Thưa chư vị giáo sư và các học sinh. Hôm nay tôi xin nói về chủ đề: “Thanh Niên Hiện Nay Nên Có Những Quan Niệm Về Cuộc Đời.” Cuộc sống của mỗi con người chúng ta, trước tiên là chú trọng cuộc sống vật chất. Khi cuộc sống vật chất được đầy đủ, chúng ta cần đến đời sống tinh thần. Sau khi có đời sống tinh thần, thì lại hướng đến đời sống nghệ thuật. Tất cả là để cầu học những điều chân – thiện – mỹ trong cuộc sống.
Khi con người thực sự có đời sống nghệ thuật, thì lại muốn bước sang đời sống tôn giáo. Một vài cách nhìn về nhân gian của mỗi tôn giáo, hoàn toàn khác nhau. Như nói về đức Phật Thích Ca Mâu Ni của Phật giáo: Hai ngàn năm trăm năm trước, Ngài ngồi thiền định trên tòa kim cang dưới cội Bồ-đề mà giác ngộ thành Phật. Sau khi giác ngộ, suy nghĩ đầu tiên của Ngài là muốn nhập Niết-bàn. Niết-bàn là cảnh giới an tĩnh mà Ngài đang sống, không hoạt động cũng không giáo hóa chúng sanh. Vì sao? Ngài nói:
- “Đạo lý mà Ta giác ngộ hiện tại đều ngược lại với nhân gian. Bất kể hình tướng hay vật chất gì, thảy đều là hư huyễn giả tạm; bản lai diện mục hay chân như tự tánh mà Ta giác ngộ, mới là thật tướng chân thật, nhưng mọi người lại không hiểu được, nên cho đó là điều không thật. Với Ta thì cuộc sống ngũ dục, lục trần là tội ác; tham, sân, si là cội nguồn của phiền não. Nhưng với người thế gian, cho rằng những sự sung sướng hư giả nhất thời đó là đáng để theo đuổi. Chỗ thể hội của Ta không đồng với mọi người, thì làm sao để giáo hóa đây? Do điều này, Ta cảm thấy rất khó khăn trong sự giáo hóa vậy.”
Hôm nay tôi đứng trên lập trường Phật giáo, dùng cách nhìn của Phật giáo, để trình bày trong buổi diễn giảng này, có lẽ khác hẳn những gì bình thường các vị đã nghe được. Nhưng, chỉ cần là chân lý, dù cho có khác biệt, vẫn đáng cho chúng ta tham khảo.
“Thanh Niên Hiện Nay Nên Có Những Quan Niệm Về Cuộc Đời.”
I. Từ sự nhượng bộ thể nghiệm niềm vui:
Khẩu hiệu hiện nay của chúng ta là “tiến về trước”, không được nhìn lại phía sau. Người thông thường cho rằng sự nhượng bộ coi như là điều tiêu cực, mà tiến về phía trước được coi là tích cực, thật ra tại sao phải nhất định như vậy? Nếu “lấy lùi làm tiến”, có khi lùi một bước chính là tiến một bước cao hơn. Trên thực tế, khi tiến thì chúng ta chỉ thấy được phần thế giới phía trước, bởi số lượng người quá đông, nhận thức của mỗi người lại kém, cho nên dễ xảy ra tình huống anh tranh giành, tôi chiếm đoạt. Nếu xoay đầu là nửa thế giới còn lại, rất ít người chú ý, sự nhượng bộ này là niềm vui rốt sau, ít có người hưởng được. Trong Phật giáo có một bài kệ:
Giữa đồng tay cấy nắm mạ non,
Lom khom ngắm nhìn trời in nước
Thanh tịnh thân tâm mới là đạo
Lui bước hóa ra tiến về trước.
(Hòa thượng Bố Đại)
Người nông phu cấy mạ ông cấy từng cây, từng cây, lùi về phía sau từng bước từng bước, lùi đến cuối bờ, ông thẳng lưng lên nhìn những cây mạ non phía trước cấy có thẳng không, cuối cùng công việc cũng hoàn thành.
Từ cuộc sống trong Phật giáo, tôi có một cảm nhận tâm đắc, là giữa chúng ta cư xử với nhau như thế nào? Mình phải đối xử làm sao để người khác được vui vẻ. Trong phần nhượng bộ này, tôi có bốn điểm chia sẻ cùng quý vị:
1. Anh đúng tôi sai.
Cách nghĩ của tất cả chúng ta thông thường là tôi đúng anh sai, thường nghe mọi người hay nói: “Tôi cho là thế này”, “Anh này không đúng”, “Anh kia sai”. Với người chỉ có mình là đúng, người khác tất nhiên là sai, thế giới như thế chỉ có tranh chấp. Quan niệm tốt nhất của mỗi người là sửa đổi một chút, có thể thường nói: “Anh đúng”, “Tôi sai.” Xin dẫn một thí dụ: Có hai gia đình họ Trương và họ Lý, gia đình họ Trương luôn ồn ào tranh cãi, gia đình họ Lý thì hòa thuận êm ấm.
Gia đình họ Trương đến hỏi gia đình họ Lý:
- Gia đình nhà anh làm sao không có tranh cãi?
Họ Lý nói:
- Người trong gia đình của chúng tôi đều là người xấu, còn mọi người trong gia đình anh đều là người tốt.
