bên đều vô sự" thì không đúng, phải là "Người gây lại gánh chịu" mới không lầm lẫn. Phải khiến cho người ác tự họ chịu đựng một ít khổ, họ nhận lấy quả báo ấy cũng là xứng đáng, để về sau họ tự nhiên không dám hại người nữa.
Hoặc gặp ác La-sát
Rồng độc các quỷ dữ
Nhờ sức niệm Quán Âm
Thảy đều không dám hại.
Hoặc là quý vị đến nơi núi hoang rừng vắng, chỗ không có bóng người, và gặp phải quỷ La-sát, rồng độc, hay các loài quỷ khác. Quỷ La sát hung dữ phi thường, giống như người Dao ở Trung Quốc chuyên môn ăn thịt người vậy. Rồng độc cũng có thể hại người. Chúng thường chiếm cứ một vùng, hoặc trong ao hồ, hoặc ở sông lớn, hễ có người đi qua chỗ ở của chúng thì bị chúng phun nọc độc, trúng vào phải chết. Có thứ rồng độc lớn, thậm chí hớp một hơi có thể khiến cả thuyền và người đều chạy tuốt vào bụng, thật là lợi hại! Còn quỷ, thì chẳng phải chỉ có một thứ mà có rất nhiều, như Ða tài quỷ, Thiểu tài quỷ, Vô tài quỷ v.v... "Ða tài quỷ" như là các vị Thổ địa, Thành hoàng. Họ tuy đều là quỷ, nhưng là thủ lãnh của quỷ, cũng như Quỷ vương vậy. "Thiểu tài quỷ" là quỷ nghèo, dù cho có tiền cũng có rất ít. "Vô tài quỷ" thì thực sự là không có tiền của chi cả. Vậy thì, quỷ mà còn dùng tiền sao? Thật ra quỷ không cần dùng tiền, nhưng do tập quán xấu cho nên bọn Ða tài quỷ khi cai quản những quỷ khác cũng tham ô. Thiểu tài quỷ, Vô tài quỷ cũng giống như người ta vậy, suốt ngày từ sáng tới tối đều mong muốn có thêm được tí tiền. Tuy không cần dùng tiền, nhưng vì bọn họ chấp trước thành thói quen, thành một thứ mê muội, cho nên mới ưa thích tiền. Tiền họ dùng là tiền giấy, ở Trung Quốc người ta thường đốt giấy tiền cho quỷ chính là muốn mua chuộc, lấy lòng bọn quỷ.
Nếu quý vị gặp những quỷ La-sát, rồng độc hoặc các thứ quỷ thần ấy, quý vị có thể niệm Bồ-tát Quán Thế Âm thì những ác quỷ ấy tự nhiên trốn mất. Tại sao thế? Tại vì khi quý vị niệm Bồ-tát Quán Thế Âm, trong miệng có phát ra ánh sáng, tất cả những loài quỷ đều sợ ánh sáng nên không thể làm hại quý vị được.
Hoặc ác thú vây quanh
Nanh vuốt nhọn đáng sợ
Nhờ sức niệm Quán Âm
Ðều vội vàng bỏ chạy.
Ác thú tức là lang sói, hổ, beo, những dã thú này chuyên môn ăn thịt người. Ở các núi của nước Mỹ không có hổ, nhưng ở Trung Quốc và Ấn Ðộ thì hổ rất nhiều. Lúc nhỏ, có lần tôi đi vào trong núi, đi 5, 6 ngày trời vào chỗ không có người ở, có gặp những ác thú ấy. Nhưng tôi rất lấy làm lạ là không biết tại sao chúng không ăn thịt tôi. Răng của ác thú bén nhọn như dao, móng vuốt cứng chắc như móc sắt. Ðương khi quý vị gặp những ác thú vây quanh như thế mà biết niệm ngay Bồ-tát Quán Thế Âm, thì bọn chúng chẳng những không dám làm hại quý vị mà còn bỏ chạy tức khắc. Tại sao lại bỏ chạy? Vì Bồ-tát Quán Thế Âm có sức cảm ứng linh thiêng (linh cảm) khiến cho bọn chúng một khi nhìn thấy quý vị, tự nhiên sanh lòng sợ hãi, lật đật trốn chạy xa.
