Hòa Thượng Tuyên Hóa đã nói về nhân duyên thành lập Vạn Phật Thánh Thành như sau : 'Có thể nói rằng nhân duyên thành lập Vạn Phật Thánh Thành đã được định trước từ vô lượng kiếp - Phật Pháp nhất định sẽ được truyền bá đến phương Tây, và khi ấy, Vạn Phật Thành sẽ xuất hiện. Sự xuất hiện ấy không có nghĩa là Vạn Phật Thánh Thành sẽ từ trên trời rơi xuống hay ở dưới đất mọc lên, mà là do con người kiến tạo nên - chính con người đã xây cất bảy, tám chục tòa nhà này.

Làm sao xây cất được bảy, tám chục tòa nhà như thế? Toàn bộ công trình này được xây dựng trước Ðệ Nhị Thế Chiến, lúc Hoa Kỳ đang ở vào thời kỳ thịnh vượng nhất - đó là lý do vì sao người ta có thể kiến tạo được những tòa nhà qui mô như vậy. Công trình này được thực hiện một cách đàng hoàng, cẩn thận, hoàn toàn không có sự gian dối, hoặc bớt xén công và vật liệu. Các tòa nhà này đều rất kiên cố và vật liệu hoàn toàn là loại có phẩm chất đặc biệt tốt'.

Thực ra, nơi này trước kia vốn là một viện điều dưỡng với qui mô rộng lớn do chính phủ tiểu bang California đứng ra xây dựng, và được khỏi công vào thập niên 1930. Tất cả vật liệu kiến trúc và các thiết bị bên trong đều thuộc loại thượng hảo hạng. Toàn khu bệnh viện có hơn bảy mươi tòa nhà thuộc loại công trình kiến trúc lớn, trên hai ngàn căn phòng với diện tích lớn nhỏ khác nhau, ba sân chơi bóng cầu, một trạm cứu hỏa, một hồ bơi, một lò đốt rác, cùng nhiều thiết bị cung cấp nước chữa lửa nằm rải rác dọc theo vệ đường. Một con đường tráng nhựa ngoằn ngoèo ăn thông với các ngã, hai bên là các trụ đèn đường và những gốc cổ thụ hơn cả trăm năm. Tất cả những ống dẫn nước, mạng nối các thiết bị điện, cũng như các hệ thống dẫn điện dùng cho máy sưởi và máy điều hòa không khí đều được thiết kế dưới mặt đất. Các công trình kiến trúc đều được nghiên cứu một cách thích đáng về cả mặt thiết kế lẫn vật liệu. Máy sưởi và máy điều hòa không khí đều do hệ thống trung ương điều khiển. Toàn khu bệnh viện có đủ chỗ cho hơn 20,000 người cư ngụ.

Vào giữa thập niên 1970, tiểu bang California gặp phải một nạn đại hạn hán 'không tiền khoáng hậu'. Nạn hạn hán ấy đã ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sinh hoạt của bệnh viện này - mạch nước khô cạn, không cách nào cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho toàn bệnh viện được. đó cũng là một nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh viện phải bị bán phá giá. Lúc bấy giờ, vì mạch nước càng lúc càng khô cạn, chính phủ phải mời một công ty đào giếng thượng thặng nhất Hoa Kỳ đến đào giếng. Họ đo đạc, tính toán, rồi khoan sâu đến mấy trăm bộ, nhưng vẫn không trúng mạch nước. Chính phủ bị lâm vào tình trạng bế tắc, đành phải thuyên chuyển dần nhân viên đi các nơi khác và để bán bệnh viện với giá rẻ. Có một người giàu có cho rằng bệnh viện này có thể hái ra tiền được, nên đã bỏ tiền ra mua. Sau đó, ông ta lại không thích mở bệnh viện nữa, nên muốn bán lại; nhưng để bán tới mấy năm mà cũng chẳng có ai mua cả.

