VẤN: Gần đây, con thường cùng với một số bạn hay đến các chùa để làm công quả, từ thiện và cũng thường giúp trong việc tổ chức lễ ngày khởi công xây dựng các chùa. Con vui vì được làm Phật sự có ích. Tuy nhiên, có nhiều lần đi tham gia công quả ở các đại công trình xây dựng chùa quá lớn và hoành tráng, con thấy chạnh lòng. Nhìn vào bản vẻ thiết kế cũng như khối lượng các công trình đủ kiểu để hoàn thành, con biết đó không phải là một số tiền nhỏ. Rất nhiều công trình trong ấy chỉ toàn là bảo tháp thờ xá lợi, tượng phật đủ các loại, triển lãm không gian lưu giữ và có cả mục đích tương lai là du lịch tâm linh. Theo con được biết ngày xưa Đức Phật và các vị đệ tử của Ngài chỉ tu ở những nơi rất đơn giản, bình thường mà ai cũng chứng quả an lạc. Tại sao hiện nay con thấy như một phong trào khắp nơi xây dựng chùa vô cùng hoành tráng mà không phải chủ yếu để phục vụ việc tu tập. Giáo lý nhà Phật khuyên sống đơn giản, bình thường, ít muốn biết đủ nhưng nếu xây dựng chùa với những vật liệu tốn kém như vậy có nên không? Tại sao đất nước vẫn còn nghèo khó, nhiều nơi rất đói kém, làm người con Phật lại hoang phí đến vậy? Bạn con bảo xây chùa để giúp độ chúng giữ gìn quê hương, tâm linh dân tộc nhưng con thắc mắc có cần quá lớn và hoành tráng như vậy không? Xin Sư cho con được rõ.

ĐÁP:

Trong đời giáo hóa của Phật, Ngài có dạy về tương lai giáo pháp được chia ra làm ba thời kỳ: chánh Pháp, tượng Pháp, mạt Pháp.

Chánh Pháp: là sau Phật diệt độ, mới bắt đầu 500 năm. Chánh pháp có nghĩa là ‘Chứng Pháp’. Thời kỳ này có pháp, có người tu, và có người chứng được pháp đã tu. Có đủ Giáo Hạnh. Chánh pháp tồn tại 500 năm, hết 500 năm là qua thời tượng pháp. Tượng Pháp: là sau Chánh pháp, Tượng pháp tồn tại được 1.000 năm. Tượng có nghĩa là ‘vẫn giống’ như Chánh pháp, có giáo, có hạnh, có pháp để tu, nhưng ít người chứng ngộ. Hết 1.000 năm Tượng-pháp là vào thời kỳ mạt pháp. Mạt Pháp: Là thời khởi đầu chuyển thành ‘vi mạt’, Pháp mạt tồn tại mười ngàn năm (10.000). Chỉ có Giáo mà không còn Hạnh! Tệ hơn, nhỏ bé hơn, thời kỳ của hao mòn, teo tóp, suy vi, chánh tà lẫn lộn. (Đại Tập kinh - Đại Tỳ Bà Sa Luận, Q18)

Thời kỳ chánh pháp: Chư tôn giả tu hành như lúc Phật sanh tiền, chư tôn giả tinh chuyên học Phật, gần gủi Phật pháp. Vừa gặp giáo pháp Phật, được Phật pháp, thầy tổ thọ ký tu hành chứng quả.

Thời kỳ tượng pháp: Tượng là mường tượng, chư tôn giả có nhơn duyên gặp Phật pháp, nương giáo pháp Phật tu hành chứng quả, sinh họat giáo pháp không như thời kỳ chánh pháp, có cơ duyên nối thừa chánh pháp, có khả năng trùng tuyên, san định, phỏng tác, dịch kinh Phật để lại cho đời sau tiếp nhận tu hành.

Thời kỳ mạt pháp: Theo kinh Hộ Quốc Nhân Vương nói: “Có giáo lý, không hành trì, không quả chứng, gọi là Mạt Pháp”. Chánh pháp vẫn còn lưu truyền, chúng sanh vẫn có duyên gặp Phật pháp tu hành, nhưng chỉ nương vào hình thức tu của người trước mà thực hiện, chứ không tự mình có tuệ giác, chú trọng vào việc xây dựng chùa chiền, học Phật pháp nhưng không giống Phật, đấu tranh kiên cố không ngừng.

Việc xây chùa quy mô?

