Ngày 27/10, người dân trên khắp nước Lào đã nô nức tham gia vào các sự kiện của Lễ Okphansa (Lễ mãn chay), một ngày lễ hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Lào, đánh dấu sự kết thúc của ba tháng trong Mùa chay, bắt đầu từ ngày 15/8-15/11 hằng năm theo Phật lịch.

Theo phong tục của người Lào, Okphansa là ngày các tăng ni hoàn thành những điều Phật giáo đề ra trong ba tháng tu tại chùa, trong suốt thời gian tính từ ngày Khậu Phăn-xả (Vào mùa chay), tính từ ngày 15/8 theo Phật lịch, các tăng ni không được phép rời khỏi chùa mà mình đang tu để tập trung toàn tâm toàn ý vào việc học giáo lý của nhà Phật.

Sau ngày Okphansa, các tăng ni có thể ra khỏi chùa để dạy giáo lý ở chỗ khác, chùa khác hoặc đi cúng bái ở bất cứ đâu mà không bị giới hạn.


Cũng theo phong tục trên, trong 3 tháng Mùa Chay, các phật tử chỉ hướng thiện, luôn làm những điều tốt, không sát sinh, không làm điều xấu, điều ác, kiêng những thứ gây hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, thuốc lá... làm sao cho tâm hồn của mình càng tĩnh, càng trong sạch càng tốt. Cũng trong thời gian này, người Lào cũng kiêng không dựng vợ, gả chồng, cất nhà mới.

Là một đất nước Phật giáo, thế nên trong vài ngày qua, người dân Lào trên khắp cả nước đã rộn ràng chuẩn bị cho ngày Lễ trọng này, như làm bánh nếp, chuẩn bị thuyền lửa, đồ cúng.

Ngay từ sáng sớm ngày 27/10 (15/11 theo Phật lịch) tại thủ đô Vientiane, rất đông người dân Lào đủ mọi lứa tuổi trong những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, trên tay mang theo đồ lễ, đã đổ về các chùa để thực hiện nghi thức Tắt Bạt (Cúng dường), để nghe giáo lý nhà Phật và dâng lễ cho những người đã khuất.

Vào buổi chiều, các phật tử lại tập trung tới chùa để cùng các sư thầy làm lễ Okphansa, cùng nhau tổng kết lại những điều đã làm trong ba tháng lễ.

Sau lễ Tắt bạt và Okphansa, khi màn đêm buông xuống là lúc diễn ra lễ cuối cùng của ngày Okphansa, lễ rước nến ở các chùa và thả thuyền lửa trên sông. Những ngọn nến sẽ được thắp sáng lung linh ở quanh chùa, ban công của nhà dân. Các phật tử cùng tăng ni sẽ cầm nến đi ba vòng quanh chùa để tỏ lòng thành kính trước Đức Phật.

Ngoài sông, ánh sáng lấp lánh, huyền ảo phát ra từ hàng vạn ngọn nến, được các Phật tử thắp trên hàng nghìn con thuyền làm bằng bẹ chuối, xốp, hoặc đôi lúc là cả một chiếc bè nhỏ chở theo đồ lễ, được thả trôi lững lờ trên dòng sông Mekong, tạo nên một không gian linh thiêng.

Các Phật tử tin rằng việc họ “dâng lễ” tới dòng sông sẽ giúp họ tỏ lòng tôn kính với Đức Phật; tưởng nhớ tới những người đã khuất, đồng thời cũng là cách để họ chuyển lời cảm ơn tới các dòng sông đã cung cấp nước cho vạn vật, tạo nên cuộc sống trên Trái Đất ngày nay. Với các đôi lứa đang yêu nhau, đây cũng là cơ hội để họ gửi những điều ước thầm kín tới Đức Phật, tới các Thần sông, mong về một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc và một tương lai tươi sáng.

Tuy nhiên, theo quan niệm của người Lào, Okphansa không có nghĩa là quá trình tu thân, tích đức trong năm đó đã kết thúc, mà nó chỉ là sự bắt đầu cho một vòng xoay mới cho đến khi bắt đầu Mùa Chay mới vào năm sau. Vì vậy sau ngày này, các Phật tử vẫn phải tiếp tục thực hiện những lời dạy của các sư thầy, đó là không làm điều ác; cố gắng làm thật nhiều việc tốt cho mọi người, xã hội, cho đất nước; tiếp tục giữ cho tâm hồn mình trong sạch.

Ngoài ra, các nhà sư và người lớn phải có trách nhiệm truyền dạy cho con cháu các thế hệ mai sau hiểu được giáo lý của Phật giáo, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để họ tiếp tục duy trì và phát huy những tinh hoa được đúc kết từ hàng 100 năm đó sống mãi với thời gian.

(Theo Vietnamplus)



Có phản hồi đến “Lễ Mãn Chay Okphansa Trong Tâm Linh Phật Giáo Ở Lào”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com