Ngoan xà và phúc yết
Khí độc xông mịt mù
Nhờ sức niệm Quán Âm
Theo tiếng tự bỏ đi.
Ngoan xà là một thứ rắn độc, phần lớn màu đen. Phúc, ở Trung Quốc gọi là Diên xà (rắn mối), thường thấy ở trên diềm mái nhà. Thứ rắn này rất nhiều ở Thái Lan, thường xuất hiện vào buổi tối và ré lên, cũng không sợ người. Nó có bốn chân nhỏ, thường chạy tới chạy lui ở trên mái nhà.
Phúc xà là loại rắn rất độc. Yết tức là bò cạp, nếu ai bị nó đốt thì có thể trúng độc lập tức chết ngay. Bọn chúng đều có khí độc xông mịt mù, thật là độc dữ vô cùng! Thậm chí làm cho người mất mạng như chơi. Dù gặp phải những loại rắn độc như thế, nếu bọn chúng nghe tiếng quý vị niệm "Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát" thì sẽ đều tự động chạy trốn mất, không dám tác oai, tác quái nữa.
Mâây sấm điện chớp giăng
Tuôn mưa đổ như trút
Nhờ sức niệm Quán Âm
Tức thời được tạnh yên.
Trên trời thường có các thứ tai hại như mây sấm chớp nháng hoặc mưa đá xối xả. Có những lúc mưa đá lớn bằng nắm tay, có khi lớn bằng trứng gà, có khi hạt mưa nặng đến mấy mươi cân, thậm chí mưa rơi trúng mình trâu, trâu té chết ngay. Nếu rơi trúng thân người, chẳng cần phải nói, hậu quả cũng có thể đoán được. Hoặc lúc mưa gió to ấy, nếu quý vị có thể niệm Bồ-tát Quán Thế Âm thì không lâu sau, những hiện tượng ấy sẽ nhanh chóng ngưng bặt, không còn nữa.
Chúng sanh bị khổn ách
Vô lượng khổ bức thân
Quán Âm sức trí diệu
Hay cứu khổ thế gian.
Chúng sanh tức là do các duyên hòa hợp mà sanh ra. Lại nữa, chúng sanh có ngàn trăm vạn loại khác nhau, cho nên gọi là chúng sanh. Cũng có thể giải thích: "Chúng sanh," chính là sanh ra rất nhiều. Quý vị thấy chữ "chúng" ( ) của Trung Quốc, ở trên là chữ "tứ" ( ), ở dưới là ba chữ "nhân" ( ), ba người hợp lại một chỗ gọi là "chúng." Loài rắc rối nhất trong chúng sanh là loài nào? Chính là "nhân" (loài người). Con người cần phải mặc áo, phải ăn cơm, phải làm việc, biết bao nhiêu là phiền phức, không kể hết! Nhưng loài có đầy đủ trí tuệ cũng lại là loài người. Những loài súc sanh tuy chẳng có biết bao phiền phức đó, nhưng chúng lại quá ngu si, không có trí tuệ như con người, nên phải bị con người sai khiến và chi phối.
Ở Trung Quốc có câu: Nhân vi vạn vật chi linh.
Người là vật thông minh nhất trong vạn vật. Nhưng thông minh nhất có lúc cũng lại làm việc ngu si nhất, lại tự gây phiền phức cho mình, chính mình đánh nhau với mình. Thế nghĩa là sao? Tức là lúc "bị khổn ách." Chữ "khổn" này hàm ý:
Thiên hạ bổn vô sự, dung nhơn tự nhiễu chi
(Thiên hạ vốn bình yên, kẻ khờ tự khuấy động)
vì thế mới có vô lượng nỗi khổ. Không có cơm ăn là khổ, không có áo mặc cũng khổ, không có nhà ở cũng khổ, biết bao nhiêu là khổ, kể mãi không hết! Suốt ngày vì áo, cơm, nhà ở; cả đời vội vội vàng vàng vì tìm kiếm sự ăn mặc, thậm chí cướp cái này giựt cái nọ chỉ để duy trì sinh mạng cho chính mình. Tại sao phải duy trì sinh mạng cho chính mình? Cũng nhân vì bị "khổ" bức bách, kết quả phải chiêu lấy vô lượng khổ bức thân!
