Một mùa an cư kiết hạ vừa sang trang cũng là lúc tăng ni xuất gia khắp nơi được đón mừng thêm một tuổi mới đầy phúc lạc trong đạo pháp. Nhìn khắp các đạo tràng với hùng tâm tu hành hiện giới tướng trang nghiêm, một Phật tử kém duyên kém phước như con ở hải ngoại cũng thấy hoan hỷ biết nhường nào. Để tạo nên những trường hạ an cư viên mãn là biết bao tâm tư của những bậc lãnh đạo trưởng thượng ngày đêm nghĩ suy đào tạo tăng tài, kế thừa sự nghiệp Phật pháp truyền đăng tục diệm cùng rất nhiều trăn trở mệt mỏi trầm tư ở phía sau.

Xem thêm:

Phật Ở Đâu Rồi Nhật Bản Ơi!

Là một Phật tử, con biết mình không được phép mạn đàm chuyện của người tu sĩ, chỉ biết cố gắng lo tu hành cho bản thân đáp đền tứ trọng ân như ngày đầu con phát tâm quy y vào cửa Phật. Tuy nhiên, bảy năm qua đến với cửa Phật, được có duyên về Việt Nam ba lần, đi khắp nhiều đạo tràng trong Nam ngoài Bắc, kể cả ở nước ngoài, lòng con nghèn nghẹn nhiều suy tư và đôi khi đã từng bị mất phương hướng khi trực diện đến các ngôi chùa mà con từng ngưỡng mộ.

Phước duyên làm người quản trị trên trang nhà Linh Sơn Phật Giáo bé nhỏ, ngày ngày đối diện với rất nhiều thông tin và tâm tư của các Phật tử vì sao quy y và mong muốn được đến chùa để làm gì, con biết những nghĩ suy của mình cũng tương đồng với nhiều trăn trở khác của nhiều Phật tử. Thiết nghĩ đó là những suy tư chân chánh của hàng Phật tử tại gia nguyện mong mái nhà đạo Pháp được vững bền và tốt hơn, xin cho chúng con được bày tỏ một vài cảm nhận ở đây và xin quý tôn túc lãnh đạo, quý thầy tổ hoan hỷ lượng thứ cho tâm cạn suy của chúng con nếu những điều ấy là không đúng, bất thiện.

Việc đầu tiên chúng con đến chùa vì cần thoát những ô nhiễm bên ngoài thanh lọc tâm mình, cần một chút bình yên cho chính mình để bớt khổ, bớt buồn hoặc đơn giản chỉ để ngắm cảnh thanh tịnh một mình. Chúng con mong đến những ngôi chùa ngăn nắp, gọn gàng, cảnh quang nếu có cũng hài hòa, sạch đẹp hoặc chùa tuy bé, không được rộng thì đó cũng thật sự là một mái nhà lam đúng nghĩa. Ở chùa người tu không quá nhiều đồ đạt như ở ngoài thì việc thanh bần giản dị, sạch đẹp, bảo vệ môi trường cảnh quang thanh tịnh phải luôn được quan tâm.

Vậy mà hiện nay, rất nhiều chùa vừa bước đến, chúng con đã ngộp thở vì những đại công trình vĩ đại, những tượng Phật, bảo tháp rợp khắp chùa với mức độ quy mô, hoành tráng mà đôi khi chúng con cũng không biết để làm gì. Có chùa toàn chưng bày những loại cây kiểng đắc tiền, rất quý hiếm ở ngoài và chăm chút đến cực nhọc còn những loại pháp bảo, tôn tượng bằng những loại đá quý, gỗ hiếm ngàn năm, chùa sau tượng to và cao hơn chùa trước để xác lập những kỷ lục còn việc duy trì bảo vệ sau đó như thế nào không ai hay. Có nhiều lúc con thấy những pho tượng ấy to gấp mấy lần cả chùa không biết có đứng vững nổi không.

