LỜI NGƯỜI DỊCH

Trong mối tương quan liên hệ giữa con người, sự tương quan giữa vợ chồng là quan trọng nhất. Cho nên hôn nhân là một biến cố hết sức quan trọng cho đời sống của một con người. Chúng ta hãy thử nghĩ về đời sống của một con người. Thời gian ở hoàn toàn với cha mẹ lúc thơ ấu chỉ là sáu năm đầu. Tiếp theo đứa trẻ đi học và chia sẻ đời sống với các thầy giáo, giáo sư trong khoảng 12 năm. Thời gian chia sẻ với bạn bè khoảng một vài năm. Chỉ có vợ chồng là chung sống liên hệ với nhau suốt đời. Vợ chồng ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu, vui buồn có nhau, chia sẻ và cùng mang trách nhiệm nuôi dưỡng con cái. Vợ chồng tuy hai thân mà như một.

Thời đại ngày nay, giới trẻ quá nhiều tự do, đi tới hôn nhân một cách bừa bãi vội vàng, hậu quả có quá nhiều ly dị, nhất là tại các nước Âu Mỹ. Những đứa trẻ thiếu tình thương của cha mẹ vì ly dị, lớn lên dễ bị thương tổn về tinh thần và tâm lý…

Cuốn sách “Hạnh phúc lứa đôi” ( A Happy Married Life) của Hoà thượng Tiến sĩ K. Sri Dhammananda, một học giả uyên bác, trình bày phương cách thực tiễn và khoa học cho những ai, nhất là giới trẻ muốn đạt hạnh phúc lứa đôi.

Tự biết khả năng thấp kém, nhưng với tấm lòng nhiệt thành, chúng tôi cố gắng dịch ra Việt ngữ, hy vọng mang lại lợi ích cho các bạn trẻ và cho những ai muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình và đóng góp một phần nhỏ vào Kho Tàng Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam.

Chúng tôi xin chân thành cảm tạ chư tôn đức đã khích lệ và góp nhiều ý kiến bổ ích. Đặc biệt chúng tôi xin cảm tạ các đạo hữu Qúach Nhất Danh, Nguyễn thị Thuý Sương, Quách thị Thuỳ Linh, Quách Nhứt Trí, Lý thị Đài Trang, Quách Nhất Thống, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn thị Thuý Phượng, Nguyễn Bảo Châu, Nguyễn Bảo Quốc, Thanh Hoàng, Huỳnh thu Trang, Quảng Hải, Ngô Thanh Hùng, Nguyễn Nam Hải, Bạch Yến, Thiện Lực, Nguyễn Hữu Nhung, Viên Minh Phạm đình Khoát, Thiện Bửu, Quảng Lâm, Châu Ngọc Tòng, Minh Hỷ Phan Duyệt, Nguyễn Đình Dũng, Lê Văn Phụng, Đặng Kim Sa, và Minh Giác Nguyễn Học Tài đã góp phần công đức trong việc ấn hành dịch phẩm này.

Chúng tôi xin hồi hướng công đức hoằng pháp này lên ngôi Tam Bảo và cầu nguyện hồng ân Tam bảo thuỳ từ gia hộ Quý vị cùng Bửu quyến thân tâm thường an lạc và hạnh phúc.

Sau cùng chúng tôi kính mong Chư tôn Thiền Đức, pháp hữu ân nhân, các bậc thức giả cao minh, vui lòng bổ chính cho những sai lầm thiếu xót để cuốn sách được hoàn chỉnh hơn trong kỳ tái bản.

Phật lịch 2539, Xuân Bính Tý, Ngày 19-02-1996

Tỳ Kheo Thích Tâm Quang

LỜI NÓI ĐẦU

Từ ngàn xưa, con người đã bận tâm lo lắng trong việc tìm hạnh phúc của đời sống, từ lúc nằm nôi cho đến lúc xuống mồ. Họ làm việc và tranh đấu tích cực để đạt hạnh phúc, nhưng thường không biết rõ hạnh phúc là gì vì không hiểu bản chất của đời sống. Mặc dù các tôn giáo đều chỉ dạy, khuyên răn và chỉ đường cho môn đồ thực hành hầu đạt được hạnh phúc trong đời sống; nhưng thường các lời khuyên bảo và chỉ dẫn này không được lưu ý tới vì tham dục, ganh ghét và ảo tưởng. Một số đông đã thất vọng và đau khổ, hy vọng cầu nguyện để tìm hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. Trong khi một số khác, dù vui hưởng hạnh phúc tràn trề trên thế gian, vẫn chưa thoả mãn và ham muốn được hạnh phúc trường cữu trên thiên đàng sau khi từ giã cõi đời. Với một người bình thường hay một thiếu niên, rất là khó phân biệt được giữa hạnh phúc và lạc thú. Với họ, cái gì có lạc thú tức có hạnh phúc, và đạt hạnh phúc tức đạt được lạc thú.