Bồ-tát Quán Thế Âm có sức trí tuệ vi diệu bất tư nghì, có thể cứu giúp mọi khổ nạn của thế gian; vì thế chúng ta làm người, gặp bất cứ sự việc không vừa ý nào, chẳng cần phải lo rầu khổ não, chỉ cần niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì mọi vấn đề đều có thể từ từ giải quyết. Chỉ cần quý vị có lòng thành đối với Ngài thì Bồ-tát Quán Thế Âm chắc chắn sẽ đến giúp đỡ quý vị ngay.
Ðầy đủ sức thần thông
Rộng tu trí phương tiện
Các cõi nước mười phương
Không chỗ nào chẳng hiện.
Sức thần thông là gì? Thần thông gồm có sáu loại.
-Thứ nhất là Thiên nhãn thông. Với Thiên nhãn, quý vị có thể thấy được những động tác của các thiên nhân ở cõi trời Tam thập tam (Ðao Lợi).
-Thứ hai là Thiên nhĩ thông. Với Thiên nhĩ, quý vị có thể nghe thấy tất cả âm thanh của mười phương thế gian trong loài người cũng như ở cõi trời.
-Thứ ba là Tha tâm thông, khả năng biết được ý nghĩ của người khác.
-Thứ tư là Túc mạng thông, khả năng biết rõ nhân quả các đời trước.
-Thứ năm là Thần túc thông, cũng gọi là Thần cảnh thông, tức là khả năng bay đi, biến hóa một cách tự tại.
-Thứ sáu là Lậu tận thông.
Thứ thần thông này không dễ gì đạt được. Tất cả quỷ thần đều có năm thứ thần thông đầu, chỉ riêng Lậu tận thông này là họ không có được. Bồ Tát Quán Thế Âm có đầy đủ trọn vẹn sáu thứ thần thông này, nên gọi nói là "Ðầy đủ sức thần thông."
Rộng tu trí phương tiện, do chữ "rộng" này mà biết Ngài không phải chỉ tu một pháp môn, mà còn tu các pháp môn khác nữa. Giống như chúng ta bây giờ không chỉ nghe kinh, mà cũng học Phật pháp, học Hán văn, lại học chú Lăng Nghiêm, chú Ðại Bi; chú Lăng Nghiêm, chú Ðại Bi học xong rồi lại đến Ðại Bi sám. Ðại Bi sám mà chưa hiểu rõ, lại phải học nữa! Ấy gọi là "học không chỗ dừng, chỉ siêng đến bến." Chúng ta phải nên học tập theo tinh thần "rộng tu trí phương tiện" khi tu nhơn của Bồ Tát Quán Thế Âm mới được. Ở các quốc gia trong mười phương, không có một nước nào mà Bồ Tát Quán Thế Âm không hiện đến. Bất cứ chỗ nào cũng đều hiện đến, nên Bồ Tát Quán Thế Âm đối với tất cả chúng ta đều có duyên. Chỉ cần ai chịu niệm danh hiệu của Ngài thì Ngài sẽ bảo hộ người ấy. Nếu không niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì sao? Ðương nhiên là Ngài đành sẽ bỏ mặc quý vị thôi! Tại sao thế? Vì quý vị và Ngài không có chút quan hệ nào cả! Ngay cả danh hiệu của Ngài quý vị cũng không muốn biết, cũng không muốn niệm, Ngài bèn nói:
-"À, nó không muốn làm bạn với ta, ta cũng không nên để ý tới những việc không đâu của nó."
Nếu muốn làm bạn với Bồ Tát Quán Thế Âm, thì phải niệm cho nhiều "Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát." Một khi quý vị niệm danh hiệu Ngài, thì Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ nói:
-"À, ta lại có thêm một người bạn nữa. Ðược! Người bạn mới này của ta nếu có việc gì, ta sẽ đến giúp đỡ."