Ngày xưa Đức Phật và các vị Tổ Sư toàn tu trong hang, trong cốc nhưng ai cũng an lạc, thảnh thơi. Nhiều bạn bảo vào chùa không dám bước vô vì thấy sang quá, đâm ra so sánh chùa này giàu, chùa kia nghèo, thầy kia sang tiền hô hậu ủng, thầy kia kém tu nên nghèo, xe cộ cứ gọi là cả đội xe siêu sang. Từ đó, nhiều bạn đâm ra ngộ nhận đánh giá đạo hạnh của một vị tu sĩ qua số lượng Phật tử đi theo và ở bề ngoài như là tiêu chí thành công hay không. Đúng là mỗi thời mỗi khác, xe hơi chỉ là phương tiện giúp quý thầy đi lại hoằng pháp dễ dàng hơn nhưng nhìn dàn xe siêu sang, bất giác các Phật tử nghèo khó chạnh lòng vì không biết sự thanh bần giản dị của chùa ở đâu và tự thấy không dám đến chùa.

Cuộc sống ở ngoài đã làm chúng con quá mệt mỏi vì sự tranh dành đố kỵ hơn thua, toan tính và người ta sẵn sàng sát hại lẫn nhau không kể tình thâm chỉ vì tiền của lợi danh. Giáo lý nhà Phật là kim chỉ nam giúp chúng con vượt khổ đứng dậy. Do đó, chúng con muốn đến chùa để được thân cận quý tăng ni thật sự tu hành, toàn tâm hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh.

Vào đến chùa, điều làm chúng con có ấn tượng và đặt niềm tin đầu tiên là oai nghi và đạo hạnh của vị tăng ni ấy. Có lẽ sẽ có người bảo chúng con chấp tướng nhưng là hàng Phật tử sơ cơ, chúng con phải dò từng bước cho chính mình. Chúng con muốn biết oai tướng của vị thầy, vị sư cô ấy có đúng phong thái của một người tu không, cung cách ăn nói, tiếp xúc, trả lời cho Phật tử như thế nào, có thật sự mang lại an lạc cho chúng con trong sự khiêm cung không và có đủ sự nhẫn nhịn, tâm rộng mở để đón nhận những luồng tư tưởng khác nhau và giúp chúng con tháo gỡ tâm mình.

Ở ngoài đời, chúng con bằng cấp không hề thiếu, địa vị cũng không thua ai, danh lợi tiền bạc của thế gian cũng đủ đầy nhưng vẫn khổ và khổ. Con ở nước ngoài, làm bác sĩ, sống trong thế giới toàn tri thức, cấp cao, tiện nghi đầy đủ nhưng cũng không thấy sự an lạc cho chính mình vì danh vọng càng cao, khổ ải càng nhiều. Lý do chúng con tìm đến chùa, tìm đến những con người theo gương Đức Phật ngày xưa sẵn sàng bỏ hết tất cả lợi danh vì sanh chúng nhưng vẫn sống an lạc.

Chúng con muốn tìm đến những con người dám làm những việc chúng con không thể làm, dám đi con đường chúng con không dám đi và dám bỏ hết những gì chúng con đang ngày đêm tranh đấu. Chúng con muốn học bí quyết và phương cách gì mà những vị thầy, vị sư cô ấy đã làm, dù sống quá giản dị mà ai cũng hạnh phúc, an lạc còn chúng con cái gì cũng có mà càng có càng khổ.

Vì vậy, chúng con vào chùa chỉ mong gặp những vị thầy có sự tu hành thật thụ, giới tướng trang nghiêm chứ không phải tìm những vị có bằng cấp rẫy đầy, có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, để cảm thấy tự hào rằng chỉ có những vị ấy mới là người hiểu biết về Phật pháp giảng dạy cho chúng con. Với những bằng cấp ở ngoài, chúng con không hề thiếu và có thể dùng kiến thức, khả năng của mình giảng dạy cho sinh viên, học sinh nhưng đó chỉ là kiến thức suông. Chúng con không quan tâm vị thầy ấy có bằng cấp gì, chức vụ lãnh đạo gì mà chỉ quan tâm vị ấy có thật sự tu không, giới tướng có trang nghiêm không, năng lực tu hành như thế nào, có dành thời gian tiếp chuyện chúng con không và dùng khả năng tu hành thật thụ của mình để hướng dẫn, tháo gỡ tâm tư chúng con.