Lạ thật! Những người xấu sao không cãi nhau, trái lại những người tốt luôn cãi nhau?
Nếu trong gia đình của anh, có người làm vỡ tách trà, thì lập tức có người nói: “Tại sao chẳng cẩn thận, làm vỡ tách trà như thế? Thì người ấy cãi lại: “Ai bảo anh đặt tách trà ở cạnh đây chi.” Hai người đều cho mình là đúng, bởi vì ai cũng đúng, cho nên dẫn đến cãi nhau. Trường hợp trong gia đình chúng ta thì sao? Nếu có người làm vỡ tách trà, thì liền nói: “Xin lỗi! Tôi đã lỡ tay làm vỡ tách trà.” Người bên cạnh nói: “Việc này không thể trách anh, chỉ trách tôi không nên đặt tách trà ở đó.” Ở mọi nơi đều tôn trọng người khác, biết nhận điều sai lầm của mình, thì sự tương giao với mọi người rất hài hòa vẹn toàn vui vẻ. Có người nói: “Thế giới vũ trụ này chỉ có năm thước chiều cao, thân thể sáu thước của chúng ta đây phải sinh tồn trong thế giới chỉ có năm thước, ắt cần phải cúi đầu, sự nhượng bộ và khiêm tốn tự sẽ có một cõi an lạc.”
2. Anh lớn tôi nhỏ.
Thông thường chúng ta đều cho rằng: “Tôi rất là vĩ đại, anh không bằng tôi.” Bởi vì, chúng ta đều muốn mình hơn người khác. Nếu như, chúng ta có thể tôn trọng người khác, cho mình là nhỏ anh ấy là lớn, hiểu được sự vĩ đại cũng không nhất định là hoàn hảo, sự nhỏ bé cũng không nhất định là xấu dở, thì trên thế giới này càng thêm tốt đẹp. Với dân tộc tính của người Trung Quốc chúng ta, có người đưa ra thí dụ: “Dân tộc tính của người dân Trung Quốc giống như con gà trống, khi một con gà trống kêu túc túc túc, thì các con gà trống khác liền chạy lại, muốn mổ xuống đầu của nó, không cho phép anh ta ngẩng đầu vượt hơn mình hay cao hơn mình.” Cũng thế, trong xã hội chúng ta, rất nhiều người hay, người giỏi nhưng họ luôn dùng thủ đoạn để tranh đấu lẫn nhau, để chứng tỏ chỉ có mình ta là hay nhất.
Trường trung học Phổ Môn ở Phật Quang Sơn, trong số học sinh có một nữ sinh rất xinh đẹp, mọi người trong trường gọi cô là hoa khôi, nhưng danh hiệu hoa khôi mang đến cho cô lắm điều phiền toái.
Rất nhiều người chế giễu trêu chọc cô, cái cô ăn đậu hủ có gì đẹp! Nhân một dịp tôi trò chuyện với họ, tôi nói: “Các học viên chúng ta chớ như vậy, các vị bảo cô ấy xinh đẹp thì không hay, chẳng lẽ các vị muốn trường trung học Phổ Môn chúng ta mỗi người đều phải xấu xí quái dị, thì các vị mới thích sao? Nếu có học viên nào đó học tập đạt thành tích tốt, rất xuất sắc, được thầy cô khen ngợi, thì các vị liền ganh ghét, chẳng lẽ các vị muốn thành tích học viên trường của chúng ta đều thấp kém, thì các vị mới vui sao?” Cho nên biết tôn trọng người khác là người rất vĩ đại.
Ba mươi năm trước, khi chúng tôi mới đến Đài Loan, chưa có nơi dừng trụ thích hợp, trông thấy người khác xây dựng chùa viện, trong lòng tôi hết sức hoan hỷ, vì sao? Bởi vì chúng tôi tuy chưa có khả năng, nhưng thấy huynh đệ thành lập được chùa viện, tôi có thể phát tâm tùy hỷ, vì đã có chỗ cho mọi người sinh hoạt, tôi rất an lòng. Như thế chẳng phải là tốt hay sao?
3. Anh có tôi không.
Quan niệm của người thông thường là: “Miễn ta có đầy đủ thì tốt, mặc cho người khác sống chết.” Trong thế giới này, nếu như sự giàu nghèo không quân bình, đương nhiên sẽ có vấn đề. Cho nên, một xã hội ai cũng giàu có, thì mọi người sống tương đối an lạc hoà bình. Người khác giàu có, chúng ta nên tôn trọng họ. Chính chúng tôi có không ít đệ tử theo tu học, nhân tôi có một cây bút máy, tôi bảo các chú rằngï: “Chú A thầy cho con cây bút! chú B con chưa có phần vậy! Chú B con không chỉ không ganh tị với chú A, trái lại phải mừng cho chú A; bởi vì chú A là sư huynh lớn hơn con, chú A chưa có thì con đâu thể có; lần này chú A có, lần sau đến phần con.” Vì thế, trong lòng chúng tôi cần phải nghĩ lại “nhường cho người khác có, ta chưa có cũng không sao” Trên sự thật, cái “có” của chúng ta chẳng hề là thật có. Có rất nhiều người chỉ biết hướng về người khác đòi hỏi, đây mới là nghèo; nếu như chúng ta có thể cho người khác, thì đã chứng tỏ là người giàu có. Thí dụ, có người nói: “Tôi không có của cải gì cho người khác, không có tiền bạc, cũng không có của báu, nhưng có một tấm lòng; thấy người khác có, trong lòng hết sức hoan hỷ.” Sự giàu sang xuất phát từ trong lòng của mỗi người. Vì thế, chúng ta khởi đầu xây dựng sự giàu sang ở trong lòng, thì tự nhiên sẽ có được niềm vui.
