Thiền đường Trúc Lâm, chùa Trúc Lâm, nơi tôi có vinh dự và hân hạnh, qua lời mời của Thượng tọa Viện chủ Thích Thiện Châu, tiếp xúc và nói chuyện cùng quý vị là một ngôi chùa mới, một ngôi chùa Việt Nam nhưng xây dựng ở nước ngoài, ở nước Pháp, gần kinh đô Paris hoa lệ. Phải chăng đúng theo lời dự báo của Pháp sư Thái Hư khi qua thăm Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ, trong câu đối Pháp sư tặng chùa Quán Sứ:

Pháp luân tợ địa Đông Tây chuyển,
Phật đạo phùng nguyên tả hữu thông.

Tạm dịch:

Bánh xe pháp giống như trái đất chuyển từ Đông sang Tây,
Đạo Phật trở về nguồn sẽ thông suốt cả bên trái cũng như bên phải.

Gần đây, đọc báo tôi được biết ở các nước phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ, Cộng Hòa Liên Bang Đức, ở Anh, ở Ý, Tây Ban Nha và một phần nào ở Pháp, có phong trào xây dựng nhiều chùa Phật, Thiền viện. Thiềnđường Trúc Lâm của chúng ta là một trong những chùa và Thiền viện đó. Phong trào hướng về đạo Phật ở các nước phương Tây chứng tỏ tính thiết thực hiện tại, tính nhân bản mãi mãi sống động của đạo Phật. Ngày nào mà loài Người còn đau khổ, chưa được an lạc, thì loài Người còn cần tới đạo Phật, là đạo diệt khổ vàđem lại an lạc cho loài Người, không kể đó là người phương Đông hay là phương Tây.

Trong câu đối của ngài Thái Hư có hai ý, Một ý là giáo pháp của Phật luôn luôn chuyển, trong thời gian cũng như không gian. Đó là sự phát triển của đạo Phật. Đó là đạo Phật phát triển, và trong sự phát triển đó, nó không thể không thích nghi với thời gian và không gian. Yêu cầu của Chúng sinh nói chung, của Phật tử nói riêng, chung quy là thoát khổ, được vui nhưng không thể mang nhiều màu nhiều vẻ tùy theo thời gian và không gian. Do đó, đạo Phật phải phát triển để thích nghi với những yêu cầu mới của thời gian và không gian. Đó là lý do hình thành các bộ phái sau khi Phật Niết Bàn 100 năm và cũng là lý do xuất hiện tư tràoĐại thừa giáo sau này. Thế nhưng, dù cây cổ thụ có lớn lên và phát triển cành lá sum xuê như thế nào, thì nó cũng không thể tách rời cái gốc rễ uyên nguyên của nó được. Đạo Phật cũng thế, càng phát triển lại càng phải trở về nguồn thì mới có thể đảm bảo một sự phát triển lành mạnh đúng hướng, nhờ đó mà mãi mãi xanh tươi. Ngài Thái Hư nói Phật đạo phùng nguyên, trở về nguồn là theo ý tứ đó.

Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại có hai cội nguồn, một cội nguồn là ở Ấn Độ, nơi đức Bổn Sư Thích Ca xuất thế. Ở đây, như quý vị đều biết, vua Bimbisara, xứ Magadha sau khi được nghe Phật thuyết pháp tại thành Vương Xá, đã cúng dường Phật vườn Trúc Lâm, làm tinh xá để Phật và Tăng chúng ở. Được vua hỏi về yêu cầu một tinh xá, Phật trả lời là tinh xá phải ở vào nơi vắng vẻ không xa lắm, nhưng cũng không quá gần thành phố, để cho dân chúng ai muốn, đều có thể đến được, nhưng ban ngày không có quá đông người, và ban đêm thì không quá ồn ào, một nơi thoáng mát ... Và vua Bimbisara thấy vườn Trúc Lâm rất thích hợp với tất cả những yêu cầu của Phật đề ra cho một tinh xá. Và thế là tinh xá Trúc Lâm được hình thành, là nơi Phật và Tăng chúng đã trải qua sáu kỳ an cư kiết hạ, và là nơi Phật giảng nhiều bài thuyết pháp quan trọng.