Thời ban đầu mới bước vào cửa Phật, có thể vì phương tiện chúng con cũng thích nghe người này giảng hay, người nọ nói tốt như ở ngoài là năng lực của những giáo sư đứng lớp vậy. Tuy nhiên ở cửa Phật, chúng con cần sự thực nghiệm đúng nghĩa, không phải lý thuyết suông. Một khi đã có ít nhiều hiểu biết về Phật pháp, chúng con muốn tìm những vị thầy thật tu, giữ giới, oai nghi tế hạnh viên tròn chứ không tìm người có bằng cấp, chỉ có nói mà không có tu.

Lẽ dĩ nhiên ở ngoài, chúng con vì lợi vì danh còn có thể diễn nói hơn như vậy. Chúng con có thể cũng sẽ bắt chước đọc một số bài giảng, bài viết rồi dùng tri kiến bất thiện của mình nói pháp trên trời bày tỏ kiến thức, hiểu biết của mình như chúng con hay làm ở ngoài, không biết cũng phải như biết. Tuy nhiên, tận trong tâm, chúng con biết đó là không đúng, là đi ngược lại với nhân quả, chỉ lòe bịp thiên hạ chứ bản thân mình vẫn chỉ khổ đau rẫy đầy và lại quay về đi tìm thầy chân chánh mà thôi.

Con làm việc trên thế giới mạng và thỉnh thoảng cũng phải tiếp chuyện với một số quý sư thầy, sư cô dù con hạn chế càng nhiều càng tốt. Nhìn trong thế giới facebook, con thấy rất nhiều tài khoảng của quý thầy, quý sư cô mà con không biết nên vui hay nên buồn. Có người dùng tài khoảng chỉ để phô diễn bản thân là chính, đi đâu làm gì chụp ảnh khoe hình y như là những người thường và đôi khi chia sẻ những thông tin quá nguy hiểm, kể cả chống đối ai đó.

Nếu ai có tài khoảng facebook, làm trong thế giới mạng đều biết việc này tốn thời gian thế nào, nhất là hút vô thế giới mạng giữa rừng tâm dẫy đầy tri kiến. Trong khi đó, thời khóa tu học theo con biết rất bận rộn, chuyện chùa độ chúng rẫy đầy vậy thời gian đâu vẫn cập nhật thông tin thường xuyên lên facebook câu view, chờ đợi bình luận, trao đổi với mọi người. Nhiều vị dùng tài khoảng một cách quá khích như một sân nhà để chỉ trích, để công kích người khác, kể cả các vị thầy , vị tổ Sư tôn kính và đến giáo pháp, kinh điển của Đức Phật cũng không tha.

Có nhiều vị con phải tiếp xúc vừa thấy thương và cũng thấy buồn cười. Khi có vị thầy biết con ở Mỹ chỉ muốn hỏi con giá thành của Iphone đời mới ra nhất, làm thế nào mua được trong khi tiện nghi vật chất con không hề biết và không dùng vì quá tốn kém, không biết để làm gì. Có vị đang học thạc sĩ ở một nước Á Châu nào đó lại tâm sự nói với con đang cố gắng bằng mọi cách sang Mỹ hoặc hỏi con làm thế nào để có học bỗng sang Mỹ du học.

Con cũng hiểu quý thầy còn khá trẻ, chỉ là những mong muốn của con người bình thường, không phải là người tu như một ông Cụ non mặc chiếc áo khóa mình dù nhiều vị tự xem chuyện đi du học, chuyện có bằng cấp cao, ở các nước tiên tiến mới là sự thành đạt. Có vị quanh năm suốt tháng chỉ muốn học và nghiên cứu, không dám trở về chùa trực diện tu hành, hoằng pháp độ sanh. Có vị suốt ngày chụp ảnh chụp hình lễ hội nọ, đi nước kia, với người nọ người kia mà con không thấy các thầy ấy tu như thế nào, đã làm gì đáp lại bá tánh thập phương thầy tổ đã cung dưỡng mình, chỉ bảo sẽ học lên thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài mới là mục đích.