Có người muốn biết Thiên nhãn thông làm sao chứng được. Có rất nhiều phương pháp. Quý vị chuyên tâm tụng chú Lăng Nghiêm cũng có thể được Thiên nhãn thông; hoặc quý vị tụng chú Ðại Bi và tập theo bốn mươi hai Thủ Nhãn của Ðại Bi Pháp, cũng có thể được Thiên nhãn. Quý vị cố thức để học tập Phật pháp, cũng có thể được Thiên nhãn thông, nhưng phương pháp ấy rất nguy hiểm, tôi hy vọng là mọi người sẽ không áp dụng. Tại sao thế? Quý vị có lẽ còn nhớ là khi tôi giảng Kinh Lăng Nghiêm, có đề cập đến Tôn giả A-na-luật, vị đại đệ tử mà chuyên môn ngủ gật. Về sau Ngài bị Phật quở là:
-"Ái chà ngủ nghỉ hoài, như ốc sên sò hến, ngủ suốt cả ngàn năm, không nghe được tên Phật."
Nghe Phật trắch như thế, Ngài nức lòng ra sức dụng công, không ngủ nữa. Liên tục không ngủ suốt bảy ngày đêm, cặp mắt Ngài bị mù. Ðức Phật thương tình mới dạy Ngài tu Kim Cang Chiếu Minh Tam Muội, kết quả Ngài được tôn là Thiên nhãn bậc nhất.
A-na-luật là tiếng Phạn, Trung Quốc dịch là Vô Bần (không nghèo). Tại sao Ngài có tên này? Vô lượng kiếp quá khứ về trước Ngài là một người mới phát tâm Bồ-đề, dù chưa làm đệ tử của Phật nhưng đã biết ý nghĩa của bố thí. Bấy giờ, Ngài là một người nông phu rất nghèo khổ. Gần nhà Ngài, ởụ trên sườn núi có một vị Tỳ-kheo đã chứng quả Bích-chi Phật cư ngụ. Vị Tỳ-kheo già này cứ cách bảy ngày mới xuống núi hóa trai một lần, mỗi lần chỉ hóa trai ở bảy nhà thôi, tuyệt đối không hơn nữa; nếu bảy nhà đều bố thí cả thì mới đủ ăn trong bảy ngày; nếu như có một nhà không bố thí thì ngày ấy nhịn đói. Dù hóa duyên không được gì cả thì vẫn qua bảy ngày sau mới xuống núi lần nữa.
Có một hôm anh nông phu ấy ra ruộng, và mang theo phần cơm chuẩn bị cho bữa ăn sau khi cày xong, thì thấy vị Tỳ kheo nghèo ấy xuống núi hóa duyên mà không xin được thứ gì cả, bèn nảy sinh lòng bố thí. Anh ta suy nghĩ rằng:
-"Hôm nay mình đừng ăn cơm, để đem cơm này cho vị Tỳ kheo nghèo ấy đỡ lòng!"
Anh nông phu ấy hoàn toàn không biết vị Tỳ-kheo già kia là bậc Thánh nhơn chứng quả Bích-chi Phật, nhưng vị Tỳ-kheo già lại có Tha tâm thông, sau khi quan sát nhân duyên mới nghĩ:
-"À, ta đã biết tại sao anh ta đem cho ta thứ cơm hẩm này rồi? (Ðó là một thứ cơm nấu bằng một thứ gạo xấu và rẻ tiền nhất mà người nghèo khổ mới ăn). Thì ra anh ta không có tiền, mỗi ngày phải ăn thứ cơm này đây. Hôm nay biết ta hóa trai không được gì cả, mới đem bố thí cho ta, công đức này thật không thể nghĩ bàn."
Vị Bích-chi Phật rất hoan hỷ, khen ngợi người nông phu:
-"Như thị, như thị! Anh đã cúng dường bằng tấm lòng rất chân thật."
Nói xong, vị Tỳ-kheo đi trở về núi.