4. Anh vui tôi khổ
Quan niệm của người thông thường là: “Nỗi khổ của anh không can hệ đến việc của ta, ta phải tự tìm niềm vui cho chính mình, mỗi người đều phải như thế, người khác không thể nào giúp mình được.” Nhưng các bậc quân tử lại nói: “Buồn trước nỗi buồn của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ.” Đem niềm an vui đến cho mọi người, mình khổ một chút nào nệ chi. Ví dụ như ở dưới đất rất dơ bẩn, thôi được rồi! Không có việc gì, các Anh cứ ngồi yên mà đọc sách, tôi đến quét dọn. Công việc quét dọn mặc dù coi như là khổ luyện, nhưng mà chưa chắc quá trình lao động là như thế mà ngược lại thân thể càng thêm khỏe mạnh, hay là công việc quét dọn cần đến sự trông coi của thầy cô giáo, còn muốn nhà trường phải khen thưởng anh ư! Có khi nhờ sự khổ luyện đúng mà mình chẳng hề tổn thất, trong quan niệm của chúng tôi, nên đem phiền não, buồn khổ gộp lại quăng hết đi, các vị Bồ tát có được danh xưng ấy chính là do các Ngài có tấm lòng “chỉ mong cho chúng sinh được hết khổ, chẳng vì cầu sự an vui cho riêng mình.”
Vì thế với quan niệm hiện nay, Thanh niên chúng ta cần phải có mẫu mực gì? Thứ nhất là nhờ từ sự nhượng bộ mà thể nghiệm được niềm vui. Trong kinh Bách Dụ có câu chuyện: Có một người khách đến nhà, người cha nhìn đứa con trai bảo: “Con trai à! Hôm nay có khách đến, con hãy mau đi ra chợ mua một ít rượu và thức ăn về đây để cho cha đãi khách.” Người con đi đã lâu mà không thấy trở về, người cha liền chạy đến chợ tìm, trông thấy người con đang gây gổ với người ở trong chợ, người cha đến hỏi tại sao con còn ở đây? Người con nói: “Tính tình người này quá kỳ cục, con thấy anh ta bán thịt rất ngon, hỏi mua một miếng, nhưng anh nói giá quá cao, con bảo bớt xuống đi, anh ta không chịu, con bỏ đi nơi khác, anh lại chửi mắng con rất thậm tệ, con không đồng ý thái độ của anh ta, cho nên chúng con gây gổ với nhau.” Người cha lắng nghe, rồi nói: “ Con trai à! Hôm nay trong nhà chúng ta có khách đến cần có rượu và thức ăn để khách dùng, con phải đem rượu và thức ăn trở về, người cha nói xong rồi quay trở về, người con cũng lặng lẽ bước theo sau.” Chúng ta thấy cả hai bên không ai chịu nhường ai, thì kết cuộc chỉ có tranh chấp rồi phiền não.
Có người vừa hỏi tôi: Tại sao nơi đây là vùng nông thôn hẻo lánh mà Ngài lại xây dựng Phật Quang Sơn to lớn như vậy? Tôi nói, vì chỗ hẻo lánh là chỗ dễ giáo hoá. Bởi vì, trước đây tôi ở Đài Bắc, có người mời tôi đi dùng cơm, tôi không đi không được, không đi thì người ta sẽ nói tôi xem thường họ, hoặc có người muốn tìm chúng tôi để gặp mặt, không đi không được, tôi không đi thì nói tôi không hợp tác; vì tôn trọng người ta, vì phải cùng hợp tác với họ, cho nên ngày nào chúng tôi cũng có việc, đôi khi công việc nhiều chúng tôi không có thời gian để chăm sóc cho mình. Nhiều người ở địa phương nói rằng giữa tôi và người ấy còn có sự bất đồng. Vì vậy tôi phải lui về vùng đất nghèo nàn hẻo lánh, tôi sống chỉ có một mình, không có ai làm phiền hà, ngăn cản, trở ngại, nhưng thành tựu sự nghiệp thì như nhau; không nhất định là phải thực hiện, phải khuôn mẫu. Nhượng bộ cũng không phải nói không có khả năng, là tiêu cực; trái lại sự nhượng bộ là có trí tuệ, vậy cần phải dũng mãnh nhiều hơn.
