Từng nghe nói về chùa Bổ Đà có vườn tháp được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam, nhưng đúng là chỉ khi đặt chân tới nơi đây, mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của một danh lam tự cổ được ví là miền đất phật.

Chùa tọa lạc bên bờ Bắc sông Cầu, thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, có tên là: Bổ Đà, hay chùa Quán Âm núi Bổ Đà, chùa Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự và thường được người dân gọi với cái tên quen thuộc nữa là chùa Bổ. Đây được xem là vùng đất linh thiêng nhất của Phật giáo Kinh Bắc thuộc thiền phái Lâm Tế.

Chùa được xây dựng vào thời Lê khoảng thế kỷ XVIII và là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang.

Ca dao Kinh Bắc xưa có câu: “Thứ nhất là chùa Đức La, Thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng” cũng phần nào để nói về sự cổ kính cùng kiến trúc độc đáo của chùa Bổ so với nhiều ngôi chùa khác trong khu vực.

Điều mà bất cứ một ai từng đặt chân tới nơi đây đều cảm nhận thấy rõ như thể con người đang được lạc vào chốn thiền tự của miền đất Phật.

Sau khi thắp hương lễ Phật, bắt đầu hành trình vãn cảnh chùa và chiêm bái khu vườn tháp cổ. Trong một không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đối, khu linh địa Phật giáo hiển hiện trước mắt du khách như một minh chứng tiêu biểu nhất cho sự uy nghi, cổ kính và thâm nghiêm nơi cõi thiền.

Khu linh địa này rộng gần 1ha và có đến 99 ngôi tháp lớn, nhỏ xây ba, bốn tầng, là nơi lưu giữ tro cốt, xá lị của 1.214 cao tăng, thiền sư đã tu hành trong cả nước của thiền phái Lâm Tế.

Bên cạnh đó còn hàng trăm ngôi mộ lớn, nhỏ khác nhau nằm xen kẽ với các mộ tháp. Tất cả được phủ một lớp màu thời gian cũ kỹ nhưng vẫn lộ rõ những dòng chữ, cùng nghệ thuật xây dựng của người xưa.

Những mộ tháp đều được xây bằng chất liệu rất đặc biệt là đá và gạch đỏ, bít mạch bằng vôi vữa trộn với mật mía cùng bột giấy bản nên rất bền và mịn. Các ngôi mộ tháp có hình khối vuông nhỏ dần lên phía trên, độ cao trung bình từ 3 – 5m.

Trên đỉnh tháp thường được xây cách điệu hình ảnh búp sen, hoặc tòa sen trên có biểu tượng bình cam lộ đặc trưng của nhà Phật. Mặt trước của tháp ở tầng hai thường có một hay vài ô cửa nhỏ để bát hương, bài vị của các cao tăng, thiền sư đã viên tịch…

Nghe kể người viên tịch đầu tiên cách đây gần 300 năm, được xây tháp để an táng ở khu linh địa này chính là vị tổ sư, tên tục là Phạm Kim Hưng. Sau đó lần lượt 98 mộ tháp khác được xây dựng lên. Có ngôi mộ tháp là nơi an nghỉ của 26 nhà sư, mộ tháp ít cũng có tro cốt của 4-5 nhà sư. Họ đều là huynh đệ cùng một mái chùa, cùng thiền phái Lâm Tế, cùng tu một thầy, trọng tình và thân thiết với nhau trong lúc sống, muốn khi về cõi cực lạc vẫn được nằm cạnh nhau.

Hiện nay khu linh địa với 99 mộ tháp ở chùa Bổ Đà đã trở thành một danh lam cổ tự tiêu biểu và độc đáo nhất vùng Kinh Bắc nói riêng, Việt Nam nói chung, đã và đang thu hút nhiều du khách thập phương đến chiêm bái và nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo về đây tìm hiểu, sưu tầm về thiền phái Lâm Tế mạn sông Cầu.

Đến chùa Bổ Đà, mọi người cũng sẽ được ngắm hàng trăm mét tường vây làm bằng đất. Đây được xem là ngôi chùa hiếm hoi ở vùng Đồng bằng Bắc bộ vẫn giữ được nét đặc trưng cổ xưa này.

Các bức tường đất này dày đến 60 – 70cm, rêu phong, trên đỉnh tường lại có mái được đỡ bằng những mảnh sành, sứ. Tường đất trộn mảnh sành ở chùa Bổ Đà đã có từ hàng trăm năm, trở thành một vẻ đẹp cổ kính in đậm vào lòng người.

(Theo Dân Trí)



Có phản hồi đến “Về Kinh Bắc Chiêm Bái Vườn Tháp Đẹp Nhất Tại Chùa Bổ Đà Quán Âm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com