Sau đó một thời gian, anh nông phu thấy có một con thỏ chạy về phía mình, đột nhiên nhảy lên vai anh ta và đeo dính cứng, gỡ không ra. Sợ quá, anh ta lật đật chạy về nhà tìm cách gỡ thỏ xuống. Khi gỡ ra được, anh ta nhìn kỹ lại thì là con thỏ bằng vàng. Anh ta mới cắt một khúc chân của thỏ đem bán đổi lấy tiền. Về sau coi lại, thấy chân của thỏ đã mọc lại như cũ. Nhờ thế anh ta phát tài, từ đó về sau, đời đời kiếp kiếp đều có của tiền dư dả, không hề thiếu thốn nữa. Ðó là do anh ta cúng dường vị Bích-chi Phật với tâm chơn thật, cho nên mới được quả báo to lớn như thế; đời đời kiếp kiếp đều được "Vô Bần," không còn nghèo túng nữa. Ðó là lý do vì sao Tôn giả A-Na-Luật được gọi là "Vô Bần."
Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói:
"Cúng dường một trăm người làm ác, không bằng cúng dường một người làm lành.
"Cúng dường một ngàn người làm lành, không bằng cúng dường một vị cư sĩ thọ trì ngũ giới.
"Cúng dường mười ngàn cư sĩ thọ trì ngũ giới, không bằng cúng dường một vị Sa-di thọ trì mười giới.
"Cúng dường một trăm ngàn vị Sa-di không bằng cúng dường một vị Tỳ-kheo.
"Cúng dường một triệu vị Tỳ-kheo cũng không bằng cúng dường một vị chứng Sơ quả Tu-đà-hoàn.
"Cúng dường mười triệu vị Tu-đà-hoàn không bằng cúng dường một vị chứng Nhị quả Tư-đà-hàm.
"Cúng dường một trăm triệu vị Tư-đà-hàm không bằng cúng dường một vị chứng Tam quả A-na-hàm.
"Cúng dường một trăm tỷ vị A-na-hàm không bằng cúng dường một vị chứng Tứ quả A-la-hán."
Nhưng, quý vị cúng dường vô số không đếm được vị A-la-hán cũng không bằng cúng dường một vị vô tu vô chứng.
Bậc vô tu vô chứng là ai? Ðó là Phật. Thế mà quý vị cúng dường hằng hà sa số đức Phật vẫn không bằng cúng dường một vị vô tâm Ðạo nhân.
Tôn giả A-na-luật cúng dường một vị Bích-chi Phật mà được đời đời kiếp kiếp không nghèo khổ, lại giàu có phi thường - chẳng làm Thái tử con vua thì cũng làm con của một nhà giàu sang trên toàn thế giới. Cho nên chúng ta muốn đời đời kiếp kiếp khỏi phải nghèo khổ thì hãy cúng dường Tam Bảo, tương lai sẽ có cơ hội được giàu sang. Nhưng khi quý vị giàu sang thì lại có vấn đề khác.
Ðó là:
"Bần cùng bố thí nan, phú quý học đạo nan"
(Nghèo hèn bố thí khó, giàu sang học đạo khó)
Ngài A-na-luật tại sao lại được giàu có? Bởi vì Ngài đang nghèo khổ mà lại có thể bố thí, hy sinh phần cơm trưa của cá nhân mình để cúng dường Tam Bảo - nhờ một niệm chân thật mà được vô lượng phước báo. Thông thường người nghèo chính mình còn ăn không đủ no, nếu đem bóá thí thì không có gì để ăn nữa, cho nên nói "bố thí khó."
Còn giàu sang thì sao? Thì "học đạo khó." Những người giàu sang có tiền, quý vị kêu họ đi học Phật pháp họ không đời nào chịu đâu! Ðó là hai trong hai mươi thứ khó [xin xem Kinh Tứ Thập Nhị Chương] chúng ta cần nên chú ý.
Các loài trong đường dữ
Ðịa ngục, quỷ, súc sanh
Khổ sanh già bịnh chết
Lần đều khiến dứt sạch.
Ðường dữ (evil destinies) hay ác đạo chính là những nơi bất thiện, và chẳng phải chỉ có một mà có rất nhiều.
Tổng quát thì có bốn loài là:
-A-tu-la,
-ngạ quỷ,
-súc sanh,
-địa ngục.
A-tu-la thì như trước đã giải thích rồi, họ chính là đấu tranh kiên cố; những loại chúng sanh thích đấu tranh đều thuộc vào A-tu-la. Ðịa ngục do đâu mà có? Ấy là do nghiệp chướng của mỗi cá nhân chúng ta mà hình thành. Quý vị tạo tội ác gì thì sẽ có địa ngục tương ứng với tội ác đó hiện ra. Ðịa ngục lại chia ra rất nhiều thứ.