II. Từ chỗ yên tĩnh trong thân tâm mới ổn định.
Chúng tôi thường ngày hay nghe người ta nói: Thế giới này rất là loạn lạc, xã hội hiện nay có nhiều âm thanh ồn náo, chúng ta tìm không ra ở nơi nào có được sự yên lặng chỉ trong một giây phút, hoặc trong khoảng khắc. Sự yên tĩnh rất là quan trọng, yên tĩnh có thể đạt đến cảnh giới Niết-bàn; ở bên trong mà được yên lắng, thì trí tuệ mới phát sáng. Trong đạo Phật có một pháp tu “Tịnh khẩu” gọi là không nói. Không nói đây không phải là không được nói, mà là người nhịn nói cũng có nghĩa là mình lặng im trong giờ phút nào thôi. Nước tương, dưa muối chúng tôi ăn cũng ngon, những thứ đó ngâm ở trong lu, trong hủ, đều phải đậy kín miệng lại, có như vậy nó mới tiết ra mùi thơm tinh khiết, khi ăn càng thấy ngon. Con người của chúng ta hiện nay ưa thích trò chuyện, thỉnh thoảng chúng tôi cùng với các vị Thanh thiếu niên, các vị phật tử đi sang nước ngoài tham quan các thánh tích, chúng tôi thấy đa số người ngoại quốc trò chuyện nhiều hơn so với người Trung Quốc. Bình thường chúng ta có thói quen hay nói chuyện, ít chịu lắng nghe, cũng ít chịu nhìn lại mình, trước đây mọi người đã được chỉ dẫn rõ ràng, bây giờ các vị chịu khó thực hành thì sẽ cảm nhận được.
Bản thân tôi xuất gia từ nhỏ, ở trong chốn thiền môn tôi đã được học và thực hành pháp môn tịnh khẩu, đã từng có một năm kinh nghiệm đối với pháp môn tịnh khẩu, lần đầu tiên áp dụng hết sức cực khổ, bởi vì nói chuyện là thói quen xưa nay, nhìn thấy cái gì cũng muốn nói, nhưng tôi không nản lòng, cứ tập lần lần, rồi một hôm đang thực hành trong cảnh yên lặng chúng tôi thể nghiệm được sự yên lắng của nội tâm. Tại sao tôi không nói chuyện? Trẻ con nào cũng thích nói chuyện, có một lần chúng tôi ở giảng đường chỉ nói có một câu, nhưng thầy rất nghiêm khắc, khi nghe tôi nói Ngài bước tới đánh cho một bạt tai, đánh rồi sau đó hỏi tôi:
Tư cách của chú nói chuyện ở chỗ này à? Tôi suy nghĩ, ở đây là giảng đường, là nơi các Ngài giảng pháp, tôi đang tu theo pháp môn tịnh khẩu, vậy tại sao tôi đứng đây nói nhảm? Tốt! Chẳng nên nói chuyện. Có khi, chúng tôi cũng không được nhìn ngó hai bên, mỗi ngày đi đường mắt phải nhìn xuống chóp mũi, để quán xét tâm.
Ngày hôm sau, tôi tiếp tục theo thầy đi đường, lúc này tôi còn hành điệu, đứa bé nào chẳng thích nhìn ngắm cảnh vật, lúc đó tôi bị phóng tâm, ngước lên nhìn mọi người, thầy lại bạt tai một cái, rồi hỏi: “Chú nhìn cái gì? Người nào cũng giống như chú thôi? Vậy chú nhìn họ có liên can gì không?” Sau đó, tôi cố gắng ứng dụng, chỉ trong vòng vài tháng thì có kết quả. Có một lần, tôi đứng trên hành lang mở to mắt nhìn xem, nhìn ra bên ngoài thấy những dãy núi xanh tươi, cây cối, bầu trời, tôi lại hồi tưởng đến thế giới hiện thực. Đời sống sinh hoạt từ nhỏ đã trở thành thói quen, mãi cho đến bây giờ cho dù là đêm tối nhưng mà những con đường năm xưa trong lòng tôi vẫn nhớ rất rõ ràng, chẳng cần dùng mắt để nhìn. Thật ra trong lòng của các vị cũng có con mắt, lúc ngủ, cái gối rơi xuống đất chẳng cần xoay đầu lại nhìn mà chỉ vói tay cầm chiếc gối đem trở lại.
Chúng tôi thấy rõ cần phải dùng tâm nhiều hơn. Con người thường ngày chỉ biết sử dụng những giác quan của mình để đuổi theo những âm thanh, sắc tướng của thế gian làm vui thích; thí dụ dùng sáu căn này như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý để đuổi theo sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tiếp đó nữa là sáu thức, nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, chúng nhận biết từ sinh lý đến vật lý rồi lại tâm lý.
Nhưng mà sự vui sướng trong sáu trần, những thứ đó chẳng phải là chân thật. Ngày xưa các vị Thiền sư khi thị tịch các Ngài ngồi kiết già ngay ngắn mà tịch, không thấy, không nghe, không nói, nên chúng ta cho rằng làm những điều đó không thực tế chút nào, làm gì phải hành hạ mình như vậy? Các vị Thiền sư không thấy, không nghe, không nói, chẳng phải các Ngài không có niềm vui, thật ra bên trong của các Ngài có nội tại thật vững vàng, tràn đầy niềm vui, các Ngài đang an trú trong yên lắng, công phu tu hành được nuôi dưỡng đạt đến cảnh giới Niết bàn. Ở chỗ này, trong nhà thiền có đưa ra một công án: Có một lần, Thiền sư Triệu Châu cùng với người đồ đệ của Ngài là Thiền sư Văn Yển đang nói chuyện, vị thị giả đem lại một cái bánh nướng, hai Ngài giao ước với nhau: Ai có thể đem sự hoàn hảo nhất của mình để so sánh với sự dơ bẩn nhất, hôi thối nhất và chẳng tốt lành gì, thì người đó có bánh ăn.