Thiền đường Trúc Lâm của Thượng tọa Thích Thiện Châu và quý vị cũng không quá xa, cũng không gần lắm kinh đô Paris, mong rằng đạt được những yêu cầu của Phật Thích Ca đề ra cho một tinh xá, hay một Thiền đường. Và tôi chân thành và hoan hỷ cầu chúc cho Thiền đường Trúc Lâm của quý vị làm tròn được sứ mệnh thiêng liêng. Một mặt phát triển đạo Phật, khế hợp với căn cơ của thời hiện đại, mặt khác đảm bảo bản chất trong sáng của đạo, khế hợp với những lời dạy cơ bản của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Theo tôi, đó là cội nguồn thứ nhất của Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại. Còn cội nguồn thứ hai là Phật giáo Việt Nam tại nước nhà. Một nền Phật giáo Việt Nam rất tự hào về chiều dài lịch sử của nó hơn 18 thế kỷ, về truyền thống dân tộc anh hùng của nó, về những thành tích võ công văn trị của hai triều đại Phật giáo Lý và Trần, là thời kỳ vẻ vang nhất, rực rỡ nhất của toàn bộ lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam mới được thành lập, mà tôi có vinh dự được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử làm Viện trưởng đang tập trung mọi nỗ lực nghiên cứu để làm sáng tỏ những đóng góp thiết thực của đạo Phật Việt Nam vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thời lịch sử vẻ vang của hai triều đại Lý, Trần.

Tôi không rõ lắm ý tứ của Thượng tọa Thích Thiện Châu yêu cầu tôi nói chuyện về các chùa cổ Việt Nam. Phải chăng đó cũng là yêu cầu của tất cả Phật tử Việt kiều ở Pháp, trong dịp lễ Khánh thành ngôi Thiền viện Trúc Lâm mới mẻ, xinh đẹp này, luôn luôn hướng về nền Phật giáo cổ kính của Việt Nam, những ngôi chùa cổ ở Việt Nam mà do tính chất lịch sử và dân tộc lâu đời không có một kiến trúc sư hiện đại, tài ba nào ở Pháp có thể xây dựng lại được. Tất nhiên, chùa Trúc Lâm của quý vị có vẻ đẹp thanh xuân của nó, nhưng chùa Trúc Lâm ở Huế là vườn tre vườn trúc. ở gần Paris làm sao có tre, có trúc, mà chỉ có cây maronniers. Nhưng chùa Trúc Lâm ở Huế nơi trụ trì hiện nay của Hòa thượng Phó Pháp chủ Mật Hiển, có thể nói là núp bóng trong vườn trúc dày đặc. Chùa Trúc Lâm ở đây mặc dù khá cách xa kinh đô Paris ồn ào và hoa lệ, nhưng vẫn không có được bầu không khi yên tĩnh, trầm lặng của vùng đồi Nam Giao gần cố đô Huế. Chùa Trúc Lâm ở Huế hiện còn giữ được bảo vật từ thời Tây sơn, kinh Kim Cang Bát nhã dệt trên gấm, theo truyền thuyết là do chính công chúa Ngọc Hân, vợ Nguyễn Huệ thêu.

Ở Huế, ngoài chùa cổ Trúc Lâm ra, còn có nhiều chùa cổ khác, đặc biệt là chùa Thiên Mụ, nơi trụ trì hiện nay của Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

Chuông Thiên Mụ nổi tiếng cả nước với tiếng ngân vang xa rộng của nó. Quả chuông này do chúa Hiến Tông (Nguyễn Phúc Chu) cấp tiền đúc vào năm Canh dần (1750). Tiếng chuông chùa Thiên Mụ biểu trưng cho sự hiện diện của Phật giáo hằng ngày, sớm và chiều tại cố đô Huế, trong lòng mỗi người dân tại cố đô Huế. Thiên Mụ là bà lão nhà Trời. Theo truyền thuyết, Cao Biền khi làm An Nam đô hộ phủ ở nước ta, dưới đời nhà Đường, theo lệnh vua Đường là Đường ý Tôn (860-873), đã đi khắp nơi ở nước ta, tìm những nơi đất tốt có vượng khí, đều lập phép trấn yểm. Cao Biền đã đến Thuận Hóa, xã Hà Khê, huyện Hương Trà, thấy giữa đồng bằng đột khởi một cái đồi hình đầu rồng, biết là nơi linh địa, bèn cho đào hào cắt ngang dưới chânđồi. Đêm đến, Biền mộng thấy một bà lão tóc bạc phơ, ngồi dưới chân đồi than vãn và nói to: "Đời sau, nếu có bậc minh chủ, muốn bồi đắp mạch núi lại, đem lại linh khí cho đồi núi này, thì hãy lập chùa thờ Phật ở đây..."

Nguyễn Hoàng khi vào Thuận Hóa, tìm cách gây dựng thế lực, để biệt lập và chống đối với họ Trịnh, đã đến nơi này, nghe các bô lão kể lại câu chuyện bà lão Trời và Cao Biền, thì rất mừng, lập tức cho xây chùa trên núi, và tự tay viết biển chùa là "Thiên Mụ tự" (chùa Thiên Mụ - chùa bà lão nhà Trời).

