* Hồi hướng là đem các công đức NIỆM PHẬT, tụng kinh, trì chú, trợ niệm,…. do chính mình đã tu (nếu để mặc [không hồi hướng], thì nhờ vào những công đức ấy, sẽ chỉ được hưởng các thứ phước báo trời người ) xoay cái nhân được hưởng phước báo trời người do công đức đã làm ấy gom về sự vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để làm cái quả siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, cho đến rốt ráo thành Phật trong tương lai. Hồi hướng chẳng phải chỉ nhằm hưởng phước trời – người mà thôi!

(Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng : Hồi hướng có nghĩa là gom về, tức là một phương pháp đem công đức niệm Phật, niệm kinh gom về một nơi. Gom về nơi nào? Gom về việc cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới!

Từ điển Phật học Huệ Quang: Hồi hướng là dùng thiện căn công đức tu hành của mình để hướng về mục đích hoặc tự làm lợi ích cho chính mình hoặc làm lợi ích cho chúng sanh khác).

Dùng một chữ Hồi nhằm thể hiện ý “quyết định, chẳng thuận theo thói tình thế gian”.

Dùng một chữ Hướng nhằm thể hiện ý “quyết định mong mỏi phương cách xuất thế”.

Đó gọi là “hồi nhân hướng quả, hồi sự hướng lý, hồi tự hướng tha”.

Công đức đã làm là cái nhân [kết thành quả báo trong cõi] trời – người, xoay [cái nhân ấy lại] để hướng về quả Niết Bàn. Công đức đã làm là chuyện sanh – diệt; xoay nó lại để hướng đến diệu lý Thật Tướng bất sanh bất diệt. Công đức đã làm vốn thuộc tự hành, xoay nó lại để hướng về hết thảy chúng sanh trong pháp giới. Đấy chính là danh từ [nhằm thể hiện ý nghĩa] phát nguyện lập thệ, quyết định hướng đến.

Hồi hướng có ba nghĩa:

1) Hồi hướng Chân Như Thật Tế, tâm tâm khế hợp. Đây chính là nghĩa “hồi sự hướng lý”.

2) Hồi hướng Phật Quả Bồ Đề, niệm niệm viên mãn. Đây chính là nghĩa “hồi nhân hướng quả”.

3) Hồi hướng pháp giới chúng sanh cùng sanh Tịnh Độ. Đây chính là nghĩa “hồi tự hướng tha”. (*)

Ai nấy có chí riêng, người người có nghiệp riêng (nghiệp ở đây là thức nghiệp), nhưng tùy duyên tùy phận đều được vãng sanh cả, bất tất mọi người phải giống hệt nhau.

Chú thích:

(*) Hòa thượng Tuyên Hóa giảng :

1) “Hồi sự hướng lý”.

Nguyện làm cho chúng sinh thường được an lạc, không có các bệnh khổ; khi họ muốn làm việc ác thì đều không thành, nguyện làm việc thiện thì mau thành tựu. Đóng chặt hết thảy con đường ác, mở rộng con đường chân chính nhân thiên và Niết-bàn.

“Nguyện cho chúng sinh thường được an lạc, không có các bệnh khổ”: Ý nguyện là đem công đức này khiến cho hết thảy chúng sinh lúc nào cũng được an lạc, được lợi ích, tất cả những bệnh khổ đều không còn. “Khi họ muốn làm các việc ác thì đều không thành”: Giả sử như chúng sinh muốn làm các việc ác thì các pháp ấy đều không được thành tựu. “Nguyện làm các việc thiện thì mau thành tựu”: Nếu họ tu tập các hạnh lành, làm các việc tốt thì được thành tựu một cách nhanh chóng.

