Ước vọng bao năm được đến thăm Nhật Bản, đất nước của mặt trời mọc, của hoa anh đào cùng những con người đầy nhân cách vĩ đại làm cả thế giới kính phục cuối cùng đã trở thành hiện thực. Trên chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Japan Airline đưa tôi đến Tokyo vào những ngày cuối tháng ba sau hành trình về Việt Nam lần thứ ba đầy lạc an, hạnh phúc.

Phi trường Narita đón bước chân tôi trong cái se lạnh bình an đầy cảm giác thiền làm tôi khá bất ngờ. Không như những phi trường rộng lớn khác của Mỹ và các nước tôi từng có duyên đến, phi trường Narita khá rộng nhưng ấm áp, đâu đâu cũng được nghe nhạc thiền thay cho tiếng nói cười ồn ào đầy sự vội vả mệt mỏi ở các nơi khác. Một cảm giác khoan khoái, dễ chịu, ấm tình người đầy thiện cảm khi được đến đây.

Thủ tục hải quan rất nhanh chóng, nhiệt tâm đầy cung kính dành cho khách du lịch khác hẳn với sự khủng hoảng, trì trệ, đông đúc ở phi trường quê nhà trước khi rời quê hương làm tôi trầm ngâm không biết đến bao giờ đất nước mình sẽ được như vậy. Vì đi du lịch theo tour đặt sẵn cũng như đặt cả dịch vụ đưa đón riêng lần đâu tiên, tôi khá lo sợ không biết sẽ như thế nào. Lòng hơi lo ngại nhưng tâm lại vui cứ đưa chân ra khỏi phi trường chuyện gì đến sẽ đến.

Vừa bước ra khỏi cửa phi trường, giữa cả rừng người đang chờ đợi, tôi hớn hở khi thấy có người cầm tên mình vui vẻ đợi chờ. Tại sân bay, người của các công ty du lịch được ưu tiên đứng đầu. Thủ tục kiểm tra diễn ra nhanh chóng và tôi được giao nhận giấy tờ và cùng đợi chờ xe đến đón về Tokyto. Trong khi chờ đợi, tôi đi đổi một ít tiền Nhật. Tôi rất ấn tượng với phong cách phục vụ, trò chuyện đầy cung kính của người Nhật Bản, lúc nào cũng chào nhau. Điều duy nhất làm tôi hơi khó khăn và thoáng một chút thất vọng là tiếng Anh của người Nhật rất khó nghe và không biết nhiều, kể cả người làm việc cho công ty du lịch và kể cả ở tại quầy đổi tiền.

Phi trường Narita dù thuộc Tokyo nhưng lại nằm ở ngoại ô nên phải mất khá xa để vào trung tâm thành phố. Do đó, tôi có dịp cảm nhận những gì về Nhật Bản. Quả thật, giữa một thành phố đông đúc bậc nhất thế giới, các công trình xây dựng, nhất là đường xá, cầu vượt, đường hầm không còn từ ngữ nào có thể thán phục hơn. Tuy vậy, đâu đó vẫn thấy bóng dáng thiên nhiên cỏ cây phủ khắp nơi. Trước những ngôi nhà bé nhỏ vẫn cải tạo thành một mảnh vườn trồng trọt, những chậu hoa tươi, vài luống rau, cà chua, hành ngò đầy tỉ mỉ, gọn sạch.

May mắn làm sao, ngày tôi đến mùa hoa anh đào vừa bắt đầu nên suốt cả đoạn đường dài, lúc nào cũng thấy những nụ hoa anh đào đầy màu sắc chớm nở khoe sắc hương. Dự tính trong vài ngày nữa sẽ là mùa nở rộ nhất sau đó sẽ sớm tàn. Hoa anh đào là biểu tượng của Nhật Bản hợp với lòng người đầy vẻ đẹp khiết thanh.

Đến trung tâm Tokyo, trời thẫm tối, cả thành phố lên đèn như một kinh đô ánh sáng. Tháp truyền hình Tokyo sừng sững vút cao cùng biết bao công trình nổi tiếng sáng rực. Vì là ngày cuối tuần nên đường phố rất đông đúc,xe cộ nối tiếp nhau không ngừng nên vô cùng vất vả để vào thành phố. Tôi khá bất ngờ khi biết người Nhật lái xe bên trái. Mặc dù đã được nghe nói về Tokyo và trong tâm tôi cũng tưởng tượng sẽ rất ồn ào, ngộp thở, Tokyo vẫn rất bình yên. Lòng tôi thầm cười khi so sánh Tokyo với sự bừa bộn, ồn ào và tấp nập của phố phường Sài Gòn. Ước gì.