Người Việt Nam bình thường tin ở thuật phong thủy, nhưng đồng thời cũng tin ở Phật, Bồ-tát, và đạo Phật. Cao Biền có tài trấn yểm, nhưng dân Việt Nam có xây chùa thờ Phật là mọi phép yểm của Cao Biền đều bị phá hết. Ảnh hưởng của chùa Phật là ảnh hưởng của Tam Bảo, của đức Phật thường trú, của Chánh pháp mà bánh xe luôn luôn chuyển động, của Tăng là những người có trách nhiệm duy trì và hoằng dương Chánh pháp tại thế gian này.

Ở cố đô Huế, ngoài hai chùa Trúc Lâm và Thiên Mụ, còn có một số chùa cổ khác như chùa Diệu Đế, chùa Quốc Ân, chùa Từ Đàm, chùa Báo Quốc, chùa Tường Vân, chùa Thuyền Tôn v.v... phần lớn tọa lạc ở bờ phải sông Hương.

Thế nhưng trong cả nước, thì số chùa cổ tập trung nhiều hơn cả là ở miền Bắc, nơi có trung tâm Phật giáo và Phật học Luy Lâu nổi tiếng, với những cao Tăng xuất phát từ đây sang giáo hóa ở miền Nam Trung Hoa, nơi đã tổ chức dịch bộ kinh xưa nhất trong văn hệ Bát-nhã, tức bộ Bát Thiên Tụng Bát-nhã và nhiều bộ kinh Đại thừa khác.

Trong đó thì bộ kinh thuộc văn hệ Bát-nhã, được Lokasema, người đồng đại với An Thế Cao dịch vào năm 172 T.L. lại là cuốn Astadasasahasrika (18.000 tụng), không phải là bộ xưa nhất. Một sự kiện nữa đáng chú ý là cuốn kinh Kim Cương Bát-nhã được Thiền sư Việt Nam Thanh Biện, thuộc thế hệ thứ tư dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, trì tụng hằng ngày phải xuất hiện sớm hơn non hai thế kỷ so với cuốn kinh Kim Cương Bát-nhã được ấn tống lần đầu tiên ở Trung Hoa vào năm 868, tháng 5 ngày 11. Lịch sử ngành in thế giới ghi nhớ ngày này, như là ngày cuốn sách in đầu tiên ra đời, mà đó lại là một cuốn kinh Phật. Thế nhưng, theo cuốn "Thiền Uyển Tập Anh" cuốn lịch sử Phật giáo xưa nhất, viết vào đời Trần, thì Thanh Biện tịch vào năm 686, do đó điều chắc chắn là Thanh Biện đã sử dụng một bản kinh Kim Cương khác, có thể là đã được chuyển thẳng từ Nam Ấn Độ sang, và được dịch ở Việt Nam, bởi những cao Tăng Việt Nam thông cả chữ Phạn và chữ Hán.

Chi tiết trên tuy nhỏ, nhưng đủ nói lên tính xa xưa của đạo Phật Việt Nam, của Trung tâm Phật học Luy Lâu, và của những chùa tháp Việt Nam được xây dựng vào thời bấy giờ mà kiến trúc và điều khắc chắc là mang dấu ấn ảnh hưởng của Ấn Độ, nhiều hơn là của Trung Hoa. Những chùa tháp Việt Nam đó hiện nay không còn nữa, thế nhưng bóng dáng của chúng, ảnh hưởng của chúng tiếp tục lưu lại phảng phất trong các chùa tháp đời Lý và đời Trần.

Chùa tháp đời Lý Trần hẳn là đã được xây dựng khá phổ biến, và có quy mô khá to lớn, cho nên Lê Văn Hưu, sư gia đời Trần nói về chùa tháp đời Lý, đã có những câu như:

"Xây chùa cao ngất trời, trồng cột chùa đá chạm, chùa Phật lộng lẫy hơn cả cung vua, dân quá nửa là Sư sãi, khắp nước chỗ nào cũng chùa chiền..." (Thơ Văn Lý Trần tập II - 368).

Rất có thể là Lê Văn Hưu muốn nói tới hai ngọn tháp mà Lý Thánh Tông cho xây, một ở Thăng Long (Hà Nội), tức la tháp Báo Thiên, và hai là tháp Lạn Kha ở chùa Phật Tích và một số tháp khác nay đều không còn nhưng được nhắc tới trong sách sử với những thông số chiều cao làm chúng ta ngạc nhiên, và không thể không đặt câu hỏi: Tháp chùa Phật Tích cao ngàn trượng? Tháp chùa Báo Thiên cao vài mươi trượng, cột đá ở chùa Một Cột Hà Nội cao 10 trượng, tháp Chương Sơn còn để lại cạnh chân dài 19 mét. Nếu tính đại khái 3 trượng bằng 1 mét Tây, thì độ cao của các tháp đời Lý quả là đáng kể vậy. Tương truyền, khi tháp Phật Tích đang còn, thì từ ở Thăng Long (Hà Nội), người ta có thể nhìn thấy đỉnh tháp Phật Tích.

