VẤN: Con năm nay 18 tuổi và là con trai một trong gia đình. Gia đình con cũng theo Phật giáo và rất khá giả. Con học khá giỏi ở trường và cha mẹ con có ý muốn cho con đi du học sau khi tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên con lại muốn được đi xuất gia hơn là đi học. Càng ngày con càng cảm thấy sợ hãi với cuộc sống tranh dành hơn thua ở ngoài. Con thấy mệt mỏi. Vì thế ngoài thời gian đi học con chỉ biết đọc kinh, đi chùa hoặc giúp quý thầy làm Phật sự. Dần dần con chỉ thích cuộc sống ở chùa nhưng gia đình con không ủng hộ việc con đi xuất gia. Cách đây mấy năm có lần con đề cập đến vấn đề này mẹ con đã khóc rất nhiều và dần dần lại càng sợ con đến gần tam bảo.

Mẹ con bảo nhà chỉ có mình con, ba mẹ trông đợi tất cả ở con nên ba mẹ không thể sống thiếu con. Do đó, ba mẹ con tính cho con đi du học thì ý định xuất gia sẽ tan dần và con sẽ vẫn lập gia đình, sinh con như ba mẹ mong muốn có người kế nghiệp gia đình. Dầu con đã mang câu chuyện cuộc đời về Đức Phật từ bỏ ngai vàng điện ngọc xuất gia đó là đại hiếu nhưng ba mẹ bảo đó là Phật còn con là con. Con đi tu là bỏ ba mẹ và tất cả tài sản ba mẹ làm là để cho con nhưng từ nào đến giờ con hiếm khi cần gì dù ba mẹ đã lo tất cả xe cộ nhà cửa để dành cho con. Từ nhỏ đến giờ dưới mắt ba mẹ con là một đứa con rất ngoan và là niềm tự hào về mọi mặt của ba mẹ. Còn họ hàng và bạn bè thì cho con là có vấn đề, là điên rồ khi đầy đủ tất cả tiền tài, học hành lại rất giỏi, tương lai rộng mở lại vào chùa xuất gia nên ra sức ngăn cản. Sư ơi, con thật sự rất muốn được xuất gia nhưng lại không hề muốn ba mẹ con bị đau phiền vì con mà muốn ba mẹ vui vẻ chấp nhận cho con được xuất gia vậy con phải làm sao ? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

ĐÁP:

Chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của sự xuất gia:

Nghe Bạn tâm sự thì Bạn là “con một” thuộc vào hàng “quý tử” của gia đình, có đầy đủ tố chất của con nhà gia giáo kính tin Tam Bảo. Bạn giác ngộ và phát tâm xuất gia đầu Phật, nhưng Bố Mẹ không cho, Ban khổ tâm.

Nay nhằm hóa giải những ưu tư của Bạn, Sư sẽ nói về ý nghĩa của xuất gia và 2 từ ngữ Phật học xuất gia, chắc chắn khi đã hiểu ý nghĩa xuất gia thì Phật tử không còn “bị trở ngại” trong việc phát tâm xuất gia tu hành.

Xuất gia tiếng Phạn gọi là Pravray, là ra khỏi nơi tăm tối, ràng buộc, rắc rối và bất an. Định nghĩa chữ xuất gia như thế có nhiều người không đồng ý. Cớ sao lại cho gia đình là nơi tối tăm, bất an. Thế cụm từ “mái ấm gia đình” nghĩa là gì, hay là hạnh phúc gia đình, hoặc là “Home sweet home” mà người Âu Mỹ thường nói ? Đối với người tu, chữ xuất gia không đơn giản là rời nhà sống kham khổ trong tu viện, mà được phân tích thành ba nghĩa rõ rệt:

Nghĩa thứ nhứt là xuất Hồng trần gia, cũng gọi là xuất Thế tục gia. Hồng trần gia hay Thế tục gia đều là nơi dễ tạo nghiệp nhất. Ta có khuynh hướng chạy theo ngũ dục lạc, luôn sống trong tâm trạng bất an. Người hiểu đạo phải rời ngay căn nhà thế tục đó, và gởi thân nơi cảnh chùa. Xưa kia, chùa chiền thường được gọi là chốn không môn hay cửa không. Tiếng Phạn gọi là A Lan Nhã. Chữ ’Không’ hàm ý chỉ cái tâm không còn thấy gì của thế gian, không tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Một khi ở chùa, phải bỏ hết tâm thế gian, tâm đời, phải y giáo phụng hành, chớ nên giữ lại những tâm hơn, tâm thua, tâm thương, tâm ghét. Nếu còn những tâm đó thì sao gọi là vào chốn không môn. Khi xưa, đức Thế Tôn tu khổ hạnh nơi rừng sâu núi thẩm, nơi đó cũng gọi là chốn không môn.

