Có nhiều loại tình yêu, như tình yêu của người mẹ, của anh em, tình dục, tình cảm, xác thịt, ích kỷ ,vị tha, và đại đồng.

Nếu người ta chỉ phát triển tình yêu xác thịt hay vị kỷ của mình đối với nhau, loại tình yêu ấy không thể bền vững. Trong một tình yêu chân thật, ta không nên đòi mà chỉ nên cho.

Khi sắc đẹp, hình hài, và tuổi thanh xuân đã tàn phai, một người chồng chỉ chú trọng đến sắc đẹp vật chất bên ngoài sẽ muốn có một người trẻ đẹp khác. Tình yêu này là tình yêu của loài thú, của dâm dục. Nếu một người quả thật biểu lộ tình yêu đúng nghĩa của một con người với con người, người đó không chú ý vào sắc đẹp bên ngoài và sự hấp dẫn lôi cuống bề ngoài của người hôn phối và tình yêu đó phải biểu lộ từ trong tâm trí chứ không phải ở bên ngoài mà thôi. Cũng như vậy, một người vợ nghe lời dạy của đức Phật không bao giờ chểnh mảng đối với người chồng dù người chồng trở nên già yếu, nghèo khổ hay bệnh hoạn.

“Tôi cảm thấy sợ hãi thấy các cô gái tân thời thích yêu như Juliet nhưng lại có đến cả tá Romeo. Họ thích mạo hiểm….Gái tân thời ăn mặc không phải là để che thân, để chống nắng mưa gió, mà là để lôi cuốn sự chú ý của người khác. Họ thay đổi bản chất bằng cách tô điểm lạ lùng” (Gandhi).

Nhục dục

Nhục dục chính nó không phải là tội lỗi, nhưng lòng ham muốn nhục dục nhất định làm xáo trộn đầu óc, cản trở sự phát triển tinh thần.

Trong hoàn cảnh lý tưởng, nhục dục là đỉnh cao vật chất trong một sự giao tiếp để thoả mãn tình cảm sâu xa của cả hai người hôn phối khi cho và hưởng đồng đều.

Cách thức miêu tả tình yêu bởi nhóm thương mại qua truyền thông đại chúng trong cái mà chúng ta gọi là văn hoá “Tây phương” không phải là tình yêu “chân chính”. Khi một con vật muốn xác thịt, nó làm tình, nhưng sau đó, nó quên đi. Với loài thú, xác thịt chỉ là một hành động của bản năng để sinh tồn. Nhưng con người lại còn có nhiều điều khác nữa trong quan niệm ái ân. Bổn phận và trách nhiệm là những chất liệu quan trọng để duy trì đoàn kết, thuận hoà, và hiểu biết trong mối giao tiếp giữa con người.

Nhục dục không phải là chất liệu quan trọng nhất của hạnh phúc vợ chồng. Những kẻ làm nô lệ cho xác thịt làm tan vỡ tình yêu và nhân đạo trong hôn nhân. Ngoài ra, một phụ nữ không nên coi mình là đối tượng khiêu dâm của phái nam. Người đó không cần phải tô điểm để vừa lòng người đàn ông, dù cho người đó là chồng. Nếu muốn là người bình đẳng với chồng, người phụ nữ phải ăn mặc làm sao để nâng cao phẩm giá, và không là một biểu tượng của nhục dục. Hôn nhân chỉ để thoả mãn cho sự thèm khát xác thịt không phải là một hôn nhân. Đó chỉ là thú vui trần tục. (Gandhi)

Tình yêu đương nhiên là một sản phẩm của tình dục, nhưng ngược lại nhục dục là để bày tỏ tình yêu. Trong đời sống hạnh phúc lý tưởng của đôi vợ chồng, tình yêu và nhục dục không rời nhau.

Lời đức Phật giải thích

Chúng ta nghiên cứu lời dạy của đức Phật về những cảm nghĩ của người nam và người nữ đối với nhau. Ngài nói Ngài chưa hề nhìn thấy một điều gì trên thế gian này lôi cuốn người đàn ông bằng khuôn mặt của người đàn bà. Cũng vậy, cái mà hấp dẫn nhất với phụ nữ là khuôn mặt người đàn ông. Trên đây là bản tính tự nhiên của nam nữ cho nhau lạc thú trần gian. Họ không thể tìm được hạnh phúc như vậy ở một đối tượng nào khác. Khi suy nghĩ kỹ càng, chúng ta thấy trong tất cả mọi thứ đem lại lạc thú, không có một thứ nào có thể thoả mãn năm giác quan cùng một lúc ngoài hình ảnh của người đàn ông và người đàn bà.

Người Hy lạp biết điều đó khi họ nói rằng người đàn ông và đàn bà nguyên thuỷ chỉ có một. Họ bị chia ra thành hai phần, và vì sự phân chia này nên người nam và người nữ không ngừng tìm cách để hợp lại với nhau.

Lạc thú

Bản tính tự nhiên của thanh niên say mê các thú vui trần tục, và những thú vui này có cái tốt, có cái xấu. Những cái tốt như thú vui về âm nhạc, thi văn, khiêu vũ, thức ăn ngon, phục sức, và những ham muốn tương tự không hại gì đến cơ thể. Những thú vui này chỉ làm chúng ta xao lãng không nhìn ra cái phù du của thiên nhiên và cái bấp bênh của cuộc sống khiến chúng ta không nhận được thực chất của bản ngã.

Năng khiếu và giác quan của thanh niên rất nhậy bén, rất lanh lợi trong việc thoả mãn năm giác quan. Hầu hết mỗi ngày, các chàng trai này tìm đủ mọi cách để đạt được nhiều lạc thú. Do cái bản chất tự nhiên của cuộc sống, con người không bao giờ thoả mãn với các thú vui mà mình đã có và kết quả là sự tham dục đó chỉ tạo thêm nhiều khao khát và lo âu.

Nghĩ kỹ về điều này chúng ta thấy rằng cuộc sống chỉ là một giấc mộng. Cuối cùng, chúng ta đạt được gì khi lưu luyến cõi đời ? Chỉ nhiều thêm lo âu, chán nản và thất vọng. Chúng ta cũng có những phút vui ngắn ngủi, nhưng cuối cùng, chúng ta phải tìm ra mục đích thực sự của cuộc đời.

Khi chúng ta không còn khao khát tình dục và không cần đến sự thoải mái sinh lý với người khác, hôn nhân sẽ trở nên không cần thiết. Đau khổ và khoái lạc đều bắt nguồn từ tham dục, luyến ái và xúc cảm. Nếu chúng ta tìm cách chế ngự tình cảm một cách không thực tế, chúng ta sẽ làm xáo trộn thể xác và tâm hồn của chúng ta. Cho nên chúng ta phải biết cách điều khiển và chế ngự tình dục của con người. Nhờ hiểu biết, không lạm dụng, và đặt tình dục đúng chỗ, chúng ta sẽ chế ngự được những ham muốn của chúng ta.

Ven. Dr. K. Sri Dhammananda
Thích Tâm Quang dịch




Có phản hồi đến “2. Bản Chất Của Tình Yêu Và Lạc Thú”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com