Thông thường, chúng ta coi những ngày thơ ấu là thời gian hạnh phúc. Thực ra, khi còn nhỏ, chúng ta không hiểu hạnh phúc là gì. Được sự che chở của cha mẹ, chúng ta trải qua những ngày sung sướng liên tục, và đầy lạc thú. Khi đến tuổi trưởng thành, đầu óc và thân thể chúng ta thay đổi khiến chúng ta nhận thấy sự hiện hữu của người khác phái và chúng ta bắt đầu thấy họ hấp dẫn và có những cảm xúc xáo trộn. Rồi vì tò mò, chúng ta đọc sách và thảo luận để tìm hiểu sự thật của cuộc đời. Chẳng bao lâu chúng ta trưởng thành - thời kỳ chủ yếu của cuộc đời – chúng ta tìm người bạn đường vừa ý, và những sự tiếp xúc này đã trắc nghiệm đức tính chúng ta đã có từ lúc thiếu thời. Tình yêu, nhục dục, và hôn nhân trở thành những vấn đề quan trọng, quyết định phẩm chất cuộc sống lứa đôi mà chúng ta tiến tới.

Giới trẻ ngày nay bị ảnh hưởng văn minh “Tây phương” qua đường lối truyền thông đại chúng như sách vở, tạp chí, truyền hình, băng nhạc, và phim ảnh, nên đã hiểu sai lạc về tình yêu, nhục dục và hôn nhân. Đức hạnh và giá trị của thời cổ “Đông phương” lần lần suy thoái trước các ảnh hưởng này. Trong thế hệ trẻ ngày nay, không còn thấy những đức tính và giá trị nói trên của thế hệ già thực hành và áp dụng. Ảnh hưởng Tây phương chịu trách nhiệm về tình trạng này không, hay nên trách móc cha mẹ vì đã không theo dõi, kiểm soát con cái để chúng làm bậy. Sách này nói đến các chương trình truyền hình và phim ảnh không thể hiện đúng đường lối suy nghĩ và cách cư xử của người Tây phương đứng đắn, và có một số các cặp vợ chồng đoan chính, đạo hạnh, và “bảo thủ” như bất cứ cặp vợ chồng “Đông phương” nào káhc đã im lặng trước vấn đề tình yêu, nhục dục và hôn nhân. Nếu giới trẻ muốn chạy theo Tây phương , thì hãy bắt chước khối “đa số thầm lặng”, họ chẳng khác gì với những người láng giềng tử tế sống ngay bên cạnh chúng ta.

Đời sống hiện đại đầy dẫy những lo lắng và căng thẳng, và những lo lắng, căng thẳng đó đã gây khó khăn trong nhiều cuộc hôn nhân. Nếu phân tách kỹ lưỡng để tìm nguồn gốc về các khó khăn xã hội, như tiền dâm hậu thú, vị thành niên mang thai, hôn nhân không hạnh phúc, ly dị, ngược đãi con cái, đánh đập vợ, chúng ta thấy rằng nguyên nhân của nó là ích kỷ, thiếu kiên nhẫn, thiếu độ lượng, và thiếu thông cảm. Trong kinh Thi Ca La Việt, đức Phật khuyên làm sao giữ được an lạc và hoà thuận giữa vợ và chồng trong gia đình để sống có hạnh phúc. Trách nhiệm của bậc cha mẹ với con cái và bổn phận của con cái với cha mẹ được đề cập đến rõ ràng trong kinh ấy như những lời chỉ đạo rất hữu ích để đạt hạnh phúc gia đình.