“Đóng chặt hết thảy con đường ác”: Tôi phát nguyện đem công đức của tôi, hồi hướng cho hết thảy chúng sinh, đóng chặt cánh của hết thảy đường ác Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sinh, A-tu-la; khiến cho chúng sinh không đọa vào Địa ngục, không thành Ngạ quỉ, không làm Súc sinh và A-tu-la. “Mở rộng con đường chân chính nhân, thiên và Niết-bàn”: Mở bày con đường chân chính nhân, thiên và Niết-bàn nghĩa là đối với con người nói rõ cho họ biết tu thế nào để được làm người, tu thế nào để được sinh thiên. Quí vị muốn làm người thì phải giữ gìn năm giới, quí vị muốn sinh thiên thì phải giữ gìn năm giới và mười điều thiện, quí vị muốn được Niết-bàn thì phải tu Tứ-đế, thập nhị nhân duyên, lục độ vạn hạnh, tất cả những hạnh của bồ-tát mới có thể đạt được cảnh giới Niết-bàn “thường, lạc, ngã, tịnh”.

2) “Hồi nhân hướng quả”.

Nếu có chúng sinh do tích tập những nghiệp ác, chiêu cảm những quả khổ rất nặng, tôi đều thay họ chịu khổ, khiến cho chúng sinh ấy đều được giải thoát, rốt ráo thành tựu vô thượng bồ-đề.

“Nếu có chúng sinh do tích tập những nghiệp ác, chiêu cảm những quả khổ rất nặng, tôi đều thay họ chịu khổ”: giả như có chúng sinh, do vì tích tập rất nhiều nghiệp ác khác nhau, những chúng sinh đó nhất định phải chịu quả khổ nặng nề. Tôi đều thay thế họ mà nhận lấy quả khổ ấy. Quí vị! Bồ-tát Phổ Hiền phát nguyện này rất là từ bi, chúng ta nghe được lời phát nguyện này của bồ-tát, nếu không chịu tu hành thì kẻ đó thật là ngu si hết chỗ nói! Bồ-tát Phổ Hiền phát nguyện thay chúng ta chịu khổ, hiện nay chúng ta khổ nhiều hay ít, bởi vì bồ-tát Phổ Hiền thay ta chịu khổ rất nhiều nhưng mà ngài cũng chẳng bảo cho ta biết, nói rằng: “Tôi thay ông chịu bao nhiêu khổ”, hoặc là nói: “Đó là khổ của một ngày, khổ của một năm, khổ của một đời, tôi đã thay ông chịu khổ, nay ông phải cám ơn tôi, mời ta ăn một bữa cơm hay uống một chén trà”. Ngài cũng không bảo ta cảm ơn ngài, cũng không bảo ta phải mời khách. Chúng ta nghe kinh, nghe đến chỗ này chúng ta phải khóc một cách thống thiết, lệ chảy tràn trề để cảm tạ bồ-tát Phổ Hiền.

“Khiến cho chúng sinh ấy đều được giải thoát, rốt ráo thành tựu vô thượng bồ-đề”: Khiến cho hết thảy chúng sinh đều không bị trói buộc, không bị ngăn ngại, chẳng có quả khổ nào làm chướng ngại họ, họ đều được giải thoát, cuối cùng thành tựu Chánh đẳng chánh giác vô thượng.

3) “Hồi tự hướng tha”.

Công đức có được từ hạnh đầu tiên là “lễ bái” cho đến hạnh “tùy thuận chúng sinh” của Phổ Hiền Bồ Tát, đều đem tất cả hồi hướng cho hết thảy chúng sinh khắp cả pháp giới, hư không giới.

Từ hạnh nguyện thứ nhất là lễ kính chư Phật cho đến hạnh nguyện thứ chín là hằng thuận chúng sinh, trong chín hạnh nguyện đó tôi đã tu tập vô lượng pháp môn và rất nhiều công đức. Nhưng những công đức đó có phải tôi để dành cho riêng tôi dùng không? Không phải. Tất cả những công đức ấy tôi đều đem hồi hướng, cúng dường. Tôi cho ai? Tôi cho hết thảy chúng sinh khắp cả pháp giới và hư không giới.