Nghe những điều ấy, con buồn đến não lòng. Con có nói các thầy ấy nếu là con, con sẽ bỏ hết để trở về tu hành, quay về thực tu theo giáo lý nhà Phật, chiêm nghiệm giáo lý Phật Đà. Ở nước ngoài biết bao nhiêu là những người Âu Mỹ có tất cả nhưng vẫn đang quay về với Phật pháp, bỏ hết lợi danh để tu hành thì tại sao những sứ giả Như Lai thật thụ lại bỏ ngọc tâm đi tìm rác cản trở đường tu hành của mình ở ngoài.

Nếu tiền tài bằng cấp là mục đích, đáng lẽ rất nhiều người ở phương Tây và cả con phải là người hạnh phúc nhưng chúng con chưa có một ngày bình an. Ở nước ngoài con đang ở, chuyện hoằng pháp và có một ngôi chùa đúng nghĩa, các vị thầy tu đúng nghĩa là rất khó, nhiều chuyện đằng sau con không tiện nói ra vì đó là chuyện của người tu. Từ lâu rồi, con đã biến nhà thành chùa và không đến chùa thì các thầy hãy nghĩ tại sao.

Chúng con ở nước ngoài làm việc còn nhiều hơn trong nước, bằng cấp không thiếu nhưng vẫn khổ. Nếu không hiểu ý nghĩa của việc bằng cấp chỉ là phương tiện để mở rộng trí tuệ ở cửa tu, mà là mục đích chỉ sinh thêm sự cống cao ngã mạng, điều mà Phật tử chúng con rất sợ không dám đến gần. Các thầy đã có một trình độ nhất định hãy lo tu hành chân chánh còn cứ theo bão đời trong việc cần bằng, lấy bằng thì sẽ thế tục hóa Phật Giáo và Phật tử chúng con không cần những điều ấy. Chúng con cần người tu hành đàng hoàng như cha mẹ giáo dục con chỉ mong con mình trước là ngoan hiền, hiếu thảo, đạo đức vẫn hơn những đứa con tài giỏi mà ngỗ nghịch, coi trời bằng vun.

Nhiều bạn than phiền đến chùa giờ gặp được một vị thầy đã khó, gặp được thầy trụ trì lại càng khó hơn. Con cũng có cùng tâm tư này. Các chùa ở nước ngoài con không nói nhưng về Việt Nam, từ các chùa thành thị lớn cho đến nông thôn nhỏ bé, nếu phước duyên con được vô chùa, vào chánh điện lạy Phật là một may mắn. Có chùa con đến hai ba lượt nhưng cửa khóa kín. Có nhiều chùa to rộng con vào đi khắp nơi cả ngày, thưa hỏi vẫn không gặp được thầy trụ trì hay một vị thầy đại diện. Có chùa vì xây quá lớn chỉ thấy đạo tràng Phật tử ở dưới còn các tầng trên khóa kín sợ trộm cắp, chỉ mở vào một số ngày nhất định nên không có cơ duyên vào chánh điện lạy Phật. Do đó, nhiều bạn cứ thường xuyên gởi câu hỏi Phật pháp nhờ chúng con giải đáp vì không dám đến chùa, tâm lý e ngại không được tiếp đón hoặc đã đến lại thất vọng trở về.

Có bạn thắc mắc những câu hỏi đời thường ở chùa lại được cho là vô phép, không đúng, không nên hỏi. Nguy hiểm hơn, có quý vị tu sĩ lại trả lời các câu hỏi cho các bạn theo một chiều hướng rất tiêu cực, làm tâm hoảng loạn hơn, lo sợ quả đang đến như các bạn mắc một tội gì đó rất tày trời. Có bạn đến hỏi xong về lại nảy hiện suy nghĩ chùa là nơi cúng bái, là khẩn xin, là điều nọ điều kia đều do Đức Phật ban phước giáng họa nên phải suốt ngày lo cúng tế giải hạn nhưng lại không có tiền cúng dường sinh ra đau khổ.

Biết được tâm tư này, chúng con xin nhận tất cả các câu hỏi của các bạn gởi đến và HT Thích Giác Quang, viện phó Quan Âm Tu Viện đã hoan hỷ trả lời tất cả mong tháo gỡ tâm các bạn. Con vô cùng kính nể , khâm phục Hòa Thượng với cả một tâm đại từ bi, dù phải đảm trách rất nhiều Phật sự của tông phong, là phó ban trị sự Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Đồng Nai, hoằng pháp khắp nơi nhưng luôn hoan hỷ tiếp đón tất cả Phật tử có duyên đến trong niềm cung kính, khiêm nhường, trân trọng làm chúng con rất hạnh phúc và xúc động.

