Khi nói về Ấn Độ, chúng ta không thể không nhắc tới dãy Himalaya hùng vĩ trải dài khắp 7 quốc gia: Bhutan, Trung Quốc, Nepal, Pakistan, Myanmar, Afghanistan và Ấn Độ. Nơi đây có con sông Ganga (sông Hằng ) - bắt nguồn từ dãy Himalaya chảy theo hướng Đông Nam, qua đất nước Bangladesh rồi đổ về vịnh Bengal.

Nếu như dãy Himalaya được người dân Ấn Độ ví như biểu tượng cho sự vĩ đại và oai hùng của tinh thần dân tộc, thì sông Hằng cũng được người dân tôn sùng như một nữ thần từ ái, luôn dang rộng vòng tay để bảo bọc, dưỡng nuôi và bồi đắp cho nền văn minh xứ Ấn suốt bao thiên niên kỷ qua. Lịch sử tôn giáo của Ấn Độ chắc hẳn sẽ giảm đi tính huyền bí và thiêng liêng nếu đất nước thiếu đi hai biểu tượng tôn nghiêm và kỳ vĩ như thế.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Buddha), người khai sáng ra Phật giáo được sinh ra ở đất nước huyền bí này. Trải qua ngàn đời, Phật giáo vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị từ thưở sơ khai. Trong suốt cuộc đời của Đức Phật, từ khi Ngài xuất hiện trên cõi trần gian cho tới khi Người nhập Niết Bàn, những vùng đất gắn bó với sự tích về Người luôn lôi cuốn khách thập phương đến chiêm bái. Rất nhiều ngôi đền, tháp, bia ký cũng được xây dựng chung quanh những thánh địa này.

Vườn Lâm Tỳ Ni ( Lumbini )

Lâm Tỳ Ni thuộc Cộng hòa dân chủ liên bang Nepal nằm cách biên giới Sonauli Ấn Độ khoảng 36km. Nơi này được cho là hoàng hậu Mayadevi (Mada) đã sinh ra Siddhartha Gautama (Tất-đạt-đa), người sau này trở thành Phật Thích Ca và đã khai sinh ra Phật giáo..

Lâm Tỳ Ni tọa lạc dưới chân dãy Himalaya. Cách 25km về phía đông của kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa, nơi được cho là Đức Phật đã sống đến 29 tuổi. Lâm Tỳ Ni có một số ngôi chùa và đền thờ, trong đó có đền thờ Hoàng hậu Mada. Ngoài ra tại đây còn có ao Pushkarini hoặc Holy, nơi Hoàng hậu Mada đã làm lễ nhúng nước trước khi sinh Đức Phật ra đời. Tương truyền, khi được sinh ra tại đây, Ngài đã đứng vững thăng bằng trên hai chân, mặt hướng về phía Bắc đi bảy bước, mỗi bước đi của đức Phật đều được đỡ bởi một tòa sen phía dưới, Ngài nhìn khắp cả bốn phương, một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất và nói rằng: “Ta là đấng chí tôn cao quý nhất trên đời! Đây là lần hóa kiếp cuối cùng, sẽ không còn tái sinh trên cõi đời này nữa...”.


Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh-Gaya)

Thánh địa nổi tiếng thứ hai trong lịch sử Phật giáo là Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo. Nơi đây Đức Phật đã tọa thiền suốt 49 ngày đêm dưới tàng cây pipala bên cạnh dòng sông Ni Liên Thiền. Vì hiện tượng bất diệt đó, địa danh này đã trở thành Bồ Đề Đạo Tràng, và cây cổ thụ pipala được đặt tên là cây Bồ đề (có nghĩa là "giác ngộ, bodhi tree"). Có thể nói Bồ Đề Đạo Tràng là cái nôi của lịch sử văn hoá Phật Giáo và các đệ tử Phật đều ao ước được ít nhất một lần đến chiêm bái nơi này.
Vườn Lộc Uyển Sarnath (Varanasi)

Một thánh địa đáng ghi nhớ nữa trong lịch sử Phật giáo là Thánh địa Isipitana hay Sarnath. Tại đây, Đức Phật đã khai giảng bài pháp đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều Trần Như trước kia cùng tu khổ hạnh với Ngài. Nội dung bài thuyết pháp nói về những khổ đau của kiếp người và những phương cách giải hóa những thống khổ đó. Sự kiện này đã được mệnh danh là “Chuyển Pháp Luân”, có nghĩa là Đức Phật chuyển bánh xe pháp đầu tiên đánh dấu một kỷ nguyên huy hoàng, rực rỡ của một tôn giáo kéo dài bền vững trên 2.500 năm cho đến nay.
Thầy Huyền Trang (Đường Tam Tạng) được mọi người biết đến trong tác phẩm Tây Du Ký cũng đã từng giảng đạo ở nơi đây.

Câu Thi Na ( Kusinagara )

Kusinagara hay Kushinagar (Câu Thi na) là nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhập niết bàn năm Ngài 80 tuổi dưới hai tàng cây Sa La. Giống như các thánh địa khác liên quan đến những biến cố lịch sử đời Đức Phật, Kusinagara đã trở thành một thánh địa quan trọng để các Phật tử đến chiêm bái đảnh lễ.
Thánh tích Kushinagar tọa lạc tại thành Kushinagar, thuộc tiểu bang Utta Pradhesh, cách ga xe lửa Gorakhpur khoảng 50km. Nhìn vào bản đồ Ấn Độ, có thể xác định vị trí của Kushinagar tọa lạc gần như là trung tâm của những thánh tích khác như: Lumbini (Lâm-tỳ-ni thuộc nước Nepal), Vaishali (Tỳ-xá-li), Sarnath (vườn Lộc-uyển),… Căn cứ theo đường chim bay, Kushinagar cách Lumbini khoảng 100km, cách Vaishali khoảng 150km, cách Sarnath khoảng 200km và cách Bodhgaya khoảng 300km.

Ngày nay, có rất nhiều ngôi chùa từ các quốc gia khác nhau được xây dựng xung quanh các thánh địa như Việt Nam, Bhutan, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Có lẽ niềm vinh hạnh lớn nhất của người Phật tử là khi được đặt chân tới tứ đại Thánh địa, được chiêm bái những dấu tích của còn lại của Đức Phật ở cõi trần gian. Tứ đại thánh địa đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa tâm linh của hàng triệu Phật tử trên khắp thế giới.

(Theo Báo Xây Dựng)



Có phản hồi đến “Tứ Động Tâm - Tìm Về Cội Nguồn Tâm Linh Phật Giáo”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com