II. Hồi hướng phát nguyện tâm là gì ?

Hồi hướng phát nguyện tâm nghĩa là tâm phát nguyện đem công đức niệm Phật của chính mình hồi hướng cho hết thảy chúng sanh trong pháp giới (tức không sót bất cứ chúng sanh nào – PG&XH) đều cùng được vãng sanh Tây Phương. Nếu có tâm ấy, công đức sẽ vô lượng. Bởi lẽ, hồi hướng cho hết thảy chúng sanh (loài người, muông thú, côn trùng,…- PG&XH)chính là phù hợp với thệ nguyện Bồ Đề của Phật, như một giọt nước gieo vào biển cả cũng trở thành sâu rộng như biển cả. Nếu chưa đến được biển, đừng nói chi là một giọt nước, dẫu trường giang, sông lớn hiển nhiên vẫn thua xa biển cả như trời với đất. Nếu chỉ vì một người mà niệm thì do tâm lượng nhỏ hẹp, công đức cũng nhỏ hẹp!

Ví như thắp một ngọn đèn thì chỉ có ánh sáng của một ngọn đèn. Nếu chịu xoay vần thắp cho những ngọn đèn khác thì ánh sáng của trăm ngàn vạn ức vô lượng vô số ngọn đèn sẽ chẳng thể nào thí dụ được; thế nhưng ánh sáng của ngọn đèn ban đầu cố nhiên chẳng bị hao tổn gì! Người đời chẳng biết nghĩa này, nên chỉ biết tự tư tự lợi, chẳng muốn cho người khác hưởng lợi ích ấy.

(Kinh Niệm Phật Ba La Mật giảng như sau :

« Thế Nào Gọi Là Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm ?

Nầy Diệu Nguyệt, Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm nghĩa là dấy động cái tâm chí như thế nầy: Không riêng gì bản thân mà cầu xuất ly Ta Bà loạn trược, khổ não. Trái lại, phải nguyện vì hết thảy chúng sanh khắp ba cõi, sáu đường mà cầu vãng sanh Cực Lạc, chóng thành tựu Phật đạo để tế độ quần mê. Tại sao vậy? Vì muốn có cái quả đức siêu việt tối thượng thì phải phát khởi cái tâm chí quảng đại, dũng mãnh.

Người Niệm Phật nếu đem cái tâm thái hời hợt, hẹp hòi, yếu hèn, chỉ riêng vì giải thoát bản thân, thì chẳng bao lâu sẽ chiêu cảm cái quả báo nhỏ bé, nông cạn, tầm thường, không xứng hợp với bản hoài chư Phật, chẳng tương ứng cùng bản nguyện vĩ đại Bi Trí Viên Mãn của Phật A Di Đà. Cho nên khó được tiếp dẫn về nơi cõi nước Tây phương.

Lại nữa, người niệm Phật còn phải đem tất cả công đức thực hành sáu ba la mật, bốn nhiếp pháp, bốn vô lượng tâm hoặc ba mươi bảy phẩm trợ đạo… mà hồi hướng khắp anh em, cha mẹ, bằng hữu, chư thiên, chư tiên, bốn loại chúng sanh kẻ oán người thân đều được an trụ trong hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật.”

III. Người được hồi hướng nhận được bao nhiêu phần?

Kinh Địa Tạng dạy: “Như có người nam cùng người nữ nào lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác, sau khi người mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cả việc về Thánh đạo, thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó.”

———–

Nhân đây, xin được kể một câu chuyện hay về hồi hướng:

Thầy Thích Giác Hoàng kể: “Nhân đây, Sư kể cho Phật tử một câu chuyện thật của một Sư Cô có liên quan đến sự mầu nhiệm của công đức hồi hướng. Có một Sư Cô đang học tại Ấn Ðộ, nhân một dịp đặc biệt đã kể cho chư Tăng nghe những câu chuyện huyền bí do công đức hồi hướng. Chuyện kể rằng, khi thân mẫu của Sư Cô bị bệnh … (Sư không nhớ rõ bệnh gì), phải chuẩn bị ăn uống cho đầy đủ để tuần sau đi mổ. Trong một tuần đó, vị Sư Cô này (lúc bấy giờ còn là một cư sĩ) HẾT LÒNG tụng kinh để sám hối và cầu nguyện cho thân mẫu, nguyện nhờ thần lực của chư Phật, chư Bồ-tát, chư Thiên gia hộ cho thân mẫu cô được an vui, nhẹ nhàng khi lên giường mổ.