Đến khách sạn ở trung tâm thành phố, gần ga điện ngầm khi trời cũng khá tối. Sau khi nhận phòng, tôi ra ngoài đi dạo cũng như tìm xem địa điểm đi tour ngày mai. Cầm bảng đồ với sự chỉ dẫn của nhân viên khách sạn, tôi bước ra hòa lẫn vào dòng người thưa vắng về đêm. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của một số cô sinh viên Nhật, tôi đến trung tâm ga điện ngầm, địa điểm các tour du lịch Sunrise dù đã đóng cửa. Cả thành phố Nhật Bản đầy sôi động đang diễn ra bên trong khu trung tâm này. Có vẻ như mọi người đều tất bật, hối hả. Bên trong những quán mỳ gói đứng ăn mọi người xếp hàng vội vả ăn cho nhanh rồi lại hối hả đi về. Câu hỏi thường thực vẫn vơ suốt cả hành trình ở Nhật tại sao nhìn người Nhật tôi không thấy họ thật sự hạnh phúc?

Đêm đầu tiên ở Tokyo trong khách sạn đầy tiện nghi nhưng phòng khá nhỏ, hợp với sự đông đúc ở Nhật không có gì để luận bàn. Tiếng xe điện cao tốc chạy suốt không ngừng. Dưới ánh điện phản chiếu vẫn có thể thấy được một ít hoa anh đào phớt hồng trên các con đường. Trời không quá lạnh như tôi vẫn tưởng. Một giấc ngủ ngon ở đất nước mộng mơ hằng được đến đã đến.

Buổi sáng thức dậy khi trời vẫn còn đẫm sương. Bình minh đang lên trên đất nước mặt trời mọc rất sớm đẹp vô cùng. Sau bữa ăn sáng, tôi xuống trả phòng ký gởi hành lý để đi tour ba ngày. Dọc theo con đường tối qua đã đến, tôi có dịp ngắm rõ hoa anh đào lớm chớm vừa nở. Cánh hoa mỏng mảnh bay là đà trên vệ đường. Đến địa điểm tập kết du lịch tại bến xe bus cho tất cả các chuyến du lịch tập kết xuất pháp, giờ mới thấy choáng ngợp vì quá đông, nhất là cuối tuần nhưng phong cách làm việc vô cùng chuyên nghiệp mặc dù nhiều chuyến du lịch diễn ra cùng một lúc.

Sau khi kiểm tra thông tin cá nhân, tôi được người hướng dẫn đưa cho một tập hồ sơ căn dặn những giấy tờ cần giữ, những loại vé cần để trình xuất tại các trạm xe buýt, các trạm trung chuyển tàu điện ngầm và cả phiếu ăn. Mọi thứ đều rõ ràng theo từng ngày và chính xác đến từng phút từng giờ. Hành trình đầu tiên đầy ắp người từ đủ quốc gia đi thăm viếng núi Phú Sĩ, biểu tượng của Nhật Bản.

Đường lên núi Phú Sĩ khá xa làm tôi cứ ngỡ như lúc từ sân bay Narita về Tokyo. Suốt dọc đường, cô hướng dẫn viên giới thiệu sơ qua về Tokyo, về lịch sử Nhật Bản, về núi Phú Sĩ cũng như không quên nhắc khách du lịch về sự may mắn tận hưởng vẻ đẹp hoa anh đào trong mùa đẹp nhất hai bên đường. Người Nhật quả đúng là những con người giữ gìn môi trường sạch đẹp nhất vì hiếm khi thấy có rác trên đường còn đâu đâu cũng thấy dấu vết của cỏ cây. Xuyên qua các con đường hai bên toàn rừng thông cùng những dòng suối uốn lượn, cảnh đẹp như tranh lôi cuốn lòng người tô nét với cả rừng hoa anh đào bừng bừng trỗi dậy đầy sức sống.

Sau hơn hai tiếng rưỡi, núi Phú Sĩ với chóp nón trắng như tuyết cũng dần dần hiện ra làm tôi liên tưởng đến đỉnh núi Ngân Sơn ở Tây Tạng dù chưa bao giờ có dịp được thăm viếng. Người đến thăm viếng núi quá đông nên cả đoàn vào nhà hàng gần bên hồ Ashi ăn trưa. Cung cách phục vụ cơm ở Nhật cũng đầy chất thiền và không giống bất cứ đâu. Khẩu phần ăn nhiều thứ bé nhỏ gói gọn đã được sắp xếp đâu ra đấy và canh Nhật trong hương vị cay nồng của Washabi ấm lòng du khách. Phần cơm chay của tôi cũng khá hoành tráng nhiều rau cải dù tôi biết để trồng được rau ở Nhật không dễ dàng gì.