Kinh Ðịa Tạng nói:
"Ngục lớn có mười tám, kế đó có năm trăm ngục nhỏ, lại có hàng ngàn trăm vô lượng vô biên địa ngục."
Ðịa ngục có phải giống như nhà tù ở thế gian không? Do người ta làm ra cái nhà rất chắc chắn, chờ khi có người phạm tội thì đem nhốt vào đó chăng? Không phải thế! Ðịa ngục là do tội ác của mỗi cá nhân mà hiện ra. Quý vị tạo ác nghiệp sát nhân thì sẽ có địa ngục sát nhân hiện ra; tạo tội ác đốt nhà thì sẽ có địa ngục đốt nhà hiện ra. Bởi tạo ác nghiệp gì thì sẽ có địa ngục đó hiển hiện, vì thế chủng loại địa ngục không có nhất định. Ðến khi trả nghiệp xong rồi thì địa ngục ấy sẽ tự biến mất. Nghiệp chưa hết thì địa ngục vẫn còn.
Tại Mãn Châu nơi sinh quán của tôi, ở huyện Du Thọ có vị "Lưu tiên sinh tay heo," ông ta có thể nhớ được việc trong ba đời trước của mình.
Ðầu tiên, ông ta là một người con có hiếu đối với cha mẹ, sau đó được đầu thai làm con nhà giàu. Cha ông ta hơn bốn mươi tuổi mới sanh được đứa con trai là ông. Ðến năm ông ta mười ba tuổi, cha mẹ cưới cho ông một cô vợ lớn hơn ông một hay hai tuổi. Cha ông ta tuy đã trên năm mươi nhưng vẫn còn cường tráng lại cưới thêm một cô vợ lẽ, cô vợ này suýt soát tuổi con dâu. Lưu tiên sinh có vợ không đầy hai năm, sanh được một đứa con trai. Ðợi cho con mình mười ba tuổi, ông ta lại cưới vợ cho con, cô con dâu lại lớn hơn con ông mấy tuổi. Chẳng bao lâu, cha mẹ ông ta lần lượt qua đời, chỉ còn lại người vợ lẽ của cha ông thôi. Ông ta thấy bà vợ lẽ của cha quá đẹp bèn chiếm luôn làm vợ mình. Sau đó không lâu, con ông ta lại chết, ông ta lại thấy cô con dâu dung mạo cũng mỹ miều bèn lấy dâu làm vợ nốt. Thế là, bà má nhỏ cũng là vợ, nàng dâu cũng là vợ tuốt; đó gọi là "trên thì giựt mẹ, dưới thì giành dâu." Lúc đó ông ta chừng hai mươi tám hay hai mươi chín tuổi thôi.
Ðến chừng quá bốn mươi tuổi, ông ta mới bắt đầu tỉnh ngộ, tự nghĩ: "Ôi, cả đời mình gây ra tội ác quá nhiều! Lấy mẹ kế làm vợ, bắt con dâu làm vợ, thiệt là tội không phải nhỏ!"
Bấy giờ ông ta mới tu tập, tin Phật, tụng kinh, chuyên trì Kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật. Tụng được mười mấy năm, đến lúc ông năm mươi mấy tuổi thì chết. Chết rồi thần thức ông đến trước vua Diêm La. (Vua Diêm La là ông vua quản lý tất cả quỷ ở địa ngục, rất là dữ tợn, mặt đen sì sì không vị nể ai hết). Vua Diêm La hỏi:
- Tại sao cả đời ngươi toàn làm ác cả vậy? Bây giờ phải thả ngươi vào ngục dầu sôi, dùng vạc dầu để chiên ngươi mới được!
Nói rồi kêu hai con quỷ kéo ông vào ngục vạc dầu, bấy giờ có vị phán quan ở kế bên nói: "Không thể được!"
- Tại sao? Vua Diêm La hỏi,
- Tại vì ông ta có tụng Kinh Kim Cang. Bây giờ bụng nó đầy Kim Cang trong đó. Phải cho ông ta mửa hết kinh ra rồi hãy đem đi nấu dầu.