Tuy phân ra ba thời kỳ Phật pháp như vậy, nhưng chư Tăng ở mỗi thời kỳ đều có sứ mạng cao cả thiêng liêng của từng thời kỳ đó. Việc xây dựng chùa chiền quy mô của chư tôn túc Tăng già hiện nay là có ý tưởng đúng đắn, chủ yếu xoáy theo dòng chảy của thời gian, trong đó có 03 nguyên nhân chính:

Một là: các Tổ đình, cổ tự, là trú xứ của một môn phong pháp phái, trung tâm tổ chức hành chánh của Giáo hội các cấp nên có sự xây chùa kiên cố để giữ gìn pháp phái tông phong. Nếu là chùa xưa theo nếp phong kiến thì thường là sơn son thếp vàng, chạm trổ hoa văn, trưng bày các liễn đối, giữ gìn những nét chấm phá, tạo nên những mái ngói cong vút cổ kính, đơn sơ mộc mạc không có gì phản cảm với người con Phật.

Hai là: Chùa là trung tâm giáo dục Phật giáo dành cho chư Tăng, Ni cư trú tu hành, do đó nhiều nơi như Chùa Ấn Quang, Chùa Xá Lợi, Chùa Huệ Nghiêm, chùa Huê Nghiêm, Thiền viện Thường Chiếu, Quan Âm tu viện, các Trường Phật học nuôi dưỡng từ 200 đến 300 vị tu sĩ trở lên. Chính vì vậy mà chư tôn túc trưỡng lão có ý tưởng xây dựng chùa quy mô để “nuôi dạy Tăng, Ni”.

Ba là: Đất nước Việt Nam hiện nay đang trên đà phát triển thiên về tín ngưỡng, những trung tâm văn hóa tâm linh, văn hóa dân gian, văn hóa du lịch đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó Chùa cũng là trung tâm văn hóa, góp phần phát huy nét văn hóa dân tộc, trong đó có việc phát huy văn hóa Phật giáo nên nhiều chùa chiền xây dựng, chạm trổ hoa văn rồng mây, rồng phụng, hoa sen, mái ngói cong vút, vẽ tranh, khắc tranh phù điêu... tạo nên một không gian vốn thầm kín nay trở thành một đền đài Phật giáo nguy nga tráng lệ.

Qua những ý tưởng trên, các Bạn có thể thấy việc xây dựng chùa chiền, tạo tượng thờ Phật, thiết lập nền đạo pháp, dành cho mọi người đến đó tu học... trở thành một Phật sự lớn, trách nhiệm nặng nề với Phật pháp; chính đó là nghĩa vụ của người đệ tử Phật hôm nay! Chùa cũng là quê hương Phật pháp duy nhất của Phật tử, khi hướng về một ngôi chùa người Phật tử khởi niệm một ý tưởng thân thương thầm lặng, ký gởi tâm hồn mình vào tĩnh lặng, chính nơi đó là tinh hoa Phật pháp, chính nơi đó là tập trung tinh thần, công sức, trí tuệ của chư Tăng Ni, Phật tử, do vậy chúng ta không có gì phải suy nghĩ khác đi mà người Phật tử chúng ta còn phải tán dương công đức các bậc tôn túc, trưỡng lão khai sơn ngôi chùa ấy.

Cần phát huy môi trường Phật giáo hiện nay:

Việt Nam là đất nước có nhiều tôn giáo, trong đó Phật giáo, Thiên chúa giáo là những tôn giáo lớn, giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo là hai tôn giáo lớn nội sinh. Đa số người Việt Nam luôn hướng về tâm linh nhiều hơn đời sống chính mình. Hiện nay người dân dù chưa phải Phật tử, hoặc lương giáo, gần như có một xu thế hướng về môi trường tâm linh Phật giáo, huống chi chúng ta là Phật tử phải không Bạn?

Cách đây mười mấy năm, lần đầu tiên Ông Tổng Giám Đốc Vietnam Arilines có ý tưởng thay đổi nhãn hiệu “chim bay ngang ánh trăng” của công ty, thay vào đó là “Hoa Sen”; đây là sáng tác của họa sĩ Victor Kubo (Nhật Bản) và là kết quả của hơn 10 năm tìm kiếm và thử nghiệm để xây dựng mẫu biểu trưng tổng thể của Vietnam Airlines. Theo Vietnam Airlines, Hoa Sen là một hình tượng có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với người Việt Nam. Hoa sen biểu hiện cho sự khai sáng và hoàn mỹ; vừa đời thường lại vừa cao quý, linh thiêng; vừa duyên dáng, mềm mại, nhưng không kém phần cứng cáp, đĩnh đạc.