Trước khi lên núi, chúng tôi được đưa đi dạo trên hồ Ashi trong công viên quốc gia Hakone để ngắm vẻ đẹp của núi Phú Sĩ. Mặt hồ xanh thẫm mát lạnh tỏa những tia nắng phản chiếu như ánh ngọc điểm tô đỉnh trắng màu núi sừng sững. Không gian như ấm dịu hơn giữa cả rừng cây cùng tiếng chim cò và vịt trời phủ trắng cả hồ. Cảnh tình hòa hợp như một bức tranh thủy mặc.

Vì lượng người quá đông, chúng tôi chỉ có thể được đưa lên đến tầng bốn của núi Phú Sĩ. Bao năm ở nước ngoài nhưng tôi chưa bao giờ thấy tuyết. Lần đầu tiên thấy tuyết phủ đầy cũng như nô giỡn cùng tuyết lại ở trên núi Phú Sĩ. Đường lên núi quanh co làm tôi vô cùng ngưỡng mộ người tài xế tận tâm. Giữa rừng người chen chúc để được tham quan ngắm nhìn núi Phú Sĩ của biết bao dân tộc, tôi thấy ấm lòng khi lác đác nghe được tiếng Việt từ đâu đó vọng về.

Buổi chiều tối, chúng tôi được đưa đi thăm viếng núi Komagataka bằng cáp treo và thung lũng núi lửa địa ngục Owakudani theo cách ví von của người hướng dẫn vì khắp nơi đều phủ một màu đen, khói bốc lên nghi ngút như trong những bộ phim về chiến tranh hoang tàn. Bất cứ khu du lịch nào ở Tokyo cũng đầy người nhưng phong cách phục vụ chuyên nghiệp nên không vấn đề gì xảy ra.

Đường lên thung lũng núi lửa giữa rừng quốc gia và cả trên đỉnh núi, du khách vẫn có cơ hội ngắm nhìn núi Phú Sĩ ngỡ như Phú Sĩ là tâm điểm mọi nơi ở Tokyo đều có cơ hội nhìn về. Thung lũng thần chết ngập khói là đà nửa thực nửa mơ pha cảnh tiên bồng lẫn địa ngục trần gian bất giác tôi chạnh lòng khi nhớ đến đường ranh giữa thiện và ác quá mong manh.

Cả một ngày khá dài chiêm ngưỡng khắp nơi thú vị. Tôi được đưa đến ga tàu điện Shinkansen lúc tối để chia đoàn chuẩn bị di chuyển về cố đô Kyoto trong hai ngày sắp tới. Lần đầu tiên biết thế nào là hệ thống tàu điện cao tốc của Nhật, được tận hưởng cảm giác thú vị trên những chuyến tàu khác với hệ thống tàu điện ngầm ở Hàn Quốc. Dường như người Nhật hoạt động và ăn nghỉ trên tàu điện. Sự đúng giờ đến từng phút từng giây cùng việc hoạt động chuyên nghiệp theo guồng máy công nghiệp của Nhật Bản làm tôi vô cùng ngưỡng mộ. Mỗi trạm dừng chỉ chưa đầy hai phút cho cả việc lên xuống mới thấy tại sao người Nhật làm gì cũng tỉ mỉ và thành công.

Cố đô Kyoto cổ kính với biết bao nhiêu công trình danh tự là di sản của UNESCO đón tôi tại trạm xe điện cao tốc với người hướng dẫn đã chờ sẵn tự bao giờ. Cả thành phố người người đều tập trung về khu trung tâm tàu điện, việc ăn uống mua sắm tất cả đều diễn ra ở đây như ở Tokyo. Chúng tôi nhanh chóng được đưa về khách sạn cách đó chưa đầy 5 phút đi bộ. Khách sạn quá lớn đến hàng ngàn phòng, đầy đủ, rộng lớn gấp đôi phòng khách sạn hai giường ở Tokyo quá tầm cho một người như tôi. Giấc ngủ vùi sau cả ngày di chuyển đầy bình an nơi cố đô.

Buổi sáng, chúng tôi tập trung ở văn phòng công ty tại khách sạn để chuẩn bị hành trình thăm viếng những thánh tích tâm linh. Không may, trời mưa dù không nặng hạt càng làm cảm giác hoài cổ tăng vội. Trên khắp các con đường của Kyoto, mọi hoạt động như dừng lại. Đâu đâu cũng thấy bóng dáng cổ kính của nhà cửa, các đền thờ và chùa. Dấu ấn công nghiệp hóa hay nhà cửa phố thị cao to kỳ vĩ nhiều tầng không hiện hữu ở đây. Trên những con đường, mọi người đi xe đạp hoặc đi bộ rất bình an nên có rất nhiều tour đi xe đạp khám phá Kyoto cả ngày.

