Tết âm lịch qua đi chưa quá lâu, vì thế, tôi muốn chia sẻ một tình tiết nhỏ đã xảy ra trong dịp Tết âm lịch nhiều năm trước. Tôi kể câu chuyện này không phải để nhắm vào ai đó, mà để thấy được quan điểm của Hòa Thượng đối với một số sự việc.

Nhân dịp Tết âm lịch năm 1987, có rất nhiều người tới Vạn Phật Thánh Thành, trai đường khá đầy người trong bữa ăn trưa đó. Vào lúc sự việc này xảy ra, Hòa Thượng đã không ngồi ăn ở trên khán đài, mà Ngài đang đi xuống đâu đó ở phía dưới. Do có quá nhiều người, nên không ai nhận ra rằng Ngài đang đứng ở phía gần cửa kính ra vào. Có ai đó (phán đoán từ những gì xảy ra sau đó, thì có lẽ là một vị tỳ kheo) đã đi lên khán đài và nói mấy lời. Tiếng Hoa của vị ấy không tệ lắm, và vị ấy nói bằng tiếng Hoa “Chúc mừng năm mới, chúc phát tài!” (Cung hỷ phát tài). Ngay khi vị ấy vừa nói những lời này, Hòa Thượng đang đứng cách khá xa, đã la lớn lên không đồng ý và bắt đầu la mắng người diễn giả đó, vị ấy không dám tiếp tục nữa và nhanh chóng rời khỏi khán đài.

Vấn đề ở đây không phải ai là người nói những lời đó, mà ý muốn nói lên kỳ vọng của Hòa Thượng đối với người tu sĩ, đặc biệt là các vị tỳ kheo, là rất cao vì họ mặc áo của Như Lai, sống trong nhà của Như Lai, ngồi trên ghế của Như Lai. Hòa Thượng đã hết sức không đồng ý về việc các đệ tử xuất gia của Ngài trong việc cố thiết lập mối quan hệ với mọi người bằng cách nói những lời như thế.

Khi một trong những phái đoàn của chúng ta đi với Hòa Thượng tới các nước khác, những người nơi đó đã chào đón chúng tôi bằng biểu ngữ, trên đó viết những chữ “Hoằng Pháp Lợi Sanh”. Họ cũng muốn trao tặng biểu ngữ đó cho chúng tôi. Hầu hết mọi người có lẽ sẽ chấp nhận tấm biểu ngữ và rồi chụp ảnh với họ, nói một vài lời lịch sự, nhưng Hòa Thượng không bao giờ chấp nhận biểu ngữ đó. Tôi không nói rằng những gì họ làm là sai, và chúng ta không có quyền chỉ trích cho dù họ đúng hay sai vì chúng ta nên tôn trọng truyền thồng và văn hóa của người khác, nhưng về cơ bản, Sư Phụ không nghĩ theo cách như vậy.

Đây là một sự việc khác. Ngay khi chúng ta phát hành báo Kim Cang Bồ Đề Hải, ấn phẩm phát hành hàng tháng của chùa Vạn Phật Thánh Thành, các công ty in ấn thường nhận các đơn đặt hàng với ít nhất là một nghìn bản. Sau khi in một nghìn bản mỗi tháng và phân phối, chúng tôi đã còn lại một số bản và cất vào kho lưu. Thời gian trôi qua, chúng tôi liên tục phải dành chỗ trong kho để lưu trữ báo Kim Cang Bồ Đề Hải. Trong suốt khóa lễ Quán Âm của một năm nọ, có rất nhiều người và có một người lên nói về báo Kim Cang Bồ Đề Hải rằng, “Báo Kim Cang Bồ Đề Hải là một ấn phẩm rất tốt, có tiêu chuẩn rất cao. Cái giá ba hoặc bốn đô la cho một bản là rất hợp lý”. Đột nhiên, Hòa Thượng đi vào phòng ăn và lớn tiếng nói từ phía sau: “Liệu Vạn Phật Thánh Thành hết tiền hay sao? Có phải tất cả quý vị đang ở trên bờ vực chết đói không mà phải quảng cáo như vậy?” Tất nhiên, người phát ngôn ấy đã không dám tiếp tục và lui về chỗ ngồi của mình. Hòa Thượng lúc đó đứng trước mặt anh ta và mắng anh ta một lúc lâu cho tới khi Ngài biết chắc rằng người vi phạm đã học được bài học. Có phải là Hòa Thượng luôn luôn nghiêm khắc và khắt khe như vậy không? Không phải, Ngài cũng rất thấu hiểu và hợp lý.