Tháp Báo Thiên dựng ở chùa Sùng Khánh Thăng Long do sắc chỉ vua Lý Thánh Tông, năm Long Thụy Thái Bình thứ năm (l056) là một ngọn tháp 12 tầng, cao hơn 80 mét, vốn dược vua đặt tên là Đại Thắng Thiên Bảo Tháp, gọi tắt là tháp Báo Thiên. Ngày xưa, nói tới bốn công trình kiến trúc và điêu khắc lớn của Việt Nam, thì tháp Báo Thiên là một. Khi tướng nhà Minh, Vương Thông bị quân của Lê Lợi - Nguyễn Trãi vây hãm trong kinh thành, Vương Thông đã cho dỡ phá tháp Báo Thiên, lấy vật liệu để xây công sự (1414). Nền tháp to rộng không khác gì ngọn đồi. Đến thế kỷ 18 (1791), người ta đào được ở đây, tám pho tượng Thần Kim Cương, chia đứng trấn 4 cửa, những tượng người, tiên, chim muông, giường ghế đều bằng đá nhiều không kể xiết” (theo sách Tang Thương Ngẫu Lục).

Chóp tháp bằng đồng, tương truyền là do sư Không Lộ đời Lý vẽ kiểu và đúc, với số đồng do Sư dùng phép thần thông lấy được trong kho của vua nhà Tống ở tận Nam Kinh. Số đồng lấy về nhiều đến nỗi sư Không Lộ còn dùng để tạc tượng Phật ở chùa Quỳnh Lâm, đúc chuông Quy Điền cho chùa Diên Hựu, và vạc ở chùa Phổ Minh. Đó là bốn công trình điêu khắc lớn nhất, đẹp nhất, nổi tiếng nhất thời bấy giờ, gọi là "Việt Nam Tứ Đại Khí”, và do một tay sư Không Lộ làm ra cả. Một Thiền sư đồng thời là một kiến trúc sư, một thợ đúc đồng có kỹ thuật, sau này được ngành đúc đồng Việt Nam suy tôn là Tổ đúc đồng của Việt Nam, và có đền thờ tại phường Lò Đúc Hà Nội. Vâng, chỉ là huyền thoại, nhưng nó cho thấy các Tăng sĩ Việt Nam thời Lý có nhiều tài, nhiều nghề, và giúp ích nhiều và thiết thực cho cuộc sống của người dân.

Bài thơ vịnh tháp Báo Thiên của Nho sĩ Phạm Sư Mạnh cũng cho chúng ta một ý niệm về độ cao của tháp, cũng như kiến trúc tráng lệ của nó:

"Trấn áp Đông Tây giữ đế đô,
Hiên ngang một tháp đứng trơ vơ,
Non sông vững chãi tay trời chống,
Kim cổ không mòn đỉnh tháp nhô,
Thỉnh thoảng gió lay chuông ứng đáp,
Đến đây những muốn đầu ngòi bút,
Chiếm lấy sông xuân làm mực đề thơ..."

Những câu như

"Non sông vững chãi tay trời chống,
Kim cổ không mòn đỉnh tháp nhô".

Hay là câu:

"Trấn áp Đông Tây giữ đế đô".

Không những gợi cho chúng ta một ý niệm về quy mô của tháp, mà cả về vị trí, vai trò của đạo Phật như là một Quốc giáo, bảo vệ quốc gia và dân tộc.

Chừng nào mà những tư tưởng cơ bản của giáo lý đạo Phật như lòng từ, lòng bi, hạnh trí tuệ, hạnh hiếu sinh và hiếu hòa, hạnh vô ngã vị tha vẫn còn là những yếu tố cấu thành khắng khít của truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, chừng nào mà đạo Phật Việt Nam còn hòa quyện với dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam như là nước với sữa, thì đạo Phật cũng sẽ tồn tại vĩnh cửu như là dân tộc Việt Nam vậy.

Câu thơ của Phạm Sư Mạnh:

"Thỉnh thoảng gió lay chuông ứng đáp".