Nhưng kỳ diệu thay, tới ngày đi mổ, bác sĩ tái khám để chuẩn bị đưa lên giường mổ, không thấy bệnh gì cả. Cả hội đồng bác sĩ, y tá phải hội chẩn một lần nữa, nhưng kết quả cho thấy vẫn không có bệnh hoạn, trong khi trước đó một tuần thì bác sĩ đã chụp X-ray và xác quyết rằng bệnh trạng không thể nào không mổ. Lý do gì căn bệnh kia biến mất? Ðó là một câu hỏi lớn cho cả hội đồng y khoa, nhưng dù có nói gì đi nữa, cũng không có câu trả lời thỏa đáng đối với họ.”

IV. Bất cứ thiện căn nào cũng cần hồi hướng :

* Bất luận tụng kinh nào, trì chú nào, cũng đều phải niệm Phật bao nhiêu tiếng đó rồi hồi hướng vãng sanh Cực Lạc thì mới hợp với tông chỉ tu Tịnh nghiệp.

* Ngay trong sanh hoạt thường ngày, với tất cả những điều thiện nhỏ nhặt nhất và các thiện căn như tụng kinh, lễ bái… đều đem những công đức ấy hồi hướng vãng sanh Cực Lạc. Như thế thì hết thảy hạnh môn đều thành trợ hạnh cho Tịnh Độ, như gom các hạt vi trần thành đất, tụ các dòng nước thành biển, rộng lớn sâu thẳm, ai có thể cùng tột được! Nhưng phải phát Bồ Đề tâm, thệ nguyện độ sanh, hồi hướng tất cả công đức tu trì cho khắp pháp giới chúng sanh, bốn ân, ba cõi. Giống như đổ dầu vào lửa, như mạ gặp mưa; đã kết pháp duyên sâu xa cùng hết thảy chúng sanh lại còn có thể mau thành tựu hạnh Đại Thừa thù thắng cho chính mình. Nếu không biết nghĩa này thì là kiến giải tự lợi của phàm phu, Nhị Thừa; dẫu tu diệu hạnh này, chỉ cảm được quả hèn kém.

Nếu đem các công đức khác hồi hướng về phước báo thế gian thì niệm chẳng quy một mối, càng khó vãng sanh. Phải biết rằng nếu thật sự niệm Phật sẽ chẳng cầu phước báo thế gian, nhưng tự được hưởng phước báo thế gian. Nếu cầu phước báo thế gian, chẳng chịu hồi hướng vãng sanh thì phước báo thế gian đạt được đó sẽ trở thành tệ kém. Tâm chẳng chuyên nhất nên càng khó quyết định vãng sanh!

V. Niệm Phật có thể bỏ hồi hướng không?

Niệm Phật chớ nên bỏ hồi hướng. Hồi hướng chính là TÍN, NGUYỆN được phát ra từ miệng.

VI. Hồi hướng và phát nguyện khi nào?

* Chỉ nên hồi hướng sau khi xong khóa tối, và sau khi niệm Phật, tụng kinh trong ngày xong. Nên niệm Phật từ sáng đến tối không gián đoạn, trong tâm chỉ có ý niệm nguyện được vãng sanh chính là “thường thời hồi hướng” (luôn luôn hồi hướng).

* Phát nguyện vãng sanh Cực Lạc nên thực hiện trong sớm, tối lúc niệm Phật xong (pháp Thập Niệm buổi sáng thì cũng niệm Phật trước, phát nguyện sau) có thể dùng bài Tiểu Tịnh Độ Văn. Nếu thân tâm rảnh rang nên dùng bài Tân Định Tịnh Độ Văn (tức bài ‘Khể thủ Tây Phương An Lạc quốc…’ chép trong Thiền Môn Nhật Tụng. Bài này ngôn từ lẫn nghĩa lý đều châu đáo, đứng đầu cổ kim. Nên biết: Phát nguyện bằng cách đọc bài văn phát nguyện thì phải nương theo văn để phát nguyện, chứ không phải cứ đọc văn hồi hướng một lượt là đã phát nguyện đâu nhé!

Ấn Quang Đại Sư giảng



Có phản hồi đến “Hồi Hướng Là Gì? Ý Nghĩa Của Hồi Hướng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com