Hòa Thượng chưa bao giờ từ chối bất cứ điều gì Phật tử đến xin trong khả năng hay từ chối tiếp đón ai. Con cứ thắc mắc hoài Hòa Thượng không có bằng cấp thế tục gì, nơi sống lại quá thanh bần mà bất cứ ai đến cũng sẽ xúc động không ngờ nhưng đạo hạnh tu hơn 60 năm đã tan tỏa đến từng hơi thở chúng con. Trong thời đại ngày nay, việc được gặp một vị thầy đứng đầu ở chùa và giáo hội, đầy đủ oai nghi tế hạnh, trí tuệ từ bi viên dung như Hòa Thượng không khác nào mò kim đáy bể.

Có một lần con được  đến một ngôi chùa khá lớn, đạo tràng tu học rất hùng lực, nơi con mong ước bao lần và cũng có duyên tiếp xúc với thầy trụ trì dù không được nhiều. Đó là thầy trụ trì đầu tiên con có duyên tiếp xúc ngoài thầy tổ, lại là ở một ngôi chùa lớn làm con vui lắm. Tuy nhiên, người làm cho con cảm thấy ấm áp và hạnh phúc ở chùa ấy lại là một vị thầy khá già, rất phúc hậu, không ai biết đến, không bằng cấp, không phải là giảng sư đứng lớp. Vậy mà vừa nhìn thầy, con hạnh phúc lắm vì được lan tỏa một cảm giác rất an lạc. Thầy đến hỏi thăm từng người, đến hỏi thăm con, mời con vào chùa ăn cơm, nghe con trò chuyện cứ như một người ông trong khi xuyên suốt đảo mắt nhìn khắp Phật tử quan tâm. Lòng con lúc ấy chỉ ước ao giá như có thật nhiều vị thầy như vậy thì Phật tử chúng con đỡ khổ biết nhường nào vì con biết thầy chỉ suốt ngày lo tu, giúp đỡ Phật tử không nề hà bất cứ công việc gì.

Nói về những băng đĩa, sách vở của các vị giảng sư chúng con cũng thoáng buồn. Hiện nay có rất nhiều chùa tổ chức tu hành cho Phật tử, nhất là giới trẻ, thật là một điều tốt nên luôn có nhiều giảng sư đến thuyết pháp. Thời ban đầu, chúng con cũng bị choáng ngợp khi nghe đến danh xưng, nghe đến các vị giảng hay quá. Dần dà khi biết về Phật pháp và như là đã nói quá nhiều những gì cần nói, chúng con chỉ nghe như những lời xáo rỗng lý thuyết thông thường. Không phải là tất cả nhưng có nhiều băng đĩa nghe xong chúng con không một cảm giác an lạc còn thầy giảng sư như không tự chủ nổi cảm xúc của mình với những biểu hiện đầy sân si trên khuôn mặt.

Có nhiều vị cố gắng dùng phương tiện hoằng pháp băng đĩa, dàn dựng cho thật công phu thu hút tín đồ nhưng lời giảng toàn là mê tín dị đoan, theo ý kiến chủ quan của thầy ấy, đi ngược lại với pháp Phật và không thấy một chút gì về vấn đề tu hành dù luôn rao giảng tu rất hùng hậu. Nếu thầy ấy theo một pháp môn, sùng bái một vị thầy nào ấy thì bắt chước y chang như vậy, phô diễn bề ngoài và chống báng các thầy, các pháp môn còn lại. Còn về sách Phật giáo, thỉnh thoảng trang nhà chúng con nhận thư có người gởi cúng dường sách, kể cả từ một số chùa, tên rất hay nhưng đọc vào chũng con không hề thấy an lạc hay cảm nhận giáo Pháp của Phật Giáo chân chính bên trong. Cuối cùng, vẫn câu danh ngôn nhà Phật, quay về với tự thân lo tu hành.