Cho thấy tháp Báo Thiên có mắc nhiều chuông nhỏ, mỗi lần có gió thoảng qua là có tiếng chuông reo, như là tiếng nhạc Trời. Kiểu trang trí chuông nhỏ như thế này không còn thấy ở các chùa Việt Nam hiện nay nữa, nhưng chắc là có phổ biến ở các chùa đời Lý, và có thể là một kiểu trang trí du nhập từ Ấn Độ. Khi qua Ulan Ude, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa tự trị Bouriate (Thuộc Liên Xô cũ) tôi thấy các chùa lớn ở đây đều có trang trí chuông nhỏ như vậy trên các tháp chùa màu vàng óng ánh rất đẹp, và mỗi lần có làn gió thổi qua, dù là nhẹ, chúng ta lại nghe tiếng chuông reo không khác gì nhạc Trời.

Dân gian có câu:

Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt.

Phong cảnh Bụt là phong cảnh đẹp, nhưng không chỉ đẹp mà còn có chùa, có Tăng Ni, có tiếng chuông mõ tụng kinh, thập phương tín đồ dập dìu cho nên gọi là phong cảnh Bụt chăng? Hay là phong cảnh Bụt chỉ cho một phong cảnh đẹp một cách siêu thoát, xa trần tục.

Nhưng có điều chắc là ở nước ta, đặc biệt là ở miền Bắc việt Nam, những nơi nào là cảnh đẹp đều có chùa. Chùa hòa mình vào thiên nhiên, làm cho thiên nhiên thêm đẹp một vẻ đẹp sinh động nhưng vẫn siêu thoát. Hợp từ danh lam thắng cảnh, rất thông dụng ở Việt Nam hiện nay thấy nơi nào đã là thắng cảnh là có danh lam, tức là chùa danh tiếng. Tất nhiên, lập chùa trước hết là do nhu cầu tín ngưỡng của dân chúng, cho nên ở Việt Nam có nhiều chùa làng, chùa chợ, chùa ở đô thị v.v... Chùa Việt Nam không những hòa mình vào thiên nhiên, mà còn hòa mình vào dân chúng dân tộc. Vì chùa dựng lên là để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của dân chúng, cho nên, chỉ trừ một vài ngoại lệ hiếm có, còn thì các chùa đều do dân chúng góp công góp của mà lập thành. Vị Tăng sĩ trụ trì thường chỉ đóng vai trò hóa quyên và điều khiển việc tôn tạo. Bởi lẽ, người dân Việt Nam tin rằng xây chùa, ấn tống kinh sách Phật là một công đức lớn, đồng thời chùa đối với họ là trung tâm của cuộc sống tâm linh, mà họ rất xem trọng hơn cả cuộc sống vật chất của họ nữa. Đó là lý do chùa trở thành một cảnh quan kiến trúc phổ biến ở nước ta, rất tiêu biểu cho đất nước và dân tộc ta. Hai câu thơ dân dã:

Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông.

đủ nói lên vì sao người dân Việt Nam yêu quý và coi trọng chùa chiền. Thái độ của người dân Việt Nam, ngay những Nho sĩ kích bác đạo Phật nặng nề nhất cũng bắt buộc phải thừa nhận. Nho gia Lê Quát viết trên văn bia chùa Thiên Phúc ở Bắc Giang như sau:

"Học Phật lấy điều họa phước làm động lòng người, sao mà sâu xa bền chắc đến thế. Trên từ vương công, dưới đến thứ dân, hễ làm cái gì thuộc về việc Phật, tuy đem hết gia tài cũng không tiếc. Nếu hôm nay đem tiền của để làm chùa, xây tháp thì hớn hở vui vẻ như trong tay đã cầm được cái biên lai để ngày sau đi nhận được số tiền trả báo lại. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, đường cùng ngõ hẻm, chẳng khiến mà theo, chẳng thể mà tin, hễ chỗ nào có nhà người ở thì có chùa Phật. Bỏ đi thì làm lại, hư đi thì sửa lại. Lâu đài chuông trống cũng bằng phân nửa nhà thiên hạ ở..."

Tôi cho rằng, cho đến nay, chưa có một bài văn bia nào nói lên được một cách sinh động hơn tính phổ cập của tín ngưỡng Phật giáo trong nhân dân Việt Nam bằng bài văn bia của Lê Quát, một Nho sĩ không tán thành Phật giáo và kích bác Phật giáo. Tất nhiên, ngày nay Phật giáo không còn có vị trí quốc giáo như dưới hai đời Lý và Trần nữa. Nhưng cái hạt giống tin Phật, thờ Phật, trân trọng Tam Bảo từ lâu đã nảy mầm, có gốc rễ sâu bên trong lòng người dân Việt Nam.

Như quý vị đều biết, một số chùa cổ ở miền Bắc như chùa Một Cột, chùa Vĩnh Nghiêm đã được xây lại mới, ở trong Nam, như chùa Nhất Trụ (Một Cột) ở Thủ Đức, chùa Vĩnh Nghiêm ở giữa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Chùa Vĩnh Nghiêm ở Hà Bắc vốn xây dựng từ thời nhà Lý, về sau trở thành một Tổ đình lớn của phái Trúc Lâm Yên Tử dưới đời nhà Trần.