Thiền sư Triệu Châu nói:
- Tôi là cái đầu lừa.
Ngài Văn Yển nói:
- Con là cái đuôi con lừa.
Thiền sư Triệu Châu lại nói:
- Tôi là cục phân trong lỗ đít.
Ngài Văn Yển nói:
- Con là con Dòi trong cục phân.
Thiền sư Triệu Châu liền hỏi:
- Con Dòi của ông ở trong cục phân có liên can gì?
Ngài Văn Yển đáp:
- Con ở trong đó hóng mát.
Các vị thấy: Các vị Thiền sư ở trong đống phân mà vẫn được an ổn, thong dong tự tại, rất là thảnh thơi. Cho nên các Ngài không chú trọng sự ăn uống mà thấy nó là khổ và thấu được sự khổ đó, thật ra trong thân tâm của các Ngài đã an trú ở chỗ chân lý thiền định, tự có cảnh giới tốt đẹp.
Trong Phật giáo có bộ kinh Duy Ma, rất thú vị, Bồ Tát ngồi trên toà giảng nói, bình luận rất nhiều như thế nào về “Pháp môn không hai.” Phật Quang Sơn có một cửa gọi là cửa không, thường có người hỏi tôi:
- Thế nào là cửa không?
Tôi nói: – Mặt trời mọc ở hướng đông, lặn ở hướng tây, mọc chưa từng mọc, lặn cũng chưa từng lặn, mọc và lặn vốn chỉ là một cái mặt trời.
Đời người của chúng ta sinh rồi lại tử, tử rồi lại sinh, sinh sinh tử tử không biết bao nhiêu lần. Nhưng mọi người đều chỉ thích sinh mà không thích tử, không biết sự chết chóc này nó sẽ đến với họ. Nếu có thể thấu hiểu lẽ chân thật thì sinh tử không hai. Phiền não Bồ đề cũng như thế, người tu hành phải chứng Bồ đề, ngược lại bị Bồ đề trói buộc. Nên biết sắt mà đem nung thì có thể trói người lại được, vàng mà đem đúc thì cũng trói người lại được. Cho nên phiền não cũng chính là cảnh giới Niết bàn, tất cả đều buông bỏ thì được giác ngộ. Đây là thế giới yên tĩnh tuyệt đối vượt qua đối đãi, thân tâm của chúng ta được yên ổn. Trong kinh, Bồ-tát Diệu Tý giảng về pháp môn không hai, Bồ-tát Phất Sa cũng giảng về pháp môn không hai,… các vị Bồ-tát đều nói về pháp môn không hai, mỗi người mỗi cách trình bày, nhưng đều gặp nhau ở chỗ tận cùng lẽ thật, cuối cùng, nhất trí đề cử Bồ-tát Văn Thù giảng về ý nghĩa của “Pháp môn không hai”. Bồ-tát Văn Thù nói: “Theo ý tôi đối với tất cả pháp không nói, không thuyết, không chỉ bày, không ý niệm, lìa vấn đáp là đến chỗ pháp môn không hai.” Ngài Văn Thù nói xong thỉnh cư sĩ Duy-ma-cật nói, Duy-ma-cật lặng thinh không nói. Duy-ma-cật im lặng, thật ra sự im lặng của Ngài giống như tiếng sấm; Ngài không trả lời là con đường tận cùng của ngàn vạn lời.
Tôi cảm thấy, hiện nay trên thế gian này con người thường náo động, thật ra trong một ngày ít nhất cần phải có vài mươi phút để yên tĩnh, trong một tuần ít nhất vài tiếng đồng hồ để yên tĩnh và tốt nhất là trong một năm phải có thời gian một hoặc hai tuần để yên tĩnh, sự yên tĩnh và ngủ nghỉ không giống nhau, sự tập trung ngồi thiền là một thứ tinh thần thống nhất ý chí, nghĩa là đem sáu thức tạm thời bỏ xuống. Có một mẩu chuyện tiếu lâm: Có ông già thường đến chùa bán đậu hủ, trong lòng suy nghĩ Thiền đường là nơi cứu cánh như thế nào? rất muốn nếm mùi vị của việc ngồi thiền. Một ngày nọ, có một vị tăng đến dẫn ông vào trong thiền đường, ngồi vừa tàn một cây hương, ông hô lớn:
- Hay quá! Hay quá!
Vị tăng mới hỏi:
- Pháp hay như thế nào?
Ông đáp:
- Tôi nhớ ra ba năm trước có ông già họ Vương mua năm miếng đậu hủ của tôi còn thiếu mười đồng.
Đủ biết sự yên tĩnh có thể tăng trưởng trí tuệ. Phật Quang Sơn là một khu núi, là vùng đất rất yên tĩnh, cũng thường có những vị khách du lịch đến tham quan thưởng thức vừa có thể thu âm, mỗi khi mở máy ra âm thanh rất lớn, tôi luôn muốn đến nhắc nhở các vị đó: Sự ồn ào trong đô thị chẳng lẽ không đủ khổ à? Tại sao vùng đất ở nơi đây được yên tĩnh như vậy mà không biết thừa hưởng, ngược lại dùng những thứ âm thanh đó làm cho mình mê loạn. Chúng tôi hy vọng các vị sau này từ trong công việc mà có được đời sống yên tĩnh. Hay nhất là trong động có tịnh, trong tịnh lại có động; ở trong tịnh có những cử chỉ nhanh nhẹn, ở trong động có sức yên tĩnh.
