VẤN: Thưa Sư, theo con biết thì khi người sắp lâm chung nếu được sự trợ niệm và hộ niệm thì sẽ rất tốt để được vãng sanh về Cực Lạc hoặc không có sự trợ niệm thì không thể vãng sanh về cảnh giới yên lành. Con muốn hỏi những người nào là tốt nhất để trợ niệm cho người sắp lâm chung. Việc thành lập ban hộ niệm chỉ có người quyến thuộc hay có cả người ngoài. Thêm vào đó, có một điều con thắc mắc khi đọc về nguyên tắc của ban hộ niệm là: Trong thời gian rước ban hộ niệm thì không rước các Sư đến niệm? Tại sao ban hộ niệm lại chỉ có các Phật tử mà không có các Sư? Theo con hiểu thì đức độ của các Sư không phải cao hơn các Phật tử thì sẽ có ích cho các hương linh hơn sao? Tại sao các Sư và ban hộ niệm lại không thể cùng niệm Phật trợ lực cho hương linh được ạ? Con phân vâng không biết thực sự nguyên tắc của ban hộ niệm là như thế nào cả, xin sư giải đáp giúp con.

ĐÁP:

Đạo lý vãng sanh:

Người sắp lâm chung thần thức rất nhạy cảm, ví như tấm tường xiêu bên nào thì sẽ đổ bên đó mà thôi. Thế nên người tu niệm Phật Tịnh độ rất quan trọng trong khoảng thời gian con người sắp lâm chung; cần phải có sự trợ niệm, tức là: “niệm Phật trợ duyên, hướng dẫn thực hiện một số việc cần thiết, như dọn dẹp trống môi trường xung quanh, không cử ai, không có tiếng động lớn, khiến cho người sắp lâm chung mất chánh niệm….”

Trợ niệm là trợ giúp cho người sắp lâm chung giữ chánh niệm, có chánh niệm mới vãng sanh. Người trợ niệm cần phải biết rõ đạo lý, phương pháp vãng sanh thì người đó mới có thể đem lại lợi lạc cho người sắp lâm chung.

Hiện tượng người sắp lâm chung:

Người bệnh từ khi đau nặng cho đến khi sắp tắt hơi, thì thân nhân phải bình tĩnh không được khóc lóc và không được lộ nét bi ai, sầu thảm. Bởi vì lúc này chính là lúc bệnh nhân đang đi đến ngã rẽ phân chia quỉ người phàm thánh Sự khẩn yếu nguy hiểm khác thường, như ngàn cân treo trước sợi tóc. Chỉ nhất tâm niệm Phật giúp vào là điều quan trọng nhất. Có người tuy có chí nguyện vãng sanh, mà bị quyến thuộc thương khóc, làm khơi động ý niệm tình ái, kết cuộc phải bị đọa lạc luân hồi, công tu một đời đành luống uổng.

Người sắp chết thường đau nhức cơ thể, nên chớ ép buộc tắm rửa hoặc thay đổi áo quần làm nhiễu loạn chánh niệm. Đôi khi bệnh nhân có thể sanh về cõi lành, nhưng bị thân nhân xúc chạm thân thể và sửa đổi tay chân, làm thêm đau đớn nên sanh lòng tức giận. Do ý niệm này, liền đọa vào đường ác làm rồng rắn cọp beo hoặc các loài thú dữ khác.

Cách thức trợ niệm:

Có người dù hằng ngày luôn luôn niệm Phật, nhưng nếu không nhờ sức trợ niệm thì cũng khó nhất tâm để vãng sanh. Cách thức trợ niệm phải theo các chi tiết sau:

Một là: thỉnh tượng Phật A Di Ðà tiếp dẫn, đặt ngay trước mặt bệnh nhân, để cho họ trông thấy. Cắm một bình hoa tươi, đốt một lò hương nhẹ để dẫn khởi chánh niệm, nên nhớ chỉ có khói nhẹ mà thôi, đừng để khói nhiều vì e ngột ngạt khó thở.

Hai là: người trợ niệm tùy theo nhiều hay ít, nên luân phiên mà niệm. Ít thì mỗi lượt có thể hai hoặc ba người, nhiều thì mỗi lượt có thể sáu bảy người. Nên nhớ bệnh nhân rất cần thanh khí, do đó chớ cho vào quá đông người, lại phải nhìn đồng hồ mà im lặng luân chuyển cho nhau, cốt sao cho câu niệm Phật tiếp tục không gián đoạn.

Ba là: niệm bốn chữ hay sáu chữ phải tùy theo tập quán của bệnh nhân, và tiếng niệm phải đừng quá cao, đừng quá thấp, đừng quá nhanh, đừng quá chậm, mỗi chữ mỗi câu đều rành rẽ rõ ràng, khiến cho câu hồng danh lọt qua tai đi sâu vào tâm thức của người bệnh, như thế mới đắc lực. Khi bệnh nhân quá hôn trầm thì phải kê miệng sát vào tai họ mà niệm, mới có thể khiến cho họ minh tâm.

Bốn là: nên niệm suông là thỏa đáng hơn cả, hoặc nếu có dùng âm thanh thì nên dùng chuông mõ lớn, khiến cho người bệnh sanh tâm nghiêm kính tuy nhiên điều này phải hỏi trước bệnh nhân, nếu có điều chi không hợp thì nên tùy cơ nghi mà cải biến, chớ nên cố chấp.