Lễ hội ở chùa lại là một vấn đề chúng con thắc mắc. Hiện giờ như một trào lưu bắt chước lẫn nhau, những buổi lễ ở các chùa đều rất là quy mô, hoành tráng mà đôi khi chúng con cảm thấy phung phí quá nhiều. Chùa nào cũng ráng dàn dựng thật công phu, bề ngoài thật đẹp, thật nổi để lên hình thu hút tín đồ. Nếu để tô điểm một vị thầy nào đó thì cứ gọi là giảng đường rất lộng lẫy, rực rỡ với hoa kiểng, y áo lòe loẹt, vật dụng điêu khắc để rồi vài tiếng trôi qua sau bao nhiêu ngày chuẩn bị, tất cả sẽ được đưa vào sọt rác.

Đau buồn hơn, nhiều chùa quảng cáo những buổi lễ cầu an, cầu siêu, cúng sao giải hạn, xin xăm, gieo quẻ, giải vận mạng tình duyên như là một sự tự hào, nhất là các chùa ở miền Bắc. Không biết bao nhiêu lần chúng con nhận được câu hỏi thắc mắc về các vấn đề này vì biến chùa thành nơi buôn thánh bán thần, cúng tế đồ mặn, nhét tiền khắp nơi, chùa toàn tượng sơn son thiếp vàng ngợp thở mà không phải là các thời khóa tu hành, khuyến thiện, ăn chay. Đi sau những điều này là các dịch vụ cúng tế, nhất là vấn đề bùa chú, giải hạn làm ăn, siêu thoát vong nhi, ếm vong, trấn yểm, ra giá đầy đủ cho các dịch vụ giữa một rừng mê tín dị đoan đang hoành hành ngay ở các ngôi chùa nổi tiếng, là di tích lịch sử của quốc gia.

Chúng con biết đây chỉ là một số vấn đề bề nổi và chỉ xảy ra ở một số chùa hoặc một số tăng ni nhưng trào lưu có vẻ càng ngày càng rộ. Mặc dù vậy, chúng con luôn biết có rất nhiều quý tôn túc, quý tăng ni đang ra sức ngày đêm hoằng pháp lợi sinh mang lại sự an lạc đúng nghĩa nhưng chắc chúng con thiếu phước thiếu duyên chưa được cơ hội hạnh ngộ đãnh lễ. Thêm vào đó, rất nhiều tín đồ Phật tử lại không phải là những người hộ pháp thật thụ, đến chùa không phải để tu mà đòi hỏi, yêu sách, cống cao ngã mạn, thậm chí lừa lọc, phá hoại Phật pháp làm cho việc hoằng pháp của quý sư thầy, sư cô càng khó hơn.

Tuy nhiên, chúng con chỉ là những Phật tử bình thường với một tâm nguyện muốn được tu hành đàng hoàng, được đến chùa tu tâm dưỡng tánh, được cảm nhận sự bình an và hộ pháp đúng nghĩa. Vì vậy, chúng con mong mỏi khi đến chùa sẽ được đón tiếp, sẽ có quý thầy đại diện tri khách thay mặt thầy trụ trì hướng dẫn với một tâm hạnh đón chào chúng con. Mong quý sư thầy, sư cô hãy để cho chúng con một ấn tượng đẹp ban đầu với oai tướng của một bậc xuất gia, niềm nở tiếp khách, chấp nhận những tri kiến sai lầm hoặc suy nghĩ thiển cận, sai lệch của chúng con mà hướng đến con đường đúng nghĩa.

Chúng con mong được sống, được đến tu trong một ngôi chùa có lục hòa, có nề nếp khuôn phép, có giờ giấc đàng hoàng, có sự tương kính trên dưới làm mô phạm về đạo đức để chúng con học hỏi, đặt niềm tin. Ở đó sẽ có các thời khóa tu tập đúng nghĩa, không mê tín dị đoan, không cờ bạc dưới mọi hình thức dù chỉ là xổ số, lô tô quyên góp tiền của làm Phật sự, không vì thu hút tín đồ tạo nên những thứ phù phiếm bề ngoài tốn tiền của bá tánh thập phương mà tất cả chỉ với một tâm nguyện hoằng pháp tu hành. Chúng con mong nếu có cơ hội cũng được đãnh lễ vị thầy trụ trì, thấy rằng thầy thật sự có mặt ở chùa điều hành chùa hoặc ít ra cũng là một bậc tôn túc đáng kính để chúng con đặt niềm tin yêu thật sự.

