Vấn: Xin Sư cho con hỏi, trong kinh và các Sư có giảng giải không nên coi đức Phật là bậc thần linh có quyền ban phước giáng họa cho chúng sinh mà đức Phật chỉ là bậc giác ngộ trước, là người đi trước chỉ dẫn cho chúng sinh con đường giải thoát. Mọi khổ đau, hạnh phúc đều do nghiệp báo thiện ác sai biệt của mỗi chúng sinh mà đến. Vậy khi ta niệm Phật cầu bình an cầu sự nghiệp … và một số kinh dẫn giải việc đọc kinh đó bao nhiêu lần thì mọi cầu nguyện sẽ đạt được, điều này có vẻ mâu thuẫn với ý trên. Vấn đề này cần hiểu như thế nào cho đúng ? Con xin chân thành cảm ơn ạ.
ĐÁP:
Tín ngưỡng của ngoại đạo (Bà la môn giáo, Ấn độ giáo) là tín ngưỡng thần quyền; quan niệm thần thánh có quyền năng ban phước giáng họa cho chúng sanh và con người, do đó con người phải bị đầu hàng số phận và bị cầm tù trong thế giới khổ đau, sanh tử luân hồi không lúc nào thoát khỏi.
Năm 523 (trước công nguyên), Bồ tát Sĩ Đạt Ta ra đời, giác ngộ đi tu thành Phật là bức thông điệp phá toan giấc ngũ trong đêm dài của loài người, cảnh giác những ai tin vào số phận và cúi đầu chấp nhận khổ đau rơi lệ trước thần linh (ý tưởng xã hội Ấn độ trước khi Đức Phật ra đời – Việt Nam Phật giáo Sử luận của Nguyễn Lang; Đạo Phật Việt Nam của HT Thích Đức Nghiệp)
Xã hội Việt Nam, trải suốt mấy nghìn năm cũng có sự tín ngưỡng về tâm linh, tín ngưỡng các thần, như thần sông, thần núi, thần đất, thần lúa mạ, trời cha đất mẹ, trời cao đất dày…(Tín ngưỡng và Tôn giáo Việt Nam của HT Thích Giác Quang & Hồ Trường Giang) không phải là họ không đúng đâu các bạn ạ!
Ở một thời điểm làn sóng khoa học chưa phát sanh, đời sống kinh tế, cấu trúc xã hội còn dựa vào thần linh: các hiện tượng sông, núi, mưa gió, trời che, đất chở giúp cho con người an lạc trong cuộc sống, thì họ xem các hiện tượng ấy là thần linh, ban bố phước lành cho họ có cơm ăn áo mặc, rồi thờ cúng. Năm nào có bảo lụt, mưa gió không điều hòa là do nhân gian không biết làm phước nên bị thần mưa bão giáng họa; năm nào bị hạn hán là do con người không làm lành lánh dữ nên bị trời phạt không có nước làm nông; năm nào trúng mùa là do con người biết phục thiện, thờ cúng thần linh nên được thần linh ban phước lành cho được no ấm hạnh phúc… Các tín ngưỡng nầy ngày nay gọi là tín ngưỡng dân gian, có loại lỗi thời lạc hậu, có loại vẫn còn phù hợp được tín ngưỡng thờ cúng.
Đạo Phật du nhập Việt Nam ngày từ đầu lập quốc, ý tưởng của Đạo Phật rất phóng khoáng, bức thông điệp của Đức Phật Thích Ca giáo hóa:”… mọi khổ đau, giàu nghèo sang hèn, ngu dốt, thông minh, an lạc, hạnh phúc, khổ đau đều do chúng sanh và con người tự định đoạt cho chính mình, không ai có quyền năng tối thượng ban phước giáng họa cho ai cả…”. Tuy nhiên do ảnh hưởng những cuộc chiến đấu, tranh giành lấn áp giang sơn thủy thổ, tranh đấu cho môi sinh, không có thời gian tiếp cận những ý tưởng mới, trình độ dân trí chưa phát triển đồng bộ theo thời điểm, nên người Việt Nam ta khi tiếp nhận Đạo Phật vẫn tín ngưỡng Đức Phật là vị thần linh tối cao ban phước giáng họa như các thần linh khác. Họ tâm niệm như thế, nếu không tín ngưỡng cúng bái van xin, bị Đức Phật quở phạt?
Quy luật nhơn quả:
Tất cả những khổ đau, oằn oại, những cuộc sống chênh lệch trong cuộc đời đều có cái giá phải trả. Tất cả đều đi theo một quy luật: “luật nhân quả”.
Con người sở dĩ có khổ đau, như bị cầm tù, bị đánh đập, nghèo khổ…là vì người ấy cướp của giết người; bàn tay của trẻ con bị có vết máu đau đớn, do trẻ sử dụng con dao không cẩn thận, gia đình kia bị sạch túi không còn tiền của nuôi thân vì đi buôn lậu, đánh bài, người bị tật phế bẩm sinh là do cha mẹ sống chung nhưng ít tu nhân làm lành lánh dữ… tất cả đều có nguyên nhân và thành quả nhất định.
Nói về nhân quả có nhiều loại hình:
- Chúng sanh đã tạo nhân ác hay thiện trong quá khứ hôm nay hưởng quả.
- Tạo nhân ác hay thiện hôm nay, được thọ hưởng ngay trong hiện tại.
- Tạo nhân ác hay thiện hôm nay, ngày sau mới được thọ hưởng.
Tất cả đều có cái giá phải trả, chỉ có thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai gần hay xa mà thôi, như: tiết kiệm thì giàu sang, chăm học thì thi đậu, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu…
Cầu nguyện Đức Phật gia hộ sẽ được Phật hộ bình an?
Câu nầy nói chung chung quá, mênh mông không định hướng làm sao có việc Phật hộ bình an. Mọi người có thể không hiểu, nhưng tin vì lý do có nhiều người tin.
Đức Phật đã dạy: “Đừng tin tưởng một điều gì vì văn phong. Đừng tin tưởng một điều gì vì vịn vào một tập quán lưu truyền. Đừng tin tưởng điều gì vì có được nhiều người nói đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng. Đừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vịn vào chỉ có một uy tín của các Thầy dạy các người. Nhưng chỉ tin tưởng những gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, có lợi cho mình và kẻ khác. Chỉ có cái đó mới là mục đích tối hậu, thăng hoa cho con người và cuộc đời. Các người hãy lấy đó làm chuẩn mực..”.(trích kinh Anguttara Nikaya).
Khuyến giáo:
- Vấn đề cầu Phật hộ bình an thuộc về đức tin: tin
- Chắp tay khấn nguyện Phật hộ: nguyện
- Nhưng người nguyện còn thiếu: hạnh
Hạnh là hành, hành là làm, tức là lạy Phật phải thực hiện (hành) theo lời dạy của Phật, làm lành lánh dữ, lành nhỏ không bỏ, dự nhỏ không làm, tu nhơn tích đức là nhân, hưởng được quả lành hạnh phúc an lạc phú quý vinh hoa là quả. Ví du: tinh chuyên học ngành y (nguyện), quyết tâm (tin), nhất quán với ý tưởng mình đã đi (hành), tất sẽ thành Bác sĩ thôi. Ý nghĩa Phật hộ là như vậy !
Tin lý nhân quả mà cầu nguyện Phật gia hộ có kết quả.
HT Thích Giác Quang