Trong làn mưa nhẹ hạt đưa chúng tôi đến điểm đầu tiên là cung điện Nijo, người người đang đợi chờ tấp nập. Tôi khá ấn tượng với cung cách làm việc và hành xử của những tài xế lái xe. Tất cả đều mặc đồng phục như công sở trang trọng, cúi chào mời khách lên xe và đứng chờ khách khi trở lại lên xe tiếp tục hành trình trong sự kiên nhẫn vui vẻ. Quả thật người Nhật gìn giữ những di sản văn hóa cổ kính quá tốt cũng như công việc phục dựng trùng tu rất bài bản không mất đi vẻ đẹp hoang sơ. Việc tôn trọng di sản được đưa lên hàng đầu, đại sảnh có kệ để giày dép. Dù cả lượng khách di chuyển ra vào hoàng cung khá đông nhưng tiếng ồn ào rất ít, kể cả trẻ em nên mới thấy trình độ dân trí và cách hành xử của người Nhật thật kinh ngạc.

Bên ngoài cung điện vĩ đại là những hàng cây, vườn hoa đủ sắc màu, kể cả hoa anh đào soi bóng bên hồ nước đúng với vẻ đẹp cổ kính thơ mộng của vườn Nhật Bản. Bao thăng trầm thay đổi thịnh suy, bao vương triều lên xuống tất cả lại trở về với vô thường hư không chỉ lòng người man mác hoài cảm tiếc thương một quá khứ vàng son thưở nào. Chỉ có màu hoa anh đào vẫn đẹp xinh đi qua năm tháng không đổi thay.

Rời cung điện tráng lệ, tôi được đưa đến tham quan một ngôi đền thần đạo nổi tiếng nhất của Kyoto. Dù đã nghe đọc về thần đạo, tín ngưỡng tôn giáo lâu đời phổ biến thứ hai của Nhật Bản bên cạnh Phật Giáo, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi đến đây. Người Nhật Bản thật lạ lùng vì dù là một quốc gia phát triển nhưng tâm linh cũng rất giàu có và phức tạp. Khi còn sống dù họ theo thần đạo như khi quá vãng đều muốn quay về với Phật Giáo.

Ở các đền thờ Thần Đạo, rất nhiều học sinh, sinh viên đến đây nguyện cầu. Bỏ qua sự cổ kính, vĩ đại đầy hoang sơ lưu dấu thời gian, nhìn phong cách điều hành ở đây không khác một sự mua bán đổi chát để cầu thánh thần. Tất cả các nghi lễ nguyện cầu, hàng lưu niệm, mua sớ phiếu viết tên họ, mua thẻ mua dây cột trên cây cầu may mắn đều quy đổi thành tiền. Dầu vậy, rất nhiều người, nhất là giới trẻ vẫn sắp hàng mua thẻ cầu may. Trong khoảng khắc của cuộc sống đời thường hiện đại đầy bận rộn, tâm linh tín ngưỡng dù nhuốm màu mê tín vẫn tồn tại hài hòa bên cạnh những con người Nhật Bản làm nên kỳ tích vĩ đại. Giữa rừng người hối hả đến đây, vẻ đẹp trinh nguyên của những cô gái Nhật mặc áo Kimono càng trở nên đẹp hơn bao giờ hết.

Cuối cùng, tôi được đưa đến chùa, nơi tôi hằng ao ước tận ngắm chùa Nhật Bản cũng là tâm linh của mình. Ngôi chùa tôi được ghé thăm là chùa Vàng, biểu tượng nổi tiếng của Kyoto và cả thế giới. Dù trời mưa nặng hạt vẫn không làm chùng chân khách viếng thăm. Niềm vui chưa kịp vỡ òa thì nổi buồn ưu tư thoáng đến khi ở đây như là một biểu tượng để mọi người đến mua vé trả tiền vào xem rồi về. Chùa Vàng soi mình trên bóng nước hồ rất lung linh huyền diệu giữa cảnh thiên nhiên rất đẹp và tráng lệ.