Khách hành hương từ Hà Nội lên Yên Tử thường dừng chân ở chùa Vĩnh Nghiêm. Từ khi Pháp Loa, vị Tổ thứ hai của phái Thiền Trúc Lâm đến trụ trì chùa, thì chùa Vĩnh Nghiêm trở thành một trung tâm Phật giáo danh tiếng của Giáo hội Trúc Lâm. Từ đây và ở đây, Tôn giả Pháp Loa đã có những quyết định quan trọng chấn chỉnh Tăng đoàn, như ba năm một lần tổ chức sát hạch Tăng sĩ, người tuy đã thụ giới nhưng tỏ ra không đủ tư cách và học vấn đều không được cấp lại độ điệp, tức một loại chứng minh thư của Tăng sĩ thời bấy giờ. Chính Huyền Quang, sau này trở thành vị Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm, khi còn là Trạng nguyên và làm quan, đã từng theo vua Trần Nhân Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Pháp Loa thuyết pháp,được giác ngộ và xin phép vua cho từ quan xuất gia. Trong dân gian có câu:

"Ai qua Yên Tử Quỳnh Lâm,
Vĩnh Nghiêm chưa tới, Thiền tâm chưa đành".

Bản thân tôi đã từng được đến viếng ngôi chùa cổ này, được chiêm ngưỡng tượng ba vị Tổ của phái Thiền Trúc Lâm, được nhìn nhiều bức chạm gỗ rất có giá trị nghệ thuật, cũng như nhiều bản khắc các bộ kinh Đại thừa quan trọng, như kinh Hoa Nghiêm v.v... đều là những bảo vật của chùa.

Chính Trúc Lâm đệ tam Tổ Huyền Quang cũng đã có thơ vịnh chùa Diên Hựu tức chùa Nhất Trụ hay chùa Một Cột, một kiến trúc độc đáo của Phật giáo đất Thăng Long. Thiền sư thi sĩ đã tả cảnh chùa dưới trăng thu, trên hồ lạnh, giữa tiếng chuông ngân. Chùa Vĩnh Nghiêm cũng như chùa Nhất Trụ tại Thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng vì kiến trúc đặc biệt của nó, và cũng nổi tiếng vì kế thừa nét kiến trúc, Thiền vị và tên gọi của hai danh lam cổ tự tại Thăng Long.

Nói đến các chùa cổ ở miền Bắc, không thể nào không nhắc tới cụm chùa trên núi Yên Tử.

Tôi có đọc bài giới thiệu cụm chùa núi Yên Tử của cụ Hoàng Xuân Hãn, đăng trong Tập San Khoa Học Xã Hội số 5 năm 1978, do Hội Khoa Học Xã Hội Việt Nam tại Pháp xuất bản. Sau khi giới thiệu khá chi tiết các chùa, am, tháp trên núi Yên Tử, cụ Hoàng Xuân Hãn đặt vấn đề nên có kế hoạch "bảo tồn, tu chỉnh và tái tạo hệ thống kiến trúc và sử học Yên Tử như một cao điểm của văn hóa Việt Nam, cùng các vị trí gần như Côn Sơn, Kiệt Đặc v.v...” Cụ gợi ý là "cùng với vịnh Hạ Long ở kề phía Đông, Yên Tử có thể tạo thành mội hệ thống du quan quốc tế và quốc nội".

Cụm chùa Yên Tử là biểu trưng sinh động của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông thành lập và làm sơ Tổ. Còn các phái Thiền trước đó đều do những người ngoại quốc hoặc Ấn Độ hay Trung Hoa thành lập và làm sơ Tổ. Phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, với vua Trần Nhân Tông không những đã kế thừa, và tiếp thu có chọn lọc sáng tạo tất cả những gì tinh hoa nhất, tích cực nhất của các phái Thiền trước đó, mà còn khéo kết hợp một cách thật sự nhuần nhuyễn nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân với nhu cầu chính trị bảo vệ nền độc lập quốc gia và dân tộc. Tôi nghĩ rằng, nếu Trần Nhân Tông và Giáo hội Trúc Lâm không làm tốtđược sự kết hợp đó, thì dân tộc chúng ta ắt khó chiến thắng được quân xâm lược Nguyên Mông, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, mà Trần Nhân Tông phải đích thân chỉ đạo. Tư tưởng chủ đạo của Thiền đời Trần sớm đã do Quốc sư Trúc Lâm nói với vua Trần Nhân Tông, khi vua Thái Tông lên núi Yên Tử, muốn xuất gia cầu Phật.