Nghĩa thứ hai của xuất gia là xuất Tam giới gia. Nghĩa này khó hiểu hơn nghĩa trên rất nhiều. Tam giới là ba giới : dục, sắc và vô sắc giới. Ra khỏi nhà dục giới thì quý vị, dù ít dù nhiều, cũng hiểu rồi, còn ra khỏi nhà ở cõi sắc và vô sắc, là những cảnh giới của cõi trời, vui sướng an lạc vô cùng, nơi mà “tưởng y y chí, tưởng thực thực lai”. Nghĩa là muốn gì được nấy. Có ai muốn ra khỏi cái nhà sung sướng như thế để làm ông thầy tu khổ hạnh ? Do đó xuất Tam giới gia có vẻ khó hiểu. Càng khó hiểu hơn, khi tuổi thọ ở cõi vô sắc lâu không thể tưởng, phước báo nhiều không thể tưởng. Lý luận như thế, ta cố tình hướng nguồn suy tưởng của ta đi theo một chiều nhất định. Ta phải nhìn vấn đề rộng sâu hơn. Nên biết, xuất gia không phải vì thiếu thốn, khổ cực, không phải vì cái gọi là thế thái nhân tình. Xưa kia, thái tử Sĩ Đạt Ta sống trong cung vàng điện ngọc, chẳng khác gì các cõi trời sắc giới, vô sắc giới, mà thái tử vẫn xuất gia, giũ bỏ một cách dễ dàng. Điều này chứng tỏ rằng, đi tu không phải vì hoàn cảnh, hay vì những khổ lụy của đời, như nhiều người tưởng. Những người như thế, sự ra đi của họ nhẹ như lông hồng. Đó mới thật là xuất Tam Giới gia.

Tu hành, lắm lúc ta gặp nhiều thuận duyên. Ví dụ như ta xuất gia ở một ngôi chùa nào đó, vật chất quá đầy đủ. Họ trọng về ăn, mặc, ở ; nghĩa là đời sống vật chất rất dồi dào. Trong hoàn cảnh đó, người với chí “xuất trần thượng sĩ, phi tích cao tăng” thời không chấp nhận. Đó là hành động xuất tam giới gia. Bằng không, tu không đặng, tiến không lên, tâm linh trở nên lu mờ vì vật chất sung túc. Ý chí không kiên cường, không có được cái đại hùng đại lực.

Nghĩa thứ ba của xuất gia là xuất Vô minh gia. Nghĩa này thật tuyệt diệu. Trong Cảnh Sách, khi luận về kẻ sĩ xuất gia, có nói “phát túc siêu phương, tâm hình dị tục”. Ý nói bước chân đến chốn siêu thoát, chốn chùa chiền thì tâm với hình phải khác thế tục. Bằng như giống thế tục, khó tu lắm. Cũng có người trong hoàn cảnh nào tu cũng được cả, để tóc kiểu nào cũng tu được hết, những người như thế tâm họ thường sáng và tịnh. Đó là nhờ thắng duyên đời trước dầy công tu trì. Trường hợp này rất hiếm. Hành động cạo tóc, mặc áo cà sa tự chúng đã là thắng duyên rồi đó. Khi đã đầu tròn áo vuông thì phải “thiệu long thánh chưởng”, để luôn luôn làm cho dòng thánh hưng thạnh. Dòng thánh là đạo Phật đó. Mà đạo Phật hưng thạnh để làm gì ? Chỉ để làm cho chúng sanh thức tỉnh, tự biết có ánh đèn sáng trong tâm. Một khi đốt lên, ánh sáng vô cùng tận. Đó là minh, là xuất vô minh gia.

Vấn đề xuất gia đối với Phật tử “con một” và “trẻ tuổi”:

Gia đình hạnh phúc là gia đình có phước duyên từ nhiều đời các thành viên trong gia đình làm việc phước thiện, nay gặt hái được quả lành nên cùng sống chung trong gia đình trong ấm ngoài êm. Tuy nhiên, trong cái hạnh phúc chân chính đó cần được nhân lên, gia đình Bạn tiếp tục tu nhơn tích đức theo tiến trình của cuộc sống thì cơ đồ hạnh phúc sẽ miên viễn. Gia đình Bạn là con nhà Phật, tuy nhiên việc tu Phật cũng có 2 cách tu: một là tại gia, hai là xuất gia.