Khuôn viên chùa khá lớn, rộng và đầy hoa cỏ níu du khách theo những con đường du lịch được vạch sẵn. Vì chỉ là biểu tượng để du lịch tham quan nên không hề thấy bóng dáng tăng ni, không một sắc màu tu hành. Chùa được cách ly một khoảng khá xa và du khách chỉ được đứng từ xa ngắm nhìn. Có chăng gợi chút niềm hoài cổ là chùa khi có một tháp chuông ở xa khách đến thỉnh chuông nguyện cầu như khách đến đền Thần Đạo vỗ tay kéo dây chuông cúi chào.

Buổi chiều, tôi được đưa đến cố đô Nara tham quan tiếp những danh thắng khác, chủ yếu vẫn là chùa và đền thờ Thần Đạo. Đến chùa Đại Phật với pho tượng Phật khổng lồ càng làm tôi buồn thương hơn cho Phật Giáo Nhật Bản. Cũng như ở chùa Vàng, mọi người lại xếp hàng mua vé. Những hoạt động quản lý, buôn bán vật phẩm lưu niệm, nguyện cầu, hoạt động khá chuyên nghiệp sầm uất xung quanh chùa một cách nhịp nhàng nhưng khuôn phép. Xuyên qua cả một khu vực rộng lớn nhiều cỏ cây và hoa, từng dòng người hối hả đi vào xem Đại Phật.

Nếu các nơi khác ở Nhật Bản, mọi người phải bỏ dép ra ngoài hoặc đứng đằng xa ngắm nhìn,ở đây tất cả đều có thể mang dép vào đi vòng quanh tượng Phật, xem những thánh tượng Bồ Tát bằng gỗ, khấn nguyện chắp tay hoặc mua thẻ nhang đốt rồi trở ra. Nền gạch ẩm ướt bước chân người lẹp nhẹp vì mưa và đất bùn. Phật ơi, Ngài trở thành biểu tượng phụng thờ còn giáo lý của Ngài giờ ở nơi đâu chốn này thay cho những hoạt động kinh doanh buôn bán ngoài kia?

Chùa Đại Phật gần công viên quốc gia và ở đây hưu nai tự do tung tăng chạy rất nhiều trở thành một vấn nạn vì thành phố đang tìm ra biện pháp giảm số lượng hưu nai do chúng sinh sản quá nhanh. Người Nhật không ăn thịt nai và chúng được sống gần với con người rất dạn dĩ. Bất giác, tôi nhớ đến vườn Lộc Uyển, rừng Nai nơi Đức Phật xưa kia thỉnh chuyển pháp luân. Những chú Nai may mắn được sống ở đây nhưng bóng Phật đi xa ai sẽ là người truyền trao chánh Pháp cho hàng vạn người ngày ngày về đây đãnh lễ ngắm Ngài.

Đã biết ít nhiều về đền thờ thần đạo ở Kyoto nên tôi không còn ngạc nhiên nữa khi đến ngôi đền thần đạo thứ hai ở Nara chỉ ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên khác lạ cùng hơi núi rừng hoang sơ. Một chút trở về với tâm mình, với bình an của chính mình giữa thiên nhiên tĩnh lặng có chăng vui đùa với các chú Nai cùng từng đàn cá lội ở những hồ nước giữa rừng. Dù ở các khu vực chùa chiền hay đền đài đông đúc, môi trường vẫn được giữ sạch trong và hệ thống nhà vệ sinh hiện đại, sạch sẽ luôn đầy khắp càng thấy sự chu đáo, chuyên nghiệp của người Nhật.

Trên đường từ Nara trở về lại Kyoto, tôi có dịp ngắm kỹ hơn cố đô này. Ở Nara đâu đâu cũng thấy những rừng tre trúc bạt ngàn nên tất cả mọi thứ đều được tái chế từ trúc. Nhìn những cánh rừng trúc bạt ngàn làm tôi liên tưởng đến Trúc Lâm Tịnh Xá xưa kia của Đức Phật. Trúc Lâm ngày xưa có cả một tăng đoàn hùng hậu chứng quả giờ không biết giữa rừng trúc Nara có bậc ẩn sĩ xuất trần nào đang tịnh tu chứng quả không?

Những cánh đồng ở đây không lớn nhưng hệ thống trồng trọt vô cùng hiện đại, tiện nghi, đất phẳng một màu khi cải tạo nên hoa trái rất nhiều. Hoa quả ở Nhật khá đắt nhưng nếu biết cả mảnh đất đầy núi lửa, thời tiết khắc nghiệt thì việc trồng trọt nhân giống ra sản lượng cây trái rất cao mới khâm phục người dân Nhật biết nhường nào. Hệ thống tưới tiêu dẫn đến tận cánh đồng cùng hệ thống nhà lưới bảo vệ cây cỏ đồng bộ, chắc chắn. Biết đến bao giờ một quốc gia nông nghiệp như nước mình người nông dân sẽ thật sự làm chủ và làm giàu từ nông sản đây?