Thế là vua Diêm La cho ông ta đầu thai làm người. Ông đầu thai vào một gia đình rất nghèo, cha mẹ chuyên bán đồ điểm tâm. Ðứa bé sinh ra đặc biệt từ nhỏ rất thích ăn uống, ăn uống đến nỗi bụng tích lại càng lúc càng to. Ðến chừng đứa bé năm tuổi, vì bụng trướng quá lớn mà chết. Sau khi đứa bé chết, cha mẹ nó cùng bàn với nhau: "Bụng thằng bé này tại sao lại lớn quá vậy? Chắc là có cái gì trong đó. Chúng ta mổ ra xem thử!" Họ bèn mổ bụng đứa bé ra, thấy trong đó có một vật cứng như đá kim cương. Con quỷ ở kế bên nói: "À, bây giờ thì bắt nó đem nấu dầu được rồi đấy!" Nó bèn dẫn ông ta về gặp vua Diêm La, vua nói:
- Bây giờ, bắt nó đầu thai làm heo trước đã!
Ông ta lại đầu thai làm heo, được người ta vỗ béo rồi đưa đi làm thịt. Sau đó, ông ta lại trở về địa ngục để chờ đem đi nấu dầu. Ông ta nói với vua Diêm La:
- Ngài không cần nấu tôi nữa, cho tôi về nhân gian đầu thai làm người đi! Và xin Ngài lưu lại cho tôi một bàn tay heo làm bằng chứng để tôi khuyên người đời không nên tạo nghiệp ác.
Vua Diêm La nói: Thế cũng được!
Thế là ông ta đầu thai vào nhà họ Lưu. Người ta vì thấy ông có một bàn tay hình thù y hệt cái móng heo nên gọi ông là "Lưu tiên sinh tay heo." Vị này chính tôi có gặp và nói chuyện rất nhiều với ông ta, nên biết ông ta nhớ được việc đời trước của mình rất rõ ràng. Ðó là nhân duyên ác thú (ác đạo) được tạo thành. Ðịa ngục là nơi rất nguy hiểm, hy vọng mọi người đừng nên tạo ác nghiệp, nếu không thì khổ báo khó tránh.
Lại ở Hợp Nhĩ Tân (Harbin), Mãn Châu, có một vị sư, có lần Thầy bị bịnh nặng, cảm thấy mình chết. Sau khi chết, thần thức theo đường cái chạy đi, chạy đến nơi cách chùa không xa để đầu thai. Ðầu thai làm gì? Làm con heo. Khi thấy mình bị làm heo, bèn chẳng chịu bú để chết đói. Sau khi chết đói, thần thức trở về lại nơi thân Thầy. Vừa tỉnh lại, vị Pháp sư nói:
- A, mình mới đầu thai làm heo đây mà!
Người kế bên hỏi: Ngài đến nơi nào đầu thai làm heo thế?
- Bây giờ tôi cảm thấy bớt bịnh nhiều! Ðể tôi đưa ông và quý Thầy cùng đến đó xem. Ở đó vừa chào đời bảy chú heo con, tôi là một trong số bảy chú heo con đó. Tôi cố ý không bú nên mới chết đây.
Tiếp đến vị sư ấy cùng với các Thầy khác đồng đến nơi đó, quả nhiên có một gia đình kia vừa có bảy con heo nhỏ ra đời, trong đó có một con heo con vừa mới chết.
Ðó là vị sư ấy tự nhớ được lai lịch của mình, vị này tôi cũng đã có gặp. Do đây có thể thấy, được sanh làm người thật không phải dễ, thân người của chúng ta thật rất khó được.
Cho nên có câu:
"Thân người khó được, Phật pháp khó nghe."
Quý vị tính thử xem, tại nước Mỹ trong hàng ngàn vạn người có mấy ai được nghe Phật pháp? "Thiện tri thức khó gặp." Quý vị muốn gặp một vị Thiện tri thức chân chánh hiểu rõ Phật pháp cũng không dễ đâu. Có những vị tự xưng là Thầy mà ngay cả chính mình cũng không biết đạo lý, họ có giảng đạo lý cho quý vị thì cũng chỉ là nói nhăng nói cuội mà thôi.
HT Tuyên Hóa