III. Từ chỗ kiềm chế mà khắc chế được ham muốn.
Ở bên ngoài rất nhiều sự cám dỗ dành cho chúng ta, như vàng bạc châu báu, tình cảm, nhà lầu, xe hơi …v..v… đều là những thứ cám dỗ. Thanh niên hiện nay quả thực họ có tài, nhưng cần nuôi dưỡng khả năng đó cho thật lớn lao, tài năng hỗ trợ bên ngoài có lúc đánh trận được nhiều kế tính hay. Đạo Phật nói: “Tu là tu tâm”, tu tâm cũng chính là chiến đấu với phiền não và dục vọng, nếu như mình để nó cuốn lôi, thì đường tu của mình ắt hẳn lệch lạc, sẽ lọt vào đường ma. Hoặc là ở trong phiền não và cám dỗ mà có thể cạnh kề chiến thắng, thì hoàn toàn nhờ vào trí tuệ và sức lực của họ kiềm chế.
Chúng tôi thấy có một số người quả thật là tội nghiệp: Khi ca ngợi họ ăn mặc rất đẹp, thì dương dương tự đắc; nói tốt vài câu thì trong lòng sinh vui vẻ; nói xấu vài câu thì vô cùng tức giận. Vui vẻ, tức giận, lo buồn và vui mừng thậm chí đến mạng sống đều nằm ở trong tay người khác. Chính mình không có cách gì để quân bình được sự khổ vui nơi chính mình.
Trước đây đại sư Hoằng Nhất là nhà nghệ thuật, về sau Ngài xuất gia tu hành, đời sống của Ngài là đời sống vượt qua nghệ thuật, một cái khăn lau mặt mà sử dụng mười năm, có vài chỗ bị rách nát, bạn bè thỉnh cầu Ngài bỏ đi rồi cúng dường cho cái mới, Ngài nói vẫn còn sử dụng tốt, đôi giày cũng vậy. Những thức ăn có lúc quá mặn, thì Ngài nói vị mặn vốn có từ trong muối; ở nơi đó vừa dơ lại vừa hôi thối, lại có bọ chét, Ngài lại nói: Mọi thứ không quan trọng, ở trong thất của Ngài chỉ có bộ kỷ trà mà thôi, có thể nói vật chất ở bên ngoài đối với Ngài là điều không có quan trọng. Khổng Tử khen ngợi Nhan Hồi là “người có sức nhẫn nại, ở trong ngôi nhà chật hẹp, thiếu thốn, chỉ vỏn vẹn có cái nồi nấu cơm và cái gáo múc nước, vậy mà Nhan Hồi không có lo buồn lại còn vui cười,” chúng ta thấy đối với vật chất ở bên ngoài các Ngài xem đó là điều không quan trọng, các Ngài vẫn sống vui tươi như không có gì.
Chúng ta đối với vật chất đôi khi kiềm chế được, nhưng đối với tình cảm, lợi ích, tổn hại, vinh nhục những sự cố đó nó ập đến chúng ta không cách nào chế ngự được. Năng lực của nhẫn nại, đặc biệt là biểu hiện qua phẩm hạnh của các vị Thiền sư. Tôi xin đưa ra ví dụ như Thiền sư Bạch Ẩn. Thiền sư Bạch Ẩn nổi tiếng trong vùng là người có đạo đức, sống một đời thanh tịnh, rất được khen ngợi. Gần nơi Ngài ở có hai vợ chồng ông viên ngoại, hai vị cư sĩ này có một cô con gái, con gái của hai vị này cùng với người Thanh niên lén lút thông dâm với nhau, đi đến mang thai, ông viên ngoại rất tức giận quở trách con gái mình, quở trách thế nào cô gái cũng không nói cha của đứa bé là ai, cuối cùng, đành nói với người cha rằng: “Cái bào thai ở trong bụng là của Thiền sư Bạch Ẩn.” Viên ngoại nghe những lời ấy mà như sét đánh ngang tai mình. Trước kia ông vô cùng sùng bái, tín ngưỡng, thành kính lễ lạy Ngài giống như Phật sống, vậy mà rốt cuộc hôm nay hành động của ông ta không bằng loài súc sinh. Ông chẳng biết phân biệt phải trái đúng sai, bèn chạy đến Thiền sư Bạch Ẩn đánh cho một trận u đầu chảy máu, nhưng Thiền sư Bạch Ẩn vẫn không biện bạch. Sau khi đứa bé chào đời, vị Viên ngoại cho người bồng đứa bé đến chỗ ở của Thiền sư Bạch Ẩn, đặt đứa bé bên cạnh Thiền sư, rồi nói: “Đứa nghiệt chủng này là của ông, giao cho ông đó!”