1/ Cư sĩ tại gia: Phát tâm và tiếp nhận quy y Tam Bảo, giữ gìn ngũ giới cấm, tín tâm tín niệm Phật tại nhà mà tu hành cũng rất quý báu trên đường Đạo, tiến đến làm bạn với thánh hiền, thượng báo tứ ân, hạ tế tam khổ.

2/ Tu sĩ xuất gia: cắt ái từ thân, không còn sống chung với Bố Mẹ, người thân, xả bỏ việc thế gian, vợ chồng con cái, đối với vật chất chỉ còn sử dụng tối thiểu những gì cần thiết cho bản thân, không xa hoa phung phí tinh thần lẫn thể chất, sống đời sống phạm hạnh đạm bạc nơi chốn A-Lan nhã thanh cao, tiến đến đắc đạo thành Phật cứu độ chúng sanh.

Thế thường, làm bậc cha mẹ hay nghĩ suy: sinh con, nuôi con khôn lớn, mong cho con nên người, nên sự nghiệp, nối dõi tông đường, phụng dưỡng mẹ cha lúc tuổi già: “tích cốc phòng cơ, dưỡng nhi đãi lão”. Xa con không nỡ không đành, đó là tình cảm của Bố Mẹ với con cái. Về thể chất Bố Mẹ chắc chắn sẽ để lại cho con tài sản nhà cửa, tiền bạc, đất đai v.v… Về tinh thần dạy cho con biết dòng biết giống, biết tộc họ tông phong, giữ gìn gia môn viềng mối, không để mất gốc tổ tông. Việc Bố Mẹ không ưng thuận theo lời cầu xin của Bạn là đúng.

Nhưng tất cả những tinh thần và thể chất cục bộ ấy theo quan niệm Phật giáo thì Đức Phật dạy: Chỉ là nhất thời trong cuộc thế trăm năm, quanh quẩn trong vòng sanh tử luân hồi. Quan điểm của nhà Phật còn tiếp: “Gia đình có người xuất gia tu Phật là gia đình đại phước đức, đấy là nhân chủng phước thọ miên trường cho gia đình Phật tử, hi hữu trên thế gian, vượt bực thế gian, biến thế gian thành Tịnh Độ.

Trong Kinh Hiền Ngu, phẩm Hoa Thiên, Phật dạy:

“Xuôi về quá khứ ở vào thời ký chánh pháp Đức Phật Tỳ Bà Thi ra đời giảng Kinh thuyết pháp, có một “bần nhơn” phát tâm muốn nghe pháp, nhưng ngại nỗi không có tiền bạc để cúng dường, trong khi mọi người có nhơn duyên đủ điều kiện được đến nghe Phật thuyết pháp.

“Bần nhơn” đi tới đi lui trước giảng đường mà không sao vào được, chợt nhìn bên vệ đường thấy cỏ hoa đang trổ, “bần nhơn” mừng rỡ liền hái các cành hoa cỏ đem rửa sạch rồi dâng cúng cho Đức Phật, Phật liền nhận và đặt bó hoa cỏ kế bên gối của Ngài, lúc bấy giờ “bần nhơn” được chấp thuận cho vào giảng đường nghe Phật thuyết pháp và phát đại giác ngộ.

Đến 500 kiếp sau, Phật thị hiện vào cung vua Tịnh Phạn, làm Hoàng Thái Tử Vương quốc Ca Tỳ La Vệ, bên chân núi Hy Mã Lạp Sơn tu đắc đạo thành Phật với danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn “bần nhơn” thì được tái sinh làm con nhà Trưởng giả quyền quý cao sang, chú bé ra đời trong nhung lụa, lúc mới sanh được chư thiên tung hoa trời mừng rỡ, khi lớn lên bước chân đi đến đâu đều có ngàn hoa đỡ chân, tung hô đón chào. Tuy nhiên khi lớn lên được 14 tuổi, Bé xin cha mẹ cho theo Phật Thích Ca xuất gia, Ông Bà Trưởng giả là người giàu có nhưng hiền đức quảng đại vô biên, tâm lành luôn xuất hiện, vui lòng ưng thuận cho con trai xuất gia theo Phật tu hành, lúc bấy giờ được Đức Phật nhìn thấy căn lành của chú Bé thuộc vào hàng đại căn đại ngộ, ngài chấp thuận thọ ký được xuất gia và đặt pháp danh là Hoa Thiên, tinh tiến tu hành dẫn đến đắc quả A-la-hán”.