Một lần, có vị một vị tăng người châu Mỹ vừa cao và gầy, vị này chịu trách nhiệm lái xe đưa Hòa Thượng ra ngoài mỗi khi Ngài có việc cần đi. Vị tăng này nói tiếng Hoa rất giỏi. Một lần, khi khi lái đến gần thành phố Saratoga, vị ấy nói với Hòa Thượng rằng xe có một số trục trặc cần phải sửa. Hòa Thượng cho phép sửa xe, và trong khi xe đang được sửa, Hòa Thượng gọi một cư sĩ để đưa Ngài đi công việc thay vị tăng đó. Sau khi xong việc, vị cư sĩ đó đề nghị được đưa Hòa Thượng trở lại chùa Vạn Phật hoặc chùa Kim Sơn, nhưng Hòa Thượng nói, “Không, sau khi xong việc, chúng ta cần phải quay trở lại và vị tăng đó sẽ đưa ta về chùa Vạn Phật Thánh Thành. Ta không thể để vị ấy một mình ở đây được”.

Trên đường đi, Hòa Thượng nói với vị cư sĩ này rằng, thực tế, xe không bị hỏng đâu. Tuy nhiên, vị tỳ kheo này xuất gia từ khi rất trẻ và đã không về nhà từ hồi xuất gia, vì thế mà vị ấy không gặp lại mẹ trong một thời gian dài và rất nhớ bà ấy. Vị ấy muốn dừng lại để sửa xe rồi lái xe về nhà thăm mẹ vì nhà vị ấy gần đó. Hòa Thượng đã quyết định cho thầy ấy đi mà không phát lộ kế hoạch của thầy ấy. Vị tỳ kheo này nghĩ rằng không ai biết, nhưng ngay khi vị ấy vừa có ý nghĩ này, Hòa Thượng đã biết ý nghĩ đó. Vào lúc vị cư sĩ này chở Hòa Thượng trở lại, vị tỳ kheo đó nói, “Chiếc xe đã được sửa xong”, và Hòa Thượng rất vui vẻ. Hòa Thượng thậm chí còn đề nghị về thăm nhà của vị tỳ kheo đó, và nói chuyện với mẹ của thầy ấy. Quý vị có thể tưởng tượng nổi tấm lòng quảng đại của Hòa Thượng đối với vị tỳ kheo ấy lớn như thế nào khi Ngài làm như thế. Đối với hầu hết những người có thành viên trong gia đình sống đời tu sĩ, họ sẽ rất buồn và xem đó như là một sự mất mát. Hòa Thượng biết rằng nếu Ngài nói quá nhiều với mẹ của vị tỳ kheo nọ, thì có thể bà ấy sẽ không chấp nhận, nên Ngài chỉ mỉm cười, hỏi thăm bà thế nào và nói những lời an ủi. Sau đó vị tỳ kheo này đưa Hòa Thượng trở về Vạn Phật Thánh Thành. Sau này, khi thầy ấy kể lại những gì xảy ra trong ngày hôm đó, vị tỳ kheo này đã nhận ra rằng Hòa Thượng đã biết về kế hoạch của mình từ lâu rồi, nhưng vì sự hiếu thảo của thầy ấy mà Hòa Thượng đã để cho thầy ấy làm theo kế hoạch. Từ những sự việc như vậy, quý vị có thể thấy được tấm lòng từ bi của Hòa Thượng.

Một câu chuyện khác về một phái đoàn của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới (DRBA) đến Đài Loan. Có một tỳ kheo ni đảm nhận công việc phiên dịch tiếng Anh cho Hòa Thượng. Thỉnh thoảng Hòa Thượng Tuyên Hóa tìm một người phiên dịch khác để họ có thể luân phiên. Tôi cảm thấy rằng vị phiên dịch ấy làm việc rất khá; ít nhất là tôi có thể hiểu cô ấy rất rõ ràng. Tuy nhiên, có một nữ diễn viên điện ảnh trong số thính chúng cảm thấy rằng tiếng Anh của vị phiên dịch đó chưa đủ giỏi. Sau buổi giảng, cô diễn viên điện ảnh nọ đến gặp Hòa Thượng. Lúc đó có rất nhiều người đi theo Hòa Thượng và cô ấy chặn đường Ngài lại. Cô ấy nói với Hòa Thượng rằng cô sẽ tình nguyện dịch cho Ngài trong suốt thời gian Ngài ở Đài Loan. Khi nghe nói như vậy, Hòa Thượng nhìn cô ấy. Và Ngài đã nói gì? Ngài nói, “Hãy thận trọng hơn trong cuộc sống cá nhân của con”. Và rồi Ngài rời đi. Điều mà Hòa Thượng trân quý không phải là sự phiên dịch ấy giỏi như thế nào. Việc phiên dịch hay là một điều tuyệt vời, dĩ nhiên là như vậy, nhưng Hòa Thượng cũng xem xét đến các phẩm chất khác.