Ngày thứ hai ở cố đô Kyoto là một ngày tự do chiêm ngưỡng. Mọi người thích đi du lịch, mua sắm ở khu trung tâm tàu điện ngay kế khách sạn hoặc nghỉ ngơi còn tôi muốn lang thang đi dạo và đến chùa. Trong tâm tự nghĩ chắc những danh tự được đưa đến dùng để phục vụ du lịch nên khó cảm nhận cuộc sống chốn thiền môn. Tôi muốn mình vào chùa và cảm nhận thật sự ở những ngôi chùa vắng bóng người và khách hành hương.

May mắn thay, có ba ngôi chùa gần khách sạn có thể đi bộ độ khoảng nửa giờ. Ngôi chùa đầu tiên khá vắng khách hành hương dù rất rộng nên tôi mừng thầm mình sẽ có dịp tìm hiểu đời sống thiền môn. Vậy mà đi khắp nơi, tôi không thấy bóng dáng một vị tăng ni nào. Chánh điện đóng hờ với những cửa gỗ giấy nên tôi không biết mình có được bước vào. Vui mừng khi thấy bóng dáng một cô mặc áo tràng đen, chắc là người ở chùa nên tôi xin vào lạy Phật. Cô chỉ bảo tự mở cửa vào rồi cô ra phía sau. Tôi vào chánh điện một mình ngồi ngắm tượng. Trong chùa cũng có hòm công đức bằng gỗ và túi ni lông để sẵn trước chánh điện để du khách tự giữ dày dép.

Tượng Phật và phong cách thờ cúng ở đây cũng vô cùng khác lạ. Đây đúng là một ngôi chùa tu theo Tịnh Độ Tông thờ Phật A Di Đà nguyện vãng sanh nhưng tượng Phật kinh sách tất cả cũng đều khác nên tôi chỉ đọc thông tin bằng tiếng Anh để sẵn. Ngồi ở chánh điện một mình cả giờ, tôi không thấy bóng dáng tăng ni hay hoạt động nghi lễ nào, hay tại giữa trưa nên mới vậy. Tâm tôi nhìn Phật thoáng buồn chùa to Phật lớn vậy pháp Phật hiện hữu ở đâu?

Ngôi chùa Tịnh Độ thứ hai cũng khá rộng nhưng có nhiều khách hành hương hơn. Cũng như các địa điểm tham quan danh thắng khác, trước những nơi thờ tự đều có trung tâm quản lý điều hành chùa, buôn bán kinh sách, vật phẩm khá lớn. Ở chùa thứ hai còn có cả nhà hàng chay. Xung quanh chùa có rất nhiều hoa anh đào đang nở rộ khá đẹp. Trời hôm nay nắng sau một ngày mưa nên hoa càng nở rộ. Một chút an ủi chùa cũng có hoạt động và khách viếng thăm.

Tôi ở ngôi chùa này khá lâu để tìm hiểu về chùa. Vào chánh điện vui hơn vì có nhiều khách cùng vào lễ Phật. Thêm vào đó, có một số cô giáo dẫn các học sinh vào tìm hiểu văn hóa cũng như nghi lễ Phật giáo. Đặc biệt hơn, buổi chiều có rất nhiều trẻ em được cha mẹ đưa đến chùa lễ Phật học giáo lý. Các em rất ngoan, dù còn rất nhỏ, độ khoảng ba đến bảy tuổi nhưng nề nếp rất chuẩn. Có một số thầy hướng dẫn dạy các em. Hành lý, xếp hàng, nghi lễ các em thực hành rất chuyên nghiệp không hề ồn ào, không cần sự trợ giúp của cha mẹ. Nhìn các mầm non tương lai của Nhật Bản thế này tôi mới hiểu tại sao người Nhật thành công đến vậy.

Ngôi chùa thứ ba là một đại công trình đang trùng tu nên tôi chỉ vào lễ Phật rồi theo bản đồ đi thăm viếng vườn hoa thành phố, ngắm hoa anh đào nhiều sắc màu đẹp vô cùng. Ở đây mới thấy biết bao nhiêu loại hoa anh đào. Dưới hồ, cá lội vô số không sao đếm xuể. Những hàng cây cổ thụ đang ra lá mùa xuân để đến mùa thu sẽ vàng đỏ rụng như thảm soi bóng xuống dòng nước. Ngồi ở vườn hoa thành phố cảnh đẹp, bình yên nhưng gợi trong tôi bao nhiêu suy nghĩ về những ngôi chùa mình vừa ghé thăm cùng sự thăng trầm thịnh suy của Phật Giáo Nhật Bản.

