Vấn: Cõi Tịnh Độ có tuân theo quy tắc Thành-Trụ-Hoại Không, có sanh ắt có diệt như cõi Ta Bà hay không? Theo hạnh nguyện của Đức Phật Di Đà những ai sinh về được cõi Tịnh Độ sẽ không còn sanh tử luân hồi, không còn tham sân si thì tại sao cõi Tịnh Độ lại vẫn nhập diệt theo lẽ luân hồi vô thường? Nếu là có thì con người sanh về cõi ấy sẽ như thế nào nếu cõi ấy diệt?
Đáp:
Trước nhất, xin trích một đoạn kinh A Di Đà nói về cõi Tịnh độ:
Xá Lợi Phất! Cõi đó vì sao tên là Cực lạc? Vì chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất. Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não.
Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe: hoa sắc xanh thời ánh sáng xanh, sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sánh trắng, mầu nhiệm thơm tho trong sạch.
Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi nước của đức Phật đó, thường trổi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời mạn đà la. Chúng sanh trong cõi đó thường vào lúc sáng sớm, đều lấy đãy hoa đựng những hoa tốt đem cúng dường mười muôn ức đức Phật ở phương khác, đến giờ ăn liền trở về bổn quốc ăn cơm xong đi kinh hành.
Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy. Lại nữa, Xá-Lợi-Phất! Cõi đó thường có những giống chim mầu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch hạc, Khổng-tước, Anh-võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cọng-mạng; những giống chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã.
Tiếng chim đó diễn nói những pháp như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần v.v… Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng!
Xá-Lợi-Phất! Ông chớ cho rằng những giống chim đó thiệt là do tội báo sanh ra. Vì sao? Vì cõi của đức Phật đó không có ba đường dữ.
Xá-Lợi-Phất! Cõi của đức Phật đó tên đường dữ còn không có huống gì lại có sự thật. Những giống chim đó là do đức Phật A Di Đà muốn làm cho tiếng pháp được tuyên lưu mà biến hóa làm ra đấy thôi.
Xá-Lợi-Phất! Trong cõi nước của đức Phật đó, gió nhẹ thổi động các hàng cây báu và động mành lưới báu, làm vang ra tiếng vi diệu, thí như trăm nghìn thứ nhạc đồng một lúc hòa chung. Người nào nghe tiếng đó tự nhiên đều sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Xá-Lợi-Phất! Cõi nước của đức Phật đó thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy (HT Trí Tịnh biên dịch).
Tiếp đến xin dẫn chứng về cõi ta bà:
Ta bà có nghĩa là kham nhẫn: ráng chịu đựng, vì chúng sinh ở trong cõi này chịu các phiền não, tham sân si bức bách, làm các điều ác, xoay quanh trong ba nẻo sáu đường, lại cứ cam lòng nhẫn chịu không mong ngày ra khỏi. Ta bà không phải chỉ có một thế giới ta đang ở, mà nó gồm cả ba nghìn đại thiên thế giới, trong phạm vi hóa độ của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Phật dạy rằng :Ta bà chẳng khác gì quán trọ, nhân loại sống trong cõi này đều giả tạm, vô thường, không thật. Tại sao không thật? Vì suốt cả cuộc đời bị sinh, lão, bệnh, tử, tiền tài, danh vọng chi phối, bức bách thật là khổ não. Tất cả đời sống vật chất cho dù làm vua, làm quan, giàu sang đến cỡ nào đi nữa nhưng khi ra đi không mang được gì cả, cho nên mới gọi là không thật. Chúng ta là người hiểu đạo, phải sớm giác ngộ ngay chỗ này, sống có đạo đức để làm lợi ích cho mọi người. Có như vậy, mới không uổng phí đời người.
Ngoài cõi Ta-bà là Cực Lạc, Cực là rất, lạc là vui. Như vậy, Cực lạc là cõi thuần vui. Trong Kỳ Viên hội, đức Phật gọi ngài Xá Lợi Phất dạy rằng: “…vì sao gọi là Cực lạc? Vì chúng sinh trong cõi đó không có các điều khổ, chỉ hưởng thuần những sự vui, nên gọi là Cực lạc”.
Ta bà thật là đau khổ, tại sao chúng ta không sớm giác ngộ để một lòng nhớ về cố hương Cực lạc? Cố hương là nơi chúng ta chôn nhau cắt rốn, là ngôi nhà vững chắc cho chúng ta ngơi nghỉ sau những ngày tháng vất vả với cuộc đời.
Đức Phật Thích Ca, vì hiểu cuộc đời ngắn ngủi, kiếp phù sinh tạm bợ, mong manh nên đã quay mặt với vinh hoa, độc hành vào núi thẳm, rừng sâu tìm chân lý. Bao ngày tháng miệt mài tu tập, cuối cùng giác ngộ, đem đạo mầu soi tỏ cuộc đời. Giáo lý Ngài dạy rất nhiều, trong đó, vô thường (không thường còn, luôn đổi thay biến dạng) là một trong những giáo lý căn bản.
Cõi Tịnh độ không có thành trú hoại không…
Theo ý tưởng chung, cũng như lời Phật dạy: Ta bà là thế giới khổ đau, sanh diệt, chúng sanh sanh vào đó đều chịu theo quy luật luân hồi nhân quả.
Thế giới Cực lạc là thế giới có vui không khổ, một thế giới do Đức Phật A Di Đà phát nguyện kiến tạo biến hóa để làm phương tiện hướng chúng sanh phát nguyện sanh về. Thế giới Cực lạc, sở dĩ có là do hạnh nguyện trang nghiêm của Phật A Di Đà, ngài phát nguyện xây dựng một thế giới giúp cho mọi người sống nơi đó chỉ có vui không khổ, chúng ta có thể hiểu bằng hai ý tưởng như sau:
1/. Cực lạc là một thế giới không có ba đường ác, không có đường sanh tử luân hồi. Những ai phát nguyện sanh về nơi đó, được hóa sanh trong hoa sen báu một lòng chuyên tâm trì niệm thì được như ý chấm dứt sanh tử luân hồi. Đấy là do ý tưởng của Đức Phật A Di Đà.
2/. Cực lạc thế giới thuộc về cõi tâm, người niệm Phật khi đã thuần thục chứng đắc rồi, thì thế giới Cực lạc tại tâm, nên nguyện sanh mà không sanh, vì không sanh nên không diệt độ. Tâm thì vốn bất sanh bất diệt, cõi Cực lạc thuộc cõi tâm nên không có sanh diệt, không có vấn đề diệt độ, không nằm trong quy luật thành trú hoại không.
Lục tổ Huệ Năng dạy: “Nhất hạnh tam muội” tức là cái chơn tâm thường hằng trong tất cả mọi thời cũng như mọi hành vi đi, đứng, nằm, ngồi. Thế Tôn lúc ở Xá Vệ quốc, thuyết giảng về Tây phương để dẫn hóa chúng sanh. Kinh văn nói rõ ràng rằng: “…người mê niệm Phật hy vọng vãng sanh Tây phương, người ngộ chỉ thanh tịnh tâm mình”, cho nên Phật nói: “Tùy tâm mình tịnh, là Phật độ tịnh”. Kinh Tịnh Danh nói: “Chơn tâm là đạo tràng, chơn tâm là Tịnh độ” (Pháp Bửu Đàn Kinh – Lục Tổ Huệ Năng) các Bạn an tâm mà tu hành niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực lạc cho có kết quả.
HT Thích Giác Quang