Có một sự việc khác khi một nghệ sĩ Đài Loan nói với Hòa Thượng rằng cô ấy muốn xuất gia. Hòa Thượng nhìn cô ấy rồi nói, “Được rồi!”. Nhưng sau đó, Hòa Thượng nói rằng Hòa Thượng đã biết là khi cô ấy tới đó tu, cô ấy chỉ có thể sống ở đó trong ba tháng. Tại sao Hòa Thượng vẫn nhận cho cô xuất gia? Phải mất rất nhiều công việc chuẩn bị để cho cô ấy xuất gia và khi mọi việc làm xong rồi, thì cô ấy bỏ đi. Vậy chẳng phải là tất cả mọi việc đã làm đều là vô nghĩa hay sao? Nhưng Hòa Thượng nói rằng không phải như vậy. Cô ấy đã đau khổ trong rất nhiều kiếp, trong suốt những kiếp đó, cô ấy chưa bao giờ phát thiện tâm hoặc thực hành điều thiện. Thực sự không dễ dàng để cô ấy phát tâm tu hành trong kiếp này. Hòa Thượng đã biết rằng sự phát tâm tu hành của cô ấy còn yếu và điều đó sẽ khiến cho cô ấy sớm thối chuyển. Nếu Ngài không chấp nhận cho cô ấy gia nhập cuộc sống tu sĩ và hoàn thành lời nguyện, thì cô ấy sẽ tiếp tục đau khổ trong vô lượng kiếp tương lai nữa. Đó là lý do tại sao Ngài chấp nhận lời thỉnh cầu của cô ấy. Điều đó không phải vì cô ấy là người tuyệt vời hay bất kỳ điều gì đặc biệt cả.

Có một câu chuyện đã diễn ra trong một tu viện khác. Có một hành giả tu hành rất có công phu về thiền. Ông ấy có thể ngồi tám tiếng đồng hồ liên tục bất động. Đó thực sự là một điều gì đó. Trong suốt khóa thiền, ông ấy ngồi trong hai thời hương, mỗi một thời kéo dài suốt tám tiếng. Ông ấy bắt đầu vào buổi sáng sớm và ngồi cho tới trưa. Sau đó đứng dậy đi thọ trai rồi trở lại tiếp tục ngồi thiền cho đến chiều tối. Phía trước chỗ ngồi của ông ấy là tượng Bồ Tát Quán Thế Âm mà ông ấy dùng để tập trung trong quá trình ngồi thiền.

Sau này, ông ấy gặp phải một vấn đề và không thể đến chùa của chúng ta để xin lời khuyên. Vì thế, ông ấy nhờ một người chuyển câu hỏi tới Hòa Thượng. Một lần nọ, khi ông ấy quay trở lại sàng thiền của mình và quán tưởng tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở phía trước ông ta, đột nhiên, tượng Bồ tát Quán Thế Âm tăng rộng kích cỡ cho tới khi Bồ tát Quán Thế Âm choán đầy hết căn phòng. Ngay cả móng chân của Bồ Tát Quán Thế Âm cũng lớn bằng cái đầu của ông ta. Người hành giả này quá sợ hãi, ông ta hét lên, đẩy cửa ra và chạy ra khỏi phòng. Tất nhiên, ông ta đã làm phiền mọi người xung quanh. Ông ta không biết tại sao điều đó lại xảy ra. Khi ông ta quay trở lại để nhìn vào tượng của đức Quán Thế Âm, thì tượng vẫn như trước. Chẳng có gì thay đổi. Ông ấy không hiểu điều gì đã xảy ra. Ông rất sợ hãi, vì thế đã nhờ người mang câu hỏi tới Hòa Thượng thay ông ta.

Khi nghe câu hỏi này, Hòa Thượng đã nói rằng, “Đó là vì sự bám chấp ngã tướng của ông ta!”. Thông thường ông ta có thể kềm chế được vấn đề của mình nhờ vào định lực và sự tập trung của mình. Tuy nhiên, một khi ông ta thư giãn cho dù một chút xíu, những vấn đề được kềm chế trước đó đã bùng phát đột ngột và ông ta không thể ngăn chặn chúng. Ông ta chỉ nghĩ về việc quay trở lại phòng mình để thiền mà không quan tâm đến bất kỳ vấn đề gì. Ông ta đã không nhận ra rằng có những điểm mù mà ông ta đã kềm chế và không ý thức được rằng những vấn đề đó sẽ bùng nổ ra. Lời giải thích của Hòa Thượng là, “Đó là vì ngã tướng của ông ta quá lớn.”.

Trích từ các buổi nói chuyện của cư sĩ Ngụy Quả Thời tại Phật điện Vạn Phật Thánh Thành trong những ngày 23/2/2015 và 20/4/2015.

(Sưu tầm)



Có phản hồi đến “ Những Câu Chuyện Về Hòa Thượng Tuyên Hóa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com