Ðiều này rất hệ trọng nên phải để ý ghi nhớ cho kỹ.

Người mới tắt thở, điều thiết yếu là không nên vội di động, không nên vội lau rửa, phải đợi qua tám giờ đồng hồ mới nên tắm rửa và thay đổi y phục. Trước và sau khi chết, người thân cũng không được khóc lóc, chỉ nên gắng sức niệm Phật, mới thật sự có ích lợi cho vong nhân. Nếu muốn khóc lóc, phải đợi tám giờ sau. Vì bệnh nhân tuy tắt hơi nhưng thức A đà na còn chưa đi hẳn, nếu lúc ấy làm lay động hoặc kêu khóc, họ vẫn còn cảm giác đau đớn hoặc sanh ý niệm buồn giận, lưu luyến, mà phải sa đọa.

Sau khi bệnh nhân tắt hơi, thì thân nhân vẫn phải tiếp tục niệm Phật cho đến tám giờ sau, để sự vãng sanh có phần bảo đảm. Nên đóng cửa phòng lại, canh chừng loài chó mèo hoặc những kẻ không am hiểu đến đổ xô vào xúc phạm. Ngoài ra điều cấm tuyệt không nên làm điều chi khác, vì trong khoảng thời gian này, người chết vẫn còn cảm giác.

Tám giờ sau, nếu tay chân người chết đã cứng thì nên dùng vải, thấm nước nóng bao quanh khớp xương, một lát thì có thể sửa tay chân co duỗi như thường.

Trong đám tang của người quá cố thì thân nhân nên làm đơn giản, đừng quá rườm rà mà tốn kém vô ích. Điều cần thiết là nên dùng đồ chay và chớ có sát sanh để chiêu đãi khách và cúng tế nếu không thì người quá cố sẽ bị oán đối, khó được giải thoát, dù được vãng sanh, thì phẩm sen cũng vì đó mà bị giảm thấp.

Khi làm Phật sự để truy tiến cho người quá cố thì thân nhân nên đem công đức ấy mà hồi hướng khắp chúng sanh trong pháp giới. Như thế, công đức ấy sẽ càng thêm rộng lớn, mà sự phước lợi cũng vì đó mà tăng thêm rất nhiều.

Bởi vì buổi lâm chung chính là lúc quan trọng nhất trong cuộc đời, nếu không chuẩn bị trước các món tư lương cho đầy đủ, thì đến chừng ấy ắt phải kinh hoàng bối rối, kêu cầu không kịp và nghiệp ác trong nhiều kiếp đồng loạt hiện ra, làm sao giải thoát?

Cho nên, tuy lúc lâm chung phải nhờ đến kẻ khác trợ niệm, nhưng chính mình lúc bình nhật phải cố gắng tu trì, chừng ấy mới được tự tại, nên chúng ta cần dự bị ngay từ bây giờ (HT Thích Thiền Tâm)

Ban trợ niệm:

Ban trợ niệm, cũng gọi Ban hộ niệm, gồm những nam nữ Phật tử chuyên tu tinh chuyên niệm Phật, khoảng 10 Phật tử, hay 20 Phật tử, có nơi khoảng chừng 5, 7 vị Phật tử không có nhà Sư hướng dẫn, cũng không nhất thiết phải có nhà Sư hướng dẫn, vì việc trợ niệm các Phật tử cũng được học tập từ các nhà Sư các vị thường trợ duyên cho những liên hữu cùng một bổn sư, một hệ thống, chung một hội khi có bệnh thì cầu an, đến lúc 100 tuổi già sắp lâm chung được chư liên hữu trợ niệm.

Ban trợ niệm không phân biệt thân (quyến thuộc) hay sơ (người ngoài), vì nơi đó chỉ có sự “phát tâm thanh tịnh” để trợ niệm, trợ niệm là lực đẩy giúp cho hương linh người sắp lâm chung nhất định về với Phật. Sự “phát tâm thanh tịnh” không nhất thiết là nhà Sư hay Phật tử, thân hay sơ, tuỳ theo quy cách tổ chức của cộng đồng Phật tử địa phương… trợ duyên niệm Phật đều có kết quả.

Tuy nhiên, đời người chỉ có một lần sanh, một lần tử, khi có hậu sự nên thỉnh Sư. Ở một lễ tang mà không có nhà Sư đến cầu nguyện là một lễ tang “buồn, bất hạnh”; dù ở xa xôi, cách trở, khó khăn bao nhiêu gia đình Phật tử cũng nên cung thỉnh nhà Sư đến chứng minh, thuyết giảng và trợ tiến hương linh, giúp cho âm siêu dương thới, gia đình thêm niềm tin an lạc.

HT Thích Giác Quang



Có 1 phản hồi đến “Có Phải Hộ Niệm Cho Người Lâm Chung Không Nên Rước Các Nhà Sư? Ai Là Người Hộ Niệm Tốt Nhất?”

  1. Tu truoc toi gio Minh chua tung Duoc ho niem cho ai ma cung chua tung Chung kien . Bay gio hoc hoi thay ho niem qua la ky dieu

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com