Qua câu chuyện tiền thân Đức Phật và vị A-la-hán Hoa Thiên chúng ta thấy gì:

Một là: Sinh nhằm thời Đức Phật ra đời là chuyện hi hữu trong thế gian, thật quý báu vô cùng, phát tâm nghe pháp là lực phát, huệ sanh, trí mở tiến đến giải thoát, giải thoát tri kiến.

Hai là: Nhơn duyên Phật pháp thật là tối thắng, trong các pháp không pháp nào hơn pháp Phật nên gọi vô thượng chính đẳng chính giác.

Ba là: Nghe pháp lợi ích vô lượng, xuất gia tu hành là cao thượng. Người có thể bỏ tất cả tài sản thế gian, những hạnh phúc nhất thời để theo Phật và rốt ráo thành Phật như Phật Thích Ca.

Hạnh phúc là kết quả của việc tu hành giữ tròn tam quy ngũ giới, thập thiện, dứt các việc ác làm các việc lành; nhưng đôi khi cũng lắm ràng buộc con người và chúng sanh làm cho lạc lỏng giữa rừng đời trong tam giới, không có lối thoát. Hạnh phúc hay nghèo nàn rốt rồi cũng chán ngán kiếp phù hoa sớm nở tối tàn, kiến cánh phù du chết bởi ánh sáng. Nói như thế không có nghĩa Phật giáo chủ trương yếm thế bi quan, nhưng muốn nói đến chỗ cứu khổ ban vui, làm cho tăng phước, tăng huệ, đã phú quý vinh hoa thì càng phú quý hơn khi gia đình kính tin Tam bảo.

Khi còn trẻ, Sư muốn xuất gia nhưng không được vì bận bịu thôn lân Gia quyến, Ông Bà và Bố, Thầy rồi Chị, còn Mẹ thì mất lâu lắm rồi. Lúc bấy giờ tự thân lên chương trình sinh hoạt gia đình, sáng trưa chiều tối phải làm gì và có thời biểu tụng Kinh, niệm Phật như trong chốn Thiền lâm. Đến giờ lần tràng niệm Phật thì nghiêm chỉnh niệm Phật, cảm nhận tâm hồn cũng thanh thoát như chốn cửa thiền, nên “thân tuy ở thế tục mà tâm giải thoát tự bao giờ, cũng không sợ thiên hạ gọi mình là “Thầy tu”, mà còn vinh dự được làm “Thầy tu” của Phật

Tuổi trẻ phát tâm xuất gia của Bạn cũng chính là sự tinh tấn tu hành trong thời niên thiếu của Sư, nay Sư ghi lại vài dòng, Phật tử lấy đó mà nương tu sẽ được như ý nguyện.

Nhớ lại vào năm 1959, cách đây 53 năm trước khi xuất gia, tâm huyết lúc nào cũng hướng thượng non cao tĩnh mặc, sơn lâm tịch tĩnh, nhưng làm sao được khi mình chưa đủ điều kiện, nên thỉnh thoảng đọc bài:

Thị nhựt dĩ quá

Mạng diệc tuỳ giãm

Như thiểu thùy ngư

Tư hữu hà lạc

Đại chúng!

Đương cần tinh tấn

Như cứu đầu nhiên

Đản niệm vô thường

Thận vật phóng dật

Nghĩa:

Ngày nay lại đã qua rồi

Mạng căn huyết mạch lần hồi khô khan

Dường như cá cạn ở ao

Khổ thêm thì có chớ nào vui đâu

Cần tu như lửa đốt đầu

Đừng cho sái buổi như chầu Đế Vương

Tấm thân mỏng mảnh vô thường

Sớm còn tối mất tầm phương cứu mình

Sư được phụ thân là cư sĩ tu hành thuần thục, đệ tử của Hòa Thượng Thích Quảng Đức vị Bồ tát tự thiêu năm 1963 để bảo vệ chánh pháp, dạy bài:

Nhứt hồi hướng chân như thật tế tâm tâm khế hiệp.

Nhị hồi hướng vô thượng Phật quả Bồ đề

Tam hồi hướng nhứt thiết chúng sanh đồng sanh Tây phương Cực lạc thế giới đồng thành Phật đạo – Nam mô A Di Đà Phật.

Tâm bạn lúc nào cũng hướng đến Phật quả “tâm mình là Phật, tâm mình làm Phật và khả năng đó mọi người đều có”; tâm lúc nào cũng hồi hướng Phật quả vô thượng thanh tịnh, giải thoát sanh tử luân hồi; bao nhiêu công đức, tâm quyết tu hành của mình đều hướng về đạo vô thượng, cầu cho mọi người cũng đều được như mình không khác để được vãng sanh Tây phương Cực lạc, đồng được trọn đạo vô thượng.