Vào thời điểm ấy, Kim Sơn Tự tuy là một tòa nhà ba tầng với diện tích 108.000 bộ vuông, nhưng vào những dịp lễ có đông người tham dự thì vẫn không đủ chỗ. Ngoài ra, trong thành phố có những kẻ sống lang thang và mặc dù họ không cắn người, không ăn thịt người, nhưng người ta vẫn sợ họ. Cho nên, mọi người đều muốn tìm một nơi ở thôn quê, xa thành phố. Một hôm, Thầy Hằng Lai tình cờ ngang qua khu bệnh viện này; thấy để bán, Thầy liền vào xem thử. Khi trở về Thầy đề nghị Hòa Thượng hãy mua một phần cơ sở ấy. Thầy ước tính mỗi tòa nhà có thể được hơn một trăm người, như vậy có chỉ mua chừng hai hoặc ba chục tòa nhà mà thôi; và đề nghị Hoà Thượng đi xem thử. Hoà Thượng bèn cùng với năm đệ tử đi xem cơ sở ấy và cho rằng đó quả là một địa điểm tốt, chỉ tiếc là giá cả quá cao.

Hoà Thượng kể lại : 'Thế rồi khoảng nửa năm sau lại có người ngỏ lời muốn đầu tư làm ăn và đến thương lượng với tôi. Song le, tôi thì không có tiền, cũng chẳng có vốn liếng gì cả. Dù vậy, tôi cũng cứ dẫn một nhóm gồm 18 người đi xem nơi ấy. Mọi người xem mặt tiền của khu bệnh viện trước. Xem xong, tâm tư cũng có phần nào dao động, tôi chợt nghĩ : 'Chỉ xây bệnh viện này thôi cũng xây không nổi!' Do đó, tôi bèn đặt vấn đề với 18 người ấy: 'Chúng ta đều là Phật tử, do đó, chúng ta nên vì Phật tử mà chút việc hữu ích. Nếu không thì thật đáng hổ thẹn vô cùng và chúng ta cũng chẳng còn mặt mũi nào đối diện với thế nhân. Cho nên hôm nay tôi phát nguyện là tôi sẽ mua toàn bộ nhà cửa và đất đai thuộc bất động sản này!'

Nhận thấy rằng nơi đây đích thực là một đạo tràng lý tưởng do 'Thiên tạo địa lập', Hòa Thượng đã đích thân đến xem ba lần và cũng đã nhiều phen thương lượng với chủ đất. Hòa Thượng muốn thành lập một trung tâm truyền bá Phật Giáo đến khắp thế giới, đồng thời giới thiệu tư tưởng của Phật Giáo Ðông Phương với thế giới Tây Phương; và Ngài chọn mảnh đất này làm 'phát nguyên địa' của Phật Giáo thế giới, một đạo tràng Chánh Pháp có tính cách quốc tế, để đề cao đạo đức, thức tỉnh nhân tâm.

Sau khi mua lại khu bệnh viện, Hòa Thượng đã mở mang và phát triển thành Vạn Phật Thánh Thành. Nhằm giải quyết nạn khan hiếm nước, Hòa Thượng đã dùng Trí Huệ Nhãn để xác định vị trí mạch nước ngầm. Ðây là một sự kiện bất khả tư nghị, và cho đến nay, mọi người vẫn thích nhắc lại với niềm xúc động pha lẫn hào hứng; Hoà Thượng tay cầm gậy, đi đi lại lại quan sát. Ðột nhiên Ngài đập đập đầu gậy vào một chỗ nọ và nói: 'Ðào ngay chỗ này!' Nhân công được mướn đến để đào giếng phản đối : 'Không được! Chúng tôi đã trắc lượng và đào thử chung quanh đây hết rồi. Chỗ này chắc chắn không có nước đâu!' Hòa Thượng nói: 'Không sao! Cứ đào thử xem!' Và khi đào được chừng một trăm bộ thì quả nhiên gặp mạch nước - nước phun lên xối xả! Ai nấy đều mừng rỡ và tấm tắc ca tụng là kỳ tích. Mạch nước ấy vô cùng dồi dào, đủ để cung cấp cho cả mười ngàn người nữa!

Vạn nhân nhập tín hải,

Phổ Hiền hạnh nguyện,

Hoa Ngiêm chúng diệu môn

Dục Lương ngũ thường

Quốc Tế Hòa Bình chân cơ sở

HT Tuyên Hóa





Có phản hồi đến “Nhân Duyên Hình Thành Nên Vạn Phật Thánh Thành Của HT Tuyên Hóa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com