Về đến trung tâm của Kyoto cũng kế bên khách sạn buổi chiều tà, tôi có dịp ngắm nhìn cuộc sống cũng như các hoạt động buôn bán ở đây. Tháp truyền hình Kyoto cũng nằm ở trung tâm như tháp truyền hình Tokyo vậy. Dù rất nhiều người dân địa phương và khách du lịch miệt mài hối hả nhưng tất cả đều diễn ra trật tự, không quá ồn ào. Ấn tượng nhất là ở tất cả các gian hàng buôn bán, đồ đạt bánh kẹo hoa quả đều tràn ra ngoài, tràn cả ra đường nhưng không hề có sự bừa bộn hay cần phải canh chừng việc trộm cắp.

Đặc biệt hơn, bên trong khu mua sắm rộng lớn ở Kyoto, Tokyo và có lẽ cũng là các nơi khác ở Nhật Bản, các gian hàng gần như không có khoảng cách hoặc có chăng chỉ là một tấm màng lưới rất mỏng manh. Khách ra vào dù mua hay không đều vui vẻ. Nếu không mua gian hàng này mà mua gian hàng khác họ đều được cung kính như nhau. Ở siêu thị, hàng hóa cứ bày hết cả ra lối đi không hề có làn chắn, không canh phòng làm tôi đã phải khá vất vả khi đi tìm quầy tính tiền do có thể đi lạc sang hàng kế bên. Đến buổi tối đóng cửa, họ chỉ tắt điện, phủ tấm màng lưới lên cửa tiệm hoặc thả màng hờ xuống cho có lệ. Nhìn phong cách và đạo đức của người Nhật, tôi chỉ còn biết nghiêng mình và thầm mong ở Mỹ cũng được như vậy.

Tối về khách sạn họp đoàn chuẩn bị ra nhà ga tàu điện ngầm trở về Tokyo. Nhìn khắp lượt, người người vội vả đến đi trên những chuyến tàu chạy miệt mài. Sự chuyên nghiệp,đầy khiêm nhường trong lòng tự tôn dân tộc của người Nhật thể hiện ở mọi mặt của cuộc sống. Chúng tôi được người hướng dẫn đưa ra ga sớm hơn 15 phút và được nhắc nhở mua sắm những gì cần thiết, một cử chỉ vừa thể hiện sự quan tâm đồng thời cũng góp phần thêm cho nền du lịch tiêu dùng. Cúi đầu vui vẻ tiễn đưa chúng tôi lên tàu tạm biệt cố đô Kyoto lưu dấu bao lịch sử cổ kính thăng trầm làm cuộc sống như ngừng lại trên các tháp chuông, điện thờ tâm linh tôn giáo.

Về đến Tokyo sau hai giờ chạy xe điện, cô hướng dẫn viên hôm nào đón chúng tôi tại đây để chuẩn bị đưa chúng tôi ra đường phố chờ xe taxi đến đưa từng người trở về khách sạn. Bất ngờ làm sao, chỉ mới rời xa Tokyo hai ngày, hoa anh đào đã nở rộ rực rỡ đúng vào mùa. Bao nhiêu người tranh thủ ra đường ngắm nhìn chụp ảnh. Tranh thủ chờ xe taxi đến, chúng tôi được khuyến khích chạy đến vườn hoa để xem ngắm cùng mọi người. Chuyến đi thêm thần thi vị và may mắn vì được ngắm hoa anh đào khắp nơi đủ sắc màu khắp Nhật Bản không mấy du khách được có duyên như mình. Theo lời người hướng dẫn, có khoảng 600 loại hoa anh đào nhưng sắc hoa đào phớt hồng là nổi tiếng nhất. Bài hát Sakura hoa anh đào đâu đó xuất hiện trong tâm.

Đêm cuối ở Tokyo và Nhật Bản, ngồi một mình trên khách sạn nhìn xuống ngắm hoa và trăng đang lên. Các chương trình truyền hình của Nhật đều toàn tiếng Nhật, không có tiếng nước ngoài cũng như ở các gian hàng đều ghi toàn tiếng Nhật. Lòng thanh thản bình an đưa tôi vào giấc ngủ ngắn ngon lành. Vừa mờ sáng, tôi đã trở dậy ngắm ánh bình mình từ đất nước mặt trời mọc lòng bâng khuâng không biết bao giờ mới có dịp trở lại. Trả phòng sớm định đi dạo trước khi xe đến đón nhưng không ngờ xe đã đến đón từ sớm và người tài xế vẫn cần mẫn chờ đợi không dám kêu gọi đánh thức. Nhìn ra phía trước, rừng hoa anh đào đang nở đẹp quá nên tôi xin phép được đến ngắm lần cuối trong một phút rồi trở lại để xe đưa mình ra sân bay Narita chuẩn bị về lại Mỹ.