Đến chùa, chúng con nếu không có nhu cầu gặp quý thầy để thưa hỏi thì chỉ muốn lạy Phật, vãng cảnh chùa chứ không phải đi lạy tất cả các thùng công đức, phước sương. Gần như ở các chùa, nhất là các chùa lớn, dưới mỗi chân một tượng Phật là một thùng phước sương làm chúng con cảm thấy rất khó chịu. Nếu không lại là những khu thờ cúng xây hộc riêng thờ tro cốt người quá cố rất hoàng tráng mà chúng con tự nhủ sẽ có ngày chùa biến thành nghĩa trang. Chuyện hộ pháp, chúng con luôn tròn tâm không bao giờ từ nan nhưng đừng biến chùa thành một nơi lạy Phật trả tiền dù với danh nghĩa cúng dường được phước.

Ở chùa, chúng con mong mỏi quý thầy, quý sư cô dành thời gian thật tu, hướng dẫn Phật tử chúng con tu chứ đừng bàn luận chuyện thế sự, chuyện chính trị, chính sách của nhà nước, chuyện riêng tư cá nhân và tốn thời gian đi tham dự, tổ chức các buổi lễ sinh nhật của tín đồ. Mong quý thầy nhắc nhở Phật tử và cả chính người trong chùa giữ gìn vệ sinh chung, giảm bớt cây kiểng làm ngợp chùa ,đừng xây chùa to Phật lớn nhưng lại không giữ gìn khuôn trang nhà chùa, biến dưới chân các tượng Phật thành một bãi rác khổng lồ, tượng nằm ngoài nắng ngoài mưa phủ rêu sơn nhìn thật không đẹp và tội lỗi. Mong quý tăng ni Phật tử khi đến chùa và ở chùa giữ vệ sinh chung, nhất là ở khu vực nhà bếp và nhà vệ sinh vì nhiều chùa rất đẹp nhưng ở hai khu vực này lại không được chăm chút đầy đủ.

Mong quý sư thầy, sư cô khi thuyết giảng cho Phật tử hãy hướng đến điều thiện lành, mang lại niềm an lạc, tin sâu nhân quả tội phước, nói những gì mình có sự thực nghiệm, có sự tu tập, đừng thuyết nói những pháp cao siêu, trên trời trong khi mình cũng chưa hiểu và làm loạn tâm Phật tử. Ở các thời thuyết pháp, chúng con mong sẽ được học hỏi một điều gì đó và nếu không hãy dành thời gian hướng dẫn Phật tử tu học hơn là chỉ tu ở mắt và ở tai, nói điều hoa mỹ, chơi trò chơi con chữ chỉ vì vừa lòng tín đồ như người ta rao bán ở ngoài. Mong quý thầy quý cô hãy hướng dẫn oai nghi cho Phật tử chúng con từ việc ăn mặc, lạy Phật, xá chào, ngôn từ Phật giáo khi tiếp xúc với nhau và trực diện với các bậc tôn túc để sống trong mái nhà đạo đức thật thụ.

Chúng con mong được học giáo pháp đúng nghĩa chứ không phải suốt ngày nghe hoặc gợi ý những chuyện cúng dường tượng và kinh sách. Dù nhiều thứ hiện nay không hề thiếu ở các chùa nhưng Phật tử vẫn tiếp tục hiến cúng tượng, kinh sách thay cho việc làm thiện giúp người vì được thuyết giảng điều này công đức bậc nhất. Chúng con mong sẽ luôn được nhắc nhở rằng “phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật” thì hãy khuyến khích Phật tử làm những việc có lợi cho mọi người thật sự, không làm chuyện thừa hoang phí, giúp ích những ai cần giúp dù người đó thuộc thành phần tôn giáo nào đi chăng nữa.