"Sơn bổn vô Phật, duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật". Nghĩa là "Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có ở trong tâm. Tâm lặng mà biết, đó là Phật thật". Nói cách khác, hãy tu tập tâm, rèn luyện tâm để tâm trở thành vắng lặng, sáng suốt thì sẽ thành Phật, chứ không nhọc cầu ở đâu bên ngoài, dù là ở trên núi, trong chùa hay là trong kinh sách. Chùa hay kinh sách chỉ là phương tiện dẫn tới Phật, chứ không phải là Phật thật. Phật thật chính là lòng mình, được làm cho vắng lặng và sáng suốt. Muốn cho lòng được vắng lặng và sáng suốt, thì phải sống nếp sống đạo đức Phật giáo, giữ năm giới, mười thiện, thấy vị ngọt nhưng cũng thấy mối nguy của các dục vọng, sống luôn chánh niệm tỉnh giác, sống giữa đời mà không lụy với đời, giữa thanh sắc mà không vướng mắc thanh sắc, đúng như trong kinh Kim Cang nói:

"Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm"

Nghĩa là tâm của người ngộ đạo không trụ, không chấp trước, không vướng mắc vào thanh sắc, vào ngoại trần, nhờ đó mà được hoàn toàn tự do, tự tại, thật sự giải thoát, đạt tới sự vắng lặng sáng suốt của bậc Thánh. Tâm vắng lặng sáng suốt, đó là bí yếu nên sức mạnh của Phật giáo đời Trần, sức mạnh của dân tộc ta dưới đời Trần.

Phật giáo đời Trần tạo cho người hiểu đạo sức mạnh của nội tâm, là sức mạnh thật sự. Đó là sức mạnh của Trần Thái Tông, khi ông tuyên bố có thể rời bỏ ngai vàng lúc nào cũng được, như bỏ chiếc giày rách. Đó là sức mạnh của Trần Bình Trọng, khi ông thét vào mặt quân Nguyên, muốn dụ dỗ mua chuộc ông: "Thà làm ma phương Nam, không thèm làm vương phương Bắc", là sức mạnh của Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt giữa đường, quân lính của Trần Hưng Đạo thọc dáo vào đùi, vẫn ngồi yên không đứng dậy v.v... Sức mạnh Phật giáo đời Trần còn ở chỗ đó là Phật giáo không phải riêng của Tăng lữ, mà là của mọi người. Trong cuốn Khóa Hư Lục, Trần Thái Tông viết:

"Mạc vấn đại ẩn, tiểu ẩn, hưu biệt tại gia xuất gia, bất câu Tăng tục, chỉ yếu biện tâm ..."

Ý tứ là: Không thể là ẩn dật lớn hay ẩn dật nhỏ, không kể là xuất gia hay tại gia, không kể là Tăng hay tục, chỉ cần biện tâm...

Biện tâm, theo Trần Thái Tông là tu tập tâm, tìm hiểu tâm, rèn luyện tâm, từ tâm mê mờ biến thành tâm sáng suốt, từ tâm hướng tà biến thành tâm hướng thiện, từ tâm tán loạn biến thành tâm định tĩnh. Người nào biết biện tâm như vậy, tức là người đó sẽ là bậc Thánh trong đạo Phật, dù có tu ở trong chùa (ẩn dật nhỏ), hay là sống ngoài đời (ẩn dật lớn). Một đạo Phật hướng nội, biện tâm, một đạo Phật của mọi người ... đó chính là sức mạnh của đạo Phật đời Trần, của phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, là những giá trị tinh thần bất hủ, là vũ khí giúp dân tộc ta ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông, đã từng làm mưa làm gió trên một nửa phần Châu Á và Châu Âu, thời bấy giờ.

Trong bài thơ vịnh Yên Tử, nhà Nho Phạm Sư Mạnh, tuy không có cảm tình với Phật giáo, vẫn thốt lên những câu xác nhận mối quan hệ giữa Yên Tử và cuộc chiến thắng quân Nguyên Mông dưới đời Trần:

"Nhớ xưa Trần Trung Hưng,
Khéo xoay vần trời đất,
Ngàn chiến thuyền mặt nước,
Ngàn cờ tinh đầu non,
Trở tay vựng xã tắc,
Hôi tanh sạch giang sơn,
Đến này dân bốn bể
Lâu dài ghi thắng Nguyên ..."