Trong sách này, Hoà thượng, tác giả, nhấn mạnh đến một điểm quan trọng : Hôn nhân là một sự hợp tác của hai cá nhân và sự hợp tác này trở nên giàu có và tiến bộ khi nhân phẩm người hùn hạp gia tăng. Trong viễn cảnh của người Phật tử, hôn nhân có nghĩa là hiểu nhau, và kính trọng niềm tin và sự riêng tư của nhau. Bây giờ là lúc thích hợp nhất để xuất bản sách này cho các Phật tử, đặc biệt là cho giới trẻ để biết rõ những vấn đề quan trọng của cuộc đời như tình yêu, nhục dục,và hôn nhân. Sự hiểu biết này không những giúp họ sống cuộc đời vợ chồng vui vẻ mà còn được bình an và toại nguyện.

Thay mặt Hội Truyền Bá Giáo Lý Phật Đà (Buddha), tôi bày tỏ lời biết ơn chân thành và cảm kích của tôi với tất cả các hội viên đã nhiệt tình giúp đỡ trong việc phát hành cuốn sách này.

Tan Teik Beng

JSM, SMS, KMN, PKT

Phó Chủ Tịch, Hội Truyền Giáo Phật Đà Mã Lai Á

1. Dẫn nhập

Theo quan điểm của người Phật tử, hôn nhân cũng chẳng phải thánh thiện hay phàm tục. Phật giáo không coi hôn nhân là một bổn phận của đạo lý hay một điều thiêng liêng được ban hành từ thiên đường. Kẻ châm biếm nói rằng nếu có người tin là hôn nhân được hoạch định từ thiên đường, thì cũng có kẻ khác lại cho rằng hôn nhân được đăng ký tại địa ngục! Trên căn bản, hôn nhân là bổn phận không bắt buộc của cá nhân và xã hội. Phái nam và phái nữ hoàn toàn tự do lập gia đình hay sống độc thân. Điều này không có nghĩa là Phật giáo chống hôn nhân. Chẳng ai trên đời này nói hôn nhân là xấu, và cũng chẳng có tôn giáo nào chống lại hôn nhân cả.

Trên thực tế, tất cả mọi chúng sanh hiện hữu là do kết quả của dục tình. Vì con người, thể chế hôn nhân được đặt ra để xã hội bảo đảm sự trường cửu của loài người và đoan chắc việc săn sóc các trẻ em. Điều này do một luận cứ cho rằng trẻ con ra đời là do lạc thú của dục tình, nên đôi bên phải có trách nhiệm với chúng cho đến khi chúng khôn lớn và hôn nhân được đặt ra để bảo đảm việc tôn trọng và thi hành trách nhiệm này.

Xã hội phát triển là do những tương quan hổ tương mật thiết và phụ thuộc giữa mỗi người. Mối quan hệ là một lời cam kết nhiệt thành để yểm trợ và che chở cho những người khác sống trong cộng đồng. Hôn nhân đóng một phần quan trọng trong cái mạng lưới yểm trợ và che chở đó. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp phải từ từ lớn mạnh do hiểu biết, chứ không phải do thử thách, do lòng chung thuỷ thật sự chứ không phải do nhu nhược. Thể chế hôn nhân cũng tạo căn bản tốt đẹp cho việc phát triển văn hoá và sự liên kết vui vẻ giữa hai cá nhân cùng chung sống để hết cô đơn và sợ hãi. Trong hôn nhân, vợ chồng đem lại sức mạnh tinh thần và can đảm cho nhau, và mỗi người nên hiểu biết và công nhận giá trị của nhau trong việc săn sóc gia đình. Chồng hay vợ không ai làm chủ ai, người này giúp đỡ người kia bởi vì hôn nhân là một sự hợp tác bình đẳng, rộng lượng, bình an và thành khẩn.

Trong Phật giáo ta có thể tìm thấy những lời khuyên cần thiết giúp chúng ta có một đời sống lứa đôi hạnh phúc. Ta không nên lơ là lời dạy của Đức Phật nếu chúng ta thực tình muốn có một đời sống vợ chồng hạnh phúc. Trong những bài thuyết giảng, đức Phật dạy những điều khuyên bảo cho các cặp vợ chồng và cho những ai muốn tìm hiểu hôn nhân. Ngài nói : “Nếu một người con trai tìm được một người vợ thích hợp và hiểu biết, và một người con gái tìm được một người chồng thích hợp và hiểu biết, quả thật cả hai người đều may mắn.”

Ven. Dr. K. Sri Dhammananda 

Dịch giả: Thích Tâm Quang



Có phản hồi đến “1. Hạnh Phúc Lứa Đôi - Dẫn Nhập”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com