Quý thầy, quý sư cô khi viết sách, thuyết giảng hãy thật tâm mong điều thiện lành về Phật pháp, đừng để chúng con chỉ nghe bản ngã, nghe sự ca ngợi ngầm của chính mình hoặc có ý niệm chống phá một ai đó, nhất là các bậc tôn túc, các vị thầy trưởng thượng và các bậc tổ sư bao đời vì Phật pháp, được Phật tử kính trọng.

Băng đĩa giảng pháp của quý sư thầy, sư cô hiện nay tràn đầy trên thế giới mạng và có thể nói là dư thừa. Phật tử lại dành quá nhiều thời giờ nghe bằng giảng như một sự giải trí rồi lại đau khổ khi nghe sự thuyết pháp, lý luận khác nhau, dùng tri kiến mê lầm chấp pháp thay cho việc dành thời gian tu hành, chống phá, công kích lẫn nhau thật là nguy hiểm. Chúng con dù chỉ là hàng Phật tử sơ cơ, biết một chút Phật pháp nhưng cũng có thể dùng tri kiến của mình biết đâu là đúng, đâu là sai trong những quyển sách hay băng giảng mà chúng con được nghe.

Chúng con mong được thấy giữa các quý thầy, quý tăng ni Phật tử ở các chùa dù thuộc tông phái hay không tông phái mình đều tôn trọng, cung kính lẫn nhau trong tình huynh đệ Linh Sơn pháp lữ chứ không phải là cơ hội thuyết giảng hạ người để nâng mình. Chúng con mong quý thầy, quý cô hãy thường xuyên cảnh tỉnh và nhắc nhở Phật tử tránh vấn đề khẩu nghiệp nói xấu nhau. Mỗi pháp môn, mỗi con người, mỗi chùa đều là một bông hoa trong vườn hoa trăm sắc của Phật giáo có hương thơm riêng thì kính mong đừng vì thích hoa hồng lại đè bẹp hoa sen đua chen cùng hoa lan, hoa huệ.

Trên đây chỉ là một số điều vô cùng thiết yếu mà hàng Phật tử sơ cơ như chúng con ngày đêm mong mỏi khi đến chùa. Con xin sám hối nếu những lời nói trên có làm cho ai đó phật ý nhưng chúng con chỉ mong nói lên tiếng nói từ tâm mình, mong được đóng góp sức lực bé nhỏ trong công việc hộ pháp đúng nghĩa chứ không phải có ý niệm chỉ trích” vạch áo cho người xem lưng.”

Chúng con rất mong giáo pháp của Đức Phật được kế thừa đúng đắn để chúng con được có phước duyên tu hành đàng hoàng . Thêm vào đó, hàng tăng tài đầy giới định huệ oai nghiêm trong hạnh nguyện đầy từ bi, chùa chiền thật sự là nơi tu hành đúng nghĩa sẽ ngày càng được mở rộng, nhân lên. Nguyện mong mái nhà đạo Pháp sẽ mãi luôn vững bền để mảnh đất tâm cằn cỗi sẽ tiếp tục được vun trồng trổ thật nhiều hương thơm trí tuệ đầy đức hạnh của những bậc chân tu lan tỏa cùng khắp nơi.

"Hương các loài hoa thơm, không ngược bay chiều gió.

Nhưng hương Người đức hạnh, ngược gió khắp tung bay

Chỉ có bậc chân nhân, tỏa khắp mọi phương trời".

Ngọc Hằng



Có 2 phản hồi đến “Là Phật Tử, Chúng Con Cần Gì Khi Đến Chùa?”

  1. Loan Anh đã nói

    Mình ở quê, bà con đều nghèo nên để xây được chùa cực lắm. Thầy mình chỉ mong xây được một ngôi chùa bình thường che nắng mưa thôi. Cả làng hay đến chùa tu hành tụng kinh hay lắm. Thầy mình cũng thường dạy khuyên tu hành phải thanh bần, giản dị. Mình kính thầy mình lắm và mong chùa sớm được xây xong.

  2. Thanh Liêm đã nói

    Ôi, bài viết hay quá, đúng như những gì tớ suy nghĩ. Bạn như nói hộ giúp tớ. Đúng là thời nay được đến một ngôi chùa đàng hoàng, gặp được một vị thầy đủ giới hạnh để giúp đỡ tu hành khó như lên trời. Thôi chúng ta cùng cố gắng bạn nhé.

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com