Suốt hơn cả giờ ra sân bay, tôi có dịp ngắm rõ Nhật Bản hơn trong những giây phút cuối cùng.Hai bên đường đâu đâu cũng thấy hoa anh đào. Người người lại vội vả đến công sở làm việc. Tất cả đều trong đồng phục như nhau, trên ánh mắt đều ẩn sâu sự cam chịu, nhẫn nhịn nghĩ về xa xăm như chính người tài xế đang lái xe chở tôi. Bao nhiêu suy nghĩ, tâm tư về con người và đất nước Nhật Bản ẩn hiện không ngừng.

Một đất nước phát triển quá nhanh, đứng đầu thế giới nhưng vẫn gìn giữ đầy đủ tâm linh, cội nguồn. Ở đâu giúp cho người Nhật vẫn giữ được đạo đức vẹn nguyên. Tôi đã đọc đâu đó về sự lý giải này khi chính người Nhật cho rằng cách hành xử trung thực, đầy đạo đức, trách nhiệm, tính cần mẫn chịu khó thương người của họ được hung đúc, xây dựng từ đạo đức Phật Giáo, nhất là luật nhân quả. Người hướng dẫn viên thuyết minh cho chúng tôi ở chùa Phật Lớn tại cố đô Nara đã vô cùng hãnh diện khi nói về Phật Giáo cũng như bản thân mình là một Phật tử thuần thành.

Điều kiện địa lý, tài nguyên nghèo nàn trong môi trường khắc nghiệt đã giáo dục họ phải biết vươn lên, không được đầu hàng số phận. Nếu Phật Giáo không thể thiếu trong đời sống của người Nhật vậy tại sao chùa chiền lại trở nên hoang tàn, đa phần phục vụ cho người chết, cho du lịch thay cho việc tu hành. Chùa nào cũng lớn, Phật cũng to nhưng gần như vô ý hay cố tình đã bị biến thành những trung tâm nguyện cầu mê tín như các trung tâm của thần đạo Shinto. Phải chăng sâu thẳm trong tâm với đời sống quá nhanh quá vội, người ta không còn đủ thời gian để quay lại chính mình tìm an lạc mà cầu xin thánh thần để nhanh chóng thuận tiện hơn?

Tính cách, hình ảnh của đất nước Nhật Bản luôn làm cả thế giới ngưỡng mộ với tính cách tự lực tự cường, “tự mình đốt đuốc lên mà đi” như lời dạy của Phật Giáo nhưng tại sao vật chất tiện nghi đầy đủ nhưng không thấy nhiều người Nhật hạnh phúc, lạc an, bình thản với cuộc đời. Dưới sự nhẫn nhịn, chịu đựng, kiên định, khiêm nhường luôn có vẻ như họ sẽ nổi loạn bất cứ lúc nào. Bao nhiêu là những cuộc sống trụy lạc, tự tử, trầm cảm ngày mỗi tăng và dân số ngày mỗi già vì họ không còn đủ thời gian để chăm sóc bản thân mình. Họ cũng khổ theo đời sống tiện nghi.

Tôi đã đến được quê hương của người ông đáng kính Seyama, một bồ tát thầm lặng vĩ đại đã dạy cho tôi biết và hiểu thế nào về Phật Giáo qua thân giáo và khẩu giáo. Tôi đã vô cùng hạnh phúc vui mừng khi cuối cùng được đến thăm đất nước mà tôi ao ước bao năm qua. Đất nước và con người Nhật Bản luôn đẹp lung linh trong tôi, dạy cho tôi biết rất nhiều bài học về cuộc sống cũng như hiểu hơn về Phật pháp, chứng kiến rõ hơn sự thịnh suy vô thường bất cứ cái gì có hình tướng đều là không thật. Tôi nguyện mong thế hệ tương lai của Nhật Bản vẫn giữ cốt cách truyền thống nhưng Phật Giáo sẽ thật sự trở lại, thật sự có ích và sống lại trong lòng người Nhật Bản để hương sắc của đạo giải thoát diệt khổ cùng ánh sáng bình minh lạc quan sẽ vẫn mãi tỏa đầy trong tâm hồn của đất nước và con người của sứ sở anh đào hoa.

Ngọc Hằng




Có phản hồi đến “Phật Ở Đâu Rồi Nhật Bản Ơi!”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com