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (Ban Phật giáo Việt Nam) vừa rồi có nhận được từ ngoài Bắc hai tài liệu đáng quý về Trần Nhân Tông:


Một là một số bức ảnh về chùa Minh Khánh, nơi Trần Nhân Tông lui tới nhiều lần, và có để lại một huyết thư và chín viên ngọc Xá-lợi. Theo sử liệu, thì sau khi Pháp Loa tổ chức hỏa táng, Xá-lợi của Trần Nhân Tông được chia làm ba phần: một phần để ở tháp Huệ Quang trên Yên Tử, một phần để ở tháp Phổ Minh, tại làng Tức Mặc, quê hương nhà Trần, và một phần thứ ba để tại Đức Lăng, hiện không rõ ở đâu. Phải chăng Đức Lăng chính là xã Thanh Bình, huyện Nam Thanh (Hải Hưng), nơi có chùa Minh Khánh, nơi nhân dânđã phát hiện ra Xá-lợi của Trần Nhân Tông, bốn đạo sắc của nhà Hậu Lê, nói về bức huyết thư của Trần Nhân Tông để lại chùa. Do đó, chùa đã được Bộ Văn hóa phát bằng công nhận là Di tích Lịch sử có ý nghĩa quốc gia. Tôi có đem theo đây ba bức ảnh về cảnh chùa, do Ban Trùng tu chùa gởi cho thầy Mạn Đà La, tôi cũng xin phép giới thiệu cho quý vị xem. Cửa chùa gọi là Trúc Lâm môn (cửa Trúc Lâm). Câu đối hai bên cửa chùa.

"Minh Khánh thiên thu Nhân miếu phụng,
Thanh Bình vạn cổ huyết thư hương".

Có nhắc tới Trần Nhân Tông và bức huyết thư của ngài. Thanh Bình là tên xã và Minh Khánh là tên chùa. Hiện nay Ban trùng tu chùa Minh Khánh đang tổ chức tu bổ lại chùa, dựng lại tam quan và soạn một cuốn sách nhỏ "Vua Trần Nhân Tông và chùa Minh Khánh" nhằm giới thiệu chùa, kêu gọi sự đóng góp của đồng bào Phật tử trong nước và hải ngoại để cho công việc trùng tu chùa được hoàn thành nhanh chóng.

Tài liệu thứ hai mà Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nhận được là Viện Hán Nôm, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Một bản thảo sưu tập mang đầu đề “Chùa cổ Việt Nam" với gần 500 mục từ, sắp xếp theo vần ABC, dựa vào xử lý, tổng hợp 150 thư tịch thuộc loại tài liệu cơ bản. Hiện chúng tôi đã giao cho Ban Phật giáo Việt Nam, thuộc Viện chúng tôi đọc và nhận xét về giá trị khoa học của bản thảo.

Tôi hy vọng Thiền viện Trúc Lâm, dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Thích Thiện Châu và sự cộng tác của quý vị, của đông đảo các nhà Phật học Việt kiều tại Pháp, sẽ trở thành một trung tâm Phật học có tầm cỡ quốc tế sẽ nghiên cứu theo chiều sâu và giải quyết nhiều vấn đề mà giới Phật học quốc tế đang quan tâm.

Và, với tư cách Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tôi xin chính thức đặt vấn đề phối hợp công tác nghiên cứu giữa Thiền viện Trúc Lâm của quý vị và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, nhằm nghiên cứu và làm sáng tỏ một loạt vấn đề Phật học Việt Nam và quốc tế. Hình thức hợp tác có thể là traođổi các công trình, tài liệu nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu chung một số vấn đề Phật học Việt Nam và quốc tế. Thí dụ một số vấn đề mà hiện nay Phật giáo Việt Nam và Ban Phật giáo chuyên môn, trực thuộc Viện chúng tôi đang nghiên cứu và đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, như "Những đặc điểm của Phật giáo Việt Nam” (khác với Phật giáo Trung Hoa), “Thiền học của Trần Thái Tông”, “Phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử", "Phân kỳ và phân phái trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ”, “Đạo đức Phật giáo”, “Giáo dục Phật giáo”, “Thiền Việt Nam” v.v...

Vì Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc gần thành phố Paris có được nguồn thông tin cập nhật và phong phú. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam rất mong được Thiền viện Trúc Lâm cung cấp kịp thời và đầy đủ những tư liệu thông tin đó.

Để kết thúc bài nói chuyện của tôi, tôi xin thành tâm cầu chúc cho Thiền viện Trúc Lâm của Thượng tọa Thích Thiện Châu và quý vị sẽ đóng vai trò xứng đáng như là biểu trưng sinh động cho nền Phật giáo của dân tộc tại hải ngoại, tại nước Pháp, ở đây có đông đảo Phật tử Việt kiều, thường xuyên hướng về Tổ quốc thân yêu, và Phật giáo nước nhà.

HT Thích Minh Châu



Có phản hồi đến “Chùa Việt Nam Và Mối Liên Hệ Với Nền Văn Hóa Dân Tộc”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com