Một vị Hòa thượng bỗng dưng lại có con nhỏ, Ngài đành phải chịu những khó khăn gian khổ, ngày ngày Ngài đi khắp xóm giềng xin sữa và những thứ cần thiết cho đứa bé. Bên ngoài lại bàn tán xôn xao, họ nói lão hòa thượng chẳng chân chính, đứa bé đó là con của ổng do vụng trộm mới sinh ra. Họ lấy đá chọi Ngài rồi chửi mắng rất thậm tệ, đã làm hòa thượng rồi mà lại có con. Một tháng, hai tháng trôi qua, người Thanh niên lẫn trốn năm xưa lại trở về, hỏi thăm mẹ con người con gái đó, anh nghe kể về sự việc của mẹ con cô trong lòng rất hổ thẹn, nên quyết định đi đến nhà Viên ngoại để thú tội. Ông Viên ngoại liền dẫn cả gia đình đi đến Thiền sư Bạch Ẩn khấu đầu lạy tạ xin sám hối: “Mô phật bạch Thiền sư! Gia đình con đối trước Ngài xin sám hối! Đứa bé không phải là con của Ngài mà là con của chúng con.” Thiền sư Bạch Ẩn vẫn im lặng không nói một lời, bèn đem đứa bé giao lại cho Viên ngoại.
Đây chính là sức kham nhẫn và tâm kiên định của các Ngài, thật là như “núi Thái Sơn bị sụp đổ ở phía trước mà sắc diện không biến đổi, con nai hứng chí thì mắt trái chẳng nháy.” Tự kiềm chế có thể đem lại cho chúng ta sức mạnh gì? Từ phẩm hạnh mà chúng ta biết nuôi dưỡng sẽ có được định lực thật vững vàng, có được định lực thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng những cám dỗ của cuộc đời.
IV. Từ trong không mà nhận biết được đời người
Có một hạng người thường sinh lòng kỳ thị cái lý không của Phật giáo cho là lỗi thời, đều nói hết thảy sự vật bốn đại đều không. Thực ra, họ hoàn toàn chưa hiểu rõ về ý nghĩa chân lý tột cùng của lý không. Lại có một hạng người quan niệm không có của cái không, tức là chẳng có không; không ở trong đạo Phật, là không phải do sự hiểu biết mới có được mà phải từ sự thể nghiệm mới được. Bình thường chúng tôi cho rằng có thì chẳng phải không, không thì chẳng phải có; thế nhưng trong giáo lý đạo Phật, không thì hàm chứa có, nên thành tựu có, chẳng có không thì không có, mới có thể hiểu là có không. Như thế nào mới hiểu là có không? cái túi xách tay của các vị, nếu như nó không trống rỗng, thì xin hỏi làm sao các vị đựng đồ đạc ở trong đó? Vũ trụ không có hư không, lại có nhiều vạn tượng qua lại mà bên trong vẫn ổn định.
Không chẳng phải là không ngơ, đạo Phật muốn nói cái không gì? Tôi xin đưa ra ví dụ: Bây giờ có một cái bàn. Tôi xin hỏi các vị, đây là cái gì? Các vị có thể nói là cái bàn. Các vị đã sai lầm rồi, các vị đã bị cái hình tướng giả dối nó làm mê hoặc, không biết phân biệt rõ đâu là chân tướng. Gỗ là Chân tướng của cái bàn, cái bàn là từ gỗ chế tạo thành cái bàn, cái ghế cũng phải chế tạo mới thành cái ghế, sao có thể chỉ nói gỗ này là cái bàn. Đây là cái gì (chỉ cái bàn)? Các vị nói là gỗ, vẫn sai; bởi vì chân tướng của gỗ là cây cổ thụ ở trong rừng. Như vậy, chân tướng của nó là từ cây lớn? Vậy cũng không đúng, là hạt giống, bởi vì, nó là do nhân duyên nhiều thứ kết hợp lại mới làm thành cái bàn. Nhận thấy nguyên nhân vạn vật ở trên là có từ nhân duyên, nên dùng để miêu tả đến chữ Không này, cho nên chân không mới có thể là diệu hữu.
Vì sao Thanh niên hiện nay họ quan niệm về đời sống rất nhỏ hẹp không được rộng lớn? Các vị cần phải suy nghĩ rộng giống như hư không, lại phải biết bốn đại đều không. Bốn đại đều không này chẳng phải là rượu, sắc đẹp, tiền tài và hơi thở như người thông thường nói, mà là bốn loại nguyên tố đất, nước, gió, lửa kết hợp lại tạo thành vũ trụ vạn vật. Tính chất của đất là cứng rắn, tính chất của nước là ẩm ướt, tính chất của gió là di chuyển, tính chất của lửa là ấm áp. Xương đầu ngón tay của chúng ta là đất, đại tiện tiểu tiện là nước, độ nóng là lửa, hơi thở ra vào là gió.
Một bông hoa mà không có đất, nước, ánh sáng, không khí ư? Cho nên người xuất gia hỏi thăm sức khỏe người nhà: “Bốn đại của chị có được điều hòa không?” Một đại mà không có hòa thì sinh bệnh; bốn đại đều không, đối với cái “không” trống rỗng này thật là rất có ý nghĩa. Thường có người nói rằng, người xuất gia rất là tội nghiệp, không được ăn cá, thịt, cũng không được khiêu vũ, cuộc sống của người xuất gia đi ngược với người thế gian, họ sống thật là tội nghiệp; chúng tôi cũng nói các vị cũng rất là tội nghiệp, ăn cá, ăn thịt, khiêu vũ, có ý nghĩa gì? Có người lại nói: “Người xuất gia không có nhà, rất đáng thương.” Thật ra mà nói: Chúng tôi không có nhà, nhưng khắp nơi có thể là nhà.
