Ngoài yếu tố tâm linh, điều ấn tượng nhất đối với du khách khi đến thăm chùa Vĩnh Tràng (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) là kiến trúc có một không hai của ngôi chùa.
Nét đẹp cổng Tam quan
Khác với những ngôi chùa truyền thống phương Đông thường có kiểu mái uốn cong, tạo hình rồng, phượng, chùa Vĩnh Tràng có nét đẹp rất riêng nhờ sự pha trộn hài hòa kiến trúc Á - Âu. Đây cũng là ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam kết hợp phong cách kiến trúc phương Đông và phương Tây. Sự kết hợp này làm cho ngôi chùa vừa giống những ngôi đền của Campuchia vừa phảng phất nét đẹp nhà cổ của Pháp và mang dáng dấp lâu đài kiểu Italia…
Đến thăm chùa Vĩnh Tràng, ấn tượng đầu tiên là vẻ đẹp cổng Tam quan do những nghệ nhân xứ Huế thi công từ năm 1933 theo kiến trúc cổ lầu. Nét độc đáo của cổng là những bức tranh ghép bằng mảnh sành, sứ rất tinh tế có màu sắc hài hòa thể hiện sự tích nhà Phật, những câu chuyện dân gian, miêu tả tứ quý, tứ linh, hoa lá… Theo Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trụ trì chùa Vĩnh Tràng, trước đây, trên cổ lầu còn có tượng chân dung Hoà thượng Trà Chánh Hậu và Hoà thượng Minh Đàn là hai vị hòa thượng có nhiều đóng góp xây dựng chùa. Tuy nhiên, việc để tượng trên cổng ra vào, ai cũng phải đi lòn phía dưới chân, dẫn đến dư luận không hay. Năm 2005, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị cơ quan chức năng cho di chuyển hai bức tượng trên vào nhà Tổ phía sau Chánh điện. Riêng những câu đối ghi nhớ công lao của 2 vị hòa thượng vẫn được giữ nguyên trên cổng, không dỡ bỏ để tránh làm hư hại mỹ quan cổng chùa.
Khuôn viên chùa Vĩnh Tràng rất cuốn hút du khách. Tại đây có pho tượng Phật A Di Đà thủ ấn cao 18 m, là sự kết hợp hai truyền thống Mật, Tịnh song hành… Khuôn viên chùa còn có hàng trăm loại cây cảnh, hoa thơm cỏ lạ, hồ sen, hòn non bộ và những cây sao cổ thụ che bóng mát. Nhưng đáng tiếc là nhiều người dân thiếu ý thức đã đục đẽo vỏ cây sao khiến một số cây bị khô héo, cằn cỗi. Không ít lần nhánh cây khô gãy rơi vào khuôn viên chùa nên nhà chùa phải kiến nghị cơ quan chức năng cho đốn hạ để đảm bảo an toàn cho khách tham quan.
Những giá trị trường tồn
Độc đáo nhất là kiến trúc tổng thể của chùa Vĩnh Tràng. Chùa được xây dựng theo hình chữ “Quốc” (Hán tự) gồm bốn gian nối tiếp nhau là Tiền đường, Chánh điện, nhà Tổ và nhà Hậu. Chánh điện xây dựng theo kiến trúc kết hợp Á - Âu với những hàng cột thanh mảnh vòm cong, trên nóc chùa có 5 mái nhô cao, tượng trưng cho Ngũ hành theo quan niệm phương Đông... Tuy nhiên, sau hàng trăm năm tồn tại, chùa Vĩnh Tràng đã được trùng tu nhiều lần. “Có những lúc chùa xuống cấp, tróc vôi vữa, rêu bám mốc xanh, Ban trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh đã phải cho sửa chữa, tôn tạo nhiều lần, sao cho vừa đẹp vừa giữ nguyên nét kiến trúc của chùa. Nhờ vậy, chùa mới được như ngày nay”, Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trụ trì chùa Vĩnh Tràng nói.
Ngoài kiến trúc độc đáo, chùa Vĩnh Tràng còn đang bảo tồn hơn 60 tượng Phật cổ (tạc vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) bằng gỗ, đồng, đất nung sơn son thếp vàng. Đặc biệt, có giá trị nghệ thuật nhất phải kể đến bộ tượng bằng gỗ Thập bát La Hán (18 vị La Hán) trong Chánh điện. Đây là những pho tượng được tạc những năm đầu thế kỷ 20, mỗi tượng cao khoảng 0,8 m. Bộ tượng này được xem là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng tròn của khu vực Nam bộ. Theo Hòa thượng Thích Huệ Minh, những tượng phật của chùa đều được bảo tồn nguyên vẹn. Chỉ có bộ tượng phật Thập bát La Hán do bị tróc, đen, bạc màu… nên vào năm 1981, chùa cho thếp vàng lại và đến nay bộ tượng này vẫn vàng óng ánh như mới.
Chùa Vĩnh Tràng hiện là một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Đến để tìm về chốn tâm linh thanh bình và chiêm ngưỡng nét độc đáo của ngôi chùa đẹp nhất miền Tây.
(Theo Xaluan.com)