Tu hành như trên không khác tu sĩ xuất gia chút nào phải không Bạn! Như vậy khi chưa được xuất gia chúng ta cũng có khả năng tu hành như người xuất gia thôi, không có gì phải bận bịu đau thương phiền não. Không có gì quý bằng thân Bạn chưa xuất gia nhưng tâm Bạn đã xuất gia. Thân xuất gia bị lắm điều trở ngại, nhưng tâm xuất gia thì không còn bị trở ngại. Bạn có thể phát tâm tu hành dù ở hoàn cảnh nào tu cũng được, không phải phiền não vì nguyên nhân gia đình hay tình cảm Bố Mẹ, trường hợp của Bạn rơi vào hàng xuất gia với danh nghĩa “xuất vô minh gia”.

Bạn ạ! Theo ý nghĩa của Bậc chơn tu giải thoát, theo Lục Tổ nói :” Xuất gia hay tại gia đều chẳng khác”. Xuất gia hay tại gia là tùy theo hoàn cảnh cá nhân, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhân duyên khác nhau, xuất gia hay không là tùy duyên, chứ không phải có sự nhất định…”.

Tuy nhiên, nếu bạn quyết tâm nhất định sẽ toại nguyện.

HT Thích Giác Quang



Có 3 phản hồi đến “Con Trai Một Trong Gia Đình Giàu Có, Muốn Xuất Gia Nhưng Bị Cha Mẹ Cấm Cản, Nên Làm Như Thế Nào?”

  1. Tuyết hồng đã nói

    Mình cũng đang ở hoàn cảnh như bạn

  2. Arana Huynh đã nói

    Bạn ơi, hoàn cảnh của mình cũng như bạn đây, mình cũng là con một và mình đang phải theo ý bố mẹ đi du học. Nhưng trong lòng lúc nào rất mệt mỏi với sự phù phiếm về những thứ mà người đời gọi là "thành công". Rất vui nếu được kết bạn với bạn, đây là mail của mình arana_huynh99@yahoo.com

  3. anh tuan đã nói

    Từ hồi nhỏ mình luôn có ước mơ xuất gia về chùa, trong tâm mình luôn thôi thúc và mình luôn cảm thấy cuộc đời này làm mình mệt mỏi, buồn chán vô cùng. Mình sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng không mấy hạnh phúc nên nhiều lúc cảm thấy không khí gia đình ngột ngạt, căng thẳng và không được hoà thuận; năm mình 8 tuổi, đã có lần mình lặng lẽ rời nhà lang thang đi bộ suốt cả vài chục cây số để tìm một cảnh chùa nương tựa nhưng không tìm được ngôi chùa nào cả. Từ nhỏ cho đến khi vào vào đại học mình học rất giỏi, rồi có công ăn việc làm ổn định, song mình cũng không tha thiết gì mà chỉ nuôi dưỡng ý chí xuất gia về chùa, dường như căn cơ của mình vẫn không hội đủ duyên lành; cho đến một ngày gần như tuyệt vọng thì duyên lành đã đến; mình có được cơ may cho phần tâm được xuất gia, phần hồn cũng được xuất gia; chỉ duy cái thân là chưa được xuất gia về chùa mà vẫn còn ở đời; nhưng thật kỳ diệu, khi tâm và hồn được xuất gia thì cái thân này trở nên nhẹ nhõm vàmìnhn cũng bắt đầu sống cuộc sống chẳng khác gì một nhà sư, một vị thầy ở chùa; mình cũng ăn chay trường, ngày ngày tự lên thời khoá tu tập như nhà chùa: cũng tụng kinh, niệm Phật, lần tràng, ngồi thiền niệm Phật, tìm hiểu phật pháp và làm những việc phước duyên. Mình không còn cái cảm giác bị tù túng, thôi thúc mình phải xuất gia về chùa như xưa nữa. Mình nghĩ nếu chưa hội đủ điều kiện để thân xuất gia về chùa thì chúng ta có thể tu tại gia và phát nguyện xuất vô minh gia như sư đã giải nghĩa ở trên thì cũng thành tựu vậy. Thời mạt pháp tu tại gia nhiều phật tử cũng được vãng sinh về Cực lạc . Mình có lập trang facebook cá nhân để chia sẻ phật pháp: https://www.facebook.com/thichanhtuan?ref=tn_tnmn các bạn có thể quan tâm tìm hiểu thêm.

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com