Chúng tôi đưa ra thí dụ nữa để giải thích rõ: Vị tiểu thơ có năm cái áo, cô suy nghĩ khi ra ngoài nên mặc cái áo màu đỏ; suy nghĩ lần thứ nhất, rồi đến lần thứ hai cô mới chịu mặc vào, khi mặc vào rồi, cô lại suy nghĩ nếu như mình mặc chỉ có màu đỏ thôi, khi ra ngoài họ sẽ cho rằng mình chỉ có một cái áo, nên cô lại thay cái khác, rồi suy nghĩ nữa, cái này rất lạc hậu, không còn là thời trang,… rốt cuộc cô không bằng lòng mặc một cái nào. Chúng tôi chỉ có một cái, trái lại được mặc thường xuyên không có thay đổi. Cho nên có nhiều cũng chẳng phải có, nên thường lấy không làm có. Tôi đây cả đời không có chất chứa tiền bạc, có người thường đến tôi hỏi: “Đại sư! Người xuất gia phải thật có tiền, như vậy mới thành tựu được nhiều sự nghiệp.” Thật ra họ không hiểu về đời sống của người xuất gia là lấy không làm có, bởi vì do chúng tôi không có, cho nên mọi người mới vui lòng ủng hộ tôi. Trong đạo Phật có Thiền sư Đạo Thọ, chùa Ngài xây dựng sát bên cạnh miếu quán của đạo sĩ, đạo sĩ không thích, nên dùng pháp thuật đem ra hù dọa những vị tín đồ và những vị sa di tuổi nhỏ của Thiền sư Đạo Thọ đều phải đi xuống núi; nhưng Thiền sư Đạo Thọ vẫn ở yên một chỗ đến mười mấy năm. Cuối cùng, đạo sĩ không có cách nào đành phải bỏ đi. Có người đến hỏi:
- Bạch sư phụ! Ngài đã sử dụng phương pháp gì để đánh bại đạo sĩ vậy?
Thiền sư nói:
- Tôi không có pháp thuật, chỉ có một chữ “không”. Đạo sĩ dùng pháp thuật là có, vì có là có giới hạn, có cùng tận, có số lượng, có bờ mé; còn tôi không có pháp thuật, vì không là không có giới hạn, không có cùng tận, không có số lượng, không có bờ mé. Sự liên quan giữa không và có, là không thay đổi đối phó với muôn ngàn thay đổi. Tôi “không thay đổi” đương nhiên thắng hơn “có thay đổi”.
Lúc bình thường, chúng tôi đem có và không ra phân giải một cách thông suốt, có một công án: Có vị cư sĩ hỏi Thiền sư Trí Tạng:
- Bạch sư phụ! Xin hỏi Ngài có thiên đường địa ngục không?
Ngài nói:
- Có.
- Có nhân quả báo ứng không?
Ngài đáp:
- Có.
- Có Phật, Pháp, Tăng Tam bảo không?
Ngài đáp:
- Có.
- Có Bản lai diện mục, chân như Phật tính không?
Ngài đáp:
- Có.
Hỏi điều gì Ngài cũng đáp có. Vị cư sĩ nói:
- Có lẽ Ngài đã bị sai lầm.
Ngài nói:
- Tôi đâu có sai lầm gì?
Vị cư sĩ nói:
- Thiền sư Cảnh Sơn mới nói không phải như vậy, Ngài vừa nói không với con.
Thiền sư Trí Tạng nói:
- Vậy tôi hỏi ông Thiền sư Cảnh Sơn có vợ không?
- Không!
- Có nhà cửa ruộng đất không?
- Không.
- Có tiền bạc, châu báu không?
- Không.
Cho nên Thiền sư Cảnh Sơn mới nói không chứ! Thiền sư Trí Tạng lại nói tiếp:
- Anh có vợ con không?
- Có.
- Anh Có nhà cửa ruộng đất không?
- Có.
- Anh có tiền bạc châu báu không?
- Có.
Cho nên tôi nói với Anh là có chứ! Người đã đạt được cái đó rồi thì cái gì có, còn mắc kẹt ở trong đối đãi hữu vi thì có cái gì không, vì vậy khi người đạt được thì thấy không, mà người chưa đạt vẫn có, cho nên chúng ta nói pháp phải biết người, nếu người đạt được mà nói có thì trật, người chưa đạt mà nói không cũng sai, phải biết thời nói pháp. Vì vậy nói có cũng đúng nói không cũng đúng.
Chúng ta từ trong sum la vạn tượng làm sao trở về với chân thật của mình? Trên thế gian này làm sao nhận ra con người chân thật của mình? Như vậy chúng ta phải có tấm lòng rộng lớn.
Bởi vì thời gian có giới hạn, cho nên hôm nay tôi giảng đến đây xin được chấm dứt buổi nói chuyện, những điều tôi nói hôm nay là “Những Quan Niệm Về Cuộc Đời Thanh Niên Hiện Nay Cần Có Như Thế Nào?” Trong đó có bốn ý chính là: Từ sự nhượng bộ thể nghiệm niềm vui. Từ sự yên lòng thân tâm được yên ổn. Từ sự kiềm chế trong công việc mới khắc chế ham muốn. Từ trong không mới nhận biết được đời người.
HT Tinh Vân – Đạt Ma Khả Triết dịch