Có nhiều lý do để những nhà thiết kế chọn biểu tượng hoa sen. Thứ nhất, nó phản ánh lịch sử văn hóa Việt Nam, thu hút sự chú ý, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Hoa sen có ý nghĩa đặc biệt đối với người Việt Nam, nó tượng trưng cho sự khai sáng và hoàn mỹ theo triết học nhà Phật và phản ánh sức vươn lên của dân tộc Việt Nam. Hoa sen có trong mọi mặt của cuộc sống, trong kiến trúc cung đình và tôn giáo, trong văn học nghệ thuật... Hoa sen có sự khác biệt hoàn toàn so với biểu tượng hiện thời, khác biệt so với các hãng hàng không khu vực.

Trên đây là những ý tưởng lớn chuẩn mực dành cho Phật giáo, cũng là sự tôn vinh Phật giáo, lẽ nào chúng ta không đón nhận và trân trọng?

Vấn đề từ thiện xã hội:

Theo ý tưởng của Bạn, việc xây chùa cao, tạo Phật lớn là việc mà người Phật giáo nên ít chú trọng và không cần thiết cho lắm? Vì người tu Phật là phải giản dị, tu hạnh thanh bần lạc đạo, nên dành kinh phí xây chùa sử dụng vào việc khác, tức là làm việc từ thiện lo cho người nghèo, những người thiếu ăn, thiếu mặc, cô độc neo đơn?

Từ thiện là việc người Phật giáo phải làm, xưa nay các vị đã làm và làm rất nhiều, nhưng không có giới thiệu, không đăng báo, không báo cáo cho mọi người nên mọi người nghĩ là người Phật giáo “ăn không ngồi rồi” đó thôi! - Người Phật giáo làm từ thiện ít muốn ai hiểu biết, chỉ vận động trong phạm vi Phật tử thân tín ủng hộ là đủ để trang trải khi có nhu cầu xã hội cần thiết. Như ở Quan Âm tu viện thành lập Cô nhi viện Phước Lộc Thọ từ năm 1960, họat động cho đến tháng 10 năm 1978 thì giải thể theo chủ trương chung của Nhà nước. Cô nhi viện họat động trong lòng Phật giáo, Phật tử bổn đạo ủng hộ, tự túc tăng gia sản xuất, lo cho công tác từ thiện. Từ đó đến nay lập thêm cơ sở nuôi người già, nuôi các cháu tâm thần bại liệt, trẻ em bị chất độc da cam, chư Tăng Ni Quan Âm tu viện sống như thế nào, người già và các cháu sống như thế nấy, do Phật tử ủng hộ là đủ, không nhận bất cứ tài trợ nào của các hiệp hội người ngọai quốc.

Có nên thay đổi tư duy?

Người xưa nói tạo chùa thì dễ, tạo Tăng thì khó; nên các bậc tôn túc, trưởng lão tại Việt Nam hiện nay chú tâm vào việc nuôi dạy chư Tăng Ni, ít khi tham gia các việc xã hội.

Về mặt nổi hiện nay, mọi người đều biết chỉ một vài chùa thuộc trung tâm Phật giáo lớn như Bái Đính, Trúc Lâm Yên Tử là những điểm du lịch tâm linh có tầm vóc, rất xứng đáng nơi thu hút du khách trong và ngoài nước, mà cũng là điều tất yếu... còn lại các Chùa, Thiền viện, Tu viện, Tịnh xá khắp ba miền Nam Trung Bắc đều có sự sinh họat bình thường, khiêm tốn, các chùa tuy có xây dựng trùng tu nhiều nhưng đều là những trung tâm giáo dục Phật giáo hướng dẫn chư Tăng, Ni, Phật tử tu hành mà thôi, không có kinh doanh “tín ngưỡng tâm linh”; đại chúng Tăng Ni thường chú tâm vào việc tu học để nối thừa chánh pháp. Đó là ý tưởng chung “nuôi Tăng tu học” của các bậc tôn túc Trưởng lão từ những thập niên 60, 70 cho đến hôm nay.

HT Thích Giác Quang




Có phản hồi đến “Có Nên Xây Dựng Thật Nhiều Chùa Quy Mô Lớn Khắp Cả Nước?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com